Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

Nhắc chuyện cũ - Lớp đàn guitar miễn phí cho cao niên tại nhật báo Người Việt

“Tình cờ tôi gặp chị Minh Hiếu, trưởng lớp vẽ VSAC, trong lần họp mặt với nhạc sĩ Đức Huy. Chị ngỏ lời trước rất đông người tham gia, nhưng chỉ vỏn vẹn có một cây đàn guitar đệm cho người hát. Tôi bèn đề nghị hướng dẫn một lớp đàn guitar để đệm cho các bài nhạc Việt. Việc này cũng không khó, vì trước đây tôi từng hướng dẫn vài lớp dạy đàn cho sinh viên Việt Nam ở Singapore,” nhạc sĩ Võ Tá Hân nói với nhật báo Người Việt.

Bà Nguyễn Kim Anh, 76 tuổi, chăm chú học đàn. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Lớp này tôi sắp xếp để học viên có thể biết đệm đàn khi hát những bài nhạc Việt trữ tình, và chỉ sau tám tuần lễ là hoàn tất chương trình học thực hành,” ông nói thêm.

Ông cho biết: “Để chuẩn bị lớp học với số học viên đông đến 54 người, chúng tôi chia lớp thành bảy nhóm. Mỗi nhóm mang tên một nốt nhạc, gồm Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si. Mỗi trưởng nhóm được tôi hướng dẫn bài, trước những người khác, để khi vào lớp là họ cùng học chung với nhau mới vui.”

Trước khi khai giảng lớp học, mọi người được hướng dẫn mua đàn, dây đàn bằng nylon cho đỡ đau tay.

“Hai lớp đầu là khó nhất, vì phải học lên dây đàn, đọc các ký hiệu nhạc. Sau đó, các học viên chỉ áp dụng những căn bản tôi dạy thực hành là biết đàn. Có bà cho biết cả đời chưa cầm đến cây đàn. Tôi hỏi sao ngón tay cứng ngắc? Bà nói đùa là vì đánh chồng!” nhạc sĩ kể.

Nói đến đây ông cho biết: “Khi sinh hoạt với lớp này rồi, phải thành thật khen ban tổ chức lớp VSAC. Từ chị trưởng lớp đến mọi người, tuy lớn tuổi, có người ngòai 80, nhưng ai nấy đều hiếu học. Tôi rất khâm phục lòng nhiệt tình bất vụ lợi của cả lớp, nhất là chị Minh Hiếu và ‘ban hành động.'”

Trước đó, trong giờ học, bảy nhóm học viên ngồi chiếm hết hội trường. Nhạc sĩ Võ Tá Hân ngồi trên sân khấu với cây đàn guitar, nhắc nhở mọi người vị trí đặt các ngón tay trái trên cần đàn, tay phải bỏ thõng, nhẹ nhàng “như phe phẩy quạt.”

“Các anh chị chỉ cần biết tám hợp âm (chord) và dùng cái ‘capo’ là có thể ‘trị’ được hầu hết các bài nhạc Việt. Chúng ta cần học ba hợp âm chính là La thứ, Re thứ và Mi trưởng. Lần trước chúng ta đã học La thứ, lần này chúng ta tiếp tục học hợp âm Re thứ. Bắt đầu nhé!” ông nói.

Ông vừa hát, vừa đệm đàn, hát bài “Tình Ca.”

“Mẹ hiền ru những câu xa vời. Ạ à ơi… Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời… Dễ dàng không?” ông hỏi lớp học, sau khi cả lớp hát và đàn theo sự hướng dẫn.

“Nhớ là hai ‘chord’ đó nhe. Bây giờ mình ôn lại bài ‘Diễm Xưa’ lần trước nghe,” ông Hân dặn dò.

Vừa dứt lời, phía dưới, nhóm của bà Lệ Hoa làm rớt cây đàn, kéo theo cái giá để bài nhạc. Tiếng cười vang lên trước khi mọi người trong nhóm dựng lại dụng cụ, và tiếp tục.

“Ráng tập hợp âm ‘E’ đó, để hát đoạn thứ nhì nha. Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá đổ. Buổi chiều ngồi ngóng những giấc mơ xưa…hai, ba!” ông dẫn trước.

Đoạn ông nói: “Cần ‘A minor’ một, hai, ba, bốn, nghỉ-nghỉ. Đánh được không? Một, hai, ba, bốn, nghỉ-nghỉ. Ready for action nhé.”

Sau đó, ông đến từng nhóm, sửa từng ngón tay cho các học viên cao tuổi.

Từ trái, ông Ân Đặng, ông Nguyễn Văn Lễ, và ông Bình Nguyễn trong giờ học. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Không khí lớp học thật vui nhộn. Đâu đó lúc nào cũng có tiếng cười rúc rích, xen lẫn với những học viên chăm chú nhìn những ngón tay, đầy lớp da nhăn, hay các khớp xương ngón tay phình to hơn thời còn son trẻ.

Bà Nguyễn Kim Anh, 76 tuổi, cư dân Santa Ana, chăm chú bấm những đầu ngón tay trái lên cần đàn, tay phải đánh hợp âm mới học được.

Bà Kim Anh cho biết hồi xưa bà học trường Trưng Vương, năm đệ nhất sang học trường Gia Long, trước khi học Đại Học Dược Khoa Sài Gòn. Sang Mỹ bà học lại và hành nghề dược sĩ.

“Tôi thích đàn từ bé nhưng không được học. Nay lớn tuổi, nhưng vẫn muốn học đàn nên tôi theo học lớp này. Lớp thật vui. Mọi người xem nhau như người trong nhà,” bà Kim Anh nói.

Bà Tâm Nguyễn, 74 tuổi, ở Santa Ana, chia sẻ: “Nhà tôi có đủ loại đàn, vì con tôi học đàn. Còn tôi thì không đàn được, nhưng thích nghe. Ngồi trong lớp này, vui hưởng tuổi già.”

Bà Xuân Nghiêm, 78 tuổi, cư dân Westminster, tâm sự: “Mục đích là để tôi học đàn cho vui, đừng lú lẫn vậy mà. Coi thế chứ đàn một tí mà đau tay quá, nhưng rất cám ơn thầy dạy dỗ chúng tôi.”

Ông Bình Nguyễn, cùng nhóm với ông Ân Đặng và ông Nguyễn Văn Lễ, không biết đàn hay ra sao, nhưng có ý kiếm tiền cho lớp học.

Ông nói: “Giáng Sinh này chúng tôi sẽ đi đàn dạo, hát nhạc Giáng Sinh lấy tiền, tại các nhà hàng trên đường Bolsa cho tiện.”

Chị Hồng Tước, sinh hoạt thường xuyên với lớp vẽ, cho biết: “Tôi học các hợp âm để đàn cho vui. Không phải để học đàn, mà là để biết vừa đàn, vừa hát với nhau. Biết đâu mai mốt chúng tôi đàn giỏi, khi ấy bớt được tiền mướn ban nhạc!”

Bà Nguyễn Mộng Tâm, cư dân Westminster, tâm sự: “Học để gặp bạn cho vui.”

Ông Phúc Nguyễn, thuộc “ban hành động” của lớp vẽ, cho biết: “Mỗi tháng chúng tôi hùn mỗi người $10 để lấy tiền sinh hoạt. Mai mốt có thêm nghề đàn, biết đâu sẽ có thêm thu nhập. Lớp VSAC có thể phát triển mạnh, góp tay tổ chức Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh không chừng.”

Bà Minh Hiếu chia sẻ: “Chúng tôi muốn cám ơn nhật báo Người Việt bảo trợ, và tất cả các thầy cô dạy chúng tôi, thiện nguyện, mà lại hết lòng. Chúng tôi vui vẻ gặp nhau, yêu đời, đôi khi phải công nhận quá vui và cũng ‘quậy’ thiệt!”

Chị Khanh Trần, một học viên, lúc nào cũng hăng hái trong các sinh hoạt của lớp VSAC, buột miệng: “Bây giờ cầm đàn, dù chỉ biết đánh tửng từng tưng, nhưng cũng đủ thấy yêu đời.”

“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…” tiếng hát với tiếng đàn trong lớp nhỏ dần, nhường lại cho điệu nhạc cha cha cha vui nhộn, đưa các ‘người trẻ sống lâu’ vào thế giới khiêu vũ của thầy Ngô Văn Quy tiếp theo sau đó. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét