Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2020

Khái Quát Báo Chí Việt Ngữ Tại Little Saigon - Vương Trùng Dương (Đặc San Lâm Viên)


Tại Nam California có Little Saigon được xem như “thủ đô tị nạn” của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Đây cũng là cái nôi của làng báo Việt ngữ ở hải ngoại. Danh xưng Little Saigon có từ năm 1988 ở thành phố Westminster (trong đó có Midway City) và vài con đường lân cận của thành phố Garden Grove và Santa Ana. Không có bản đồ phân định khu vực Little Saigon mà chỉ có ý niệm tổng quát theo danh xưng. Trước đây, tôi email liên lạc với các thân hữu ở Úc, Âu Châu, trong nước để nhận sách báo, tuy có địa chỉ ở Thành Phố Westminster nhưng họ không rõ nơi chốn nào ở California nhưng kèm theo Little Saigon thì hình dung được.
<!>

Từ miền Đông Hoa Kỳ, tôi về định cư tại Little Saigon trong dịp Thanksgiving và sinh hoạt trong làng báo Việt ngữ nơi này.

Nếu đề cập đến báo chí Việt ngữ ở Little Saigon hơn 4 thập niên qua, phải viết nhiều trang, và theo yêu cầu của bạn văn Việt Hải chỉ tóm tắt vài trang cho tuyển tập thực hiện tại Pháp nên chỉ tóm lược khái quát.

Báo chí ở Little Saigon trải qua 3 giai đoạn về in ấn:

  • Giai đoạn đầu phải công nhận những người dấn thân vào nghề này sự nhiệt tình và đam mê để quảng bá tiếng nói trong cộng đồng người Việt mới định cư. Đây là giai đoạn lạc hậu và nhiêu khê. Gõ trên máy chữ, in ra và đánh dấu, cắt từng trang, dán lại rồi in qua xerox copy, có báo in trên máy công nghệ cũ, hình như loại máy in AB Dick (A. B. Dick Company - đóng cửa năm 2004), chụp phim, làm bản kẽm…
  • Giai đoạn thứ hai vào cuối thập niên 80, dùng tiếng Việt trên máy điện toán hệ Windows 95, 98, NT… với Program Việtkey và Program VNI trên diskette nhưng cũng là thời kỳ dùng dao, kéo theo các khổ báo magazine, tabloid, standard (nhật báo) thời điểm có nhà in Westminster Press (WP). Xử dụng Microsoft Word để chia cột hay xử dụng các software CorelDraw, QuarkXpress… nhưng tiện dụng nhất là PageMaker 6.5 và 7.0 (dùng font VNI mới layout được) và cắt dán theo khổ báo và hình thức in tân tiến hơn giai đoạn thứ nhất. Các tờ báo giấy láng in màu thường xử dụng Software Photoshop… và hầu hết các bìa báo, giấy cứng full color, in offset 4 màu ở nhà in Mê Kông trên đường First, TP Santa Ana, mang sang WP đóng thành báo.
  • Giai đoạn 3 với thời kỳ tân tiến, ngoài các Softwares trên, ra đời Software InDesign, rất tiện dụng và layout trên font unicode hay VNI, hình ảnh đẹp. Khi layout xong, chuyển sang PDF, gởi thẳng cho nhà in. Nhật báo Người Việt, Viễn Đông, tuần báo Việt Tide…, tờ Cali Weekly của tôi năm 2005 cũng chuyển cho nhà in ở Los Angeles, vừa rẻ hơn Westminster Press và được chở đến tận nơi.
Sau Software Tân Kỳ 4.0, 4.2, ra đời VNI Tân Việt 2000, nhu liệu giải pháp tiếng Việt mới nhất của công ty VNI rất hữu ích cho các tờ báo, có Software, Thầy Cò giúp sửa chữa về lỗi chính tả trong Microsoft Word và Việt Nam Tân Từ Điển, đây nguyên là cuốn Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ do nhà Khai Trí xuất bản trước năm 1975 tại Sài Gòn.

Hiện tại thì Microsoft Word hoán chuyển font Unicode sang VNI hay ngược lại rất tiện nên không cần dùng các Software trên các trang web.

Dẫn chứng những giai đoạn trên để hiểu sự hình thành các tờ báo lâu năm còn đến bây giờ trải qua quá trình cam go.

1. Nhật Báo

Người Việt, Viễn Đông, Việt Báo (nay chỉ còn 2 số cuối tuần), Việt Herald (1999-2000), Saigon Nhỏ - The Little Saigon News (2000-2015), Việt Mỹ Newspaper (năm 2014, 3 số mỗi tuần) và Văn Hóa online…

2. Tuần Báo

Số lượng tuần báo rất nhiều, điều thuận lợi vì có nhà in Westminster Press (trước kia ở đường Moran, TP Westminster, sau dời về ở đường First, TP Santa Anna), ghi nhận theo thứ tự Alphabet:
Bolsa Post, Cali Weekly, Chí Linh, Con Cò, Công Luận, Diễm, Đất Nước, Đông Phương, Khỏe Đẹp, Mai, Mới, Rạng Đông, Saigon Post, Sống, Thằng Mõ Nam Cali, Thời Báo, Thế Giới Nghệ Sĩ, Tiếng Chuông, Tình Thương, Trẻ, Việt Mỹ, Việt Nam Tự Do, Việt Press, Việt Tide, VietStream, Việt Weekly, Vui… Kể từ tháng Ba năm 2020 vì dịch Covid-19, nhiều cơ sở thương mại bị đóng của nên số lượng tuần báo phát hành chỉ đếm trên các đầu ngón tay!

(Ghi chú thêm: Ở Los Angeles có tuần báo Saigon Times lâu đời nhất với một chủ nhân vẫn lưu hành cho đến nay, Thời Luận từ tuần báo, chuyển sang bán tuần báo, nay không còn. Tuần báo Saigon Nhỏ qua hai đời chủ nhân, với 15 ấn bản, phát hành khắp Hoa Kỳ)

3. Bán Nguyệt San & Nguyệt San

Thời Vận, Việt Express, Khởi Hành, Hồn Việt, Người Dân, Thế Giới Nghệ Thuật, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Văn Hóa, Nàng Magazine…

4. Báo Lính

KBC Hải Ngoại (3 ấn bản nhau), Lính, Trách Nhiệm. Hiện nay chỉ còn lưu hành hai nguyệt san KBC và Chiến Sĩ Cộng Hòa.

5. Các Nhà Báo, Chủ Báo Đã Qua Đời

Hoài Điệp Tử, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Trọng Viễn, Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Minh Ngôn, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đức Quang, Như Phong Lê Văn Tiến, Bùi Bảo Trúc, Vũ Ánh, Long Ân, Duy Linh, Hoàng Phúc, Lâm Tường Dũ, Thế Phương, Võ Thị Vui, Hà Tường Cát, Ngô Mạnh Thu…

Các tờ báo vào những năm cuối thập niên 70 & thập niên 80 khi tôi ở trong trại tù CS trong nước nên không biết nhiều. Những đồng nghiệp cùng lứa tuổi nay chỉ còn vài người, nếu hỏi thăm cũng không còn nhớ đến!

Trong quá khứ, gọi nơi nầy là chốn “gió tanh mưa máu” vì lằn ranh Quốc/Cộng trong ngành truyền thông nên xảy ra đấm đá lẫn nhau… và chính nghĩa đã thắng gian tà. Trải qua thời gian yên tĩnh, trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2020 lại xảy ra lằn ranh Cộng Hòa/Dân Chủ gây xôn xao trong dư luận. Điều dáng buồn vì ảnh hưởng theo truyền thông Hoa Kỳ…

Trong số tờ báo kể trên, khoảng mười tờ báo, tôi đã cộng tác (bài vở, layout), Thư Ký Tòa Soạn, Tổng Thư Ký, Chủ Bút, Chủ Nhiệm… và hiện nay chỉ còn tiếp tục với tờ nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa (Chủ Bút, lo bài vở, layout). Hơn mười năm qua ngốn khoảng mười lăm ngàn trang báo nên việc tìm bài vở cũng dễ nhưng ngẫm xem có bài nào đã đăng cũng nhức đầu và khó khăn! Bởi yêu nghề nên “phóng lao phải theo lao”.

Hy vọng ngày nào không còn sức tiếp tục với tờ báo, có thời gian viết lại nội tình trong làng báo Việt ngữ ở Little Saigon… Anh em ruột, bạn bè thân thiết “gà nhà bôi mặt đá nhau” không chừa bất cứ thủ đoạn nào! Sự thay ngôi đổi chủ giữa “người trong nhà” không trở tay kịp! Những vụ kiện tụng kéo dài cả năm! Những vụ biểu tình chống tờ báo khuynh hướng thân CS kéo dài từ năm này sang năm khác! Những người yêu nghề, yêu nghiệp đã dấn thân làm thăng hoa làng báo Việt ngữ ở hải ngoại.

Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, giai phẩm Xuân báo hiệu cho mùa Xuân đến, giai phẩm mang sắc thái thật độc đáo, có thêm vài Year Book khổ magazine hơn 500 trang rất tiện dụng. Năm Tân Sửu 2021 có lẽ trở lại thời kỳ của 4 thập niên về trước!

Little Saigon, Thanksgiving 2020

Vương Trùng Dương

(Đặc San Lâm Viên) 

Không có nhận xét nào: