Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Đại hội 13: ‘Nhà nước mạnh’ thế nào trong chế độ đảng toàn trị? - TS. Phạm Quý Thọ

Image en ligne

Hình minh hoạ. Tấm biển quảng bá cho Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 23/1/2019 -  Reuters - Đại hội 13 sắp tới có đặt vấn đề ‘chỉnh đốn đảng song hành với cải cách hệ thống chính trị’ để có ‘một nhà nước mạnh’. Đây được cho là một ‘điểm mới’ trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội, như ông Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội nghị Báo cáo Viên của đảng, rằng ‘không có chuyện đảng mạnh nhà nước yếu và ngược lại’… Đây là chủ đề có phạm vi rộng và phức tạp nên bài viết dưới đây giới hạn về sự vận động của nhà nước trong chế độ đảng cộng sản toàn trị đang thay đổi như thế nào, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường.<!>
Tha hoá quyền lực, tham nhũng nghiêm trọng và các hiện tượng tiêu cực khác của quan chức đã và đang tạo ra khủng hoảng niềm tin, bất ổn thể chế và xã hội. Chỉnh đốn đảng là giải pháp bắt buộc để duy trì chế độ bởi vậy khó có thể tạo ra ‘nhà nước mạnh’ về thực chất. Có thể khẳng định rằng Việt Nam không thể quay lại với cơ chế kế hoạch hoá tập trung, nghĩa là phải tiếp tục cải cách sao cho thể chế chính trị phù hợp với kinh tế thị trường. Quan niệm khác nhau về ‘nhà nước mạnh’ được trình bày như một gợi ý thay cho kết luận.

‘Đặc trưng chuyển đổi cơ chế’

Nhằm tránh sụp đổ chế độ như Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện đường lối đổi mới xã hội, trong đó có chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang thị trường. Đặc trưng chủ yếu của quá trình này là Đảng không được người dân bầu lên nên tính chính danh được đổi bằng quyền kinh tế, cụ thể hơn, quyền bầu được đổi bằng quyền sở hữu tài sản. Nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lênin khiến Đảng CS vẫn duy trì chế độ sở hữu toàn dân, đối nghịch với sở hữu tư nhân của kinh tế thị trường. Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối cho nên nhà nước, chính phủ, quốc hội là sự phân công, phân nhiệm lãnh đạo trong khi kinh tế thị trường đòi hỏi chế tam quyền phân lập: lập pháp, tư pháp và hành pháp….

Cần lưu ý rằng, về phương diện kinh tế, thị trường đã giải phóng các nguồn lực, không chỉ cứu sự sụp đổ của chế độ mà còn thúc đẩy tăng trưởng. Từ góc độ chính sách, Đảng cho đó là do sự lãnh đạo ‘sáng suốt’ của mình. Tuy nhiên, đó không phải là lời giải khoa học cho câu hỏi cơ bản là Đảng lãnh đạo kinh tế thị trường như thế nào trong quá trình chuyển đổi từ hơn 30 năm nay.

‘Xu hướng ‘ly khai’

Hãy từ cách tiếp cận trên để quan sát vận động của nhà nước dưới chế độ đảng toàn trị không khó để nhận thấy mâu thuẫn giữa bản chất chế độ và thị trường có thể dẫn đến nhiều hệ quả, trong đó xu hướng ‘ly khai’ giữa ba nhánh của nhà nước, nghĩa là phân tách ngày càng rõ của ‘việc phân quyền’, ngày càng rõ rệt, và làm lung lay ‘sự lãnh đạo thống nhất’ của Đảng. Thực tế chỉ ra rằng chính phủ, cơ quan hành pháp, điều hành kinh tế luôn bị ràng buộc, một bên,  bởi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và, bên kia, bởi các công cụ thị trường. Ranh giới mong manh một khi bị phá vỡ sẽ tạo nên bất ổn không chỉ kinh tế vĩ mô, mà cả thể chế.

Từ nhiệm kỳ Đại hội 12 chính sách kinh tế thực dụng được thực thi, theo tôi, là sự lựa chọn thích nghi, nhưng không thể là giải pháp lâu dài. Kinh tế thị trường có sức cám dỗ mạnh mẽ đối với quyền lực, đòi hỏi một cơ chế giám sát quyền lực hữu hiệu ở tất cả các cấp, trung ương cũng như địa phương. Tuy nhiên, thực tế trong giai đoạn bất ổn đã cho thấy, thiếu cơ chế giám sát cần thiết khiến các quan chức, khi ‘gần gũi, trực tiếp’ với thị trường luôn có ưu thế và cơ hội ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn’ để chiếm đoạt giá trị, lợi ích, tài sản trong môi trường thiếu hoặc luật pháp mâu thuẫn, chồng chéo. Các nhóm lợi ích hình thành và lan rộng, chi phối chính sách, tạo ra phe cánh và mạng lưới bảo trợ chính trị. Đây là quá trình mà Đảng nhận định là các biểu hiện ‘tự diễn biến, tự chuyển hoá’, hay cụ thể hơn là ‘sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên’.

‘Tự kiểm soát quyền lực’

Thừa nhận sự tha hoá quyền lực đang diễn ra nghiêm trọng, ‘đe doạ sự tồn vong của chế độ’, Đảng đang nỗ lực tự kiểm soát quyền lực, trước hết là phát động và đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng. Dù số lượng quan chức tha hoá bị trừng phạt có thể là ‘không giới hạn’ và ‘không có vùng cấm, thì giải pháp này cũng chỉ là ‘phần ngọn’, khi Đảng coi đó là cách ‘ta tự đánh ta’ hay ‘tự lấy đá ghè chân mình’. Bởi vậy, chống tham nhũng luôn khó khăn, phức tạp, tốn kém công sức và chi phí.

Thứ đến, Đảng chỉnh đốn tổ chức và cán bộ khi cho rằng công tác này có ý nghĩa quyết định. Một triết lý cai trị, rằng Việt Nam cũng giống nhiều quốc gia khu vực Đông Á, ‘vốn có truyền thống’ tổ chức quyền lực nhà nước thống nhất, trung ương kiểm soát chặt chẽ địa phương, khác biệt với chế độ tam quyền phân lập và dân chủ ở phương Tây. Khi đó, quyền lực cần được kiểm soát bởi ‘một hạt nhân trung tâm’ và “đức trị” sẽ là chiến lược được ưu tiên, trong đó phẩm chất ‘sự gương mẫu, liêm chính’ của quan chức được đề cao. Bởi vậy, Đảng cần tạo ra ‘cơ chế trọng và chọn người tài’.

Image en ligne

Hình minh hoạ. 200 uỷ viên Trung ương đảng chụp hình nhân bế mạc đại hội 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016 AFP
Cái triết lý trên, theo GS F. Fukuyama, có cội nguồn từ kiểu nhà nước phong kiến tập quyền, điển hình là Trung Quốc ‘giữ truyền thống’, đang vận dụng cho chế độ đảng cộng sản toàn trị. Việt Nam có chế độ chính trị tương đồng, dõi theo với chính sách ‘dò đá qua sông’. Các nước Đông Á, Đông Nam Á khác đã chuyển đổi sang chế độ dân chủ từ nhiều thập kỷ trước. Ngoài ra, chế độ đảng toàn trị chỉ duy trì chế độ trách nhiệm giải trình nội bộ, thiếu công khai, minh bạch và việc kiểm soát quyền lực sẽ tuỳ thuộc vào vai trò của lãnh tụ, không phải chỉ uy tín và năng lực, mà trước hết là quyền lực của ông ta ‘tuyệt đối’ đến đâu. ‘Nguỵ vương’ luôn là vấn đề thách thức cho chế độ tập quyền, thậm chí có thể dẫn đến độc tài.

Trung Quốc là bài học?

Triết gia chính trị người Anh ở thế kỷ 17, Thomas Hobbes đã khái lược mô hình nhà nước mạnh, được gọi là “chuyên chế Leviathan”, trái ngược với ‘vô chính phủ, nhằm kiểm soát tình trạng hỗn loạn: ‘tất cả chống lại tất cả’, đảm bảo an ninh và loại bỏ những bất công xã hội.
D. Acemoglu và J. Robinson, đồng tác giả của cuốn “Tại sao các Quốc gia Thất bại”, đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, đã nghiên cứu thực tế thể chế của các quốc gia và khái quát một số mô hình nhà nước khác, trong đó Đan Mạch là điển hình của nhà nước mạnh hiện đại khi sự vận hành của nó đảm bảo được ‘sự cân bằng tinh tế giữa quyền lực nhà nước và xã hội’ dựa trên nền tảng tự do và dân chủ.

Theo hai nhà khoa học trên, Trung Quốc có kiểu nhà nước Leviathan chuyên chế điển hình. Nước này có lịch sử phát triển giằng co giữa hai luồng tư duy cai trị: giữa Pháp gia, áp đặt kiểm soát lên người dân, và Nho giáo vốn chú trọng vào đạo lý vua tôi. Tuy nhiên, kiểu nhà nước ‘không bị ràng buộc’ này không bao giờ có thể bảo vệ người dân trước sự tuỳ tiện chuyên chế của chính nó và sự thành công về kinh tế nhất định có giới hạn. Bởi vậy, Trung Quốc sẽ bị sa lầy vì không thể phát triển thành một nền dân chủ.
Những gì đang diễn ra trên thế giới hiện nay đang chứng minh cho nhận định này. Cả thế giới đang phải đối phó với một Trung Quốc chuyên chế, trỗi dậy sau nhiều thập kỷ ‘giấu mình chờ thời’ để tăng trưởng kinh tế.

Suy cho cùng mục đích cải cách chính trị là biến quốc gia trở thành những xã hội thịnh vượng, ổn định, được quản trị tốt, thượng tôn luật pháp, dân chủ và tự do, tuy nhiên làm thế nào đạt được sự biến đổi đó luôn là câu hỏi nan giải.
Liệu bài học từ Trung Quốc có được thảo luận tại Đại hội 13? Tương đồng về ý thức hệ và thiếu truyền thống dân chủ Việt Nam liệu có ‘phép màu’ cải cách để tạo ra sự khác biệt?
Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội

Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét