Không biết ai đã từng nghe qua nhà thơ Mường Mán chưa, còn tôi, tôi chỉ biết khi đặt chân đến Huế được một thời gian và đọc qua vài bài thơ của ông viết về xứ Huế. Qua những vần thơ ấy, tôi dường như đắm chìm vào khung trời Huế xưa, một Huế duyên dáng và e ấp như vành nón của người thiếu nữ, dù giờ đây Huế đã khác nhiều nhưng cái hồn của Huế thì ngàn năm còn đó, tôi đã yêu Huế từ lần đầu đặt chân bước đến, yêu Huế từ những hạt mưa đầu lạnh ngắt trời đông…Hồi ấy, trường Quốc Học là trường dành riêng cho nam sinh, và trường Đồng Khánh là trường dành riêng cho nữ sinh. Học sinh hai trường này học rất giỏi, mỗi khi tan trường, nam sinh Quốc Học thường hay đón chờ nữ sinh Đồng Khánh chuyện trò, trao thư…
<!>
Từ đây đã hình thành nên nhiều chuyện tình, và bài thơ sau đây là sự mở đầu cho một chuyện tình yêu thời học trò ở Huế: Lời người con gái nghe có vẻ chua ngoa, nhưng không dấu được nỗi thích thú trong lòng, đầu câu chuyện là những lời trách móc, sợ dị nghị nhưng cuối câu chuyện là lời hẹn hò cho những lá thư:
Răng mà cứ theo tui hoài rứa?Cái ông ni mới dị chưa tềSớm trưa chiều ba bữa đi vềĐưa và đón mần chi không biết!Ôi đôi mắt chi mà tha thiếtĐừng có nhìn loạn bước tui đi!Lá thư tình ông gởi mần chi?Cha mẹ biết rầy la tui chết!Tội tui lắm! Cách cho vài bướcĐừng đi gần hai đứa song đôiXa xa cho kẻo bạn tui cườiMai vô lớp cả trường dị nghị!Theo chi rứa răng không biết dịThôi được rồi! Đưa lá thư đây!Mai tan trường đơị ở gốc câyTui sẽ tới trả lời cho biết…
Đó là bước đầu trao thư và nhận thư, lối xưng hô vẫn còn xa cách lắm, người ta bảo dấu hiệu để nhận biết người con gái Huế đã bằng lòng yêu bạn hay chưa là qua cách xưng hô, con gái Huế khi chưa yêu thì thường xưng “ông, tui”, đến khi xưng “ông, em” thì tình cảm đã lớn thêm một cấp độ nhưng người con gái Huế vẫn đang còn tìm hiểu và thử thách chàng trai. Đừng nghĩ rằng người con gái Huế xưng ông là vì người con trai lớn hơn mình quá nhiều tuổi, mà đó là vì con gái Huế muốn thế:
Em sanh ra đã là con của HuếNên gắn liền với mấy chữ mô têCó khó chi mô ông chẳng hiểu tềHuế “răng rứa” như của ông “sao dậy”Em gọi “ông” có chi mô mà lẫyÔng không già thì để ý mần chiTại xưng anh em thấy nó kì kìNgười ta nghe được… ôi thôi dị chếtÔng biết rồi răng giả vờ cho mệtMần người ta noái chậm khổ ghê nơiHuế em tiếng khó nghe rứa người ơiĐến đây rồi… ráng mở tai cho lớn
Nhiều chàng trai đã “lẫy” khi người con gái Huế xưng ông tui như vậy, và như trên những vần thơ đó, người con gái Huế giải thích thật dễ thương.
Và rồi chắc cũng có thư qua, về. Tháng ngày trôi đi, không biết đã xong học kỳ I, học kỳ II chưa, hay là chàng trai ấy và cô gái Huế ấy đã bước sang năm học mới nhưng bài thơ sau thì chắc chắn là chuyện tình của họ đã đi qua được những cửa ải khó khăn ban đầu của sự ngại ngùng, của tâm lí hồi hộp khi trao lời muốn nói. Tình cảm đã thân thiết hơn, trong cách nói chuyện đã bớt đi phần e ngại, người con gái Huế đã xưng “em” không còn xưng “ tui, ông” xa cách như trước nhưng vẫn giữ được khoảng cách nam – nữ. Sau giai đoạn đưa thư làm quen, đây là lúc đã được chấp nhận và bắt đầu nhớ thương, tìm đến nhà:
Tôi nhớ mãi một câu “rứa hí”Em chào tôi “Rứa hí! Em về”Lời nhẹ nhàng mà dạ tôi têTiếng chào nhỏ đủ nghe “rứa hí”…Đã bao lần tôi về bên HuếVới tôi Huế không nói điều chiChỉ đám cỏ non bờ sông chảy thếLà tôi nghe tiếng Huế thầm thìCon phố vắng tôi lần tìm quán nhỏ“Mệ bán cho con năm đồng thuốc lá”Mệ nhìn tôi rồi cười hỉ hả:“Có rứa mà chú cũng mần thơ”
Rứa thì rứa, biết mần răng đượcBên nớ về, bên ni biết mần răngBên nớ về, bên ni đứng tần ngầnNỏ được cầm tayChỉ lặng thinh không nóiCó chi mô mà rầu rầu tức tưởiLần cuối cùng thì cũng rứa mà thôi
Tôi không muốn có một kết thúc như thế này nhưng thơ văn xưa đã viết vậy, câu chuyện tình Huế qua những vần thơ “răng, rứa” cũng đành chịu như vậy mà thôi:
Ngày dạm hỏiBên nớ lên chùa trốn biệtBa Mạ tìm buông lời tiếng bẽ bàngRứa thì rứa biết mần răng đượcBên ni buồn khi bên nớ sang ngangHôm hôn lễ, bên nớ bày hoa sứCái loài hoa hai đứa mình yêuBên ni biết, bên nớ còn chưa hếtVẫn còn thương, thương lắm biết bao nhiêu
Rồi cả cuộc đời, mấy chục thu qua đổi dời cách biệt, phận con người bé nhỏ nào có chống chọi được với thời gian, nhưng chàng trai thế mà đã dành cả đời chỉ để nhớ thương người con gái ấy:
Ngày gặp lại, bên nớ thành bà ngoạiMà bên ni vẫn là cứ trai tânBên nớ hỏi: Răng mà tội rứaBao năm rồi còn chưa chịu thành thânRứa thì rứa… Có chi mô mà hỏiChưa quên được người, đâu muốn khổ cho ai…
Chuyện tình Huế theo răng rứa rồi có một kết thúc buồn như thế, tôi ước gì đó sẽ là một câu chuyện có hậu, Huế mà, thời xưa qua bao đời vua đời chúa, người con gái không thể cãi lời cha mẹ…
Tôi cũng có một chuyện tình với Huế, với người con gái Huế, tôi – một chàng trai Quãng đến với Huế mang theo mảnh hồn rách nát say mèm tình cũ, thế rồi, tôi đã gặp em, nàng Tôn nữ đã sưởi ấm trái tim đang khắc khoải bởi tình đầu. Ngày qua tháng lại, để giờ đây, tôi ước gì mối tình của mình cũng là một kết thúc có hậu, ước gì chỉ như câu chuyện bên trên thôi, để tôi có thể dõi theo cuộc đời của em từ một phía cũng nguôi lòng, nhưng đời chưa bao giờ là thế.
Bao năm tháng qua, tôi vẫn bên Huế và nhớ hình bóng người con gái đã mãi mãi đi vào miền dĩ vãng, mỗi đợt Huế lại mưa dầm, tôi lại không thể cầm được lòng mình mà nhớ về một câu mắng yêu hay vài câu hát với cái giọng dễ thương ngày ấy, mồi một điếu thuốc, ngắm nhìn từng giọt cà phê rơi trong căn phòng quạnh vắng, ước gì em – người con gái Huế một lần trở lại, để tôi lại được một lần đắm chìm vào màu mắt nâu đằm thắm ấy…
Cái ông ni, răng mà không biết dịTên làm gì, hỏi tuổi để mần chi?Đường ngược dòng chừ ngõ đó ông điRăng lì lợm cứ theo tui hoài rứa?…
HMN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét