Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

CHỢ HUẾ Ở SAIGON - DVN

Vừa rồi, tình cờ đọc một câu chuyện nói về tình yêu quê hương đất nước , tôi quá cảm động và rất đồng cảm với tác giả. Chuyện kể rằng, cách đây khá lâu, khi còn ở nước ngoài và được hãng phái đi làm việc ở một thành phố xa lạ tại Châu Phi,tác giả, một người Viêt Nam, đã có những tâm trạng ban đầu rất buồn nãn, cô đơn khi đang ở một nơi xa quê hương mình hàng ngàn cây số mà xung quanh chẳng có một người đồng hương thứ hai để …nói tiếng Việt cho đỡ nhớ quê hương và nhớ tiếng Việt. Và rồi một hôm tình cờ đang ngồi đợi chuyến bay lại nghe một giọng ca cải lương văng vẳng đâu đấy, tác giả đã mừng rỡ và càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện đó là một thanh niên da đen làm nhân viên phụ trách hành lý cho khách đi máy bay tại sân bay. <!>
Tiếp cận mới khám phá ra rằng đây là một thanh niên con lai có mẹ là người Việt và cha là người bản xứ đã từng có thời gian ở Việt nam trước đây.Cậu thanh niên được bảo lãnh qua xứ sở của cha mà không quên được nguồn cội thứ hai của mình là Việt Nam, nơi mình đã từng sống một thời gian trước đây và đã biết được phong tục, tập quán và nhất là tiếng Việt Nam cậu không thể quên được sau nhiều năm phải rời Việt Nam,và câu ca vọng cổ lạc lỏng giữa một sân bay đầy cả người bản xứ thì đối với anh ta là một cách để giãi tỏa nỗi nhớ quê hương và nỗi thèm nói tiếng Việt ! và đối với tác giả thì đây là cả một sự ngạc nhiên và xúc động dâng trào.

Đúng là tình yêu quê hương nó mãnh liệt và trân quý như thế nào, nhất là đối vói những người từng có kinh nghiệm khi đang phải ở xa quê hương ! Chỉ một vài dấu hiệu rất nhỏ mang bản sắc của quê hương cũng làm cho ta nhớ quay quắt về nơi ta đã từng sống và đã có nhiều kỷ niệm ghi khắc trong lòng.Đi giữa chỗ đông người tại một đất nước xa lạ, chỉ cần thấy một tà áo dài,ngửi thấy một mùi nhang quen thuộc,ăn một thứ gì cay cay,cầm chiếc nón trên tay và nhất là nghe một giọng nói thân quen tiếng Việt nào đó giữa một đám đông toàn người bản xứ là ta đã phải giật mình vui mừng tìm đến để…” thấy” và “gặp” lại quê hương Việt Nam thân yêu nơi quê người !

Không lạ gì khi đi xa, người ta hay tìm lại Hương quê nhà để nhớ, để sống lại thời còn sống giữa những người đồng hương, cùng sở thích, cùng lối sống và cùng giọng nói.Bản thân tôi,không chỉ phải đi đâu xa, chỉ cần rời khỏi Huế vào định cư ở Saigon cũng đã có những lần nhớ da diết Huế, nơi đã ở 2/3 cuộc đời nên thường tìm về Hương quê nhà, tìm những hương vị của đồ ăn xứ Huế, và tìm về giọng nói của những người Huế mà tại nơi ở mới cũng ít khi có cơ hội được nếm lại mùi vị,được nghe lại giọng Huế thân quen…

Lâu nay, đôi lúc có những món ăn đặc biệt về Huế trong bữa ăn, tôi thường khôi hài nói dối với các bạn là đồ đặc sản Huế ship vào hằng ngày bằng máy bay để có cơ hội “nổ” với bạn bè, song thật ra , nhờ các phương tiện giao thông tiện lợi và nhanh chóng , chúng ta có thể thưởng thức hương vị các đặc sản từng vùng mà không cần phải đến hoặc ở nơi đó mới có.Tuy nhiên thành lập cả một cái chợ chuyên bán đồ đặc sản vùng miền do chính những người vùng đó , giọng nói đó lập ra thì thật sự đáng ngạc nhiên và hiếm thấy. Đó là chợ Huế ở Saigon !

Tôi vào định cư ở Saigon nay đã trên 10 năm và mới biết chợ Huế này được vài năm song vẫn còn nhiều người chưa biết, dù đã vào định cư ở Saigon lâu hơn tôi nhiều và cái chợ Huế tự phát này bắt đầu có từ năm nào thì đến nay tôi vẫn chưa được rõ !Nào bây giờ chúng ta hãy làm quen với ngôi chợ này mà ta có thể nói đó là linh hồn Huế ở Saigon!

Nếu bạn ở miệt trung tâm Saigon, bạn có hai đường để đi đến chợ Huế này vì nó ở Hóc Môn. Bạn có thể đi theo đường Quang Trung , quận Gò Vấp hoặc theo đường Trường Chinh,quận Tân Bình để về Hóc Môn ,đoạn đường dài khoảng 20km. Đến Hóc Môn bạn tìm đường Nguyễn Ánh Thủ (một đường chính của Hóc Môn) và tìm đường (đúng hơn là hẻm )Bà Điểm sẽ thấy không khí chợ ngay đầu hẽm vì đường ngăn , ít xe lớn qua lại.

Điều thoải mái trước tiên,khác hẳn với các ngôi chợ ở Saigon,là bạn có thể tùy tiện để xe bất cứ nơi đâu mà bạn thích, có thể để ngay trước sạp hàng của người bán mà không bị nhắc khéo đi chỗ khác dù mình không mua gì ở gian hàng đó. Nếu muốn thoải mái hơn, bạn chỉ cần chạy xe vô các hẽm gần đó đế xe thoải mái không cần người giữ.Sau khi cất xe xong, với chiếc giỏ, bạn có thể tung tăng đi mua thực phẩm mà hoàn toàn có cảm tưởng như ta đang đi chợ XÉP trong nội thành ở Huế vậy !Mặt hàng bày bán ở dưới đất dọc theo đường đi vô ra của khách hàng chứ không có trên sạp như các chợ lớn.Và rồi sự thân thương, sự đồng cảm của những người cùng quê hương tự nhiên đến qua cung cách bán buôn, nhất là qua giọng nói đặc trưng của người bán kẻ mua.Ta cảm thấy như đang ở ngay chính quê hương, ngay thành phố Huế , trong một ngôi chợ ở Huế với những người Huế từng quen biết và những món ăn Huế.Vì là một chợ tự phát nên mặt hàng bày bán không phân chia theo từng khu vực rõ ràng như các chợ ta thường gặp mà hàng thịt có thể ngồi cạnh hàng rau tươi, hàng cá ngồi bên cạnh hàng áo quần..v.v nhưng không sao vì chợ nhỏ nên rất dể tìm, chỉ đi mấy phút lại trở về điểm cũ song mặt hàng đặc sản Huế thì tương đối phong phú, tươi và sẳn sàng phục vụ cho sở thích của người Huế đang ở xa Huế

Cái “đinh” của chợ Huế này (hay nói văn hoa hơn), điểm nhấn của nó hầu như tập trung toàn bộ các loài cá mà…”không nơi nào có được”, (mà có chăng cũng không có những hương vị độc đáo như cá Huế) : nào là cá ngạnh với một bụng trứng, cá bống thệ ,cá kình… đây có thể gọi là 3 lọai cá chủ lực của chợ này ngoại trừ những hôm không phải là mùa, ngoài ra còn nào là cá mú,cá dìa, cá ong,nào là mực, tôm,cua,ghẹ…đều đang còn tươi vì được chở vào bằng xe chuyên dụng đông lạnh và bày bán tại đây trong những bể gương có oxy.Ở đây cũng có đủ loại thịt, bò, heo song tôi xin phép không đề cập mặc dầu thịt heo Huế vẫn có một vị ngon đặc biệt hơn các nơi khác.Sau khi lướt qua các mặt hàng về cá, các bạn có thể đến các o bán rau với đủ loại rau mà ta có thể thấy được những ngày còn ở Huế , đặc biệt nhất là những trái vả tươi xanh bắt mắt , những trái ớt vừa xanh vùa đỏ thơm song không quá cay như những loại ớt khác,những trái dưa gan ăn sống chấm ruốc ớt hoặc thái mỏng của món cơm Âm phủ, những mớ nấm tràm vừa mới nhổ sau các cơn mưa ở Huế… những chậu dưa giá, dưa môn dưa cải…hấp dẫn mời gọi……cạnh bên là sạp hàng bán đủ các loại mắm Huế làm ta đi không đành.!. Và rồi nếu mỏi chân bạn sẽ ngồi xuống trước một hàng nước đậu đỏ, đậu ván hay nếu đói thì bún Huế, bánh canh Huế cũng sẳn lòng mời bạn dùng thử .Lại có cái món bánh mì kẹp chả Huế (chả Huế cũng khác chả Saigon, màu không trắng , dòn và mùi vị rất đậm đà) hoặc mì kẹp bánh bột lọc mà theo tôi nghĩ chỉ có Huế mới bày ra cái món ăn độc đáo này!Chè đậu ván, đậu xanh nước sẽ là món tráng miệng cho bạn trước khi rời “gian hàng”này.

Tiến đến gần một bà bán mấy con chim đã nhổ lông và mổ bụng , tôi hỏi:

“-Rứa chơ o đã bán mè xưa chưa ?

-Mè xưa mô chừ nữa bác? Tui dọn hàng bán từ khi rạng sáng thê!

-Chim này là chim mỏ nhác phải khôn o ?

-Mỏ nhác làm chi có về mùa này ?đây là chim cút. Mỏ nhác Huế vào khó bán vì khôn phải lúc nào cũng có và mắc hơn cút nhiều.

-Rứa o vào đây lâu chưa và có hay ra Huế thăm bà con xóm giềng khôn ?

-Tui vào đây đã gần 20 năm, theo con vô trong ni mần ăn. Còn về Huế thì năm thì mười họa con nó ra có việc nó cho mình đi theo chơ nhớ bà con xóm giềng cũng chịu thôi.”…

Cứ thế, mỗi lần đi chợ Huế là mỗi lần chúng tôi thoải mái “noái” tiếng Huế với những người đồng hương mà ngày thường chỉ tiếp xúc với người nói giọng Bắc hoặc Nam. Dĩ nhiên chúng tôi không thể ngày nào cũng đi chợ Huế (dù chợ này ngày nào cũng có bán, trước đây chỉ bán hai ba ngày nhất định trong tuần) nên mỗi lần đi chợ về là xe không còn chỗ treo ,đồ đạc lỉnh kỉnh chất đầy xe vì đôi lúc không phải chỉ mua cho mình mà còn mua làm quà cho bạn bè, bà con người Huế không có cơ hội để đi cùng.

Thế là cứ mỗi lần rời chợ là mỗi lần có cảm giác như mình vừa từ giã Huế để ra đi xa, từ giã những con người thân thương xứ Huế, những giọng nói quen thuộc khi trao đổi giữa người bán kẻ mua và mong sớm đến ngày trở lại để được sống lại một khoảng trời quê hương!

Saigon ,những ngày sáng nắng chiều mưa cuối tháng 8/2020

DVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét