Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

QUÁ ĐỦ RỒI (Enough is enough): ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI GIỚI HẠN SỐ NHIỆM KỲ CỦA THÀNH VIÊN QUỐC HỘI - Cựu thống đốc ED RENDELL

 (Liên Nguyễn dịch)

Enough is enough: It's time to impose term limits on Congress

Former Gov. Ed Rendell, opinion contributor

Term limits won't be easy to oppose, but members of Congress aren't acting like leaders.

Một trong những lợi điểm của việc làm việc tại nhà trong thời đại dịch là bạn có thể xem truyền hình trong khi vẫn làm việc của mình. Giống nhiều người Mỹ khác, tôi đã bị kinh hoàng bởi những phiên điều trần luận tội Trump gần đây. Mặc dù tôi đã xem những biến cố được phơi bày vào ngày 6 tháng Giêng, dẫn đến cuộc tấn công khủng khiếp vào tòa nhà Capitol, nhưng những đoạn video trình chiếu từng khung cảnh một trong phiên tòa xét xử tại Thượng Viện về vụ tấn công đó và cuộc bạo loạn xảy ra sau đó thật là kinh tởm và khiến tôi nản lòng.
<!>

Tôi đã không bao giờ tin rằng tôi sẽ nhìn thấy một cảnh tượng như vậy ở thủ đô của đất nước chúng ta. Những dân biểu quản lý kết quả luận tội của Hạ Viện đã trình bày một trường hợp hết sức thuyết phục và lập luận vững chắc rằng Donald Trump đã thúc đẩy mọi người đến Washington vào ngày hôm đó và kích động họ tuần hành đến tòa nhà Capitol để làm tất cả mọi thứ họ có thể làm, để phá hủy sự phê chuẩn của Quốc Hội về kết quả cuộc bỏ phiếu tháng 11 đã được Cử Tri Đoàn chính thức chứng nhận.

Những dân biểu quản lý kết quả luận tội của Hạ Viện chỉ mắc một sai lầm: Đáng lẽ ra họ nên cáo buộc thêm một tội thứ hai rằng cựu tổng thống đã lơ là, cẩu thả, vô trách nhiệm đối với lời tuyên thệ mà ông ta đã thề khi nhậm chức, là sẽ bảo vệ và gìn giữ Hiến Pháp Hoa Kỳ. Tội trên lời cáo buộc này sẽ rất rõ ràng. Lúc đó sẽ không cần phải tranh cãi về ý nghĩa và mối tương quan của những từ ngữ mà Trump đã dùng để kích động cuộc biểu tình ngày 6 tháng Giêng; và chắc chắn rằng ông ta sẽ không được bảo vệ bởi Tu Chính Án Thứ Nhất. Rõ mồn một là Trump đã biết về sự bạo động và cuộc nổi loạn đang diễn ra và đã chờ đợi một thời gian rất lâu trước khi yêu cầu những người ủng hộ ông ta hãy ngừng bạo loạn.

Bên trong tòa nhà Capitol, nhiều phần của tòa nhà hầu như đã bị xé toạc ra; những văn phòng đã bị lục soát và cướp phá. Tệ hại hơn, 5 người đã chết trong cuộc bạo loạn xảy ra ngày hôm đó và 140 cảnh sát đã bị thương, MỘT SỐ NGƯỜI TRONG ĐÓ ĐÃ BỊ MẤT THỊ LỰC VÀ TỨ CHI. Chỉ nhờ vào hồng ân của Thiên Chúa; nếu không, những thành viên của Quốc Hội, chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (DC-California) và cựu phó tổng thống Mike Pence khó mà tránh được chuyện có thể sẽ khiến họ bị thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong. Tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác của mình khi nghe những kẻ bạo loạn hô to, "Hãy treo cổ Mike Pence!" và hét lên, "Nancy ở đâu? Hãy bước ra đây, Nancy!”

KHÔNG có cách nào để ngay cả một nhà lập pháp lão luyện nhất có thể lập luận rằng, việc Trump không yêu cầu những kẻ bạo loạn dừng lại, và việc Trump không gọi ngay Vệ Binh Quốc Gia hoặc những lực lượng tiếp viện khác để yểm trợ Cảnh Sát Capitol, KHÔNG PHẢI LÀ HÀNH ĐỘNH LƠ LÀ, CẨU THẢ, VÔ TRÁCH NHIỆM CỦA MỘT TỔNG THỐNG ĐƯƠNG NHIỆM ĐỐI VỚI HIẾN PHÁP HOA KỲ.

Sự bỏ phiếu tha bổng Trump thật ĐÁNG HỔ THẸN, nhưng đã trở nên HOÀN TOÀN KINH TỞM khi lãnh đạo phe thiểu số Mitch McConnell (CH-Kentucky) và những thượng nghị sĩ Cộng Hòa khác đã dựa trên một lập luận mà ngay cả nhiều học giả pháp lý BẢO THỦ đã cho rằng đó là RÁC RƯỞI (hogwash) - rằng quý vị không thể kết tội một tổng thống đã rời nhiệm sở kể cả khi ông ta đã bị Hạ Viện bãi nhiệm trong khi vẫn đang còn làm tổng thống.

McConnell đã nói, “Thật là một quyết định rất khó làm, tôi bị thuyết phục rằng những cuộc luận tội là một công cụ chủ yếu để loại bỏ [người vi phạm] và do đó chúng tôi thiếu thẩm quyền. Hiến Pháp hoàn toàn rõ ràng rằng hành vi sai phạm về hình sự của tổng thống trong khi vẫn còn đương nhiệm có thể bị truy tố sau khi tổng thống đã rời nhiệm sở, theo quan điểm của tôi, điều này, một cách khác, giảm nhẹ đi lập luận ‘ngoại lệ tháng Giêng’ rắc rối do Hạ Viện nêu ra. Những người xông vào tòa nhà Capitol đã tin rằng họ đang hành động theo mong muốn và chỉ thị của tổng thống của họ, và rằng niềm tin đó đã dẫn đến hành vi và hậu quả có thể thấy trước được, xuất phát từ cường độ càng lúc càng tăng của những lời tuyên bố sai lệch, những thuyết âm mưu vu khống, và những phát biểu cường điệu liều lĩnh mà vị tổng thống bại trận đã liên tục hét vào cái loa phát thanh lớn nhất trên hành tinh Trái Đất. Ông ta [Trump] đã không làm nhiệm vụ của mình. Ông ta đã không thực hiện những bước để luật liên bang đã có thể được thực thi một cách trung thực và trật tự được khôi phục."

Được rồi, đối với thượng nghị sĩ McConnell và 42 thượng nghị sĩ nhu nhược khác, là những người đã bỏ phiếu tha bổng Trump: Quá đủ rồi (Enough is enough). Đã 11 lần ra tranh cử, tôi quá hiểu nỗi sợ hãi của sự thua cử. Nếu quý vị thực sự muốn làm ra những sự thay đổi, là những sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất cuộc sống của mọi người theo những cách tích cực, và quý vị tin rằng quý vị có thể làm được, quý vị sẽ không muốn đánh mất cơ hội đó. Nhưng rõ ràng là có một số lượng đáng kể những viên chức dân cử trong Quốc Hội SỢ SẼ THUA CỬ TRONG CUỘC BẦU CỬ SẮP TỚI ĐẾN NỖI HỌ SẼ KHÔNG DÁM LÀM BẤT CỨ ĐIỀU GÌ MÀ CỬ TRI CỦA HỌ RẤT CÓ THỂ KHÔNG ĐỒNG Ý. Họ không hành động như những nhà lãnh đạo. Họ hành động như những con cừu đang chờ để được ra lệnh nên làm gì.

Điều này ngày lúc càng trở nên rõ ràng. Quý vị còn nhớ dự luật đòi hỏi một sự kiểm tra lý lịch (a background check) khi mua súng đã thất bại tại Quốc Hội mặc dù hầu hết người Mỹ đã ủng hộ ý tưởng này? Dường như không có gì có thể tác động đến những thành viên của Quốc Hội; nỗi sợ sẽ thua cử trong cuộc bầu cử sắp tới của họ đã trở nên quá hãi hùng đến nỗi khả năng của họ để làm bất cứ điều gì cho dù điều đó chỉ là sự phản đối nhẹ nhàng nhất thì hầu như không hề hiện hữu.
Số nhiệm kỳ của thành viên Quốc Hội nên được giới hạn. Số nhiệm kỳ nên được giới hạn hợp lý — sáu nhiệm kỳ cho dân biểu Hạ Viện [6 x 2 năm = 12 năm] và hai nhiệm kỳ cho thượng nghị sĩ [2 x 6 năm = 12 năm] — sẽ giải quyết được vấn đề. Nếu quý vị là một thượng nghị sĩ trong năm thứ chín của nhiệm vụ [tức là trong nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng], thì điều duy nhất mà quý vị sẽ liều lĩnh trong việc có thể sẽ bị nhận một lá phiếu không được công chúng yêu thích [từ polls thăm dò] là quý vị sẽ chỉ có thêm ba năm tại vị, chứ không phải là sự kéo dài nghề nghiệp [cả một cuộc đời].

Mặc dù tôi ngưỡng mộ thượng nghị sĩ Pat Toomey (CH-Pennsylvania) và thượng nghị sĩ Richard Burr (CH-North Carolina) vì họ nằm trong số 7 thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã bỏ phiếu kết tội Trump, nhưng họ đã bỏ phiếu như vậy mà không bị ràng buộc bởi sự sợ hãi sẽ thua cử trong lần bầu cử sắp tới, bởi vì trước đó họ đã thông báo rằng họ sẽ không tái tranh cử.
Khi tôi còn là thống đốc tiểu bang Pennsylvania, tôi đã đề nghị tăng thuế và dùng số tiền thuế đó để tài trợ, phần lớn, cho giáo dục mầm non và tiểu học. Tôi vẫn nhớ một nhà lập pháp kỳ cựu của đảng Dân Chủ đã nói với tôi, “Tôi biết ông đã đúng về việc trẻ con cần phải được giáo dục sớm ngay từ mầm non và tiểu học, nhưng tôi không thể bỏ phiếu tăng thuế theo đề nghị của ông bởi vì tôi cần hai năm nữa đủ để được hưởng bổng lộc về hưu, và bỏ phiếu tăng thuế có thể gây nguy hiểm cho việc tái đắc cử của tôi.”

Những nhà soạn thảo Hiến Pháp của chúng ta đã dự định rằng Quốc Hội sẽ bao gồm những công dân của đủ mọi thành phần như binh lính, nông dân, chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng, kế toán, luật sư và những ngành nghề khác; là những người sẽ đến Washington, phục vụ trong một ít năm, và sau đó trở về quê hương của họ. Những nhà soạn thảo Hiến Pháp đã không bao giờ có thể tưởng tượng ra rằng chúng ta sẽ có những thành viên của Quốc Hội phục vụ hết thập niên này rồi tới thập niên khác. Sự phục vụ trong Quốc Hội đã trở thành một nghề nghiệp [của quyền lực và lợi nhuận] và nhiều viên chức dân cử sau khi rời nhiệm sở thậm chí đã không trở về tiểu bang quê hương của họ, thay vào đó họ chọn ở lại Washington. Làm như vậy thì không phải là cách để điều hành hệ thống lập pháp lớn nhất trên thế giới.

Sự giới hạn số nhiệm kỳ sẽ không dễ gì mà áp ​​đặt. Sẽ phải cần đến sự bỏ phiếu thuận của 3/4 của 50 cơ quan lập pháp tiểu bang (tức là 38 tiểu bang) để có thể phê chuẩn một sự sửa đổi thuộc về Hiến Pháp [Tu Chính Án]. Những người chống đối thì tin rằng sẽ không thể nào làm được chuyện này, nhưng tôi tin rằng chuyện này có thể xảy ra. Công chúng Mỹ hoàn toàn ủng hộ sự giới hạn số nhiệm kỳ. Chẳng hạn, một cuộc thăm dò gần đây ở Pennsylvania cho thấy 79 phần trăm cư dân Pennsylvanians ủng hộ sự giới hạn số nhiệm kỳ của những thành viên Quốc Hội, bao gồm những đa số rất lớn của những thành viên Cộng Hòa, Dân Chủ và những người độc lập.

Với sự ủng hộ rộng rãi như vậy, sự giới hạn số nhiệm kỳ có thể sẽ trở thành hiện thực. Đó có thể sẽ là một trận chiến gian khổ kéo dài nhiều năm, nhưng lịch sử của đất nước chúng ta đã chứng minh rằng những thứ quý giá thì không khi nào có thể có được một cách dễ dàng. Như tổng thống John F. Kennedy đã nói, “Chúng tôi chọn làm những việc này không phải bởi vì chúng dễ dàng để làm, mà bởi vì chúng rất khó làm.”


* Edward G. Rendell, tác giả bài viết này, là thống đốc thứ 45 của tiểu bang Pennsylvania. Ông từng là cựu thị trưởng của thành phố Philadelphia và là cựu biện lý (district attorney) của thành phố này. Ông cũng từng là cựu chủ tịch của Ủy Ban Toàn Quốc đảng Dân Chủ (DNC) trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000. Chúng ta có thể theo ông trên Twitter @GovEdRendell.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét