Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Wang-Tai và những viên ngói nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - Nguyễn Đức Hiệp

alt
Năm 2004, khi tháo dỡ một số viên ngói bị hư ở Nhà thờ Đức Bà, thành phố Hồ Chí Minh, người ta thấy có dòng chữ đề xuất xứ ‘Wang-Tai Saigon’ trên mặt các viên ngói. Kí hiệu Wang-Tai là gì? Để hiểu được điều này, ta hãy đi về quá khứ để tìm hiểu một phần lịch sử của Sài Gòn.Các bài báo trong nước cho rằng có thể các viên ngói trên Nhà thờ Đức Bà có ký hiệu ‘Wang-Tai Saigon’ được sản xuất tại Sài Gòn sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai để thay thế các viên ngói từ thời Pháp đã bị hư hại. Tuy nhiên, sự thật lại không phải vậy. Chúng đã được sản xuất ở Sài Gòn khi nhà thờ được xây từ năm 1877 đến năm1880. <!>

Qua các tài liệu ở cuối thế kỷ 19 ở Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliotheque national), Wang-Tai (Vương Đại) là một nhân vật Hoa kiều sống ở Sài Gòn trong những năm đầu Pháp lấy các tỉnh miền Nam sau khi đánh chiếm Sài Gòn vào năm 1859.
Vương Đại vốn nổi tiếng trong các tác phẩm viết về Sài Gòn trong các thập niên 80, 90 của các tác giả người Pháp vì ông sở hữu ngôi nhà lớn và đẹp nhất ngay tại bờ sông ở cảng Sài Gòn (nay là bến Bạch Đằng).
Lúc bấy giờ, ngôi nhà đồ sộ này mang tên Maison Wang-Tai, được xây bằng gạch và còn lớn hơn cả dinh thống đốc – vốn chỉ là một căn nhà gỗ được mua ở Singapore và rồi ráp lại ở Sài Gòn. Năm 1880, ông đã bán lại ngôi nhà này cho chính quyền với giá 254,000 francs Pháp.
Từ nhà của Vương Đại về hướng cảng Sài Gòn, dọc theo rạch Bến Nghé là các xưởng làm gạch và ngói của ông. Trong các viên ngói đỏ hơn trăm năm tuổi trên nóc nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, có một số viên được làm từ các xưởng gạch của ông, số còn lại là nhập từ Pháp. 
alt

Vương Đại là ai?

Chi tiết về cuộc đời của Vương Đại không được ghi lại trong sử sách hay tư liệu nào bằng tiếng Việt mà chỉ có một số dữ liệu rải rác trong các văn kiện, sách tiếng Pháp.
Điều này cũng dễ hiểu vì ông là người Hoa sống ở miền Nam trong thời kỳ từ năm 1827 đến cuối thế kỷ 19, một thời kỳ có nhiều thay đổi lớn khi Pháp đánh chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ.
Trí thức, sĩ phu, triều đình phong kiến Việt Nam lúc ấy không để ý đến những vấn đề về kinh tế, thương mại và vả lại, cũng có rất ít người biết chữ Hán Nôm, còn chữ Quốc Ngữ thì chưa được phổ biến trong quần chúng nên họ không biết và viết về ông .
Vương Đại sinh vào tháng 12 năm 1827 tại Trung Quốc. Ông đến khu Sài Gòn – Chợ Lớn lập nghiệp vào năm 1858, một năm trước khi Pháp tấn công Sài Gòn.
Ông là một thương gia rất giàu có và thế lực, từng giữ chức bang trưởng bang Quảng Đông tại Sài Gòn thời bấy giờ..
Theo tư liệu ngân sách do chính phủ Pháp ở Sài Gòn in năm 1876, ông có ba căn nhà cho chính quyền Pháp mướn: một căn nhà ba tầng ngay cảng thương mại Sài Gòn, một căn nhà ở phố Triệu Quang Phục, Chợ Lớn làm văn phòng điện tín và một ở Bình Tây, Chợ Lớn làm bốt cảnh sát. 
Các xưởng gạch của ông sản xuất gạch tốt, phục vụ cho nhu cầu của người dân ở Sài Gòn và ở nhiều nơi trong khu vực Nam Kỳ. Trong cuộc triển lãm công nghiệp và nông nghiệp năm 1880, sản phẩm gạch của ông đã giành được huy chương bạc.
Ông cũng tham dự triển lãm quốc tế năm 1878 ở Paris với các sản phẩm đồ gốm được sản xuất ở Chợ Lớn.
Ngoài cơ sở sản xuất gạch, đồ gốm, Vương Đại còn có những thửa ruộng lớn được khai hoang ở Phước Lộc để trồng lúa. 
Bên cạnh đó,Vương Đại còn là một trong những chức sắc người Hoa được kính trọng nhất ở Sài Gòn vì ông không những đã có những cống hiến lớn lao cho cộng đồng mà cho cả chính quyền Pháp.. 
Trong một mẩu tin nhỏ trên tuần báo ‘Les tablettes colonials’ xuất bản tại Paris ngày 19/12/1888 có kể về tiệc sinh nhật của ông Vương Đại như sau: 
“…Những người con trai ông Vương Đại và gia đình của họ, những đồng hương và bạn bè của ông trong dịp lễ này đã mời các quí bà, quí ông người Pháp và người Âu ở Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh. Cộng đồng người Âu đã đáp lại lời mời ân cần này. Đèn đuốc, pháo bông, trình diễn kịch, hát tuồng… không thiếu thứ gì trong ngày buổi tiệc này…”

Sài Gòn xưa

Từ cuối thế kỷ 19, ở những khu phố chính của Sài Gòn như đường Catinat (Đồng Khởi), người Hoa đã có nhiều cơ sở kinh doanh hơn người Việt. 
Ngoài Vương Đại còn có các doanh nhân người Hoa giàu có khác như Apan, Atho… Cạnh tòa biệt thự của ông là dinh cơ của một người Hoa giàu có ở Sài Gòn trước thời Pháp thuộc. Người này có các tiệm vải, may đồ, hàng thủ công, sửa giày, sửa đồng hồ và hàng nhập ngoại mà ngay cả người Pháp cũng thường đến mua.
Còn vào ban đêm, các ngôi nhà đằng sau biệt thự ông lại trở thành các sòng bạc. Cửa hàng của người Hoa ở đường Catinat, đường Rigault de Genouilly dọc kinh chợ Vải, đường nối đến đường rue d’Adran (đường Hồ Tùng Mậu) thời xưa đều mở đến 9 giờ tối. Đường rue d’Adrian vốn là khu buôn bán tấp nập với nhiều cửa hàng của người Hoa, người Ấn, nằm kế Chợ Sài Gòn cũ. Khu chợ này nằm dọc kinh chợ Vải, nay gọi là chợ Cũ. 
Trong cuốn ’La Cochinchine française: la vie à Saïgon, notes de voyage’ xuất bản năm 1883, tác giả – ông Anatole Petiton- đã viết về Sài Gòn như sau:
“Khi đi tàu đến cảng Sài Gòn, du khách có thể thấy hai tòa nhà nổi bật là Nhà Rồng và nhà của ông Vương Đại, nằm chủ yếu ở giữa rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn.
altSaigon – Khách sạn Cosmopolitan, nhà ông Wang-Tai (Vương Đại)
 
Hầu như mọi người dân Sài Gòn đều biết đến ngôi nhà của Vương Đại. Ngôi nhà ba tầng rất lớn với cột cửa, vòm cong và mái hiên. Có thể nói nhà ông được coi như là trung tâm Sài Gòn.
Đây cũng là tòa đô chính của thành phố Sài Gòn và là nơi ở của ông thị trưởng. Ông thị trưởng quả là viên công chức được chu cấp chỗ ở tốt nhất.”
Cũng theo mô tả của ông Petiton thì ở Sài Gòn thuở xưa còn có cả người Ấn Độ và Malaysia sinh sống.
Số lượng người Malaysia ở Sài Gòn không nhiều và phần lớn họ làm nghề trông coi ngựa và lái xe ngựa thuê cho tư nhân.. Còn các xe ngựa công cộng, được gọi là xe Malabar, thì thường do những người Ấn Độ từ vùng bờ biển Malabar, Pondichéry hay từ Singapore lái..
Cộng đồng người Ấn Độ rất chăm chỉ làm lụng và tiết kiệm trong chi tiêu. Họ thường đeo đồ trang sức ở cổ, cổ tay, cổ chân và tất cả đều bằng vàng thật vì đối với họ, đồ trang sức giả bị cấm dùng.
Người Ấn Độ cũng chăn nuôi bò để lấy sữa. Ở Sài Gòn, ngay cả những thập niên đầu thế kỷ 20 vẫn còn có một số đàn bò thường ăn cỏ bên lề đường, công viên gần trung tâm thành phố do người Ấn nuôi.
Họ còn có một nghề đặc biệt nữa là thu mua ngoại tệ với tỉ giá cao hơn tỉ giá do chính phủ ấn định. Họ kết hợp việc làm ăn này với cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn vì người Hoa thường cần một số lượng tiền đồng lớn để mua nhiều gạo từ các tỉnh. Với thể lực tốt, họ còn thường được tuyển dụng làm cảnh sát. 
Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19 đã là thành phố toàn cầu với nhiều di dân và xã hội đa văn hóa. Tất cả những sắc thái, văn hóa, kiến trúc, ngôn ngữ, giai thoại mà những sắc dân đã để lại cho thành phố đã tạo nên đặc tính của người Sài thành: thực dụng, hòa hợp, trọng lẽ phải, tôn trọng sự khác biệt và ‘trọng nghĩa khinh tài’ của vùng đất Nam bộ.


 Nguyễn Đức Hiệp 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét