Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Một hiện tượng người Việt - Bureau CTM Media - Âu Châu

Image en ligne

Sau khi đăng bài Amanda Nguyễn – cô ấy là ai vào ngày 20-8-2020, theNewViet nhận được thêm bài viết dưới đây. Tác giả Lương Tạ, một người thân với gia đình cô Amanda Nguyễn, đã thuật lại nhiều chi tiết thú vị ít được biết đến về nhân vật đặc biệt này. Bài viết cho thấy Amanda đã ảnh hưởng từ gia đình như thế nào và truyền thống giáo dục gia đình đã định hình nên một Amanda xuất sắc như đang thấy ra sao…
<!>

Một bảng thành tích ấn tượng
Amanda Nguyễn, 28 tuổi, là một hiện tượng của cộng đồng người Việt. Cô là một nhân vật trẻ gốc Việt duy nhất được đề cử giải Nobel Hòa Bình; nhận giải Heinz Award trị giá 250.000 USD; được chọn vào danh sách 100 nhân vậ̣t ảnh hưởng tương lai toàn cầu; có mặt trong danh sách 30 nhân vật xuất chúng dưới 30 tuổi; 100 nhân vật đối ngoại xuất chúng; được trao giải Nelson Mandela; giải Lãnh đạo Thế Giới; giải Phụ Nữ Trẻ, và nhiều giải thưởng vinh dự toàn quốc.

Cô là người gốc Việt duy nhất soạn thảo và thúc đẩy bộ luật đặc biệt Quyền lợi của Nạn Nhân Bị Cưỡng Hiếp (Sexual Assault Survivors’ Rights Act). Bộ luật này nhận được chấp thuận toàn diện từ liên bang, trong đó có 437 dân biểu, 100 thượng nghị sĩ, và sau cùng là Tổng thống. Sau đó, cô vận động từng tiểu bang, qua 32 tiểu bang, để được chính quyền từng tiểu bang chấp thuận. Bộ luật này có ảnh hưởng hỗ trợ hơn 85 triệu người. Không ngừng ở đó, cô là nhà sáng lập và cũng là tổng giám đốc của Rise Now, một tổ chức khởi nghiệp cho những cơ quan-tổ chức quan tâm về vấn đề xã hội. Tổ chức này giúp những ai muốn đẩy vấn đề xã hội mà họ quan tâm qua những ngõ ngách phức tạp để trở thành luật. Rise Now được sự hỗ trợ tài chính của các nhân vật có khả năng tài chính nhất hành tinh, trong đó có ông Mark Zuckerberg và ông Bill Gates.

Nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới quan tâm về nhân quyền đã mời Amanda Nguyễn làm cố vấn và diễn giả về những vấn đề nhân quyền cho phụ nữ. Những nhân vật sáng giá nhất, từ các chính trị gia thượng thặng, tỉ phú, thủ tướng, hoàng gia, đến những người nổi tiếng trên màn ảnh, âm nhạc, nghệ thuật, đều muốn có sự liên hệ với cô. Cô đã được mời phỏng vấn trên các talk show nổi tiếng và là khách danh dự tham dự những sự kiện lớn như chương trình Oscar và Emmy.
Người mẹ
Amanda sinh tháng Mười năm 1991, con của chị Tăng Ngọc Lan và anh Nguyễn Minh Tú – những người bạn của tôi. Từ nhỏ, Amanda đã thể hiện một tố chất thông minh, luôn cố gắng, và có một trái tim khác người. Mẹ của cô kể lại, khi có thai cô, mẹ cô đã thổi vào bầu thai những ước vọng lớn lao cống hiến cho xã hội. Để hiểu về cô hơn, phải biết về mẹ của cô, người đã bỏ toàn vẹn cuộc đời hỗ trợ cho con gái mình, giúp hình thành nên con người của cô. Amanda lớn lên trong yêu thương và quen việc xả thân cho xã hội.
Sẽ là không ngoa nếu nói chị Ngọc Lan là một phụ nữ phi thường. Chị có nét đẹp dịu dàng nhưng có lòng từ tâm mãnh liệt. Chị quên mình lo cho người thân và xã hội, dù cực khổ cỡ nào. Có những câu chuyện chị trải qua, tưởng như chị là hình ảnh thu nhỏ của mẹ Teresa.  Chị sinh ra ở một làng nhỏ thuộc Bạc Liêu. Bình thường, con gái quê thời đó lấy chồng sớm và lo công việc đồng áng, nhà cửa. Riêng chị, xong tú tài, chị xin cha mẹ lên Sài Gòn để học luật. Khi học ở Đại Học Vạn Hạnh, ngoài công việc kiếm tiền học và thậm chí còn dành dụm gửi về nhà, chị tham gia hoạt động xã hội khi có thời gian, nhất là chăm sóc trẻ mồ côi và đi vòng Sài Gòn đưa các em bụi đời về. Sau này, nhiều em nhỏ được đưa ra khỏi Việt Nam năm 1975 trong chương trình Operation Baby Lift nổi tiếng. Chị kể cho tôi những câu chuyện cảm động về các em mồ côi tìm lại chị cảm ơn sau này. Mỗi câu chuyện là một bài học đẹp cho đời.
Những ngày đi học
Khi mới sinh ra, Amanda không khóc, dường như cháu thể hiện sự can đảm nhìn cuộc đời bằng con mắt tò mò. Sau này, cô cho thấy lòng can đảm và ý chí trong suốt hành trình đời mình. Thời tiểu học, cô đã tỏ ra thiên năng về tiếp xúc với công chúng. Từ lớp một, cô đã mạnh dạn phát biểu trước đám đông và đảm nhận nhiều chức vụ lãnh đạo trong học đường. Cô tham gia rất nhiều các công tác thiện nguyện. Theo lời cô, cô tình nguyện để có thêm kinh nghiệm đời, giúp đỡ và hiểu hơn con người cần gì, để sau này cô nâng tầm giúp đỡ nhiều hơn, từ những việc trong nhà, rồi bệnh viện, văn phòng chính trị, đến môi trường học đường. Cô từng gây quỹ cho hội Ung Thư Việt Mỹ của Bác sĩ Bích Liên. Sau này, cô sử dụng rất hiệu quả trải nghiệm xã hội khi còn học sinh của mình.
Khi vào trung học, Amanda nắm nhiều chức vụ trong tổ chức Lãnh Đạo Thương mại Tương Lai. Cô được bầu làm chủ tịch Hội lãnh đạo thương mãi tương lai toàn California (FBLA) nhiệm kỳ 2008-2009. FBLA là tổ chức toàn cầu lớn nhất và ảnh hưởng nhất cho học sinh giỏi theo ngành thương mãi. Sự kiện được bầu chọn làm chủ tịch FBLA của bang lớn nhất nước Mỹ khi mới 16 tuổi đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo, kiến thức, và trưởng thành của Amanda như thế nào.
Amanda tốt nghiệp thủ khoa trung học tại trường Centennial, Corona, California năm 2009. Hầu hết trường nổi tiếng như Harvard, Stanford, UCLA, Berkeley, UPenn… đều mong đợi cô vào. Cuối cùng, cô chọn Harvard – với hai môn, chính trị học và vật lý thiên văn. Đây là trường cô hằng mơ ước. Trong phòng cô, có một tấm bảng đen nhỏ. Cô đã ghi lên bảng lời nhắc nhở rằng mình phải làm cho được để vào Harvard. Mỗi sáng thức dậy, cô đều nhìn bảng đó để tự nhắc nhở. Trong thời gian học Harvard, Amanda tỏ ra xuất sắc và đa năng trong học hành, sáng tạo, và xây dựng nhiều công trình nghiên cứu ấn tượng. Cô tạo tên tuổi mình trong lịch sử Harvard, khi kiến tạo ra một lớp học về nô lệ thời nay, một sự kiện chưa từng có. Bài văn của cô được chọn đăng trong quyển 50 bài văn thi vào đại học của Harvard.. Năm 19 tuổi, cô chọn đi Bangladesh, một đất nước nghèo khổ mà ngay cả phòng vệ sinh cũng không có. Amanda phải ra đồng, giúp đỡ những phụ nữ không có tiếng nói. Tại đó, cô đã tranh đấu trong hiểm nguy, vượt qua được lệ tục và ngôn ngữ địa phương để đưa ra toà án một người đã giết một cô gái Bangladesh sau khi nạn nhân bị cưỡng hiếp.
Amanda cũng là người đồng sáng lập Viện mồ côi Wema tại Kenya, châu Phi, trong thời gian cô tình nguyện làm công tác xã hội ở đó.. Cô thực tập khoa học tại NASA với nhiệm vụ theo dõi những vật thể lạ gần Trái đất. Cô còn dùng mạng xã hội để lôi kéo sự ủng hộ của tuổi trẻ cho NASA. Cô được chọn là cộng tác viên tại Harvard-Smithsonian khoa học không gian và sau đó trở thành trưởng nhóm sinh viên thực tập trong Tòa Bạch Ốc. Đặc biệt, cô được chọn thực tập ở Morgan Stanley, một công ty tài chính nổi tiếng, dù cô không học về tài chính. Năm 2013, cô ra trường. Năm đó, một sự kiện khủng khiếp xảy ra cho cuộc đời cô, và nó là dấu rẽ cho cả cuộc đời. Vì nhiều chi tiết, xin hẹn kỳ sau.
“I have to live!”
Cô có một tình yêu vô biên và biết ơn đối với cha mẹ. Để không quên nguồn gốc Việt Nam, cô tự trau dồi tiếng Việt. Mẹ cô còn nhớ rõ hôm đó là ngày 6-9-2011.. Cha mẹ được cô mời thăm Tòa Bạch Ốc, nơi cô được nhận làm sinh viên thực tập. Khi ra đón ba mẹ, bỗng nhiên cô nói cha mẹ chờ một chút. Thế rồi cô chạy vào trong, và lát sau, trao cho cha mẹ bức thư viết bằng tiếng Việt. Lá thư bày tỏ lòng cảm ơn cha mẹ. Đoạn cuối ghi: “Không ngày nào mà con không cảm ơn Chúa đã ban phước cho con. Không có người nào hạnh phúc bằng con mỗi khi con làm ba mẹ hãnh diện. Con yêu ba mẹ rất nhiều. Amanda”.
Amada Nguyễn đạt được thành công kỳ diệu nhờ nhiều yếu tố. Tầm nhìn sâu rộng, say mê công việc, nhiệt tâm bảo vệ sự công bằng, luôn trau dồi bản thân để đạt được ước mơ, nhưng quan trọng hơn hết, đó là ý chí cô cực cao để vượt qua trở ngại và giới hạn con người bình thường. Ngoài ra, không thể không kể sự hỗ trợ toàn diện của cha mẹ cô, những người đã xây dựng nền tảng bản chất và ý chí dấn thân xã hội cho cô.
Nhờ nỗ lực và cọ xát cuộc đời sớm qua các hoạt động thiện nguyện và hoạt động ngoài trường lớp, Amanda đã trưởng thành hơn hẳn những bạn cùng trang lứa. Không một khoảng thời gian nào trôi qua mà cô bỏ phí. Khi 16 tuổi, cô bị bệnh rối mạch tim (Superventricular Tachycardia) và tưởng chừng phải chết. Cô phải ngồi xe lăn nhiều tháng trời. Tuy nhiên, không vì thế mà cô buông bỏ con đường của mình. Trước khi gây mê thực hiện ca mổ tim cho cô, bác sĩ hỏi cô muốn nói gì. Cô nói với giọng cương quyết và bừng lên lạc quan: “I have to live – Tôi phải sống”!

Nam California, August 25

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét