Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Sự nghiệp và triết lý kinh doanh của Chú Hỏa ở Sài Gòn. - Lê Vĩnh Huy

 

Sự nghiệp và triết lý kinh doanh của Chú Hỏa ở Sài Gòn.
Sở hữu hơn 30.000 ngôi nhà ở Sài Gòn, Chú Hỏa được xem như ‘vua nhà ở thời bấy giờ, nhưng không chỉ có bất động sản, Chú Hỏa còn thành công với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác. Triết lý kinh doanh của nhà Hui-Bon-Hoa là lợi nhuận thu được từ cộng đồng phải được dùng để phục vụ trở lại cho cộng đồng, nâng cao phúc lợi xã hội. Chú Hỏa được khắp miền Nam nhớ đến không phải vì tài sản kếch sù, mà vì những đóng góp cho xã hội. 
<!>
Kinh doanh cầm đồ
Từ 1864, nhà cầm quyền Pháp đã cấp phép cho tư nhân mở tiệm cầm đồ trên lãnh thổ Nam kỳ. Tiệm cầm đồ đầu tiên của Saigon-Cholon là Công ty MM. Apan Suo-yoo, do Hoa kiều Apan thành lập. Do lúc bấy giờ, giới kinh doanh ngành này thu lãi suất quá cao, nên vào 1871, chính quyền thực dân đã phải ban hành quy chế quản lý lãi suất, đồng thời cũng chính thức cho phép mở tiệm cầm đồ ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long và Châu Đốc.
Năm 1875, Antoine Ogliastro – người sau này là bạn tâm giao của Huỳnh Văn Hoa – thành lập công ty Antoine Ogliastro & Cie. ở Paris, tham gia kinh doanh lãnh vực cầm đồ. Em vợ của Antoine là Oscar du Crouzet làm giám đốc cho Apan, qua đó mà Antoine kết giao với Hoa kiều Apan. 1878, hai người cùng với một Pháp kiều khác là Théodore Blustein hợp tác thành lập công ty cầm đồ La Société Apan, Ogliastro-Blutstein et Cie. ở Sài Gòn. Sau này, Blutstein qua đời, công ty đổi tên thành La Société Ogliastro-Blutstein, Apan et Cie.. Công ty của họ lần hồi mở thêm chi nhánh ở Đa Kao, Cầu Kho, Gia Định, và ở cả miệt Lục tỉnh như Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Tân An… Huỳnh Văn Hoa đã kết giao với Antoine trong quãng thời gian này.
Không ai biết đích xác họ quen nhau trong trường hợp nào, chỉ biết từ 1887, Hoa đã là người quản lý toàn bộ ngành kinh doanh cầm đồ của Antoine ở xứ Nam kỳ. Những năm tiếp theo đó, họ luôn hùn hạp trong mọi cuộc làm ăn, cùng sánh vai nhau xây dựng sự nghiệp.

Năm 1900, các cửa tiệm cầm đồ của Antoine đều được Huỳnh Văn Hoa hùn vốn, công ty của Antoine từ đó đổi tên thành Công ty hợp doanh Ogliastro, Hui Bon Hoa et Cie. Năm 1901, Huỳnh Văn Hoa tạ thế, thế hệ Chú Hỏa thứ hai thừa kế cổ phần của hợp doanh này. Chẳng những thế, đến sau khi Antoine qua đời (1908), hai con ông là Lucien Ogliastro và Louis Ogliastro vẫn tiếp tục hợp tác với các con của Huỳnh Văn Hoa. Năm 1912, Lucien mất. Năm 1927, Louis chuyển hướng kinh doanh ra thị trường Bắc kỳ và Cao Miên (Campuchia). Tuy vậy, đến năm 1951 Louis mới tuyên bố giải thể, rút vốn và rời khỏi thị trường Đông Dương.
Chuỗi tiệm cầm đồ do thế hệ thứ hai của hai dòng họ ngày càng khuếch trương: ra Gò Vấp, Hóc Môn, Bà Chiểu; xuống tới Mỹ Tho, Gò Công, Bãi Xàu, Sóc Trăng… Nói chung, mạng lưới kinh doanh của họ phủ khắp các thị tứ và cảng sông trọng yếu của miền Nam.
Năm 1930, đối thủ của gia tộc Hui-Bon-Hoa xuất hiện, đó là công ty kinh doanh động sản và tín dụng của Ấn Độ, Crédit Mobilier Indochinois, có số vốn 10 triệu franc.

Năm 1931, Tòa Thị chính cho đấu thầu quyền khai thác tín dụng ở Saigon, chỉ có hai công ty là Ogliastro-HuiBonHoa và Crédit Mobilier Indochinois dự thầu. Người Ấn đã phá giá, đề xuất mức thuế cầm đồ là 25% để giành được quyền kinh doanh trong 6 năm. Công ty của hai gia tộc Ogliastro và Hui-Bon-Hoa phải rút khỏi thị trường Saigon. Ngay trong năm đó, Indochinois mở rộng thêm chi nhánh, không chỉ xuống Nam kỳ Lục tỉnh mà còn lan tỏa ra Hà Nội, Hải Phòng, Phnom Penh. Tính riêng ở Nam kỳ, năm 1938 tổng cộng có 28 tiệm cầm đồ thì đến 16 tiệm là của Indochinois, còn lại 12 tiệm là của Ogliastro-HuiBonHoa. Phải đến 1950, Indochinois giải thể, gia tộc Hui-Bon-Hoa mới trở lại địa vị thống lãnh kinh doanh cầm đồ ở Nam kỳ.
Kinh doanh bất động sản
Lúc ban đầu lập nghiệp, Huỳnh Văn Hoa nhờ biết được thông tin sắp xây dựng tuyến đường sắt ở Saigon, ông đã tậu một khu đất hoang sình lầy diện tích gần 10ha với giá rẻ gần như cho không. Đến 1881, khi khởi công xây dựng tuyến đường hỏa xa Saigon-Cholon, nhà cầm quyền Pháp đã đền bù cho Hoa một số tiền lớn, đủ để ông ra tiệm cầm đồ. Không những thế, khu vực đó sau khi mở nhà ga liền trở nên sầm uất, Chú Hỏa bèn cho cất nhà trên diện tích còn lại để bán và cho thuê. Khu đất phát tích của Huỳnh gia đó tọa lạc ở Quận Nhứt, được người trong gia tộc Hui-Bon-Hoa gọi là Hậu Phương Lan 厚芳蘭. Địa danh này được khắc trang trọng trên mộ chí của Huỳnh Văn Hoa. Sau này Huỳnh Trọng Huấn (con trai) đầu tư dinh thự ở Hạ Môn cũng cho xây một nhà kỷ niệm có tên Hậu Phương Lan quán để ghi nhớ công ơn khai phá cơ nghiệp của cha mình.
Chẳng có tư liệu nào ghi chép địa điểm cụ thể của bãi đất hoang ấy. Còn cái tên Hậu Phương Lan nghe vừa văn vẻ vừa lạ hoắc, thật ra chính là ký âm phương ngữ Quảng Đông của địa danh Cầu Ông Lãnh.
Khu vực Cầu Ông Lãnh nằm giữa khuôn viên các đường Galliéni (tức đường Trần Hưng Đạo), Marchaise (đường Bác sĩ Yersin), Dixmude (đường Đề Thám) và đường Belgique (thời Việt Nam Cộng Hòa là đường Bến Chương Dương, nay nó đã được sang tên cho một cố thủ tướng Việt cộng). Thời Pháp, dân Tàu kêu Cầu Ông Lãnh bằng Hậu Phương Lan, đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa mới phiên âm trực tiếp là Cựu Ông Lãnh 舊翁領 hoặc Cựu Ngũ Luân 舊五倫. Khu dinh thự Huỳnh Vinh Viễn đường liền kề đại lộ de la Somme (nay là Hàm Nghi), nhà ga xe lửa đầu tiên của Saigon được xây dựng ở đại lộ này. Cạnh đó là chợ Bến Thành, nơi đến nay vẫn còn lưu lại những biệt thự kiểu Pháp do gia tộc HuiBonHoa xây dựng.
Năm 1901, sau khi Huỳnh Văn Hoa mất, hai anh em Trọng Huấn và Trọng Tán quyết định thành lập Công ty huynh đệ Hui-Bon-Hoa (La Société Hui Bon Hoa et fréres). Công ty này chuyên kinh doanh địa ốc, cất nhà cho thuê, xây dựng nhà xưởng và các tòa nhà thương mại. Phạm vi hoạt động của nó không chỉ ở Saigon mà còn mở rộng trên toàn Liên bang Đông Dương và các quốc gia lân cận. Anh em họ phân công nhau: Trọng Tán xử lý công cuộc làm ăn ở Nam kỳ, Trọng Huấn về Hạ Môn đầu tư, phát triển sự nghiệp ra hải ngoại.
Năm 1918, Đệ nhất Thế chiến kết thúc, kinh tế suy thoái khiến giá đất giảm mạnh, Huỳnh Trọng Tán phóng tay thu mua và xây cất nhà cửa, dinh thự ở Saigon-Cholon. Khắp các đại lộ huyết mạch và chợ đầu mối thuộc địa bàn này đều có cơ ngơi tòa ngang dãy dọc của Chú Hỏa. Ở thời kỳ cực thịnh, Công ty địa ốc Hui-Bon-Hoa sở hữu hơn hai vạn ngôi nhà, bằng 1/5 tổng số địa ốc Saigon-Cholon lúc bấy giờ. Qua thời kỳ suy thoái, kinh tế khởi sắc khiến giá bất động sản tăng dần, cơ nghiệp của Huỳnh gia cũng tăng theo đều đều. Cùng lúc đó, công ty địa ốc Huỳnh Vinh Viễn đường do Huỳnh Trọng Huấn thành lập ở Hạ Môn cũng xây cất được hơn 60 tòa biệt thự trên đảo Cổ Lãng, việc làm ăn cứ thế phát triển tính bằng ngày.

                    Giai đoạn Đệ nhị Thế chiến, các thành viên thuộc hàng chữ Khánh (thế hệ thứ ba) của gia tộc cũng chung tay nhập cuộc kinh doanh. Năm 1943, danh sách Hội đồng quản trị của Tổng Công ty địa ốc Hui-Bon-Hoa ngoài ba anh em Huấn, Tán, Bình, còn có thêm tên của: Khánh Nam 慶楠 (Khien-Nam Hui-Bon-Hoa, con trai Trọng Huấn), Khánh Sam 慶杉 (Khien-Sam Hui-Bon-Hoa, con trưởng Trọng Tán), Khánh Tung 慶樅 (Khien-Chion Lucien Hui-Bon-Hoa, con thứ Trọng Tán), Khánh Phong 慶楓 (Khien-Hong Luce Hui-Bon-Hoa, con trai thứ ba của Trọng Tán).
Công việc kinh doanh của Sài thành đệ nhất phú gia lúc này đã phát triển sang các lãnh vực khai thác đồn điền cao su ở các tỉnh miền Đông và mở nhà máy chà gạo ở các tỉnh miền Tây. Các biệt thự nghỉ mát cho người trong dòng tộc được xây dựng ở Đà Lạt; các biệt thự tránh nóng cũng được xây ở Vũng Tàu để các cô cậu thuộc hàng chữ Khánh mỗi cuối tuần ra tắm biển, lái du thuyền; và một khu phần mộ rộng lớn ở Biên Hòa cũng được hình thành, để các trưởng bối lui về yên nghỉ ngàn thu ở xứ Nam kỳ cây lành trái ngọt.
Khu dinh thự Nhà Chú Hỏa
Khu dinh thự của gia tộc Hui-Bon-Hoa tọa lạc ở Quận Nhứt, Sài Gòn. Khu đất này ban đầu vốn là nơi ông Huỳnh Văn Hoa cất nhà liền kề nhau cho các con trai, sau này được Huỳnh Trọng Huấn tậu rộng thêm, với tổng diện tích 3.514m2. Mặt tiền là đường d’Alsace Lorraine (nay là đường Phó Đức Chính); bên trái là đường Hamelin ( nay đổi là Lê Thị Hồng Gấm); bên phải là đường d’Ayot ( hiện đổi thành đường Nguyễn Thái Bình); và sau lưng là đường Bourdais (tức đường Calmette).

Sau khi từ Hạ Môn về, Huỳnh Trọng Huấn nhờ kiến trúc sư người Pháp là Rivera thiết kế hòa hợp Á-Âu, xây bốn dinh thự ở khu đất này (1925-1929), gồm: Trọng Huấn lâu, nay dùng làm Bảo tàng Mỹ thuật; Trọng Tán lâu, dùng làm trụ sở ngân hàng một thời gian, sau đó đã dỡ bỏ; Trung lâu, tòa nhà này tầng dưới là tổng hành dinh của Công ty bất động sản Huỳnh Văn Hoa (tên Tây là Société Immobilière Hui-Bon-Hoa, SIHBH), tầng giữa là từ đường của dòng họ, giờ là một phần của Bảo tàng Mỹ thuật; Trọng Bình lâu, đang cho tư nhân thuê.

Quần thể biệt thự này thời bấy giờ được gọi theo tên công ty địa ốc của anh em nhà Hui-Bon-Hoa là khu dinh thự “Huỳnh Vinh Viễn đường”, còn giới bình dân thì gọi là Nhà Chú Hỏa.
Đối diện Nhà Chú Hỏa là nhà 66 Phó Đức Chính, địa chỉ này vốn là tiệm cầm đồ đầu tiên của Huỳnh Văn Hoa. Sau khi xây dựng xong bốn dinh thự Huỳnh Vinh Viễn đường, Huỳnh Trọng Huấn cũng cho xây mới tòa nhà này, dùng làm nơi trú ngụ cho người vợ kế và các con của ông . Sau 1975, nhà này bị tịch biên. Sau nhiều lần sang tay, địa chỉ này hiện nay là Cao ốc văn phòng Sacomreal – Generalimex.

             Những đóng góp của gia tộc Hui-Bon-Hoa
Triết lý kinh doanh của nhà Hui-Bon-Hoa là lợi nhuận thu được từ cộng đồng phải được dùng để phục vụ trở lại cho cộng đồng, nâng cao phúc lợi xã hội. Chú Hỏa được khắp miền Nam nhớ đến không phải vì tài sản kếch sù, mà vì những đóng góp cho xã hội. Không tài nào thống kê được cụ thể có bao nhiêu ngôi nhà do Công ty địa ốc Hui-Bon-Hoa xây dựng cho dân nghèo thuê với giá rẻ. Ngót trăm năm đã trôi qua, đến nay người ta vẫn còn có thể nhiều lần bắt gặp không chỉ ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, mà cả ở miệt Lục tỉnh, những dãy nhà liền kề nhau rất đặc trưng kiểu “Chú Hỏa”. Những người dân nghèo bất kể Tàu, Việt, đều có thể tìm đến Công ty Hui-Bon-Hoa để thuê hoặc mua trả góp một ngôi nhà khang trang đủ tiện nghi gia đình và phù hợp với túi tiền của mình.
Nhiều công trình lớn do họ xây dựng đến nay vẫn phát huy công năng. Hạng mục này không cần phải kể nhiều, chỉ xin tùy tiện điểm qua vài công trình quan trọng: Phước Thiện y viện (Huỳnh Trọng Tán xây năm 1909, nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi), Chẩn y viện (Huỳnh Trọng Huấn xây năm 1937 – nay là Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn), Bảo sanh viện Đông Dương (1937 – nay là Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ), chùa Phụng Sơn (Huỳnh Trọng Bình xây năm 1949 – số 338-340 Nguyễn Công Trứ, Quận I), chùa Kỳ Viên (năm 1949 – số 610 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 3, Quận 3), Thành Chí học hiệu (Huỳnh Khánh Mi xây, nay là Trường THCS Minh Đức – số 75 Nguyễn Thái Học, Phường Cầu Ông Lãnh, Quận I)…

Từ thời Pháp thuộc, khi Huỳnh Trọng Tán mất (1937), để vinh danh gia tộc Chú Hỏa, chính quyền thực dân đã đặt tên cho con đường nối liền Saigon với Cholon là Đại lộ Hui Bon Hoa (Boulevard Hui Bon Hoa), chính là đường Lý Thái Tổ ở Quận 10 ngày nay.

 Lê Vĩnh Huy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét