Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

Nhiều người Việt không hiểu người Mỹ - Chu Tất Tiến

Tổng Thống Donald Trump đang cầm cờ Cộng Sản Việt Nam trong lúc cùng Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Phòng Chính Phủ tại Hà Nội ngày 27 tháng 2, 2019, trước khi ông Trump dự hội nghị thượng đỉnh với lãnh tụ cộng sản Bắc Hàn Kim Jung Un. (Saul Loeb/ AFP via Getty Images)Một điều lạ lùng là những năm trước, người Việt gần như thờ ơ với các cuộc bầu cử. Số người Việt đi bầu chỉ cao hơn người Mỹ gốc Hoa mà thôi.

<!> 

Về số người thực sự đi bầu, theo Aapidata.com, tỉ lệ người Mỹ gốc Ấn Độ ghi danh 68%, đi bầu 62%; gốc Nhật 67% - 62%; Phi Luật Tân 59% - 50%; Việt Nam 56% - 46%; các sắc dân gốc Á khác 52% - 46%; Đại Hàn 55% - 46%; Trung Hoa 48% - 41%. 

Nếu tính theo đảng tịch, Cộng Hòa hay Dân Chủ, thì toàn quốc Hoa Kỳ, số người Việt theo đảng Dân Chủ nhiều hơn theo đảng Cộng Hòa. Theo Aaldef.org, người gốc Phi Luật Tân 52% Dân Chủ, 23% Cộng Hòa, 20% không theo đảng nào; Trung Hoa 50%, 10%, 36%; Cam Bốt 50%, 7%, 38%; Việt Nam 39%, 27%, 31%

Trong cuộc bầu cử năm 2016, số người Việt bầu cho bà Hillary cũng nhiều hơn bầu cho ông Trump.

Theo Fivethirtyeight.com, người gốc Việt bỏ phiếu cho Hillary 46%, Trump 20%; Trung Hoa 53%, 12%; Nhật 53%, 22%; Ấn Độ 70%, 7%; Cam Bốt 51%, 13%; Phi Luật Tân 57%, 27%; Hmong (Lào) 60%, 10%; Đại Hàn 73%, 12%.

Trong năm bầu cử 2016, không khí tranh luận “ai thắng, ai thua” cũng tương đối mờ nhạt. Người Việt trên mạng lưới Email hay trên Facebook cũng không tỏ ra mặn mà lắm với cuộc bầu cử này. Trên các tờ báo, các cơ quan truyền thông, những bài viết cũng được phân tích lịch sự, đứng đắn. Đột nhiên, năm nay, không khí chính trị trong cộng đồng người Việt sôi nổi lạ lùng, với các bài báo giấy, báo đọc và báo hình nghiêng hẳn về một bên Cộng Hòa hay Dân Chủ, để từ đó, đấu đá nhau, công kích nhau bằng những ngôn ngữ vô cùng khiếm nhã.

Sự phân rẽ cộng đồng đã được thể hiện rõ nét, bằng các bài báo, các chương trình TV địa phương, và các ngôn từ được sử dụng trong hàng triệu cái email. Những vụ “tấn công cá nhân” thay vì “tấn công vào lý luận của đối phương” được áp dụng triệt để. Người ta vu cáo nhau, đe dọa nhau, chửi bới nhau kinh thiên động địa, sửa tên và đặt tên cho nhau tại các địa chỉ email của đối phương. Các nhân vật nổi danh về hoạt động chính trị, văn hóa, cộng đồng từ trước tới nay đã bị lôi xuống bùn đen.

Lạ lùng là nhiều người Mỹ đáng kính trọng cũng bị nhục mạ chỉ vì không cùng đảng. Bill Gates, ngoài hàng chục tỷ cho các chương trình nhân đạo, học vấn, xã hội, mới tặng thêm $100 triệu cho việc điều chế Vaccine, cũng bị một số người Việt đặt tên là “Con quỷ đỏ!,” “Thằng Cộng Sản!” và chửi rủa bằng nhiều danh từ khủng khiếp khác. Sự phân rẽ trong cộng đồng Việt, giữa hai khuynh hướng đã tới chỗ không thể hòa giải mà là “Mày sống thì Tao chết, và ngược lại!” Thật kinh hoàng!

Nhưng, thực tế, nếu nhìn kỹ vấn đề, cộng đồng Việt phân rẽ không hẳn là vì mê theo mục tiêu của đảng, mà chỉ vì mê cá tính một người Mỹ mà họ cho rằng người Mỹ đó sẽ giúp Việt Nam chống cộng sản, đặc biệt là với ứng cử viên tổng thống trong kỳ bầu cử 2020 này.

Đây là một ước mong chính đáng của những “Người Việt Yêu Nước Việt,” một ước mong đáng quý. Tuy nhiên, liệu những ước mong của họ đó có thể nào được thực hiện không? Có nhiều điều cần suy nghĩ: Chính trị gia Mỹ có thể là bạn trung thành và lâu dài với bất cứ dân tộc nào không? Chính trị gia Mỹ có muốn tiêu diệt đảng Cộng Sản Trung Hoa, chỉ vì đảng này vi phạm nhân quyền không? Riêng với nước Việt Nam, chính trị gia Mỹ có thật sự muốn đánh Hoa Kỳ vì Tàu cộng xâm chiếm Biển Đông không? Nếu những câu trả lời đều là “Có,” thì những ai trả lời như thế đều không hiểu người Mỹ một chút nào cả.

Nước Mỹ, như mọi người đều biết, là một “Melting Pot,” nếu nói theo kiểu bình dân, dễ hiểu, là một “thùng nước lèo” gồm đủ thứ gia vị đến từ châu Âu, châu Á, châu Úc, và châu Phi, mà gia vị châu Âu đứng đầu, làm chủ, át tất cả mọi châu kia, bởi vì châu Âu đến thống lĩnh lục địa này trước các châu khác cả vài trăm năm, lấn áp cả những thổ dân đã từng sinh sống tại đây trước châu Âu cũng vài trăm năm. Vì thế, tư tưởng chủ đạo của nước Mỹ là tư tưởng của người châu Âu; cách hành xử với thế giới và với chính người Mỹ với nhau cũng là cách hành xử của những người đến lập nên nước Mỹ từ thời xa xưa đó mà dân Mỹ hiện nay vẫn kính cẩn gọi là “Forefathers of The Country,” những “Cha già Dân Tộc,” hay “Frontier Men,” những người khai phá tiên khởi.

Vậy, chính trị của nước Mỹ như thế nào? Cách hành xử, giao thiệp, đối phó với thế giới và đối với các dân tộc thiểu số (kẻ đến sau) như thế nào? Muốn biết điều này mà không có thời gian nghiên cứu lâu dài, chỉ cần xem lại hàng nghìn cuốn phim về miền Viễn Tây (Western movies), mà những người thuộc thế hệ thứ nhất, vẫn gọi là phim Cao Bồi (Cowboy), những cuốn phim do chính người Mỹ sản xuất, để thấy rằng luôn luôn có nhiều thành phần người Mỹ:

- Thành phần thứ nhất: chiếm đại đa số, là những người sống đạo đức, tuân thủ luật pháp, sống thầm lặng, nhưng lại thích giúp đỡ và chia xẻ với người khác, không một chút phân vân. Trong số này, lại có nhiều người hành xử như những vị Thánh Sống, làm những việc tốt mà không ai làm nổi (Nhiều người bỏ ra bạc tỷ để giúp trường học, người lo giúp các nước không phát triển, người lập bệnh viện hoặc các trung tâm nghiên cứu y khoa, cả vài chục tỷ).

- Thứ hai: một thiểu số là những kẻ theo cá nhân chủ nghĩa, là chỉ biết đến tiền và quyền, ngang ngược, bạo hành, không có một chút lương tâm nào, muốn giết ai thì giết, muốn chiếm đoạt cả thành phố làm của riêng, thì sẽ mưu mô mà chiếm đoạt cho được. Loại này hèn nhát, không có can đảm đương đầu với đối phương, mà chỉ áp dụng toàn phương pháp núp trong bóng tối, núp bên cạnh đường để bắn lén, khi yếu thế thì bỏ chạy.

- Thứ ba: Một số nhỏ “theo đóm ăn tàn,” cứ ai cho tiền là đi theo, bán mạng mình, chấp nhận bị giết chết lãng xẹt.

- Thứ tư: nổi bật lên là những Anh Hùng Cô Đơn, tài năng hiếm có, gan dạ không cùng, lúc nào cũng sẵn sàng đối đầu với kẻ Ác để bảo vệ những người cô đơn. Những bậc Anh Hùng này trên phim ảnh, chắc chắn là phản ảnh của những Anh Hùng ngoài đời. Những thế kỷ sau này, không còn đấu súng nữa, thì những Anh Hùng này hiện lên rõ nét trong mọi phương diện Khoa Học, Xã Hội, Quân Sự, Văn Chương, Kinh Tế và Chính Trị. Họ là những người làm cho Nước Mỹ Vĩ Đại, và làm cho Nước Mỹ trở thành Lãnh Tụ của cả Thế Giới Tự Do trong các thập niên trước. (Nước Mỹ hiện nay đã co cụm, America First, không muốn lãnh đạo bất cứ chương trình nào liên quốc gia nữa).

Các thập niên trước, chính nước Mỹ đã lãnh đạo cả thế giới đánh tan các thế lực gian ác muốn thống trị nhân loại trong hai cuộc chiến tranh 1914-1918 và 1939-1945. Từ đó, nơi nào mà người Mỹ muốn hòa bình, chỗ đó im tiếng súng. Đất đai nào mà người Mỹ thấy không cần thiết phải can thiệp vì không có quyền lợi nhiều, chỗ đó máu đổ tràn lan, con người giết nhau còn hung bạo hơn thú vật. Tuy không có văn bản nào xác nhận là Hoa Kỳ là người có thể quyết định sự sinh tồn của một dân tộc, nhưng thực tế, từ Cực Nam đến Cực Bắc, từ Đông sang Tây, người Mỹ có thể can thiệp vào bất cứ chỗ nào, bất cứ thời điểm nào (trừ Liên Sô và Trung Cộng), nếu thấy nơi đó có liên hệ đến quyền lợi của Hoa Kỳ. Điều cần lưy ý là trong 45 đời Tổng Thống Mỹ, bên cạnh những Tổng Thống oai hùng, khôn ngoan, đạo đức làm cho nước Mỹ vĩ đại, lịch sử nước Mỹ cũng chứng minh là đã từng có những vị Tổng Thống rất tệ làm hại nước Mỹ: Warren G. Harding, Ulysses S. Grant, Franklin Pierce, James Buchanan và Zachary Taylor.

Trở lại Việt Nam, khi Tổng Thống Eisenhower (Đảng Cộng Hòa) đặt ra chủ thuyết Domino, cho rằng nếu Việt Nam, con cờ Domino đứng đầu trước một dẫy con cờ Domino chống lại Cộng Sản mà đổ thì cả Đông Nam Á sẽ đổ theo, nên đã yểm trợ cá nhân Tổng Thống Ngô Đình Diệm một cách tích cực.

Đến thời Kennedy (Đảng Dân Chủ), ông ta không cho rằng Miền Nam không đủ khả năng đánh Cộng Sản miền Bắc nên muốn để quân đội Mỹ nhảy vào Việt Nam, trực tiếp đánh Cộng Sản như trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) (Tướng MacArthur đã từ một hải cảng nhỏ ở miền Nam Triều Tiên, đánh bật quân Cộng Sản Bắc Triều Tiên lùi về bên kia vĩ tuyến), nên Kennedy đã cố thuyết phục Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho Mỹ đổ quân vào nhưng thất bại. Ngô Tổng Thống cương quyết không chấp nhận quân Mỹ vào Việt Nam vì ông cho rằng nếu để quân ngoại quốc vào đánh trận giùm, sẽ làm cho miền Nam mất chính nghĩa và sẽ thua. Kennedy bực bội với sự cứng cỏi của một ông tổng thống nước nhỏ xíu này, nên đã bật đèn xanh cho Cabot Lodge giết Ngài. (Theo cuốn “The Ambassador,” Kennedy gửi công điện cho Cabot Lodge: “What is the use of a bird which does not sing?” Nuôi chim trong lồng mà không chịu hót, thì để làm gì?) Từ chỉ đạo đó, mà Cabot Lodge đã ra lệnh cho Lou Conein, trùm gián điệp, dùng tiền mua chuộc một số tướng lãnh của miền Nam giết ba anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vì thế mà miền Nam sau đó hỗn loạn, chính quyền thay đổi liên miên, các tướng lãnh quân sự mất đoàn kết, lúng túng, hủy bỏ Ấp Chiến Lược, khiến cho quân đội Miền Bắc lợi dụng cơ hội, tràn vào miền Nam như thác đổ.

Sự can thiệp của một ông tổng thống nước Mỹ thuộc Đảng Dân Chủ đã mở đường cho một ông tổng thống Mỹ khác thuộc Đảng Cộng Hòa, Richard Nixon, bán đứng miền Nam cho Tàu Cộng. Nixon ra lệnh cho đệ tử là Kissinger phải bỏ miền Nam, chỉ có hơn 22 triệu dân, để đổi lấy thị trường mầu mỡ là Trung Cộng, lúc đó đã gần 1 tỷ người. Kissinger là một kẻ xảo quyệt, đã ép Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải ký hiệp định ngừng bắn 1973 có lợi cho Cộng Sản Bắc Việt, nếu không thì tính mạng của Tổng Thống sẽ bị đe dọa (Nhiều thông điệp từ White House: “Ông không ký hiệp định thì chúng tôi cứ ký mà không có ông!,” “Có nhớ chuyện Ngô đình Diệm không?”).

Điều đau khổ nhất mà Nixon và Kissinger (thuộc Đảng Cộng Hòa) áp đặt Miền Nam là trong bản hiệp định, Mỹ ký ngang hàng với Cộng Sản Bắc Việt còn Việt Nam Cộng Hòa, một chính quyền hợp pháp, lại phải ký ngang hàng với tên du kích Cộng Sản Nguyễn Thị Bình! Đó là một mối nhục mà Đảng Cộng Hòa đã gây cho hơn hai chục triệu quân dân Miền Nam Anh Hùng, và cũng từ đó, mà dân tộc Việt Nam, với hơn 4000 năm lịch sử đã từ từ biến mất trong dòng lịch sử thế giới, vì đã trở thành một thằng bé núp dưới quần của Tàu Cộng.

Cộng Sản Việt Nam, nhờ vào sự phản bội của Hoa Kỳ, nhờ vào súng đạn và nhân lực của khối Cộng Sản quốc tế mà thắng trận, đã ngoan ngoãn dâng đất, dâng biển cho Tàu Cộng, qua các văn bản chính thức như sau: Hiệp Ước Thành Đô ký với Trung Cộng năm 1990, Hiệp Định Biên Giới năm 2000, Văn Kiện Quản Lý Biên Giới ký năm 2010, và Công Hàm Ngoại Giao của Phạm Văn Đồng, thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ký năm 1958, đồng ý chấp nhận chủ quyền của Trung Cộng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dựa vào các văn bản đó, gần đây, Tàu Cộng ngang nhiên cho hàng chục ngàn tàu đánh cá tràn xuống Biển Đông, ép ngư phủ Việt Nam chết đói vì chỉ còn đánh cá gần bờ, bắn chìm tàu Việt, đâm tàu Việt, giết ngư phủ, cắt lưới cá, cắt dây cáp quang… mà Việt Nam Cộng Sản chỉ biết thút thít khóc. Tàu Cộng vẽ bản đồ hình Lưỡi Bò, làm quả địa cầu cho thấy Hoàng Sa, Trường Sa là của Tàu, Cộng Sản Việt Nam cũng chỉ biết nhìn mà khóc thút thít như một đứa con mất dậy bị bố bợp tai.

Nguyên nhân gần là như thế đó. Còn nguyên nhân xa là tại ai? Có phải là từ hai vị tổng thống của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa không? Nói thế, không có nghĩa là phủ nhận sự giúp đỡ của những người Mỹ đã giúp cho cộng đồng Việt có chỗ đứng trên đất Mỹ này, mà chỉ là muốn nói rằng: Quan hệ của Nước Mỹ và Thế Giới luôn dựa theo cây kim chỉ nam về quyền lợi của Nước Mỹ. Nơi nào mà quyền lợi của nước Mỹ bị đe dọa, thì Nước Mỹ hành động ngay, bất kể luật lệ bang giao quốc tế (Mỹ đã từng cho biệt kích Mỹ xông vào thủ đô của Panama, bắt cóc tổng thống nước này, đem về Mỹ, giam nhốt!Trong khi đó, thì với các cuộc chiến diệt chủng tại nhiều nơi, máu chảy thành sông, xương chất đầy núi, Mỹ vẫn thản nhiên đứng ngoài cuộc!)

Vậy mà nhiều người Việt Nam vẫn còn mang não trạng “trông chờ” vào một ông tổng thống Mỹ sẽ tiêu diệt Trung Cộng giùm cho Việt Nam. Thật buồn cho dân tôi.
(4 tháng 10, 2020)

Nhiều người Việt không hiểu người Mỹ (bài 2)

Tổng Thống Richard Nixon đang được Thủ Tướng Chu Ân Lai nâng ly chúc mừng tại quốc tiệc nhân dịp ông Nixon thăm Trung Quốc vào tháng Hai 1972. (Rolls Press/ Popperfoto via Getty Images)

Người Mỹ, nói chung, thể hiện tất cả các đặc tính của các dân tộc đã đến chọn nơi này làm quê hương, như vậy, người Mỹ có thể là những người chuyên lo tài chánh như người Do Thái; cao ngạo như người Đức; phớt tỉnh như Ăng Lê; kỹ lưỡng như Ấn Độ; lịch sự như người Paris; tham vọng như Ái Nhĩ Lan; thông minh và chăm chỉ như Nhật; ồn ào tình cảm như người Mễ; thích thể hiện như người gốc Phi Châu; ưa nói to như Đại Hàn; khép kín như Thái Lan, lòe loẹt mầu sắc như các sắc dân Á Châu khác. Tất cả các đặc tính trên đã hòa hợp với nhau để trở thành hai khuynh hướng chính: Nếu tốt thì tốt vô cùng, không khác thánh sống, nhưng nếu xấu thì xấu đến ma quỷ cũng ngán. 

Người Mỹ tốt

Chỉ cần nghe thấy đâu đó có một sự việc thương đau, cần giúp đỡ là sẵn sàng tiến đến, chia xẻ cho người cần được cứu, đôi khi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để giúp đời. Rất nhiều chương trình thiện nguyện, cứu trợ quốc tế do người Mỹ chủ trương và thực hiện. CARITAS là một tổ chức thiện nguyện Công giáo có trụ sở gần 200 quốc gia, nghĩa là khắp thế giới, với sứ mạng là cứu giúp những người nghèo, những người bị bỏ rơi, bị đàn áp. Vì là một tổ chức tôn giáo, không có vũ khí, không có sức mạnh, nên họ chấp nhận chính họ bị ngược đãi, bị xua đuổi, hành hạ, tra tấn tại những miền đất mà con người quá hoang dại, không biết lý luận là gì. CARITAS đã hiện diện ở miền Nam Việt Nam trong nhiều năm, giúp đỡ và vực dậy không biết bao nhiêu con người nghèo khó.

Bên cạnh đó, USCC (U.S Catholic Charities) cũng là một tổ chức dấn thân của người Công Giáo Mỹ, được thành lập từ 1910 chuyên giúp đỡ người nghèo, người cần giúp đỡ, như với những người Việt tị nạn Cộng Sản, di tản mới vừa đặt chân đến Mỹ. USCC giúp tìm việc làm, dạy nhập tịch, giúp bảo lãnh, cung cấp phương tiện cho người mới đến.

Ngoài ra, còn hàng nghìn tổ chức từ thiện, nhân đạo khác như giúp tìm người hiến tủy giúp người bị ung thư, vài bệnh viện chuyên trị trẻ em bị ung thư, các tổ chức giúp thương binh Hoa Kỳ, giúp người nghèo trên khắp thế giới.

Sau năm 1975, một nhóm người Mỹ đã sắm tàu thủy liên đại dương để đi tìm vớt các thuyền nhân Việt Nam, đưa những người trốn chạy Cộng Sản đến miền đất Tự Do. Tại vài tỉnh thành, khi nghe tin có nhóm người Việt Nam đến tị nạn, thì cả tỉnh tổ chức đón mừng như đón người thân trở về, giúp chỗ ăn ở, giúp tìm việc làm.

Hàng triệu người Việt Nam di tản sau tháng Tư 1975 đã được nhiều người Mỹ bảo trợ với tất cả chân tình. Có người “sponsor” nhường phòng ngủ cho người tị nạn, để ngủ ngoài phòng khách, có “sponsor” tặng luôn nhà, xe, cho kẻ mới đến. Một bà chủ tịch một khách sạn lớn làm di chúc để toàn bộ gia tài cho một người cựu quân nhân Việt Nam di tản, mà bỏ qua con cháu.

Nhiều người di tản đã trở thành những thương gia giàu có, những trí thức nổi tiếng, đều nhờ có người đỡ đầu có trái tim thật lớn, chứa chan tình cảm. Từ thập niên 1990 đến nay, nhiều Dân Biểu Liên Bang đã can thiệp tích cực cho những người Việt bị đàn áp trên chính quê hương Việt Nam. Nhiều chính khách đã trực tiếp lên tiếng nhận bảo trợ cho các nhà đấu tranh cho Dân Chủ và Nhân Quyền Việt Nam để cho những người này không bị giết chết.

Nếu nhìn lại chiến tranh Việt Nam, thì thấy rất nhiều Cố Vấn Mỹ xả thân cứu bạn, không bỏ chạy mà ở lại để cùng chết với quân đội Cộng Hòa. Có vị Cố vấn, khi thấy phi công trực thăng không chịu bốc một vài chiến sĩ Nhảy Dù đang kẹt trong vòng lửa đạn, đã rút súng dí vào đầu phi công Mỹ mà nói nếu không đáp xuống cứu bạn, thì ông sẽ nổ súng cho cả hai cùng chết, vì không thể chạy trốn, bỏ lại bạn bè đang bị Việt Cộng vây hãm. Nói chung, không thể kể hết những việc làm, những người Mỹ tốt hiếm có trên đời.

Người Mỹ xấu

Ngược lại, người Mỹ Xấu cũng có nhiều thủ đoạn tàn độc với chính thân thuộc ruột thịt, cha mẹ, vợ chồng, con cái của mình. Trong tất cả các phim Cao Bồi, trinh thám, người Mỹ bắn lén, hạ độc thủ với bạn bè, vợ chồng… không từ một thủ đoạn tàn bạo nào. Trong lịch sử bang giao quốc tế, không thiếu những trường hợp người Mỹ phản bội đồng minh chỉ vì quyền lợi của người Mỹ tại các nước đồng minh này không có nhiều như hồi mới kết bạn.

Chính quyền Mỹ đã làm tất cả mọi việc bất chấp thủ đoạn, thực hành những chính sách gây hại cho nước khác, chỉ để mang lại quyền lợi cho chính người Mỹ mà thôi. Nhìn lại cuộc thế chiến 1914-1918: sau 3 năm chiến tranh, chết hàng trăm ngàn người, Tổng Thống Woodrow Wilson vẫn tuyên bố trung lập. Cho đến khi Đức gửi điện tín cho Mexico, đề nghị liên minh với Đức, và Đức hứa sẽ giúp Mexico lấy lại miền Texas, ông Woodrow Wilson mới kêu gọi Quốc Hội Mỹ tuyên chiến với Đức. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, 1939-1945, cũng thế, Mỹ vẫn đứng ngoài vòng, nhìn các phe giết nhau tràn lan, cho đến khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng vào ngày7 tháng 12, năm 1941, người Mỹ mới phẫn nộ nhập trận để rồi làm lãnh tụ Thế giới Tự Do chống lại Thế Giới Cộng Sản.

Trong vai trò này, người Mỹ đã nhiều phen phản bội đồng minh trắng trợn, điển hình là việc phản bội Trung Hoa Dân Quốc (sau là Đài Loan), một trong ba quốc gia đầu tiên thành lập nên Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hiệp Quốc. Ngày đầu năm 1942, Tổng Thống Mỹ Roosevelt, Thủ Tướng Anh Churchill, và Tưởng Giới Thạch, đại diện cho Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China) cùng ký một văn kiện thành lập Liên Hiệp Quốc (United Nations Declaration). Đến tháng 3, 1945 thêm Nga vào thành ra bốn cột trụ lập nên Liên Hiệp Quốc hiện tại.

Vậy mà đến năm 1971, Tổng Thống Nixon lén lút nói chuyện với Mao Trạch Đông, rồi ra lệnh cho Kissinger đi thăm Chu Ân Lai, mở đường cho Nixon chính thức thăm Trung Cộng. Sau đó, đã lẳng lặng đá Trung Hoa Dân Quốc ra ngoài, nhường lại cái ghế cho Trung Cộng, lúc đó, đổi tên thành Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (People’s Republic of China).

Thái độ phản bội của Mỹ đã buộc Trung Hoa Dân Quốc phải đổi tên nước thành tên một đảo: Chinese Taipei, hay Taiwan, tiếng Việt gọi là Đài Loan. Từ đó, Đài Loan mất hết danh dự của một quốc gia, và Tổng Thống Đài Loan không thể đến Mỹ như một thượng khách, mà nếu có lén đến Mỹ, cũng phải được phép của Tầu Cộng! Người Mỹ đã cam tâm phản bội một đồng minh từng là người chủ chốt sáng lập ra Liên Hiệp Quốc.

Điển hình của sự thờ ơ của Mỹ thứ hai là cuộc chiến Yugoslav Wars là một cuộc chiến diệt chủng (ethnic cleansing), nghĩa là tìm diệt toàn bộ một dân tộc, đã khởi đầu từ 1991, mà mãi đến 1999, Mỹ mới điều động NATO bỏ bom miền này, để kết thúc trận chiến mà cả hai bên chết hơn 200,000 người.

Với các cuộc nội chiến thảm sát ở Phi Châu như Nigeria, Rwanda, Congo, và một số nước Phi Châu khác, Mỹ luôn đứng ngoài, dòm chừng, chờ cơ hội tốt thì mới can thiệp, mặc cho số phận người dân lành ở các nước này bị coi tệ hơn con chó, các thủ lãnh phiến quân tha hồ chém, giết hay hãm hiếp tràn lan. Máu người ngập ngụa ngoài đồng, trong phố, trong các lều bộ lạc mà Mỹ chỉ can thiệp ở mức độ tối thiểu, vì không muốn gây chiến với các nước hiếu chiến này, trừ cuộc chiến chống ma túy từ các quốc gia Trung Mỹ, và Nam Mỹ, nhưng cũng trong vòng hạn chế.

Có nghĩa là hai chữ Nhân Quyền mà Mỹ vẫn tô đậm trên màu cờ, đôi khi được tôn trọng, đôi khi không, tùy theo quyền lợi của Mỹ ở nước này nhiều hay ít. (Trong bài trước, đã nhắc đến việc Mỹ cho biệt kích đột nhập vào dinh Tổng thống Panama, bắt ông này mang về Mỹ xử tội và bắt nằm nhà tù Mỹ!).

Với Việt Nam cũng thế, đã năm đời Tổng Thống Hoa Kỳ từng cam kết bảo vệ miền Nam Việt Nam, từ Eisenhower , Kennedy, Johnson, Nixon, và Ford với những văn kiện chính thức mang tính quốc gia, rồi cũng bỏ mặc Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản. Như vậy, người Việt chúng ta đang cư ngụ trên lãnh thổ này, có thể đặt tin tưởng vào một nhân vật chính trị Hoa Kỳ nào đó, đột nhiên xuất hiện trở thành cứu tinh của dân Việt để chống Tầu, diệt Cộng hay không?

7 tháng 10, 2020

Chu Tất Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét