Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Người đàn ông sống một mình ở Mỹ - Bùi Bích Hà

 Ông có ba người con nhưng không cô cậu nào sống cùng hay sống gần. Gia đình ông rạn nứt từ khi còn ở Việt Nam do hệ quả của chiến tranh, ông phải chinh chiến xa nhà. Di tản đến Mỹ năm 1975, sự rạn nứt ấy vỡ toang vì vợ ông vào đơn ly dị để lấy lại tự do. Ba đứa con ông ở tuổi niên thiếu, cũng thích được tự do nên chọn theo mẹ. Sống ở nước Mỹ, một mình, không thiếu gì cả nhưng có lẽ cũng không phải là không thiếu mà lại là cái không thiếu thật khó làm đầy. Hai mươi năm tuổi trẻ của ông chia đều cho nợ nước và tình nhà, như một cơn gió thoảng. Giã từ vũ khí trong hoàn cảnh bất ưng, những ngày chân ướt chân ráo ở vùng đất mới, ông làm phu lục lộ, mặc cái áo trấn thủ màu vàng chanh, tay cầm cuốc xẻng làm công việc sửa chữa công lộ.

<!>

Nước Mỹ là nơi có nhiều cơ hội cho bất cứ ai muốn vươn lên. Ông có chút vốn liếng tiếng Anh trong thời gian tại ngũ, từng tham dự những khóa huấn luyện tham mưu cao cấp và thời gian phục vụ tại đại sứ quán Việt Nam ở Hán Thành nên có một ngày ông được công ty Pacific Bell tuyển dụng. Ông được gởi đi New York học khóa đào tạo chuyên viên bảo trì hệ thống máy lạnh tại các cao ốc của công ty.

Thông minh, tháo vát, có năng khiếu về cơ khí, ông hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp thêm hai mươi năm nữa trong quỹ thời gian Trời cho chưa biết là bao nhiêu, rồi ông về hưu sớm ở tuổi 62. Hỏi ông về quãng đời này có kỷ niệm gì ông nhớ nhất? Ông cười, trả lời: “Cả đời tôi chưa bao giờ biết sợ, ngày cha mất, chỉ khóc trong lòng. Thế mà hôm đầu tiên chính thức vào việc, đứng trước hệ thống máy lạnh vĩ đại trong một cao ốc của công ty, tôi bàng hoàng hồn vía lên mây, cảm nhận sự cách biệt quá lớn giữa những giờ học lý thuyết và đống sắt lù lù, xa lạ, rắc rối, bí ẩn trước mắt mà tôi thật sự không biết phải đặt tay vào đâu, làm cách nào để làm chủ được nó, khiến nó phải vận hành theo ý mình và đúng chức năng của nó?”

“Rồi ông làm sao?” Ông vẫn cười: “Tôi nói với sếp là tôi đã học xong phần lý thuyết, bây giờ tôi nghĩ tôi cần được hướng dẫn thực tập để bắt đầu công việc một cách đúng nhất.” “Nói thật như vậy, ông không sợ bị đuổi à?” “Giữa bị đuổi và sai phạm, tôi chọn cái ít phiền nhiễu. Vả lại, công ty đã đầu tư vào tôi nhiều rồi, họ đâu có dễ buông?” Ông cười thành tiếng: “Quả nhiên, họ mời nhà thầu chuyên nghiệp tới và tôi chỉ cần căng mắt ra nhìn, thu nhận, ghi nhớ là xong.”

Với thời gian, ông mua được nhà, đổi xe tốt hơn. Ngoài công việc sở ngày càng thành thạo, giải quyết nhanh và hiệu quả, ông có cuộc sống riêng tư nhàn nhã tuy không tránh được niềm hiu quạnh. Vợ cũ và các con ông ở một thành phố khác.

Khi đứng nhìn chiếc xe truck kềnh càng chở hết vật dụng trong ba căn phòng hằng ngày chứng kiến vợ con ông vào ra, ông cảm giác cái gia đình mà ông ngỡ là bền vững, cố gắng chèo chống cho nó bền vững, cùng ông đáp chung một con thuyền trong cuộc hải trình gần hai mươi năm qua bao sóng gió, nay thật sự đã vỡ ra rừng mảnh để trôi theo số phận riêng.

Xem ra họ không cần ông nữa nên với ông, mọi sự cũng dường như đã trở thành quá khứ. Bây giờ, ông cần nhìn về phía trước, hướng tới một tương lai chưa khám phá, những điều kỳ diệu chưa xảy ra. Ông còn nhiều năng lực, một tinh thần và một ngoại hình tươi trẻ với nhiều hy vọng. Tất nhiên rồi ông phải có bạn gái, nhiều bạn gái là khác. Họ đi qua đời ông như những bông hoa vội vàng nở và vội vàng tàn úa. Về phần ông, thời gian lặng lẽ trôi, cuốn theo buồn vui như dòng nước rửa sạch mọi dấu vết những nơi nó đi qua.

Cuối cùng, vì chưa bao giờ biết tới câu ca dao “đi đêm mãi có ngày gặp ma,” một ngày mùa Đông lạnh lẽo, ông tự tin theo chân một phụ nữ đường chồng con vất vả, nghĩ ở chặng đường này, cô cần một bến đậu an toàn là điều ông biết chắc trong khả năng mình. Ông bán nhà, thu dọn cơ ngơi, dấn thân vào nơi gió bụi rồi họ trở thành vợ chồng hợp pháp như một trò đùa, thương đau cho ông và bất cần về phía bà.

“Đường êm quá, ai đi mà nhớ ngó
Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương
Vì thả lòng không kềm chế dây cương
Người ta khổ vì lui không được nữa
Những mắt cạn cũng cho rằng sâu chứa
Những tim không mà tưởng tượng tràn đầy…” (Xuân Diệu)

Con đường tình nên thơ nhanh chóng trở thành sạn đạo. Ông bước vào tuổi già, cõi lòng u uẩn, thể xác hao gầy. Ở tuổi 80, ông thành thật và khiêm nhượng “tri thiên mệnh.” Có chút muộn màng nhưng nay ông hiểu ra cái chân lý muôn đời đúng: “Sau cha mẹ, không ai khác thương mình bằng chính mình.”

May mắn thay, nhờ huyết thống, nhờ cuộc sống quân ngũ, ông biết tự lo thân khi cần. Ngôi nhà ông ở sạch như li như lau, được trang hoàng đẹp mắt, thanh lịch và nghệ thuật. Giờ đây, với tổ chức nhân sự và tiện nghi kỹ thuật của nước Mỹ, ông có mọi thứ trong tầm tay.

Ông có người giúp đỡ (care giver) do Sở Xã Hội cung cấp 5 giờ mỗi ngày từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, Thứ Bảy/ Chủ Nhật thêm một giờ. Ông có hệ thống camera an ninh thường trực, báo cho ông biết mỗi khi có ai bước vào sân bất cứ từ phía nào xung quanh nhà ông. Ông có thể check trên màn hình computer để biết hộp thư trước cửa có hay chưa có lá thư hoặc bưu kiện gởi cho ông mà ông đang chờ. Ông có chiếc xe lăn thiết kế riêng vừa vặn với ông để di chuyển dễ dàng và an toàn.

Dôi khi, ông cũng muốn như người Nhật, mua một con robot mỹ nhân hoàn toàn giống như người thật. Nhưng làm sao búp bê có thể bằng người thật. (Hình minh họa: Taro Karibe/Getty Images)

Trên chiếc bàn ăn nhỏ, ông có ấm điện đun nước sôi, hộp sữa Entrust, hộp cà phê instant, đĩa cắm điện giữ nóng thức uống, chai Maggi, tiêu, muối, đặc biệt một dụng cụ nhỏ, xinh xắn, giúp ông hòa tan ly cà phê sữa trong tích tắc, gọn ghẽ, không phải quậy lâu làm bắn tung tóe, không bị vón, không đóng cặn hay những khi ông muốn một ly milk shake, một ly cappuccino. Muốn ăn à la coque, ông có cái vật dụng cắt đúng một hình tròn bằng đồng nickel trên đầu quả trứng, đủ để bỏ tiêu muối vào và húp trứng bên trong. Bình nước lọc lớn trong tầm tay bên trái, có gắn cái bơm đẹp mắt, ông chỉ cần gõ nhẹ đầu ngón trỏ trên cán bơm là nước nhẹ nhàng chảy ra và ngưng theo ý ông. Ông có cả cuộn papertowel để tự lau bàn sạch sẽ trước và sau mỗi bữa ăn lớn nhỏ trong ngày.

Gian bếp cách chỗ ông ngồi ăn chừng ba bước chân. Trên bàn bếp, ông có đủ dụng cụ để hâm nóng, nướng hay để làm bữa ăn nhanh những hôm ông muốn đổi khẩu vị, không order các tiệm ăn quanh vùng giao món ăn tới cửa. Ông có một cái máy nhiều công dụng: pha cà phê, pha trà, làm omelette, French fries, xào nấu linh tinh…

Ông còn có một cái máy khác cao cấp hơn vì làm được nhiều món điệu nghệ hơn và rất nhanh, tên là Nuwave. Nó cho ông làm món cánh gà chiên bơ, khoai tây bỏ lò nguyên củ, gà xào sa tế (6’- 8’) tôm sốt Cajun (6’) đậu que xốt chanh (10’) đậu hũ rán… Ông có cả bộ đồ nghề chuyên nghiệp để làm món thịt bò steak kiểu Sous Vide cầu kỳ, mềm và thơm ngon đặc biệt. Ông có những con dao lạ mắt để bóc vỏ trái cây, cắt thành lát, cả con dao có thanh gỗ dùng làm thớt đi kèm khi ông cần thái hành lá, hành tây hoặc cắt một củ sâm Hàn Quốc tẩm mật ong thành từng miếng nhỏ để ngậm dần.

Ở phòng khách, ông có cái TV hiệu Sony 72 inch, kiểu mới nhất. Để xem thời tiết, tin tức, thời sự, xem YouTube, xem phim, nghe nhạc giải trí. Sofa nhà ông rộng, êm ái, ông thường thức ngủ từng chập theo nhu cầu của cơ thể thoải mái tối đa bất kể tiếng người nói và tiếng động vẫn phát ra ầm ào từ cái TV to kềnh.

Chán TV, ông vào home office. Ở đây ông có hai máy điện toán đặt song song bên nhau, ông nói để phòng hờ một cái trở chứng bất ngờ. Monitor màn hình lớn vòng cung, là nơi ngoài emails gửi ra và nhận vào, cho ông thám hiểm đủ mọi loại tin tức đang xảy ra trên nước Mỹ, từ những tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ đời sống như cái chổi robot tối tân nhất tự nó lau nhà, ông cũng đã bưng về một chiếc, hay trong lãnh vực y tế gồm các phát minh mới về thuốc trị bệnh, các dụng cụ trợ y có tác dụng giúp ông giảm bớt chứng đau nhức vùng lưng, bả vai, cườm tay, những cơn chuột rút nửa đêm làm ông cong người lại như con tôm vì đau.

Nói tóm lại, khoa học/kỹ nghệ thực dụng đã cơ khí hóa hầu hết tính năng động của một người, cho họ giữ được sự độc lập và tự chủ khi họ phải sống một mình với điều kiện sức khỏe hạn chế. Nước Mỹ được xây dựng như thế và có truyền thống như thế, căn bản là mỗi công dân cần biết cách nào đặt mình vào vị thế có thể tận dụng mọi nguồn tiếp liệu sẵn sàng cho họ sử dụng khi họ còn một chút thể lực và trí lực.

Nhiều người Mỹ đã nuôi các loài gia súc trung thành, chúng được thương yêu, thay thế những đứa con đã đi xa hay họ chưa bao giờ có… Chúng được ghi tên vào chúc thư để hưởng một phần hay tất cả gia tài của người ra đi. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

Cách đây ít lâu, tin tức loan truyền trên báo chí và Internet, cho biết rằng bên Nhật người ta đã làm được các robot mỹ nhân hoàn toàn giống như người thật. Da dẻ các cô mịn màng, thân thể mềm mại, tay chân co duỗi tự nhiên, mắt môi nồng nàn, khêu gợi, có khả năng trò chuyện, vui đùa, giá trị làm bạn tình cho nam giới rất cao nên đơn đặt hàng không thỏa mãn kịp.

Tuy nhiên, sau màn quảng cáo phấn khích và rầm rộ ngắn hạn này, không thấy ai nói đến các cô nữa? Giá đắt quá, ít ai có khả năng tài chánh rước nàng về dinh phòng khi tối lửa tắt đèn? Hay nói thế nào thì nói, làm sao búp bê có thể bằng người thật nên robot không được giới mày râu ái mộ mặc dầu trong đời thường, nhu cầu có một “đối tượng” bên cạnh, ở rất nhiều ông, là rất cao? Chả thế mà cố ca nhạc sĩ Duy Quang, sinh thời, đã viết bản nhạc “Kiếp Đam Mê” với ca từ van lơn nghe não lòng: “Tôi xin người cứ gian dối nhưng xin người đừng lìa xa tôi cho tôi còn được chút niềm vui khi cơn mưa mùa đông đang tới…”

Một bóng người vào ra, không cần dừng lại. Một câu nói thỉnh thoảng cất lên, dù không thành thật và chẳng có ý vị gì, cũng đủ làm cho thinh không trong ngôi nhà bớt quạnh vắng và im lìm khi chủ nhân chỉ có một mình. Tiếc thay, những thứ này khoa học/kỹ thuật chưa tạo tác thành công để đưa ra thị trường và những người đàn ông sống cô độc dù không thiếu một tiện nghi nào phục vụ các nhu cầu đời thường của họ, vẫn có một nhu cầu họ không thanh thỏa được, là yếu tố con người, mỏng manh, bất trắc, biến hóa khôn lường.

Nhiều người Mỹ giàu có đã nuôi các loài gia súc trung thành, gần gũi với chủ nhân của chúng và biết cách bày tỏ tình quyến luyến của chúng, như chó và mèo. Khi sống, chúng được chủ nuôi nấng, săn sóc, thương yêu, thay thế những đứa con đã đi xa hay họ chưa bao giờ có, thay thế người bạn đời sinh ly hay tử biệt bằng hơi ấm, ánh mắt mong đợi, trìu mến, bằng những cái cọ mình âu yếm, những cái quẫy đuôi mừng rỡ của chúng mỗi khi kề cận và cả tiếng kêu thật dịu dàng… Chúng được ghi tên vào chúc thư để hưởng một phần hay tất cả gia tài của người ra đi, bảo đảm chúng được tiếp tục thương yêu và nuông chiều cho đến khi chúng không còn nữa.

Con người là một sinh vật xã hội, bản năng sống có đôi. Như Trịnh Công Sơn đã có lúc mủi lòng vỗ đàn hát lên trong cô quạnh: “Về sau sỏi đá cũng cần có nhau.” Cho nên, tách trà nóng bất ngờ tỏa bay mùi hương dưới ánh đèn lặng lẽ và bàn tay người có chút tình trao gửi, tiếng ai mơ hồ thoảng đưa bên tai như tiếng đêm ấm áp của chăn gối cựa mình hỏi nhau làm tan cái mênh mông vắng lặng, là ơn phước hiếm hoi không ai mua được, có được bằng những hộp lớn, hộp bé do Amazon gửi ra và FedEx chuyển tới trên thềm nhà rất đúng hẹn.

Sống ở nước Mỹ, một mình, không thiếu gì cả nhưng có lẽ cũng không phải là không thiếu mà lại là cái không thiếu thật khó làm đầy. [qd]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét