Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

ƯỚC NGUYỆN ĐÊM GIÁNG SINH. - Nguyễn Thị Thanh Dương.

Tôi sửa soạn và mặc áo dài xong mới thông báo với mẹ:
- Con đi lễ nhà thờ với Cẩm Vân và dự tiệc nhà nó nha mẹ..
Mẹ tôi mắng:
- Con sắp đi rồi mới xin phép mẹ thế hả !
Nhưng mẹ không cấm cản vì biết tôi và Cẩm Vân chơi thân nhau như thế nào. Những dịp lễ lớn như Phật Đản, lễ Vu Lan, Cẩm Vân cũng theo gia đình tôi đi chùa và ăn oản ăn xôi.
Tôi không đi nhà thờ trong xóm mình với Cẩm Vân mà…lén đi nhà thờ xóm khác, cách xóm tôi chừng nửa cây số. Đó là nhà thờ Xóm Thuốc của anh.
<!>

Tôi và anh Phượng yêu nhau hai năm nay, Giáng Sinh năm trước tôi cùng anh đi lễ, cùng ước nguyện hai đứa sẽ thành đôi và nhất là tôi muốn tập tành thành người công giáo đi lễ nhà thờ cho quen.
Nhà thờ Xóm Thuốc đêm Giáng Sinh thật lộng lẫy đèn, những lồng đèn sao trên cao lấp lánh, cái hang đá xây bằng đá thật bên ngoài nhà thờ cũng được trang hoàng giăng mắc những bông tuyết trắng, những ngọn đèn xanh đỏ, hình chúa hài nhi nằm trong máng lừa phủ lớp rơm khô có những vị thiên thần xung quanh.
Nhà thờ Xóm Thuốc rộng lớn hơn nhà thờ xóm tôi, đông giáo dân hơn nhưng tôi là người lạ, họ đạo Xóm Thuốc sẽ nhận ra ngay khi tôi đi bên anh sẽ làm tôi ngại ngùng mắc cỡ.
Anh Phượng và tôi đứng tham dự lễ bên ngoài nhà thờ gần khu hang đá ngoài trời cho thoải mái. Tôi chẳng thuộc một câu kinh chỉ biết lắng nghe và anh Phượng làm gì tôi cũng làm theo là đủ.

Chúng tôi dự tính sau lễ Giáng Sinh, dịp gần tết không khí gia đình vui vẻ hai đứa sẽ thông báo cha mẹ mình về tình yêu của mình để cha mẹ lo liệu chuyện hôn nhân đôi trẻ.
Anh Phượng dặn dò:
- Đêm Giáng Sinh này chúng ta sẽ cầu khấn và ước nguyện nhiều em nhé , cầu mong sao hai bà mẹ chúng mình đều biết điều để Giáng Sinh sau chúng ta đã thành chồng vợ đi lễ nửa đêm tại nhà thờ xóm anh hay nhà thờ xóm em mà không phải dấu diếm mẹ cha, tránh mặt hàng xóm nữa.
 Vâng, em cũng nghĩ thế. Nhưng em vẫn run lắm, lo lắm, hai đứa mình khác tôn giáo liệu gia đình hai bên có đồng ý không ?

Mẹ anh đã “ra giá” với anh muốn lấy ai thì lấy miễn là đúng chỉ tiêu con nhà tử tế và có đạo, nếu cô gái là người ngoại đạo thì cô phải học đạo, theo đạo nhà anh. Còn mẹ tôi thì cũng quá quắt không vừa, khó tính lắm cơ, chắc gì mẹ chịu gả tôi cho người ngoại đạo?
****
Lựa lúc chỉ có hai mẹ con ở nhà tôi lân la đến bên mẹ, mẹ đang vui vẻ chuẩn bị cho những ngày tết đến thế mà tôi vẫn lo ngại khi lên tiếng đề cập đến chuyện tình yêu mà tôi biết trước là sẽ gặp phản ứng gay gắt của mẹ. Tôi e dè ngập ngừng:
- Mẹ ơi, con có….

Nhìn vẻ mặt lấm lét của tôi xong mẹ…nhìn xuống bụng tôi, mặt mẹ đang vui bỗng biến sắc như người bị trúng gió :
- Cái gì? Con có…
- Vâng ạ…con có … chuyện muốn thưa cùng mẹ..

Mẹ tôi càng tái mét:
- Chuyện gì? Mấy tháng rồi hả con ?

Tôi hiểu ra vội thanh minh:
- Con không có mang bầu. Con chỉ muốn thông báo với mẹ con có …người yêu rồi và anh ấy muốn hỏi cưới con.

Mẹ thở phào và đanh đá như thường ngày:
- Nó là thằng nào? Con cái nhà ai? Cha mẹ nó làm gì?
- Anh tên Phượng…

Mẹ tôi ngắt lời lẩm bẩm:
- Con trai gì mà tên như con gái…
- Mẹ khó tính thế, đến cái tên mẹ cũng bắt bẻ.
- Thôi được, con nói tiếp đi nhà nó ở đâu?

Tôi lựa lời và vẽ vời thêm để mẹ khỏi chê :
- Nhà anh Phượng ở Xóm Thuốc, cha anh làm trong sở hỏa xa thâm niên được nhiều đồng nghiệp …vô cùng quý mến, mẹ anh ở nhà đảm đang kiếm thêm tiền bằng…gánh xôi bán ngoài chợ Xóm Thuốc. Xôi bác ấy ngon nổi tiếng và …vô cùng đắt hàng.
Không ngờ tôi nói trôi chảy thế mặc dù đã từng nghe anh Phượng kể thỉnh thoảng mẹ bán ế cả nhà phải ăn xôi trừ cơm ngán muốn chết.

Mẹ tôi trề môi thất vọng:
- Tưởng gì ! gánh xôi ngoài chợ….
Tôi bênh vực cho mẹ anh Phượng:
- Gánh xôi ấy phụ với chồng nuôi đàn con đông, anh Phượng và các em học hành ngoan ngoãn lắm mẹ. Anh Phượng sắp ra trường là thày giáo.

Xong phần nghề nghiệp đến phần…tôn giáo. Mẹ tôi hỏi tiếp:
- Thế nhà này đạo gì?
Tôi lại càng lựa lời rào trước đón sau để trình bày:
- Tôn giáo nào cũng đều tốt cả mẹ nhỉ, con yêu đạo Phật cả bên nội bên ngoại nhà mình lắm nhưng con sẽ……theo đạo công giáo nhà anh ấy.
Mẹ tôi nhẩy dựng lên:
- Không, không đời nào mẹ gả con cho người khác tôn giáo, lại còn phải …lép vế theo đạo nhà họ nữa..

Lập trường của mẹ anh Phượng con dâu phải theo đạo chồng, người công giáo nào cũng chỉ muốn thêm người theo đạo họ, chứ hầu như không ai bỏ đạo công giáo theo đạo bên vợ bên chồng cả. Lập trường của mẹ tôi không gả con cho người ngoại đạo. Thế thì cả kiếp này tôi và anh mong gì xum họp. Tôi yêu anh nên muốn theo đạo anh chứ không phải tôi “lép vế” như mẹ đã nghĩ:
- Con tự nguyện mà mẹ. Bác Chu nhà mình lấy vợ đạo công giáo cũng theo đạo vợ, giỗ tết bên vợ bên chồng đề huề đầy đủ mẹ thấy rồi đó.

Mẹ tôi vẫn khăng khăng:
- Thứ nhất là bất đồng tôn giáo, thứ hai là mẹ nó…bán xôi. Mẹ không chấp thuận gả con cho họ đâu.
Phải chi mẹ anh …bán vàng bạc kim cương thì hay biết mấy, chắc chắn mẹ tôi sẽ bỏ qua cho cái vụ khác tôn giáo này rồi..

Tôi rơi vào buồn lo thất vọng. Chẳng lẽ khuyên anh bảo mẹ anh…nghỉ bán xôi? Chẳng lẽ bắt anh phải theo đạo Phật của gia đình tôi? Chuyện nào cũng khó cả.
Tôi chỉ biết nói với Phượng chờ đợi tôi thuyết phục mẹ vì lý do tôn giáo chứ không dám động chạm gì đến gánh xôi “nổi tiếng” của mẹ anh sợ anh tự ái.

Để cho tôi quên chuyện tình “ngang trái” mẹ tôi bôn ba lo tìm chồng cho tôi qua mấy người quen. Bác Mai bạn mẹ liền giới thiệu cháu của bác là kỹ sư cầu đường đang đi công tác ở miền trung, anh này đạt đúng tiêu chuẩn của mẹ tôi . Hai bà hớn hở hẹn nhau ngày anh trở về Sài Gòn cho đôi trẻ gặp gỡ xem mắt nhau. Tôi chưa biết tính sao thì đùng một cái nghe tin anh bị đụng xe chết khi trên đường trở về Sài Gòn..
Gia đình anh kỹ sư đau buồn, bác Mai đau buồn và…đổ vạ tại tôi cao số làm cháu bác chết yểu. Bác giận mẹ tôi cả năm trời.
Vụ này mẹ tôi bị “sốc” nặng, một mặt bị bạn giận oan một mặt mẹ sợ tin này càng đồn thổi ra ngoài tôi càng ế chồng, tôi cao số sẽ không ai dám rước về làm vợ.

Mẹ không biết là tôi và anh Phượng vẫn yêu thương nhau và chờ mong thời cơ nào đó sẽ lấy nhau cho bằng được. Chúng tôi đã đi lễ đêm Giáng Sinh nhà thờ Xóm Thuốc thêm một năm nữa, đã ước nguyện trong đêm thánh vô cùng ấy những điều bình thường nhỏ nhoi. Chẳng lẽ ba năm yêu nhau, ba mùa nguyện cầu đêm Giáng Sinh mà chúa không thương, quá tam ba bận mộng vẫn không thành?

Một hôm mẹ xuống giọng nhỏ nhẹ hỏi tôi:
- Anh Phượng lúc này ra sao nhỉ?
Trời, mẹ tôi không gọi bằng “nó” như lần đầu mà lịch sự gọi bằng “anh Phượng” . Tôi làm bộ lạnh lùng:
- Người ta đã ra trường đi dạy học rồi mẹ à. Mẹ anh ấy đang giục anh lấy vợ, có mấy đám để anh xem mắt kìa..
Thấy mẹ thẫn thờ tôi bồi thêm cú nữa:
- Con gái thì chóng già, mẹ tiếp tục tìm chồng cho con nữa đi kẻo người ta lấy được vợ còn con thì vẫn ế ẩm đợi cho bằng được anh nào môn đăng hộ đối và cùng tôn giáo cho vừa lòng mẹ .

Rồi tôi ủ ê mặt mày hù dọa tiếp:
- Có khi con cao số thật đấy, một là con sẽ ở nhà làm …bạn già với mẹ hai là con sẽ vào chùa đi tu.
Mẹ xót xa:
- Giá mà mẹ đồng ý thì chúng con đã cưới nhau được một năm rồi ấy nhỉ…mẹ cũng sắp có cháu ngoại rồi ấy nhỉ…
Tôi lượn lờ thử lòng mẹ:
- Thí dụ chúng con vẫn quen nhau thì bây giờ mẹ có chịu gả con cho anh Phượng không?

Nét mặt mẹ thoáng niềm vui:
- Anh Phượng đàng hoàng có học hành. Được đấy chứ..
- Thí dụ …mẹ anh ấy vẫn bán xôi ngoài chợ có được không?
- Không sao, bà ấy thế mà giỏi giang..như mẹ cho dù ở nhà ăn cơm rau muối cũng chẳng dám gồng gánh ra chợ bán buôn.
- Thí dụ con… theo đạo công giáo nhà anh ấy có được không?

Mẹ tôi gắt:
- Con hỏi thí dụ gì mà lắm thế. Đạo nào cũng là đạo. Tình yêu mới là quan trọng.
Tôi ôm chầm lấy mẹ sung sướng:
- Con hỏi thật không thí dụ đâu vì anh Phượng vẫn chờ đợi con, chờ đợi mẹ thay đổi ý định..

Mẹ mừng húm mắng yêu:
- Lỡ mẹ không thay đổi thì các con đợi đến bao giờ hả..
- Nhanh thôi, con sẽ tính đến phương án cuối cùng là…mang bầu như năm ngoái mẹ đã tưởng lầm hoảng hốt lo sợ đấy, nhưng lần này sẽ mang bầu thật thế là bảo đảm mẹ sẽ giục anh Phượng cưới gấp, cưới gấp.


Tôi ngắm cây giáng sinh đã được trang hoàng đẹp đẽ bên cạnh lò sưởi ấm cúng. Ngoài kia khung trời mùa đông mây xám giăng giăng qua những cành cây khô se mình trong gió lạnh.
Những mùa Giáng Sinh qua đi trên đất Mỹ, vùng tuyết rơi, vùng mây mờ gió lạnh, nơi nào tôi ở cũng có vẻ đẹp mùa đông làm tôi yêu thích, nhưng những mùa Giáng Sinh ngày xưa nơi quê nhà của một thời son trẻ với tôi vẫn là đẹp nhất, đáng nhớ nhất.

Tôi rộn rã kêu lên:
- Anh Phượng ơi..
Chàng của tôi từ trong phòng đi ra ngạc nhiên:
- Bỗng dưng nghe em gọi tên anh như từ quá khứ gọi về làm anh cảm động quá ..
- Anh linh thật, em vừa nghĩ đến quá khứ đây, nhớ những mùa Giáng Sinh xưa ở nhà thờ Xóm Thuốc của anh, nơi em đã mấy mùa tha thiết khấn nguyện, cầu mong lấy được anh.
Chàng khen:
- “Lấy được anh” rồi em vẫn không bỏ đạo, không bỏ nhà thờ suốt mấy chục năm qua. Cám ơn em nhé.
- Em vẫn yêu anh, yêu đạo của anh, vẫn yêu mỗi mùa Giáng Sinh và nguyện cầu bao nhiêu thứ đẹp đẽ trong cuộc sống này mà. Đêm Giáng Sinh luôn huyền diệu lung linh…
- Thế năm nay em định ước nguyện gì trong đêm Giáng Sinh sắp đến? Đã tìm ra thuốc ngừa Covid 19 rồi, bầu cử tổng thống Mỹ xong rồi, em còn mơ gì nữa?

Tôi vui vẻ:
- Nhân duyên đó anh. Dĩ nhiên không phải cho hai ta nữa mà cho thằng con của hai ta vừa mới ra trường đi làm.. Em sẽ cầu mong mai này con mang về nhà giới thiệu cô người yêu hiền lành tử tế, dù cô gái ấy con nhà ai, dù cô tôn giáo nào, giàu nghèo ra sao…em cũng chào đón cô vào nhà minh không như mẹ anh mẹ em ngày xưa đòi hỏi điều kiện này nọ làm khổ con mình.
- Hoan hô em, lại phải khen em lần nữa người mẹ thông minh và rộng lượng.
Và chàng ngân nga cất tiếng hát “ Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Nô En năm nào chúng mình có nhau..”
Tôi chưa kịp phản ứng thì chàng ngừng hát và giải thích:
- Khoan…em đừng vội la anh. Anh chỉ hát hai câu này thôi, là kỷ niệm chúng mình, là hình ảnh chúng mình ngày đó tại nhà thờ Xóm Thuốc. Còn khúc cuối bài hát là tình dang dở, là của người khác.

Nguyễn Thị Thanh Dương.

( Nov. 30 -2020)


TỐNG TIỄN 2020.

( Cảm tác từ truyện “Tiễn Vong 2020” của Kim Loan.)

Cuối năm của hai mươi hai mươi ( 2020)
Đốt vàng mã tống tiễn về trời
Mười hai tháng cũ đi, đi nhé
Mang những rủi may những khóc cười.

Bất trắc đến đây cả bốn mùa
Cuộc đời không đẹp như bài thơ
Thế gian này là bao hệ lụy
Có yêu thương và có hận thù.

Thế giới hình như đã phát cuồng
Bao nhiêu biến cố bất bình thường
Đại dịch Corona Vũ Hán
Điêu đứng loài người với tai ương.

Khủng bố bạo lực ở khắp nơi
Biển đông dậy sóng vẫn chưa nguôi
Chiến tranh thương mại Tàu và Mỹ
Kinh tế toàn cầu ảnh hưởng theo.

Bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra
Chưa hài lòng kẻ thắng người thua
Dư âm vẫn còn lên cơn sốt
Nước Mỹ như đang bị bỏ bùa.

Thảy gạo muối cuối tháng mười hai
Xua đi những bất hạnh không may
Năm châu bốn bể tan ám khí
Trời quang mây tạnh sẽ về đây.

Đêm giao thừa hai mươi hai mươi
Pháo bông rực sáng đợi tin vui
Nhân loại bình yên hơn năm trước
Năm mới hai mươi hai mốt ơi…( 2021)

Nguyễn Thị Thanh Dương
( Dec. 16,2020)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét