Mùa hè đỏ lửa, Ba không thể rời nhiệm sở ở miền Trung, Mạ dẫn bầy con nhỏ vào Sài Gòn chạy loạn. Thời gian này, một cảnh hai quê, lòng Mạ lo lắng ngổn ngang trăm mối. Tuy vậy, Mạ vẫn sắp xếp dắt bầy con nhỏ đi đó đây khắp Sài Gòn.
Mạ muốn đưa mấy đứa con đi Chợ Lớn. Mạ hỏi đường, người Sài Gòn ngẩn người, không biết “Chợ Lợn” ở đâu. Nhưng rồi, Mạ vẫn tìm đến được những địa điểm như ý muốn. Người bạn của Mạ ở gần chợ Cầu Muối.
Người giúp việc trong nhà không hề chịu cảnh chủ tớ, mặc dầu có những người quen gọi Ba Mạ là ông chủ, bà chủ. Có nhiều người, đã nghỉ việc, nhưng khi có dịp vẫn ghé qua nhà, thăm hỏi gia đình.
Sau cuộc đổi đời 1975, vai Mạ oằn xuống vì những gánh nặng khổ ải dồn dập. Khi công an, bộ đội súng ống hung dữ ập vào tịch thu nhà, Mệ nội quá hoảng sợ, tức giận, Mệ khóc lóc không chịu đi. Những khuôn mặt sắt máu lớn tiếng nạt nộ. Bầy con ngơ ngác, bàng hoàng. Mạ nhẹ nhàng trấn an cả nhà.
Mạ tiếp tục cưu mang, gánh vác gia đình, sau khi cả nhà phải rời khỏi ngôi nhà Ba Mạ đã gầy dựng biết bao năm. Mất tiệm sách, mất quán cà phê, mất nhà, Mạ tảo tần với hàng cơm ở bến xe Quảng Ngãi, khách hàng đa số là người dân lao động.
Trong những lần đi thăm Ba, Mạ luôn an ủi, khuyên nhủ, để Ba khỏi suy sụp tinh thần, để còn có ngày về đoàn tụ với gia đình. Mạ đau đứt ruột, tiễn các con rời Việt Nam, mà thuở ấy, khó mong có ngày trở về, với hy vọng các con có cuộc đời đáng sống.
Ba về nhà sau gần mười năm tù với nhiều chứng bệnh mang trong người. Sau lần bị đột quỵ, Ba đã bị liệt nửa người. Mạ ghé vai Ba cho Ba vịn đứng dậy. Mạ rốt ráo hỏi tìm khắp nơi cách chữa trị, thuốc ta, thuốc tây. Mạ vái tứ phương. Tình thương yêu của Mạ như phép màu giúp Ba bình phục và vượt qua những cơn bệnh thập tử nhất sinh.
Mạ và một cô giáo của con, đã có những lần cùng nhau đi thăm chồng ở trại cải tạo. Mấy chục năm sau, gặp lại cô, cô hồi tưởng: “Dáng Mạ gầy gầy, vẻ nhẫn nhục chịu đựng gian khổ lo cho chồng, cho con. Nhưng vẫn toát lên vẻ quý phái, cao sang.
Dạo ấy, là người Huế, sống giữa đất Quảng, lại xa chồng, cô càng thấy mình bơ vơ, lạc lõng. Mỗi khi cô đến với Mạ con, cô có cảm tưởng như mình đang ở Huế, gần gũi với gia đình… ”
Lúc khá giả cũng như khi cơ cực, Mạ đối xử với mọi người như bát nước đầy. Thời nhà sách, Mạ thân thiết với những gia đình trên đường Phan Bội Châu.
Sau khi Ba đi cải tạo, nhà bị tịch thu, bác Kh., một người chưa quen biết, đã mở lời giúp đỡ Mạ trong lúc ngặt nghèo, mặc dầu gia đình bác cũng chỉ sống đắp đổi qua ngày.
Mạ về cùng bác Kh. bán hàng cơm ở bến xe lam cạnh cây xăng. Ban đầu, có người hàng xóm do đố kỵ, tỏ vẻ hằn học, hiềm khích. Thế mà, sau một thời gian, Mạ đã lay chuyển được thái độ của người ấy. Rồi Mạ có thêm nhiều người láng giềng gần gũi, tối lửa tắt đèn có nhau.
Những năm cuối thập niên 70 cho đến ngày các con rời Việt Nam, nhà ở Phú Nhuận, các con nhiều lần khốn đốn với phường khóm địa phương. Vậy mà, khi Mạ ở đây và lúc Ba về nhà sau khi ra khỏi trại cải tạo, những tổ trưởng, tổ phó khắt khe, xét nét đã trở thành những người người quen thoải mái, vui vẻ với Ba Mạ.
Ngày đón Ba Mạ ở phi trường Frankfurt, bầy con xúc động nước mắt lưng tròng. Gia đình sum họp sau nhiều năm xa cách. Mạ vui mừng khôn xiết. Nhưng Mạ lo Ba vừa qua cơn trọng bệnh, khéo léo nói nhỏ vào tai bầy con: “Mấy đứa đừng khóc, sợ Ba xúc động mạnh, không tốt”.
Mạ dặn dò, con gái đừng cằn nhằn với chồng, con trai đừng gắt gỏng với vợ. Khi thấy con phải đối mặt với nguy cơ rạn vỡ trong gia đình nhỏ, Mạ ân cần khuyên nhủ, “Con nì, quyết định chi, con nhớ nghĩ đến con của con nghe”. Mạ thấy đứa con này cuối tuần ở nhà, Mạ nhỏ nhẹ: “Sao con không đi thăm bồ!” Mạ thấy đứa con kia hơi tròn trịa, Mạ nghiêm giọng: “Ăn uống kỹ kỹ lại nghe con.”
Như vậy đó, giọng Huế của Mạ đã ru, đã nuôi, đã dưỡng bầy con từ thuở còn thơ cho đến khi con đầu có hai thứ tóc. Giọng Huế của Mạ tận tụy chăm sóc Ba trong những thăng trầm của cuộc đời. Giọng Huế của Mạ đã bươn chải ở nhiều nơi, để chồng con đầy đủ miếng ăn, cái mặc.
Giọng Huế của Mạ đã chạm vào trái tim của người chưa quen biết để họ trở thành ân nhân của gia đình. Giọng Huế của Mạ đã là bản đồ tìm đường, kiếm lối. Giọng Huế của Mạ đã mang đến những bạn bè, những láng giềng tử tế. Giọng Huế của Mạ đã an ủi chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ.
Những cái tết Mạ còn trên đời, đêm ba mươi bên mâm cúng tất niên, Mạ lâm râm cầu nguyện cho toàn thể gia đình an lành, mạnh khỏe. Mạ vẫn giữ thông lệ lì xì con cháu cho đến cái tết cuối cùng, năm Mạ vĩnh viễn lìa xa trần thế.
Con cháu, dâu rể xếp hàng khoanh tay chờ Mạ mừng tuổi. Mạ ngọt ngào gọi tên từng đứa con, cháu, nhỏ trước lớn sau và đặt vào tay con, tay cháu phúc lộc đầu năm.
Giờ đây, tụi con không còn được nhận được bao lì xì mừng tuổi của Ba Mạ nữa. Nhưng trong tim tụi con vẫn nghe được giọng Huế của Mạ, phù hộ cho con cháu luôn được an lành, trên thuận dưới hòa, gia đình yêu thương đùm bọc nhau, vạn sự hanh thông như ý trong cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét