Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Khép Lại Mùa Xuân - Minh Thuý Thành Nội


Ngày trước Liên và Bích Thy là đôi bạn thân, Thy rất đẹp dáng người cao thon thả, nét mặt sáng ngời, nụ cười tươi như hoa. Tính tình Thy cởi mở dễ mến, nhất là đối với phái nam, ánh mắt nhìn tình tứ đã hớp hồn không biết bao nhiêu chàng trai. Liên thì ngược lại, bản mặt đã xấu rồi mà còn lạnh như tiền khó ưa. Vì bạn đẹp quá cho nên Liên rất thích diện cho Thy, mỗi lần mặc quần áo đi chơi hay hướng dẫn bạn mặc áo gì, đeo bông tai ra sao như là một tác phẩm điêu khắc sáng tạo đầy thích thú. Thy rất thương Liên, mỗi lần nhà có đám giỗ hay tiệc gì, dù trời nước lụt lội bì bõm cũng xuống thăm, đem gói xôi, đùi gà rô ti và các thứ bánh trái, nhìn đùi gà Liên hiểu bạn nhịn phần nên càng thương bạn đến dường nào.
<!>            
Chung quanh Thy có quá nhiều chàng trai trồng cây si, có cả xe Jeep nhà binh nữa.
Một hôm Thy đi chơi đâu về ghé nhà Liên, dẫn thêm người đàn ông chững chạc giới thiệu là thầy Bảo dạy ở Nha Trang ra chơi. Thầy có nét mặt hiền hoà lịch lãm ngồi yên không nói, chỉ nghe hai đứa nói chuyện qua lại. Lúc ra về Thầy mới chịu lên tiếng. 

- Tôi còn ở lại Huế một tuần nữa, Bích Thy và Như Liên nếu có dịp ngang qua cửa Thượng Tứ mời ghé nhà tôi chơi ở gần đó.
Thy kể Liên nghe... quen Thầy do tình cờ đến nhà bác họ hàng, thầy là bạn của ông anh, nói xong Thy hỏi Liên:

- Trong số người đeo đuổi tao, theo mi nên chọn ai
           
Liên như bà cụ non lên lớp

- Mi hỏi con tim chứ răng hỏi tao, rứa chứ mỗi đêm mi nghĩ đến ai, mi thấy nhớ ai, gặp ai làm mi run, tình cảm mà hỏi như chọn món hàng. Nếu nói chọn thì tao chấm thầy Bảo.
    
Bích Thy cười ha hả
- Để tao trả lời cho mi nghe, gặp ai tao cũng run, ai cũng nhớ, ai cũng thương... được chưa bà già

- Ông nội mi... tao muốn á khẩu luôn.
Nói chữ “ông nội mi” hồi đó thiệt là xấu, nói riết quen miệng, câu mô cũng có đệm quả kỳ cục. Bạn bè lâu ngày gặp mừng rỡ quá ôm chặt nhau, tát vô mặt hoặc đang đứng giữa đường phố là nhảy tưng tưng “ông nội mi, ông nội mi...”

Hinh VVNM 02

Hai câu chuyện Liên nhớ đời là... chị hàng xóm tên Hoa đang ngồi làm cá, gặp lúc có ba chồng dưới quê lên chơi, không biết ba chồng và cháu trai tám tuổi đùa giỡn chi, chị quay vô nói
- Hiền... ai cho mi hỗn với ôn rứa? Ôn nội mi nờ...
       
 Vừa khi Liên bước qua, chị nhìn Liên nói 
- Hắn càng lớn càng cứng đầu mất dạy... đồ… đồ… cái thứ... ôn nội hắn nờ
       
 Liên hoảng hốt nhắc chị
- Có ôn nội nơi tề... răng chị chưởi ôn hoài rứa
        
Chị giật mình
- Ui... ui... chết rồi

Liên nhìn ông nội đứng dương cặp mắt lớn ngó chị, chị Hoa cúi mặt làm lơ.

Chuyện thứ hai Liên tới thăm bạn Bạch Mai lấy chồng sớm, ở chung với mẹ chồng. Nét mặt buồn xo ngồi kể lể chuyện làm dâu bị mẹ chồng mắng đủ thứ, từ chuyện này sang chuyện khác, Liên ngồi yên nghe để bạn giải tỏa nỗi lòng, có đoạn nước mắt bạn rơm rớm:
- Mi biết không... bà bắt bẻ hoài, giống như thằng cu Tý nghịch ngợm, tao la “ông nội cái thằng ni, phải bắt quỳ gối mới được”, tức thì bà ở trên lầu bước xuống:
- Mai! con có biết ông nội cu Tý là ba chồng của con không? Con không được chưởi chữ “ông nội mi”
Nghe ngang đó Liên không thể đè nén được, ôm bụng cười ngắt nghẻo dù bạn đang muốn khóc, Liên cười dai dẳng, làm Mai cũng bật cười theo quên buồn luôn.

Trở lại chuyện Bích Thy... với thầy Bảo
Vài lần Bích Thy đi chơi với Thầy tìm hiểu nhau, sau đó bạn khoe chiếc radio thầy tặng, có nhắn vài chữ dán mặt sau “Mong Thy tìm nguồn vui trong thời gian anh vắng mặt”. Liên thật cảm kích tấm lòng và tình cảm thầy dành tặng cho bạn.

Thầy đi rồi Thy tiếp tục vui chơi với người khác, có cả không quân bay bướm. Liên cự với Thy nhiều lần, Thy được cái tình hiền lành dễ chịu chỉ biết cười hì hì cho qua chuyện.
Hinh VVNM 03

Đợt khác thầy Bảo về, Bích Thy đi chơi với Thầy ở đâu ghé lại đưa Liên hai bịch chè bột lọc bọc thịt quay. Không biết Thy kể gì về tình bạn của hai đứa mà lần này thầy có vẻ thân mật với Liên, cách nói chuyện xem Liên như đứa em gái gần gũi. Trước khi Thầy đi, Bích Thy hỏi Liên có nên ghé nhà thầy thăm không? Liên muốn đẩy vô, thắt chặt tình cảm của bạn với thầy nên đồng ý thúc giục.

Qua khỏi ngưỡng cửa trung học làm cô sinh viên văn khoa thì ưa mặc áo dài màu. Hôm đó Liên đề nghị bạn mặc áo lụa vàng, dĩ nhiên con gái Huế thời này hầu như đều để tóc thề. Mái tóc Thy mượt mà, khuôn mặt kiều diễm xinh tươi, đến Liên còn muốn nhìn ngắm huống gì là đàn ông. Liên nghĩ thầm “tới nhà thế nào mẹ thầy nhìn cũng cảm tình chọn dâu liền”

Ngôi nhà thầy đi vào con hẻm nhỏ của khu lao động, mẹ thầy mời vào rồi qua nhà hàng xóm gọi thầy về. Bích Thy nhìn quanh ngôi nhà... bộ bàn ghế đơn sơ, gian thờ tự ở giữa, bên cạnh hai chiếc giường kê song song, nhà không có buồng che màn, trên vách treo mấy áo quần của thầy, bạn quay qua tôi:

- Mi đẩy tao đến với thầy, nhà cửa như vậy, tủ đựng quần áo cũng không có, chắc tao thà “làm bé ông lớn còn hơn làm lớn ông bé”, nói xong Thy cười ha hả vì câu nói đó mọi người thường hay đùa. Liên trừng mắt nhìn bạn:

- Nhưng thầy chân thật đàng hoàng, lại hiền hậu, tiền bạc kiếm ra sắm mấy hồi…
Thầy về tiếp khách, lôi cây đàn trên vách xuống hỏi hai đứa thích bài gì, Bích Thy nói bài nào cũng được, còn Liên yêu cầu thầy đàn bản “Thoi Tơ” thơ Nguyễn Bính, nhạc Đức Quỳnh
 
Em lo gì trời gió. Em lo gì trời mưa
Em tiếc gì mùa hè. Em tiếc gì mùa thu.
Thơ anh làm em hát. Tơ anh dệt em may.
Ta xây đời bằng mộng. Như tiếng dệt con thoi...
 
Sau đó thầy say sưa đàn bài “Mộng Dưới Hoa” thơ Đinh Hùng nhạc Phạm Đình Chương
 
Ta gặp nhau yêu chẳng hạn kỳ
Mây ngàn gió núi đọng trên mi
Áo bay mở khép nghìn tâm sự
Hò hẹn lâu rồi em nói đi…
 
Bích Thy có vẻ thẩm ý miệng cười nhẹ, còn Liên chìm lắng lời nhạc hồn lãng đãng mơ hồ... theo những bài tiếp “Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay”, “Dưới Giàn Hoa Cũ”, “Thu Quyến Rũ”... v..v…
Thầy Bảo trở vào Nha Trang. Bích Thy vẫn tiếp tục bắt cá nhiều tay, thật khổ cho những cô có sắc đẹp được nhiều người săn đón. Liên cãi vã với bạn nhiều hơn vì không hài lòng tình cảm lộn xộn, Thy chọc lại
            - Tình cảm tao rộng lớn lắm, ai thích, tao cũng thích lại, mạ ơi, “ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên...” hi... hi... hi…
Liên cũng hết ý kiến lắc đầu luôn 

Mùa xuân thầy về quê ăn Tết, có hôm lên gặp lúc Bích Thy đi vắng, thầy ghé nhà Liên hỏi. Liên đoán Bích Thy đi chơi với anh Hào dân Không Quân, vì trước đó bạn khoe anh Hào đã về, Liên bắt buộc phải nói láo thôi:
- Dạ hôm qua Bích Thy có cho biết hôm nay đi ăn giỗ nhà bà con. 

Thầy gật đầu ngồi nói chuyện loanh quanh một hồi ra về. Đêm Liên trằn trọc suy nghĩ “Tội nghiệp thầy sống với tình cảm tha thiết dù ở xa, còn Thy lại chia năm xẻ bảy tình yêu, hình như bạn có máu tự hào nên nhất quyết thâu nhận hết.

Thầy rời Huế, giấc ngủ đến với Liên hơi khó khăn kể từ đó, đêm nào cũng nghĩ đến Thầy, suy nghĩ hoài trong tâm trí mặc dù Liên cố xua đuổi. Có những đêm trăng sáng xuyên qua cửa sổ, gió lay cành lá in trên tường, Liên nghe dư âm tiếng đàn vang nhẹ bên tai đang ru Liên đi vào giấc điệp chập chờn.

Một hôm Bích Thy xuống chở Liên lên cầu Bạch Thổ như đã hẹn nhóm bạn để tập bơi sau nhà Mỹ Hạnh. Từng đứa nằm sấp trên hai cánh tay Hạnh đạp chân, thỉnh thoảng bị lộn nhào ngủm nước, Mỹ Hạnh sợ vùng nước bị sâu nguy hiểm nên quyết định đưa qua vùng nước cạn. Hạnh bơi kéo cả bọn ôm chặt bánh xe, ngang giữa sông Hạnh than mệt “tụi bây nặng quá tao kéo không nổi”, cả bọn tái mét mặt mày, giữa lúc đó máy bay mấy anh phi công chạy quầng quầng nhiều vòng hạ rất gần trên đầu, thấy rõ vài người ngồi đưa tay vẫy vẫy, Bích Thy dong tay cười toe toét “forget me not”. Trong lúc cả bọn cười sằng sặc, Liên vẫn bị rơi vào khoảng trống ảm đạm. Sau giờ tập bơi kéo nhau đi ăn chè, bạn bè thường đặt cho Liên danh hiệu “vui chẳng ai biết buồn chẳng ai hay”, nhưng Bích Thy để ý:
- Liên, tao phải giỡn bằng mọi cách cho mi cười dù có vô duyên đi chăng nữa.

Bạn đâu có biết thời gian này hình ảnh Thầy đã choáng ngự tâm tư Liên, “có những khi ngồi một mình lại sống với nhiều hình ảnh và có những lúc giữa chốn đông người lại sống chỉ một hình ảnh”. Liên tự hỏi lòng “không lẽ đây là tình cảm? Sao sóng lòng lại dạt dào, trỗi dậy cảm giác kỳ lạ vậy? Liên đâu muốn như thế, và thấy thẹn thuồng giấu thật kín trong lòng.

Thế rồi năm 75, Bích Thy lấy chồng giàu sang vượt biên qua Mỹ, Liên bận lao đao theo đời cơm áo, cũng chẳng nghe tin tức về Thầy, Liên chỉ biết mơ để sống, niềm mơ dỗ dành bất cứ lúc nào thấy lòng hiu quạnh, tâm hồn cô đơn trống vắng…
Sau Liên cũng lấy chồng và qua Mỹ định cư theo diện HO, câu thơ của Du Tử Lê

“Mai em lấy chồng, mai em có con
Mai em yêu chồng, mai em thương con
Tôi chỉ xin em một lần kể lại
Chuyện em sang sông có tôi đau lòng”.
            
Liên muốn đổi hai câu sau

“Tôi chỉ xin tôi một lần nhớ lại.
Ngày tôi sang sông giấu anh trong hồn”

hay là

“Em đã khóc khi kề vai hạnh phúc.
Mối tình si lén đặt giữa hồn sầu

Mọi thứ đều lùi vào dĩ vãng, nhưng mỗi lần Liên nhớ đến Thầy như có luồng cảm giác êm đềm dịu vợi chạy vào tâm hồn. Liên không tìm được hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại, có lẽ tại Liên kém sắc tầm thường, nên chồng vẫn đi tìm sắc, ham săn đón những cô gái đẹp bên ngoài, bao nhiêu lần Liên bắt gặp chàng say mê chao đảo hết người phụ nữ này đến người phụ nữ khác, Liên khóc hết nước mắt vì chồng còn ngang tàng tuyên bố người ta là tri kỷ. Vui quá thì sẽ hết vui, buồn quá cũng sẽ hết buồn, sự thất vọng chán chường làm nhạt dần tình cảm, cái nghĩa cũng không còn cố gắng níu kéo. Tất cả đều là nợ duyên, đến lúc nào đó tự động hết duyên rẽ đường, Liên trả tự do để họ bay nhảy, khi 2 con đã trưởng thành.

Liên trở thành bà ngoại, bà nội, tìm nguồn vui sinh hoạt nơi Chùa và vài hội trong cộng đồng.
           
 Một lần đi dự tiệc đám cưới (con của bạn). Ngồi đối diện bàn có người đàn ông tóc bạc trắng cứ hướng mắt về phía Liên, thấy nét mặt quen quen nên thỉnh thoảng Liên liếc trộm cố lôi trí nhớ, hai bên ngượng ngùng lẩn tránh khi cùng chạm mắt nhau. Cuối tiệc người đàn ông bước qua bàn Liên ngập ngừng
- Xin lỗi chị có phải người Huế

Liên gật đầu nhìn ông.
- Chị có phải là bạn Bích Thy không?
Liên hơi ngờ ngợ
- Xin lỗi có phải Thầy Bảo?
- Đúng rồi tôi đây, có phải Như Liên không?

Hai người mừng rỡ, Thầy kéo ghế ngồi xuống, hỏi thăm nhau qua loa về gia cảnh. Thầy xin số phone hẹn gặp sau nói chuyện nhiều hơn.
Thật bàng hoàng như giấc mơ mấy chục năm gặp lại, nét mặt Thầy vẫn trầm lặng như ngày nào nhưng nét có hơi đổi khác.

Hinh VVNM 04

Qua cuộc nói chuyện trên phone sau đó, Liên được biết Thầy qua Mỹ theo diện con gái bảo lãnh nơi tiểu bang Texas, mới thuyên chuyển về đây được hai năm, đang ở vùng Santa Clara, vợ mất đã hơn 5 năm, Liên chia buồn cũng như nói sơ về gia cảnh mình, và cho Thầy biết Liên vẫn liên lạc với Bích Thy hiện sinh sống tiểu bang Connecticut. Giọng Thầy có vẻ mệt mõi lan tràn những ý tưởng bi quan.
Liên báo tin Bích Thy và cho số điện thoại của Thầy. Bích Thy và Liên có dịp hỏi thăm vui vẻ. Bích Thy xúi giục Liên “nhào dzô” cho có cặp an ủi nhau vì hoàn cảnh hai người đều độc thân tại chỗ.
      
Liên chọc lại:
- Gặp người xưa trong lòng có xao xuyến gì không?

- Ôi! mi biết tính tao mà, ngày xưa thấy anh Bảo hiền lành thương tao, thì tao cũng đón nhận lại, chứ mẫu người anh không có sức thu hút tao, mà tao cũng không biết người nào làm sóng lòng mình chao đảo, có lẽ hồi đó trẻ, máu tự hào hơi cao rằng số mình đào hoa và không chịu buông ai hết.

- Vậy là mi không có tình yêu hoặc yêu nhiều quá nên muốn chia năm xẻ bảy phải không?
     
 Bích Thy phá lên cười trong phone:
- Rứa chứ có ai giống như mi, đi đâu cũng lạc lõng giữa đám đông, chỉ sống riêng thế giới của mình, tao thì không phí thời gian, luôn điền vô khoảng trống, luôn có người để đi chơi. Tao thấy cuộc đời mi buồn tẻ quá, thôi chừ gặp Thầy cũng cô đơn, ghép lại làm bạn đời vui tuổi già đi nghe “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ. Em ơi em, tình non đã già rồi” (Xuân Diệu)

- Non cái con khỉ, già lão hết rồi.
Bích Thy cười hăng hắc để chấm dứt câu chuyện…
           
Dần dà Thầy xin phép đến nhà chơi hoặc hẹn uống cà phê hay có dịp dự lễ Chùa nào tổ chức. Hình ảnh thầy Liên vẫn nuôi dưỡng, đặt Thầy nơi một vị trí trang trọng, nay có phần xúc động hơn với hoàn cảnh của thầy. Thỉnh thoảng Liên nhắc kỷ niệm giữa thầy và Bích Thy, thầy cười nhẹ chúc mừng Bích Thy tốt phận. 
           
Càng ngày hình như Thầy càng muốn gặp gỡ Liên nhiều hơn, nàng cảm nhận hai người rất gần gũi về mặt âm nhạc, văn thơ và thích đi Chùa. Tình cảm nhẹ nhàng của... đôi bạn... an ủi nhau rất nhiều.
           
Có lần Thầy hẹn Liên đến Chùa Đức Viên vì có một cao tăng đến từ tiểu bang Texas ban thời pháp cho đại chúng trong ngày Thọ bát Quan Trai.
Ra về trời còn sớm, Thầy lái theo xe Liên, hẹn đến hồ Elizabeth của thành phố Fremont.
Hai người đậu xe đi dạo quanh bờ hồ... Gió từ mặt sông thổi lên lồng lộng, nắng chiều tươi đẹp. Thầy đọc thơ Hoàng Cầm:
 
“Anh đã về đây lại gặp mình
Cõi đời thiên hạ giấc u minh
Níu tay cười xuống hoàng hôn cũ
Vớt mắt em về bến hóa sinh”           
                                                   
Liên trầm ngâm thưởng thức, ký ức năm xưa trở về... thầy đi chơi với Bích Thy, Liên cuộn mình nằm khóc. Bạn đi chơi người khác Liên đau đớn dùm Thầy, càng thương Thầy lại càng tìm cách ngăn chận bạn, ép bạn về phía Thầy, vì Liên biết Thầy yêu Bích Thy nhiều lắm, còn Liên chỉ biết đè nén nỗi buồn.
       
“Lòng tôi ôm một khối tình.
Tình trong giây phút mà thành thiên thu”. (thơ Pháp, Khái Hưng dịch)
            
Chắc hẳn Bích Thy chẳng bao giờ biết được nỗi lòng Như Liên.
            
Trời chiều còn đỏ ửng ráng mặt trời, những cánh chim vội bay về tổ, đàn vịt bơi trên mặt nước hồn nhiên, thỉnh thoảng vẫy cánh làm nước bắn lên dấy động sự yên ắng.
Liên biết ơn Thầy đã cho những giây phút bình an thanh thản, hưởng buổi chiều đẹp yên lành được bao quanh mùi hương kỳ diệu pha chất thơ đi về cõi mơ hồ lãng đãng.

Mùa lễ Tạ Ơn. Các con Liên nhận xét Thầy hiền lành nên cũng quý mến mời đến nhà dự tiệc. Liên thấy nôn nao cảm giác chờ đón bạn, nên dọn dẹp sửa soạn nhà cửa chuẩn bị buổi họp mặt gia đình. 
           
Thời tiết khá lạnh, gia đình con trai đến sớm đem theo con gà Tây, pizza và trái cây, Liên ra tay nấu nồi bánh canh giò heo, chả giò và gỏi mít, con gái đem về bánh bèo, bánh bột lọc. Thầy đến bưng ổ bánh kem lớn, mang theo cây đàn guitar.
Không khí ăn uống vui vẻ, sau đó cắt bánh uống nước trà, Thầy hỏi ai biết hát để Thầy đàn, hai con Liên chịu thua dời qua family room xem tivi, để lại phòng khách cho thế giới người già. Thầy bắt đầu đàn, giọng hát già nua mệt mỏi nhưng vẫn thoát ra vẻ đam mê của thi văn...

Nếu có ngày nào em trở gót 
Quay về thăm lại bến thu xa 
Thì đôi mái tóc không xanh nữa
Mây bạc trăng ngàn vẫn thướt tha

Ánh mắt Thầy nhìn Liên chan chứa. Sao tim Liên bỗng đập mạnh lạ thường, Liên cảm thấy bối rối lẩn tránh. 
Ngày xưa dù không được gặp lại Thầy, dù cuộc sống đổi thay đầy những bầm dập đau thương. Ngày giã từ thời con gái lập gia đình, và quay gót lưu lạc nhưng Liên vẫn luôn luôn tạo dựng bóng mát trong tâm hồn, những lúc hụt hẫng niềm tin, chao đảo nỗi muộn phiền, Liên dừng lại nương tựa bóng mát có thoáng hình ảnh Thầy ru êm những chiều nắng Hạ, hay tiết thu êm ái được trải hoa gối Nguyệt đầy hương thơm cỏ lạ. 

Thầy đang ngồi trước mặt bằng xương bằng thịt, Thầy vẫn đàn, còn Liên trong phút chốc đã quên mái tóc chớm sương của mình, tâm hồn quay trở lại thuở đôi mươi, âm nhạc là dòng sông, và Liên đang miên man bơi lội thuyền thơ mát lịm ngây ngất.
Cuộc vui nào cũng tàn. Thầy ra về... lòng Liên thấy ấm áp cảm giác lâng lâng. Đêm nhìn ra bầu trời đầy những vì sao, Liên thả niềm mơ ước bay lên cao, Liên thấy mình của thời con gái, của những ngày yêu Thầy thầm lặng, nắn nót vụng về những vần thơ như hờn như trách mình khờ dại trong tình đơn phương, Liên thiếp dần vào giấc ngủ.

Ngày tháng đi qua. Mọi người bắt đầu sửa soạn nhà cửa đón Tết. Thời gian này Liên hơi bận rộn làm công quả trên Chùa, phụ việc gói bánh chưng bánh tét. Nhớ lại mùa Noel vừa rồi Liên rủ Thầy gia nhập hội đến thăm, đãi ăn, phát quà Homeless rất vui và đầy ý nghĩa. 

Chiều ba mươi Tết, hai tâm hồn lạnh giá trên xứ người tìm đến nhau đi nhìn tàn dư của năm cũ, cũng như thèm nghe tiếng pháo, muốn hưởng lại chút hương vị của quê hương. Thầy hẹn chở Liên đi Chùa Giác Minh ở Palo Alto vì có bà dì tu ở đó. 
Hai người cùng vào lễ sám hối cuối năm. Thầy dâng hương bàn vong có gởi hình thờ vợ, nhìn Thầy thành tâm khấn nguyện Liên cảm động suy nghĩ “người mất vẫn giữ được ngôi vị yêu thương đầy ắp, còn Liên tuy người ta còn sống nhưng nàng đã đánh mất hình ảnh họ”, ý tưởng miên man làm Liên nhớ đã học tác phẩm “Othello Desdemona” của đại văn hào William Shakespeare:

Trong một chiều mùa hạ, bên ngoài khung cửa Phượng đỏ rực dưới ánh nắng xuyên qua, tiếng Thầy Đông trầm đều đọc đoạn văn tả nỗi ghen tuông đau khổ của Othello đến nỗi phải giết vợ, không khí nín thở theo câu chuyện buồn, thầy Đông bỗng đưa ra ý tưởng “chỉ có giết mới giữ được hình ảnh nàng trong trái tim”, câu nói lãng mạn giữa khung chiều thơ mộng đã làm xao xuyến cả đám học trò la ó lên thích thú. Giờ đây ngồi suy nghĩ câu nói của thầy Đông mấy chục năm sau vẫn còn nhớ, Liên lẩn thẩn mỉm cười “muốn giết để giữ được, còn mình chẳng cần giết, nhưng hình ảnh đã buông xa mờ nhạt”       

Thầy Bảo và Như Liên hái lộc, ngồi trước sân chùa nhìn những phong pháo dây nổ liên tục, khói bay mờ mịt từ mùi pháo quyện lẫn mùi hương thơm nghi ngút trắng xoá cả khoảng sân, người đi hái Lộc cầu xin đông nghẹt. Hai người cùng yên lặng, miên man ký ức những mùa Tết cũ nơi quê nhà sống dậy đầy xao xuyến... cho đến khi hết tiếng pháo mới chịu ra về. Khoảng cách từ nơi Chùa đến chỗ đậu xe phải đi còn đường dài thật xa. Bỗng nhiên Thầy cầm tay Liên giọng chậm rãi: 

- Anh muốn nói với Như Liên từ lâu... anh mơ ước mình kết duyên già chung sống cùng nhau. Từ lúc vợ anh mất đến giờ, nỗi buồn đã làm nguội lạnh, anh không nghĩ có ngày hôm nay mình lại đón nhận cảm giác lạ lùng như vậy. Như Liên không cần phải trả lời bây giờ, hãy dò xét quan sát lòng mình thật kỹ nhé.

Liên run lên như thuở đôi mươi, người khớp hẳn không biết nói câu gì. Hồi lâu mới gắng thu hết can đảm lên tiếng 
            
- Thầy cho Liên thời gian suy nghĩ thêm nhé 
Thầy cười hiền hoà bình thản. Hai người lại im lặng đi bên nhau.
           
Đêm dài trằn trọc, thỉnh thoảng nghe vài tiếng pháo lẻ tẻ vọng đến, Liên nhớ lại dư âm tối 30 Tết trên Chùa, liền ngồi dậy ghi dòng cảm xúc 

Nhìn Lại Năm Cũ

Thời gian vụt lướt chẳng ai ngờ
Vẫn lối sương mù gợi tiếng thơ 
Hạ đến ưu phiền giây bất chợt 
Đông sang hụt hẫng phút tình cờ 
Ngày đơm thắm chữ phơi tranh lụa 
Tháng nhả tươi vần gội nắng tơ 
Pháo nổ vang xa chào đón Tết 
Đêm còn bút vẫy thỏa niềm mơ 
           
Liên suy nghĩ thật nhiều... nghĩ đến người chồng đã đem cho nàng sự mệt mỏi chán chường, Liên tìm nguồn vui bằng những buổi sinh hoạt nơi Chùa, nơi dạy sự buông bỏ, học Tứ Diệu Đế (Khổ Tập Diệt Đạo) tìm giải thoát để hưởng niềm an lạc. Chắc gì ghép chung cuộc sống sẽ tìm được lòng tương kính, chắc gì đụng chạm thực tế mà không phiền nhau, chắc gì… chắc gì... Sau một tuần Liên quyết định gởi thư trả lời:
             
Thầy Bảo!

Liên đã suy nghĩ rất kỹ... Tuổi mình trải thăng trầm lăn lộn với cuộc đời này nhiều rồi. Khi Liên cảm nhận được tình cảm của thầy thì tuổi không còn trẻ nữa, và đang làm mẹ, làm bà nội ngoại, về phần Thầy cũng vậy. Liên nghĩ mình cũng chẳng cần kết hôn, vì

“Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt, động hờ dây tiêu” (Xuân Diệu)

Thôi thì hãy để tình yêu ở một góc nào đó trên thiên đường, mình ngẩng đầu nhìn lên và đóng khung trời mộng chắc chắn nơi ấy sẽ rất đẹp, thỉnh thoảng gặp nhau như vầy cũng đủ an ủi cuộc đời, nương tựa tinh thần, đơm hoa bằng giáo lý nhà Phật luyện thân tâm mỗi ngày mỗi nhẹ nhàng hơn.
 
Thư Thầy gởi lại:
             
Liên mến!
        
Anh không biết nói sao, mong Liên vẫn cho anh có cơ hội gặp gỡ, anh vẫn hy vọng để thở và sống... Anh muốn mượn câu thơ của Hoàng Cầm 
                         
“Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
 Mộng héo bên sông vẫn đợi chờ”

Đọc xong lời thầy viết, Liên không biết mình đang vui hay buồn, nhìn màu hoàng hôn từ từ buông xuống bên ngoài, ánh trăng vừa lấp ló, Liên nghe đâu đây tiếng Thầy hát 

“Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ
Có anh ngồi lại se phím cũ
Mong chờ em hát khúc xuân xưa”

Gần một năm trôi qua từ khi dịch Covid_19 hoành hành. Liên chẳng đi đâu ngoại trừ vài tuần đến chợ một lần. Con cái rất lo cho người lớn tuổi, sợ miễn nhiễm yếu nếu dịch khó chống chõi.
            
Tết sắp đến, Liên ngồi nhớ kỷ niệm năm trước, nhớ những sinh hoạt cùng anh chị em hội Huế đãi ăn Homeless, đến thăm, ca hát và phát quà cho các cụ già ở Nursing Home vào thời điểm này, Tết lên Chùa gói bánh, ngào mức bán gây quỹ, nhớ thêm nữa đêm giao thừa…

Thầy Bảo và Liên vẫn email hỏi thăm, kể những sinh hoạt hàng ngày. Niềm vui thật nhẹ nhàng. Thầy vẫn được quý trọng, viền khung sáng chói trong tâm hồn Liên. Liên đã từng quen sống với giấc mơ nơi chốn đông người, nơi chỗ thanh vắng, trong giấc ngủ vỗ về, trong cuộc đời này. Liên cảm thấy mọi điều thật đẹp khi sống bằng niềm mơ, dầu chỉ là mơ qua...
           
Thời gian lặng lẽ trôi, xuân hạ thu đông tiếp nối. Rồi Xuân lại trở về, sau vườn chậu hoa Cúc đang hé nở nụ cùng vài loại hoa khác. Trước ngõ cây cao bắt đầu mọc những mầm lá xanh non và nở tràn hoa trắng nhìn giống như bông Mai. Tết năm này, có lẽ chỉ quanh quẩn ở nhà thôi vì virus Vũ Hán. Liên thẫn thờ đi bộ sau vườn phơi nắng ấm. Nỗi buồn từ đâu xâm chiếm, lòng nàng như muốn khép lại trước mùa Xuân đang chào đón...

Khép Lại 

Nhặt những tàn phai kết mấy vần 
Đông vừa khép kín dậy tình Xuân 
Trên vai chút nắng gầy thương cảm 
Gọi gió thì thầm vọng tiếng ngân 
                                               

Minh Thúy Thành Nội 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét