Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

Con cá rô - Nguyễn đức Giang


 Chú Tỉ nằm dài trên bộ ván ở nhà ông bác ruột của tôi, bất động, mình mẩy lấm bùn. Chú đã bất tỉnh nhân sự mấy tiếng đồng hồ rồi. Ngọn đèn dầu leo lét không đủ soi sáng nơi chú nằm. Hàng xóm kéo đến càng lúc càng đông, và một trong những người đến đầu tiên là tôi. Nhà tôi và nhà ông bác cùng chung một khu vườn. Thím Tỉ, mẹ của chú, goá phụ được gọi bằng tên con trai đầu theo tục lệ, hớt hãi chạy đến, sà xuống bên con ràng rụa  nước mắt. Nhà nghèo nên thím đã cho con trai đầu ở với ông bác tôi. Chú Tỉ lớn hơn tôi cả mươi tuổi, nhưng là vai em trong họ.

<!>

Chú Tỉ cùng với một thanh niên khác được bác tôi thuê đạp nước ngoài đồng với chiếc xe đạp nước đôi bằng gỗ. Nước ruộng đã cạn, chú xách cái chơm xuống ruộng bắt cá. Chú bắt được một con cá rô bằng ba ngón tay. Liền đó, chú thấy một con cá tràu. Trên mình chỉ vận cái quần xà-lỏn, chú cắn đầu con cá rô giữa hai hàm răng để rảnh tay bắt con cá tràu. 

Con cá rô vùng mạnh và chạy tuột vào cổ. Người cùng đạp nước với chú theo dõi, thấy chú đứng há miệng, chỉ tay vào. Anh ta cười, nói chưa bắt được cá mà đã lo ăn. Bỗng nhiên thấy chú bỏ chơm, chạy hướng về cái đập phân hai cánh đồng thuộc hai xã. Chạy được một đoạn thì ngã xuống. Nghĩ là chú bị rắn cắn, anh ta chạy đến vác chú lên đập.
 
Chú Tỉ ú ớ, chỉ tay vào miệng. Con cá rô đã lọt vào trong cổ nhưng còn thấy cái đuôi. Khi được đưa về nhà, chú Tỉ đã bất tỉnh. Cạy miệng chú ra cũng không còn thấy cái đuôi con cá nữa.
      
Một ông thầy mằn được mời đến. Cầm cây đèn sáp ngồi ngay bên cạnh nạn nhân để tăng cường ánh sáng, tôi không nghĩ rằng mấy cây nhang quơ qua quơ lai và mấy câu thần chú đọc lâm râm lại có thể làm cho con cá quay ngược ra hay xuôi vào bụng. Quả thế, ông thầy mằn tỏ vẻ bất lực.
Quê tôi cách Huế 20 km. Ở mỗi cái cầu trên quốc lộ đều có đồn Tây. Đêm hôm, không có phương tiện để chuyển nạn  nhân đi bệnh viện. Có người bàn thử đi nhờ Bà.
 
Thuở trước, chẳng xa xưa gì lắm, có lẽ vào hậu bán thế kỷ 19, trong dòng họ của tôi có một bà ở giá suốt đời. Bà làm thầy thuốc ngoại khoa, chỉ cứu nhân độ thế, chữa bệnh không lấy thù lao. Bà chuyên mặc áo quần màu đà, đi đâu cũng cầm nơi tay chiếc đũa bếp và vài cọng lá môn hoang.
 
Sau khi Bà mất, người làng nhớ ơn đã đóng góp lập mộ và xây miếu để thờ và gọi là Miếu Bà. Về phần gia tộc, Bà được thờ ngang hàng với ông cố ở nhà của một người cháu trai trưởng. Chú Tỉ được đưa đến nhà này, để nằm trên bộ ngựa trước bàn thờ. Gia đình một mặt lên hương đèn khấn vái, mặt khác chạy lên miếu cầu Bà. 

Do tánh hiếu kỳ, tôi vẫn cầm cây đèn sáp trên tay ngồi cạnh nạn nhân. Chừng một tiếng đồng hồ sau, đám người trước sân nhà bỗng rẽ ra. Một người đàn ông đi vào tay cầm một nắm nhang đang cháy, tay kia cầm chiếc đũa bếp và vài cọng môn; theo sau ông là người nhà.
 
Tôi nhận ra là ông trùm Phu, người bà con bên ngoại. Ông trùm Phu, hiện thân của Bà, làm phép cả hai tay trên mình nạn nhân, miệng nói như người say rượu. Tôi chỉ nghe được những tiếng: "ư..ư.. thằng nam…ư..ư..cậu Tài…cậu Quý…" Đoạn ông lấy chén nước trên bàn thờ hớp một ngụm, phun lên mặt nạn nhân, nước phun lên cả đầu tôi.
 
Lạ lùng thay,chú Tỉ há miệng, con cá từ trong miệng văng ra trên bộ ngựa. Không chỉ người nhà mà mọi người hiện diện đều sụp lạy ông trùm Phu như tế sao. Hơi thở chú Tỉ đều đặn trở lại, không còn khò khè như bò nữa. Con cá rô chết hơi cong cong, về sau được người nhà của Bà phơi khô treo cạnh bàn thờ.
 
Ông trùm Phu tỉnh người, ngơ ngác, không hiểu tại sao mình lại ở một nơi lạ lùng thế này. Sau một hồi trà nước tỉnh táo, ông cho biết đi cày về, ngang qua Miếu Bà, quăng cái cày đi vào miếu. Và từ đó, ông không nhớ những gì đã xảy ra.
 
Người nhà cho hay, đang nhang đèn cầu khẩn, bỗng nhiên ông trùm Phu đi vào, xưng là Bà - có một danh xưng gì đó, tôi không nhớ - quơ lấy nắm nhang đang cháy trong lư hương, lấy chiếc đũa bếp trên bàn thờ, hái vài cọng môn được trồng rất nhiều quanh đó. Và bằng giọng đứt khoảng như người say, ông nói: "Ta phải đi cứu thằng nam." Không hỏi chuyện gì đã xảy ra và xảy ra ở đâu ông đi thẳng một mạch về nhà thờ.
 
Chuyện xảy ra vào mùa hè năm 1947. Tôi không nghi ngờ gì, nhưng vẫn có vài thắc mắc, không biết có những nguyên nhân sinh lý nào làm cho con cá rô quay ngược trở lại, không phải ra trong miệng mà văng ra trên ván bộ ngựa.
 
Năm 1959, tôi nằm bệnh viện Huế, được bác sĩ Lê Văn Điềm điều trị. Tôi đem chuyện này kể lại. Bác sĩ Điềm nói: "Impossible, khi bị phun nước lạnh thì các bắp thịt của cơ thể sẽ có phản ứng co bóp. Nhưng tuyệt nhiên cả hai trường hợp không thể xảy ra: con cá rô trong cổ họng không quay đầu lại được và cũng không đi ngược lại với bộ kỳ của nó."
 
Tôi đã nghe nhiều huyền thoại về sự linh ứng của Bà và lần đầu tiên được chứng kiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét