Má là người tôi yêu quý nhất trên đời. Sinh thời, má được mọi người quý mến vì vẻ phúc hậu. Trong ký ức của tôi không bao giờ quên được những ngày tôi còn bé, được sống trong mái nhà êm ấm, luôn được vòng tay che chở của ba và bàn tay nâng niu chiều chuộng nhẹ nhàng, dịu dàng của má. Ký ức tuổi thơ ùa về trong mùa Vu lan này. Đó là cảnh những ngày hè, buổi tối tôi được má ru ngủ trên chiếc giường tre, không gian xung quanh một màu đen phủ kín; tiếng côn trùng, con vạc sành, ếch nhái cứ thi nhau kêu ra rả suốt đêm không có được vài phút yên lặng. Nhớ hình ảnh ngày đầu tôi đi học, má dắt tôi đến trường, trao bàn tay tôi vào tay cô giáo rồi lặng lẽ đội nón lá, nhanh chân bước ra về. Tôi chưa kịp khóc gọi má thì cô giáo đã dắt vào lớp, xếp chỗ tôi ngồi ngay bàn đầu.
<!>
Lúc tôi tuổi lên 10, cuộc sống gia đình dạo ấy khó khăn. Nhiều gia đình trong xóm nấu cơm thường độn thêm khoai mì, nhưng má tôi ngày hai lần vẫn chuẩn bị cơm nước cho gia đình tươm tất. Má thường xuyên chế biến món ăn cho lạ để cả nhà ăn ngon miệng.
Năm 1978, tôi đi học Trường trung học Sư phạm TP.HCM, vì ở nội trú nên chiều chiều trong lòng lại đau đáu nhớ nhà, nhớ má. Nhớ nhất là khi má nấu cơm chiều, khói bếp quyện lấy người má, đùa trên tóc rồi bay lãng đãng lên mái nhà tranh. Tôi chỉ mong sao mau đến ngày thứ bảy để chạy ù về với gia đình, được sum họp quây quần trong tình cảm yêu thương của ba má.
Khi tôi ra trường, đi làm được vài năm thì nỗi đau ập xuống. Đang vui vẻ với con cháu, má tôi lại đột ngột qua đời sau cơn nhồi máu cơ tim. Ba ngày nhà làm tang má là ba ngày lòng người cũng sụt sịt như ngoài trời mưa dai dẳng suốt ba ngày liền. Hôm đưa má về cõi vĩnh hằng, đường đi toàn nước là nước. Má nằm trong quan tài, quan tài đặt trên chiếc xe bò nhùng nhằng, dằn xóc... làm đau lòng con.
Và rồi chỉ sau ngày giỗ đầu của má độ mươi ngày, ba cũng đi theo má nốt. Má biết không, khi đó con sống trong ngôi nhà mình mà thấy tứ bề rộng thinh. Con nhớ má! Con nhớ những ngày ba má làm trên ruộng, trong cơn gió chiều con thả cánh diều bay cao.
Con nhớ chuyện ba má đi cưới vợ cho con mà ngày rước dâu mưa ngập đường. Khi đó, xe máy không đi được đành băng ruộng lúa cao đến bụng mà đi, áo quần lấm lem bùn sình...Tất cả giờ chỉ còn là kỷ niệm xâu chuỗi dài trong ký ức con. Má ơi! Con thương và nhớ má!
Vì đó là mẹ
Anh bạn tôi tâm sự, cứ mỗi cuối tháng hay những lúc chênh chao mệt mỏi anh lại tìm về với mẹ. Gian nhà cũ có khu mộ nằm sát bên hông nhà và bốn mùa gió lộng. Cũng chính những ngôi mộ là lý do mẹ không thể rời bỏ nơi đó. Bà ở lại bằng niềm vui được gắn bó với một nơi chốn quen thuộc, vừa là trách nhiệm hương khói với những người đã khuất.
Anh cũng thế, anh tìm về vì ở đó có mẹ già. Anh nói "còn có nơi nào thiêng liêng và gắn bó hơn nơi con người ta được sinh ra và lớn lên". Những mệt mỏi chán chường vì công việc tan biến sau một lúc dạo quanh vườn hay khi cùng mẹ cắp rổ đi hái rau như hồi còn nhỏ. Rồi sau đó hai mẹ con cùng ngồi ăn bữa cơm đạm bạc chỉ có canh rau và hai cái trứng luộc dầm nước mắm... mà ngon miệng, đầy ắp tiếng cười.
Có khi anh nằm vắt vẻo trên chiếc võng mắc giữa hai cây sung già cạnh bờ ao, ngủ một giấc sâu quên cả đất trời. Anh nói cái "thú" đó, cảm giác bình yên ấy... chỉ những ai từng trải qua mới có thể cảm được. Và trên tất cả, nơi đó có mẹ. Điều đáng buồn là vợ anh không vui vì điều đó. Chị chỉ về nơi quê kiểng ấy khi giỗ cha, còn tết và lễ lạt tuyệt đối không.
Cô bạn đồng nghiệp cũ một sáng nọ đến công ty với vẻ mặt cau có, bực bội. Khi được một chị hỏi, ngay lập tức cô "tố" ông chồng là "đứa trẻ sống lâu năm, ai đời đàn ông mà cứ quấn quýt mẹ không rời!". Câu chuyện bắt đầu từ lúc mẹ chồng cô ngã bệnh, phải nằm viện. Sau cơn bệnh nặng, sức khỏe không còn như trước nên bà thường xuyên đau ốm. Những hôm bà không khỏe, chồng cô lại sang ngủ cùng mẹ để trông chừng. Người chồng bảo ngày xưa mẹ từng thức trắng bao đêm để chăm anh những khi anh bệnh, chẳng lẽ giờ anh không thể dành cho mẹ sự chăm sóc tương tự.
Chồng tôi mỗi khi gần mẹ cũng hay thể hiện tình cảm bằng những cái ôm. Khi mẹ bệnh, anh cũng cuống quýt lo lắng, gần gũi chăm sóc và ngủ bên mẹ để theo dõi từng hơi thở. Tôi hoàn toàn ủng hộ chồng mình trong việc thể hiện tình cảm thân mật với cha mẹ. Bởi trước khi tạo dựng một gia đình nhỏ, mỗi người đều có một gia đình lớn để thuộc về. Nơi đó có mẹ, người xứng đáng nhận được tình yêu thương và sự trân trọng nhất trong đời.
Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy. Những gì chúng ta thể hiện hôm nay với cha mẹ mình cũng sẽ là những gì chúng ta nhận lại từ con cái chúng ta trong tương lai. Tôi cũng mong có được một cậu con trai sống tình cảm, gần gũi và gắn bó với mẹ, nhất là khi tôi về già.
Mới hôm trước thôi, trong cơn mệt mỏi tột cùng vì những xáo trộn xảy đến trong cuộc đời mình, tôi gọi cho mẹ. Sau đó, tôi mở điện thoại và thấy dòng tin nhắn từ mẹ: "Ngủ đi, mộng vẫn bình thường. À ơi...". Chợt nghe mắt rưng rưng và lòng dịu lại, bao nỗi lo toan phiền muộn vơi đi hẳn. Nếu như những lời nhắn gửi ấy đến từ một ai khác, có lẽ không mang lại hiệu quả nhiều đến thế. Chỉ có mẹ mới có thể thổi những điều nho nhỏ bùng lên sự thiêng liêng, rưng rưng trong lòng con. Bởi vì đó là mẹ!
Mẹ và những mùa xe buýt
Nắng chiều rải vàng khắp đường đi. Nắng không gắt, nhẹ nhàng tạo cho con người ta cảm giác lười biếng khi kết hợp với những làn gió hiu hiu. Đi ngang qua một trạm xe buýt, nhìn thấy những em nhỏ cầm tay mẹ chờ xe, tôi lại nhớ những chuyến đi kỳ diệu...
Xe buýt Sài Gòn không quá đặc biệt, đúng hơn là vẫn hằng ngày lướt qua trên mọi nẻo đường. Thế mà với mẹ tôi, bắt mỗi chuyến xe như khởi đầu một mùa.
Mẹ tôi nhỏ bé. Chiếc xe của bà chẳng thể chở cả hai chị em tôi, vì vậy với những "chuyến buýt", bà có thể đưa chị em tôi đi mọi nơi mà giá vé lại hợp lý. Mùa "bệnh", bắt xe "năm mươi sáu" lên bệnh viện nhi đồng. Một chuyến đi im lặng của trẻ nhỏ nhưng rộn ràng khi người lớn chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
Mùa "khám phá", mẹ lại cùng chị em tôi bắt xe "một trăm năm mươi" rồi đi bộ tới những chốn đặc trưng của thành phố - nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, Bảo tàng thành phố,... Mùa "tết", mẹ và tôi bắt xe số "sáu" rồi "lượn lờ" qua công viên Tao Đàn, đi dạo quanh hồ Con Rùa, chợ hoa Nguyễn Huệ...
Những chuyến xe buýt mà mẹ đưa chúng tôi đi đã nuôi dưỡng cho tôi sự can đảm: dám từ bỏ sự thoải mái của bản thân để nhường chỗ cho người khác hay ngăn cản hành vi sai trái như mẹ tôi đã từng. Đó là nơi tôi bắt đầu "trưởng thành" vì cảm nhận được sự mệt mỏi của mẹ khi bà ngả đầu lên cửa kính để nghỉ ngơi. Hay như lần mẹ mải mê đọc tờ giấy hướng dẫn nhập học của tôi mà quên xuống trạm để đón con gái bà tan trường vào "mùa học".
Những "mùa" xe buýt cứ thế nuôi dưỡng chị em tôi niềm vui vì được đi chơi xa cùng mẹ. Chị em tôi được làm nũng để mẹ dành nhiều thời gian cho chúng tôi.
Có lẽ những chuyến xe buýt trở nên đặc biệt với tôi là do có mẹ đi cùng suốt những năm tháng. Những chuyến xe buýt ấy đã dạy chị em chúng tôi biết "kính trên nhường dưới", biết bảo vệ người yếu thế, thế cô, biết yêu thích ngắm cảnh phố xá, biết trân trọng những đồng bạc lẻ cùng những giọt mồ hôi của bác tài xế, cô phục vụ, biết cảm nhận được mùi mồ hôi của người nghèo quyện vào nhau trong cái xe buýt chật chội. Và điều đặc biệt hơn cả là biết có mẹ ở bên mình từ tấm bé rồi luôn dõi theo con mỗi bước trên đường đời. Xe buýt có mẹ nên xe buýt đặc biệt!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét