Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

Lắng nghe triều sóng - Lam Khê

 

Ngày cuối tuần, Văn ­bỗng nổi hứng rủ tôi đi chùa. Là kẻ giang hồ lãng tử, thích ngao du nơi sơn cùng thủy tận, nhưng tôi chưa từng thấy hắn bước chân đến những chốn trang nghiêm thờ tự bao giờ. Văn còn bảo: “Một ngôi chùa ẩn mình bên dòng sông, đậm nét cổ kính u nhàn, rất phù hợp với người ưa tư duy hoài cổ như cậu. Dừng chân bên cổng Tam Quan, tôi choáng ngợp trước cánh rừng nguyên sinh được lưu giữ đâu cả hằng trăm năm rồi. Một ngôi chùa cổ như bao ngôi chùa, nhưng cảnh sắc ở đây thật khác biệt. Ngôi chánh điện lọt thỏm giữa rừng cây cổ thụ. Những dãy nhà ngang dọc được trang hoàng tu tạo lại mà vẫn không làm mất vẻ cổ kính thâm u lâu đời. 
<!>
Nhà tổ nối liền với nhà chúng nhà khách theo các lối đi lát gạch tàu có che mái lợp ngói âm dương. Hai bên treo lủng lẳng những chậu phong lan, mấy hàng dây leo nở hoa tím vàng rực rỡ. Mặt sân râm mát. Cỏ mọc xanh um. Rãi rác trên thảm cỏ, có vô số đá tảng với nhiều hình thù quái dị lạ mắt. Chùa thuộc dạng di tích lịch sử. Ngày thường vắng vẻ. Nhưng nghe nói vài năm trở lại đây, những ngày rằm lớn, trước cổng chùa tràn ngập người buôn bán hàng rong và cả hàng quán ăn uống. Do danh tiếng của ngôi chùa cổ nên khách hành hương thích tìm tới chiêm bái. Và cũng bởi ngay trước mặt chùa có bến đò đưa khách du lịch qua cù lao nổi trên sông. Nơi ấy người ta cho xây dựng nhiều công trình vui chơi giải trí.
Tôi vừa định bước vào chánh điện thì Văn kéo tay lại:
– Chúng ta vào chào Sư ông trước đi.
– Sư ông trụ trì chùa à?
– Sư ông là bậc đại lão tôn túc. Là viện chủ chùa. Người ở riêng tịnh thất yên tu, chuyên tâm dịch kinh viết sách…
Không hiểu Văn đi chùa từ lúc nào mà biết rành những từ chuyên môn nhà Phật đến thế. Vừa đi Văn vừa giới thiệu chỗ này chỗ kia, y như hắn là người ở vùng này vậy. Gian tịnh thất của Sư ông tọa lạc trên ngọn đồi, hướng mặt ra dòng sông, tách biệt giữa rừng  cây dương cao lớn. Leo chưa hết mấy bực tam cấp, tôi đã nghe mùi hoa lý thơm nồng sóng mũi. Dòng sông trôi bên dưới, lững lờ xanh biếc, vài con đò nhỏ đưa khách đang rẽ bến vào bờ.

Sư ông dáng người tầm thước, vẻ mặt trang nghiêm, phong thái tự tại. Người vừa xả thiền, thấy khách liền bước ra sân. Văn chấp tay xá chào:
– Chúng con vào vãng cảnh chùa và thăm Sư ông đây.
Sư ông chắp tay đáp lễ:
- Mô Phật. À! Văn đấy à! Mắt sư lúc này kém lắm rồi… nhìn từ  xa cứ ngỡ là ai.
– Nhưng Sư ông vẫn còn minh mẫn, suốt ngày ngồi thiền dịch kinh viết sách, còn chơi cờ thật khó ai qua được.
Sư ông cười:
- Ậy! Chơi cờ… dịch kinh viết lách cũng là phương tiện. Mục đích của người tu sĩ là chuyên tâm vào việc tu hành giải thoát!
– Bạch sư  ông! Vậy thì môn chơi cờ là phương tiện có ý nghĩa nhất đối với con. Nhờ nó mà con biết đến chùa, được sư ông cảm hóa.
Tôi vẫn đứng yên lặng… lắng nghe. Chừng như nhớ ra, sư ông quay sang hỏi:
- À! Cậu bé này là bạn của Văn phải không?
Tôi chưa kịp thưa thì Văn đã hớt lời:
- Dạ… thằng bạn con nói với sư ông hôm trước đó. Là nhà văn kiêm nhà khảo cổ khảo cứu gì gì nữa đấy… Hắn thích sưu tầm tìm hiểu mấy ngôi chùa cổ. Sư ông đem mấy tập văn thơ ra cho hắn chỉnh sửa…

Tôi không ngờ Văn lại đưa tôi vào tình thế này. Tôi chỉ biết viết lách đôi chút mấy chuyện thế sự đời thường, làm sao dám chỉnh sửa văn của bậc tu hành đạo thâm uyên bác. Tôi chưa kịp thoái thác thì sư ông đã vui vẻ nói:
- Thật may quá. Sư ông nghe Văn nói nhiều về con. Tập văn này sư ghi lại công trạng của Tổ sư, người khai sáng ngôi Tổ Đình cách đây đã hơn hai trăm năm. Sư nhờ con đọc rồi chỉnh văn chỉnh ý…
– Dạ bạch Sư… con thật sự không dám. Con không am hiểu mấy về sự tích kinh điển nhà Phật…
– Có gì đâu – Văn chen vào - Cậu chỉ là sửa văn thôi mà. Gieo chút duyên lành đi, rồi sẽ gặt được quả Phật như mình vậy nè…
Sư ông bước vào trong lấy ra quyển vở mỏng đưa cho tôi:
- Con cầm lấy rồi về nhà đọc thử… Mà con có biết chơi cờ không?
Tôi ấp úng: – Dạ thưa không.
Văn nhanh nhẩu:
- Vậy cậu lại nằm võng dưới dàn hoa thiên lý mà đọc sách ngắm hoa. Hoặc là đi xuống dưới chùa khảo sát phong cảnh địa thế. Còn mình sẽ đánh cờ với sư  cụ. Bao giờ tới đây mình cũng chơi vài ván cờ…
Văn thường có kiểu ra lệnh như thế. Song tôi chẳng chút phật lòng, chỉ hơi thắc mắc không biết cơ duyên nào đã đưa Văn đến chùa. Chẳng lẽ vì môn chơi cờ. Văn thuộc loại người đa tài lắm tật. Thi ca hội họa là sở trường. Giỏi thư pháp còn chơi cờ thì cự phách. Có thể hắn mến sư ông vì cùng sở thích, hoặc nể phục gặp được bậc uy đức thượng thừa. Không mấy hứng thú với môn giải trí thời thượng này, tôi cầm bản thảo bước tới giàn hoa thiên lý. Gió hiu hiu thổi. Mùi hương hoa tỏa ngát… Lần giở từng trang sách, tôi thoảng nghe một làn cảo thơm thâm ý diệu mầu…

“… Mặt trời vừa khuất sau rặng cy um tùm rậm lá, cảnh sắc bên sông nhuốm màu khói lam u tịch. Có người lữ khách vừa dừng chân ghé lại, ngẩn ngơ nhìn trời nước bao la. Gió chiều miên man thổi. Sóng nước chập chùng. Không một mái chèo khua động. Không một tiếng vọng từ cõi bờ xa dội lại. Bóng hoàng hôn che khuất mọi nẻo đường nơi bến cô liêu.
Lữ khách là một thầy tu độ tuổi trung niên. Thầy vốn người phương bắc, theo đoàn di dân Nam tiến đi tìm vùng đất mới. Rong ruổi trên đường dịu vợi, chỉ với mớ hành trang nhẹ gánh phiêu bồng. Biết bao lần vượt thác băng rừng, bao lần đối mặt với hiểm nguy. Xóm làng phố thị đi qua, nhưng bước chân đời lãng tử chưa muốn dừng lại. Trời đất trải rộng mặc sức cho lòng người tiêu dao cùng sơn thủy hữu tình …
Leo trở lên bờ dốc thấp, thầy đến bên tảng đá bằng phẳng ngồi nghỉ chân rồi mở đãy lấy gói lương khô ra dùng bữa. Một chiếc ghe nhỏ qua dòng sông rộng lúc này là điều bất khả. Đêm nay có lẽ phải nghỉ lại đây. Đêm cuối tháng bên dòng sông vắng, chỉ có gió trời lồng lộng cùng một vũ trụ đầy sao.
Trời tối dần. Thầy lần mò xuống bờ sông gột rửa hết lớp bụi đường. Nước sông mát lạnh. Không khí trong lành. Một vùng đất cận nam nhiều sông rạch, cảnh sắc tiêu sơ nhưng phong thủy xem ra cũng có phần đắc lợi… Nhìn chiếc bè trôi sông, thầy chợt nhớ đến cuộc hành trình phía trước: “Sáng mai mình sẽ kết lại mấy chiếc bè để sang bờ bên kia. Đây là miền hoang dã chướng khí, không thể lưu trú …”

Lót mớ cỏ khô lên mặt đá, thầy ngồi định tâm giây lát rồi nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ. Nửa đêm trở trời lạnh buốt. Cảnh núi rừng yên ắng bỗng trận cuồng phong ầm ầm nổi dậy. Gió núi rít lên từng hồi. Tiếng sóng vỗ xa xa nghe như tiếng kình ngư khuấy động. Giây lát thầy trở giấc mơ màng. Cảm giác có ai đó kéo chiếc y mỏng đắp choàng qua vai, thầy vội đưa tay giữ lấy… bỗng giật mình vì nhận ra một bóng sáng vàng rực. Có tiếng nói thoảng nhẹ qua tai:
- Đại Đức sao không vào chùa nghỉ… lại nằm ngoài trời, đêm hôm sương gió lạnh lẽo…
Tâm thức còn chập chờn, thầy lên tiếng:
– Ở nơi hoang vắng núi rừng này, làm gì có được cảnh chùa để lưu trú…
– Có một ngôi chùa gần đây… Nếu Đại Đức không phiền xin hãy theo tôi…
Thầy mở mắt kinh ngạc hỏi:
- Có chùa ở gần đây thật sao… Nhưng người là ai? Thiên thần hay ma quái?
– Là bực chân tu thì ngại gì ma quái hay thiên thần. Người giữ tâm chánh định thì dù gặp ma chướng hay cảnh nghịch cũng hóa giải hết. Đại đức là người ở xa mới đến, xin hãy theo tôi đến ra mắt vị Bồ Tát chủ trì mảnh đất này.
– Bồ Tát… sao lại ở chốn này?
Thầy buột miệng hỏi rồi định thần nhìn kỹ người đối diện. Một chú đạo ba chỏm, dáng vẻ tự nhiên ra chiều thong thả. Một phong tư đạo mạo khác phàm. Vốn tính hiếu kỳ lại ưa thích chuyện phiêu lưu, thầy liền gật đầu: - Được gặp Bồ Tát quả là túc duyên kỳ ngộ. Lại viếng cảnh chùa xa, có nơi tá túc qua đêm thì còn diễm phúc nào hơn …
Chú đạo nhẹ gót quay lưng. Vị thầy cũng vội cầm y quảy đãy bước theo. Trước mặt hiện ra con đường dài rộng lối thênh thang. Những hàng cây cao vút như không thể cao hơn được nữa. Phướn lộng, đèn hoa giăng mắc khắp nơi. Rồi tiếng linh tiếng trống dồn dập vang dậy giữa không trung… Một nghi lễ sắp bày để tiếp rước ai đó. Thầy chưa kịp hỏi thì cảnh Già Lam đã hiện ra. Quả là nơi Thánh cảnh huy hoàng tráng lệ chưa từng thấy. Mái chùa cong vút, óng ánh màu bạch kim. Cả bầu trời lúc này tỏa sáng như có cả ngàn ánh thái dương cùng hội tụ. Không ngờ nơi chốn núi rừng hoang vắng lại có một ngôi chùa trang nghiêm bề thế đến vậy.
Vị thầy theo chân chú đạo vào chánh điện. Điện Phật rộng lớn, rực màu vàng chói. Ngoài tượng Phật Bổn Sư ra thì không chưng bày gì khác. Bước xuống nhà Tổ, nhìn thấy có Bồ Tát ngồi trên những chiếc ghế đẩu bọc vải, thầy liền bước tới xá chào. Bồ Tát hỏi:
– Ông biết ta sao?
-Dạ… con chưa từng biết. Nhưng nghe chú đạo nói… con nghĩ ngài là Bồ Tát Trì Địa. Vị Bồ Tát chuyên đi nối những cây cầu gãy và đắp lại những con đường bị hư hoại… trên vùng đất mà ngài chủ trì giáo hóa.
Bồ Tát mỉm cười không đáp. Một lúc lâu mới cất tiếng: – Vùng đất này là nơi chư Bồ Tát thường qua lại kết giao pháp lữ. Nay ông đã đến đây, vậy thì hãy ở lại, vì chúng sanh gieo pháp lành lợi lạc về sau…
Vị thầy nghe vậy liền vội thưa:
- Ngài là Bồ tát chủ trì cuộc đất này. Con được hội ngộ quả là phước duyên hy hữu. Song con biết mình khó mà đảm trách được hạnh nguyện lợi tha to lớn như ngài. Là người du phương hành đạo, con chẳng ngại gian nan vất vả. Nhưng đây là vùng núi sông hiểm trở xa cách xóm làng… chỉ thích hợp cho người ẩn dật chuyên tu…
– Nếu ông phát tâm lập đạo tràng hóa độ chúng sanh ở chốn này ắt có Long Thiên Hộ pháp gia hộ, lo gì sự nghiệp hoằng pháp không thành tựu. Ngày sau nơi đây sẽ trở thành chốn danh lam thắng tích. Chúng sanh và hàng môn đồ nhờ ông mà thấm nhuần ân đức…”

… Ánh nắng chiều soi bóng xuống dòng sông. Vài cơn sóng bạc nhấp nhô dập dìu theo con nước. Sân chùa vãn người qua lại. Tiếng tụng kinh trầm ấm ngân nga. Tiếng chim muôn  líu lo gọi bầy. Tiếng sáo thổi vi vu trên bến đò quê, nghe mênh mông sâu lắng như tận cõi trời xa. Tôi tỉnh thức giữa bốn bề tĩnh lặng, lòng vẫn còn mơ màng xao xuyến… Sư ông còn ngồi xem kinh bên chiếc bàn nhỏ. Văn không biết đã biến đâu mất rồi. Ngồi bật dậy, tôi nói trong tiếng ngáp dài: - Khung cảnh yên tịnh và gió mát làm con ngủ ngon quá. Mà Văn đâu rồi thưa sư ông?
Sư ông ngước nhìn lên, khẽ đáp: - Văn xuống chánh điện ngồi thiền đã gần một giờ rồi. Cũng sắp xong. Thấy con ngủ ngon quá, cậu ấy không nở đánh thức. Văn bảo lần tới sẽ dẫn con tới dự khóa tu thiền…
Quyển sách trên tay tôi suýt rơi xuống đất. Thằng Văn làm tôi ngạc nhiên quá đổi. Chưa bao giờ nghe hắn đi chùa, chứ nói gì đến chuyện tu thiền. Tôi lấp bấp hỏi: - Văn mà ngồi… thiền. Thật là chuyện lạ. Lâu nay hắn chẳng hề hở miệng với con…
Sư ông chậm rãi nói: – Khuôn viên chùa có nhiều cây cao thoáng mát yên tịnh, cách xa dân cư phố thị. Cuối tuần có nhiều thanh thiếu niên tìm tới tu tập thiền quán. Mọi người có thể đến chùa bất cứ lúc nào, chỉ để được ngồi yên lặng trong một vài giờ… vừa thư giản vừa tận hưởng bầu không khí trong lành. Khi đối diện với nhiều bất ổn lo âu trong cuộc sống, con người ta thường có khuynh hướng trở về nội tâm. Ngồi thiền là một học phương pháp an tâm, sống trong chánh niệm. Sư cùng quý thầy hằng tuần đều có giảng pháp và hướng dẫn phương pháp tu thiền định tâm.
Tôi dè dặt hỏi: -Thưa sư ông, lúc mới đến, con có nhìn thấy nhiều người đang thiền hành,  có người thì yên tọa trên băng đá hoặc ngay dưới thảm cỏ. Thật là một chốn thiền môn an tịnh. Nhưng con nghe nói… chùa được xếp hạng di tích lịch sử nên khách thập phương chiêm bái ngày một đông, kéo theo những người buôn bán xô bồ phức tạp. Người ta còn cho xây bến đò ngay trước mặt chùa đưa đón khách du lịch qua cù lao. Như vậy chẳng những làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và mái chùa cũng dần mất đi sự thanh tịnh yên tĩnh.
Sư ông gật đầu tiếp lời: – Xã hội phát triển. Thời đại công nghiệp cũng tác động ít nhiều đến cửa chùa. Nhưng đó là cuộc sống bon chen bên lề xã hội. Mọi chuyện buôn bán vui chơi đều diễn ra bên ngoài. Người đã bước chân vào cổng chùa, dù chỉ để dạo cảnh xem hoa cũng phải biết giữ lòng thanh tịnh, đi đứng nhẹ nhàng, lời nói cử chỉ hòa nhã từ tốn. Những ngày rằm lớn có đông khách vãng lai vào lễ chùa, một khi đã bước vào đây thì ai cũng biết tuân thủ giữ mình. Cửa Phật từ bi rộng mở. Giáo lý Phật đà luôn nói đến thuật ngữ tùy duyên. Tùy duyên mà vẫn bất biến. Bất biến mà lại tùy duyên. Chơn lý suốt mấy ngàn năm vẫn vậy. À! Sư ông thấy con có đọc qua quyển sách…
– Dạ con mới đọc có ít trang. Theo con biết thì đây là tập truyện vừa có giá trị  lịch sử vừa mang tính nhân văn thời đại. Viết về một con người, một sự kiện có thật với mạch văn lưu loát, diễn cảm y như người trong cuộc đã sống cách đây mấy trăm năm thật là sống động. Sư tổ ngày xưa dừng chân bên dòng sông, giữa cảnh hoang vu bốn bề cây xanh nước bạc, Người ắt đã nhận ra thiên thời địa lợi. Người trước mở đường. Người sau tiếp nối. Chốn Già Lam ngày một phát triển đúng với tâm hạnh và nguyện lực của Tổ sư… Thưa Sư ông! Thật thú vị khi biết về lịch sử của một ngôi chùa cổ. Song con chỉ hiểu bấy nhiêu. Ngoài ra không dám có ý kiến gì ạ…
Sư ông mỉm cười: - Con nhận xét thật tinh ý. Sư ông viết theo tài liệu để lại hằng trăm năm và qua lời kể của Tôn Sư. Chỉ là ghi chép vài sự kiện về công trạng đức độ của vị Tổ khai sơn Tổ Đình. Công trạng của người xưa biết nói sao cho hết. Người vì pháp quên thân càng không muốn lưu lại dấu tích. Nhưng hậu thế chúng ta không có quyền quên. Ghi nhớ ân đức của người xưa để tiếp nối truyền thừa. Ghi nhớ và học theo hạnh nguyện của Tổ sư mà lo vun bồi đạo nghiệp, lợi lạc quần sanh. Vạn pháp đều là mộng ảo giai không. Nhưng từ có mà chuyển thành không phải trải qua bao kiếp tu hành đạt đạo… Nói gì thì lịch sử vẫn luôn mang một giá trị truyền lưu nhất định.
Trời đã chiều lắm rồi, thấy tôi sốt ruột nhìn ra bờ sông, Sư ông vội nói:
– Con xuống dưới xem Văn xả thiền chưa. Nếu có duyên ngày nào đó con ghé lại học thiền và chúng ta lại có dịp bàn luận về văn chương Phật pháp, cũng là cơ duyên để con học hỏi.

… Văn ngồi thiền trên chánh điện. Anh chàng xưa nay có lối sống buông thả vô định. Không ngờ chỉ qua vài khóa tu thiền mà tư tưởng đã biến đổi nhanh như vậy. Văn muốn cho tôi thấy sự thay đổi một cách bất ngờ. Và tôi đã thật sự bất ngờ.
Bên dòng sông… những đợt sóng triều xuống lên không dứt. Chỉ có lòng người trở về là hoàn toàn tĩnh lặng an vui… giữa bến bờ sanh diệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét