Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

Luật Đời - KD

 

Chị nhìn người đàn bà đứng trước cửa nhà chị đang nhếch miệng cười mà đau nhói. Thế là bảy năm, chị về làm vợ, lo từng miếng ăn giấc ngủ cho gia đình chồng được đền đáp bằng một cách không thể tàn nhẫn hơn. Chị gạt ngang giọt nước mắt, lúi cúi bỏ hai túi đồ của chị vào đôi quang gánh xiêu vẹo bước đi. Cái dáng nhỏ thó của chị men theo lối mòn giữa những cánh rừng bạt ngàn mà ai thấy cũng xót thương cho người đàn bà tội nghiệp...Ngày ấy, chị lấy chồng đã gây không ít ngạc nhiên cho cả xóm. Chị vừa hiền lành lại tháo vát, giỏi giang; có rất nhiều người đàn ông theo đuổi, muốn lấy chị về làm vợ. Nhưng cuối cùng chị lại chọn Hoàn, gã đàn ông thô lỗ, cộc cằn mà ai cũng biết. “Âu cũng là số trời”, mọi người chép miệng như biết trước về một tương lai không sáng sủa gì dành cho chị.
<!>
Một đám cưới nhỏ theo phong tục địa phương được tổ chức và chị chính thức bước về làm vợ Hoàn, làm dâu nhà Hoàn. Những năm tám mươi của thế kỉ trước, không riêng gì nhà chị mà cả làng, cả xã đều nghèo nên hồi môn về nhà chồng của chị là đôi quang gánh đã gắn với chị từ thời con gái.
Hai năm sau ngày cưới, chị vẫn không sinh được con và thái độ của mẹ chồng cũng thay đổi hẳn. Từ mừng rỡ khi có một đứa con dâu hiền lành, tháo vát sang đay nghiến, chì chiết vì “loại đàn bà không biết đẻ”. Hoàn chán nản nên đâm ra nhậu nhẹt thường xuyên và cái tính vũ phu được dịp bộc phát. Mỗi lần, gã đi nhậu về là y như rằng chị hứng một trận đòn nhừ tử. Chị im lặng chịu đựng vì trong suy nghĩ của chị lỗi lầm cũng từ chị mà ra.
Ở quê, với vài sào ruộng thì dù cố gắng bương chải vẫn không đủ ăn đủ mặc. Thế là cả gia đình nhà Hoàn dắt díu nhau vào vùng kinh tế mới với mong muốn thoát nghèo đổi vận. Đây là vùng đất còn hoang sơ với vài mươi gia đình sinh sống. Những mái nhà được dựng tạm giữa những cánh rừng bạt ngàn để làm chỗ trú nắng mưa. Chị hi vọng vào đây chị có thể sinh cho chồng một đứa con.
Chị theo chân những người phụ nữ ở đây vào bìa rừng tìm kế sinh nhai, trong khi Hoàn phát rẫy khai hoang. Đôi quang gánh lại được dịp đồng hành cùng chị. Những bó củi được bó gọn gàng theo chị về nhà đợi những chuyến tàu đêm.
Hai giờ sáng, khi chuyến tàu hàng với những toa đầy ắp muối dừng tránh ở ga cũng là lúc những bó củi khô thi nhau đưa lên tàu, lấp vội dưới đống muối hay bất kì chỗ nào có thể “kí gởi” được. Những người phụ nữ cũng bám vội theo tàu mà xuôi về miệt Biên Hoà, Sài Gòn để bán. Những bó củi khô sau khi được quy đổi bằng gạo, mắm muối và vài thứ thiết yếu; họ lại vội vã theo tàu trở về lại nhà bắt đầu cho những ngày kế tiếp mưu sinh.
Nhưng sự vất vả của chị không thấm vào đâu so với nổi đau trong lòng chị. Đã bảy năm rồi , chị vẫn không sinh được con. Chị cảm thấy mình có lỗi với chồng, với gia đình chồng nên cắn răng chịu đựng tất cả. Nhiều đêm, chị khóc thầm mà khấn ông trời thương chị, ban cho chị đứa con.
Còn về phần Hoàn, gã công khai ngoại tình mà chẳng e dè gì với chị. Lâu lâu lại tặng cho chị một trận đòn vì “tội không biết đẻ”. Ngoài cái cớ ấy, thì gã chẳng tìm ra được lý do gì khác ở chị cả. Chị lầm lũi và cam chịu mãi thành quen cho đến chiều hôm nay.
- Nga! Mày về nhà coi chồng mày dắt con nào về kìa.
Tiếng chị Thanh, hàng xóm gọi làm chị giật mình đánh rơi cái liềm đang cầm trên tay. Mấy hôm nay, Hoàn về quê nên mình chị ở lại làm cho xong mớ cỏ bắp. Chị biết Hoàn ngoại tình nhưng chưa từng nghĩ một ngày Hoàn sẽ dắt người đàn bà khác về nhà thay thế mình. Mặt xanh như tàu lá, chị lắp bắp:
-Thật vậy hả chị Thanh?
-Tao gạt mày làm gì? Tao mới thấy nó đưa con nào về nhà nên ra báo cho mày biết nè. Về nhanh đi.
Chị bỏ dở đống cỏ đang còn vương vãi, vội vả theo chân chị Thanh về nhà.
Đứng trước mặt chị là Hoàn, chồng chị và một người đàn bà chị chưa từng thấy bao giờ,chị như chết trân. Vừa nhìn thấy chị, Hoàn lên tiếng:
-Sương đã có mang với tôi được bốn tháng rồi. Từ nay, cô ấy sẽ sống ở đây còn cô muốn đi đâu thì đi.
Chị oà khóc:
-Em làm gì có lỗi mà anh đối xử với em như vậy?
-Lỗi của cô là không biết đẻ. Loại đàn bà như cô thì biến đi cho tôi nhờ.
Chị níu lấy tay chồng để van xin, gã đạp mạnh một phát như trời giáng làm chị ngã nhào xuống đất. Hàng xóm chả dám can ngăn vì biết tính Hoàn cộc cằn, vả lại đây là chuyện riêng của gia đình họ. Hoàn đi vào nhà cầm hai túi đồ ném mạnh về phía chị lạnh lùng:
- Cô cút ngay khỏi nhà này.
*****
-Cô Nga nay ra ruộng sớm thế
Chị ngước lên nhìn người đàn ông đang hỏi mình. Thì ra là anh Minh, hàng xóm của chị
-Dạ! Tranh thủ cấy cho xong anh, chứ sợ chiều trời mưa. Ruộng anh nay cũng cấy hả?
-Ừ! Tui gánh mạ ra cho mấy chị em cấy giúp. Cô hôm nào xong qua giúp tôi vài bữa
-Dạ anh
Minh lớn hơn chị vài tuổi, vợ chết sớm để lại hai đứa con gái cho anh. Cũng đã mấy năm rồi anh chưa đi bước nữa. Từ hôm bị chồng đuổi về quê, chị có dịp tiếp xúc với anh nhiều hơn vì ruộng hai nhà ở cạnh nhau và anh là hàng xóm của mẹ chị.
Mấy chị em đang còn ngồi nghỉ trên bờ sau khi cấy xong được một ô, chờ rải mạ thì chị Hoà lên tiếng:
-Nga! Hay mày lấy quách ông Minh đi. Về với nhau mà chăm sóc hai đứa nhỏ. Nó mất mẹ sớm nhìn cũng tội.
Chị im lặng. Chị cũng biết anh Minh có ý với mình nhưng chị không dám gật đầu, chị sợ mình không sinh nở được rồi sau này anh Minh muốn có con trai thì sao? Chị ngước lên nhìn người đàn ông đang chia mạ cũng đang nhìn chị cười cười...
Chị gật đầu về làm vợ anh Minh và hành trang chị mang theo cũng là đôi quang gánh. Hai đứa con riêng của anh cũng quý chị nên từ ngày chị về làm mẹ chúng mừng rỡ ra mặt. Chị thầm nghĩ “mình không sinh nở được thì cứ xem con chồng như con mình. Sau này chúng cũng không nỡ đối xử bạc với mình”.
Chị tảo tần sớm hôm với đôi quang gánh ấy. Lúc thì lên chợ, khi ra ruộng để lo cho hai đứa con riêng của chồng. Đôi khi chị mỉm cười một mình khi nhìn hai đứa con của chồng. Chúng coi chị như mẹ ruột của chúng.
Cưới nhau về hơn một năm thì chị có thai. Cả chị và anh Minh đều không tin đó là sự thật. Người đàn bà hơn chục năm không có con ngỡ là vô sinh thì bỗng phút chốc biết mình mang thai. Chị mừng rơi nước mắt. Lời khấn ngày xưa của chị đã linh nghiệm dù hơi muộn màng.
-Con trai, ba ký hai.
Chị nghe loáng thoáng tiếng của cô hộ lý ở trạm xá báo tin mà ngỡ như mơ. Anh Minh, chồng chị thì như bắt được cục vàng. Anh nhìn con, nhìn chị bằng ánh mắt vô cùng trìu mến:
-Cảm ơn em
Chị oà khóc nức nở vì hạnh phúc.
*****
Từ ngày anh Minh mất, chị một tay nuôi nấng ba đứa con ăn học, trưởng thành. Hiền và Hạnh, hai đứa con riêng của chị lấy chồng cũng ở gần đây và giờ đang làm trên uỷ ban xã. Còn Hải, chưa có vợ, đang làm trên huyện ở chung với chị.
-Bà Ngoại ơi!
Chị đang vun mấy luống khoai phía sau thì nghe tiếng gọi, lật đật đi vào nhà. Đứa con gái nhìn chị trách móc:
-Con nói với mẹ rồi, mẹ cứ lúi cúi ngoài vườn chi không biết. Già rồi nghỉ ngơi cho nó khoẻ.
-Thì mẹ làm cho khuây khoả, ở không riết cũng chán.
Chị vừa nói vừa xoa đầu đứa cháu ngoại.
-Con có đem ít thuốc bổ về cho mẹ nè.
-Mua làm chi nhiều cho tốn tiền. Con Hạnh nó cũng mới xách về một đống kìa.
-Già rồi! Sống được mấy bữa mà lo tốn không biết.
Chị nghe con gái mắng mà mỉm cười, ngước lên nhìn đôi quang gánh kỉ niệm treo trên vách; cái đòn gánh bằng tre đen bóng theo thời gian, li ti những vết lốm đốm như những bông hoa nhỏ. Chị thì thầm:
“Đôi quang gánh theo chân mình từng bước
Đến cuối cùng, chúng cũng được nở hoa”.

KD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét