ANAHEIM, California (NV) – Có thể nói Võ Phiến là nhà văn – như cây cổ thụ sum suê, giăng đầy bóng mát – trong nền văn chương Việt Nam trước 1975 và nền văn chương Việt Nam hải ngoại sau này Tôi đọc truyện “Phía Bên Nhà Ông Ngà” của Võ Phiến đăng trên tạp chí Văn Học do Phan Kim Thịnh chủ biên, đầu tiên đâu khoảng thập niên 1960, khi còn là một học sinh trung học. Truyện khiến tôi mê mẩn.Văn phong truyện của Võ Phiến nhẹ nhàng, rạch ròi, “chẻ sợi tóc làm tư,” khiến tâm trí tôi cứ bị cuốn hút vào. Võ Phiến nhìn thật vào nhân vật, phân tích chi li từng câu đối thoại, từng cử chỉ, từng góc cạnh, khung cảnh, khiến như ta thấy cảnh đó xảy ra trước mắt. Truyện Võ Phiến đưa tôi vào, đưa tôi đến, những sinh hoạt thật sống động của miền quê Bình Định, quê hương tác giả.
<!>
Thế nhưng những truyện của ông, những sách của ông xuất bản ở Việt Nam hay hải ngoại, tôi chưa đọc được trọn cuốn nào. Tôi chỉ đọc trên các báo ngày xưa, hay trên Internet bây giờ. Tôi muốn được gặp ông một lần (hay nhiều lần) để được nghe ông nói về chuyện văn học… để xem nhà văn (lớn) có gì khác lạ không? Nhưng tôi cũng chưa làm được điều đó.
Võ Phiến viết: “Chị Bốn ngày nhỏ tên là Bình. Nhưng càng lớn chị càng toe toét, nói bậy nói bạ, bừa bãi lung tung; cho nên bị coi không xứng là miệng Bình, dù là bình vôi. Do đó, bèn đặt tên là Chìa Vôi…
Chị Bốn nham nhở đến nỗi mang tên là Bốn Chìa Vôi, lại còn bị rủa là thiên lôi đập ba búa không chết. Không sợ loài bò sát, đó chỉ là tính tiêu biểu, thật ra chị còn lắm điều ngổ ngáo khác…
Đàn bà con gái nào lại không thích me? Mỗi người giành lấy một quả xong, chị Bốn rút từ trong bọc ra một gói nhỏ. Trời, sao mà chu đáo thế: lại có cả muối ớt nữa kìa. Vài bàn tay nóng nảy giật nhanh gói giấy, mở ra: con thằn lằn luống cuống nhảy hoảng vào lòng một chị nào đó. Cả bọn la như cắt cổ.
Chị Bốn Chìa Vôi có thể bắt nhốt vào túi áo một con rắn nước, lấy kim băng cài lại cẩn thận. Để rồi chỉ mở túi khi đã ngồi sát kề vài người bạn. Rắn vọt ra, kẻ nhanh nhất cũng không tránh kịp.”
Rồi cuộc chiến tranh, những người dân hiền lành nhưng tinh nghịch kia cũng vào cuộc, tự nhiên mà chấp nhận vào cuộc, sự vào cuộc không tự nguyện này làm cho họ mang họa. Biết bao oan khiên xảy ra cho từng cá nhân, người theo quốc gia đang sống bình yên trong một gia đình nào đó bỗng không còn bình yên nữa. Họ ở trong thế chẳng đặng đừng, những người “nhảy núi” vì nhiều lý do khác nhau, bị chèn ép sinh hận thù, hay có dây mơ rễ má với những người phía bên “giải phóng.”
“Mờ sáng, nghĩa quân vào làng, người ta thấy Tư Huệ Héo đi theo, tập trung dân chúng, điểm mặt từng người, phổ biến chính sách. Xong rồi, chú Tư tới nhà Ba Thiên lùa tất cả bò mình lẫn bò Ba Thiên về quận. Đến lượt chú Ba bị tịch thu trở lại: Lùa bò, gánh lúa, còn nhà thì đốt bỏ.
Sau vụ ấy, Ba Thiên bắn tin xuống quận cho Tư Huệ Héo hay là có ngày ‘giải phóng’ sẽ tới tận quận hỏi tội y. Còn Tư Huệ Héo thì lén lút phàn nàn với một vài người thân tín rằng hôm đó có một anh nghĩa quân non gan, ngại đụng độ lớn, nên giả vờ lỡ tay làm nổ phát súng để đuổi địch chạy thoát, nếu không Ba Thiên đã bị bắt rồi. ‘Nhưng giữa nó với tôi còn có ngày gặp nhau mà. Nó đừng nóng nảy vô lối: rồi trước sau tôi cũng chẻ ba thẻ tre đem manh chiếu rách rước nó xuống quận một lần cho bà con coi chơi.’”
Cuộc chiến tranh ấy bây giờ đọc lại, tôi thấy như y hệt ở quê tôi, một vùng quê nghèo khổ ở Quảng Nam, đọc truyện này tôi thấy như tái hiện trong tâm tưởng tôi những ngày tháng cũ, một vùng quê không bình yên, buổi sáng lính quốc gia, địa phương quân, nghĩa quân lên lại vùng quê, làm chủ ban ngày, tối rút xuống quận ngủ, thì quân “giải phóng” lại kéo về, tập họp dân làng mít-tinh, hoan hô đã đảo, rồi đi bắt người này, người nọ có chút liên hệ với quốc gia ra tố, hoặc dẫn đi hoặc xử tử.
Chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua.
Về chị Bốn Chìa Vôi, tuy có con theo “giải phóng” nhưng trong tâm Võ Phiến cũng suy nghĩ kỹ và đã tha thứ cho chị, đó là cái tính nhân bản nhất của Võ Phiến khi nhìn một sự việc, mà sự trắng đen trộn lẫn. Tuy nhiên tác giả cũng sợ rằng, cái ác của cuộc chiến tranh kéo dài quá lâu ấy, của những con người ấy phản ứng, rồi quen với những cái ác ấy, dần dần nó thêm thắt vào truyền thống của dân tộc thì là chí nguy:
“Mà chị biết làm sao được? Chị sống giữa hoàn cảnh như thế, trong hỏa ngục, trong giết chóc, xâu xé hàng ngày, chị phải tả xông hữu đột để tranh sống. Làm sao ngăn cản ảnh hưởng một hoàn cảnh ác liệt như thế khỏi thấm nhiễm vào tâm hồn chị? Ngày một ngày hai, chị biến cải. Cuộc chiến kéo dài lâu quá: Trong nguy biến chị phản ứng tàn nhẫn, rồi quen với những phản ứng ấy.
Chém giết, dù kịch liệt đến thế nào, trong một trăm, hai trăm giờ rồi ngừng, thì chuyện có thể trôi qua. Nhưng chém giết lọc lừa suốt phần tư thế kỷ, như thế liệu có thành một tập quán sinh hoạt gây tệ hại tâm lý lâu dài?”
Tôi biết nhà thơ Thành Tôn là người rất thân với gia đình ông, nên có lần tôi nói với Thành Tôn, xin được gặp ông một lần. Thành Tôn có hứa, nhưng cũng lần lữa, chưa có dịp nào thuận tiện để đến nhà thăm ông.
Cho đến ngày tin ông mất.
Ông qua đời lúc 7 giờ tối 28 Tháng Chín, 2015, tại Santa Ana, California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét