Năm nay Canada bước vào mùa đông rất sớm. Ngay giữa tháng 11, trời đã đổ tuyết, tuy những làn tuyết còn mong manh nhưng cũng là những tín hiệu mùa băng giá đang tới. Máy sưởi đã mở, ai ai cũng ở trong nhà. Mở đài thì vẫn những thông tin nhức đầu, nào dịch Côvít 19 lan tràn, nào xã hội bên Mỹ chia rẽ về việc bầu cử, nào lụt lội Miền Trung nặng nề, trông cảnh đồng bào phải chui lên mái nhà thoát thân thấy tội nghiệp quá. Giữa những tin buồn này thì làng An Lạc chúng tôi có tin vui rất lớn : Ông hội viên viễn cư Từ Hòe đã dọn về Toronto vĩnh viễn. Các cụ còn nhớ ông này chứ. Đầu thập niên 1980, ông từ trại tỵ nan sang Canada cùng nhóm với Cụ Chánh, cùng được nhà thờ Cha Paolo bảo trợ. Ông là mấy người tiên phong lập ra làng An Lạc.
Làng mới lập xong thì ông bỏ làng sang miền tây Canada sống chung với một người em kết nghĩa. Ông phải ra đi vì đã hứa với người em kết nghĩa này là sống chết có nhau. Nay ông trở về làng và tuyên bố đã sống với chú em này 40 năm, đã đầy đủ bổn phận, đã trọn lời thề. Nay cuối đời nên ông về lại làng để sống với những người mà ông coi như ruột thịt. Chuyện ông và chú em kết nghĩa này dài và cảm động lắm, ngày xưa tôi đã kể hầu các cụ rồi, các cụ còn nhớ không?
Dân làng nghe tin Ông Từ Hòe trở về vĩnh viễn thì vui sướng quá sức, nhất là phe các bà. Chị Ba Biên Hòa và mấy cô Huế mê ông Từ Hòe như điếu đổ, như mê Ông ODP vậy. Chị Ba bảo sự trở về làng của Ông là một món quà Giáng Sinh quý hóa hết sức. Dân số làng từ nay có thêm một bồ chữ và một nhà quân tử. Ông ở với Cụ Chánh tiên chỉ làng. Xưa thì mỗi dịp tết ông mới về làng hai tuần, nay thì về ở luôn. Nghe tin ông Từ Hòe dọn về, cả làng đã kéo đến ăn mừng, ôi vui ôi mừng biết là chừng nào. Ngày xưa mỗi lần họp mặt thì dân làng chỉ được nghe có bồ chữ ODP kể chuyện mà đã thấy hay qúa sức, nay thì làng có thêm một bồ chữ thứ hai nữa, các cụ đã thấy dân làng An Lạc của tôi hạnh phúc chưa.
Vì dân số làng tôi mới tròm trèm 10 vĩ nhân nên không bị luật giãn cách xiết chặt, bởi vậy nhớ nhau thì ới một cái là có nhau liền. May là nhà cụ Chánh rộng, có phòng riêng cho ông Từ Hòe, và phòng ăn phòng bếp dư sức cho cả làng tung hoành.
Bà cụ B.95 tỏ ra sung sướng nhất vì từ nay bà sẽ có dịp nói chuyện với ông Từ Hòe dài hơn và lâu hơn. Bà biết ông gốc Bắc Kỳ 54, nên hỏi ngay : bác có biết hút thuốc lào không? Ông lắc đầu không biết. bà cụ tỏ ra ngạc nhiên : Lạ nhỉ, ngoài Bắc ai cũng thuộc câu mà Đảng dạy : Thuốc lá ho lao, thuốc lào bổ phổi’ mà. Ông Từ Hòe cười hề hề : Cụ đọc sai rồi. Tôi nhớ mãi chuyện này từ trại cải tạo. Bữa đó khi anh quản giáo thấy chúng tôi trố mắt nhìn anh rít thuốc lào say sưa thì anh ta bảo : thuốc ná ho nao, thuốc nào bổ phổi. Chúng tôi phá ra cười thì anh lên cơn giận, anh chửi bọn tù chúng tôi : Tụi bay đúng nà đồ ngụy, nàm việc thì nơ nà, ăn nói thì nếu náo, ný nuận thì nệch nạc, vợ đến thăm nuôi thì bú mồm nia nịa, nia nịa. Tại sao hôm nay tụi bay dám cười tao hút thuốc nào?
Ông ODP nghe đến việc phát âm N/L này liền kể ngay chuyện cô giáo luyện giọng. Rằng hồi 1975, đa số cán bộ từ Bắc vào Nam đều có gốc rừng rú, đầu nón cối chân dép râu, ai cũng nói ngọng, nên ban trung ương mới mở ra những lớp đêm bắt cán bộ gốc rừng này đi học thêm, để sửa cách phát âm chữ L. Học được ít lâu thì cô giáo khen : Các anh đã tiến bộ nhiều, không còn nói lẫn N với L nữa. Anh cán bộ trưởng lớp cám ơn cô giáo đã khen, anh nói : ‘Nhưng nâu nâu chúng tôi vẫn còn nẫn…
Rồi nhân việc này ông bàn sang chuyện chủ thuyết cộng sản đã làm cho con người biến dạng, từ tốt lành ra xấu xa. Trước 1945, Việt Nam ta có nhà phê bình văn học rất nổi tiếng Hoài Thanh. Với tác phẩm ‘Thi Nhân Việt Nam’ xuất bản 1941, Hoài Thanh được nhiều lời ca ngợi về công phu sưu tầm ngiên cứu và đánh giá các thi nhân của ông. Nhưng sau 1945 Hoài Thanh đi theo CS nên Hoài Thanh trở thành 1 cán bộ tuyên huấn, chỉ còn biết ca tụng cấp trên và đảng. Trong cuốn ‘ Tuyển Tập Hoài Thanh’, tính chất nịnh bề trên thấy rất rõ : Sách có 19 bài thì 6 bài ca tụng Hồ Chí Minh, 6 bài ca tụng Tố Hữu, 1 bài ca tụng Sóng Hồng tức Trường Chinh, 1 bài ca ngợi Xuân Thủy. Tất cả 14 bài này mang đầy tính chất xum xoe nịnh hót khúm núm. Vì theo CS mà Hoài thanh đã đánh mất hết tài năng thiên phú của mình. Thật đang tiếc.
Nhân nói tới cái chất CS nó làm thui chột con người, tôi chợt nhớ tới Xuân Diệu. Trước 1945, trước khi theo đảng CS, thì Xuân Diệu là một nhà thơ sáng chói, thế nhưng sau 1945 khi Xuân Diệu đã cùng Hoài Thanh theo CS thì cái chất thơ thiên phú đã biến mất, XD trở thành bồi bút, một người hèn. Bài thơ ‘Thương tiếc Đại Nguyên Soái’ khi Stalin chết, bài này chẳng khác gì bài thơ Tố Hữu khóc Stalin, giọng hèn hạ hiện ra rõ ràng ai cũng thấy. Riêng bài ca tụng Mao Trạch Đông thì ít người biết. Xuân Diệu được cử đi tham quan tỉnh Hồ Nam là sinh quán Mao Trạch Đông. Xuân Diệu đã múa bút ca tụng rằng ở đây vì có Bác Mao nên cái gì cũng tốt hết sức, thậm chí ngay cả cây lúa mọc lên dày đặc và tốt đến độ mùa lúa chin có đoàn xiếc đến trình diễn màn tháp người cao 8 tầng ở ngay trên mặt lúa mà lúa không hề đổ rạp. Ngay cây lúa cũng đã vĩ đại rồi. Kinh sợ quá,
Ông ODP vừa nói đến đây thì ông Từ Hòe lên tiếng : Thôi, không bàn chuyện mấy anh bồi bút CS nữa. Xin được bàn về việc dạy tiếng Tàu ở VN hiện nay. Ngoài việc học viết và hiểu nghĩa, chả biết VC có bắt học sinh nói tiếng Tàu nữa không. Nếu nói thì nói theo giọng nào. Tôi nghe có chuyện là VC bắt học sinh phải thuộc câu nói của HCM; ‘ Đoàn kết đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công ‘ Câu này toàn chữ Hán, nếu đọc theo giọng Quảng Đông thì nghe buồn cười lắm : xùn kít xùn kít tài xùn kít, Xình cống xình cống, tài xình cống. Tiếng gì mà toàn cứt đái và cống rãnh thế không biết, hôi quá !
Cả làng phá ra cười. Ông Từ Hòe bảo chưa hết. Chuyện này mới hay : Tên mấy người đẹp, đọc giọng VN thì nghe dễ thương quá, thế nhưng đọc theo giọng Tàu thì vừa chói tai vừa sượng sùng, ví dụ :
tên Cô Diệp Bản Minh, Tàu đọc là Dịp Pún Mằn
tên Cô Phan Hành Giai. Tàu đọc là Phún Nàng Cái
tên Cô Lâm sĩ Liên, Tàu đọc là Lầm Xì Lần
Nghe đến đây thì làng lại cười òa. Ô lạ nhỉ và kỳ ha. Bà cụ B.95 liền chắp tay vái hai bồ chữ Từ Hòe, ODP và cả làng : Xin đừng nói về CS nữa vì tôi ngấy lắm rồi. Xin nói về mùa Giáng Sinh hay mùa Tết đang tới. Xin bác Từ Hòe giảng cho làng một bài đi, lâu lắm rồi không được nghe bác giảng. Ông Từ Hòe rất đạo đức và hiểu đạo. Như đã có sẵn ý trong bụng, ông liền giảng :
…Nhân mùa Giáng Sinh, tôi xin bàn về tình yêu là ý nghĩa chính của đại lễ này. Theo Kinh Thánh thì Thiên Chúa tạo dựng ra con người theo hình ảnh của Ngài. Cả xác cả hồn con người chúng ta đều thông phần với bản tính Thiên Chúa. Vì Chúa cho con người một món quà quý vô giá là sự tự do. Cầm thú và cỏ cây không có món quà này nên chúng sống theo bản năng, cứ đói thì ăn, khát thì uống, đến mùa thì sinh nở, cỏ cây đâm bông kết trái. Chúng là một thứ máy đã được thảo chương từ sẵn. Con người thì hơn chúng hoàn toàn vì có tự do để lựa chọn. Và con người đã chọn sự dữ nhiều hơn sự lành. Càng ngày con người càng đắm chìm vào sự dữ, càng ngày càng chém giết nhau. Thiên Chúa thấy tác phẩm qúy giá của mình mỗi ngày một đắm chìm xuống bùn nhơ Ngài không thể cầm lòng được nên đã sai con một của Ngài xuống thế để cứu vớt loài người. Đó là Chúa Giêsu nhập thế và nhập thể. Ngài công bố tin mừng; Mọi người là con cái Thiên Chúa và là anh em ruột với nhau, đúng như ý nghĩa chữ ‘đồng bào’, nên phải yêu thương nhau.Thông điệp lễ Giáng sinh là thông điệp tình yêu, chữ Tình Yêu viết hoa…
Nghe đến đây thì cả làng vỗ tay và thưa Amen. Cụ Chánh thốt lên : bài nói của bác hay hơn nhiều bài giảng ở nhà thờ !
Anh John liền góp thêm ý : Khi yêu nhau thì tình yêu biến đổi chúng ta. Các triết gia bảo rằng khi yêu nhau thì tình yêu làm cho chúng ta tốt hơn lên. Canada có một chuyện để chứng minh việc này. Chuyện nàng công chúa Sheila Geira sinh quán Ái Nhĩ lan. Nàng bị một tên tướng cướp bắt cóc. Khi tên này nhìn mặt Sheila thì thấy nàng đẹp quá nên thay vì hãm hại thì nó quay ra yêu nàng. Nàng Sheila cũng vậy, cũng thấy mình bị tiếng sét ái tình. Thế là tên tướng cướp và Sheila yêu nhau rồi quyết định lấy nhau ngay. Chàng bỏ nghề tướng cướp và đưa vợ sang sống ở miền Carbonear thuộc tỉnh bang Newfoundland, miền đông Canada. Cả hai đã sống một đời gương mẫu, trọn đời có nhau và yêu nhau. Công Chúa Sheila mất năn 1753, thọ 105 tuổi. Nơi này còn giữ được tấm bia đá ghi tên cặp vợ chồng gương mẫu này
Chị Ba Biên Hòa thấy chồng dài dòng bèn xin chồng dứt chuyện Canada để nghe bác Từ Hòe giảng tiếp. Ông Từ Hòe còn đang hứng thú khi nói về tình yêu, nên ông tiếp ngay : Tình yêu là món qùa hiếm quý mà ai cũng ra sức tìm. Thế nhưng nhiều người dù ra sức mà vẫn không tìm ra. Tôi nhớ ở phương tây có 3 chuyện người phụ nữ đẹp và tài giỏi nổi tiếng thế mà không tìm được tình yêu đích thực :
Đó là ca sĩ Dalida, người Pháp gốc Ý, nàng nhan sắc vẹn toàn và tiếng hát làm say đắm cả thiên hạ. Ở Việt Nam mình thời thập niên 1960, ai mà không mê Daalida. Cô ngồi trên đỉnh danh vọng và tiền bạc, nhưng cô đã quyên sinh vì không có tình yêu. Ai đến với tôi cũng chỉ vì tình dục và tiền bạc. Cô viết lời tạ từ thế giới trước khi uống thuốc tự tử : Pardonnez-moi, la vie m’est insupportable ! Xin tha lỗi cho tôi, tôi hết chịu nổi cuộc đời này. Nàng mất ở Paris, năm 1987, thọ 54.
Đó là tài tử Marilyn Monroe, nữ thần điện ảnh bốc lửa của Hoa Kỳ. Nàng cũng ngồi trên đỉnh danh vọng và tiền bạc như Dalida, nhưng nàng không tìm thấy hạnh phúc vì không gặp được tình yêu, lòng vẫn trống trải. Thập niên 1950 và 1960 ở Saigon, phim nào có Marilyn thì rạp hát đông nghẹt. Thế nhưng nàng tiên tóc vàng này đã quyên sinh vì không có tình yêu đích thực, khi vừa 36 tuổi, năm 1962 ! Ngay cả báo chí Tòa Thánh Roma cũng thương tiếc nàng.
Đó là nàng Ava Gardner đẹp lộng lẫy và kiêu sa trong 60 bộ phim lớn. Báo chí thời đó mô tả nàng có bộ mặt thiên thần và thân xác vệ nữ. Nhưng nàng suốt đời tìm tình yêu mà không thấy, nàng đã tìm cái chết khi 67 tuổi, 1990.
Rồi bác Từ Hoè kết bài giảng thế này : Trên đây là chuyện 3 nữ thần danh tiếng thế giới nhưng bất hạnh vì không tìm được tình yêu đích thực, Còn đây là chuyện một ông vua đã bỏ ngai vàng vì tìm được tình yêu. Đó là vua Edward VIII bên Anh. Lúc vua lên ngôi thì nước Anh là một đế quốc rộng lớn và giàu mạnh nhất thế giới. Và tân vương vẫn còn độc thân. Vua đi tìm tình yêu và vua đã thấy : Đó là nàng Bessie Simpson. Nàng đã có chồng nhưng đã ly dị và nàng là người Mỹ. Hai người gặp nhau và đã yêu nhau ngay thực sự. Nhưng Vua không thể ngồi trên ngai mà lại có vợ là người Mỹ và đã một đời chồng. Vua phải chọn hoặc ngai vàng hoặc vợ Bessie. Cuối cùng, năm 1936, vua đã chọn người yêu Bessie và nhường ngai vàng cho người em, người em lên ngôi mang tên hoàng đế George VI, cha dẻ của Nữ Hoàng Elizabeth hiện nay.
Rồi ông Từ Hòe chấm dứt bài giảng với câu : Tình yêu đắt giá như vây, xin kính chúc cả làng có được tình yêu đích thực và trân quý tình yêu trọn đời. Amen.
Cả làng tôi lại vỗ tay râm ran, ai cũng bảo ông này là một bồ chữ quả không sai. Cụ Chánh bảo cụ sẽ vận động với Cha Paolo để ông Từ Hòe được phong chức Tháy Sáu ở nhà thờ. Các cụ có biết chức Thày Sáu là gì không cơ? Thưa là chức Deacon, tức là chức Phó tế trong Giáo Hội Công Giáo., là chức phụ giúp cho Giám Mục và Linh Mục trong các việc mục vụ. Với chức này, trong thánh lễ Thày Sáu Từ Hòe mà đọc sách Phúc m rồi giảng thì thật tuyệt vời. Chớ gì việc này thành sự thực mai sau. Riêng lão khi nhìn thấy bác Từ Hòe xách vali vào nhà thì lão nhớ tới lời Đức Thánh Cha John Paul II khi tới dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới họp tại Toronto vào tháng Bảy năm 2003. Khi ấy sức khỏe của Ngài đã mong manh, đi đứng đã khó khăn. Thế nhưng khi gặp giới trẻ thì mặt ngài hồng hào hẳn lên. Ngài nói với giới trẻ một câu lịch sử mà báo chí khắp nơi đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Ngài bảo ngài nhiều tuổi nhưng trái tim vẫn còn trẻ “ I am full in years but young at heart “. Cụ Chánh bảo sức khỏe của bác Từ Hòe giống y như vậy.
Ông bồ chữ ODP bắt ngay lấy câu tiếng Anh này rồi xin mọi người dịch ra tiếng Việt làm sao cho hay. Dân làng ai cũng giỏi tiếng Anh nên nhiều người giơ tay xin dịch.
- Cụ Chánh dịch ngay : Thân lão tâm bất lão. Cái thân già nhưng cái tâm không già. Quả là hay, vừa đúng ý vừa ngắn gọn,
- Ông Từ Hòe dịch :
Soi gương thì thấy mình già,
Soi lòng thì thấy mình là thanh niên.
Quả là hay, các cụ đã thấy tài thi sĩ Từ Hòe chưa?
-Chị Ba Biên Hòa đại diện phe các bà cũng góp lời, như sau :
Già thì già tóc già tai
Già răng già lợi, chí trai không già !
Hay quá chứ. Các cụ phương xa đã nể văn tài của làng tôi chưa !
Xin nói tiếp về Đức Thánh Cha John Paul II. Ngài tham dự hầu như mọi sinh hoạt chính của đại hội. Ngài tỏ ra yêu giới trẻ vô cùng. Khi nói với giới trẻ, người ta thấy tay ngài hết rung vì bệnh Parkinson. Giới trẻ bắt đầu buổi chào mừng ở khu tháp CNE và hát bài ca của đại hội với lời ca trích trong Thánh Kinh : Các con là muối đất, các con là ánh sáng, là men cho đời, Đức Thánh Cha tỏ ra vui mừng lạ lùng, ngài vỗ tay nhè nhẹ theo nhịp bài ca…
Xin ngưng chuyện Thánh Giáo Hoàng John Paul II. Vì nếu kể thì nó dài lắm. Cụ nào muốn biết thêm xin vào mạng. Mạng còn giữ đầy đủ.
Xin dược chúc mừng các cụ về đại lễ Giáng Sinh đang tới. Tên ngắn của lễ Giáng Sinh là XMAS. Làng tôi xưa nay vẫn bảo đây là chữ viết tắt của 4 chữ tiếng Việt : Xin Mừng Ánh Sáng, Xin Mưa n Sủng. Xin Chúa là Tình Yêu ban ánh sáng, ân phúc và bằng an cho mọi người thoát qua cơn đại dịch Vũ Hán của Tàu Cộng này.
Trân trọng,
TRÀ LŨ
HOA TỰ DO
Chính nghĩa thắng gian tà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét