Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

TƯỚNG ĐỔ CAO TRÍ NGƯỜI CHẾT KHÔNG YÊN - N.H.H

 

Đại Tướng Đỗ Cao Trí, một danh tướng được thế giới nể phục, một tài danh và là niềm hãnh diện của tỉnh Biên Hòa. Ông đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của Cộng sản miền Bắc, bảo vệ  miền Nam tự do. Nếu ông còn sống chắc có lẽ  không có ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lịch sử đã sang trang, nhưng đối với kẻ chiến thắng “Nghĩa tử không là nghĩa tận” nên người chết vẫn không yên. Để nhắc nhớ  cũng như giúp giới trẻ sinh ra sau chiến tranh được  biết về Tướng Đỗ Cao Trí, chúng ta cùng đọc lại trong phần bài viết của cựu Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi:
<!>
”Trong buổi lễ xuất quân đánh sang Campuchia của Lữ đoàn 3 Kỵ Binh tháng 1 năm 1971, Trung Tướng tuyên bố là ông sẽ sống và chết với ba quân trên chiến trường. Ông đã giữ đúng lời hứa. Ông đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho Quân đội và Tổ Quốc. Sáng ngày 23 tháng 2 năm 1971, sau khi dự buổi thuyết trình sáng ở Bộ tư lệnh hành quân Quân Đoàn III tại Tây Ninh, như  thường lệ, ông lên trực thăng chỉ huy bay sang Campuchia. Trực thăng vừa cất cánh bay lên hướng Bắc được vài phút thì phát nổ. Tất cả mọi người trên trực thăng đều tử vong. Tin Trung Tướng Đỗ Cao Trí tử trận làm xúc động dư luận trong nước và thế  giới. Báo Times và Newsweek  loan tin ca ngợi tài năng và lòng dũng cảm của ông. 
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu truy thăng ông lên Đại Tướng. Đại Tướng Creighton Abrams, Tổng tư lệnh quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam đã nghiêng mình trước linh cữu ông”
Là một vị Tướng dũng cảm khi sống  chiến đấu với lính nơi tuyến đầu lửa đạn, khi chết đi thân xác của ông được an táng bên cạnh những người lính tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa cũng đổi thay theo vận mạng của đất nước. Bằng sự thù hận của người chiến thắng, tượng Thương Tiếc bị lật đổ và những năm sau đó chính quyền cộng sản cũng không muốn mộ phần của Tướng Đỗ Cao Trí tồn tại nơi Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa dù nơi đây đã trở thành hoang phế. Gia đình chỉ được phép mang đi phần cốt, riêng phần kim và hiện vật nhất là những huy chương vàng, huy chương bạc được xếp vào tài sản của chính quyền cộng sản.
Người chết vẫn không yên, căn nhà số 7 đường Trịnh Hoài Đức cũ là của thân phụ Tướng Đỗ Cao Trí, là nơi thờ phượng và lưu giữ tư vật của người đã mất, cũng bị chính quyền cộng sản tìm cách san bằng có dự tính, qua việc mở con đường nhỏ dài không quá 500m nối giữa đường Trịnh Hoài Đức và Phan Đình Phùng.
Theo lời kể của anh Đỗ Cao Thông người em út của ông hiện đang sống tại Paris:
“Năm 1984, sau khi tôi đi cải tạo về chánh quyền CS ở Biên Hòa thông báo cho gia đình biết là nên bốc mộ Đỗ Cao Trí nếu gia đình không làm thì họ sẽ làm. Tôi và anh Đỗ Cao Phước bàn nhau tìm người nào làm với tiền công gia đình có thể trả được. Lúc đó tôi nghèo lắm, cải tạo ra có còn gì đâu. Tôi thì ngủ nhờ ngoài hiên nhà anh chị 6 Thanh( nhà đã bị tịch thu 2 năm sau ngày vào trại cải tạo). Anh Phước thì cũng mới vừa ra trại. Sau cùng cũng tìm được người bốc mộ vẫn còn giữ sự tôn kính với người đã khuất bằng giá cả tượng trưng.
 Mộ do công binh làm nên chắc chắn lắm, phải đục một lớp béton dầy khoảng 20 cm, ở bên trong vẫn còn nguyên vẹn, bao nhiêu huy chương khuy áo bằng kim loại đều bị tịch thu vì họ tưởng là vàng (khi bốc mộ có công an chìm nổi đứng chung quanh). Sau đó hài cốt được đem thiêu tại Hóa An, vì hỏa thiêu bằng củi nên tro cốt còn sót lại nhiều. Tôi lấy một phần tro rải xuống sông Đồng Nai (gần cầu xa lộ ngó qua thấy Cù Lao) để một phần tro của anh trôi được trở về với quê hương, phần còn lại cho vào hủ sành đem về thờ. 
Đến năm 2000, thân nhân ở Bến Gổ cho hay là dân đã lấn đất vào đất nghĩa trang gia đình, có phần mộ của ông bà, cha mẹ, chú bác… chánh quyền sở tại bảo phải lo di dời vì nơi đó sẽ thành khu dân cư. 
Anh 2 Đỗ Cao Minh bên Pháp buồn lắm, gia đình bàn bạc với quyết định là chuyển hết qua Pháp. Thế là công việc bắt đầu, mua đất ở nghỉa trang, thuê người xây mộ bia. Ở Việt Nam thì vợ chồng anh Đỗ Cao Phước thuê người bốc mộ, xong chuyển vào chùa chờ đợi.
Trong cuối tháng 6/2014, gia đình ĐỖ CAO đã chuyển được hài cốt của thân nhân từ Biên-Hòa qua Pháp và cải táng tại nghĩa trang Saint-Germain du Corbéis, tỉnh Alençon sau một thời gian dài (4 năm thủ-tục) vì nghĩa trang gia-đình ở Bến-Gỗ sẽ bị xóa sổ. Hài cốt gồm ông bà nội Đỗ-cao-Sô, ông bà thân sinh Đỗ-cao-Lụa và Tô-thị-Dinh, ông chú Đỗ-cao-Thuận, anh thứ ba Đỗ-cao-Khải và Tướng Đỗ-cao-Trí . Con người ai cũng có cái sống và cái chết, nhưng chết rồi cũng không được để yên. Thôi đành phải xa lià quê hương lần nữa.”
Đã gần 40 năm chấm dứt chiến tranh, kẻ thắng trận  luôn kêu gọi xóa bỏ hận thù và hòa hợp hòa giải dân tộc. Chỉ tiếc là chính quyền cộng sản không xử sự được một phần như hành sử của người Mỹ sau cuộc chiến tranh nam bắc và cũng không có được tình cảm của người cựu thiếu tá Việt Nam Cộng Hòa, sau 13 năm tù đầy biệt xứ, vẫn còn đủ tấm lòng thương cảm với những người lính bên kia đã chết trong cuộc chiến:
“Ta địch bạn thù chung bia mộ,
Chung lời thương tiếc tiễn đưa nhau...”
Công và tội với đất nước lịch sử đời sau sẽ phán xét. Nhưng trong hiện tại, trên con đường xây dựng tự do dân chủ và chống giặc phương Bắc, làm sao có thể tin được người cộng sản thực tâm xóa bỏ hận thù và hòa hợp dân tộc với người sống, khi người chết vẫn chưa yên…

N.H.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét