Trả lời phỏng vấn của VOA về lý do tuyệt thực của ông Thức, bà Liên nói:
<!>
“Thức tuyệt thực là vì Tòa án Tối cao không trả lời đơn của Thức về đề nghị miễn hình phạt còn lại mà Thức đã làm từ 7/7/2018. Đến 19/8/2020, Thức có làm đơn đề nghị Tòa án Tối cao phải phúc đáp. Nhưng cho tới nay Tòa án vẫn im lặng”.
“Thức tuyên bố tuyệt thực để yêu cầu nhà nước và Tòa án Tối cao phải thượng tôn pháp luật”.
“Thức nói là sẽ tuyệt thực vô thời hạn, và có thể là tuyệt thực cho đến chết, đến khi nào mà Tòa án Tối cao trả lời đơn”.
Bà Liên cho biết Bộ luật hình sự Việt Nam sửa đổi năm 2015 đã quy định rõ ràng, trường hợp của Thức đáng ra phải được trả tự do ngay nhưng nhà cầm quyền “cố tình” không áp dụng các quy định đó mà tìm cách diễn giải luật theo cách riêng của họ để duy trì bản án 16 năm như đã tuyên vào năm 2009.
“Điều này không những không đúng với luật pháp hiện hành mà còn đi ngược sự văn minh và tiến bộ của nhân loại”, bà Liên nói.
VOA đã liên lạc Bộ Công an Việt Nam, cơ quan quản lý trại giam số 6, và Tòa án Nhân dân Tối cao để tìm hiểu thêm về việc ông Thức tuyệt thực và thư đề nghị của ông, nhưng cả hai cơ quan này đều chưa phản hồi.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 5/2018, luật sư Ngô Ngọc Trai, người tư vấn pháp lý cho gia đình ông Thức, cho VOA biết nỗ lực mới đây xin Chủ tịch nước đặc xá cho ông dựa trên cơ sở là sự thay đổi về luật pháp được xem là “có lợi” cho ông Thức.
Bộ luật Hình sự sửa đổi 2015 của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày đầu năm 2018, có điểm thay đổi trong điều luật về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Một khoản bổ sung của điều luật nói về “chuẩn bị phạm tội” với mức hình phạt 1 đến 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội.
Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung ở thành phố Hồ Chí Minh viết trên Facebook hôm 2/12: “Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực hơn 10 ngày để đòi hỏi tòa án phải trả lời các đơn khiếu nại của anh. Tòa án xứ này đang chơi chiêu ‘im lặng là vàng’, giả câm giả điếc giả mù”.
Bà Liên cho VOA biết về thông điệp của ông Thức:
“Thức dặn dò gia đình rằng phải tính đến trường hợp xấu nhất. Thức nhờ chúng tôi gửi lời nhắn nhủ đến mọi người.”
Bà Liên đọc mẩu giấy mà ông Trần Huỳnh Duy Thức, năm nay 54 tuổi, viết từ trại giam gửi cho gia đình và cộng đồng:
“Con xin lỗi ba, cả nhà và mọi người.
Tôi xin lỗi vì đã không đi được đến thành công với các bạn, hãy tiếp tục con đường khai sáng cho dân tộc và cho nhân loại, các cuộc đấu tranh cần hướng đến thượng tôn quyền con người, hãy tận dụng sự ra đi của tôi để đẩy cuộc đấu tranh này đến cuối cùng trong năm nay và năm sau.
Cảm ơn mọi người, tôi sẽ luôn nhớ theo các bạn”.
Vào năm 2009, ông Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân trong ngành viễn thông và sáng lập viên phong trào dân chủ mang tên Con đường Việt Nam, bị một tòa án ở Tp. Hồ Chí Minh tuyên án 16 năm tù giam, 5 năm quản chế với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân”. Trong vụ án này còn có các nhà hoạt động Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và cả ba người này đều đã mãn án tù.
Ngày 5/5/2016, ông Thức bị cưỡng bức chuyển trại từ trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An sau khi có đơn tố cáo phạm nhân bị ngược đãi tại trại giam.
Tại nhà tù số 6 ở Thanh Chương, ông Thức tuyệt thực một vài lần để kêu gọi thượng tôn pháp luật và yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý về thể chế chính trị.
Vào tháng 5/2019, Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Hoa Kỳ cho biết Dân biểu Zoe Lofgren đã bảo trợ cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét