Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Cho dù Biden thắng, Dân Chủ thất bại vì chưa thấu hiểu tại sao cử tri đã bỏ phiếu cho Trump - Viễn Đông


Những người ủng hộ Tổng Thống Donald Trump đang cầm cờ và hình ảnh trong một cuộc biểu tình tại Miami, Florida đêm thứ Năm, ngày 5 tháng 12, 2020. Miami có cộng đồng người Mỹ gốc Cuba lớn nhất ở Hoa Kỳ, và sự ủng hộ của cộng đồng này đã một phần giúp ông Trump thắng tại Florida ngày bầu cử 3 tháng 11 vừa qua. (Chandan Khanna/ AFP via Getty Images)

Với kết quả kiểm phiếu vẫn chưa hoàn tất trong ngày thứ Năm tại vài tiểu cuối cùng và có thể còn kéo dài vì những vụ kiện và khiếu nại, một số quan sát viên chính trị đã nêu ra những thất bại của đảng Dân Chủ trong việc đối phó với đảng Cộng Hòa và với phong trào ủng hộ ông Donald Trump đầy nhiệt tình vượt bên trên lý luận.

<!>


Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, Dân Chủ đã có nhiều thuận lợi. Trước hết là chính phủ Trump đã để cho hơn 230,000 người thiệt mạng vì không đối phó hữu hiệu trước đại dịch coronavirus, và có ít nhất 6 triệu người đã rơi vào cảnh nghèo túng vì hậu quả của đại dịch cũng như vì kinh tế bị tê liệt. Đại dịch là cao điểm trong những khó khăn của một chính phủ luôn thay đổi nhân sự, phải đối đầu trước hàng chục vụ tai tiếng, và trong thời chính quyền bình thường thì chỉ cần vài vụ tai tiếng thôi một người cũng mất chức tổng thống, phải rời Tòa Bạch Ốc, huống chi là có quá nhiều rắc rối như vậy.

Thêm nữa, ông Joe Biden đã nhận được sự ủng hộ chung chung của dư luận, nhất là từ giới trẻ và những người không chịu nỗi nhân cách quá độc đoán và hung hăng của ông Trump. Thế nhưng sự thắng thế của Biden trong mấy ngày đếm phiếu vừa qua cho thấy ông không thắng nhiều như dự đoán, và đó là lỗi của ông cũng như của đảng Dân Chủ, và của những ai chưa hiểu nguồn gốc của sự ủng hộ dành cho Trump. Nguồn gốc này một phần xuất phát từ sự bất mãn của giới lao động và kỳ thị chủng tộc âm ỉ từ nhiều thập niên chứ không phải chỉ có mấy năm gần đây.

Trong thời gian tranh cử sơ bộ, phe ủng hộ Joe Biden từng lý luận rằng đảng cần ông Biden hơn các ứng cử viên khác, vì thí dụ như với Nghị Sĩ Bernie Sanders theo quan điểm nghiêng về xã hội chủ nghĩa sẽ khiến cử tri Florida bỏ Dân Chủ. Thế nhưng kết quả bỏ phiếu vừa qua cho thấy Florida đã ủng hộ ông Trump mạnh mẽ, nhất là từ khối cử tri gốc Cuba và nói tiếng Tây Ban Nha, mặc dù ông Sanders không phải là ứng cử viên tổng thống của Dân Chủ.

Phe ông Biden cũng từng nói trong nội bộ đảng thì các đối thủ của ông Biden sẽ quá yếu, khiến Dân Chủ không thể lấy lại Thượng Viện. Thế nhưng giờ đây kết quả cho thấy Cộng Hòa vẫn tiếp tục nắm thế đa số tại Thượng Viện. Làn sóng xanh Dân Chủ đã không tràn ngập Quốc Hội, hay toàn nước Mỹ, như dự đoán.

Tại sao vậy?

Nếu không có đại dịch thì gần như chắc chắn Trump sẽ tái đắc cử, như đa số các tổng thống khác sau nhiệm kỳ đầu tiên của họ. Với coronavirus giết quá nhiều người Mỹ như vậy, nhiều nhất thế giới, cuộc bầu cử này đáng lý phải là một chiến thắng phủ lấp mạnh mẽ của Dân Chủ đối với Cộng Hòa, thế nhưng thực tế đã không cho thấy điều đó. Và Hoa Kỳ sẽ phải trả giá cho sự thất bại của Dân Chủ.

Vì sao? Vì Dân Chủ vẫn chưa hiểu tại sao lại có hiện tượng ái mộ ông Trump đến mức cuồng nhiệt. Và hiện tượng này sẽ còn sống thêm lâu hơn, mạnh hơn nữa nếu Dân Chủ và Biden không đào sâu hơn để giải quyết tận nguồn của sự bất mãn của hàng triệu cử tri Hoa Kỳ.

Khi ông Trump đắc cử năm 2016, nhiều người mà chắc chắn là hầu hết người theo đảng Dân Chủ, nghĩ rằng đây chỉ là một hiện tượng bất thường, có thể là có bàn tay của Nga nhúng vào, hiện tượng trái khoáy này đến rồi sẽ tan biến thôi. Ngay cả bà Hillary Clinton hồi đó cũng chọn một chiến lược sai lầm, khi bà tin rằng ứng cử viên Trump là dễ đánh bại nhất trong các ứng cử viên Cộng Hòa lúc bấy giờ. Sự thật là Trump không chỉ đắc cử năm 2016 mà còn nhận được nhiều phiếu hơn nữa từ đảng Cộng Hòa lần này, lên tới 93%, cao hơn ba điểm so với bốn năm trước.

Một trong những sơ suất mà Dân Chủ vấp phải là cho rằng toàn khối cử tri gốc La Tinh và gốc Phi Châu sẽ ủng hộ Dân Chủ như mọi lần. Phe Trump đã khai thác sơ hở này và chứng minh qua chiến thắng tại Florida, mặc dù đa số cử tri da đen và cử tri nói tiếng Tây Ban Nha trên toàn quốc vẫn ủng hộ Dân Chủ.

Khuyết điểm của Dân Chủ xuất phát từ lập trường không thay đổi trong nhiều thập niên là không đánh thuế cao đối với khối thượng lưu để có ngân sách dành cho các chương trình xã hội. Thành phần bị đánh thuế nhiều lại là giới trung lưu và dân lao động. Sự bất mãn cũng như kỳ thị xuất phát từ điểm này, trải dài suốt nhiều năm để rồi bùng lên trong thời đại Trump.

Trong thập niên 1960, tổng thống Dân Chủ Lyndon B. Johnson từng thành lập hàng loạt chương trình được gọi là để tạo một “xã hội vĩ đại” (great society) nhằm đối phó nạn nghèo khó của hàng triệu người dân. Thế nhưng gánh nặng đóng thuế lại không nằm trong giới thượng lưu mà lại oằn trên vai của giới lao động, của những người đi làm ngày tại các hãng xưởng cũng như văn phòng. Kể từ thập niên 1950 đến 1980, mức thuế của giới lao động đã tăng gần gấp đôi, trong khi mức thuế đối với các đại công ty lại được cắt giảm. Thành thử giới lao động, chứ không phải thành phần thượng lưu triệu phú và tỷ phú, lại là nguồn tài trợ cho giới nghèo khó.

Sự bất mãn về việc đóng thuế này đã biến thành thái độ kỳ thị nhắm vào người Mỹ da đen, một thành phần mà đa số khó có cơ hội được vượt bên trên sự nghèo túng.

Trong thời chính phủ Ronald Reagan, vị tổng thống Cộng Hòa này từng nhắc tới những trường hợp “hoàng hậu lãnh tiền trợ cấp xã hội” (welfare queen) bị cho là đáng ghét. Sự gợi ý đó đã đưa đến tình trạng người lao động làm việc cực nhọc quanh năm suốt tháng mà đa số là người da trắng rất bất mãn khi thấy tiền đóng thuế của họ bị dùng để trợ cấp những bà mẹ không đi làm, chỉ ở nhà sanh con để lãnh tiền welfare. Sự bất mãn này không chỉ dừng lại ở người da đen mà còn đối với các thành phần di dân khác bị cho là đến Mỹ chỉ để hưởng thụ.

Thế nhưng sự bất mãn và bực bội này của người da trắng đã phần lớn nhắm vào người Mỹ da đen, khiến cho chính quyền phải đưa ra những giải pháp để nâng đỡ người thiểu số. Một số giải pháp từng được thi hành nhưng nay bị dẹp bỏ vì sự chống đối của đa số cử tri, như trường hợp Dự Luật 16 vừa bị đẩy lui tại California tuần này. Dự Luật 16 muốn khôi phục lại quy chế nâng đỡ người thiểu số (Affirmative Action) để giúp người da màu có cơ hội thăng tiến trong hệ thống giáo dục cũng như thương trường kinh doanh, thế nhưng bị đa số cử tri (da trắng và da vàng) chống đối vì thiếu công bình đối với những người hội đủ điều kiện.

Những yếu tố nói trên chính là phần đất màu mỡ mà ông Donald Trump và phe của ông đã tận tình khai thác. Họ đánh trúng tâm lý kỳ thị chủng tộc và sự tức giận trước những khó khăn trong tài chánh mà giới lao động phải gánh chịu. Đó là lý do tại sao năm 2016 Cộng Hòa đã thắng lớn tại các tiểu bang kỹ nghệ như Michigan, Ohio và Pennsylvania, nơi đa số công nhân bị mất việc làm tại các hãng xưởng vì chính sách toàn cầu hóa. Chính sách này cũng là yếu tố đưa đến thái độ chống Trung Cộng và Âu Châu được thể hiện mạnh mẽ dưới thời chính phủ Trump.

Sau thời suy thoái kinh tế năm 2008, vì sự thất bại của cả hai chính quyền Cộng Hòa và Dân Chủ, ông Barack Obama đã tìm cách khôi phục nền kinh tế. Thế nhưng cùng lúc ông cứu được các ngân hàng và cho phép các giám đốc tài chánh không bị trừng phạt quá nặng vì trách nhiệm của họ trong cuộc suy thoái năm 2008, đồng lương của giới lao động đã không khá hơn hoặc còn bị giảm xuống.

Tỷ lệ lợi nhuận toàn quốc dành cho giới trung lưu từ năm 1970 đến năm 2018 đã giảm từ 62% xuống 43%. Trong khi đó, số người giàu sụ (hay siêu giàu mà trong đó có cả ông Trump) đã mỗi lúc một tăng. Vào năm 1990, Hoa Kỳ đã có 66 tỷ phú với tổng số tài sản là $240 tỷ Mỹ kim. Ngày nay đất nước này đang có 614 tỷ phú với tổng tài sản lên tới gần $3,000 tỷ Mỹ kim.

Cùng lúc có những người quá giàu, Hoa Kỳ tiếp tục có những sự bất bình đẳng khác trong xã hội. Chẳng hạng trong 11 người da đen tuổi trưởng thành thì có một người đang bị ở tù hoặc bị giám sát ngoài nhà tù. Đây là một sự bất công đưa đến phong trào tranh đấu Black Lives Matter (Mạng sống người da đen cũng đáng kể).
Trước những thử thách về kinh tế và chủng tộc nêu trên, đảng Dân Chủ vẫn chưa thật sự được xem là chiến thắng cho dù ông Joe Biden đã nhận được số phiếu đại biểu cao hơn ông Donald Trump.

Trong thời gian tới, nếu ông Biden là tổng thống, chính phủ của ông sẽ khó thực hiện những chính sách như ý vì Thượng Viện vẫn nằm trong tay Cộng Hòa. Đối với thế giới thì dù ông Biden đồng ý ký Hiệp Ước Khí Hậu Paris, nhưng bị Quốc Hội chống đối thì hiệp ước này vẫn không thể thực hiện được, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu, vì các nước công nghệ lớn như Hoa Kỳ và Trung Cộng sẽ tiếp tục thải khí độc gây thời tiết bất thường ảnh hưởng đến sự an lạc của hàng triệu người trên Trái Đất.

Thành thử cho dù ông Biden thắng cuộc, hay ông Trump tái đắc cử, chính phủ Mỹ vẫn phải giải quyết những bất mãn tiềm tàng trong xã hội, bằng không một ông Trump khác sẽ xuất hiện và đất nước Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị chia rẽ, nội bộ đấu đá lẫn nhau, bất lợi cho sự thịnh vượng của Mỹ nhưng có lợi có các quốc gia đối thủ của Mỹ.
(Với nguồn tham khảo từ bài viết của Owen Jones đăng báo The Guardian)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét