Người lính già ngồi nhìn ra khung
cửa. Nắng rực rỡ ngoài kia. Những hạt nắng nhảy nhót lung linh.
Ông đưa tay lên gãi đầu. Ông lại cười một mình. Ông biết cái đầu ông bây giờ tức cười lắm. Hôm qua bà vợ già đã đặt cái ghế giữa nhà, kéo ông ngồi xuống và hớt tóc cho ông. Bà đâu phải là thợ, bà cũng chưa hề hớt tóc cho ai thế mà giờ này bà ra tay với ông. Ông ngồi yên. Mà ông không ngồi yên cũng không được, bởi bà đã choàng cái khăn bà may giống ở tiệm, quấn kín cổ cho ông. Bà cười lỏn lẻn:
- Ông chịu khó ngồi yên nghen. Ông mà cựa quậy lung tung, tôi lỡ tay sẽ biến ông thành sư cọ.
<!>
Ông tức cười quá nhưng không dám trả
lời. Ông mà mở miệng, nước miếng lại trào ra thành dòng. Thội thì mặc kệ, bả muốn
chơi kiểu nào cũng được. Đời ông từ lâu đã giao phó cho con gà mái dầu dễ
thương này rồi.
Bà vừa hớt vừa xoay trở, bờ ngực đè lên
vai ông, cọ qua cọ lại. Ông cũng thấy xuân tình nổi lên, nhưng cái tông đơ đã
lâu không sử dụng, nó nghiến cái tóc ông đau từng hồi. Thây kệ, ông tự nhủ. Đau
ráng chịu, la lên lại chảy nước miếng. Cái máy rè rè, bà nghiêng bên này, bên
kia, lúc có lược, lúc không. Ông rọ rạy khó chịu. Bà nhét tay ông vào trong
khăn dỗ dành:
- Ráng chút nữa, tui sẽ biểu bầy nhỏ mua
cái máy khác. Ông lại rọ rạy, tui dớt bên này sâu hơn rồi nè.
Một hồi sản phẩm của bà cũng xong. bà
ngắm nó ra vẻ hài lòng. Lột khăn choàng ra. Kéo ông đứng dậy bà cười:
- Bi giờ ông giống lính mới nhập quân
trường. Thôi đi vào phòng, tui dọn dẹp xong, tui tắm cho ông.
Vào phòng tắm bà lại lôi máy cạo râu
chơi một vòng lả lướt trên mặt ông trước khi lột sạch đồ và đưa ông vào phòng
tắm có cái ghế ngồi nho nhỏ.
Bà bước hẳn vào trong, thử nước ấm và
cẩn thận gội đầu cho ông. Bà cười giọng reo vui:
- Đại Úy, tóc cắt kiểu này không sai
luật quân trường phải không? Tui cắt tóc cũng chiến lắm chứ bộ.
Ông làm thinh nhớ đến quân trường ngày
đầu nhập ngũ, nhớ những lần tập huấn:"Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường
bớt đổ máu" Nhớ cái nhìn sửng sốt lẫn thương cảm của mẹ nhìn thấy con trai
cái đầu húi cua và gương mặt sạm nắng.
-Ông nè, hớt tóc ở nhà đở cho ông phải
chờ đợi ở tiệm đau cả lưng. Dẫu có xấu một chút, nhưng già rồi mình đâu có đi
đâu mà ngại.
Bà kéo ông về thực tại bằng câu nói ngọt
ngào như xin lỗi về cái đầu hớt không được đẹp. Phải rồi, ông nhớ lại mỗi lần
đi tiệm hớt tóc, bà vợ ông đã gọi trước lấy hẹn để ông khỏi phải chờ. Nhưng lần
nào chú thợ cũng bận một hoặc hai người
trước ông. Ông ngồi xuống ghế, bà ngồi ghế kế bên luôn chậm nước miếng và đở
cho đầu ông không gục xuống. Cái lưng ngồi lâu lại đau thắt cả người. Bà lại
dìu ông đứng dậy rồi dìu ông đi loanh quanh bên ngoài. Tới phiên ông vào cắt,
ông không thể nào ngồi vào cái ghế dễ dàng dù ghế đã hạ thấp xuống. Chú thợ và
bà phải nâng ông lên và xoay cho ông ngồi ngay ngắn. Cũng tội nghiệp chú thợ,
đầu ông cứ ngọ ngoạy và gục xuống vì mỏi cổ. Có khi ông ngủ gục, giật mình một
cái khiến chú thợ hết hồn. Cho nên lần nào ông đi hớt tóc bà vợ cũng kè một bên
nâng đầu ông lên cho thẳng. Tóc ông hớt bay vào
người bà, cho nên lần nào về, tắm ông xong bà cũng phải tắm luôn cho
mình.
-Xong rồi. Sạch sẽ, đẹp trai. Mời đại úy
bước ra.
Bà lại dìu ông ra ngoài trần truồng như
nhọng. Nhìn vào gương ông không khỏi chạnh lòng. Người đàn ông này là ông sao? Ông
muốn khóc cho mình, cho số phận chua chát của một người lính già bệnh tật.Ông
giang chân hơi rộng ra để bà mang tả vào rồi lại đứng yên nhìn mình trong
gương. Cảm xúc lúc nãy biến mất dường như ông không quen người này, cái gã lạ
mặt cứ nhìn chăm chăm vào ông.
- Giở chân lên đi ông, chân này trước nè
Bà vỗ vỗ ở chân làm ông giật mình. Tay
ông vẫn còn vịn vào cái song dành để treo khăn và giơ chân lên. Mặc áo cho ông
xong xuôi, bà cầm tay ông lên ngắm:
- Móng tay ông đã dài nữa rồi. Thôi sẵn
nó mềm tui cắt luôn cho đủ bộ.
Bà dắt tay ông dìu ngồi trên cái bồn
toilet đã được đậy nắp lại:
- Đưa tay trái đây ông.
Bàn tay bà nắm lấy tay ông kéo về phía mình và ngồi xuống tẩn mẩn cắt
từng móng tay, móng chân cho ông. Cái đầu bà cúi xuống chăm chỉ.
Chăm chỉ như khi bà mới về làm dâu nhà
ông, lau thật kỹ bộ lư đồng bàn thờ. Cô dâu mới miền Nam đôi mắt ngây thơ sợ
sệt bước vào gia đình ông. Một gia đình miền Trung cổ hũ, thân phận dâu cả phải
lo kỵ giỗ, gia nương mồ mả nhà chồng.
Những móng tay bị cắt kêu tách tách. Ông
nhớ những ngày quê nhà, bà hí hoáy bên nồi bánh Tết, lửa trong bếp sáng rực,
kêu lách tách như vậy. Giòn giã hơn, vui tươi hơn. Còn bây giờ tiếng kêu như
những nhịp đau thương từ trái tim ông reo lên thương cảm. Người vợ 43 năm chung
thủy của ông có được gì đâu chớ. Chỉ nhận được từ ông bao nỗi cay đắng truân
chuyên. Nước mắt ông ngân ngấn nhưng tay đã bị bà giữ chặt. Bà giữ cuộc đời ông
bằng tất cả trái tim của một người vợ lính.
Xoa hai bàn tay lại với nhau, bà cười
cười:
-Tất cả sạch sẽ, tươm tất. Đại úy ơi!
xin cho tiền típ.
Ông cười, nước miếng lại chảy ra thành
dòng. Bà với tay, lấy cái khăn chùi sạch. nhẹ nhàng chọc quê,:
- Thấy gà máy dầu xấu xí thèm gà móng đỏ
phải không.
Rồi bà dìu ông vào phòng, Để ông ngồi
lên giường, xoay người cho ông nằm xuống. Bà kéo chăn đắp lên người ông, nâng
giường cho đầu ông vừa tầm. Bà nói:
- Thôi ngủ một giấc cho khỏe đi ông! Tui
đi tắm rồi tui xuống nấu cơm.
Và vậy bà đã xuống phòng ăn. Ông nằm im nhìn
lên trần nhà buồn vui lẫn lộn. Có ai ngờ cuộc đời ông lại như thế này. Ông
thường thấy bạn bè về bên ông tâm tình. Ông thấy thằng bạn trèo lên lợp nhà
trong trại Thanh hà bị sét đánh chết. Ông nhìn thấy con rắn đang bò đến bên ông
khi hai tay ông đang ôm bó tre thật lớn. Ông thấy bạn, thấy thù. Thấy những cái
nón cối, thấy đầu súng kè kè bên hông ông. Những giấc mơ không đầu không đuôi
vùi dập ông mỗi đêm. Những hình ảnh bạn bè thân quen đến với ông hàng ngày. Ông
chìm vào thế giới đó và mênh mang trong cuộc sống. Đôi khi ông vô tình quên hẳn
sự hiện hữu của bà.
Hôm nay, sao ông lại thấy bầu trời đẹp ,
thấy bà thật dễ thương. thấy thèm một dĩa cà vả ăn với mắm ruốc hay một tô bún
bò huế thật cay nghi ngút khói. Cái thuở đi lính được mấy ngày nghỉ phép về
làng về Huế.
Ông lại sờ lên đầu. Cái đầu mới hớt của
anh lính mới tò te, râu ria nhẵn nhụi. Cả một thời trai trẻ lại về. Ông nhắm
mắt lại, nhớ mùa xuân quân trường . Em đến thăm anh vào một ngày đẹp nắng...
Thêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét