Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

‘Thoát chết’ vì COVID-19, người Việt ở San Jose giúp cộng đồng, tri ân cuộc sống - Đoan Trang/NV

 

Trung Lâm (trái) và bạn hữu chuẩn bị chương trình Covid Care Package. (Hình: FB Ngoc Rachel Nguyen) - SAN JOSE, California (NV) – Đại dịch COVID-19, cho đến nay, đã cướp đi sinh mạng của nửa triệu người ở Mỹ. Nhưng trong hơn 28 triệu người bị nhiễm bệnh, cũng đã có gần 19 triệu người được hồi phục nhờ chữa trị. Nhiều bệnh nhân COVID-19 trong cộng đồng người Việt ở San Jose, sau khi lành bệnh đã tìm cách giúp đỡ người khác, cả về vật chất lẫn tinh thần, như một cách để tri ân cuộc sống. “Banh xác” vì “Cô-Vy” “Sau một lần đi với mấy người bạn về, tôi bị ho và nhức đầu kinh khủng. Đó là Tháng Bảy, 2020, ngay trong đại dịch COVID-19. Tôi đi test, và biết mình đã được ‘nàng Cô-Vy’ ghé thăm,” anh Trung Lâm, cư dân thành phố San Jose, kể.

<!>

Là người siêng năng tập luyện thể dục, thể thao, nên khi “dính” bệnh, Trung Lâm rất lo lắng. Anh gọi cho bác sĩ để xem có được cho một loại thuốc đặc trị nào đó. Nhưng anh chỉ nhận được lời khuyên: Cứ ở nhà, ho thì uống thuốc ho, nhức đầu thì uống Tylenol.

Trumg Lâm cho biết sau các triệu chứng như ho, nhức đầu, mấy ngày sau anh cảm thấy khó thở, bị mất vị giác, và nằm li bì, không muốn ăn uống gì. “Chỉ trong vòng hai tuần, tôi xuống 10 pounds. Tôi hoàn toàn không chủ động được thân thể mình,” anh Trung nói.

“Tôi cũng cố gắng gượng dậy để đi bộ, nhưng mới bước chừng 20 foot thì ngã lăn đùng ra bãi cỏ vì không đủ sức để đi tiếp.”

Cảm thấy sức khỏe đi xuống quá nhanh, anh hoảng hốt và muốn vào bệnh viện để được điều trị. Nhưng câu trả lời của bác sĩ vẫn là “Cứ ở nhà, trừ khi thở không được thì mới vào bệnh viện, vì trong đấy họ cũng chỉ cho máy hỗ trợ thở mà thôi!”

Không chấp nhận đầu hàng, anh Trung quyết định tự cứu mình bằng cách hàng ngày cố gắng ăn những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, uống nhiều vitamin C, và cách hiệu quả nhất, theo anh, là xông hơi.

“Tôi bỏ gói xông mà thành phần chính là xả và chanh vào nồi, đun sôi, rồi xông ngày hai lần,” anh Trung kể. “Khi xông, cố gắng hít sâu mùi xả để giúp thanh lọc cơ thể.”

Khi cảm thấy đỡ hơn, anh đi xét nghiệm lại và vui mừng nhận được kết quả âm tính với COVID-19. Tuy vậy, anh vẫn chưa hết các di chứng.

“Thời điểm này, tính ra tôi đã lành bệnh được hơn nửa năm, nhưng sức khỏe vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Mỗi lần tập luyện nặng hay chạy bộ, tôi cảm giác hơi của mình ngắn hơn trước. Hy vọng, tình trạng này chỉ là tạm thời,” anh nói.

Anh Trung Lâm, hơn nửa năm sau khi “banh xác” vì COVID-19. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Giờ nhớ lại quãng thời gian muốn ‘banh xác’ vì nó (COVID-19) tôi vẫn còn sợ,” anh Trung Lâm tâm sự với nhật báo Người Việt.

“Trong lúc ‘tơi bời hoa lá’ tôi hoảng loạn lắm. Nghĩ không biết có qua nổi ‘con trăng’ này không, tôi gọi cho bạn bè nói muốn làm di chúc.”

Được gia đình và bạn bè động viên, tinh thần của anh Trung được vực dậy.

“YouTube là người bạn tốt nhất giúp tôi bớt căng thẳng. Tôi xem phim, kịch hài, nghe nhạc, và nghe thuyết pháp vui vẻ của Thầy Pháp Hòa và sư cô Hương Nhũ, nên tinh thần mạnh mẽ hơn.”

Vợ chồng bị nhiễm COVID-19: Kẻ đi, người ở lại

Cùng là bệnh nhân COVID-19, tình cảnh của vợ chồng chị Lê Kim Phượng, cư dân San Jose rất đáng thương.

Ngày 12 Tháng Tám năm ngoái, chồng chị Phượng nhập viện do bị nhiễm COVID-19 và không thở được. Ngay ngày hôm sau, 13 Tháng Tám, đến phiên chị Phượng phải vào nhà thương.

Chị kể: “Họ sắp xếp cho vợ chồng tôi ở chung một phòng trong bệnh viện. Sau một tuần, chồng tôi được chuyển đi. Từ đó tôi không nghe được tin tức gì về bệnh tình của chồng. Do tôi có sẵn bệnh suyễn, nên bị nặng hơn anh.”

Ngày 12 Tháng Chín, khi bác sĩ đã làm hết cách để cứu sống chồng chị Phượng nhưng không thành công, anh được rút ống thở. “Hôm ấy, bác sĩ mở Facetime cho tôi… nhìn mặt chồng lần cuối trước khi họ rút ống,” chị Phượng nói trong đau đớn.

Người quả phụ trẻ chưa bước sang tuổi 40 không thể lo được hậu sự cho chồng vì khi ấy chị vẫn còn đang được điều trị trong bệnh viện. Mãi gần một tuần sau, vào ngày chồng chị được đưa đi hỏa táng, thì chiều tối hôm ấy chị mới được bác sĩ cho về nhà.

Khi kể lại câu chuyện, chị Phượng cứ nói đi nói lại một câu: “Đến giờ tôi vẫn không hiểu sao chồng tôi lại ra đi. Anh là người khỏe mạnh, đâu có bệnh như tôi. Sao anh lại bỏ tôi sớm như thế chứ!”

Cái chết đột ngột của chồng khiến chị Phượng rơi vào trầm uất khi vẫn đang phải chiến đấu với COVID-19. Chị bị stress rất nặng. Mái tóc đen dài của chị ngày trước, giờ chỉ còn vài cọng loe hoe.

Chỉ sau hơn một tháng nằm trong bệnh viện, đôi chân của chị bị teo lại, khiến chị đi không vững. Chị mất 25 pound, nhưng thân trọng có thể lấy lại, còn mất mát không gì bù đắp được, là sự ra đi không bao giờ trở lại của người chồng chị một mực yêu thương – cha của ba đứa con, mà đứa nhỏ nhất mới lên sáu.

Cũng may, chị Phượng còn nhờ được con. Đứa lớn chăm đứa nhỏ. Chị dần bình phục, một phần nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt ở thành phố San Jose nơi chị đang sống, đặc biệt là những chia sẻ kinh nghiệm của người từng nhiễm COVID-19 như anh Trung Lâm.

Chị Lê Kim Phượng vẫn còn mang nhiều di chứng về thể xác và tâm hồn nhưng sẵn lòng tham gia các chương trình thiện nguyện giúp cộng đồng. Hình chụp lúc chị Phượng tham gia ngày phát quà Tết và thực phẩm cho người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 tại San Jose. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Cuộc đời vô thường, hãy cứ cho đi!

Giấu bệnh, đó là “căn bệnh” khá phổ biến. Nhưng Trung Lâm thì khác, anh không giấu bệnh.

Anh báo cho mọi người mình bị nhiễm COVID-19, và ngay sau khi bình phục, anh chia sẻ trên trang Facebook cá nhân những phương pháp và kinh nghiệm tự chữa trị:

-Uống thuốc Tylenol, thuốc ho và theo liều chỉ định của bác sĩ.

-Rửa mũi và xúc cổ, miệng với nước muối ba lần mỗi ngày.

-Uống vitamin C ba lần mỗi ngày.

-Uống nhiều nước ấm với gừng và mật ong, ăn tỏi đen.

-Cố gắng ăn nhiều chất dinh dưỡng và trái cây.

-Xông hơi nóng với xả.

-Chiến đấu với tinh thần, suy nghĩ lạc quan và làm điều có ý nghĩa.

“Làm điều có ý nghĩa” đối với Trung Lâm trong lúc này, là giúp đỡ bệnh nhân COVID-19.

Anh nói: “Trước đây cộng đồng người Việt ở San Jose có nhiều chương trình thiện nguyện như phát thức ăn cho người vô gia cư, người già, nhưng chưa có chương trình nào phân phát thuốc hay các gói cứu trợ dành cho những người đang bị nhiễm COVID-19. Vì thế, là những người trải qua thời kỳ kinh khủng phải chiến đấu với bệnh tật, chúng tôi biết bệnh nhân COVID cần gì, nên đã kêu gọi các nhà bảo trợ để làm chương trình tặng quà cho bệnh nhân COVID-19. Không cần biết ai giàu ai nghèo thế nào, đã nhiễm bệnh thì ai cũng như ai.”

Dù trong thời làm ăn khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng khi được Trung Lâm kêu gọi, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm đều sẵn lòng tham gia. Và như thế, chương trình “Covid Care Package” tặng quà cho bệnh nhân COVID-19 đã được Trung Lâm thực hiện được vào Tháng Mười Hai năm ngoái. Trong đó có sự đóng góp của Evan Group, Ngoc Rachel Nguyen thuộc VNARP – người cũng vừa chiến thắng COVID-19, và nhà hàng Nam Giao.

100 phần quà được gởi tới bệnh nhân COVID-19 ở San Jose, mỗi phần bao gồm: Vitamin C, Vitamin D, Zinc, Tylenol, nước rửa tay tiệt trùng, khẩu trang vải, tấm che mặt, trà chanh gừng, dược thảo hoặc nước tăng cường đề kháng, mật ong gừng, thảo dược bạc hà tắc mật ong – uống trị ho và thoa mát cổ họng, xả xông hơi, chanh, và hai phần ăn của nhà hàng Nam Giao, và nhiều tặng phẩm của các doanh nghiệp khác.

Một trong những vật phẩm trong gói cứu trợ Covid Care Package. (Hình: FB Ngoc Rachel Nguyen)

Những người gởi giấy chứng nhận đang bị COVID-19 trong vòng 10 ngày trở lại, đều được nhận gói cứu trợ này. Người đang điều trị tại nhà được nhóm thiện nguyện đem gói cứu trợ đến đặt trước cửa.

Dù chỉ là những vật phẩm bình thường dùng trong cuộc sống hàng ngày, nhưng gói cứu trợ như liều thuốc làm xoa dịu nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần cho các bệnh nhân.

“Tôi hy vọng qua chương trình Covid Care Package, các nơi khác có điều kiện cũng nên làm tiếp theo giống như vậy,” anh Trung Lâm nói. “Nên quan tâm nhiều hơn những người bị COVID-19. Một khi đã trải qua rồi mới hiểu COVID-19 tàn khốc như thế nào.”

Với chị Kim Phượng, dù sức khỏe vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, trên đầu mới chỉ mọc lại những sợi tóc con, nhưng bất cứ lời kêu gọi nào của Trung Lâm, chị đều tham gia.

“Mình còn sống được thế này, cũng nên giúp đỡ người khác kém may mắn hơn. Cuộc đời vô thường lắm, có thì hãy cứ cho đi,” chị Phượng nói.

Trong mọi trận chiến, cái chết và sự sống chỉ cách nhau gang tấc. Ngay cả trong cuộc chiến chống COVID-19 này cũng vậy. COVID-19 cướp đi sinh mạng của nửa triệu người Mỹ, nhưng nó còn gây ra những “vết thương lòng” của hàng triệu triệu người khác bị mất đi người thương.

Chợt nhớ câu thơ của tác giả Kahlil Gibran: “Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy, Ta có thêm một ngày nữa để yêu thương.” [kn]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét