Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

BBC: Tội Ác Kinh Thiên Động Địa Của ĐCSTQ - Trần Phong Vũ

 ________________

* Tù nhân nữ Duy Ngô Nhĩ bị hãm hiếp có hệ thống
* Chính Tập Cận Bình là kẻ chủ dộng gây nên tội ác
* Các nạn nhân đã nói gì với các phóng viên BBC?!

Trong một bài ký sự dài hôm 05-2-2021, các phái viên Matthew, David Campanale và Joel Gunter của đài BBC đã tường trình chi tiết về trường hợp các nạn nhân nữ người Duy Ngô Nhĩ bị hãm hiếp tập thể tại các trại tập trung do Bắc Kinh kiểm soát. Một câu hỏi để ngỏ xin được nêu ra: sự thật kinh hoàng này BBC đã công bố hơn một tháng, lẽ nào chính quyền của ông Biden bà Harris không biết? (Mời độc giả theo dõi bài “Biden bảo vệ chính sách diệt chủng của Trung Cộng” viết ngày 04-3-2021 và đã được post trên trang mạng Vận Hội Mới).

<!>

Đây là kết quả một cuộc điều tra lâu dài của BBC cho thấy những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ  bị đưa vào các trại tập trung  của người Hán đã bị lạm dụng tình dục triền miên, bị tra tấn và hãm hiếp một cách có hệ thống. Điều này có nghĩa là nó nằm trong chủ trương, đường lối của trung ương ĐCSTQ.

Chi tiết dẫn tới sự việc được các phái viên BBC ghi lại như sau:

Chính sách này được khởi xướng từ Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, người đã đến thăm Tân Cương vào năm 2014 sau cuộc tấn công khủng bố của lực lượng ly khai người Duy Ngô Nhĩ. Ngay sau đó, theo các tài liệu bị rò rỉ cho tờ New York Times, Chủ tịch họ Tập đã chỉ đạo các quan chức địa phương phải có biện pháp đáp trả “tuyệt đối không khoan nhượng“.

Bà Tursunay Ziawudun

Bà Tursunay Ziawudun (nạn nhân có hình bên đây) đã trải qua chín tháng trời trong mạng lưới các trại tập trung của Trung Quốc.

Theo lời kể của bà Tursunay Ziawudun thì: kẻ xâm hại bà và các phụ nữ Duy Ngô Nh là Những gã đàn ông luôn đeo mặt nạ, cho dù lúc ấy không có đại dịch. Họ mặc âu phục, chứ không phải đồng phục cảnh sát…. Thi thoảng sau nửa đêm, họ đến phòng giam để chọn phụ nữ mà họ muốn và đưa xuống hành lang dẫn đến một ‘căn phòng đen tối’, nơi không có camera giám sát”.

Nhiều đêm, chính bản thân bà cũng bị như thế. Bà tâm sự:
Đây là vết sẹo khó quên nhất trong suốt đời tôi….”

Bà ngậm ngùi nói tiếp:
“Thực tâm tôi không muốn nói ra những lời này từ chính miệng mình.”

Theo BBC thì rất hiếm các tường thuật trực tiếp từ bên trong các trại tập trung. nhưng một số người từng bị giam giữ và một lính canh đã nói với BBC rằng họ đã trải qua hoặc nhìn thấy bằng chứng về một hệ thống được tổ chức của việc hãm hiếp, lạm dụng tình dục và tra tấn. Bà Tursunay Ziawudun, người đã trốn chạy khỏi Tân Cương sau khi được thả và hiện đang ở Mỹ, nói rằng phụ nữ bị đưa ra khỏi phòng giam “hàng đêm” và bị cưỡng hiếp bởi một hoặc nhiều đàn ông đeo mặt nạ người Trung Quốc. Bà nói mình đã bị tra tấn và bị hãm hiếp tập thể đến ba lần, mỗi lần bởi hai hoặc ba gã đàn ông.

Ziawudun đã nói chuyện với giới truyền thông trước đây, nhưng chỉ từ Kazakhstan, nơi bà sống trong nỗi sợ hãi thường trực có nguy cơ bị đưa trở về lại Trung Quốc. Bà bộc bạch rằng bà tin tưởng nếu mình tiết lộ mức độ của việc lạm dụng tình dục mà chính bà đã trải qua và chứng kiến, nếu bị đưa trở về Tân Cương, bà sẽ hứng chịu sự trừng phạt khắc nghiệt hơn trước.

           Theo BBC, trên thực tế, việc xác minh mọi lời nói của Ziawudun là điều bất khả bởi lẽ Trung Quốc đã đưa ra những hạn chế khốc liệt đối với giới phóng viên trong nước. Tuy nhiên, những giấy tờ thông hành và hồ sơ nhập cảnh mà bà  Ziawudun cung cấp cho BBC đã chứng thực dòng thời gian cho câu chuyện của bà. Những mô tả của Ziawudun về trại ở Tân Cương – được gọi trong tiếng Uighur là Kunes – trùng khớp với hình ảnh vệ tinh do BBC phân tích, và lời tường thuật của bà về đời sống hàng ngày bên trong trại, cũng như bản chất và hình thức ngược đãi, tương thích với các lời kể khác từ những người từng bị giam giữ.

BBC cũng phỏng vấn một phụ nữ Kazakh -cô Gulzira Auelkhan ở Tân Cương-, người bị giam 18 tháng trong hệ thống trại.

Hình này của cô Auelkhan chụp tại nhà ở trong làng khi cô chưa bị bắt

Sau một thời gian, cảnh sát giao ‘việc’ cho cô.

Cô Auelkhan cho biết:

“Việc của tôi là cởi bỏ quần áo của nạn nhân phía trên thắt lưng và còng tay để họ không thể cục cựa”, Gulzira Auelkhan vừa nói, vừa bắt chéo cổ tay sau đầu để minh họa. “Sau đó, tôi để những người phụ nữ đó ở lại phòng và một người đàn ông bước vào – một số là đàn ông Trung Quốc từ bên ngoài hoặc là cảnh sát. Tôi ngồi lặng im bên cửa, và khi người đàn ông rời khỏi phòng, tôi dọn dẹp các phòng ốc, đưa người phụ nữ đi tắm gội”

Cô cho hay: “Những người đàn ông Trung Quốc sẽ trả tiền để được chọn những phụ nữ trẻ đẹp nhất “.

Một số người từng bị giam giữ trong các trại đã tả lại rằng họ bị buộc phải hỗ trợ lính canh nếu không sẽ chịu hình phạt. Auelkhan cho biết cô bất lực trong việc kháng cự hay can thiệp vào. Khi được hỏi liệu có chuyện hãm hiếp được tổ chức có hệ thống không, cô xác nhận là: “Có.”

Lai lịch bà Tursunay Ziawudun.

Bà thuộc sắc dân Duy Ngô Nhĩ, một nhóm thiểu số người Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu theo Hồi giáo với số lượng khoảng 11 triệu dân ở Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. Khu vực này giáp với Kazakhstan và cũng là nơi sinh sống của dân tộc Kazakhstan. Bà Ziawudun, 42 tuổi, chồng bà là người Kazakhstan.

Hai vợ chồng trở về Tân Cương vào cuối năm 2016 sau 5 năm trú ngụ tại Kazakhstan, họ bị thẩm vấn khi đặt chân đến đó và bị tịch thu hộ chiếu. Vài tháng sau, bà được cảnh sát thông báo đến tham dự một cuộc họp cùng với những người Uighur và Kazakhstan và cả nhóm bị vây bắt và giam giữ.

Bà cho hay, khoảng thời gian đầu bị giam tương đối dễ dàng. Sau một tháng, bà bị loét dạ dày và được thả ra. Hộ chiếu của chồng bà đã được trả lại và ổng trở lại Kazakhstan để làm việc, nhưng chính quyền đã giữ Ziawudun, nhốt bà ở Tân Cương. Các báo cáo cho thấy Trung Quốc đã cố tình giam giữ những người thân lại để ngăn việc những người rời đi sẽ lên tiếng. Bà bị đưa trở lại cơ sở giống như nơi giam giữ trước đây ở quận Kunes, nhưng địa điểm đã được sửa sang lại. Những chiếc xe buýt xếp hàng dài bên ngoài đưa xuống những người ‘tù nhân mới’.

Hình ảnh vệ tinh từ năm 2017 (trái) và 2019 (phải) cho thấy sự phát triển đáng kể của các trại, trông giống như các tòa nhà ký túc xá và nhà máy (Nguồn hình ảnh, Maxar)

Những phụ nữ bị tịch thu đồ trang sức. Ziawudun nói, bông tai của bà bị giật phăng, khiến tai bà chảy máu, và bà bị nhốt vào phòng với một nhóm phụ nữ khác. Trong số họ có một phụ nữ lớn tuổi mà sau này trở thành bạn của Ziawudun.

Ziawudun kể lại, lính canh đã kéo chiếc khăn trùm đầu của những người phụ nữ ra và quát mắng người phụ nữ già vì mặc váy đầm dài – một trong những hình thức biểu đạt tôn giáo đã bị coi là hành vi chống đối mà người Uighurs có thể bị bắt giữ hồi năm đó. Bà Ziawudun kể lại: “Họ lột hết quần áo của người phụ nữ lớn tuổi, chỉ còn độc mảnh nội y. Bà ấy ngượng ngùng đến độ phải cố lấy tay che. Tôi khóc nấc lên khi chứng kiến cách bà ấy bị đối xử tàn bạo!

Những đòn tra tấn hãi hùng

Là một nạn nhân thoát thân được qua Hoa K ỳ, bà Tursunay Ziawudun là người đã cung cấp cho BBC khá nhiều chứng tá về bản thân cũng như những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bà gặp trong trại tập trung. Nối kết những đoạn trong ký sự của BBC, trong một đoạn sau đó, bà Ziawudun cho biết  từng gặp cô Auelkhan khoảng tháng 5 năm 2018 với dáng rất trẻ, chỉ khoảng 20 tuổi. Đêm ấy cô ta bị đem đi cùng với một cô gái khác.

Bà nhớ lại: “Ngay khi cô gái được dưa vào trong đó, nghe tiếng cô bắt đầu la hét. Tôi không biết phải giải thích làm sao với bạn, tôi nghĩ họ đang tra tấn cô ấy. Tôi chưa nghĩ đến việc họ cưỡng dâm.”

Khoảng một tiếng sau, người bạn cùng phòng của bà được đưa trở lại. Ziawudun cho biết: “Cô ấy trở nên khác hẳn sau hôm đó, cô không nói chuyện với bất cứ ai, cô ấy ngồi lặng lẽ nhìn chằm chằm như thất thần. Có nhiều người trong những phòng giam bị điên loạn.”

Bà nói:  Họ không thể tiết lộ với bất kỳ ai những gì đã xảy ra, họ chỉ có thể nằm xuống, cam đành trong yên lặng. Việc này được thiết kế để hủy hoại tinh thần của mọi người.”

Vẫn theo bà  ZiaWudun, một số phụ nữ đã bị đưa ra khỏi phòng giam vào ban đêm không bao giờ quay về nữa. Những người được đưa trở lại bị đe dọa không được hé môi với người khác trong phòng giam về những gì đã xảy ra với họ. Sau khi nhập trại, những người phụ nữ được yêu cầu nộp hết giày dép và bất kỳ quần áo nào có dây thun hoặc cúc áo, sau đó được đưa đến các ô giam lỏng – “trông giống như một khu phố nhỏ của người Hoa nơi có những dãy nhà cao ốc”

Không có gì xảy ra đáng nói trong một hoặc hai tháng đầu tiên. Họ bị ép phải xem các chương trình tuyên truyền trong phòng giam và buộc phải cắt tóc ngắn. Sau đó, cảnh sát bắt đầu thẩm tra Ziawudun về người chồng vắng bóng của bà, đánh bà gục xuống sàn khi bà phản kháng và đá vào bụng. Bà cho hay

“Giày ống của cảnh sát rất cứng và nặng, vì vậy thoạt đầu tôi nghĩ rằng hắn đã đánh tôi bằng thứ gì khác. Sau đó, tôi nhận ra rằng hắn ta đang đạp lên bụng tôi. Tôi gần như ngất xỉu – tôi cảm thấy một cơn nóng bừng chạy qua người.”

Một bác sĩ của trại nói với bà rằng bà có thể bị tụ máu bầm. Khi các bạn cùng phòng quan tâm đến việc bà bị chảy máu, các cai ngục trả lời rằng “phụ nữ bị chảy máu là chuyện bình thường”, bà kể lại.

Đoạn phim bí mật do nhóm hoạt động Bitter Winter thu được cho thấy các phòng giam có song sắt và camera (Nguồn hình ảnh, Bitter Winter)

Theo Ziawudun, mỗi phòng giam là nơi ở của 14 phụ nữ, với giường tầng, song sắt ở cửa sổ, bồn rửa mặt và nhà vệ sinh kiểu ngồi chồm hổm trên nền nhà. Bà nói, lần đầu tiên nhìn thấy phụ nữ bị đưa ra khỏi phòng giam vào ban đêm, bà đã không hiểu tại sao. Bà đã nghĩ họ đã được chuyển đi nơi khác.

Bản thân bà Ziawudun, buổi tối hôm Auelkhan bị đem đi bạo hành, bản thân bà cũng bị đưa vào phòng bên cạnh phòng cô gái. Bà ngậm ngùi kể lại:

“Họ có một cây gậy điện, tôi không biết gọi nó là gì, và nó đã được thọc vào bên trong cơ thể tôi, tra tấn tôi bằng giật điện!”

Ông Zenz, một nhân vật khác đã nói với BBC rằng lời kể được thu thập cho câu chuyện này là “một số bằng chứng kinh khiếp nhất mà tôi từng thấy kể từ khi những hành động bạo tàn bắt đầu”. Ông nói thêm:

“Điều này xác nhận lại những thứ tồi tệ nhất mà chúng tôi đã từng nghe trước đây. Nó cung cấp bằng chứng cụ thể mang tính cách thẩm quyền và chi tiết về việc lạm dụng và tra tấn tình dục ở cấp độ rõ ràng, lớn hơn những gì chúng ta đã hằng nghĩ.”

Ziawudun đã xúc động đến bật khóc khi xác nhận các đoạn phim quay và hình ảnh các trại tập trung giam giữ người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ

Qelbinur Sedik, một phụ nữ người Uzbek ở Tân Cương, là một trong số các giáo viên dạy tiếng Trung Quốc được đưa vào trại và bị cưỡng ép giảng bài cho những người bị giam giữ. Sedik đã trốn khỏi Trung Quốc và công khai nói về trải nghiệm của mình.

Trại dành cho phụ nữ bị “kiểm soát chặt chẽ”, Sedik nói với BBC. Nhưng cô đã nghe thấy những câu chuyện liên quan tới những dấu hiệu và tin đồn về việc hãm hiếp. Một ngày nọ, Sedik thận trọng tiếp cận một nữ cảnh sát trại người Trung Quốc mà cô quen biết.

“Tôi hỏi cô ta lả, ‘Tôi đã nghe một số chuyện khủng khiếp về việc hiếp dâm, cô có biết không?’ Cô ấy nói chúng ta nên nói chuyện ở trong sân vào bữa trưa.

Cô cho biết tiếp “Nghe lời, tôi ra chỗ sân, nơi không có nhiều camera giám sát. Cô ấy nói: ‘Đúng vậy, hãm hiếp đã trở thành dạng văn hóa. Đó là hiếp dâm tập thể và cảnh sát Trung Quốc không chỉ cưỡng hiếp họ mà còn dùng điện giật họ. Họ phải chịu đựng sự tra tấn khủng khiếp.”

Đêm đó Sedik nói cô không tài nào chợp mắt được chút nào. “Tôi đã nghĩ về đứa con gái đang đi du học của mình và khóc cả đêm.”

Sayragul Sauytbay, một giáo viên, cho biết bà đã chứng kiến một vụ cưỡng hiếp kinh tởm. Sau đó bà bị buộc tội vượt biên trái phép vào Kazakhstan.

Trong lời khai riêng với Dự án Nhân quyền Uyghur, Sedik nói cô đã nghe về một chiếc gậy có điện được đưa vào thân thể phụ nữ nhằm tra tấn họ – đồng nhất với trải nghiệm mà Ziawudun đã mô tả-.Sedik nói đã có “bốn loại giật điện – ghế, găng tay, mũ, và hãm hiếp lỗ hậu bằng gậy. Những tiếng gào thét vang vọng khắp tòa nhà’”, cô nói. Tôi có thể nghe thấy chúng trong bữa trưa và thi thoảng lúc tôi đứng lớp.”

Sayragul Sauytbay, một giáo viên khác bị buộc phải giảng dạy trong trại, nói với BBC rằng “hãm hiếp là phổ biến,và các lính canh chọn các cô gái và phụ nữ trẻ mà họ muốn và đưa họ đi”.

Bà mô tả đã chứng kiến một vụ cưỡng hiếp tập thể đáng ghê tởm của một cô gái chừng 20 hoặc 21 tuổi, cô bị đem ra trước khoảng 100 người bị giam giữ khác để thú tội. Sauytbay nói:

“Sau đó, trước mặt mọi người, bọn cảnh sát đã thay phiên nhau cưỡng hiếp cô ấy, Trong khi thực hiện bài kiểm tra này, họ quan sát mọi người rất kỹ lượng và chỉ ra bất kỳ ai có cử điệu chống cự, siết chặt nắm tay, nhắm mắt hoặc nhìn đi chỗ khác và rồi bắt những người đó chịu hình phạt.”

Sauytbay kêu lên:.

“Thật khủng khiếp! Tôi cảm thấy như mình đã chết. Tôi đã chết.”

Bà Ziawudun cho biết, phụ nữ buộc đeo vòng tránh thai hoặc cưỡng bức triệt sản, kể cả người mới chỉ độ 20 tuổi.

Việc cưỡng bức triệt sản người Uighurs đã phổ biến rộng rãi ở Tân Cương, theo một cuộc điều tra gần đây của Associated Press. Chính phủ Trung Quốc nói với BBC rằng các cáo buộc là “hoàn toàn vô căn cứ”.

Cũng như các biện pháp can thiệp y tế, những người bị giam giữ trong trại Ziawudun phải dành hàng giờ để hát các bài ca yêu nước của Trung Quốc và xem các chương trình truyền hình về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bà nói.

“Bạn quên mọi suy nghĩ về cuộc sống ngoài kia. Tôi không biết họ đã tẩy não chúng tôi hay đó là tác dụng phụ của việc tiêm và uống thuốc, nhưng bạn không thể nghĩ gì hơn ngoài việc ước mình được ăn no, giản dị vì trong các trại tập trung, tình trạng đói ăn rất trầm trọng”.

Họ Tập: Kiến Trúc Sư cuộc diệt chủng dân Duy Ngô Nhĩ

Theo lời một cựu lính canh nói với BBC qua video từ một quốc gia bên ngoài Trung Quốc thì những người bị giam giữ bị bỏ đói vì những vi phạm như không nhớ chính xác các đoạn trong sách về Tập Cận Bình. Ông nói:

“Có lần chúng tôi đưa những người bị bắt vào trại tập trung, và tôi thấy mọi người bị buộc phải thuộc lòng những cuốn sách đó… Những người không đạt yêu cầu phải chịu các mức hình phạt khác nhau, bao gồm bị bỏ đói và đánh đập. Tôi đã vào những trại đó. Tôi đưa những người bị bắt vào những trại đó, Tôi đã nhìn thấy những người bệnh, khốn cùng đó. Họ chắc chắn đã trải qua nhiều kiểu tra tấn khác nhau. Tôi chắc chắn về điều đó.”

Tập Cận Bình

Tuy không thể xác minh một cách độc lập lời khai của người lính canh nhưng người này đã cung cấp các tài liệu có vẻ như đúng là đương sự đã làm ở trại tập trung một thời gian. Ông đồng ý kể lại với điều kiện ẩn danh. Người lính gác này nói ông ta không biết gì về việc hãm hiếp trong các khu vực phòng giam. Khi được hỏi liệu lính canh trại có dùng các dụng cụ giật điện không, ông nói:

“Có. Họ sử dụng những dụng cụ giật điện đó.”

Sau khi bị tra tấn, những người bị giam giữ bị buộc phải thú tội về một loạt các hành vi phạm tội.

“Tôi nhớ những lời thú nhận đó từ trong tâm can,” ông nói.

Vẫn theo ông thì Chủ tịch Tập hiện diện mọi nơi của các khu trại. Hình ảnh và khẩu hiệu của ông ta tô điểm cho các bức tường;. Ông là đỉnh điểm, là trọng tâm của chương trình “cải tạo”.

Charles Parton, cựu quan chức ngoại giao Anh tại Trung Quốc và hiện là cộng sự cấp cao tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia cho biết ông Tập là kiến trúc sư của chính sách diệt chủng nhắm vào người Uighurs.Parton nói:

“Nó mang tính trung ương và đi đến đầu não. Không có nghi ngờ gì về việc đây là chính sách của Tập Cận Bình.”

Chính phủ Trung Quốc đã không trả lời trực tiếp các câu hỏi của BBC về các cáo buộc hãm hiếp và tra tấn. Nữ phát ngôn viên nói và cho biết chính phủ “rất coi trọng việc bảo vệ quyền của phụ nữ”.

Theo bà Ziawudun, kẻ ác đã không nương tay. Bà nói trong nước mắt:

“Họ không chỉ hãm hiếp mà còn cắn khắp nơi trên cơ thể bạn, bạn không biết họ là người hay súc vật”, bà nói, lấy khăn giấy chậm để ngăn dòng nước mắt và dừng lại một lúc lâu để thu xếp ý nghĩ. “Chúng không chừa bất cứ nơi nào trên cơ thể, chúng cắn xé khắp nơi để lại những vết hằn kinh khủng.

Tôi đã trải qua điều đó ba lần. Và không chỉ một người hành hạ, không chỉ một kẻ thủ ác. Mỗi lần là hai hoặc ba gã đàn ông.”

Bà  Ziawudun được thả tự do vào tháng 12 năm 2018. Họ đã trả lại hộ chiếu cho bà.  Ngay lập tức bà đã bỏ trốn đến Kazakhstan và sau đó, với sự hỗ trợ của Dự án Nhân quyền Uyghur, bà đến Mỹ. Bà đang nộp đơn để được ở lại. Bà sống ở một vùng ngoại ô yên tĩnh không xa Washington DC với một chủ nhà thuộc cộng đồng Uighurs địa phương.

Hai người phụ nữ cùng nhau nấu ăn và đi dạo quanh các con phố gần nhà. Đó là một nhịp sống chầm chậm, không biến động. Ziawudun để đèn không quá sáng khi bà ở trong nhà, bởi vì ở trại, đèn được chiếu rất sáng và liên tục.

Theo một nghiên cứu độc lập – một hệ quả mà các nhà phân tích đã mô tả là “nạn diệt chủng nhân khẩu học”.

“Nhiều người trong cộng đồng đã chuyển sang uống rượu”, Ziawudun nói.

Nhiều lần, bà nhìn thấy người từng bị giam cùng với mình gục trên đường – người phụ nữ trẻ bị đưa ra khỏi phòng giam cùng với bà vào đêm đầu tiên, người mà bà nghe thấy tiếng la hét trong một căn phòng sát vách.

Bà nói:

Cô ấy giống như một người đơn giản chỉ tồn tại, hoặc là cô ấy đã chết, hoàn toàn bị kết liễu qua những cuộc cưỡng hiếp. Họ nói rằng mọi người đã được trả tự do, nhưng theo tôi, tất cả mọi người rời khỏi trại cũng đồng nghĩa cuộc đời họ chấm dứt.”

“Và đó, -bà nói-, là Kế-hoạch. Giám-sát, Giam-giữ, Huấn-luyện, Ác-qủy- hóa, Dạy-dỗ, Làm-mất-nhân-tính, Triệt-sản, Tra-tấn, Hãm-hiếp…  Mục tiêu của họ là hủy hoại tất cả mọi người. Và ai cũng biết điều đó”.

Một tuần sau khi đến Mỹ, bà Ziawudun đã phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung – hậu quả của bạo lực, bao dâm, vi phạm nhân phẩm.

“Tôi đã không còn cơ hội làm mẹ”, bà nói. “Tôi muốn chồng tôi được qua Mỹ. Hiện tại, anh ấy đang ở Kazakhstan”.

Trần Phong Vũ
Nam California, ngày Thứ Hai 08-3-2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét