Tổng thống mãn nhiệm của nước Mỹ Donald Trump là đề tài của những tranh luận dữ dội, nhiều khi dẫn tới chia rẻ và thù hằn trong cộng đồng Việt Nam trên thế giới - Ản: Alex Brandon (AP)
(NCTG) “Và sự bất mãn không thấy cơ hội sự đổi thay nào, khiến họ gửi tin yêu vào bất cứ ai làm kẻ thù Trung Quốc e sợ, hay chùn tay, dù chỉ trong thoáng chốc. Họ nghĩ chỉ khi Trung Quốc yếu đi hay bất ổn, thì mới may ra nước nhà có cơ thoát lệ thuộc hay bị chèn ép. Họ gửi niềm tin vào một tổng thống cường quốc như Mỹ...”.
Lời Tòa soạn: Sẽ còn là quá sớm để đánh giá được một cách toàn diện nhiệm kỳ của Donald Trump với tất cả những mặt ưu và nhược của nó, nhưng, một cách sơ bộ, có thể thấy cá nhân Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và một số hành động của ông đã tạo nên chú ý, thu hút và cả bất đồng, xung đột, nhiều khi rất gay gắt trong cộng đồng Việt Nam trong và ngoài nước nói chung, cũng như từng gia đình, từng nhóm bạn hữu nói riêng.
Điều này ngày càng gia tăng trong thời gian trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11-2020 và đạt tới đỉnh điểm vào sau đó, khi Donald Trump không chấp nhận kết quả, coi đó là sự gian lận ở quy mô lớn và tiến hành một cuộc chiến pháp lý trên diện rộng mà kết quả là ông đã gặp phải sự khước từ ở mọi cấp tòa. Cuộc tấn công Điện Capitol vào ngày 6-1 khi Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn thuận kết quả bầu cử chỉ là giọt nước tràn ly của chuỗi sự kiện.
Đồng thời với những cuộc tranh luận bất tận và rất nhiều khi không còn giữ được hòa khí, làn sóng “fake news” (tin giả, tin vịt) được phát tán tràn lan càng khiến việc theo dõi, bình luận và cổ vũ các ứng viên trong cuộc bầu cử vừa qua không còn đơn thuần là việc theo dõi thời sự quốc tế, mà nhiều khi, gây nên những mâu thuẫn, thù hằn trầm trọng trong người Việt. Chưa từng thấy một câu chuyện ở nơi xa, mà khiến người Việt chia rẽ đến thế!
Nguyên nhân của sự việc này - tồn tại tới bây giờ, và chưa chấm dứt sau lễ tuyên thệ và nhậm chức của Joe Biden hôm 20-1 vừa qua - có lẽ sẽ là đề tài của những tìm hiểu, nghiên cứu xã hội học và cả tâm lý học nghiêm túc trong thời gian tới của giới chuyên môn. Chia sẻ sau đây của tác giả T.A.H. từ Paris dựa trên một trải nghiệm buồn mang tính cá nhân, có thể rọi sáng một trong nhiều góc cạnh của câu chuyện. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)
Chiều qua, tôi gọi điện về nhà như thường lệ, hỏi đủ thứ chuyện, rồi thế nào tôi hỏi bố có theo dõi bầu cử Mỹ. Bố nói bố thích Trump, bố thích tổng thống Mỹ mạnh tay với Tàu, rằng bọn Tàu nham hiểm thủ đoạn, không thể chơi lịch sự nhẹ nhàng kiểu Obama.
Tôi không ngạc nhiên, nhiều người Việt ủng hộ Donald Trump vì điều này.
Bố không ưa chế độ và không giấu giếm điều đó. Dù tuổi trẻ cũng từng háo hức vào quân ngũ và ngập tràn mong mỏi cống hiến cho sự nghiệp cứu nước, bố cũng nhanh chóng nhận thấy những mặt trái của “bên thắng cuộc”.
Chuyên môn dù cao bố cũng không bao giờ được đề bạt lên hiệu phó hiệu trưởng. Người ta nói thẳng là vì bố thiếu mỗi một thứ, mà bố chẳng đời nào chịu uốn mình để đạt được, là tấm thẻ đảng. Mà không có nó, rất hiếm khi người ta leo lên được cấp quản lý, lãnh đạo ở nước mình.
Từ hồi tôi biết nhớ, thập niên 80-90 thế kỷ trước, tôi chỉ thấy bố ngày ngày dò kênh nhiễu xèo xèo để nghe BBC. Dạo Internet phổ biến, bố chỉ nghe mấy kênh truyền hình hải ngoại mà người Việt hay gọi là “phản động”. Nhớ hồi 2007, gọi về nhà nói chuyện, biết bố cũng lẳng lặng theo đoàn biểu tình phản đối trước Đại sứ quán Trung Quốc, tôi thầm vui và tự hào về bố.
*
Bố thực ra là chân dung của một bộ phận người Việt có theo dõi và quan tâm đến chính trị, bất bình trước những gì tai nge mắt thấy hàng ngày, yêu nước và thù ghét Trung Cộng. Nên ở một quốc gia không có tiếng nói phản biện hay truyền thông độc lập, việc người muốn tìm hiểu sự thật buộc phải tìm đến những kênh “lề trái” là không tránh khỏi.
Tôi luôn ủng hộ và trọng những người không muốn bị dắt mũi bởi truyền thông kiểu tuyên giáo. Tôi kính nể những người ngay thẳng chọn con đường khó, không uốn mình hay hùa theo chế độ vì nồi cơm và danh vọng. Những người như bố.
Có lẽ vì trong tiềm thức tôi có bố, mà tôi không ngại ủng hộ những người bị quy chụp “phản động” khi chỉ ra cái sai của chính quyền. Tôi không sợ lên tiếng bảo vệ những người đấu tranh dân chủ vì họ muốn một xã hội tự do công bằng hơn.
*
Nhưng, suốt hơn hai tháng nay, nhìn những nhà đấu tranh dân chủ, những trí thức Việt ủng hộ phe Tổng thống Donald Trump một cách sâu sắc, thậm chí đến cay cú, nhiều khi mê muội chìm vào thuyết âm mưu, tôi không thể hiểu vì sao nên nỗi. Thì chỉ 15 phút tranh luận với ông già gần 80 tuổi là bố tôi, người tôi yêu kính, tôi lại như nhận ra nhiều điều.
Tôi nhận ra mình, một người không đồng quan điềm với bố, đã có lỗi thế nào với ông, với thế hệ ông.
Nghĩ về bố, tôi nhận ra một thế hệ tuyệt vọng: sống qua cả tuổi trẻ bất mãn, và đến khi nhắm mắt, sẽ vẫn tuyệt vọng không có cơ hội nhìn quê hương thoát cảnh hiện tại. Một thế hệ ôm giấc mơ thoát Trung để ngậm ngùi nhìn nước nhà vẫn mãi lệ thuộc, kẻ thù thì ngày một lớn mạnh, ngang ngược.
Sao không đau lòng cho được?
Và sự bất mãn không thấy cơ hội sự đổi thay nào, khiến họ gửi tin yêu vào bất cứ ai làm kẻ thù Trung Quốc e sợ, hay chùn tay, dù chỉ trong thoáng chốc. Họ nghĩ chỉ khi Trung Quốc yếu đi hay bất ổn, thì mới may ra nước nhà có cơ thoát lệ thuộc hay bị chèn ép. Họ gửi niềm tin vào một tổng thống cường quốc như Mỹ, tin yêu, ủng hộ với một nhiệt tâm bao la và trong sáng.
Nghe có vẻ ngây thơ hay “nhược tiểu”. Nhưng thử nghĩ mà xem, họ có thể mong gì sự đổi thay từ chính nước nhà mình? Trớ trêu thay, nhiều người trong số đó trở nên u mê, làm mồi cho những thuyết âm mưu, những tin giả, để nó ngấm sâu vào đầu óc.
Nếu trước người xa lạ, tôi cười buồn, chán nản vì thấy họ cuốn vào vòng xoáy đó, như bị virus xâm nhập, thì trước bố tôi, tôi lại thương ông - những người buồn bã thất vọng vì thêm một lần thứ “n”, niềm hy vọng nhen nhóm tắt lịm, họ trở về với bóng đêm u ám với viễn cảnh Trung Quốc và chế độ độc đoán chẳng có cơ sụp đổ.
Để rồi họ tin tưởng rằng cuộc bầu cử đã bị “đánh cắp”, rằng gian lận rõ như ban ngày nhưng bị phủi sạch. Rằng bọn “thế lực ngầm” đã thao túng bầu cử và cả mọi phiên toà xét xử. Rằng trong tương lai, Joe Biden và phe Dân chủ sẽ run sợ trước Trung Quốc hay bắt tay để Trung Quốc càng thêm hoành hành ngang ngược trên thế giới.
*
Cuộc tranh luận của hai bố con kết thúc khi bố im lặng, còn tôi - lần đầu tiên thực sự nói về quan điểm của mình về cuộc bầu cử - như muốn khóc òa vì đã nói lên nỗi đau lòng của mình khi nhìn những người như bố. Từ tấm lòng tốt đẹp mong dân chủ cho Việt Nam, lại trở thành những người mạnh mẽ và bền bỉ nhất không tin vào sự minh bạch của thể chế dân chủ mạnh hàng đầu như Mỹ.
Tôi nói rằng mình buồn vì những người phải sống trong một chế độ thiếu minh bạch quá lâu khiến họ không còn niềm tin vào sự độc lập của luật pháp ngay cả khi đó là Mỹ.
Những người Việt ấy, có thể cả đời không được có cơ hội như tôi - được thấy sự vận hành của một quốc gia dân chủ. Để được tin rằng hệ thống tam quyền phân lập, dân chủ đa đảng, dù còn nhiều sai sót cần phải luôn hoàn thiện đi nữa, cũng không bao giờ dễ bị thao túng, bị “mua” và trở thành công cụ vì lợi ích của một đảng phái chính trị.
Khi quá quen và quá căm ghét sự gian lận, thao túng và coi thường người dân của bộ máy chính quyền mình, họ trở nên dễ nhạy cảm để có thể tin rằng ở những thể chế dân chủ vững mạnh Âu - Mỹ cũng diễn ra thảm cảnh tương tự. Khiến họ mạnh mẽ kiên trung đứng về phe mà họ cho rằng đang là nạn nhân của gian lận, toàn trị.
Và, thật mâu thuẫn khi những người nói “căm ghét gian lận, giả dối” lại rất nhiệt tình chia sẻ tin giả dối.
*
Hai ngày sau, tôi vẫn mang cuộc nói chuyện ấy trong lòng. Tôi không buồn vì bố đã tin những điều tôi cho là không có cơ sở. Tôi chỉ thương bố và những người như bố. Tôi sợ làm ông buồn. Và tôi thấy mình có lỗi.
Tôi hay những người trẻ hơn, đáng lẽ phải mang được ánh sáng hy vọng đổi thay, tự lực của nước nhà, để những thế hệ cha chú đỡ phải gửi ảo vọng vào những nơi quá xa xôi.
Những thế hệ con cháu được hưởng hòa bình, được ăn học hơn, được đi đó đây mở mang đầu óc hơn, đáng lẽ phải góp sức dù nhỏ nhoi, vào việc mở rộng tầm nhìn và khả năng tư duy cho người Việt, để bớt đi số người nuốt từng lời của những kẻ tung tin nhảm.
Những người, nếu có bị dẫn dắt ấy, dù sao cũng bắt nguồn bởi sự lo âu vận nước. Dù sao, họ vẫn đáng quý hơn những kẻ chỉ lo bám vào chế độ, chẳng một phút giây lo nghĩ đến “giặc Tàu”, hay tương lai dân tộc.
Tôi thấy mình có lỗi, trong nỗi buồn cho “phe bị gian lận” của bố tôi.
T.A.H., từ Paris
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét