SÀI GÒN, Việt Nam – Một bạn trẻ dọn về sống trong căn hộ độc thân, kể rằng trong nơi ở mới anh luôn có cảm giác trống trải cho đến khi các thùng sách được đưa về và tủ sách được bày biện xong - Anh nhìn lên kệ, thấy những tựa sách thân thuộc, nhớ lại những câu chuyện đã khiến anh rung động, những triết lý mà anh đã thích thú trong khi đọc sách… Cảm giác chông chênh lúc ấy mới biến mất và anh mới thật sự cảm thấy đang sống trong nhà của mình. Có những người xem sự hiện diện của sách đối với con người như là cây cối trong rừng đối với loài dã thú. Con thú có thể trốn trên cành hoặc nấp sau thân cây để tránh kẻ thù, có thể tìm thấy mùi hương và dấu vết những loài khác trên một thân cây và cũng có thể hái lượm trái chín để ăn, uống nước đọng trên lá và trong dây leo. Con người cũng có thể nấp sau trang sách để quên đi nỗi lo và tìm sự bình yên, có thể học bao nhiêu điều trong sách mà người đời không dạy và có thể kiếm sống nhờ học qua sách vở. Đối với nhiều người, sách là một hệ sinh thái để sống.
<!>
Ngày nay, không khó để lập một tủ sách, nhưng cách nay trên dưới nửa thế kỷ không dễ. Lý do chính là việc thường xuyên mua sách khá tốn kém. Một tủ sách giá trị không thể làm nên từ vài trăm cuốn sách mà phải gây dựng trong thời gian dài, có khi cả đời.
Lúc nào cũng vậy, sách nghiên cứu nhập từ nước ngoài luôn cao giá, ví dụ như từ điển hay sách chuyên khảo. Thời Pháp thuộc và trước năm 1975, có những người học giỏi nhưng vì nhà nghèo nên không dám học lên cao vì không mua nổi sách học của Tây. Cho nên, trong giới đọc sách và nghiên cứu, mượn nhau đọc là điều bình thường. Có người để mất tình bạn vì không trả sách hay vì mượn sách không biết giữ gìn để sứt gáy, mất trang. Ai có sách quý, nhất là tự điển, sách nghệ thuật, sách dịch tác phẩm của tác giả nổi tiếng tậu về ắt được chủ nhân nâng niu, bọc nhựa trong, đóng bìa cứng và làm sổ theo dõi ai mượn để đòi. Ai ghiền đọc chỉ có cách là đi mướn sách mới mong đọc được nhiều sách trên thị trường chữ nghĩa.
Nhiều người “chữ nhiều tiền ít” cố gắng tạo cho mình một “gia tài” nho nhỏ bằng việc gom từng cuốn sách mình có, mua ở tiệm sách hay vỉa hè. Ban đầu chỉ có vài cuốn sách đặt bên gối. Khá hơn chút thì cất trong rương. Nhiều hơn nữa thì bày trên kệ dài gắn trên tường bằng dây kẽm. Cuối cùng là cố tậu tủ bằng gỗ cứng có cửa kính để chứa sách, có thể chống mối mọt và bụi bặm.
Sau năm 1975, Đặng Thị Nhu là một con đường sách nổi tiếng mà dân mê sách, các nhà văn, nhà văn hóa ở Sài Gòn không thể không biết..
Sách bán dạo và bày bán như hàng chạp phô
Các món ăn và những đồ vật thường dùng như chiếc chiếu, cây chổi lông gà… được bán dạo trên đường phố vì đó là nhu cầu hằng ngày. Khi trở thành nhu cầu thường xuyên của nhiều người ở một không gian nào đó, sách được đưa đi bán dạo như bán vé số hay đậu phộng rang. Hoặc có khi được bày bán chung với hàng chạp phô.
Những năm 1990, ở các bến xe đò thường thấy có những người bán sách dạo. Họ ôm bằng hai tay một chồng sách cao gần tới cổ, rảo quanh bến xe mời khách mua sách. Sách gồm những tựa dễ đọc, tác giả dễ đọc. Nếu không là truyện của Hồ Biểu Chánh, thì là những cuốn sách giật gân ăn khách kiểu như “Vụ Án Đêm Giao Thừa,” “Lửa Hận Rừng Xanh,” “Một Thời Ngang Dọc.” Ai cần mua cứ gọi họ đến ngay, đặt chồng sách xuống, tay rút vài cuốn đang ăn khách để mời. Khách sẽ chọn một cuốn ưng ý để giết thời giờ trên chiếc xe đò liên tỉnh chạy chậm rì. Lâu lâu có người mua vài cuốn làm quà cho người ở quê. Kiểu bán sách dạo này không phổ biến so với bán báo dạo, nhưng không phải mới mẻ mà đã có từ lâu.
Nhà văn Nguyễn Hiến Lê kể trong bài viết “Kỷ nguyên tiêu thụ và nghề viết văn” (giai phẩm Bách Khoa số kỷ niệm 16 năm và Xuân Quý Sửu 1973) kể là quê ông ngoài miền Bắc ngày xưa còn có những người bán sách dạo mà ông thấy chỉ được một hai lần. “Họ gánh một đôi bồ chứa đầy sách ghé vào nhà bác tôi ở quê. Có lẽ mỗi năm họ mới ghé một lần, bán sách thì ít mà đổi sách thì nhiều: đổi sách lấy giấy đã viết rồi để ra tỉnh bán ra cho những nhà làm lọng làm quạt. họ cũng như hạng người đi mua giấy báo cũ bây giờ. Về sau số người cần sách mỗi ngày một hiếm, họ không đổi sách mà đổi kẹo mạch nha lấy giấy. Rồi sau nữa người học chữ Nho mỗi ngày một hiếm, giấy cũ cũng không có, nghề đó dẹp luôn”.
Trong báo Sài Gòn, số 14344, ra ngày 8 Tháng Tư, 1940, bài viết “Nghề xuất bản sách” (không ghi tên tác giả) cho biết tình hình bán sách báo lúc đó đầy chán ngán nhưng thực tế có hai người biết cách bán sách rất hay dù không làm xuất bản. Đó là hai ông Phạm Đình Khương và Phạm Văn Thình.
Hai ông chỉ phát hành thơ, truyện, tuồng, bài ca thôi mà làm ăn khấm khá. Khắp các chợ nhỏ từ thành thị ở thôn quê đều có tiệm bán sách của hai ông. Các loại sách này thường để chung các đồ vật vụn vặt của người bán dạo bày trên chiếc chiếu trải dướt đất: dao, kéo, gương soi, thuốc phong tình, thơ Chàng Nhái, vọng cổ ân tình… Tác giả đi xuống Cà Mau thấy có năm người bán sách của hai ông này. Còn ở chợ các tỉnh khác ở miền Nam có khá đông người hai bên dãy phố quanh chợ.
Ông tả: “Nhiều nơi, họ choán một góc trong nhà chợ, dăng dây bốn phía và treo loại sách này lên như thầy pháp lập đàn trận. Những tranh bìa các sách này sặc sỡ, màu in phủ tràn, nét vẽ ngoằn ngoèo, người không ra người, nhà không ra nhà, cây không ra cây, như bùa chú của pháp sư phá đàn, trông rất buồn cười. Anh chèo ghe, người phát cỏ, người bán hàng gánh đều có thể mua được, đọc được, ngâm nga được.”
Tác giả cho biết thêm là cả hai “nhà xuất bản” này tái bản mỗi cuốn hơn năm lần, mỗi lần hai ngàn cuốn, tức một cuốn thơ bán ra mười ngàn cuốn, bán gái 5 xu, một cắc hay lên tới hai cắc tùy cuốn. Người mua về bán lại, theo giá trăm, tức giá sỉ. Họ mua mỗi lần cả trăm cuốn, “lạm xạm đủ thứ,” nhất là bài ca bán rất được.
Giữ sách: Từ “cặp” sách đến tủ sách
Nhà văn Nguyễn Hiến Lê trong bài viết dẫn ở trên kể về cách lưu trữ sách ngày xưa, hầu như là sách chữ Hán, ở miền Bắc khoảng thập niên 1920: “Hồi tôi còn để chỏm, nhà tôi không có tủ sách mà chỉ có hai cặp sách. Cặp sách của chúng tôi cao độ tám tấc gồm bốn cái cọc một tấm ván gọi là đế, bề mặt bằng khổ tờ giấy bản gấp đôi, nghĩa là chiều dài độ ba tấc, chiều ngang hơn hai tấc (tôi nhớ phỏng chừng như vậy), đóng hai quai để treo lên, hoặc xách hoặc khiêng, thêm một tấm ván nữa ở phía trên để dằn sách xuống. Khi đổi chỗ ở thì có người gánh, y như trong truyện Kiều: ‘Túi dàn cặp sách đề huề dọn sang.’ Một cái cặp như vậy chứa Tứ Thư Ngũ Kinh, ít bộ Bắc Sử và bộ Khang Hi tự điển thì vừa đủ. Còn cái nữa chứa một ít sách thuộc, địa lý (tức sách phong thủy), tử vi, bói, vài bộ ngoại thư: Tình Sử, Liêu Trai, Đường Thi, Tống Thi, Văn Tâm Điêu Long và ít cuốn sách Nôm: Kiều, Hoa Tiên.”
Ông kể có một ông bác chỉ có hai cặp sách gồm sáu bảy chục bộ mà đã nhiều sách nhất Tổng. Khi ấy muốn mua sách thì xuống Hà Nội đến một tiệm ở phố Hàng Gai. Khoảng năm 1925 ở đó còn có dăm bảy tiệm bày những sách in mộc bản ở trên một tấm phản kê hơi cao. Có chừng trăm thứ sách rẻ tiền, còn sách quý cất riêng ở trong. Ít năm sau các tiệm đó cũng dẹp luôn, thay vào là những tiệm bazar.
Trên đất nước có khí hậu nóng ẩm, sách trong tủ thường phải đem ra phơi. Báo Phụ Nữ Tân Văn, số 198, 4 Tháng Năm, 1933, có bài tản văn “Phơi sách” của Phanh-Ni khá điệu đàng, có đoạn: “Lại ngồi trên chiếu, chung quang ngổn ngang những sách chinh chòng, tôi ngó qua một vòng, hay trong lòng hơi cảm động như đi tình cờ gặp lại bạn cũ, mắt nhìn nhau chan chứa cảm tình. Bao nhiêu sách gợi bao nhiêu ngày xưa, bao nhiêu tình cũ. Có đủ cả sách đấy: sách bằng thưởng cuối năm ở trường học, từ lớp nhỏ đến lớp lớn, sách in đẹp thay, sơn son thếp vàng, trên bìa đầy những bông hoa chạy lẫn chỉ vàng, cầm lên lại bâng khuâng nhớ những ngày… những ngày xưa, buổi mình đưa tay lãnh sách, trái tim đập mạnh như vỡ ra nhồi máu trong đấy như xung hết lên mặt, nóng đến hai tay…”
Bà Tùng Long, nhà văn nữ viết truyện xã hội nổi tiếng trước 1975, kể trong hồi ký về thú đọc sách của mình hồi còn nhỏ trong gia đình. Có cha là công chức Sở Thương Chánh thích đọc sách báo và có viết bài gửi cho báo Nam Phong, Hữu Thanh, mua rất nhiều sách báo nên bà may mắn từ nhỏ đã sống với sách báo thơ văn. Sách của người cha để đầy các tủ, mẹ của bà lãnh phần chăm sóc đống sách báo không để mối mọt gặm nhấm. Mỗi tháng một lần, người mẹ chọn ngày nắng ráo đem sách ra phơi, bà Tùng Long còn làm một bé gái lãnh phần trông sách. Vừa trông vừa đọc báo, đọc sách có khi say mê đến nỗi ngồi ngoài nắng mà không biết.
Quầy sách báo thiếu nhi trong một nhà sách tại Sài Gòn.
Đối với những người có điều kiện kinh tế, sách báo được mua về vẫn được xem là thứ vật chất quý giá để giữ gìn. Tôi có đọc câu chuyện trong một cuốn bút ký sau 1975, về một anh trí thức Sài Gòn nhà giàu Tây học bỏ nhà theo kháng chiến. Nói về sự kiên quyết dứt bỏ giàu sang của anh ta, tác giả kể anh không hề tiếc ngôi biệt thự, cái tủ rượu và một tủ sách đồ sộ. Bộ ba này được coi là những thứ phong lưu bậc nhất mà người thời ấy có được.
Trong gia đình tôi, hầu như ai cũng thích đọc sách từ ba mẹ đến các con, dù đã đi làm hay còn đi học.. Tuy vậy, cách nay năm mươi năm, số sách trong nhà chỉ độ vài chục cuốn đọc đi đọc lại. Quý nhất chỉ là vài bộ truyện Tàu, bộ “Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến,” vài tập thơ và vài sách bình luận văn chương của ông anh họcVăn khoa. Góp chung chỉ đủ một kệ sách dài khoảng hai mét. Chỉ nhờ các tiệm cho mướn sách, từ giữa thập niên 1960 anh em chúng tôi mới có thể đọc được nhiều sách.
Sinh thời, ba tôi còn giữ ký ức về chợ sách trên lề đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần khu chợ Đũi) khoảng 1954. Đọc cuốn “Một Mảnh Tình Riêng” của nhà văn Sơn Nam, thấy ông nhắc tới chợ sách lề đường này và cho đó là “nét đẹp nhất vào màn chót của việc chấm dứt một thế kỷ đô hộ của người Pháp.” Ở đó bán nhiều cuốn sách quý một thời của những người sưu tập cất trong thư viện gia đình, mạ chữ vàng.
Ông kể: “Nhiều quyển nhất là sách khảo cứu bán rẻ, thí dụ như sách cơ bản để tham khảo về văn minh Chăm, điện Ăng-ko, đạo thiền, toàn tập văn chương của những bậc lừng danh Pháp, hoặc Đức, Anh dịch sang chữ Pháp. Sách của những luật sư kỹ nghệ gia Pháp từng lưu trú lâu đời ở Sài Gòn, già rồi họ về xứ để nhắm mắt. Lại còn sách lấy ra từ các thư viện các câu lạc bộ sĩ quan Pháp, câu lạc bộ thể thao, đồn điền cao su.”
Đây là cơ hội hiếm hoi để sở đắc những cuốn sách đẹp và quý với kỹ thuật đóng sách cao cấp hơn hẳn thời sau này. Tuy vậy, dù là sách vỉa hè, dù giá bán rẻ hơn trước nhưng theo ba tôi, giới bình dân không mua nổi vì giá vẫn còn khá cao so với thu nhập của họ.
Đầu thập niên 1960, đại lộ Lê Lợi trở thành thiên đường của giới ham đọc và ham học. Ở đó, ngoài khu bán sách vỉa hè gần nhà thương Sài Gòn, các quán bán sách báo và bưu ảnh, còn có khoảng chục nhà sách, lớn nhất là Khai Trí, và các nhà sách Tự Lực, Việt Bằng, Vĩnh Bảo, Dân Trí, Khai Trí, Phúc Thành, Lê Thành Tuân, Việt Hương, Nguyễn Văn Trung, Văn Hữu, Lê Phan, Hoa San, Thu Tâm… Người đọc lúc ấy ra đến đó là mê mẩn, nhưng mua phải dè sẻn. Nhà sách Khai Trí có cho đọc tại chỗ nên có rất nhiều người tranh thủ coi cọp, tranh thủ nạp cho nhanh cho nhiều chữ nghĩa vào đầu không mất tiền.
Trong hành lang Eden khoảng thời gian này có ba nhà sách bán sách báo ngoại quốc, nổi bật là một tiệm sách tiếng Anh tuy nhỏ nhưng khá nổi tiếng lấy tên là Book Shop. Lúc đó, phong trào học Anh Ngữ đang lên, người Sài Gòn đến học các trường tư dạy tiếng Anh để mong tìm được việc làm thư ký hay phiên dịch ở các hãng buôn ngoại quốc, các sở thông tin hay các tòa đại sứ Anh Mỹ. Lúc đó chỉ có sách dạy tiếng Anh cho người Pháp, người Mã Lai, người Thổ Nhĩ Kỳ… Hiệu sách này ra đời đáp ứng như cầu đa dạng hơn về sách tiếng Anh.
Được nơi thành lập là Hội Ái Hữu Phụ Nữ Hoa Kỳ đứng ra nhập sách báo xuất bản tại Mỹ về Việt Nam, hiệu sách có đủ các loại: Tiểu thuyết best-seller trong năm, sách khảo cứu đủ loại từ làm vườn, trang hoàng nhà cửa, nuôi con… cho đến sách hội họa, văn chương, chính trị. Ngoài ra, có cả các tuần san, nguyệt san như Life, Saturday’s Evening Post, Esquire, Photography… Riêng sách học tiếng Anh có đủ sách dành cho các cấp độ, từ “Tự Điển Bỏ Túi” cho đến “Bách Khoa Từ Điển.” Tuy nhiên mỗi tựa sách ngoại ngữ nhập về đây không nhiều lắm nên chỉ một thời gian ngắn là hết veo.
Các cuốn sách quý thật sự trở thành của cải, có giá trị mua bán trao đổi trong giới đọc và chơi sách. Trong thư viện gia đình của dân chơi sách tầm cỡ, thường là khá giả trở lên, sở hữu nhiều sách giá trị mà nhà sách hay có khi thư viện không có, hoặc không phong phú bằng.
Hồi mới lớn, sau 1975, tôi có dịp vào hai ngôi nhà mà cả nhà đã bỏ ra nước ngoài. Một ngôi nhà trong cư xá Nha Trước Bạ ở Phú Nhuận của một bác sĩ, có phòng tập thiền bằng gỗ và một tủ sách nhỏ ở phòng khách. Tủ sách toàn những cuốn dày như “Papillion, Người Tù Khổ Sai,” “Tội Ác và Hình Phạt,” “Bản Du Ca Cuối Cùng của Loài Người Không Còn Đất Sống,” bộ “Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển,” cuốn “Tình Em Vỗ Cánh” cùng nhiều cuốn tạp chí Thời Nay.
Lần đầu tiên tôi được cầm những cuốn sách đó trên tay, mới toanh và cứng cáp, không bị đóng kẽm cứng ngắt đến mức đọc mất chữ gần phía gáy sách như các tiệm cho mướn sách hay làm. Tuy mê mẩn nhưng tôi chỉ dám mượn một cuốn để đọc. Sau đó, nó nhanh chóng vơi bởi vì những người giữ nhà không thích đọc sách mà dùng vào việc khác, chỉ một tháng sau đó.
Tủ sách thứ hai ở một ngôi nhà phố trong hẻm của người Hoa trong Chợ Lớn. Buổi tối đứa bạn trong xóm có người chị làm ở cơ quan tiếp nhận nhà người bỏ ra nước ngoài rủ tôi đến đó tìm chị nó. Chị biết tôi thích sách nên bảo là sách chủ nhà để lại nhiều lắm, thích thì cầm về. Tôi háo hức vào xem, hoa mắt nhìn các dãy kệ có rất nhiều sách art books, các tập tranh Hoa điểu, đồ sứ cổ, đồ gốm và đồ gỗ kiểu xưa bên Tàu.
Tôi chọn một cuốn vẽ các loại khủng long in màu rất đẹp, sách tiếng Hoa in ở Hồng Kông. Về nhà, giở cuốn sách dưới ánh đèn, tôi thấy rớt ra một tấm hình chụp năm người, hẳn là một gia đình có hai vợ chồng, cô con gái lớn và hai cậu con trai nhỏ hơn. Trong hình, cả nhà ăn mặc đẹp, dáng vẻ phong lưu và nền nếp. Tôi vẩn vơ nghĩ về gia đình đã ra đi ấy. Hẳn là ngày xưa họ đã có những ngày sống hạnh phúc bên nhau, đã có những buổi tối trong căn nhà đó, có hai cậu con trai được người cha chỉ xem và giải thích từng bức tranh các loài bò sát cổ đại trong sách. Tủ sách này hẳn đã được chắt chiu góp nhặt trong nhiều năm và là trung tâm của đời sống tinh thần của gia đình này, để rồi cuối cùng phải bỏ lại.
Tôi biết trên thế giới này, có rất nhiều người không cần đọc sách vẫn có cuộc sống hạnh phúc hay yên ổn cả đời. Nên viết về chuyện đọc sách, mua sách, khen chê cái hay cái dở trong một cuốn sách hóa ra chỉ trong thế giới những người đọc sách. Tản mạn về thú đọc sách là muốn chia sẻ điều mình nghĩ trong thế giới chỉ dành riêng cho ai tìm đến niềm vui, sự thức tỉnh và thổn thức trước những trang sách.
Đặng Yên Hòa
HOA TỰ DO
Văn diù cánh Phượng yên trăm họ
Võ thét oai Hùm dẹp bốn phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét