Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

Đảo chính tại Myanmar. - Lâm Bình Duy Nhiên

Vào ngày Chủ Nhật, các tướng lĩnh quân đội Myanmar thông báo rằng họ sẽ tôn trọng Hiến pháp. Tuy nhiên, sáng nay, quân đội Myanmar đã thực hiện một cuộc đảo chính và bắt giam bà Aung San Suu Kyi, cố vấn chính phủ và Tổng thống Win Myint cùng nhiều quan chức cao cấp của chính quyền. Quân đội Myanmar đã chuyển giao quyền lực cho Tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar. Đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) đã bị phe đối lập cáo buộc “gian lận bầu cử” trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020. Tuy nhiên các cơ quan giám sát quốc tế đã phủ nhận những cáo buộc và cho rằng không hề có một bằng chứng cụ thể nào để chứng minh đã có gian lận trong cuộc bầu cử vừa qua.
<!>
Phía đối lập và đảng USDP thuộc quân đội đã không chấp nhận kết quả ngày 8/11. Đảng USDP chỉ giành được 33 trên 476 ghế, dẫn đến một thất bại nặng nề cho các vị tướng của phe quân phiệt.
Đảng NLD của “Bà Đầm Thép” đã giành 83% số ghế và điều đó đã khiến các vị tướng quân đội “thổi còi” chấm dứt cuộc chơi dân chủ từ 5 năm nay. Cuộc đảo chính đã nhắc nhở cho các đảng chính trị, nhất là đảng của bà Aung San Suu Kyi, rằng chính quân đội mới là quyền lực tối cao trong một đất nước dân chủ non trẻ như Myanmar.
Chắc chắn rằng phe quân đội chỉ có thể chấp nhận bà Aung San Suu Kyi cho một nhiệm kỳ duy nhất. Đối mặt với một chiến thắng rõ ràng của đảng NLD, phe quân phiệt không thể nào chấp nhận thêm viễn cảnh 5 năm cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi.
Ông Khin Zaw Win, cựu tù nhân chính trị, giám đốc Tampadipa Institute, tại Yangon nhận xét rằng chế độ quân phiệt đã xoá bỏ mọi thỏa thuận đã ký với các đảng chính trị khi sử dụng quân đội lật đổ chính quyền.
Cuộc đảo chính đã lập tức bị cộng đồng quốc tế lên án. Chính quyền của Tổng thống Biden, thông qua Ngoại trưởng Antony Blinken, đã kêu gọi quân đội “phải rút lui tức khắc” và yêu cầu Tướng Min Aung Hlaing phải trả tự do cho các nhà lãnh đạo đảng NLD.
Sáng ngày 2/2/2021, Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về tình trạng tại Myanmar. Ủy ban Nobel cũng bày tỏ sự công phẫn trước việc bà Aung San Suu Kyi bị bắt giam.
Cần nhắc lại, đối thủ “khó chịu” nhất của bà Aung San Suu Kyi, chính là Tướng Min Aung Hlaing. Cuộc đảo chính thành công đã mang lại cho ông quyền lực tối cao tại Miến Điện. Chính ông là “nhạc trưởng” trong vụ đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingyas tại bang Rakhine, khiến cho gần 1 triệu người đã phải vượt biên tỵ nạn tại Bangladesh và hàng chục ngàn người bị giết vào năm 2017.
Cuộc đàn áp trên đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Liên Hiệp Quốc đã gọi đó là một “cuộc thanh lọc sắc tộc” có chủ đích của quân đội Myanmar.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã điều tra “hoạt động giết người ở Bang Rakhine” của quân đội Myanmar.
Trước sự phẫn nộ của thế giới, bà Aung San Suu Kyi, người được trao giải Nobel Hoà bình vào năm 1991, đã chọn thái độ im lặng. Người phụ nữ can trường này đã bị cầm tù và quản thúc trong vòng 15 năm bởi chế độ quân phiệt. Bà từng được thế giới ngưỡng mộ và kính phục. Tuy nhiên, khi bà không lên án sự đàn áp thì chính bà đã bị phương Tây tẩy chay và chỉ trích.
Một cách công tâm, với địa vị của bà và trong bối cảnh nền dân chủ còn non yếu, bà thừa hiểu khó lòng lên án và tố cáo quân đội Myanmar. Vì chính quân đội mới là thế lực nắm mọi quyền lực thật sự tại xứ sở này.
Bà chấp nhận từ bỏ danh tiếng quốc tế để tập trung xây dựng một chế độ dân chủ tại quê hương bà. Bà chấp nhận mọi sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế dành cho cá nhân bà vì bà thừa hiểu nền dân chủ mỏng manh tại Myanmar cần nhiều thời gian và thử thách để có thể vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của quân đội.
Đó là sự chọn lựa, là chiến lược của bà. Sai hay đúng, tuỳ vào cách nhìn vấn đề, nhất là trong bối cảnh Myanmar, mới được bầu cử tự do vào năm 2015.
Theo nhận định của người viết, trên cương vị người làm chính trị, bà thiếu chút gì đó “ngoan cố” và “lạnh lùng” như Václav Havel hay Nelson Mandela. Do đó bà đã chọn sự im lặng trước quân đội trong vụ đàn áp người Rohingyas.
Cuộc đảo chính ngày hôm nay ( lần thứ 3 kể từ ngày giành độc lập vào năm 1948) do phía quân đội cầm đầu đã nhắc cho dư luận một bài học: chính quân đội mới là nhân tố quyết định cho “cuộc chơi” dân chủ tại xứ sở này.
Khi bà Aung San Suu Kyi được trả tự do và Myanmar được tổ chức bầu cử dân chủ, Myanmar đã trở thành một trong số ít những quốc gia được dân chủ hoá trong thời gian gần đây tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên với cuộc đảo chính trên, đất nước Myanmar bỗng chốc lùi vào quá khứ, như cách đây 10 năm. Một quá khứ đen tối khi cả đất nước bị cầm quyền bởi chế độ quân phiệt khét tiếng tàn bạo từ năm 1961 cho đến 2011.
Bà Aung San Suu Kyi đã kêu gọi người dân “kháng cự” lại cuộc đảo chính của quân đội.
Tình hình Myanmar trở nên căng thẳng. Những người ủng hộ đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi có thể sẽ xuống đường biểu tình rầm rộ. Myanmar có thể sẽ rơi vào khủng hoảng một khi quân đội không chấp nhận lùi bước và sử dụng bạo lực để đàn áp người biểu tình.
Nền dân chủ non trẻ Myanmar vào thời khắc khó khăn của lịch sử cũng là bài học cho các quốc gia đang muốn chuyển mình trong quá trình dân chủ hoá. Quyền lực quân đội cần phải được tách rời và không thể nào tuỳ tiện can thiệp để thay đổi kết quả bầu cử theo ý muốn. Đó là dấu hiệu của sự độc tài quân phiệt, cố tình cản trở qui trình bầu cử dân chủ và độc lập.
Sự tố cáo gian lận bầu cử không bằng chứng tại Myanmar dẫn đến cuộc đảo chính khiến chúng ta không khỏi liên tưởng đến những gì đã xảy ra sau ngày 3/11/2020 tại Mỹ. Cũng tố cáo gian lận và không ít người thầm hy vọng ông cựu Tổng thống Trump sẽ ban hành Thiết quân luật, đưa quân đội can thiệp vào kết quả bầu cử, bắt giam những chính khách đảng Dân chủ, tổ chức lại bầu cử,…
Tuy nhiên, nước Mỹ có hệ thống lập pháp và hành pháp rất vững chắc nên đã đứng vững trước cuộc khủng hoảng lịch sử vừa qua.
Nền dân chủ Hoa Kỳ vững mạnh là thế. Ông Trump cũng thừa hiểu giá trị dân chủ căn bản của nước Mỹ và dẫu ông vẫn không nhìn nhận thất bại nhưng ông không “ngây thơ” hay “độc tài” như Tướng Min Aung Hlaing đến độ sử dụng quân đội lật ngược thế cờ, chơi trò phản dân chủ như tại Myanmar.
Dân chủ không thể đến ngày một, ngày hai. Nó đòi hỏi sự trưởng thành cũng như khả năng chịu đựng và vượt qua mọi khó khăn và thử thách của một dân tộc.

Hy vọng đất nước Myanmar sẽ sớm thoát khỏi sự kiểm soát của chế độ quân phiệt để tìm lại được con đường dân chủ mà chính bà Aung San Suu Kyi đã hy sinh cả cuộc đời cho những giá trị cao cả ấy. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét