Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2021

Vai trò lịch sử của cựu Đại tướng Dương Văn Minh (II) - Lê Quế Lâm

 

Ngày 27/4/1975 trong lúc Quốc hội thảo luận -đa số thượng nghị sĩ và dân biểu muốn việc chuyển giao quyền lực diễn ra theo đúng hiến pháp. Chủ tịch Thương viện Trần Văn Lắm sẽ đảm nhận chức vụ quyền tổng thống để tránh việc tiêu hủy tính chất hợp pháp của chế độ. Bất ngờ lúc đó, phái đoàn chính phủ do Phó thủ tướng Trần Văn Đôn thay mặt thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn (đã bỏ chạy chiều hôm trước) cùng Phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo và đại tướng Cao Văn Viên Tổng Tham mưu trưởng, đến thúc giục Quốc hội biểu quyết trao quyền tổng thống cho Dương Văn Minh. Đôn báo cáo tình hình tuyệt vọng của đất nước: - Biệt khu Thủ đô đã bị cô lập hoàn toàn, không thể giữ được quá 3 ngày, - 16 sư đoàn Cộng quân đang bao vây Sài Gòn, - Quân lực VNCH chỉ còn 3 sư đoàn, - Chính phủ hiện nay không còn phương cách nào khác để tránh được cuộc tấn công của Cộng sản.

<!>  

Tường trình xong với Quốc hội về tình trạng tuyệt vọng của đất nước, đại tướng Cao Văn Viên đệ đơn xin từ chức và cùng phó thủ tướng Trần Văn Đôn lên đường di tản. Sau này, trong cuộc phỏng vấn của ký giả Hạnh Dương của tờ Việt Báo nhân dịp xuất bản hồi ký Đất Nước Tôi năm 2003, cựu thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn nhắc lại vào lúc 12 giờ 15 trưangày 27/4/1975, Đại sứ Martin điện thoại nói với ông: “Đêm 26/4 Cộng sản Bắc Việt bắn hỏa tiễn vào trung tâm Sàigòn là để cảnh cáo mà thôi. Nay Bắc Việt đã dàn sẳn 20 sư đoàn quanh Sàigòn rồi và Bắc Việt đòi phải bàn giao chức vụ tổng thống cho ông Dương Văn Minh, bất cứ người nào khác đều không được chấp nhận và buộc phải bàn giao trước 12:00 khuya ngày 27/4/1975, nếu không thì Bắc Việt sẽ pháo kích bình địa Sàigòn. Vậy xin thủ tướng hãy giúp chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm triệu tập phiên họp lưỡng viện quốc hội khẩn cấp”.    

Trong hồi ký, ông Nguyễn Bá Cẩn đã góp ý với ông Trần Văn Hương: “Thưa tổng thống, mặc dù chúng ta không thể chống chọi nổi áp lực chính trị và quân sự của ngoại bang và Cộng sản, nhưng tôi cũng xin tổng thống đừng dựa vào quyết định cá nhân tự tiện bàn giao cho tướng Minh vì sự bàn giao vi hiến này có hậu quả chính trị là xé bỏ Hiến pháp và tai hại hơn nữa là sử sách sau này sẽ lên án tổng thống vì bàn giao chức vụ cho tướng Minh mà sau đó đất nước đất nước này mới mất vào tay Cộng sản”. (10) 


Để tránh đổ máu vô ích khi cuộc chiến đã tàn, đồng minh Mỹ đã bỏ cuộc, Quốc hội biểu quyết chấp nhận Dương Văn Minh thay thế Trần Văn Hương. Chiều tối ngày 28/4/1975, trong lễ bàn giao chính quyền, ông Hương thành khẩn yêu cầu ông Dương Văn Minh vì sự sống còn của đất nước, hãy cố tránh việc trả thù, trả oán những người thuộc chế độ trước “làm thế nào cho cái việc hòa giải nó khởi sự trước ở trong nước trước khi đi ra nước ngoài” ý ông muốn hòa giải trong nội bộ miền Nam trước, sau đó là hòa giải với miền Bắc. Riêng cá nhân ông xin gởi nắm xương tàn bên cạnh các chiến sĩ. 

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Minh kêu gọi các “anh em phía bên kia ngưng ngay lập tức những cuộc tấn công lẫn nhau để chấm dứt những khổ đau của dân chúng, cùng nhau ngồi vào bàn hội nghị để tìm những giải pháp hữu ích cho quốc gia dân tộc”. Ngay sau đó Cộng sản cho phi cơ ném bom phi trường Tân Sơn Nhứt. Ông Minh cử Luật sư Nguyễn Văn Huyền -Phó tổng thống vào tiếp xúc với phái đoàn CS ở trại Davis để thảo luận việc thi hành hiệp định Paris, ngưng bắn và hòa giải, đồng thời ông Minh còn nhờ Pháp làm trung gian tiếp xúc với cộng sản.  


Bảy tháng sau biến cố 30/4/1975, trong buổi điều trần trước tiểu ban điều tra đặc biệt Ủy ban bang giao quốc tế Thượng viện Mỹ ngày 7/1/1976, đại sứ Martin trình bày: hồi tháng ba, ông đã có tin tình báo là Hà Nội đã quyết định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự, nhưng ông và Polgar không đặt nặng sự chính xác của bản tin này. Lý do là cùng lúc đó, lại có thông tin từ phía đại diện của Mặt trận Giải phóng ở Âu châu, một từ Stockholm (Thụy Điển và một từ Paris, cả hai đều cho biết rằng họ cũng muốn có một giải pháp chính trị.  

Ngoài ra Martin còn suy luận là chính Hà Nội cũng muốn một giải pháp chính trị để kết thúc một cách êm đẹp vì họ còn muốn nhận được viện trợ của quốc tế sau này. Thế nhưng “không hiểu vì một lý do nào đó, đêm 27 tháng 4, Bắc Việt đã bắt chợt thay đổi tín hiệu, quyết định chọn giải pháp hoàn toàn quân sự, và như vậy, giải pháp chính trị không còn nữa”. Về điểm này chính Kissinger cũng đã xác nhận trong buổi họp báo ngày 5 tháng 5, 1975 rằng cho tới ngày 27 tháng 4, Hoa Kỳ vẫn có nhiều hy vọng Hà Nội không định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự, và còn muốn điều đình với ông Dương Văn Minh. (11) 

Trong buổi điều trần nói trên, đại sứ Martin cho biết vai trò của ông trong việc Mỹ liên lạc với Liên Xô hồi giữa tháng 4/1975: “Vì phải được bảo mật, tôi là người duy nhất ở Sàigòn nhận được thông tin do Bắc Việt chuyển qua Liên Xô cho hay rằng họ sẽ không can thiệp bằng quân sự vào cuộc di tản của chúng ta”. Ông còn tin rằng sở dĩ Bắc Việt vẫn muốn điều đình một giải pháp chính trị vì “họ cũng không muốn bước vào Sàigòn trên một đống gạch vụn”.  

Lý do khác, theo ông “Hànội còn muốn nhận được viện trợ quốc tế nữa”.Do đó, ông chủ trương Mỹ ra đi từ từ, để giữ thể diện, vừa di tản thêm nhiều người Việt và tránh được sự xung đột với quân đội Sàigòn khi họ biết bị Mỹ bỏ rơi. Các nghị sĩ chất vấn “Nếu Hà Nội không can thiệp vào việc di tản thì tại sao họ lại pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhứt sáng ngày 29/4?” Martin trả lời “theo sự suy nghĩ của tôi là vì ngày hôm trước chúng tôi bắt đầu cho một số không quân Việt Nam đưa máy bay ra ngoại quốc. Tôi nghĩ rằng vụ pháo kích chỉ nhằm mục đích ngăn việc di chuyển này mà thôi [chứ không vì muốn chặn cuộc di tản] (12) 

Theo nhận định của chúng tôi, thì chủ trương nhất quán của Hà Nội là phải đánh bại chính quyền Sàigòn bằng bạo lực quân sự. Nhưng do khuyến cáo của Liên Xô, nên họ dành cho Mỹ thời gian ngắn để xúc tiến xong việc di tản. Ngay sau đó họ sẽ uy hiếp thủ đô Sàigòn bằng hỏa tiễn buộc “ngụy quyền” VNCH phải đầu hàng. Nhưng đại sứ Martin lại muốn kéo dài để có thể di tản nhiều người Việt trong chính quyền và quân đội. Lợi dụng thời gian này Pháp có thể kêu gọi Trung Cộng can thiệp, ủng hộ chính quyền Dương Văn Minh xây dựng thể chế trung lập ở miền Nam. Như vậy, kế hoạch của Hà Nội sẽ gãy đổ, nên họ phải dứt điểm miền Nam ngay. Đại sứ Martin và tân tổng thống Dương Văn Minh phải chạy đua nước rút trong 24 giờ cuối cùng của miền Nam tự do để di tản người Việt càng nhiều càng tốt. 

Hà Nội sợ ông Minh có mưu đồ kêu gọi Trung Cộng can thiệp, nên khước từ sự trung gian hòa giải của Pháp. Tòa Đại sứ Pháp báo cho Dương Văn Minh biết là Hà Nội không còn muốn thương thuyết với ông nữa. Họ đòi ông Minh yêu cầu Mỹ phải ra đi. Ông Minh không thể làm điều “vô ơn bạc nghĩa” này, nên chần chừ. Để gây áp lực, 4 giờ sáng ngày 29/4cộng quân xử dụng hỏa tiễn 130 ly pháo kích ồ ạt phi trường Tân Sơn Nhứt. Cuộc di tản bằng phi cơ C-130 và C-141 đang tiến hành, phải đình trệ. Một phi cơ C-130 bị phá hủy, hai binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tử thương, các bồn xăng bị trúng đạn bốc cháy. Đô đốc Gayler -Tư lịnh Quân lực Mỹ ở Thái Bình Dương điện cho đại sứ Martin thông báo không thể tiếp tục di tản bằng C-130.  


Khoảng 8 giờ sáng ngày 29/4/1975 Dương Văn Minh gởi văn thư hỏa tốc yêu cầu đại sứ Hoa Kỳ "ra chỉ thị cho các nhân viên của cơ quan tùy viên quân lực DAO rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29/4/1975 để vấn đề hòa bình Việt Nam sớm được giải quyết". Văn thư trên được thủ tướng Vũ Văn Mẫu, chủ tịch Lực lượng hòa giải dân tộc đọc trên đài phát thanh. Hoa Kỳ đã có lý do chính thức để chấm dứt sự can dự ở Việt Nam. Sau này ông Minh tiết lộ văn thư trên do người Mỹ soạn thảo. Như vậy, vào giờ phút cuối của cuộc chiến, chính người Mỹ đã yêu cầu Mỹ ra đi, chớ chẳng có ai đuổi Mỹ cả. Mỹ vạch ra thời biểu ra đi trong vòng 24 giờ và kết thúc vào 8 giờ sáng ngày 30/4/1975. 


Từ 2.00 giờ chiều ngày 29 tháng 4, trực thăng bắt đầu đáp xuống nóc Tòa đại sứ Mỹ ở đường Thống nhất, TT Ford và NT Kissinger không ngớt yêu cầu Đ/s Martin nên sớm rời Saìgòn, nhưng ông nấn ná ở lại với hy vọng đưa hết những người VN chờ đợi di tản còn lại trong khuôn viên Tòa Đại sứ. Mãi đến 4 giờ 45 sáng 30/4/1975, chiếc trực thăng mang bảng hiệu Lady Ace 09 đáp xuống sân thượng Toà Đại sứ, viên phi công trao cho Đ/s Martin miếng giấy, đó là lịnh của Ford buộc ông phải ra đi trong chuyến bay cuối cùng này. Ông mới chịu ra đi, ôm lá cờ Mỹ bước lên phi cơ đúng 4 giờ 58 sáng ngày 30/4/1975.  

Một tiểu đội Thủy quân lục chiến tiếp tục bảo vệ Tòa đại sứ đến gần 8 giờ sáng, 6 trực thăng võ trang từ biển Đông vào hộ tống chíếc trực thăng C-46 di tản cuối cùng, đáp xuống nóc tòa đại sứ đón 11 binh sĩ Mỹ cuối cùng rời Sài Gòn. Ra đi, người Mỹ cũng thực hiện đúng giờ giấc do họ sắp xếp.  

 

Còn Dương Văn Minh khi thấy việc thương thuyết với Cộng sản đã thất bại, ông cho phép Phó Đề đốc Diệp Quang Thủy và Hải Quân được toàn quyền di tản từ chiều 29/4, ông cố tình trì hoãn đến 10 giờ sáng 30/4/1975 mới tuyên bố mời Mặt trận Giải phóng vào bàn giao chính quyền, để số người ra đi tìm tự do càng nhiều càng tốt. Ông giải bày: “không cứu được nước thì cũng cứu được dân”. Trước đó, vào rạng sáng, tướng Vannuxem của Pháp đến thuyết phục ông cầu cứu Trung Quốc, nhưng ông từ chối vì không muốn “cõng rắn cắn gà nhà” như vua Lê Chiêu Thống. Bác sĩ Đinh Xuân Dũng -cựu dân biểu, nhận xét “Đại tướng Dương Văn Minh không phải là tay sai Cộng sản mà là một Petain của Việt Nam ở giây phút đen tối nhất của Việt Nam Cộng Hòa, vì nhân dân mà chịu nhiều búa rìu dư luận”. 

 

Hai giờ sau, Cộng sản chưa kịp “đánh đổ toàn bộ ngụy quyền Sài Gòn” sau khi Mỹ “đã cút” tổng thống Dương Văn Minh lên tiếng trên đài phát thanh mời Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cử đại diện vào Sài Gòn để ông bàn giao chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ông Dương Văn Minh đã thực hiện tinh thần hiệp định Paris: công việc miền Nam do chính quyền hai bên miền Nam quyết định. Nay vì tiền đồ dân tộc, vai trò lịch sử của VNCH phải chấm dứt để đồng bào không còn đổ máu nữa, cuộc chiến đã kéo dài 30 năm, máu của đồng bào đã đổ quá nhiều rồi. 

 

Chỉ chấp chính trong vòng 40 giờ, Dương Văn Minh đã hoàn thành nghĩa vụ của một người dân miền Nam trong hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước, biết hy sinh tình riêng vì nghĩa chung, mà còn giữ hòn ngọc Viễn Đông còn nguyên vẹn khi cuộc chiến kết thúc. Có lẽ nhờ đó mà hôm sau khi vào Sài Gòn, nữ chiến binh Dương Thu Hương đã bật khóc như cha chết Cô chua chát nhận xét: “chế độ văn minh quy hàng chế độ man rợ”.  

 

Trong 40 giờ lịch sử đó, cựu tướng Pháp Vanuxem đã khuyến cáo ông Minh nghĩ đến giải pháp Trung Cộng để duy trì một miền Nam trung lập. Nhưng Dương Văn Minh không vì ngôi vị tổng thống một miền Nam trung lập mà kêu gọi sự giúp đỡ của kẻ thù truyền kiếp, không bao giờ từ bỏ mưu đồ thôn tính đất nước ta. Ông than vãn “hết Tây đến Mỹ, chẳng lẽ bây giờ còn đi làm tay sai cho Tàu nữa sao? 

 

Nhà báo Pháp Paul Dreyfus, một trong số 25 ký giả Pháp và hơn 100 ký giá nước ngoài có mặt tại Sàigòn trong ngày 30/4/1975, đã nhận định “Bằng việc gạt qua cá nhân mình, Minh đã chấp nhận trong con mắt của lịch sử, là một viên tướng đầu hàng không điều kiện, để tránh cho đất nước của ông những đau đớn không cần thiết”. “Lịch sử có nợ gì tướng Dương Văn Minh? Song chúng ta nợ sự đánh giá lại về một con người tỉnh táo và can đảm này”.  

 

Dreyfus  tác giả quyển Et Saigon tomba - Collection Témoignages 1975 (Và Sàigòn sụp đổ - Sưu tập những câu chuyện năm 1975). Ông cho biết khi lưỡng viện Quốc hội nhất trí chuyển giao cho tướng Minh toàn quyền hành động ngõ hầu mang lại một nền hòa bình trong danh dự, trong lúc cả đêm trước và sáng sớm hôm sau cộng sản nã đại pháo vào trung tâm quyền lực Sàigòn, một người cộng sự thân thiết của tướng Minh đã nói không úp mở với ông: “Chúng tôi nhận một sứ mạng không thể thực hiện nổi”. Sau này ông Minh đã giải bày “Tôi không cứu được nước, nhưng tôi phải cứu dân”. 

  

 Cá nhân chúng tôi cho rằng lịch sử không nợ gì tướng Dương Văn Minh, vì lịch sử đứng trên tất cả, công minh phán xét. Lịch sử là lịch sử. Lịch sử không nợ ai cả. Chỉ có con người như Dreyfus nhận định “chúng ta nợ sự đánh giá lại về một con người tỉnh táo và can đảm này”. Theo Dreyfus, ông Minh là “một người minh mẫn và nắm vững tình hình”. “Chúng ta” trong đó có cá nhân chúng tôi từng “lấy dạ tiểu nhân đo lòng người quân tử” nên vấp phải sai lầm khi nhận xét các nhân vật lịch sử, chỉ vì cảm tính thường tình của con người chớ không suy xét bằng chân tâm. Nay phải đánh giá lại việc làm của TT Dương Văn Minh, vị Tổng Tư lịnh tối cao của Quân lực VNCH mà người viết cũng xuất thân trong tập thể đó.  

 

Trong cuộc xung đột thế giới giữa Quốc tế cộng sản và Thế giới tự do còn gọi là chiến tranh lạnh, mà VN là đấu trưòng chính. Vai trò của quân dân Miền Nam là chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do, một cuộc chiến tự vệ được Mỹ yểm trợ. Trong khi đó, cộng sản miền Bắc tố cáo Mỹ giúp Việt Nam Cộng Hòa là để thực hiện chế độ thực dân kiểu mới, hầu chia cắt đất nước lâu dài. Dựa vào luận điệu này, Hồ Chí Minh đẩy mấy triệu thanh niên miền Bắc vào Nam chiến đấu “vì độc lập, tự do, vì thống nhất tổ quốc”. 

 

Cả hai mục tiêu chiến đấu của hai miền Nam Bắc đều cao cả, nhưng không thể tiến bước song hành. Miền Nam tự do còn thì Miền Bắc sẽ phải tiếp tục chiến đấu, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Chiến tranh tiếp diễn, dân tộc chịu thảm họa lớnVì sự tồn vong của Tổ quốc, Miền Nam phải hạ vũ khí, hy sinh tình riêng vì nghĩa chung. Đó là đạo lý làm người, nhưng cũng là định mạng nghiệt ngã của người dân miền Nam. 

 

Cổ nhân có câu “Tri nan hành dị” (biết mới khó, làm thì dễ). Đối với những người có tấm lòng vì dân vì nước, họ ý thức được ngay vì tương lai dân tộc, phải biết hy sinh tình riêng cho nghĩa chung, nhưng hành xử ra sao cho tròn đạo lý? Đó mới là điều khó khăn “tri dị hành nan” (biết dễ, làm khó) mà những người lãnh đạo trong 10 ngày cuối cùng của Miền Nam tự do phải định liệu. Làm cách nào để hy sinh tình riêng phục vụ nghĩa chung diễn ra theo trình tự: tình dân tộc, nghĩa đồng bào, vừa giữ được thể diện? Điều này vô cùng khó khăn vì chủ trương của cộng sản là hận thù giai cấp. Thử hỏi có nước nào không có giai cấp, họa may chỉ có ở thiên đường! Vì thế hận thù giai cấp gây ra hận thù dân tộc. Người cộng sản ám hại người quốc gia, thì người quốc gia phải thù hận là lẽ đương nhiên.  

 

Cái vòng nhân quả đó kéo dài trong thời gian quá dài từ 1945 đến 1975, trở thành mối “hận thù quốc cộng” trong tâm khảm rất nhiều người từng là nạn nhân của cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Ông Dương Văn Minh đã phục vụ đất nước trong suốt 30 năm đó. Đó là quá khứ bi thảm của dân tộc, nay thời cơ đến, chả lẽ ông vẫn tiếp tục vết xe cũ hay sao? Tiếp nhận quả xấu do những người tiền nhiệm tạo ra, nhưng ông biết uyển chuyển trong hành xử để biến quả xấu thành nhân tốt để dân tộc còn có tương lai huy hoàng. Đó là quy luật nhân quả, gieo nhân lành tất phải gặt quả tốt. 

 

Từ quá khứ bi thảm đến tương lai huy hoàng phải trải qua thời gian, cũng như quy luật của thiên nhiên đã có hoàng hôn tất phải có bình minh, nhưng phải qua một đêm dài tăm tối. Đối với những người ưu tư đến tiền đồ dân tộc, là cả một đêm dài trăn trở, suy tư, thao thức cho đến lúc hừng đông ló dạng, trời đã sáng, bóng đêm ảm đạm đã qua.  

 

Thực hiện việc hòa giải dân tộc để chấm dứt chiến tranh bất thành, ông Minh biện minh “Không cứu được nước thì cũng cứu được dân”. Nước với dân là một, suy cho cùng “cứu nước cũng là cách cứu dân”. Cộng sản đã dàn sẳn trận địa pháo, biến Sài Gòn thành bình địa, “đánh cho ngụy nhào” để thực hiện mục tiên thống nhất đất nước. Do đó hành động ra lịnh binh sĩ buông súng và đầu hàng của ông Minh là để cứu dân, không để Sài Gòn trở thành “biển máu” khi chiến tranh chấm dứt. Cứu dân vào thời điểm tháng 4 năm 1975 cũng là hành động để cứu nước về lâu và dài.  

 

Hoàn cảnh của ông Dương Văn Minh cũng tương tự như cụ Trần Trọng Kim hồi năm 1945. Hậu thuẫn cho VN lúc đó là Nhật đã bại trận, quần chúng thì ủng hộ Việt Minh nên cụ Trần khuyên vua Bảo Đại thoái vị để Việt Minh lãnh trách nhiệm trước lịch sử. Và lịch sử đã chứng minh, 45 năm sau đó (1945-1990) đất nước gánh chịu ba cuộc chiến tàn khốc. Cộng sản tự hào đã đánh thắng Pháp chấm dứt chế độ thực dân cũ, đánh bại Mỹ chấm dứt chế độ thực dân mới, đánh bại bọn phản động Bắc Kinh và lãnh hậu quả nặng nề vì thắng lợi cuối cùng này. “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen” như số phận của Vương Thuý Kiều. 

 

Còn VN hồi tháng 4/1975, hậu thuẫn VNCH là Mỹ đã bỏ cuộc rút lui, thủ đô Sài Gòn đang bị cộng quân vây hãm, Dương Văn Minh hành xử như cụ Trần Trọng Kim, như Bảo Đại trao chính quyền cho cộng sản. Và trong 45 năm qua (1975-2020) CSVN hy sinh nghĩa vụ dân tộc, phục vụ nghĩa vụ quốc tế giúp Liên Xô bành trướng hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Nhưng kết cuộc hệ thống XHCN thế giới sụp đổ, Hà Nội quay về thần phục Bắc Kinh mà họ từng lên án là phản động bành trướng, là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Đúng là “Hết nạn nọ đến nạn kia, Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần” như nổi đoạn trường của nàng Kiều làm đầy tớ và bán thân hai lần.  

 

Đó là định mệnh đau thương của đất nước khiến dân tộc chịu biết bao nhiêu là thảm nạn từ thời thực dân đến thời cộng sản. Nhưng thời đại nào cũng có hồi kết thúc, giúp đất nước tiến lên. Thực dân Pháp kéo dài 85 năm từ khi chúng xâm chiếm Nam Kỳ năm 1860 đến năm 1945 bị Nhật lật đổ. Nếu tính đến năm 1955, Pháp chính thức rời VN là 95 năm. Tính trung bình là 90 năm tương đương với thời cộng sản, đến nay cũng tròn 90 năm (1930-2020). Trong 90 năm qua cộng sản đã “Tận nhân lực” để thực hiện hoài bảo xây dựng XHCN, nhưng ngày 24/10/2013 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố: “Xây dựng xã hội chủ nghĩa còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có xã hội chủ nghĩa hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Có lẽ CSVN đã “tri thiên mạng” thấy được số trời đã định.Vậy thì hãy thực hiện phương châm hành xử của cụ Ngô Thời Nhiệm được gói ghém qua mấy chữ “Thời thế - thế thời - phải thế” là nghệ thuật chính trị của người lãnh đạo. 

 

Cách hành xử của VNCH trong những ngày cuối của tháng 4 năm 1975 đã được Trần Bạch Đằng -cán bộ cao cấp MTGPMN nhận xét: “Sàigòn là thủ đô của chính quyền miền Nam, là nơi Mỹ đặt bộ máy chỉ huy chính trị và quân sự cho toàn cuộc chiến tranh, là thành phố lớn nhất nước, vào giờ chót dồn về đây một quân số không nhỏ, còn đầy đủ vũ khí. Thế mà Sàigòn được giải phóng ít đổ máu, tất cả hầu như còn nguyên vẹn. Song không thể không nhấn mạnh rằng ý thức dân tộc trong một số người đứng đầu chính phủ Sàigòn chợt bùng lên vào thời điểm đó -đặc biệt ông Dương Văn Minh- đã cống hiến đáng trân trọng cho một kết thúc rất Việt Nam, đầy đặc thù Việt Nam”.. (13) 

 

Nhờ ý thức dân tộc của Dương Văn Minh, chiến tranh kết thúc, Hòn ngọc Viễn đông với nhiều cơ sở kỹ nghệ tân tiến được dựng lên trong bước đầu của một nền kinh tế tư bản dưới thời “thực dân mới” của Mỹ vẫn còn nguyên vẹn. Nh đó miền Nam từng bước được phục hồi và Sài Gòn có nền kinh tế phát triển nhất nước, ông Võ Văn Kiệt trở thành lãnh tụ của phe cải cách canh tân trong Đảng CSVN. 

 

Chú thích: 

1. Henry A. Kissinger, Ending the Vietnam War, Simon & Chester, 2003, New York, P.542 

2. Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng minh tháo chạy, Cơ sở Xuất bản Chấn Minh, 2005, San Jose, Tr.387-388 (trích Vietnam Evacuation: Testimony Of Ambassador Graham Martin in U.S. House of Representatives…January 27, 1976) 

3. Nguyễn Tiến Hưng, Sđd, Tr388-389 (trích Ending the Vietnam War, P.543) 

4. Nguyễn Tiến Hưng, Sđd, Tr. 413-414 

5. Nguyễn Tiến Hưng, Sđd, Tr. 385 (trích Testimony of Ambassador Graham Martin. P.608 và Ending the Vietnam War. PP.545-546) 

6. Diễn văn của TT Trần Văn Hương đọc trước Quốc hội ngày 26/4/1975. 

7. Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Văn kiện của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việ Nam công bố ngày 4/10/1979, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979, Tr.69. 

8. Nguyễn Khắc Ngữ, Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, Nhóm Nghiên cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản, Gia Nã Đại, 1979, Tr.345. 

9. Nguyen Xuan Phong, Hope And Vanquished Reality, A publication of Center for A Scìence of Hope, New York, P. 46 (Bản dịch của Phan Quân) 

10. Nguyễn Bá Cẩn, Đất Nước Tôi - Hồi ký chính trị, Hoa Hao Press, San Jose, 2003, Tr.432. 

11.Nguyễn Tiến Hưng, Sđd, Tr.390-391 (Trích Testimony of Abassador Graham Martin, P. 584 + 609. 

12. Nguyễn Tiến Hưng, Sđd, Tr.386 (Trích Testimony of Amabassador Graham Martin, PP. 584-586. 

13. Trần Bạch Đằng, Tổng luận, Chung Một Bóng Cờ (về Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Nxb Chính tri Quốc gia, Hà Nội, 1993, Tr.869. 

LÊ QUẾ LÂM  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét