Khi can thiệp vào Việt Nam, giới lãnh đạo Mỹ đã tiên liệu những khó khăn, phức tạp của cuộc chiến ở đây. Hoa Kỳ đã gánh chịu tổn thất nặng nề, không những tiền của mà cả xương máu của hàng chục vạn thanh niên để giúp Việt Nam chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, hòa hợp hòa giải dân tộc. Chính quyền đảng Dân chủ đã đưa quân đến miền Nam, oanh tạc miền Bắc để áp lực Cộng sản Bắc Việt ngồi vào bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh. Nhiệm vụ hoàn tất, TT Johnson không tái ứng cử, để đảng Cộng hòa tạo dựng hòa bình. Nixon đã tăng cường Quân lực VNCH đủ mạnh để tự bảo vệ đất nước, đồng thời tìm cách đưa ba bên ở Việt Nam ngồi lại với Mỹ thảo luận việc chấm dứt chiến tranh. Bốn bên đã ký hiệp định Paris 1973 mang lại hòa bình cho Việt Nam.
<!>
Bản văn xác định rõ: “Nhằm mục đích lập lại hòa bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân Mìền Nam Việt Nam, góp phần củng cố hòa bình ở châu Á và thế giới”. Chương IV đề cập việc thi hành quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, ghi rõ những điều khoản quan trọng sau đây:
Điều 9: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam sau đây:
a) Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng.
b) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ có giám sát quốc tế.
c) Các nước ngoài sẽ không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào đối với miền Nam Việt Nam.
Điều 11: Ngay sau khi ngừng bắn hai bên miền Nam Việt Nam sẽ:
- Thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, xoá bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;
- Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.
Điều 12:
a) Sau ngày ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lập Hội đồng Quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau.
b) Hội đồng Quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ như đã nói trong điều 9b và qui định thủ tục và thể thức của cuộc tổng tuyển cử này.
TT Nixon coi đó là một nền hòa bình công chính, không làm mất danh dự cho các bên tham chiến, kể cả Trung Cộng và Liên Xô đã từng ủng hộ phe cộng sản. Hiệp định Paris 1973 giúp Nixon chấm dứt chiến tranh, rút quân và mang tù binh Mỹ về nước. Còn đối với TT Thiệu thì đó là một hiệp định hòa bình mở đường cho cộng sản thôn tính miền Nam. Tháng 10 năm 1972 Kissinger mang bản dự thảo hiệp định sang Sài Gòn thuyết phục TT Thiệu chấp nhận hiệp định. Ông cương quyết từ chối, Kissinger trách ông cản trở hòa bình. Ông cố gắng giải thích cho Kissinger hiểu là ông không làm cản trở hòa bình, nhưng hiệp định là “một vấn đề sinh tử cho nước tôi”. Việt Nam Cộng hòa không thể chấp nhận Mỹ rút hết quân còn Cộng sản Bắc Việt vẫn còn để lại miền Nam 140 ngàn quân.
Sở dĩ ông Thiệu chấp nhận ký hiệp định vì ông tin ở lời hứa của Nixon sẽ phản ứng mãnh liệt nếu Cộng sản vi phạm hiệp định. Trong khi giới lãnh đạo CS Miền Bắc thì coi “hiệp định Paris là một bước kết thúc để đuổi Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Giai đoạn sau là đánh đổ toàn bộ ngụy quyền Sài Gòn”. Trong hoàn cảnh đó TT Thiệu không thể thi hành hiệp định theo khuyến cáo của Mỹ, dù họ có bảo đảm này nọ, để có một nền hòa bình tạm bợ rồi Miền Nam lọt vào tay cộng sản.
Hà Nội chủ trương “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”, nhưng bất thành. Từ giữa năm 1969 Mỹ từng bước rút dần quân khỏi miền Nam vì mục tiêu chiến lược của họ. Từ đó Quân lực VNCH chiến đấu để bảo vệ miền Nam tự do. TT Thiệu là Tổng Tư lịnh tối cao quân đội, ông phải giữ ba tín niệm của người chiến sĩ VNCH: Tổ Quốc - Danh Dự và Trách Nhiệm. Trách nhiệm người lính Cộng Hòa là Bảo Quốc An Dân. Ông Thiệu cương quyết giữ vững lập trường 4 không với cộng sản cho đến khi Mỹ thực hiện chiến lược của họ, chấm dứt sự can dự ở Việt Nam. Lúc đó ông tuyên bố “nếu tôi là nhân tố cản trở hòa bình, tôi xin từ chức để có hòa bình”. Ông đã giữ trọn khí tiết của người lãnh đạo “uy vũ bất năng khuất”, như người tiền nhiệm -Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Trong quyển Khi Đồng Minh Tháo Chạy xuất bản năm 2005, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nhận định: “Mười ngày cuối cùng của cuộc chiến là những ngày cực kỳ khó khăn nguy hiểm. Trong những ngày đó, phía Hoa Kỳ, đặc biệt là đại sứ Martin đã cố gắng sắp xếp một giải pháp chính trị cho miền Nam. Kết quả trong 10 ngày có tới ba chính phủ”. Trong việc sắp xếp một giải pháp chính trị, ở sau hậu trường Ford và Kissinger tiếp xúc với đại sứ Dobrynin để nhờ Liên Xô áp lực Hà Nội. Tại Sài Gòn đại sứ Martin liên lạc với đại sứ Pháp Merillon, còn Pogar [trùm CIA] tiếp xúc với đại diện Hung Gia Lợi trong phái đoàn Kiểm soát đình chiến.
Trong hồi ký Ending the Vietnam War (Kết thúc Chiến tranh Việt Nam) xuất bản năm 2003, Kissinger tiết lộ tác động duy nhất mà Mỹ có thể làm được để có một giải pháp chính trị cho miền Namvào lúc đó là tiếp xúc với Liên Xô. Ông cho rằng mặc dù có những đình trệ trong thương thuyết về nhiều vấn đề, nhưng Liên Xô vẫn thấy quyền lợi của họ liên quan đến mối bang giao với Mỹ. Do đó “Ngày 19 tháng 4 (1975) tôi gởi một “lời nhắn miệng” của tổng thống Ford cho tổng bí thư Breznhev qua đại sứ Dobrynin: “Chúng tôi cần có một cuộc đình chiến để di tản công dân Mỹ và những người miền Nam có liên hệ trực tiếp và đặc biệt với Mỹ”. “Chúng tôi đã liên lạc với Moscow vì, dựa trên quyền lợi hỗ tương và lâu dài giữa hai nước, tình hình hình phải được kết thúc mà không gây phương hại tới quan hệ Mỹ-Nga, hoặc có ảnh hưởng tới thái độ của dân chúng Mỹ đối với các vấn đề quốc tế khác”.
Kissinger còn thêm rằng để giải pháp cầu cứu Liên Xô có hiệu quả “Chúng tôi đã nhấn mạnh thiện chí của chúng tôi muốn thảo luận về tình huống cần thiết đặc biệt cho việc đình chiến –nói cách khác, một sự thay đổi về tình hình chính trị ở Sàigòn”. Về “thay đổi tình thế chính trị”, ý Kissinger muốn nói việc thay đổi chính phủ Thiệu. (1)
Tiến sĩ Hưng nhớ lại ngày 15/4/1975 khi tạm biệt đại sứ Martin để lên đường đi Mỹ thực hiện công tác xin viện trợ bổ túc do TT Thiệu giao phó, tự nhiên Martin hỏi Hưng: “Nhân tiện tôi muốn hỏi ông bao giờ thì tổng thống của ông từ chức”. Hưng hết sức ngạc nhiên khi nghe Martin dùng từ ngữ “tổng thống của ông” thay vì “ông tổng thống” hay là “tổng thống Thiệu”. Hưng thông báo cho ông Thiệu ngay về câu hỏi trớ trêu này trước khi lên máy bay.
Hai ngày sau, 17/4, Martin đã gởi một công điện tối mật cho Kissinger về việc thuyết phục TT Thiệu từ chức: “Nếu Quốc hội bỏ phiếu chống (viện trợ cho VNCH) thì địa vị ông Thiệu là hết rồi. Trừ phi có chỉ thị không đồng ý, tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông Thiệu và cho ông ta biết rõ rằng đây là là ý kiến cá nhân của tôi với tư cách là người bạn chân thật. Sau khi suy nghĩ mọi đàng, tôi đã đi đến kết luận là chỗ đứng của ông ta trong lịch sử sẽ được bảo đảm hơn nếu xét lại tất cả những gì ông đã làm cho đất nước này. Nếu ông ta không chịu mà cứ tham quyền cố vị, thì cơ hội cuối cùng để cứu vãn miền Nam Việt Nam như một quốc gia còn chút tự do sẽ không còn nữa. Tôi sẽ cho ông Thiệu rõ tôi đã đi đến một kết luận vô tư là nếu ông không chịu xuống thì các tướng lãnh dưới quyền ông sẽ bắt buộc ông làm điều này. Có một cách rút lui êm đẹp và trang trọng nhất là tự ý ông từ chức, và nói cho đồng bào biết rằng ông phải làm như vậy để chính phủ kế vị có thể dễ dàng điều đình cứu vãn nước Việt Nam tự do”.
Kissinger đồng ý. Ông thuật lại vào ngày 20 tháng 4 tức 21 tháng 4 ở Sài Gòn, chỉ một ngày sau thông điệp của Ford gởi Brezhnev, “Đại sứ Marin đã bắn tiếng cho ông Thiệu, khuyến cáo tổng thống Việt Nam Cộng Hòa nên từ chức. Martin nói đây chỉ là ý kiến cá nhân riêng của ông, nhưng thực ra sự vận động này đã được TT Ford và tôi chấp nhận trước rồi”. (2)
Sau khi TT Thiệu từ chức, ngày 23/4/1975 tại Đại học Tulane ở New Orleans TT Ford tuyên bố “Đối với Hoa Kỳ, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc rồi. Nước Mỹ có thể lấy lại được niềm hãnh diện đã có trước (chiến tranh) Việt Nam. Nhưng niềm hãnh diện ấy sẽ chẳng có thể đạt được bằng cách tham dự trở lại một cuộc chiến mà riêng đối Mỹ nó đã chấm dứt rồi”. Nghe lời tuyên bố này, cả giảng đường như muốn vỡ ra vì tiếng vỗ tay, huýt sáo, la hò vui mừng. Ford nói tiếp: “Theo tôi, bây giờ đã đến lúc chúng ta phải nhìn tới một nghị trình cho tương lai. Tôi yêu cầu là chúng ta hãy ngừng hẳn chiến trận, cũng như những lời buộc tội, tố cáo lẫn nhau của quá khứ. Tôi yêu cầu chúng ta hãy chấp nhận trách nhiêm của lãnh đạo, chúng ta sẽ là hàng xóm tốt đối với mọi người và không là thù địch của bất cứ ai”. (3).
Sau này khi được hỏi về vai trò của Liên Xô trong những cuộc thương thuyết hồi trung tuần tháng 4/1975, đại sứ Martin có xác định lại là: “Phía Nga Xô có cho phía Hoa Kỳ hay rằng Hà Nội sẽ không làm trở ngại cuộc di tản của chúng ta”. (4)
Về thái độ của Liên Xô, Kissinger kể lại: “Ngày 24 tháng 4, ông Dobrynin gọi điện thoại cho tôi lúc 4 giờ chiều và đọc cho tôi nghe lời phúc đáp về đề nghị ngày 19 tháng 4 của Mỹ. Lời phúc đáp này có vẻ đã bật đèn xanh cho cuộc di tản người Mỹ, và cũng nói rằng Hànội muốn tìm một giải pháp chính trị theo hướng Hiệp định Paris. Hànội còn nhắn với Moscow là “họ không có ý định làm tổn thương tới uy tín của Mỹ”. Brezhnev còn “bày tỏ hy vọng là Mỹ sẽ không có những hành động có thể làm cho tình hình tại Đông Dương thêm trầm trọng”.
Mỹ đáp lại lời nhắn của họ: “Theo như phúc đáp xây dựng của Nga Xô, phía Hoa Kỳ đang tiến hành cuộc di tản với tin tưởng là điều kiện sẽ tiếp tục thuận lợi”. Kissinger còn thêm: “Tổng thống Ford trấn an Brezhnev là …bao lâu cuộc di tản không bị cản trở thì Hoa Kỳ sẽ không có hành động gì có thể làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn”. [tức không can thiệp trở lại]. (5) Cuộc di tản bằng phi cơ vận tãi quân sự C-130 và C-141 bắt đầu được thực hiện công khai ở phi trường Tân Sơn Nhứt.
Lịch sử đất nước thời cận đại là lịch sử chiến tranh. Chiến tranh được kết thúc bằng hiệp định Paris 1973. Hoa Kỳ dùng hiệp định này để kết thúc chiến tranh, chấm dứt vai trò ở VN để nhân dân VN quyết định vận mạng đất nước họ. Lúc bấy giờ, dư luận lại cho rằng hiệp định Paris là văn kiện để Mỹ bán đứng Miền Nam tự do cho cộng sản để rút quân và mang tù binh về nước. Nhưng cựu đại tướng Dương Văn Minh không có cái nhìn thiễn cận như vậy. Ông nhận thức từ thời điểm này vai trò của Thành phần thứ ba và những người đồng chí hướng với ông chủ trương hòa giải, hòa họp dân tộc đều là nhân sĩ nổi tiếng như cựu Bộ trưởng Ngoại giao -Giáo sư Vũ Văn Mẫu (Phật giáo), cựu chủ tịch Thượng Viện -Luật sư Nguyễn Văn Huyền (Thiên chúa giáo) trở nên vô cùng cấp thiết. Ông phải dấn thân, chấp chánh trở lại để thực hiện vai trò lịch sử: hòa giải dân tộc khi chiến tranh chấm dứt. Vì hành động này ông bị dư luận lên án nặng nề, cho rằng vì tham vọng quyền lực nên ông nài nĩ thầy Trần Văn Hương bàn giao chức vụ tổng thống để rồi hạ lịnh binh sĩ hạ vũ khí và chịu nhục đầu hàng Cộng sản.
Mười hai năm trước, năm 1963 Dương Văn Minh lãnh đạo cuộc đảo chánh TT Ngô Đình Diệm vì lúc đó ông Diệm không đồng ý chiến lược của Mỹ nên có ý định bắt tay với Cộng sản miền Bắc. Do đó ông chấp nhận lãnh đạo cuộc đảo chánh để đưa miền Nam vào con đường trung lập như chủ trương của De Gaulle, đất nước sẽ không còn chiến tranh. Vì thiện ý này ông bị tướng Nguyễn Khánh chỉnh lý, bắt đầu một thời kỳ xáo trộn chính trị, khiến miền Nam tự do có nguy cơ bị sụp đổ, Mỹ phải trực tiếp can thiệp.
Đến giữa năm 1971 trong cuộc bầu cử tổng thống nền Đệ nhị Cộng hòa nhiệm kỳ 2, đại sứ Mỹ Bunker vận động ông Minh ra ứng cử với liên danh Nguyễn Văn Thiệu & Trần Văn Hương. Lúc bấy giờ chiến tranh sắp kết thúc, chuyển từ đấu tranh quân sự sang đấu tranh chính trị, nhưng vì thời cơ chưa thuận lợi, ông Minh từ chối để ông Thiệu độc diễn đóng trọn vai trò đến ngày từ chức 21/4/1975.
Khi Mỹ đã quyết định rút khỏi miền Nam VN, để các lực lượng chính trị ở đây giải quyết công việc nội bộ của họ, tổng thống Pháp Valery G. D’Estaing muốn Pháp đóng một vai trò tích cực trong việc mang lại hòa bình cho VN. Lúc bấy giờ chỉ có Pháp là có mối quan hệ với tất cả các bên liên quan như Mỹ, Liên Xô, Trung Cộng, Sài Gòn, Hà Nội và Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Qua dàn xếp của Pháp, Cộng sản bắn tiếng sẳn sàng nói chuyện hòa bình với chính quyền Sài Gòn nhưng với điều kiện tiên quyết là Thiệu và Hương phải ra đi vì họ nhân tố cản trở hòa bình.
Còn Trần Văn Hương khi đón nhận bàn giao từ TT Thiệu, ông đã khóc vì tình hình lúc bấy giờ không còn cách nào khác hơn là phải thương thuyết với cộng sản, kết thúc vấn đề bằng một giải pháp chính trị. Sau tuyên bố của Ford ở New Orleans, tổng thống Hương, được đại sứ Martin báo cho biết dứt khoát, là ông đừng hy vọng Mỹ sẽ can thiệp để cứu Sài Gòn. Ông chỉ còn cách phải thương thuyết với phía bên kia mà thôi. Ông mời Dương Văn Minh thành lập chính phủ để nói chuyện với CS, nhưng ông Minh yêu cầu được trao trọn quyền tổng thống, ông sẽ thành lập ngay nội các hòa giải, kêu gọi CS ngừng bắn để thành lập Hội đồng Quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc.
Ông Hương không tin những hứa hẹn của Dương Văn Minh -một người mà ông “coi như thể là học trò” của ông. Ông đặt 4 câu hỏi với người học trò lại đòi thầy trao quyền: -Có gì chứng minh ông có thể nói chuyện với phía kia và được họ chấp nhận? -Ông đứng ra thương thuyết với danh nghĩa gì và do ai giao phó? -Có gì bảo đảm những điều kiện mà ông thỏa thuận được với chánh phủ bên kia sẽ là những điều kiện ít đau khổ, ít nhục nhã cho Việt Nam Cộng Hòa? -Khi hai chánh phủ thương thuyết với nhau có thể nào chính phủ này đòi chánh phủ kia phải chỉ định người này, chỉ người này nè, họ mới chấp nhận? Có thể nào được không? (6)
Sở dĩ Dương Văn Minh khước từ sự chỉ định của TT Hương cử ông làm thủ tướng, là vì nếu chấp nhận ông phải thực hiện đường hướng do tổng thống vạch ra nghĩa là phải thương thuyết. Một khi thương thuyết với thế yếu thì chỉ có con đường đầu hàng. Trái lại, chủ trương của ông Minh không phải là thương thuyết vì sẽ gặp nhiều khó khăn như ông Hương đã trình bày. Vấn đề thương thuyết đã kéo dài trong hơn 4 năm từ năm 1969 và đã kết thúc khi hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973. Do đó ông muốn trở thành tổng thống để thi hành nghiêm chỉnh hiệp định Paris bằng con đường hòa giải dân tộc như hiệp định đã phác họa.
Thu xếp với Dương Văn Minh không xong, Trần Văn Hương tự mình lo việc điều đình với Cộng sản. Ông gởi điện sang Paris triệu hồi Nguyễn Xuân Phong -Quốc vụ Khanh đặc trách hòa đàm, trở về Sàigòn, lãnh sứ mạng đi Hà Nội thảo luận việc ngưng bắn, mời Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào Sài Gòn thành lập Chính phủ liên hiệp và Hội đồng Quốc gia Hòa giải và Hòa hợp dân tộc để đi đến tổ chức tổng tuyển cử thực hiện quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam VN.
Hà Nội bác bỏ đề nghị của Trần Văn Hương, họ cho rằng chính phủ Hương chỉ là chính phủ Thiệu không có Thiệu. Trong bài bình luận đọc trên đài phát thanh, Hà Nội cho biết họ chỉ chấp nhận nói chuyện với Dương Văn Minh và đưa ra hai điều kiện tiên quyết là ông Hương và người Mỹ phải ra đi.
Ông Hương yêu cầu Thiệu rời khỏi nước để công việc hòa giải của ông được dễ dàng "nếu không cộng sản sẽ nói tôi đang điều khiển một chính phủ Thiệu không có Thiệu". Ông đã ký sắc lịnh cử cựu TT Thiệu và cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm làm đặc sứ VNCH đi Đài Bắc dự tang lễ cố tổng thống Tưởng Giới Thạch vừa qua đời ngày 5 tháng 4. Ông Hương yêu cầu đại sứ Martin dàn xếp để ông Thiệu ra đi. Một chuyến bay đặc biệt được Martin sắp đặt, từ Thái Lan đến Sàigòn chiều ngày 25/4/1975 để đưa Thiệu, Khiêm và đoàn tùy tùng đi Đài Loan. Trùm CIA ở Sàigòn Thomas Polgar, tướng Charles Times và đại sứ Martin đã hộ tống hai ông an toàn rời khỏi Việt Nam.
Khi biết ý định của Mỹ rút lui khỏi miền Nam VN, Pháp liền vận động Trung Cộng và Liên Xô để xây dựng một chính phủ trung lập ở Sài Gòn. Bộ ngoại giao Pháp tiếp xúc với các thành viên chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ở Paris, trong khi đại sứ Pháp ở Sài Gòn Jean Marie Merillon vận động đưa Dương Văn Minh thay thế Trần Văn Hương. Ông Minh được hậu thuẫn của nhóm dân biểu đối lập ở Hạ viện. Ông được xem là nhân vật duy nhất mà Cộng sản có thể chấp nhận thương thuyết việc ngưng bắn và tìm một giải pháp chính trị cho miền Nam VN. Pháp hy vọng Dương Văn Minh sẽ cùng với Mặt trận Giải phóng Miền Nam thành lập chính phủ liên hiệp để thực hiện chinh sách trung lập ở Nam VN.
Chủ trương này phù hợp với quan điểm của Bắc Kinh thể hiện qua lời khuyên của Chu Ân Lai với giới lãnh đạo Hà Nội hồi tháng 6/1973: “Trong một thời gian chưa thể dứt khoát là 5 hay 10 năm. Việt Nam và Đông Dương nghỉ ngơi được thì càng tốt, tranh thủ thời gian đó mà nhân dân miền Nam Việt Nam, Lào, Kampuchia thực hiện hòa bình trung lập một thời gian”. (7)
Ngày 25/4/1975 thống Pháp D'Estaing trực tiếp điện đàm với sứ quán Pháp ở Sàigòn, chỉ thị Merillon xúc tiến gấp các nỗ lực hòa giải. Merillon đã ra vào Dinh Độc lập tới ba lần để thuyết phục Hương rút lui. Ông nói: "Vì quyền lợi của nước Việt Nam, bắt buộc phải điều đình với phía bên kia mà Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã cho chúng tôi biết qua ngã phái bộ của họ ở Paris, rằng họ sẽ không điều đình khi nào còn người của Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền ở Sàigòn mà ông là Phó Tổng thống của Thiệu. Ông phải nghĩ đến hậu quả của vụ này". Thượng tọa Thích Trí Quang với sự thúc đẩy của Phong trào hòa giải hòa hợp dân tộc cũng lên tiếng yêu cầu ông Hương từ chức vì nếu “ông còn chần chừ phút nào thì tính mạng dân chúng nhất là dân chúng Sài Gòn sẽ bị đe dọa phút ấy” (8) Ông Hương vẫn không chịu rút lui, Merillon nhận xét “ông Hương quyết tâm hiến thân cho Việt Nam và ông sẽ lôi kéo cả dân Sài Gòn chết theo ông”.
Mưu định thương thuyết với Hà Nội của ông Hương bất thành, trong nổi thất vọng ê chề, ông cứ lầm bầm tự hỏi: “Chẳng còn hy vọng gì nữa, phải không?” Ông Phong không muốn để ông cảm thấy quá cô đơn, nên cũng lập lại: “Vâng, không còn hy vọng gì nữa đâu, thưa tổng thống”. Lúc đó, một nhân viên bước vào trình một điện thư của Tòa Đại sứ VN ở Đài Loan, cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc đã tới Đài Loan và xin từ chức. (9)
Ngày 26/4/1975, ông Hương ra trước lưỡng viện Quốc hội trình bày tình trạng khẩn trương của đất nước. Ông cho biết “khi tôi chấp nhận nhiệm vụ nối tiếp chánh quyền trước kia, tôi đã đưa ý rằng vấn đề phải giải quyết bằng một giải pháp chính trị, nghĩa là phải chấp nhận thương thuyết. Tôi đã ra công dò xét tìm bên này, tìm bên nọ, hỏi thăm dò ý kiến mọi nơi. Tới bữa nay cũng nói với quý vị là tôi có dịp đã gặp được đại tướng Dương Văn Minh, bởi vì theo lời một số người, thì đại tướng Dương Văn Minh có đủ điều kiện làm việc này”.
Đề cập đến việc thương thuyết, ông Hương cho rằng “không phải thương thuyết là đầu hàng. Nếu thương thuyết là đầu hàng thì còn thương thuyết gì nữa! Thà là chết cho đến cùng chứ sao lại gọi là thương thuyết được! Chấp nhận thương thuyết, tất nhiên phải chấp nhận những điều kiện gì đau đớn. Nhưng những điều kiện đó không phải là đầu hàng. Nếu phải đầu hàng, thì chúng ta đây, quý vị và tôi, sẽ trao lại cho quân nhân, chứ không phải là chúng tôi quyết định chuyện đó”.
Ông khẳng định “nếu cộng sản đưa ra điều kiện của người thắng trận cho người bại trận, thì chúng ta không còn cách gì khác hơn là nếu được, chúng ta cứ việc chiến đấu đến cùng. Chừng đó dẫu Sài Gòn này có biến thành một biển máu, tôi nghĩ rằng người Việt Nam vì thể diện của mình không thể nào mà từ chối được, trừ một ít người…mới chấp chấp nhận cái chuyện đó. Nếu trời còn thuận thì ta chưa chết được”. Ông Hương nghẹn ngào rơi lệ đưa ra lời kêu gọi tử chiến “không mong gì người gọi là bạn chúng ta giúp chúng ta nữa, thì chúng ta đành chấp nhận sẽ đi đến cùng. nếu ý trời muốn cho nước Việt Nam này không còn nữa thì thôi. Chúng ta sẽ cùng nhau với nước Việt Nam này mà chết, chớ không thể chấp nhận đầu hàng được”.
Ông yêu cầu Quốc hội quyết định hai điểm: Một là nếu Quốc hội cho phép, ông sẽ trao quyền cho Dương Văn Minh. Hai là nếu Quốc hội chấp nhận, ông sẽ chỉ định một chính phủ đứng ra thương thuyết trên căn bản vãn hồi hòa bình, hòa giải dân tộc, nhưng với điều kiện là phía bên kia phải đáp ứng hai đòi hỏi tối thiểu của VNCH là vấn đề thể diện và nhân đạo. Ông khẳng định, nếu Cộng sản “đưa ra điều kiện của người thắng trận cho người bại trận, thì chúng ta không còn cách gì khác hơn là nếu được, chúng ta cứ việc chiến đấu đến cùng”.
Buồi chiều cùng ngày, hai viện Quốc hội biểu quyết giao cho ông Hương trọn quyền chọn người thay thế, nhưng ông không chấp nhận vì đó là quyền của Quốc hội. Ông không muốn lãnh trách nhiệm trao quyền cho Dương Văn Minh, vì với chủ trương hòa giải dân tộc ông Minh sẽ đầu hàng Cộng sản. Ông gởi điện văn yều cầu chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm khẩn cấp triệu tập Quốc hội lưỡng viện để chọn người đảm nhậm chức vụ lãnh đạo quốc gia. (Còn tiếp)
LÊ QUẾ LÂM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét