(Nhà văn Nguyễn Ngọc Hoa)
Ngày mồng một Tết Bính Thìn nhằm thứ Bảy cuối tháng Giêng 1976. Sau Tết tây mẹ đã bắt đầu chuẩn bị ăn tết, cái Tết tha hương đầu tiên; mẹ nói, “Đi mô thì đi, ở mô thì ở, mình cũng phải nhớ ngày giỗ tết thờ cúng ông bà.” Mẹ và bác Hòa gái cùng các bà khác tổ chức một chuyến đi mua đồ Việt nam tập thể ở Fargo, tiệm Tochi bán đồ Á đông ở đó do một bà người Nhật lấy chồng Mỹ làm chủ. Fargo là thành phố lớn nhất của North Dakota và cách xa Bismarck 200 dặm Anh về phía đông. Nhờ đó mẹ có đủ nhang đèn, nếp nấu xôi, đậu nấu chè, v.v. cúng đưa ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp ta và cúng ông bà đầu năm.
Cuối năm ngoái, tôi tìm mua thiệp Giáng sinh và khám phá ra người Mỹ có lẽ là dân sính thiệp chúc mừng nhất thế giới. Thương xá chính của thành phố có đến ba cửa hàng lớn bán cả trăm thứ thiệp dùng trong mọi lễ lạt lớn nhỏ trong năm và mọi dịp vui buồn trong đời. Thiệp thường in sẵn lời chúc mừng, người ta chỉ cần chọn thiệp và lời chúc thích hợp với hoàn cảnh mình, ký tên, và gửi đi. Nhưng cũng có thiệp để trắng không có mục đích riêng. Trước Tết, tôi mua loại thiệp này, lấy bút nỉ màu xanh đỏ vẽ thêm chữ “Cung Chúc Tân Xuân,” và viết chúc bạn bè ở xa “một mùa xuân mới vui tươi và ấm cúng.” Dân tỵ nạn nhắn tin và bắt liên lạc với nhau nhờ bản tin tỵ nạn hàng tháng của hội Hồng thập tự Hoa kỳ. Thấy các câu chúc tết của tôi, Quỳnh Châu chúm môi đùa,
“Ôông dôông khoa học gia chánh hiệu con nai, con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối, mà lại dùng sáo ngữ giả dối.”
“Cô vợ dễ thương sao hôm nay nhiễu sự?” tôi cười ngượng nghịu.
“Tết nguyên đán luôn luôn rơi vào giữa 21 tháng Giêng và 20 tháng Hai dương lịch; đó là hai tháng mùa đông và lạnh nhất ở Bắc bán cầu. Chồng viết thiệp kêu là ‘mùa xuân’ và nói là ‘ấm cúng,’ không phải xạo sự hay sao?”
“‘Bà thầy’ ơi, sự việc có thể nhìn dưới hai lăng kính khác nhau: Một đằng là khuôn sáo cổ điển truyền từ đời trước, và một đằng là dữ kiện thiên văn và thời tiết hiện đại. Câu chúc tết Việt nam khó lòng phán đoán theo khía cạnh nào, không thể kết luận đúng hay sai, và do đó có thể xem là nghịch lý. Chắc em còn nhớ trong sách Triết Luận lý Học đệ nhất (lớp 12), Linh mục Trần văn Hiến Minh giảng về nghịch lý bằng câu đố vui,
Một nhà luận lý bị bọn mọi ăn thịt người bắt được. Trước khi giết ông làm thịt, viên tù trưởng nói,
‘Theo truyền thống thần linh, chúng tôi cho phép ông lựa chọn cách chết. Ông được phép nói một câu. Nếu câu nói của ông đúng, ông sẽ bị trấn nước. Ngược lại nếu ông nói sai, ông sẽ bị chết treo.’
Nếu là nhà lý luận, bạn sẽ nói thế nào để bọn mọi không giết bạn?”
Quỳnh Châu gật đầu,
“Em nhớ chớ, câu trả lời, ‘Tôi sẽ bị chết treo,’ khiến bọn mọi ở trong hoàn cảnh khó xử, xuôi không được ngược chẳng xong, và phải tha nhà luận lý.”
“Thật vậy, nếu bọn mọi mang ông ra treo cổ thì ông nói đúng, mà nói đúng thì theo truyền thống thần linh, ông phải bị trấn nước. Ngược lại, nếu chúng mang ông đi trấn nước thì ông nói sai, mà nói sai thì phải treo cổ,” tôi gật đầu.
“Nếu là em, em sẽ nói, ‘Tôi là Ba Hoa.’ Bọn mọi sẽ tha ngay vì biết thịt ông chồng bướng bỉnh ưa lý luận của em dai nhách ăn chẳng ngon lành gì,” nàng le lưỡi cười khì rồi đổi đề tài, “Hồi chiều cha nói chuyện đặt tên ‘bé Long,’ anh thấy sao?”
Chiều nay tôi đi làm về, vào nhà chưa kịp cởi áo lạnh mùa đông mặc ngoài và mũ len trùm đầu thì cha đợi sẵn trong phòng khách ngoắt tay kêu lại,
“Con mi, mi đã tính đặt tên chi chưa?”
“Dạ . . .” tôi lí nhí trong miệng.
“Tau thấy chẳng cần nghĩ tìm tên Việt nam văn hoa chữ nghĩa làm chi cho mệt. Lấy quách cái tên Mỹ John hay Jane mô đó mà đặt cho khỏe. Nhập gia tùy tục, ở Mỹ phải làm giống như người Mỹ,” cha đưa ngón tay chỉ trỏ.
“Dà . . .” với tiếng “dà” rất nhẹ, tôi không biểu lộ ý định sẽ tuân theo hay không.
“Thôi được, a-lê, hấp!”
“A-lê, hấp” do tiếng Pháp “allez, hop” nghĩa là “hãy đi đi,” là lệnh cha cho phép đi chỗ khác. Hình như cha rảnh rỗi không có việc gì làm hay muốn chứng tỏ quyền uy đối với “thằng con bất trị,” chứ ngày xưa cha có bao giờ thắc mắc về việc đặt tên cho anh em tôi – con của cha – đâu. Mấy đứa lớn đẻ ngoài quê Quảng Bình thì ông nội đặt tên. Từ em Bình trở xuống, sau khi sinh, mẹ đặt tên rồi mới nhờ người viết thư báo tin cho cha. Ngoài ra, có bao giờ cha lo lắng cho ai trong gia đình, ngoài bản thân cha? Tôi nhớ thời cha làm lớn, khi mấy ông bạn tướng tá hỏi thăm chuyện học hành của con cái, cha lúng túng không nhớ ra mấy đứa học trung học, đứa nào học lớp mấy. Tuy còn đang phân vân về việc chọn tên con, nhưng tôi không thể đồng ý với lối “đặt cho khỏe” của cha,
“Con mình là người Việt phải mang tên Việt, nhưng cần có thêm tên Mỹ để đi học đi làm và sinh sống. Các cặp vợ chồng trẻ người Mỹ trước khi đặt tên con đều suy gẫm cẩn thận, bàn luận kỹ càng chứ không đặt ẩu như cha nói. Anh tính ra giêng ngày rộng tháng dài mới bàn với em.”
“Tại sao chồng không thử hỏi lại cha?”
“Không bao giờ,” tôi mím môi lắc đầu, “Ngày mẹ vừa đưa mấy đứa con trai di cư vào Nam, anh mới sáu tuổi mà nhiều lần anh bị cha chọn làm bung xung (giơ đầu chịu báng) kiếm cớ đánh đập thừa chết thiếu sống. Chỉ cốt làm mẹ xót con đau lòng mà chịu xùy tiền cho cha nướng vào sòng bài. Mỗi lần như vậy anh đau nằm liệt giường cả tuần lễ. Từ đó, anh tự hứa với lòng sẽ không bao giờ hỏi cha một câu nào hay xin cha một điều gì.”
“Hay để em hỏi ý kiến cha?”
“Lại càng không nên. Tại sao phải hỏi khi biết chắc mình sẽ không chấp nhận câu trả lời? Nếu hỏi mà không tuân lời, hậu quả sẽ khó lường.”
Chợt nhớ đến mấy người bạn ở sở, tôi trở lại chuyện tết nhất,
“Hôm qua cô thư ký Charlotte nhắc anh ngày ‘Tết Âm lịch Trung hoa’ vì tưởng anh không biết. Bạn anh mù tịt về phong tục ăn tết của mình, anh chàng Charlie cứ theo anh hỏi ở Việt nam người ta làm gì và năm nay anh làm gì để mừng tết.”
“Dễ ợt hà! Chỉ cần chồng mi em một miếng và năn nỉ ‘Please’ (Làm ơn) là xong liền,” nàng chúm chím cười.
“Please, em giúp anh đi,” tôi làm theo lời dặn, “Nhưng vợ làm sao?”
“Em khai thác kho kiến thức về dân gian rộng rãi của mẹ rồi viết thành bài cho bạn anh đọc.”
Quỳnh Châu nhờ mẹ kể lại các tục lệ ngày Tết ở Việt nam, viết bằng tiếng Anh, và ghi tên mẹ là tác giả. Tôi mang lên sở nhờ Charlotte đánh máy và sao ra vài bản, nàng thấy bài viết súc tích và thú vị liền xin phép tôi phổ biến trong công ty, và gửi xuống xưởng in, in thành một số tập sách mỏng. Tôi luân chuyển bài viết cho bạn đồng sự đọc và đưa các bản còn lại cho Quỳnh Châu để nàng chia xẻ với bạn ở Đại học Cộng đồng Bismarck.
Vài ngày sau, tờ Bismarck Tribune gọi điện thoại xin phỏng vấn mẹ. Tờ báo đăng bài phỏng vấn (qua sự thông dịch của Quỳnh Châu) cùng với hình mẹ và toàn thể bài viết trong mục Văn hóa của số báo Chủ Nhật. Không như số báo ngày thường ít trang và chú trọng vào tin tức thời sự và thể thao, số Chủ Nhật thường rất dày, có khi có cả trăm trang, và gồm thêm một số mục đặc biệt như văn hóa, văn chương, giải trí, nấu ăn, tôn giáo, và du lịch. Hầu như ai cũng khen ngợi và chúc mừng mẹ. Duy có cha, cha sa sầm nét mặt nhìn tôi với đôi mắt oán hờn: Tôi là thủ phạm khiến cha bị lu mờ lép vế trước người đàn bà mà thường ngày cha khi dể và khi nổi giận chửi “con thằng Hà nhà quê vô học.” “Hà” là tên ông ngoại tôi; ôông mất khi mẹ mới lên năm.
Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi mẹ đề nghị,
“’Ông già’ mi nói năm hết Tết tới, mi mời bạn bè tới nhà ăn một bữa để đền ơn trả nghĩa với người ta. Mi liệu mời rồi mẹ với con Châu nấu đồ ăn cho.”
“Thật vậy sao mẹ?” tôi chưa bao giờ được phép hay dám mở tiệc mời bạn về nhà.
“Thiệt chớ răng không thiệt? Cha mi nói với mẹ đàng hoàng mà.”
“Con sẽ mời năm hay sáu cặp. Để mẹ khỏi mất công, con chỉ mời bạn về nhà uống bia và ăn nhậu lai rai vào tối mồng một Tết,” tôi đếm số bạn sẽ mời.
“Vậy thì dễ quá. Anh lo bia và thức uống, mẹ và em cuốn chả giò chiên lên đãi khách là xong. Hôm đi Fargo mẹ mua được mấy xấp bánh tráng Thái Lan, cuốn chả giò hết sảy,” Quỳnh Châu góp ý.
“Mẹ có mấy gói bánh phồng tôm, chiên lên cho bây nhậu luôn” mẹ cười vui.
Sáng thứ Bảy tôi ngủ nướng vì đêm qua thức khuya giúp mẹ cúng giao thừa, hay lễ tống cựu nghinh tân (đưa cái cũ, rước cái mới). Chợt nghe cửa phòng gõ rất gấp, tôi nhảy xuống giường mở cửa thì thấy mẹ hốt hoảng,
“Chết cha, nguy rồi. Túi (tối) ni mi có hồi lại bạn được không?”
“Sao vậy mẹ, có chi thay đổi?”
“Cha mi tính sẽ chưởi bới mạt sát mi trước mặt bạn rồi thẳng tay đuổi tụi hắn về. May mà sáng ni trời xui đất khiến mẹ tình cờ nghe thằng già nằm lầm bầm chưởi rủa một chắc (một mình). Té ra hắn cố bẫy mi vô tròng, quyết làm cho mi mất mặt nhục nhã thiếu điều bỏ xứ mà đi mới ưng. Đồ ôn hoàng dịch lệ, suốt đời không ngóc đầu lên nổi mô!" mẹ giận run, ngày mồng một Tết mà mẹ không kiêng nói gở.
“Mẹ cứ chiên chả giò và bánh phồng tôm cho con. Nếu bạn con không tới thì mấy đứa em ăn, không đổ đi đâu mà lo.”
Tôi trấn an mẹ rồi vào giường ngủ tiếp, mẹ chép miệng, “Thằng chó ni thiệt dễ ngươi!” Đợi đến 10 giờ, tôi gọi điện thoại cho ông bảo trợ Gardner, kể sự tình, và hỏi,
“Bác cho cháu dùng phòng hội của công ty bất động sản để họp bạn được không?”
“Dĩ nhiên là được, tối nay đâu có ai dùng,” ông sốt sắng trả lời.
Sau đó, tôi gọi cho bạn báo tin dời địa điểm họp mặt, không ai thắc mắc tại sao. Đúng tám giờ tối, các bạn tôi đến. Họ xuýt xoa khen thức ăn ngon tuyệt vời của mẹ, và chúng tôi chuyện trò vui như pháo nổ. Gần chín giờ, mẹ biểu thằng Sang đưa tới để mừng tuổi khách. Mỗi người được lì xì một phong bì chứa thiệp chúc tết và mấy tờ bạc 1,000 và 500 đồng Việt nam Cộng hòa còn mới toanh. Những tờ giấy bạc đã thành vô giá trị, nhưng tục lệ mừng tuổi ghi sâu trong ký ức bạn tôi. Bốn mươi ba năm sau, được tin mẹ mất, Charlie gửi thiệp chia buồn với tôi và bồi hồi nhắc lại kỷ niệm này.
Sáng sớm Chủ Nhật, tiếng động ầm ỹ lẫn với tiếng la hét inh ỏi ngoài phòng ăn và phòng khách đánh thức tôi và Quỳnh Châu dậy. Tôi mở hé cửa nhìn ra thấy cha đang đập phá đồ đạc và liệng vỡ chén dĩa ly tách, giống như ngày trước, khi cha nã tiền mẹ đi đánh bạc mà không được toại ý. Trên bệ lò sưởi trong phòng khách mà mẹ dùng làm bàn thờ, chai rượu uýt-ki tôi mua cúng tết đã cạn. Cha gào thét nguyền rủa “thằng con bất hiếu bất mục” đã “khinh cha chưởi tổ” và “đội đít vợ đưa lên tran mà thờ.”
Quỳnh Châu sợ run lẩy bẩy, tôi lật đật vơ hết quần áo và vật dụng cá nhân của hai đứa, thồn đầy hai cái bao rác lớn, thảy đồ lặt vặt vào cái rổ đựng quần áo giặt, và mang tất cả ra xe. Cha đã xuống dưới hầm nghỉ lấy sức công phá đợt tới, và mẹ và các em đã trốn lánh từ lúc nào. Tôi để lại chìa khóa nhà, hợp đồng thuê nhà tôi ký thuê lúc mới đến, và món tiền cần dùng để thanh toán các hóa đơn tháng tới trên chiếc bàn phòng ăn giờ đứng trên ba chân. Vợ chồng tôi lặng lẽ ra đi. Giống như bảy năm trước ở Sài gòn, tôi bỏ nhà đi bụi đời.
Tôi nhớ lại lời khuyên của ông Gardner, “Ở xứ này, một nhà không thể có hai người đàn ông, và một nhà bếp không thể có hai người đàn bà.” Ngày mồng hai Tết, cha giải quyết nghịch lý “ngôi nhà có hai đàn ông,” nhưng không theo cách êm thấm tôi mơ ước.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 21 tháng Mười, 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét