Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

VẠCH ĐƯỜNG CHỮ U: YÊU SÁCH CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG, 1946-1974 - CHRIS P.C.CHUNG

"...THDQ chính thức tạo ra đường này năm 1947, mà sau đó CHNDTH đã nhận lấy năm 1949. Mặc dù CHNDTH yêu sách chủ quyền đối với tất cả các đảo và thể địa lí có tranh chấp, họ vẫn giữ im lặng về những vùng biển cụ thể nào mà đường này yêu sách..." Bài viết này xem xét nguồn gốc, cách sử dụng và ý nghĩa của yêu sách đường chữ U của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) và của Trung Hoa Dân quốc (THDQ) trong tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông từ năm 1946 đến 1974. THDQ chính thức tạo ra đường này năm 1947, mà sau đó CHNDTH đã nhận lấy năm 1949. Mặc dù CHNDTH yêu sách chủ quyền đối với tất cả các đảo và thể địa lí có tranh chấp, họ vẫn giữ im lặng về những vùng biển cụ thể nào mà đường này yêu sách. <!>
Dựa trên các tài liệu lưu trữ quốc gia của THDQ về đường chữ U mà hầu như vẫn không được các học giả về vụ tranh chấp này sử dụng, bài viết này lập luận rằng đường này là một đường ranh giới “quy thuộc các đảo” ít ra là cho đến năm 1974. Nó chỉ yêu sách các đảo, các thể địa lí và các vùng biển liền kề nào đúng theo quan niệm đương thời trong luật biển quốc tế. Bài viết kết thúc với ý nghĩa hiện đại của lịch sử này và những gợi ý cho các con đường học thuật trong tương lai.

Từ khóa
Tranh chấp biển Đông, đường chữ U, đường chín đoạn, quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa

Tranh chấp biển Đông là một trong những vấn đề cấp bách nhất ở Đông Nam Á và là một trong những tranh chấp lãnh thổ phức tạp nhất trên thế giới. Sáu quốc gia—CHNDTH, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và THDQ (hay Đài Loan)–tranh nhau quyền kiểm soát một số hoặc toàn bộ quần đảo Trường Sa 南沙群島 (Nam Sa quần đảo), quần đảo Hoàng Sa 群西沙島 (Tây Sa quần đảo), quần đảo Pratas 東沙群島 (Đông Sa quần đảo), và bãi ngầm Macclesfield 中沙群島 (Trung Sa quần đảo), bao gồm hơn một trăm đảo, đá ngầm, và các bãi trên toàn biển Đông. Những đảo và thể địa lí này rất nhỏ, không ở được, nguy hiểm đổi với người đi biển thiếu cẩn trọng và chứa các tài nguyên kinh tế không đáng kể, nhưng chúng quan trọng theo những cách khác. Chúng nằm gần một trong những tuyến đường vận chuyển bận rộn nhất trên thế giới, vùng biển gần đó dồi dào hải sản và đáy biển có trữ lượng dầu và khí tự nhiên lớn.1 Đòi hỏi chính trị buộc các chính phủ tranh chấp phải kiên quyết duy trì yêu sách của họ đối với các quần đảo và vùng biển này. Nếu làm khác đi thì dễ có khả năng tự sát chính trị từ một công chúng tiêm nhiễm chủ nghĩa dân tộc và các đối thủ luôn chợp lấy cơ hội để tấn công. Lập trường cứng rắn, khiêu khích như bắt giữ ngư dân nước ngoài, và thậm chí xung đột bạo lực đều đã xảy ra như là hệ quả.

CHNDTH và THDQ đã đưa ra các yêu sách rộng lớn nhất đối với khu vực này. Yêu sách của cả hai đều được thể hiện bằng một đường ranh giới dấu vạch hình chữ U (đôi khi được gọi là đường 9 vạch) mà chính phủ THDQ ban đầu đã vẽ trên một bản đồ chính thức vào năm 1947 và công bố năm sau đó, có tên là Bản đồ Vị trí các đảo ở biển Đông 南海諸島位置圖(Nam hải chư đảo vị trí đồ - xem Bản đồ 1 ở Phụ lục). Đường này bao gồm hầu hết biển Đông. Tuy nhiên, CHNDTH không chính thức làm rõ đường này yêu sách những gì. Họ khẳng định quyền sở hữu đối với các quần đảo và các vùng biển “liền kề” và “ có liên quan” mà không xác định phạm vi địa lí và các quyền trên biển mà đường này trao cho Trung Quốc (TQ), dẫn đến nhiều tranh luận (CHNDTH, 2011: 1). Một số học giả, chẳng hạn như Li Jinming (Lí Kim Minh) và Zhao Lihai (Triệu Lí Hải), cho rằng đường này là một đường “quy thuộc các đảo”, chỉ phân định yêu sách đối với các đảo, thể địa lí tranh chấp và các vùng biển liền kề xuất phát từ quan niệm của luật pháp quốc tế lúc đó (Li, 2011: 60-61 ; Zhao, 1996: 38).2 Những người khác, chẳng hạn như Fu Kuenchen (Phó Côn Thành), Huang Wei (Hoàng Vĩ), Wu Shicun (Ngô Sĩ Tồn), và Gao Zhiguo (Cao Chi Quốc) cùng Jia Bingbing (Giả Binh Binh), khẳng định rằng đường đó phân định vùng biển “quyền lịch sử”. Điều này trao quyền duy nhất cho việc khai thác kinh tế, thăm dò và nghiên cứu khoa học, bảo tồn môi trường và xây dựng các đảo nhân tạo và các kiến trúc trên tất cả các vùng biển nằm trong đường chữ U, dựa trên cơ sở về vị trí thống trị của TQ trong lịch sử (Fu, 1995: 35-42, 210; Huang, 2011; Wu, 2013: 81-82; Gao và Jia, 2012: 108-10, 123-24). Mặc dù Phó Côn Thành dùng thuật ngữ “vùng biển có tính lịch sử đặc biệt” 特殊的歷史性水域 (đặc thù đích lịch sử tính thủy vực), ông cũng ủng hộ cùng các quyền trên.

Sự mơ hồ chính thức của CHNDTH đối với ý nghĩa của đường chữ U giữ vai trò quan trọng trong việc làm tranh chấp kéo dài. Không có giải pháp có ý nghĩa nào có thể xuất hiện nếu trước tiên không rõ CHNDTH yêu sách những gì. Sự không chắc chắn cũng khiến các nước Đông Nam Á và báo chí giả định điều tồi tệ nhất: CHNDTH yêu sách độc quyền trong việc khai thác và thậm chí trong việc điều tiết việc qua lại trên hầu hết biển Đông, như một vùng biển lịch sử khổng lồ (Thanh Niên News, 2013; Calica, 2013).3 Công hàm của Philippines của ngày 5 tháng 4 năm 2011, chẳng hạn, phản đối yêu sách của CHNDTH trên cơ sở rằng đường này vạch ra ranh giới các ‘vùng biển liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển’ của CHNDTH (Đặng và Nguyễn, 2012: 42; Chính phủ Philippines, 2011a). Việc các nước này chọn các biện pháp phòng vệ như tăng thêm vũ khí, lập liên minh và khuyến khích Hoa Kì can dự vào khu vực này đã báo động CHNDTH khiến họ tin rằng các cường quốc nước ngoài đang âm mưu kiềm chế họ. Do đó, CHNDTH đã leo thang các biện pháp cứng rắn.

Bài viết này xem xét nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa của đường chữ U trong một nỗ lực để làm rõ sự mơ hồ này. Nó làm như vậy bằng cách phân tích các bằng chứng lưu trữ xung quanh sự hình thành của bản đồ đường chữ U chính thức từ năm 1946 đến 1948 và cách THDQ và CHNDTH sử dụng nó kể từ đó. Những hồ sơ lưu trữ này, đặt tại Đài Bắc, hầu như vẫn chưa được các nghiên cứu về đường chữ U bằng tiếng Trung hay tiếng Anh sử dụng. Nhiều hồ sơ trong số này đã được giải mật vào năm 2008 và 2009. Chúng biện minh mạnh mẽ cho lập trường quy thuộc đảo như cách CHNDTH sử dụng đường này lúc đầu.

Ba bộ tài liệu lưu trữ được xem xét cấu thành hầu hết, nếu không phải là toàn bộ, những tài liệu được viết trong quá trình hình thành đường chữ U: Cục Lịch sử và Dịch thuật quân sự của Bộ Quốc phòng 國防部史政編譯局 (quốc phòng bộ sử chánh biên dịch cục), Bộ Nội chính 内政部, và Bộ Ngoại giao 外交部.4 Cục Lưu trữ Quốc gia THDQ của Hội đồng Phát triển Quốc gia 國家發展委員會檔案管理局 (Quốc gia phát triển ủy viên hội, Đương án quản lí cục) giữ hai bộ sưu tập đầu, trong khi Phòng lưu trữ của Viện Lịch sử hiện đại thuộc Academia Sinica 中央研究院 (Viện Nghiên cứu trung ương) giữ bộ thứ ba.

Một số điểm về thuật ngữ phải được nêu ra. Thứ nhất, từ “Trung Quốc” trong bài viết này dùng chỉ chính phủ đại diện chính thức của nước này trên thế giới tại thời điểm đang nói: chính quyền nhà Thanh trong triều đại nhà Thanh (1644 đến 1912), THDQ trong thời kì Cộng hòa (1912 đến năm 1971, khi THDQ mất ghế tại Liên Hiệp Quốc),5 và CHNDTH từ năm 1971 trở đi. Các tên gọi “CHNDTH” và “THDQ” sẽ được dùng khi cần chỉ cụ thể. Thứ hai, bài viết này sẽ chỉ sử dụng các hệ thống La - tinh không bính âm khi nêu các tác giả hoặc hình ảnh mà tên pháp lí hoặc tên ưa chuộng không được viết bằng bính âm. Bài sẽ dùng chữ Trung dạng truyền thống, ngoại trừ tên và tiêu đề của các công trình được viết bằng tiếng Trung giản thể. Thứ ba, tất cả các bản đồ được thảo luận trong bài viết có thể tìm thấy trong Phụ lục. Thứ tư, “vùng biển quyền lịch sử”, là một thuật ngữ có tính khái niệm. Nó dùng để chỉ các khu vực biển mà các nước sở hữu “các quyền lịch sử” đối với chúng, như một số học giả lập luận. Nó không xuất hiện trong Công ước Luật biển của Liên hiệp quốc (UNCLOS), mảng chính yếu của luật biển quốc tế hiện nay (Liên hiệp quốc, 1982). Cuối cùng, thuật ngữ “quyền lịch sử” tập trung chuyên biệt vào bốn chủ đề: khai thác kinh tế, nghiên cứu khoa học, xây dựng các đảo nhân tạo và các kiến trúc, và bảo vệ môi trường. Tất cả các học giả về quyền lịch sử đều đồng ý về tính trung tâm của chúng.

Thoạt nhìn, Phó Côn Thành và Ngô Sĩ Tồn có vẻ ủng hộ các quyền lịch sử bao gồm nhiều hơn bốn chủ đề này. Phó Côn Thành ủng hộ “quyền kiểm soát giao thông trên biển và trên không” trong đường chữ U 航海, 航空交通管制的權利 (hàng hải, hàng không giao thông quản chế đích quyền lợi) (Fu, 1995: 210). Tương tự như vậy, Ngô Sĩ Tồn biện minh cho quyền chỉ định các tuyến đường” 航道劃定 (hàng đạo hoạch định) trong các vùng biển quyền lịch sử này (Wu, 2013: 81-82 ).

Tuy nhiên, cả hai tách biệt nghiêm ngặt các vùng biển quyền lịch sử với các khu vực biển vốn trao cho sự kiểm soát toàn diện. Sử dụng các khái niệm pháp lí quốc tế tương tự, hai ông giới hạn việc điều tiết đối với luồng giao thông nào vi phạm bốn chủ đề quyền lịch sử.

Phó Côn Thành khẳng định rằng các vùng biển quyền lịch sử không phải là vùng nội thuỷ hay lãnh hải, một phần vì TQ chưa từng phản đối việc đi lại của nước ngoài ở đó (Fu, 1995: 34-38). Nội thuỷ kéo dài từ đường cơ sở của một quốc gia ven biển về phía đất liền.6 Quốc gia có tất cả các quyền đối với cột nước, đáy biển và không phận ở đó như đối với lãnh thổ trên đất liền, chẳng hạn như loại trừ việc đi lại của nước ngoài. Lãnh hải kéo dài 12 hải lí (nm) từ đường cơ sở của một nước ra phía biển.7 Tàu và máy bay nước ngoài chỉ có thể đi qua chúng nếu việc đi qua của chúng liên tục và “vô hại”, nghĩa là nó “không ảnh hưởng đến hòa bình, trật tự hay an ninh của nước ven biển.” Nếu không, quốc gia sẽ giữ các quyền điều tiết quan trọng, chẳng hạn như chỉ định các tuyến đường biển để đảm bảo an toàn cho giao thông thủy (Liên Hiệp Quốc, 1982: Điều 17-22).

Tương tự, Ngô Sĩ Tồn khẳng định rằng các quyền lịch sử của TQ không phải là

loại chủ quyền độc quyền hoàn toàn và bao gồm mọi thứ... cũng không phải [loại chủ quyền] thuần không độc quyền.... Nội dung của các quyền [lịch sử] phải được [làm cho] cho quyền tương tự tương ứng của vùng đặc quyền kinh tế [EEZ] áp dụng được và được kết hợp theo lịch sử. (Wu, 2013: 81-82).

Nói cách khác, Ngô Sĩ Tồn lập luận rằng nội dung của các quyền lịch sử tương tự như các quyền vốn có trong vùng đặc quyền kinh tế. Các bên yêu sách phải sử dụng lịch sử để xác định áp dụng các quyền lịch sử ở đâu.

Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) là khu vực biển từ các đường cơ sở của một quốc gia ven biển kéo dài ra phía biển tới 200 hải lí. Các đặc quyền của EEZ giống hệt với bốn chủ đề quyền lịch sử: quyền một mình khai thác tài nguyên, thực hiện nghiên cứu khoa học và thăm dò, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, xây dựng các đảo và kiến trúc nhân tạo (Liên hiệp quốc, 1982: Điều 55, 75).

Điều 58 của UNCLOS giới hạn quyền hạn điều tiết giao thông đối với các quyền này. Nó trao quyền tự do đi lại và bay ngang qua trong vùng biển quốc tế cho tất cả tàu thuyền và máy bay nước ngoài đi xuyên qua EEZ, miễn là chúng “tôn trọng thích đáng” đến các quyền và nghĩa vụ của nước ven biển ở đó (LHQ, 1982: Điều 58).

Cách Ngô Sĩ Tồn tương tự hoá mở rộng phạm vi áp dụng hạn chế này sang các vùng biển quyền lịch sử.

Có khả năng là Ngô Sĩ Tồn nối kết việc điều tiết giao thông quyền lịch sử với cách diễn giải của TQ về EEZ. Một cách diễn giải phi quy ước: điều tiết các tàu quân sự nước ngoài tiến hành các hoạt động quân sự. Ví dụ, ngày 8 tháng 3 năm 2009, năm tàu CHNDTH đã phá rối tàu USNS Impeccable thực hiện các hoạt động thám sát quân sự và chạy ngang qua EEZ đảo Hải Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Ma Zhaoxu (Mã Triêu Húc) đã lên án tàu thám sát này vì [đã] tiến hành các hoạt động trong đặc khu kinh tế của TQ ở biển Đông mà không có sự cho phép của TQ (Tân Hoa Xã, 2009). Tuy nhiên, quan điểm này không phải là trọng tâm trong bốn chủ đề quyền lịch sử. Nó chỉ cho thấy cách nhìn của Ngô Sĩ Tồn về việc điều tiết giao thông theo quyền lịch sử gắn liền với cách diễn giải pháp lí bị tranh cãi trong vùng biển quốc tế (high seas).

Các nước khẳng định quyền điều tiết hoạt động quân sự trong EEZ, như Ấn Độ, Myanmar, Indonesia, Bồ Đào Nha và TQ, thường cho rằng các hoạt động quân sự “không nhằm mục đích hòa bình”. Vì vậy, các hoạt động này lạm dụng quyền tự do trên vùng biển quốc tế mà Điều 58 của UNCLOS trao cho (Kraska và Pedrozo, 2013: 238-40, Rahman và Tsamenyi, 2013: 324-28, Zou, 2002: 459-68). Cách tương tự hoá của Ngô Sĩ Tồn áp dụng cách diễn giải này dành cho vùng biển quốc tế vào vùng biển quyền lịch sử yêu sách.

Chủ quyền và sự phát triển ở các đảo biển Đông sau Thế chiến thứ hai

Các tài liệu lưu trữ xưa nhất được xem xét trong bài viết này được viết vào năm 1946, đánh dấu sự tiếp tục lại cuộc tranh giành các đảo ở biển Đông. Sự chiếm đóng thời chiến của Nhật Bản đối với các quần đảo này chỉ đình hoãn cuộc tranh đua trước đó trong thập niên 1930 giữa Pháp, Nhật Bản và THDQ lại (Granados, 2008: 132-40; Samuels, 1982: 55-64). Ngay sau chiến tranh, THDQ đã quyết tâm “khẳng định lại” và “bảo vệ” chủ quyền của mình đối với các đảo này khỏi “sự xâm phạm” của nước ngoài. Ngày 25 tháng 9 năm 1946, đại diện Bộ Ngoại giao (MOFA), Bộ Nội chính, Bộ Quốc phòng, và Bộ tổng tư lệnh hải quân 海軍總司令部 (NHQ) họp tại Bộ Nội chính để giải quyết một số vấn đề liên quan đến các đảo ở biển Đông (MOFA, loạt hồ sơ 019.3/0012, hồ sơ 097 và 098). Biên bản liệt kê từng vấn đề và nghị quyết đã được nhất trí. Chủ đề đầu tiên, quan trọng nhất, xác định phạm vi những gì THDQ sẽ yêu sách ở biển Đông:

Những vấn đề quyết nghị:

1. Phương án phân định phạm vi những gì phải nhận [từ Nhật Bản] nhằm mục đích tái thu hồi [bản gốc ghi “tiếp thu”] từng đảo ở biển Đông như thế nào.

Quyết nghị: Theo đúng phạm vi như được thể hiện trong Bản đồ sơ lược vị trí các đảo ở biển Đông 南海諸島位置略圖 (Nam hải chư đảo vị trí lược đồ) của Bộ Nội chính vẽ đệ trình lên. Viện Hành chính kiểm tra và phê duyệt [phạm vi] xong, ra lệnh cho chính quyền tỉnh Quảng Đông tuân thủ [và thực hiện].

(MOFA, loạt hồ sơ 019.3/0012, hồ sơ 097)

決議事項: 1. 接收南海各島應如何劃定接收範圍案. (quyết nghị sự hạng:1. tiếp thu Nam hải các đảo ứng như hà hoạch định tiếp thu phạm vi án)

決議: 依照内政部擬製之「南海諸島位置略圖」所示範圍呈由. 行政院令廣東省政府核定遵照.

(quyết nghị: y chiếu Nội chánh bộ nghĩ chế chi “Nam hải chư đảo vị trí lược đồ” sở thị phạm vi trình do. Hành chính viện hạch định lệnh Quảng Đông tỉnh chính phủ tuân chiếu)

Việc sử dụng hai lần động từ “tiếp thu” 接收 phản ánh quan điểm của THDQ rằng các đảo này vốn của họ. Họ đòi lại chúng từ Nhật Bản vừa mới đầu hàng.

Đoạn văn này truyền tải rõ ràng quan điểm của chính phủ THDQ về đường chữ U. Nó trưc tiếp dẫn chiếu về chỉ duy nhất Bản đồ sơ lược về vị trí các đảo ở biển Đông—Bản đồ đường chữ U năm 1946 dẫn đến phiên bản chính thức năm sau (Bản đồ 2 trong Phụ lục)— mà thôi khi phân định khu vực nằm dưới chủ quyền của TQ.8 Tuy nhiên, toàn bộ khu vực trong đường chữ U không phải là lãnh thổ của THDQ. Đoạn văn trên chỉ đơn thuần xác định các đảo sẽ được lấy lại: “phương án phân định phạm vi những gì phải nhận [từ Nhật Bản] nhằm mục đích tái thu hồi [bản gốc ghi “tiếp thu”] từng đảo ở biển Đông như thế nào” (thêm chữ nghiêng) (“接收南海各島應如何劃定接收範圍案: tiếp thu Nam hải các đảo ứng như hà hoạch định tiếp thu phạm vi án”). Không hề có đề cập nào về các vấn đề liên quan đến vùng biển xung quanh các đảo. Sáu quyết nghị còn lại của hội nghị liên quan đến nhũng chi tiết khác về các đảo, như biểu hiện thực tế về chủ quyền của TQ hoặc phê chuẩn cách dịch tên của các đảo này (MOFA, loạt hồ sơ 019.3/0012, hồ sơ 097 và 098).

Nói cách khác, đường chữ U được tạo ra chỉ để phân định chủ quyền của TQ đối với đất cát trên các đảo và các thể địa lí khác.

Nghị quyết này được thông qua vào cuối năm 1946, khi sĩ quan chỉ huy THDQ Lin Zun (Lâm Tuân) và thuyền trưởng Yao Ruyu (Diêu Nhữ Ngọc) chỉ huy một số chuyến đi của hải quân để chính thức “lấy lại” các đảo biển Đông từ Nhật Bản. Mặc dù bị dời lại nhiều lần vào giữa tháng 11 do giông bão, các đảo chính vẫn được bảo đảm đi tới vào tháng sau đó. Quân đội THDQ đã đổ bộ lên đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa ngày 28 tháng 11 năm 1946 và đảo Ba Bình (Itu Aba) của quần đảo Trường Sa ngày 12 tháng 12 năm 1946 (MHTO, loạt hồ sơ 0035/061.8/3030, hồ sơ 002/001/0002 và 002/003/0002; MOI, loạt hồ sơ 0036/E41502/1, hồ sơ 0005/007/0001; MHTO, loạt hồ sơ 0036/002.2/4022, hồ sơ 001/001/0005).

Những chuyến đi này tạo dựng thêm cơ sở cho đường chữ U chính thức năm 1947. Việc “tái chiếm” các đảo này dẫn đến các cuộc thảo luận của chính phủ về sự cần thiết phải thể hiện rõ ràng và bảo vệ chủ quyền đối với các đảo. Các báo cáo tình hình—các cuộc điều tra về các đảo mô tả tọa độ địa lí, địa hình, thảm thực vật, tài nguyên, nhân sự, xây cất, lịch sử và hầu như luôn luôn có khuyến nghị cho các hành động trong tương lai— bắt đầu kêu gọi tăng cường đóng quân và xây dựng trên các đảo. Ví dụ, Báo cáo về Trinh sát quần đảo Hoàng Sa ở biển Đông 南海西沙群島勘察報告書 (Nam hải Tây sa quần đảo khám sát báo cáo thư), do Bộ Tổng tư lệnh Không quân THDQ 空軍總司令部 lập và đưa ra ngày 25 tháng 12 năm 1946, khuyến nghị phái thêm nhân viên hải quân để bảo vệ các đảo (MHTO, loạt hồ sơ 0035/944/1060, hồ sơ 001/001/0007). Ngày 4 tháng 2 năm 1947, Báo cáo về Trinh sát quần đảo Trường Sa ở biển Đông 南海南沙群島勘察報告書(Nam hải Nam sa quần đảo khám sát báo cáo thư) lưu ý rằng “ hải quân TQ đã phái một trung đội lính đến đóng quân trên đảo và lập đài quan sát thời tiết và đài vô tuyến để ngăn chặn người nước ngoài thèm muốn, xâm nhập và chiếm đóng các đảo” (MHTO, loạt hồ sơ 0035/944/1060, hồ sơ 001/002/0007). Báo cáo này khuyến nghị xây một đường băng máy bay dài 1 200 mét trên đảo Ba Bình và dự kiến biến quần đảo này thành một chuỗi “các căn cứ đảo ở biển Đông, giống như các căn cứ của Mĩ ở Thái Bình Dương” (MHTO, loạt hồ sơ 0035/944/1060, hồ sơ 001/002/0007).

Chính phủ THDQ đã sớm tổ chức các phiên họp toàn thể để thảo luận về kế hoạch phát triển các hòn đảo nhằm “giữ an toàn” quốc phòng. Bộ Quốc phòng đã gửi một báo cáo- Đề án về Tăng cường phòng thủ và xây dựng cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa để bảo đảm bảo vệ chủ quyền [đối với quần đảo] và Tăng cường năng lực quốc phòng 加強建設西沙群島力保主權而固國防案 (Gia cường kiến thiết Tây sa quần đảo lực bảo chủ quyền nhi cố quốc phòng án)—của một cuộc họp như vậy tới Viện Hành chính ngày 14 tháng 6 năm 1947. Báo cáo này khuyến nghị tăng sự hiện diện quân sự của THDQ tại các đảo biển Đông bằng cách đóng quân “ở bất cứ chỗ nào có thể đóng được trong hai quần đảo này”; bảo vệ ngư dân “từ đảo Hải Nam đến các đảo” đánh cá; “xây dựng vững chắc” các ngọn đèn biển, trạm thời tiết và đài vô tuyến; cải thiện phương tịện nước và thực phẩm; quyết định hệ thống quản trị các đảo; điều tra một số khía cạnh của các đảo như chất lượng đất, thời tiết, tài nguyên biển và quản trị để trợ giúp sự phát triển của các cơ sở ở đó; và tổng kết nghiên cứu về các đảo nhằm lí giải quyền chủ quyền của TQ và gây ấn tượng đối với người dân TQ về tầm quan trọng của chúng (MHTO, loạt hồ sơ 0035/061.8/3030, các hồ sơ 005/012/0009 đến 0011). THDQ theo đuổi việc đóng quân và phát triển các đảo biển Đông để cho thế giới thấy rằng các đảo này là của họ, những hành động dẫn đến việc ban hành chính thức đường chữ U.

Những hồ sơ này một lần nữa hậu thuẫn mạnh mẽ cho quan điểm đường quy thuộc đảo. Chúng tập trung hầu hết vào các vấn đề liên quan đến đất cát trên đảo. Mặc dù các kế hoạch phát triển đó chưa bao giờ hoàn thành vì Nội chiến TQ (1946-1950), nhưng THDQ vẫn cố gắng khẳng định quyền sở hữu đối với các lãnh thổ đất của các quần đảo với mục đích rõ ràng là “thu hồi”, phô trương và bảo vệ chủ quyền của mình đối với người nước ngoài (Granados, 2006a: 173-74). Không thể nói điều tương tự cho các vùng biển xung quanh các đảo. Cả hai báo cáo đều không hề nêu chút gì đến các kế hoạch bảo vệ của hải quân trên một vùng biển cụ thể rộng lớn dưới bất kì hình thức nào. Chỉ có hai ngoại lệ hiếm hoi về sự thiếu vắng các vấn đề biển trong các tài liệu lưu trữ. Ngoại lệ thứ nhất là việc tổ chức các cuộc tuần tra của hải quân để bảo vệ nguồn tiếp tế cho binh lính trú đóng trên các đảo, có vai trò khác biệt với các cuộc tuần tra được tổ chức để bảo vệ một vùng biển (MHTO, loạt hồ sơ 0035/061.8/3030, hồ sơ 005/012/0010). Những cuộc tuần tra này chỉ đơn giản là để hộ tống các tàu tiếp tế. Ngoại lệ thứ hai là việc bảo vệ ngư dân TQ. Ví dụ, như Đề án về Tăng cường phòng thủ và xây dựng cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa để bảo đảm bảo vệ chủ quyền chủ trương, chính phủ THDQ phải “thực hiện việc nhập cư [đến các đảo] cho ngư dân từ Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đánh cá thường xuyên hay theo mùa, và cung cấp sự bảo vệ tốt hơn cho giấy phép đánh cá của họ” (MHTO, loạt hồ sơ 0035/061.8/3030, hồ sơ 005/012/0010). Để “cung cấp sự bảo vệ tốt hơn cho giấy phép đánh cá của họ”, hải quân THDQ phải đảm bảo rằng không có ai thách thức các hoạt động của ngư dân.

Mặc dù các báo cáo này không xác định phạm vi chính xác các vùng biển đánh cá được hải quân THDQ bảo vệ, chỉ có “ngư dân từ Hải Nam đi đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để đánh cá” phải được bảo vệ (“對於我國... 來往西南沙群島捕水產之瓊州漁民應加保護獎助” [đối ư ngã quốc... lai vãng Tây Nam sa quần đảo bộ thủy sản chi Quỳnh châu ngư dân ứng gia bảo hộ tưởng trợ]. Quỳnh châu 瓊州 là tên cũ của đảo Hải Nam). Đoạn văn này, cùng với việc THDQ chuyên chú vào đất đai trên các đảo, chỉ ra một cách mạnh mẽ rằng ngư dân TQ luôn ở gần các đảo này và không thường xuyên mạo hiểm ra vùng rộng mở của biển Đông. Giải thích này ăn khớp với quan niệm lúc đó của THDQ về các vùng biển. Tại Hội nghị luật hoá ở Hague năm 1930, cuộc họp quốc tế cuối cùng để thảo luận về việc tiêu chuẩn hóa phạm vi lãnh hải trước khi các bản đồ đường chữ U được tạo ra, THDQ đã ủng hộ vùng lãnh hải 3 hải lí và vùng biển tiếp giáp 12 hải lí bên ngoài nó (Koh, 1987: 7-8). Chính phủ THDQ đã chính thức áp dụng lãnh hải 3 hải lí năm 1931, vùng tiếp giáp 12 hải lí năm 1934 và cho phép đánh bắt cá trong cả hai vùng này mặc dù hội nghị chưa từng đạt được sự đồng thuận (Chiu, 1975: 38-41; Granados, 2006a: 167). THDQ không ủng hộ vùng biển nào khác ngoài hai loại vùng biển này cho đến khi khái niệm về vùng thềm lục địa lần đầu tiên được thảo luận quốc tế trong Công ước Liên hiệp quốc năm 1958. Việc không nêu rõ phạm vi bảo vệ ngư dân trong bất kì tài liệu lưu trữ nào, đặc biệt là những tài liệu tập trung vào tăng cường bảo vệ và phát triển quần đảo của THDQ, làm suy yếu bất kì lập luận nào cho rằng THDQ vào thời điểm này có quan điểm về quyền lịch sử.

Khó tin rằng biên bản phiên họp tháng 9 năm 1946, các bản tóm tắt của các phiên họp khác được triệu tập về vấn đề này, cùng các báo cáo tình hình trong những bộ hồ sơ lưu trữ THDQ lại bỏ sót những bàn luận, nếu có, về một vùng biển đặc biệt đồ sộ như đường chữ U. Hai mục đích rõ rệt của các tài liệu và cuộc họp này là, thứ nhất, xác định phạm vi địa lí của những gì là của TQ, và thứ hai, xác định những khu vực nào sẽ được phát triển và làm như thế nào, với mục đích có chủ ý là khẳng định và “bảo vệ” chủ quyền của TQ. Ngoài ra, hội nghị tháng 9 năm 1946 đã loại bỏ một khả năng khác: khả năng về một vùng biển quyền lịch sử có thể xuất phát từ đất liền chứ không phải từ các đảo biển Đông, do đó giải thích vì sao không thấy có các dẫn chiếu tới các vùng biển đặc biệt trong các tài liệu lưu trữ. Như bản tóm tắt hội nghị tháng 9 năm 1946 cho thấy, THDQ cố tình tạo ra và sử dụng đường chữ U để bao gồm hết mọi thứ liên quan đến các đảo.

Không thể tách vùng biển quyền lịch sử khỏi các đảo, vì các vùng biển này được thể hiện bởi đường chữ U mà sự tồn tại của chúng dựa trên các thể địa lí đảo. Bất kì vùng biển có tính lịch sử nào như được phân cách bằng đường chữ U đều phải xuất phát từ các đảo biển Đông, như bất kì cuộc thảo luận nào về ý tưởng này cũng phải như vậy. Ngay cả các tác giả ủng hộ yêu sách quyền lịch sử, như Phó Côn Thành và Hoàng Vĩ, cũng gián tiếp thừa nhận điều này, vì họ luôn khẳng định rằng đường này thể hiện và thực thi một vùng biển ngoài việc thể hiện chủ quyền của TQ đối với các đảo (Fu, 1995: 204. ; Huang, 2011).

Tương tự, kế hoạch phát triển tài nguyên biển ngay sau khi đường chữ U hình thành cũng tập trung độc nhất vào các đảo. Tháng 3 năm 1950, Cục quản lí Thủy sản Hải Nam chuyển một báo cáo cho NHQ, có tên là Kế hoạch thí điểm của Cục quản lí Thủy sản Hải Nam về việc phát triển nguồn lợi biển ở quần đảo Hoàng Sa 海南特區水產管理局西沙群島水產開發試驗計劃 (Hải Nam đặc khu thủy sản quản lí cục Tây sa quần đảo thủy sản khai phát thí nghiệm kế hoạch). Kế hoạch này đề xuất 4 mục tiêu trong việc mở rộng khai thác tài nguyên ở vùng biển quanh các đảo. Ba mục tiêu đầu là tiến hành khai thác các loại động vật biển hữu ích; giảm bớt ngư dân thất nghiệp bằng cách tiếp tục lại việc phát triển tài nguyên biển; và “hiểu rõ” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và lập kế hoạch phát triển trong tương lai. Mục tiêu thứ tư, bao gồm 4 điểm, một số được liệt kê dư thừa: tăng doanh thu, nuôi dưỡng tài nguyên biển, cải thiện cơ sở hạ tầng của đảo,9 và thực hiện kế hoạch hoạt động của Cục quản lí Thủy sản Hải Nam cho các đảo. Kế hoach cũng dự kiến các quỹ và thiết bị cần thiết cho đề xuất này, các điều kiện đầu tư và kế hoạch liên lạc vô tuyến giữa ngư dân và các đảo (MHTO, loạt hồ sơ 0035/061.8/3030, hồ sơ 007/013/0011 đến 0014). Đề xuất trên không đề cập đến việc bảo vệ ngư dân TQ hay một vùng biển đặc biệt nào sẽ được hải quân THDQ thực thi. Hai mục tiêu đầu tiên không nói gì đến khu vực đánh cá cụ thể. Ngược lại, mục tiêu thứ ba và thứ tư chỉ và lặp lại đề cập đến sự phát triển các vùng đất trên các đảo sao cho hậu thuẫn được việc đánh bắt cá gần đó. Kế hoạch chỉ đơn thuần vạch ra một sự tăng cường việc khai thác tài nguyên biển chứ không phải mở rộng phạm vi địa lí của việc khai thác đó.

Đúng là gần như toàn bộ lực lượng hải quân của TQ đóng quân trên các đảo biển Đông đã được chuyển về Đài Loan vào tháng 6 năm 1949, đề phòng một cuộc xâm lược có thể xảy ra của CHNDTH. Tuy nhiên, vẫn còn một sự hiện diện quân sự nhỏ trên các đảo cho đến tháng 5 năm 1950, hai tháng sau khi Kế hoạch thí điểm được soạn thảo (Granados, 2006a: 160, 162). Sự sụt giảm này không thể dùng để giải thích cho việc không có các ranh giới được xác định rõ về quyền tài phán và bảo vệ biển trong kế hoạch. Ngày 12 tháng 4 năm 1950, NHQ đã gửi một điện tín cho Cục quản lí Thủy sản Hải Nam đề nghị một số điều chỉnh trong Kế hoạch thí điểm. Một điều chỉnh đề xuất rằng 5% lợi nhuận sẽ chuyển vào quỹ phúc lợi của các đơn vị hải quân cung cấp trợ giúp cho các đảo cũng như “phần thưởng” cho binh lính đồn trú (“盈利部分提百分之五應改爲海軍協助單位福利金及駐島官兵犒賞費) (MHTO, loạt hồ sơ 0035/061.8/3030, hồ sơ 007/014/0002 đến 0003). Nguồn của những khoản lợi nhuận này, mặc dù không xác định, có khả năng là từ sự phát triển của các đảo, do mục đích của điện tín là đề xuất các điều chỉnh cho kế hoạch tháng 3. THDQ hiển nhiên vẫn còn tin tưởng vào sự phát triển của các đảo trong tương lai và khả năng của quân đội trong việc bảo vệ chúng.

Các phản đối ngoại giao của THDQ được thực hiện sau khi công bố đường chữ U hậu thuẫn thêm cho lập luận quy thuộc các đảo. THDQ chỉ phản đối “hành vi xâm phạm” chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đất của các đảo, chứ không phải đối với các vùng biển của chúng. Một ví dụ cho thấy một sự phân biệt rõ ràng giữa đất trên các đảo và quyền tài phán trên biển cùng tầm quan trọng của chúng đối với chính phủ THDQ như sau:

Ngày 13 tháng 4 năm 1949, Đại sứ THDQ Chen Chih-Ping (Trần Chí Bình) nêu với Felino Neri, thứ trưởng ngoại giao Philippines, vấn đề về các bài báo cho biết chính phủ Philippines đã có kế hoạch phái thiếu tướng HQ Jose Andrada đi kiểm tra đảo Ba Bình. Đặc biệt có một bài báo nêu rằng “một số thành viên nội các đề nghị rằng người của họ được khuyến khích định cư ở đó [trên đảo Ba Bình] chuẩn bị cho việc đưa ra yêu sách về việc sáp nhập nhóm đảo này vào Philippines, nếu cần, như một biện pháp an ninh.” Trần Chí Bình yêu cầu xác nhận tính xác thực của các phát biểu này và nhấn mạnh rằng “đảo Taiping [Thái Bình, tức là Ba Bình] là lãnh thổ của THDQ”. Thư trả lời của Neri vào ngày 11 tháng trấn an Trần Chí Bình rằng không có lí do để lo lắng: “Trong cuộc họp đó, Nội các chỉ đơn thuần thảo luận về sự cần thiết phải bảo vệ cho ngư dân Philippines đang hoạt động ở vùng biển xung quanh Ba Bình nhiều hơn (MOFA, loạt hồ sơ 019.3/013, các hồ sơ 038 và 039).

Cả hai thư của Trần Chí Bình và Neri đều chỉ ra rằng đất trên đảo mới là mối quan tâm chính của chính phủ THDQ. Trần Chí Bình lo lắng rằng nội các Philippines đã cho phép tiến hành một cuộc điều tra đảo Ba Bình và thảo luận về việc định cư ngư dân Philippines ở đó, do đó, “xâm phạm” vào chủ quyền của THDQ. Neri nhận ra mối quan tâm của Trần Chí Bình, và thông qua [cụm] từ “chỉ đơn thuần” ông đã phủ nhận tính đúng đắn của các bài báo. Tuy nhiên, Neri rõ ràng nghĩ rằng sự hiện diện của ngư dân Philippines “hoạt động ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình”—ngay trong phạm vi giới hạn được mô tả bởi đường chữ U—không phải là vấn đề. Ông không hề đề cập đến quyền tài phán trên biển, mà có lẽ ông coi là một vấn đề tương đối tầm thường.

Trần Chí Bình không hề phúc đáp thư trả lời của Neri, điều này cho thấy lời giải thích của Philippines đã làm THDQ hài lòng. THDQ không đưa ra bất kì phản đối ngoại giao nào đối với Philippines liên quan đến các vấn đề chủ quyền ở khu vực biển Đông mãi cho đến cuối tháng 5 năm 1956, sau khi một công dân Philippines, Thomas Cloma, chính thức tuyên bố về việc thành lập Kalayaan, hay “Vùng đất Tự Do” (Freedomland) trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa trước báo chí Philippines và thế giới vào ngày 15 tháng 5 (Samuels, 1982: 82).10THDQ đã phản ứng bằng cách tổ chức 3 đoàn đi thu hồi quần đảo Trường Sa từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 24 tháng 9 năm 1956—quân lính THDQ đóng trên các đảo trước đó đã được rút về để phòng thủ Đài Loan trước một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Cộng sản (Samuels, 1982: 84). Nói tóm lại, đối với THDQ, chính các đảo chứ không phải việc loại trừ ngư dân nước ngoài khỏi vùng biển xung quanh mới là mặt chính yếu của các quần đảo ở biển Đông. THDQ không coi vùng biển trong đường chữ U như là cách cung cấp các quyền đặc biệt.

Giống như Freedomland, “Vương quốc Nhân đạo” (Kingdom of Humanity) cũng là một mối đe dọa nước ngoài cho “chủ quyền của TQ” đối với các đảo. Mặc dù công dân Mĩ Morton Meads trong tư cách cá nhân tìm cách thành lập một quốc gia độc lập trên một phần của quần đảo Trường Sa bị hầu hết cộng đồng quốc tế coi là kì quái hoặc hài hước—hải quân và không quân Philippines tìm kiếm vương quốc này bằng cách sử dụng tọa độ do Meads cung cấp cho thấy không kết quả—THDQ lại coi vụ việc này theo cách nghiêm túc (MOFA, loạt hồ sơ 019.3/0003, hồ sơ 045 đến 046). Ngày 9 tháng 7 năm 1955, Chow Shu-Kai (Chu Thư Khải), đại sứ lâm thời (charge d'affaires) của THDQ ở Manila, đã thông báo với phó tổng thống Philippines Carlos Garcia kiêm ngoại trưởng Philippines, rằng THDQ

đang tiến hành [một] cuộc điều tra tại vùng biển xung quanh quần đảo Spratley [sic (dư chữ ‘e’)] (Trường Sa) liên quan đến việc cái gọi là “Vương quốc Nhân đạo” vi phạm lãnh thổ TQ. Theo thông tin phát ra từ “Lãnh sự” tại Manila của “Vương quốc” vừa nói [tức là Meads11], Lãnh thổ của “Vương quốc” có vẻ được phân định bao gồm cả nhóm đảo Trường Sa, vốn cấu thành một phần lãnh thổ của THDQ. Do đó, Chính phủ TQ đã khởi xướng hành động tiến hành [một] cuộc điều tra tại khu vực nói trên với mục đích xác định liệu “Vương quốc” đã nói có thực hiện hành vi xâm phạm quyền lãnh thổ của THDQ hay không. Hết sức trân trọng khi ngài vui lòng báo cho cấp thẩm quyền thích hợp của Chính phủ Philippines về mục đích này. (MOFA, loạt hồ sơ 019.3/0003, hồ sơ 077)

Phát biểu này không cấu thành một phản đối ngoại giao trực tiếp với Manila, vì Meads hành động trên danh nghĩa cá nhân. Chu Thư Khải chỉ đơn giản là thông báo cho Garcia về hoạt động của hải quân TQ tại Trường Sa do thông tin về Meads mà họ nhận được từ Philippines. Tuy nhiên, đó có thể là một cảnh báo gián tiếp, vì cựu thượng nghị sĩ Philippines Camilo Osias công khai tin rằng vương quốc này tồn tại và Philippines nên thiết lập quan hệ ngoại giao với nó (MOFA, loạt hồ sơ 019.3/0003, hồ sơ 046). Osias là chính trị gia đáng kể duy nhất ở nước này coi yêu sách của Meads nghiêm túc. Chu Thư Khải có thể có ý can ngăn Philippines sáp nhập vương quốc này với việc nhắc lại yêu sách của TQ đối với quần đảo Trường Sa. Trong mọi trường hợp, trọng tâm lại chỉ là lãnh thổ đất trên các đảo. Dù cuộc điều tra của THDQ tiến hành ở vùng biển xung quanh các đảo, mục đích của nó vẫn là đảm bảo rằng chủ quyền của THDQ đối với các đảo không bị xâm phạm và ngăn chặn các xâm nhập thêm nữa của người nước ngoài.

Nhật Bản cai quản quần đảo Biển Đông và chuyển giao cho TQ sau chiến tranh

Việc Nhật Bản chuyển giao chủ quyền các đảo cho TQ sau Thế chiến thứ hai phô ra một số khả năng có thể làm suy yếu cách nhìn về đường quy thuộc các đảo.12 Cho tới ngày 30 tháng 3 năm 1939, Nhật Bản đã cho quân chiếm đóng các quần đảo Pratas, Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày hôm sau, Nhật chính thức tuyên bố thành lập Shinnan Guntō 新南群島 (Tân Nam quần đảo), một khu vực cai quản bao gồm một phần của Trường Sa và được sát nhập dưới quyền tỉnh Đài Loan (Granados, 2008: 138). Các tài liệu lưu trữ của THDQ về các đảo biển Đông có chứa một bản đồ của chính quyền này. Ranh giới của nó là đường nét liền và bao bọc một khu vực biển đáng kể. Bảy góc của nó có tọa độ địa lí cụ thể, nằm trong phạm vi 7°-12° N và 111°-117° E (MOFA, loat hồ sơ 019.3/0012, hồ sơ 066).13 Ranh giới đó bao bọc vùng biển của quần đảo Tân Nam, có vẻ hợp lí khi nói điều này chỉ ra rằng vùng biển đó được trao một số quyền độc quyền trên biển. Tuy nhiên, không có tài liệu bằng văn bản trực tiếp xác minh giả định này.

Tuy nhiên, dù bản chất của ranh giới của quần đảo Tân Nam là gì, việc Nhật Bản chuyển giao quyền cai quản thời chiến các đảo này cho TQ sau chiến tranh khó có thể có đóng góp gì vào vùng biển quyền lịch sử quyền như đường chữ U phân định. Nếu ranh giới của quần đảo Tân Nam chỉ đơn giản biểu thị một đường quy thuộc các đảo thì trước nhất sẽ không có vùng biển nào để giao lại cho THDQ khi TQ tiếp thu lại tỉnh Đài Loan sau chiến tranh. Nếu ranh giới của quần đảo Tân Nam quả thật biểu thị một khu vực biển thì điều này đã bị mất trong chuyển giao cho TQ sau chiến tranh. Quần đảo Tân Nam góp phần vào sự hình thành của đường chữ U là do các đảo mà nó bao gồm chứ không phải do nó trao cho một vùng biển được phân định. Như một lệnh điện tín do Bộ Ngoại giao gửi cho NHQ ngày 5 tháng 8 năm 1946, chỉ ra rằng, THDQ chỉ đơn thuần chuẩn bị lấy lại những đảo của quần đảo Tân Nam mà THDQ nghĩ lúc đầu là của họ. Họ tìm cách làm rõ liệu chúng có chính là các đảo trong bãi Tizard hay quần đảo Đoàn Sa 團沙群島 (MOFA, loạt hồ sơ 019.3/0012, hồ sơ 014).14 Vào tháng 12 năm 1946, THDQ đã bỏ tên gọi Đoàn Sa và gộp khu vực này vào Nam Sa hoặc quần đảo Trường Sa (MOFA, loạt hồ sơ 019.3/0013, hồ sơ 030).

Báo cáo lập từ điện tín này đã liệt kê các đảo riêng lẻ và đưa ra những mô tả chung về chúng, không đề cập đến bất kì vùng biển nào. Báo cáo này kết luận rằng Đoàn Sa chỉ cấu thành một phần của quần đảo Tân Nam, có nghĩa là hai nhóm đảo này không là một (MOFA, loạt hồ sơ 019.3/0012, các hồ sơ 014, 016 đến 019). Bên cạnh việc THDQ chỉ chú tâm vào các đảo, những hồ sơ này cho thấy họ không quan tâm đến việc kế thừa quyền cai quản quần đảo Tân Nam. Thay vào đó, THDQ đã tìm cách khôi phục lại cái mà họ nghĩ là khu vực cai quản trước chiến tranh của Đoàn Sa bằng việc lấy lại những đảo nào của quần đảo Tân Nam mà trùng với Đoàn Sa. Các hồ sơ này loại bỏ đi lập luận cho rằng THDQ thừa hưởng vùng biển được phân định bởi các ranh giới của quần đảo Tân Nam.

Mục tiêu chính của THDQ trong việc khôi phục khu vực cai quản Đoàn Sa trước chiến tranh chỉ ra mạnh mẽ đặc tính quy thuộc các đảo của đường chữ U theo một cách khác. Không có ranh giới biển chính thức nào của TQ phân định chủ quyền đối với các vùng biển tồn tại trong khu vực các đảo trước Thế chiến thứ hai, kể cả khu vực cai quản Đoàn Sa và các yêu sách của các triều đại trước đó mà nó dựa vào.15 Do đó, TQ không có vùng biển quyền lịch sử nào để thừa kế sau chiến tranh. Các bản đồ tiền thân của đường chữ U có từ thập niên 1910 đến thập niên 1930, nhưng chính phủ THDQ chưa bao giờ chính thức chấp nhận cho công bố. Hu Junjie (Hồ Tấn Tiếp), một nhà vẽ bản đồ TQ, đã vẽ bản đồ đầu tiên như vậy vào năm 1914, chỉ bao gồm quần đảo Pratas và Hoàng Sa. Các bản đồ khu vực này chủ yếu tiếp tục kiểu dáng này cho đến giữa thập niên 1930. Năm 1935, Ủy ban Thẩm tra Bản đồ biển và đất của THDQ 水陸地圖審查委員會(Thuỷ lục địa đồ thẩm tra uỷ viên hội) đã tạo ra Bản đồ các đảo TQ ở biển Đông 中國南海各島嶼圖 (Trung quốc nam hải các đảo tự đồ). Nó đặt rìa cực nam của ranh giới biển của TQ ở vĩ độ 4° N, như vậy gom luôn quần đảo Trường Sa và bãi cạn James vào. Bai Meichu (Bạch Mi Sơ), một nhà địa lí học nổi tiếng khác của TQ, đã vẽ bản đồ đáng chú ý cuối cùng ngay trước Chiến tranh Trung-Nhật năm 1936, Bản đồ ranh giới biển mở rộng về phía Nam của TQ 海疆南展後之中國全圖 (Hải cương nam triển hậu chi Trung quốc toàn đồ). Bản đồ này không chứa đường biên giới (Zou, 2007: 88-89).

Các ghi chép từ triều đại nhà Thanh chỉ ra rằng TQ không yêu sách hoặc thực thi sự thống trị lâu dài các vùng biển ở trung tâm biển Đông như cần phải có để biện minh cho vùng biển quyền lịch sử.16 Sách vở thời này chỉ đề cập thưa thớt, ngắn gọn về các đảo, và chỉ đơn thuần cho thấy rằng TQ có biết về sự tồn tại của chúng. Một ví dụ là Hải quốc văn kiến lục 海國聞見錄 (Ghi chép về các điều mắt thấy tai nghe về các nước ngoài biển) của Chen Lunjiong (Trần Luân Quýnh), một bản tóm tắt chính thức về địa lí, địa điểm và các tuyến đường biển đến nhiều vương quốc nước ngoài. Hoàn thành vào năm 1730, nó là công trình đầu tiên thời nhà Thanh có đề cập đến các đảo:

[Đi thuyền] một mình trong biển lớn Thất Châu 七州大洋 (Thất Châu đại dương):17 Chỗ khởi đầu của biển này nằm ngoài khơi [đảo Hải Nam]. Nước biển ở đây sống động và đong đưa. Có một dãy núi đánh dấu chỗ khởi đầu của biển Thất Châu 七州洋 (Thất Châu dương).18 Đi thuyền theo hướng chính xác của la bàn và với gió mạnh nhưng đều đặn. Cần từ 6 đến 7 ngày để vượt qua [biển Thất Châu ], sau đó có thể thấy Tiebiluo 呫嗶囉 [Chiếp Tất La, cù lao Chàm ngày nay], nằm ngoài khơi Quảng Nam 廣南 [Việt Nam]. Đi về phía đông, sẽ gặp 犯 (phạm) Vạn Lí Trường Sa 萬里長沙 [quần đảo Hoàng Sa ] và Thiên Lí Thạch Đường 千里石塘 [Trường Sa]. Phía tây là những dòng chảy đổ vào vịnh Quảng Nam [vịnh Bắc Bộ]. Không thể rời khỏi khu vực này nếu không có gió tây. (Chen, 1984: 120)

Trần Luân Quýnh chỉ đơn giản mô tả vị trí các đảo, dùng chúng như các cột mốc trên tuyến đường biển, và các hướng cần thiết để đi tới đó. Tuy nhiên, không có ý định đi tới các đảo này. Trần Luân Quýnh chỉ lưu ý rằng nếu một người đi lạc về phía đông chệch khỏi tuyến đường mà ông mô tả, thì sẽ “phạm” vào các đảo này. Chữ tiếng Trung tương ứng, 犯 (phạm), thường biểu thị “tính bất hợp pháp”, “xâm phạm”, và “vi phạm” chỉ ra rằng nhà Thanh coi các đảo đó là những địa điểm cần tránh. Tất cả sách vở thời nhà Thanh sau đó có đề cập đến các đảo biển Đông đều lặp lại trọng tâm về mô tả của Trần Luân Quýnh, như Yan Ruyou (Nghiêm Như Tập), Dương phòng tập yếu 洋防輯要 (Những điều cốt yếu về phòng thủ biển) năm 1838 và Hải quốc đồ chí 海國圖志 (Sách bản đồ các nước ngoài biển) năm 1847 (Samuels, 1982: 40). Không có đề cập nào về sự thống trị trên vùng biển xung quanh các đảo.

Cẩm nang phòng thủ hải quân và biên niên sử hải hành nhà Thanh, không hề coi những quần đảo này là khu vực được thuỷ quân nhà Thanh tuần tra, thường cảnh báo người đi biển tránh xa chúng. Ví dụ, cuốn Quảng Đông hải phòng vị lãm 廣東海防彙覽 (Tóm lược về phòng vệ biển của Quảng Đông) của Lu Kun (Lư Khôn) và Deng Tingzhen (Đặng Đình Trinh), hoàn thành năm 1838, viết về những “nguy hiểm cao độ” 極險 (cực hiểm) sẽ gặp phải khi đi lệch vào khu vực này (Lu và Deng, 2009: 969). Hải lục 海錄 (Ghi chép về biển) của Yang Pingnan (Dương Bỉnh Nam), được viết vào năm 1844, đặc biệt sống động:

Tàu thuyền đi lạc vào [Vạn lí Trường Sa 萬里長沙, hay Hoàng Sa] không quay trở lại được do những bãi cát nổi này. Nhiều tàu bị phá hủy ở đây. Người đi biển gặp phải tình cảnh bất hạnh này không có lựa chọn nào khác ngoài việc nằm ôm các tấm ván [tức là các mảnh vỡ nổi lên của tàu bị đắm] và trôi lênh đênh nhiều ngày về phía bãi cát... Về phía nam của biển Thất Châu là Thiên lí Thạch đường 千里石塘 [Trường Sa]. Ở đây, có sóng kinh khiếp và dữ dội. Nếu tàu thuyền đi lạc vào khu vực này thì sẽ bị đập vỡ thành từng mảnh. (Yang, 1984: 265-66).

Chỗ cạn, bão và gió và dòng chảy đổi hướng thường xuyên có thể đẩy thuyền về phía các đảo cùng các thể địa lí ngầm là đặc trưng cho khu vực này, khiến Dương Bỉnh Nam nhận xét rằng tàu thuyền lạc vào đó không thể thoát ra (Cơ quan tình báo không gian địa lí quốc gia Hoa Kì, 2004: 3-14). Người đi biển đã biết về những nguy hiểm này trong nhiều thế kỉ. Như Granados và Samuels lưu ý, các tuyến đường giao thương chính đã tránh xa trung tâm nhiều nguy cơ của biển Đông (Granados, 2006b; Samuels, 1982: 3). Tuyến đường được sử dụng nhiều nhất bám lấy bờ biển phía đông nam TQ và phía đông Việt Nam, xuôi về phía nam tới bờ biển Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Việc thiếu vắng sự thống trị trong lịch sử đối với hầu hết biển Đông làm suy yếu bất kì khẳng định nào về việc chuyển giao chủ quyền có thể dẫn đến một vùng biển quyền lịch sử trong đường chữ U.

Đặc điểm hình thể của đường chữ U

Một chủ đề khác đáng để xem xét kĩ càng liên quan đến dáng vẻ và đặc điểm hình thể của đường chữ U trong 3 thể hiện chính của nó: hai phiên bản 1946 và 1947 của Bản đồ sơ lược vị trí của các đảo biển Đông và Bản đồ vị trí các đảo biển Đông chính thức năm 1947, bản đồ chính thức này sau đó được công bố vào năm 1948 (xem Bản đồ 1, 2 và 3 phần Phụ lục). Cách vẽ đường này hậu thuẫn cho kết luận rằng đó là một đường quy thuộc các đảo chứ không phải là vùng biển quyền lịch sử.

Các học giả TQ thường nói rằng đường chữ U là để đánh dấu các vị trí cách đều giữa TQ và các quốc gia lân cận. Như Li Jinming (Lí Kim Minh ) và Li Dexia (Lí Đức Hà) lưu ý, Wang Xiguang (Vương Tích Quang ), một quan chức THDQ giúp hình thành đường chữ U, khẳng định rằng “đường ranh giới quốc gia nhiều chấm được vẽ như là trung tuyến giữa TQ và các quốc gia lân cận” (Li và Li, 2003: 290). Một đường cách đều bờ biển của các nước yêu sách cùng vùng biển này có thể làm nghĩ tới một ranh giới biển. Một đường như vậy là một trong nhiều phương pháp thỏa hiệp cơ bản giữa các khu vực chủ quyền biển tranh chấp lúc bấy giờ. Quả vậy, các khoảng cách giữa phần cực đông nam của quần đảo Trường Sa, đường chữ U và đảo Borneo cùng với đảo Palawan, gần như bằng nhau trên bản đồ đường chữ U. Tuy nhiên, nguyên tắc cách đều này không thể hiện trên hầu hết đường chữ U, như giữa bãi ngầm Macclesfield và Philippines và giữa phần cực đông quần đảo Trường Sa và bờ biển phía đông nam Việt Nam (xem Bản đồ 1, 2 và 3 phần Phụ lục). Trong những trường hợp này, khoảng cách từ đường chữ U đến thể địa lí đất gần nhất thì ngắn hơn hoặc dài hơn nhiều so với khoảng cách tới phía đối diện thuộc cùng một đoạn trên đường chữ U. Do đó, khẳng định rằng đường chữ U là ranh giới trên biển do nó sử dụng nguyên tắc cách đều là có vấn đề.

Ngoài ra, hầu như tất cả các học giả về tranh chấp biển Đông đều nhìn lướt không để ý đến một đặc điểm đáng chú ý khác. Trên cả 3 bản đồ đường chữ U, có một phần dễ bỏ sót rẻ ra từ đường chính nằm giữa mũi phía nam của đảo Palawan của Philippines và bắc Borneo (xem Bản đồ 1, 2 và 3 phần Phụ lục).19 Phần này được đính vào và vẽ theo kiểu cách giống hệt với phần chính của đường, sử dụng một loạt các dấu chấm, vạch và trong 2 bản đồ 1947 có sử dụng các vòng tròn không trọn vẹn. Như vậy nhánh này biểu thị điều gì thì có thể nói cả phần chính của đường chữ U cũng biểu thị như thế.

Nhánh này của đường chữ U rõ ràng không vạch ra ranh giới trên biển. Nó kéo dài về phía đông tới và vượt khỏi biên giới của Philippines và bắc Borneo, như được quy định trong hiến pháp Philippines năm 1935. Theo chính phủ Philippines, biên giới quốc gia bắt nguồn từ “Ranh giới theo Hiệp ước của Philippines”, dựa trên ba hiệp ước: Hiệp ước Paris giữa Tây Ban Nha và Hoa Kì ngày 10 tháng 12 năm 1898; Hiệp ước Washington giữa Tây Ban Nha và Hoa Kì ngày 7 tháng 11 năm 1900 và “Công ước giữa Hoa Kì và Anh phân định biên giới giữa quần đảo Philippines và quốc gia Bắc Borneo”, ngày 2 tháng 1 năm 1930. Hiệp ước cuối này là hiệp ước gần đây nhất và có liên quan liên quan nhất đến biên giới giữa Bắc Borneo và Philippines (Bautista, 2011: 37-39).20

Có thể thừa nhận rằng biên giới được thiết lập bởi hiệp ước này có vẻ chỉ là một đường quy thuộc các đảo. Nó thiết lập “cái đường dùng phân cách các đảo thuộc quần đảo Philippines phía này và các đảo thuộc bang Bắc Borneo nằm dưới sự bảo hộ của Anh phía kia” (Chính phủ Philippines, 1930). Hiệp ước đó không định ra “các vùng biển” thuộc bất kì loại nào. Chỉ đến năm 1961, chính phủ Philippines mới chính thức tuyên bố rằng lãnh hải của nước này nằm giữa đường cơ sở thẳng và biên giới do “Ranh giới theo Hiệp ước của Philippines” định ra (Chính phủ Philippines, 1961).

Tuy nhiên, nếu như biên giới được công ước 1930 định ra chỉ chỉ ra các đảo của Philippines và Borneo chứ không phải các vùng biển của họ thì kết luận này cũng vẫn đúng. Như Tommy Koh lưu ý, trong hơn 100 năm trước Thế chiến thứ hai, Anh là nước cổ vũ cho khái niệm giới hạn 3 hải lí cho lãnh hải (Koh, 1987: 9). Anh liên tục cố gắng để duy trì phạm vi này trừ khi đã đồng ý khác đi trong các thỏa thuận đặc biệt với các quốc gia khác. Hai tháng sau Công ước Mĩ- Anh năm 1930, Anh nhắc lại lập trường này trong Hội nghị Luật hóa ở Hague (Koh, 1987: 7-8). Hội nghị quốc tế này là hội nghị đầu tiên và cuối cùng thuộc loại hình này tìm cách thống nhất phạm vi vùng biển của một quốc gia trước khi các bản đồ đường chữ U được tạo ra. Tuy nhiên, nhánh đường chữ U đang bàn, không phản ánh biên giới biển đã xác lập lâu dài đó. Theo tỉ lệ do ba bản đồ đường chữ U cung cấp, nhánh đường chữ U giữa Borneo thuộc Anh và Philippines nằm cách bờ biển gần nhất của một trong hai quốc gia này khoảng 25 km hay 13,5 nm, vượt xa mốc 3 hải lí (xem Bản đồ 1, 2 và 3 trong Phụ lục). Ranh giới theo Hiệp ước của Philippines dù có biểu thị một vùng biển vào năm 1946 và 1947 hay không là không quan trọng. Trong trường hợp nào, nhánh đường chữ U này không giống với bất kì ranh giới biển hoặc tuân theo nguyên tắc nào được công nhận trước đây trong khu vực, dù bởi Hoa Kì, Anh hoặc Philippines.

Ngược lại, có thể cho rằng THDQ đã vẽ nhánh này của đường chữ U chỉ để xác định chỗ mà lãnh thổ của Philippines kết thúc và chỗ mà lãnh thổ của Borneo bắt đầu. Hai nước này sở hữu những đảo nằm gần nhau, đặc biệt là ba đảo có thể nhìn thấy trên bản đồ chữ U: Balabac, Banggi và Balambangan (xem Bản đồ 1, 2 và 3 phần Phụ lục). Đường chữ U đã phân cách chính xác các đảo của Philippines như được xác lập theo công ước 1930. Ngoài ra, nhánh này của đường chữ U, không kéo dài theo chiều vĩ tuyến vượt quá nửa phía tây của bề rộng của đảo Palawan. Lí do nó bị cắt ngắn và không bao trọn có thể giải thích được một cách tốt nhất bằng quan tâm chính của THDQ là việc biểu thị đảo nào là của ai qua đường chữ U theo quan điểm của TQ. Việc nhánh này rẻ ra từ phần thân chính của đường chữ U chỉ được kéo dài vừa đủ để đáp ứng cho một mục đích có ích: tránh nhầm lẫn trong bản đồ. Lập luận này một lần nữa cũng hậu thuẫn cho quan điểm đường quy thuộc các đảo. Chuyển vào phần chính của đường chữ U, ý đồ chính yếu nêu trên sẽ giải thích đặc biệt là những phần cách đều các vùng đất nằm ở cạnh nhau, như giữa các đảo biển Đông với Palawan và Borneo, ở đó hai nhóm này nằm gần với nhau và phải được chia ra vì mục đích phân định.

Tuyên bố Truman năm 1945 và vùng thềm lục địa

Sẽ không thuyết phục khi lập luận rằng các hồ sơ lưu trữ không nói đến một khu vực biển lịch sử xung quanh các đảo chỉ vì các loại vùng biển chưa được chuẩn hóa theo quốc tế mà chỉ được coi như là phần mở rộng tự nhiên của đất liền và do đó không đáng để nói đến. Mặc dù Hội nghị Luật hóa Hague năm 1930 không tạo ra một tiêu chuẩn quốc tế về lãnh hải, nhưng các nước sau đó đã đơn phương quy định biên giới biển. Ví dụ, ngày 28 tháng 9 năm 1945, Hoa Kì đưa ra “Tuyên bố của Tổng thống Hoa Kì số 2667, Chính sách của Hoa Kì đối với Tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất dưới đáy biển và thềm lục địa.” Tài liệu này, còn được biết dưới tên Tuyên bố Truman năm 1945, đã phá vỡ tiền lệ trong luật pháp quốc tế qua việc đơn phương tuyên bố bảo vệ việc đánh bắt cá mở rộng và khu vực thềm lục địa (Chính phủ Hoa Kì, 1945). Một số quốc gia khác cũng theo sau, như Ả Rập Saudi và Kuwait năm 1949; Chile, Ecuador và Peru năm 1952; Israel năm 1953; Iran năm 1955; và Venezuela năm 1956 (Suarez, 2008: 28-29). Xu hướng này đã dẫn đến công ước về thềm lục địa trong Hội nghị Liên hiệp quốc đầu tiên về Luật biển, được tổ chức tại Geneva vào ngày 29 tháng 4 năm 1958 (Suarez, 2008: 29). Chắc chắn không có việc các nước không quan tâm đến việc xác định phạm vi vùng biển của họ trong khoảng thời gian đường chữ U được tạo ra.

THDQ cũng không ngoại lệ. Nước này chính thức công bố phạm vi ranh giới biển vào năm 1931 và 1934, trước khi tạo ra đường chữ U. Tuy nhiên, một vùng biển quyền lịch sử đồ sộ như khu vực trong ranh giới hình chữ U sẽ phá vỡ tiền lệ biên giới hiện tại của THDQ và toàn thế giới. Đường này được tạo ra vào thời điểm mà ý tưởng về thềm lục địa—chưa nói đến một khu vực biển lịch sử lớn hơn nữa—vẫn còn là một cuộc cách mạng trong luật pháp quốc tế. Với mức độ chi tiết tuyệt đối có trong các báo cáo tình hình, kế hoạch phát triển và tóm tắt hội nghị xác định phạm vi của đường chữ U như đã biết, nếu như khái niệm về vùng biển có tính lịch sử là cái mà THDQ dự tính với đường chữ U thì THDQ đã không để vấn đề này “mất ý nghĩa” đi.

Tuy nhiên, kết luận của Phó Côn Thành, và của Cao Chi Quốc và Giả Binh Binh, rằng đúng là đường chữ U biểu thị các vùng biển lịch sử bởi vì đó chính là Tuyên ngôn Truman của chính THDQ, là có vấn đề (Fu, 1995: 204; Gao và Jia, 2012: 103, 109).21 Ba tác giả này không cung cấp bằng chứng cho thấy sự trùng hợp giữa hai điều này suy theo theo nhân quả. Họ chỉ đơn thuần cho rằng nó phải như vậy. Tuy nhiên, các quan chức tạo ra đường chữ U, đã tiến hành vẽ như vậy không hề xét tới Tuyên ngôn Truman. Các tài liệu lưu trữ của THDQ—quan trọng nhất là những tài liệu chi tiết hoá việc định ra chính xác đường chữ U—không hề đề cập đến Tuyên ngôn Truman, thềm lục địa, phạm vi của các vùng biển đánh cá, và thậm chí rất hiếm cái tên Hoa Kì. Phó Côn Thành cũng như Cao Chi Quốc và Giả Binh Binh cũng bỏ qua logic trong Tuyên bố Truman và tất cả các yêu sách tương tự của các nước khác: yêu sách vùng biển bên trong thềm lục địa của nước mình (Suarez, 2008: 28-29). Hầu hết các vùng biển mà đường chữ U phân định, đặc biệt là vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa, đã vượt khỏi thềm lục địa của TQ quá xa. Hơn nữa, THDQ đã không chính thức tuyên bố ủng hộ và mặn mòi với khái niệm khu vực thềm lục địa vào lúc các bản đồ đường chữ U được tạo ra. THDQ chỉ ủng hộ lãnh hải 3 hải lí và vùng tiếp giáp 12 hải lí (Chiu, 1975: 38). Chỉ khi tham gia soạn thảo và kí Công ước Geneva năm 1958, gần một thập kỉ sau khi tạo ra đường chữ U, THDQ mới chính thức chấp nhân khái niệm thềm lục địa lần đầu tiên. Và mãi đến ngày 12 tháng 10 năm 1970 chính phủ THDQ mới phê chuẩn nó (Liên Hiệp Quốc, 1964).

Bên cạnh việc không yêu sách về vùng biển quyền lịch sử, không có gì cho thấy THDQ đã cố tìm cách thực thi các vùng biển như vậy trên khắp biển Đông. Hải quân Hoa Kì vào thời gian này nắm giữ vị trí tối thượng trong các vùng biển của biển Đông. Hoạt động hải quân của THDQ trong khu vực này vào năm 1946 và 1947 chủ yếu chỉ hạn hẹp trong các chuyến đi đổ bộ, tiếp tế cho quân trú đóng và bảo vệ một khu vực đánh cá hạn chế. Chính phủ THDQ có nhiều vấn đề cấp bách hơn để chú tâm, đứng đầu trong số đó là cuộc Nội chiến TQ. Khi cuộc chiến dâng lên cao trào không thể đảo ngược nghiêng về phía Mao Trạch Đông, và mối đe dọa Đài Loan bị xâm lược xuất hiện vào năm 1949, các đảo biển Đông ngày càng trở nên kém quan trọng đối với THDQ. Đến tháng 5 năm 1950, những binh sĩ THDQ cuối cùng đóng trên các đảo đã được rút về Đài Loan (Granados, 2006a: 160, 162). Dù THDQ có phái một số quân trở lại các đảo từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1956, họ chỉ còn giữ được Itu Aba và quần đảo Pratas. Hoạt động hải quân sau đó ở khu vực các đảo biển Đông tập trung vào việc tiếp tế các đơn vị trú đóng và đảm bảo cho các đảo đó không bị người khác xâm phạm. Ví dụ, vào ngày 1 tháng 10 năm 1956, một tàu tuần tra và khu trục hạm của THDQ phát hiện tàu của Filemon, em của Cloma, neo ngoài khơi rạn đá Bắc Hiểm (cụm Song Tử). Họ yêu cầu Filemon rời đi và hứa sẽ không được quay trở lại các đảo. Filemon từ chối, và các cuộc thương thảo kéo dài tới ngày hôm sau. Sau khi đưa ra cảnh báo cuối cùng và tịch thu vũ khí, hai tàu THDQ đã thả Filemon và thủy thủ đoàn rồi rời đi. Filemon phát hiện ra rằng lều trại mà họ xây dựng ở bãi cát Đông Bắc và Tây Nam, hai hòn đảo của rạn san hô này, “đã bị tháo dỡ hoàn toàn”, (Hartendorp, 1961: 226-27; Haijun xunyi Nansha haijiang jingguo, 1975: 163-70; Samuels, 1982: 84. ). Các diễn tiến trên hiện trường trong giai đoạn này đã khẳng định rằng mối quan tâm duy nhất của THDQ là lãnh thổ đất của các đảo chứ không phải là vùng biển rộng lớn.

Còn một điều cuối cùng cần xem xét. Jacques deLisle lưu ý rằng đường chữ U thường chạy dọc theo đường đẳng sâu (đường nối các điểm cùng độ sâu -ND) 200 mét, một thể địa lí thường gắn kết với thềm lục địa như được nêu trong Tuyên bố Truman và Công ước Geneva năm 1958.22 Điều này “ngụ ý rằng TQ yêu sách mọi thứ nằm ngoài ranh giới bên ngoài của thềm lục địa của các nước đối thủ” (deLisle, 2012: 615). Dù thú vị, logic này bị hỏng. Điều đó có nghĩa là đường chữ U chịu ảnh hưởng của Tuyên ngôn Truman mà không có bằng chứng trực tiếp nào cho điều này như đã giải thích bên trên. DeLisle cũng không nhận ra hàm ý của việc gắn kết Tuyên ngôn Truman với đường chữ U theo cách như vậy.

Nếu như THDQ quả thật đã đưa ra một yêu sách lịch sử đối với các vùng biển của biển Đông vào năm 1946, thì họ sẵn sàng thu nhỏ cái mà họ coi là một yêu sách “thiêng liêng yêu nước” lâu cả thiên niên kỉ vì tôn trọng một nguyên tắc chỉ có một năm mà vào lúc đó chưa từng có tiền lệ về phạm vi, không có căn cứ pháp lí trong luật pháp quốc tế, và không được cả THDQ lẫn bất kì nước thuộc địa Đông Nam Á nào giáp ranh với đường chữ U tuân theo, trừ Hoa Kì ở Philippines. Mặc dù mâu thuẫn vốn có này, đơn giản là không có bằng chứng nào cho thấy chính phủ THDQ đưa ra quyết định như vậy.

CHNDTH nhảy vào

Tự coi mình là đại diện hợp pháp duy nhất của TQ, CHNDTH đã nhận lấy đường chữ U vào năm 1949. Mặc dù có qua một thay đổi nhỏ vào năm 1953— cụ thể là loại đi hai vạch phân cách Việt Nam và TQ ở vịnh Bắc Bộ— đường này vẫn giữ nguyên hình dạng (Franckx và Benatar, 2012: 91). Giống như THDQ, CHNDTH trong những năm đầu tiên đã sử dụng đường chữ U theo cách hậu thuẫn cho quan điểm quy thuộc đảo. Họ không đưa ra yêu sách chính thức đối với bất kì vùng biển nào vươn xa tới kích cỡ của ‘lãnh thổ’ được đường chữ U bao bọc vài thập kỉ sau đó.

CHNDTH đưa ra yêu sách chính thức đầu tiên đối với các đảo vào năm 1951, khi Thủ tướng Chu Ân Lai tố cáo dự thảo Hiệp ước San Francisco do Hoa Kì/Anh đưa ra: “Sự thật hiển nhiên là quần đảo Hoàng Sa và đảo Trường Sa, cũng như toàn bộ các quần đảo Nam Sa [Trường Sa], Trung Sa [Macclesfield] và Đông Sa [Pratas], luôn luôn là lãnh thổ của TQ” (Zhou, 1990: 41).

CHNDTH chỉ đơn giản tuyên bố rằng các đảo biển Đông là một phần lãnh thổ vốn có của TQ. Họ không đề cập đến bất kì vùng biển đặc biệt nào. Đáng nói hơn nữa, “Tuyên bố về lãnh hải” của họ năm 1958 nêu rằng:

Chiều rộng của lãnh hải của CHNDTH là 12 hải lí. Quy định này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của CHNDTH, bao gồm cả lục địa TQ và các đảo ven biển, cũng như Đài Loan và các đảo lân cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, bãi ngầm Macclesfield, quần đảo Trường Sa, và tất cả các đảo khác thuộc về TQ, ngăn cách với đất liền và các đảo ven biển của TQ bởi vùng biển quốc tế (隔有公海的: cách hữu công hải đích). (CHNDTH, 1958)

中华人民共和国的领海宽度为12海里。这项规定适用于中华人民共和国的一切领土,包括中国大陆及其沿海岛屿,和同大陆及其沿海岛屿隔有公海的台湾及其周围各岛、澎湖列岛、东沙群岛、西沙群岛、中沙群岛、南沙群岛以及其他属于中国的岛屿。

Tuyên bố này chỉ rõ ra rằng có một vành đai biển quốc tế (công hải) ngăn cách đất liền TQ với các đảo biển Đông. CHNDTH không theo đuổi và cũng không tìm cách thực thi cách diễn giải về vùng biển quyền lịch sử của đường chữ U. Hải quân của họ nói chung vẫn không có hoạt động (inactive) trong khu vực các đảo cho đến năm 1974 (Lo, 1989: 29-29; Samuels, 1982: 67, 87-88).

Tuy nhiên, từ năm đó, các tuyên bố và phản đối chính thức của CHNDTH đã sử dụng các thuật ngữ mơ hồ, chẳng hạn như “liền kề”, và “có liên quan” để đặc tả các vùng biển cạnh các đảo mà họ yêu sách. Trường hợp đầu tiên là tuyên bố chính thức của CHNDTH ngày 11 tháng 1 năm 1974, được công bố 5 ngày trước khi lực lượng CHNDTH và Nam Việt Nam đánh nhau để kiểm soát nửa phía nam của quần đảo Hoàng Sa (nhóm Lưỡi liềm), và để phản ứng việc Nam Việt Nam chính thức sát nhập quần đảo Trường Sa vào ngày 6 tháng 9 năm 1973. Tuyên bố nêu rằng “các quần đảo Nam Sa [Trường Sa], Tây Sa [Hoàng Sa], Trung Sa [Macclesfield] và Đông Sa [Pratas] đều là phần của lãnh thổ TQ. CHNDTH có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo và đảo nhỏ này. Tài nguyên của những đảo này và các vùng biển liền kề của chúng cũng hoàn toàn thuộc về TQ” (Nhân dân nhật báo, 1974: 1, in nghiêng thêm vào). Tuyên bố này đã không làm rõ phạm vi địa lí hoặc quyền của các vùng biển “liền kề” này. Do đó, không rõ liệu nó có thể được coi là một khẳng định về chế độ vùng biển quyền lịch sử hay không.

Luật pháp và các tuyên bố của CHNDTH tiếp tục khuôn mẫu mơ hồ này. Điều 14 trong luật EEZ của họ, đưa vào thực hiện ngày 26 tháng 6 năm 1998, có nêu rằng “các quy định của Luật này sẽ không ảnh hưởng đến các quyền lịch sử mà CHNDTH được hưởng” (CHNDTH, 1998, in nghiêng thêm vào). Đây là lần đầu tiên chính phủ CHNDTH chỉ ra rằng họ có thể nắm giữ các quyền như vậy trong khu vực này, nhưng họ không làm rõ những quyền này đòi hỏi điều gì và áp dụng ở đâu.

Ngày 7 tháng 5 năm 2009, TQ nộp một Công hàm cho LHQ, phản ứng hồ sơ chung về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia nộp cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa. Công hàm này có đính kèm một bản đồ đường chữ U, lần đầu tiên CHNDTH chính thức công bố đường này ở cấp độ quốc tế để minh họa cho yêu sách của mình và phản bác lại yêu sách của các nước khác. Tuy nhiên, lời giải thích duy nhất liên quan đến bản đồ là

TQ có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở biển Đông và các vùng biển liền kề, và có quyền chủ quyền cùng quyền tài phán đối với các vùng biển có liên quan cũng như đáy biển và lòng đất bên dưới (xem bản đồ đính kèm23). Lập trường trên luôn được Chính phủ TQ kiên định và được cộng đồng quốc tế biết đến rộng rãi.

Thềm lục địa vượt quá 200 hải lí như trong Hồ sơ nộp chung của Malaysia và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của TQ ở biển Đông. (CHNDTH, 2009)

Dù các thuật ngữ như “vùng biển liền kề”, “quyền chủ quyền”, và “quyền tài phán” được sử dụng, phạm vi của chúng không được chỉ ra. Cụm từ “vùng biển có liên quan” được theo sau bằng chỉ dẫn xem bản đồ đường chữ U mà không nêu rõ liệu các “vùng biển có liên quan” này có bằng một số hoặc toàn bộ các vùng biển có trong đường chữ U hay không.

Sự nhầm lẫn là hiển nhiên trong công hàm của Philippines ngày 5 tháng 4 năm 2011, đáp trả công hàm của TQ. Philippines tố cáo đường chữ U là bất hợp pháp, vì phạm vi của nó và thuật ngữ “vùng biển có liên quan” không được làm rõ, trong khi đường này chồng lấn với các yêu sách của Philippines tại Trường Sa (Chính phủ Philippines, 2011a). Phúc đáp của TQ ngày 14 tháng 4 năm 2011 cho công hàm của Philippines, không có ý giải đáp những lo ngại này. Nó chỉ đơn giản nhắc lại rằng TQ có “chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở biển Đông và vùng biển liền kề, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển có liên quan cũng như dưới đáy biển và lòng đất bên dưới” (CHNDTH, 2011).

Sự mơ hồ chính thức này kéo dài từ đó. Ngày 22 tháng 1 năm 2013, để phản ứng trước những nỗ lực của Philippines trong việc đưa tranh chấp biển Đông ra trọng tài quốc tế, đại sứ của CHNDTH tại Manila, Ma Keqing (Mã Khắc Khanh), đã khẳng định lại chủ quyền của TQ” đối với các đảo ở biển Đông và vùng biển liền kề.” (Tân Hoa Xã, 2013). Ngày 12 tháng 12 năm 2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hong Lei (Hồng Lỗi) phản đối Việt Nam vì nộp tuyên bố về lập trường cho ban trọng tài. Ông tái khẳng định rằng “TQ có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Nam Sa [Trường Sa] và vùng biển liền kề. Và sự thật không thể chối cãi là quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa] là một phần không thể tách rời của lãnh thổ TQ (CHNDTH, 2014). Cả Mã Khắc Khanh lẫn lẫn Hồng Lỗi đều không làm rõ phạm vi và quyền của các “vùng biển liền kề” này.

Kết luận: Ý nghĩa của lịch sử của đường chữ U đối với tranh chấp hiện tại

Chính do sự mơ hồ này tiếp diễn cho tới nay mà việc xem xét lịch sử đường chữ U là quan trọng. Không những CHNDTH nhận lấy đường chữ U được THDQ sử dụng để thể hiện các yêu sách của mình ở biển Đông mà còn sử dụng đường này theo cùng một cách cho đến ít ra là năm 1974, và có thể sau đó nữa: như là một đường quy thuộc các đảo. Có sự kế tục trong cách giải thích của THDQ và CHNDTH về đường này. Vì vậy, cách sử dụng đường chữ U lúc đầu của THDQ thể hiện bước đầu tiên để hiểu và làm rõ cách CHNDTH diễn giải đường này hiện nay.

Bài viết này chỉ ra một con đường quan trọng của nghiên cứu trong tương lai. Một so sánh chu đáo nguồn gốc và cách sử dụng lúc đầu của đường chữ U với lập trường của CHNDTH ở khu vực biển Đông kể từ năm 1974 sẽ làm lộ ra những thay đổi và kế tục về những vấn đề này và nguyên do của chúng. Nhận diện ra được các khía cạnh này sẽ giúp giải quyết các tranh chấp trên biển Đông, chẳng hạn, qua việc xác định cách tiến hành đàm phán. Nếu CHNDTH chủ yếu tiếp tục bám theo quan điểm quy thuộc các đảo thì tốt nhất nên đàm phán các vấn đề ít nhạy cảm hơn liên quan đến các khu vực biển trước thay vì vấn đề phân định các đảo, vì điều này sẽ gặp phải sự phản đối ít hơn từ TQ. Hợp tác có hạn ban đầu giữa các bên yêu sách sẽ giúp giảm bớt sự khiêu khích và thúc đẩy xây dựng lòng tin trong khu vực. Ví dụ có thể là các dự án chung trong bảo tồn biển, ứng phó khẩn cấp, chống cướp biển, và cũng có thể là khảo sát và nghiên cứu khoa học. Các biện pháp như vậy có thể dần dần làm ngờ vực bị xói mòn và làm cơ hội thành công tăng thêm trong các vòng đàm phán sau này nhằm giải quyết các chủ đề nhạy cảm hơn, chẳng hạn như cuối cùng giải quyết quyền sở hữu đối với các đảo.

Xác định CHNDTH vẫn còn bám vào cách sử dụng đường chữ U lúc đầu của THDQ tới mức nào sẽ giúp các bên liên quan hiểu các yêu sách hiện tại của CHNDTH và loại bỏ những điểm không chính xác và lệch lạc lịch sử. Điều này sẽ khuyến khích các cuộc tranh luận và giải pháp mang tính xây dựng qua việc cho phép các bên yêu sách giải toả các khía cạnh đáng lo ngại của các yêu sách của TQ cản trở tiến bộ trong tranh chấp. Cũng vậy, việc phát hiện ra những thay đổi trong các lập luận lịch sử của TQ không bám theo yêu sách ban đầu,24 không có nền tảng trong luật pháp quốc tế, hoặc chỉ ra chủ nghĩa bành trướng đơn thuần, sẽ giúp các bên yêu sách không phải TQ quyết định họ phải kiên quyết với những khu vực tranh chấp nào.

Có tầm quan trọng đặc biệt là một cuộc điều tra cân bằng về lịch sử của đường chữ U có thể khiến tất cả các bên yêu sách hiểu rằng lắng nghe các yêu sách của bên khác không tự động có nghĩa là chấp nhận chúng. Điểm này thường bị bỏ mất trong tranh cãi về các yêu sách xung đột. Chẳng hạn, khẳng định của TQ về “chủ quyền không thể tranh cãi” trong khu vực là quá thiếu linh hoạt. Nó ngăn TQ nhận ra rằng yêu sách lịch sử của mình làm dấy lên mối lo ngại thực sự và ngăn trở việc giải quyết chúng. Việc TQ từ chối làm rõ các yêu sách lịch sử của mình gây lo sợ cho các nước láng giềng khiến họ dán chặt mắt vào những điểm không chính xác trong lịch sử làm suy yếu yêu sách của TQ và làm dấy lên lập trường thiếu mềm dẻo từ các bên yêu sách không TQ.

Trong khi đó, việc các quốc gia không phải TQ từ chối xem xét một cách có ý nghĩa các yêu sách của TQ, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về yêu sách đường chữ U của TQ, cũng làm thui chột giải pháp hòa bình. Do đó, kế hoạch hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác của Philippines có nêu trong một chú thích rằng đường chữ U không đáng để xem xét, ngay cả trong các khu vực không bị Philippines tranh chấp (Chính phủ Philippines, 2011b: 2).25 Cách tiếp cận này đã ngăn không cho TQ sử dụng đường này ngay cả như một cơ sở để tham gia vào kế hoạch giải quyết được đề xuất. Philippines bác bỏ quan điểm của TQ về lịch sử và luật pháp quốc tế đột ngột đến mức TQ thậm chí từ chối thảo luận về kế hoạch này. Nếu như Philippines xem xét yêu sách của TQ, điều này không nhất thiết có nghĩa là chấp nhận nó, thì TQ có thể đã tham gia và xóa bỏ sự mơ hồ về đường chữ U, do đó tiến tới giải pháp. Thay vì vậy, sự cố này đã khuyến khích TQ tiếp tục các biện pháp cứng rắn để “bảo vệ” các yêu sách của mình.

Cuối cùng, xem xét lịch sử sử dụng đường chữ U của THDQ có thể giúp hướng dẫn chính phủ THDQ quyết định lập trường nào nên theo đối với tranh chấp biển Đông.

Yêu sách của THDQ cũng rộng lớn như CHNDTH, nếu không phải là hơn thế. Ngày 13 tháng 4 năm 1993, theo “Cương lĩnh chính sách biển Đông,” 南海政策綱領 (Nam hải chính sách cương lĩnh), THDQ đã chính thức tuyên bố rằng “các vùng biển bên trong ranh giới của vùng biển có tính lịch sử ở biển Đông (歷史性水域界線: lịch sử tính thủy vực giới tuyến) thuộc thẩm quyền của THDQ. Đất nước chúng tôi sở hữu tất cả các quyền và lợi ích trong các vùng biển này” (Viện Hành chính THDQ, 1993). Cụm từ “Ranh giới của vùng biển có tính lịch sử” dùng để chỉ đường chữ U được tạo ra vào năm 1948, như chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu, Phát triển và Đánh giá của Viện Hành chính đã làm rõ ngay sau đó (Sun, 1995: 403). Cương lĩnh chính sách không nêu rõ “tất cả các quyền và lợi ích” đòi hỏi là gì. Một cách hiểu theo nghĩa đen “vùng biển có tính lịch sử” sẽ làm cho gần như toàn bộ biển Đông tương đương với nội thuỷ của THDQ.

Chính phủ THDQ loại bỏ Cương lĩnh chính sách vào ngày 15 tháng 12 năm 2005 (Viện Hành chính THDQ, 2005). Tuy nhiên, lập trường chính thức hiện tại vẫn không rõ ràng. Giống như CHNDTH, THDQ yêu sách các đảo và “vùng biển xung quanh” chúng 周遭水域 (chu tao thuỷ vực) (MOFA, 2011). Những diễn biến gần đây vẫn chưa làm rõ sự mơ hồ này. Tháng 9 năm 2014, tổng thống THDQ, Ma Ying- jeou (Mã Anh Cửu) có bài phát biểu tại Viện hàn lâm Lịch sử bám theo quan điểm quy thuộc các đảo. Theo Economist, ông xác định rằng “yêu sách năm 1947 chỉ giới hạn ở các đảo và từ 3 đến 12 hải lí vùng biển lân cận. Ông nói, không có ‘cái gọi là yêu sách nào khác đối với các vùng biển’” (“Joining the Dashes (Nối các vạch)”, 2014). Tuy nhiên, trong thư gửi cho biên tập viên của tạp chí Economist vào ngày 1 tháng 11, đại diện của THDQ tại Anh Liu Chih-Kung (Lưu Chí Công) nhấn mạnh rằng “Tổng thống Mã Anh Cửu không nói rằng yêu sách của THDQ chỉ giới hạn ở các đảo và 3 đến 12 hải lí vùng biển liền kề, vì Bản đồ vị trí các đảo ở biển Đông, được chính phủ THDQ công bố năm 1947, gồm cả các đảo lẫn vùng biển xung quanh chúng” (Liu, 2014). Không rõ những” vùng biển xung quanh” này có phạm vi bao xa, nhưng Lưu Chí Công nói rõ rằng nó không bị giới hạn trong 12 hải lí tính từ các đảo. Điều này cho thấy chính phủ THDQ có thể vẫn giữ quan điểm quyền lịch sử hoặc vùng biển lịch sử. Nó cũng có thể là bằng chứng của sự bối rối hoặc bất đồng trong các quan chức THDQ về lập trường này. Không có phản hồi chính thức cho bức thư này.

Các hành động của THDQ liên quan đến tranh chấp biển Đông thường mâu thuẫn với lập trường vùng biển lịch sử hoặc quyền lịch sử. THDQ chưa bao giờ tuyên bố hay tìm cách khẳng định quyền ngăn cấm hoặc điều tiết giao thông trên biển và trên không của nước ngoài ở biển Đông, dù Cương lĩnh chính sách có bị bãi bỏ hay chưa (Wang, 2010: 249). Luật pháp của THDQ về lãnh hải và vùng tiếp giáp, luật vùng đặc quyền kinh tế và tuyên bố đường cơ sở chỉ yêu sách các vùng biển có thể đo đạc được, sử dụng ngôn ngữ chỉ xuất phát từ luật pháp quốc tế. Chúng không bao gồm các từ như “quyền lịch sử” và vùng biển “liền kề” hay “ có liên quan” (MOI, 1998a; MOI, 1998b; MOI, 1999). Chính phủ tiếp tục chú tâm vào việc đóng quân và phát triển các đảo đã giữ được từ năm 1955, đảo Pratas và Ba Bình. Hầu như tất cả sự phát triển ở đó tập trung vào lãnh thổ đất. Chẳng hạn, THDQ đã mở đảo Ba Bình cho du lịch, xây dựng một đường băng máy bay để tăng cường phòng thủ cho đảo năm 2007, hoàn thành một nhà máy điện mặt trời năm 2011 và hiện đang xây dựng một cảng (Lin và Hsiao, 2012: 1 7, 13-14; Gold, 2015). Phạm vi tuần tra quân sự cũng giới hạn trong một vành đai hẹp 10 km (khoảng 5,4 nm) của vùng biển riêng quanh đảo Ba Bình.

Với những hậu quả ngoại giao tiêu cực tiềm tàng của việc yêu sách một khu vực biển lịch sử rộng lớn, vì các tài liệu lưu trữ chỉ hậu thuẫn việc THDQ hiện nay chú tâm vào các đảo, chính phủ THDQ có thể có lợi từ việc tuyên bố chính thức lập trường quy thuộc các đảo đối với đường chữ U.

Chris P.C. Chung 
(Đại học Toronto, Toronto, Ontario, Canada)

Nguồn: Drawing the U-Shaped Line: China’s Claim in the South China Sea, 1946–1974

Huynh Phan dịch


Phụ lục:


Bản đồ 1. Bản đồ vị trí của biển Đông 海諸島位置圖, 1947 (Chính phủ THDQ, 1947). Bản đồ tương tự đã được xuất bản công vào năm 1948. Sao lại với sự cho phép của Nansha.org 南沙群岛在线. Các chữ tiếng Anh do tôi (Chris) thêm vào.


Bản đồ 2. Bản đồ phác thảo vị trí của Quần đảo biển Đông 南海諸島位置略圖, 1946 (MHTO, loạt hồ sơ 0035/061.8/3030, hồ sơ 001/001/0009). Sao lại với sự cho phép của Cục Lưu trữ Quốc gia TQ. Bản đồ này cũng có thể được tìm thấy trong MOFA, loạt hồ sơ 019.3/0012, hồ sơ 103. Các chữ tiếng Anh do tôi (Chris) thêm vào.


Bản đồ 3. Phiên bản 1947 của Bản đồ sơ lược vị trí của các đảo biển Đông 南海諸島位置略圖 (MHTO, loạt hồ sơ 0035/061.8/3030, hồ sơ 006/008/0012). Bản đồ 1 là từ phiên bản này. Lưu ý 11 vạch, sớm thành quy chuẩn, đối lại với 8 vạch trong phiên bản năm 1946. Tuy nhiên, hình dạng thì y hệt nhau. Sao lại với sự cho phép của Cục Lưu trữ Quốc gia THDQ. Các chỗ ghi tiếng Anh do tôi (Chris) thêm vào.

Ghi chú

1. Ước tính tổng trữ lượng dầu và khí tự nhiên được chứng minh và có thể có ở biển Đông thay đổi đáng kể do tranh chấp lãnh thổ nên không thể thực hiện được một khảo sát kĩ lưỡng về đáy biển. Các ước tính dao động từ 11 đến 125 tỉ thùng dầu và 190 đến 500 nghìn tỉ khối khí đốt tự nhiên (Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kì, 2013: 2).

2. Với cụm từ “vùng biển liền kề có nguồn gốc từ những quan niệm đương thời về luật pháp quốc tế,” tôi chỉ muốn nói đến các vùng biển được luật lệ và hội nghị biển quốc tế tạo ra, bàn luận và tiêu chuẩn hóa tại bất kì thời điểm nào. Điều này dẫn đến vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và/hoặc vùng thềm lục địa. Đối với các định nghĩa và quyền của các khu vực biển này, xem Công ước Luật biển của Liên hiệp quốc (UNCLOS), luật biển quốc tế thống trị ngày nay (Liên hiệp quốc, 1982). Các khu vực này thường thay đổi giữa các quốc gia khác nhau và liên tục bị họ thay đổi cho đến khi cuối cùng được UNCLOS chuẩn hóa vào năm 1982. Hầu hết những khác biệt là liên quan đến phạm vi địa lí. Những khác biệt quan trọng sẽ được nêu ra bằng lời văn.

3. Không giống như “quyền lịch sử”, “vùng biển có tính lịch sử” đòi hỏi có cùng các đặc quyền như có trong vùng nội thuỷ trên cơ sở thống trị trong lịch sử, quyền quan trọng nhất là khả năng điều tiết tất cả các dạng giao thông trên biển và trên không (Symmons, 2008: 1 -11). Gần như tất cả các học giả TQ ngày nay bác bỏ hoặc từ chối theo lập trường này. Zou Keyuan đặc biệt nhấn mạnh về điều này (Zou, 1999: 40-44).

4. Ngày 27/01/2014, Viện Nghiên cứu biển Đông 中国南海研究院 (TQ Nam hải Nghiên cứu viện NISCSS), nhóm chuyên gia lớn nhất của CHNDTH về tranh chấp, để mở hồ sơ lưu trữ biển Đông của họ (China Daily Hoa Kì, 2014). Tuy nhiên, ba bộ sưu tập hồ sơ lưu trữ THDQ được kiểm tra vẫn chứa hầu hết, nếu không phải tất cả, các hồ sơ THDQ có liên quan được viết tại thời điểm đường chữ U được tạo ra. Các hồ sơ của NISCSS tập trung vào và thu lượm từ các hồ sơ lưu trữ thời THDQ có ở Đài Loan, TQ và các nước khác (China Daily USA, 2014). CHNDTH vẫn thiếu dữ liệu từ thời THDQ kiểm soát TQ. Nhiều học giả THDQ bày tỏ sự cảnh giác khi chủ tịch NISCSS Ngô Sĩ Tồn đến viếng “Triển lãm về dữ liệu lịch sử của THDQ cho Lãnh thổ phía Nam” tại Viện hàn lâm lịch sử vào tháng 9 năm 2014. Họ sợ rằng Triển lãm này tạo cơ hội cho CHNDTH sử dụng các hồ sơ THDQ có một ít ở đó, để củng cố yêu sách của mình (Tzou và Chung, 2014). Không thật chắc rằng hồ sơ lưu trữ của NISCSS có thể chứa các tài liệu có giá trị của CHNDTH cũng như một ít hồ sơ từ thời THDQ không tìm được ở Đài Loan.

5. Để đơn giản, thời kì sứ quân phức tạp về chính trị từ năm 1916 đến 1928 sẽ được gộp vào thể loại này. Hành động của các chính phủ cát cứ không liên quan đến những phát hiện và kết luận của bài viết này.

6. Đường cơ sở là một chuỗi các đường thẳng kết nối các thể địa lí ngoài cùng của bờ biển và các đảo. Có những hạn chế trong việc áp dụng đường cơ sở. Chẳng hạn, nó không được xa rời khỏi hướng chung của bờ biển ở mức độ đáng kể và các khu vực biển nằm trong đường này phải liên kết đủ chặt chẽ với miền đất liền (Liên Hiệp Quốc, 1982: Điều 7). Chỉ các nước quần đảo mới có thể áp dụng đường cơ sở thẳng nối các điểm bên ngoài của một quần đảo (Liên Hợp Quốc, 1982: Điều 6, 7, 47).

7. Một hải lí bằng 1,852 km (1,15078 dặm).

8. Chữ lược 畧 trong tên của bản đồ chỉ ra rằng đó là một bản đồ tóm tắt, hoặc “bản đồ sơ lược.”

9. Cơ sở hạ tầng này sẽ phục vụ để tạo điều kiện phát triển tài nguyên biển. Ví dụ, báo cáo liệt kê sự cần thiết của các trạm vô tuyến trên các đảo để việc liên lạc với ngư dân có thể thực hiện được (MHTO, loạt hồ sơ 0035/061.8/3030, các hồ sơ 007/013/0011 đến 0014).

10. Cloma đã tuyên bố chính thức ngày 6 tháng 7 (MOFA, loạt hồ sơ 019.3/0005, hồ sơ 071 đến 073).

11. Meads thường tự xưng là “lãnh sự” của Vương quốc Nhân loại (MOFA, loạt hồ sơ 019.3/0003, hồ sơ 045).

12. Giả định ở đây là Nhật Bản chính thức trả lại các đảo biển Đông cho THDQ sau Thế chiến thứ hai. CHNDTH tin rằng họ đã kế thừa hiệp ước hòa bình mà THDQ kí kết với Nhật Bản vào năm 1952, vốn được cho là đã quy định rõ việc chuyển giao các đảo sau chiến tranh. Quan điểm chính thức này của THDQ và CHNDTH vẫn còn được tranh luận. Bài viết này không cố gắng đánh giá bên nào là đúng về mặt pháp lí mà giải thích vì sao những diễn giải này vẫn hậu thuẫn lập trường quy thuộc đảo.

13. Tọa độ của Shinnan Guntō, ngược chiều kim đồng hồ từ góc cực tây nam, là: 7° N 111° E; 9° N 111° E; 12° N 114° E; 12° N 117° E; 9° N 117° E; 8° N 116° E; và 7° N 114° E.

14. “Kiểm tra xem [quần đảo] Đoàn Sa và Shinnan [Guntō] có phải là hai tên của cùng một địa điểm hay không. Chúng ta đã tiếp thu [tức là đã lấy] chúng chưa [các đảo được đánh dấu bởi khu vực Shinnan Guntō]?” 查新南與團沙是否同地兩名, 我方已否接收?(tra Tân nam dữ Đoàn sa thị phủ đồng địa lưỡng danh, ngã phương dĩ phủ tiếp thu?) (MOFA, loat hồ sơ 019.3/0012, hồ sơ 014). Bãi Tizard đã có một số tên tiếng Trung. Ví dụ, danh sách các đảo ở biển Đông vào tháng 9 năm 1946 đã dịch Tizard BR thành 鉄沙群島(Thiết sa quần đảo) (MOFA, loạt hồ sơ 019.3/0012, hồ sơ 089). “ Tizard BR” gần như chắc chắn dùng chỉ Tizard Bank, “R” viết tắt cho “Reef (rạn đá).” Đó là một tiểu tựa mà theo đó một số bộ phận riêng biệt của nó đã được liệt kê, và chính xác. 鉄沙, phát âm là “ Tiesha,” là phiên âm của Tizard. Ngày nay, bãi Tizard được viết là 郑和群礁 (Trịnh Hoà quần tiều).

15. Đối với THDQ, việc cai quản Đoàn Sa về mặt lí thuyết có nguồn gốc từ các yêu sách của nhà Thanh. Tới lượt mình, các yêu sách của nhà Thanh lại được cho là dựa trên quyền sở hữu lịch sử hơn một thiên niên kỉ không bị gián đoạn. Tính kế tục giả định này thường được khẳng định trong các hồ sơ lưu trữ của THDQ (MOFA, loạt hồ sơ 019.3/0001, hồ sơ 011; MHTO, loạt hồ sơ 0035/061.8/3030, hồ sơ 005/012/0010).

16. Các đề cập của TQ đến các đảo và biển Đông giãn ra xưa ít nhất là từ thế kỉ 10 CE, và nhiều nhất thế kỉ 11 BCE (Samuels, 1982: 10; Shen, 1998: 150). Tuy nhiên, tôi đánh giá cao hồ sơ lịch sử của nhà Thanh vì ba lí do. Thứ nhất, chỉ cần kiểm tra hồ sơ lịch sử của triều đại cuối cùng của TQ trước thời kì Cộng hòa để xác nhận xem liệu lịch sử sở hữu Đoàn Sa được cho là tồn tại lâu dài và liên tục này có thực sự tồn tại hay không. Thứ hai, một lịch sử lâu dài về sự thống trị của TQ đối với biển Đông và các đảo của nó sẽ không có giá trị gì nếu TQ để cho yêu sách nhạt dần trong nhiều thế kỉ trong triều đại nhà Thanh. Cuối cùng, hầu hết các hồ sơ thời nhà Thanh đề cập đến các đảo đúc kết từ các hồ sơ liên quan của các triều đại trong trước đó.

17. Theo truyền thống tương quan với một phần của biển Đông.

18. Nghĩa là, nếu bắt đầu từ đảo Hải Nam.

19. Bản đồ sơ lược vị trí của biển Đông năm 1946 có thêm từ Yingshu 英屬(Anh thuộc) phía trước tên Borneo, đơn giản biểu thị rằng lãnh thổ đó thuộc Anh.

20. Đối với bản đồ có chỉ ra các ranh giới được định ra theo tọa độ do Công ước Anh–Hoa Kì 1930 cung cấp, xem Bautista, 2011: 37.

21. Zou Keyuan chỉ đồng ý với khả năng của mối tương quan này (Zou, 2012: 28).

22. Một đường đẳng sâu nối các điểm dưới đáy biển có cùng độ sâu; 200 mét trong trường hợp này.

23. Điều này chỉ đến bản đồ đường chữ U được đính kèm ở cuối tài liệu.

24. Khía cạnh này rất quan trọng, vì CHNDTH tiếp tục dựa vào đường chữ U làm cơ sở cho các yêu sách như được THDQ tạo ra và sử dụng lúc đầu.

25. Kế hoạch về Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác dự kiến tách các khu vực không có tranh chấp khỏi các khu vực tranh chấp bằng 10 chiến lược đề xuất. Các kế hoạch hợp tác và các quyền chung sau đó sẽ được đàm phán trong các khu vực tranh chấp theo Phần IX của UNCLOS và các thỏa thuận đa phương. Kế hoạch sẽ tạo ra Quy tắc ứng xử để ngăn ngừa sự cố và hiểu lầm. Ví dụ về “cùng hợp tác” bao gồm cùng phát triển kinh tế , nghiên cứu khoa học, bảo tồn biển và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (Chính phủ Philippines, 2011b: 1-4)

Tài liệu tham khảo:

- BAUTISTA, LOWELL (2011) “Philippine territorial boundaries: internal tensions, colonial baggage, ambivalent conformity.” J. of Southeast Asian Studies 16 (Dec.): 35–53.
- CHEN LUNJIONG 陳倫炯 (1984) 海國聞見錄 (Records of sights and sounds of the maritime countries). 中國南海諸群島文獻彙編 (Collection of documents on the South China Sea Islands), rept. ed., vol. 3. Taipei: Taiwan xuesheng shuju.
- CHIU, HUNGDAH (1975) “China and the question of territorial sea.” Maryland J. of Int. Law 1, 1: 29–77.
- DELISLE, JACQUES (2012) “Troubled waters: China’s claims and the South China Sea.” Orbis 56, 4: 608–42.
- Executive Yuan of the Republic of China 行政院 (1993) 南海政策綱領 (South China Sea policy guidelines). April 13. www.cga.gov.tw/GipOpen/wSite/public/ Attachment/f1259488571867.pdf.
- Executive Yuan of the Republic of China (2005) 台內地字第09400162932號函停止適用 (Repeal of ROC Ministry of Interior Department of Land Administration’s file #09400162932 [the South China Sea policy guidelines]). Dec. 15. www.land.moi.gov.tw/law/chhtml/lawdetail.asp?Lid=3910.
- FRANCKX, ERIK and MARCO BENATAR (2012) “Dots and lines in the South China Sea: insights from the law of map evidence.” Asian J. of Int. Law 2 (Jan.): 89–118.
- FU KUEN-CHEN 傅崐成 (1995) 南(中國)海法律地位之研究 (Legal status of the South [China] Sea). Taipei: 123 Information Co. Ltd.
- GAO ZHIGUO 高之国 and JIA BINGBING 贾兵兵 (2012) “The nine-dash line in the South China Sea: history, status, and implications.” Amer. J. of Int. Law 107, 1 (Jan.): 98–124.
- GOLD, MICHAEL (2015) “Taiwan turns to Chinese shipper for help with port in disputed waters.” Reuters, Feb. 6. www.reuters.com/article/2015/02/06/us-taiwanchina- spratlys-idUSKBN0LA12K20150206.
- Government of the Philippines (1930) Convention between the United States of America and Great Britain Delimiting the Boundary between the Philippine Archipelago and the State of North Borneo. Jan. 2. www.gov.ph/1932/12/15/convention-betweenthe- united-states-of-america-and-great-britain-delimiting-the-boundary-betweenthe- philippine-archipelago-and-the-state-of-north-borneo-1930/.
- Government of the Philippines (1961) Republic Act No. 3046 of 17 June 1961. An Act to Define the Baselines of the Territorial Sea of the Philippines. www.un.org/ Depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/PDFFILES/PHL_1961_Act.pdf.
- Government of the Philippines (2011a) Philippines Note Verbale to the United Nations, No. 000228. April 5. www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_ files/vnm37_09/phl_re_chn_2011.pdf.
- Chung 69 Government of the Philippines (2011b) Philippine Paper on ASEAN-China Zone of Peace, Freedom, Friendship and Cooperation (ZoPFF/C) in the WPS [West Philippine Sea] (SCS [South China Sea]). Sept. 22. http://nghiencuubiendong.vn/ download/doc_download/364-philippine-paper-on-asean-china-zone-of-peacefreedom- friendship-and-cooperation-in-the-south-china-sea.
- GRANADOS, ULISES (2006a) “Chinese ocean policies towards the South China Sea in a transitional period, 1946–1952.” China Rev. 6, 1 (Spring): 153–81.
- GRANADOS, ULISES (2006b) “The South China Sea and its coral reefs during the Ming and Qing dynasties: levels of geographical knowledge and political control.” East Asian History 32–33 (Dec. 2006–June 2007): 109–28.
- GRANADOS, ULISES (2008) “Japanese expansion into the South China Sea: colonization and conflict, 1902–1939.” J. of Asian History 42, 2: 117–42.
Haijun xunyi Nansha haijiang jingguo 海軍巡弋南沙海疆經過 [Records of naval patrols along the coastal waters of the Spratly Archipelago] (1975) 中國南海諸群島文獻彙編 (Collection of documents on the South China Sea Islands), rept. ed., vol. 9. Taipei: Taiwan xuesheng shuju.

- HARTENDORP, A. V. H. (1961) History of Industry and Trade of the Philippines: The Magsaysay Administration, vol. 2. Manila: Philippines Education Co.

- HUANG WEI 黄伟 (2011) “论中国在南海 U 形线内‘其他海域’的历史性权利” (Discussing the historical rights of “other waters” within the U-shaped line). 中国海洋大学学报 (English title: J. of Ocean Univ. of China) 3: 36–40.
- KOH, TOMMY (1987) “The origins of the 1982 Convention on the Law of the Sea.” Malaya Law Rev. 29: 1–17.
- KRASKA, JAMES and RAUL PEDROZO (2013) International Maritime Security Law. Leiden: Martinus Nijhoff.
- LI JINMING 李金明 (2011) “国内外有关南海断续线法律地位的研究述评” (An overview of reviews on the legal status of the U-shaped line in the South China Sea). 南洋问题研究 (English title: Southeast Asian Affairs) 2: 54–80.
- LI JINMING and LI DEXIA (2003) “The dotted line on the Chinese map of the South China Sea: a note.” Ocean Development & Int. Law 34, 3–4: 287–95.
- LIN, CHENG YI and ANNE HSIU-AN HSIAO (2012) “Taiwan’s South China Sea policy, 1999–2011.” Paper presented at the “Workshop on the South China Sea Dispute: Political and Security Implications for the Region’s Future,” Jan. 12–13, 70 Modern China 42(1) Academia Sinica, Taipei. Also published under the same title in Center for Asia- Pacific Area Studies of the Research Centre for Humanities and Social Sciences, Academia Sinica, 2012 Workshop on the South China Sea Dispute: Political and Security Implications for the Region’s Future. Taipei [Honolulu, HI]: Center for Asia Pacific Area Studies (CAPAS), RCHSS, Academia Sinica, 2012.
- LO, CHIKIN (1989) China’s Policy Towards Territorial Disputes: The Case of the South China Sea Islands. London: Routledge.
- LU KUN 盧坤 and DENG TINGZHEN 鄧廷楨 (2009) 廣東海防彙覽 (Compendium on the maritime defense of Guangdong). Wang Hongbin 王宏斌, ed. Shijiazhuang: Hebei renmin chubanshe.
- MHTO 國防部史政編譯局 [ROC Military History and Translation Office of the Ministry of Defense]. 國家發展委員會檔案管理局 (ROC National Archives Administration). 西南沙群島勘查報告書 (Reconnaissance reports on the Paracel and Spratly archipelagos), file series 0035/944/1060; 進駐西南沙群島案 (File on the stationing of troops in the Paracel and Spratly archipelagos), file series 0035/061.8/3030; 南沙群島調查概況 (Survey overview of the Spratly archipelago), file series 0036/002.2/4022.

- MOFA 外交部檔案 [Archival Files of the ROC Ministry of Foreign Affairs] (1928– 1975) 中央研究院近代史研究所檔案館藏 (Archives of the Institute of Modern History, Academia Sinica). 西沙群島問題 (Paracel archipelago issue), file series 019.3/0001; 南沙群島 (Spratly archipelago), file series 019.3/0003, 019.3/0005, 019.3/0012, and 019.3/0013.

- MOI 内政部 [ROC Ministry of the Interior]. “進駐西南沙群島案” (File on the stationing of troops in the Paracel and Spratly archipelagos). 國家發展委員會檔案管理局 (ROC National Archives Administration). File series 0036/E41502/1.

- MOI (1999) 中華民國第一批領海基線、領海及鄰接區外界線 (Declaration on the first set of the baselines, territorial waters, and contiguous waters of the Republic of China), Feb. 10. Revised Dec. 18, 2009. http://www.land.moi.gov.tw/content/5835-U.pdf.

- PRC (1998) 中华人民共和国专属经济区和大陆架法 (Law of the People’s Republic of China on the exclusive economic zone and the continental shelf). June 26. In Office of the Commissioner of the Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China in the Hong Kong Special Administrative Region. http://big5.fmprc.gov.cn/gate/big5/www.fmcoprc.gov.hk/chn/tyyflsw/jbflwj/qgxfl/t54834.htm.

- PRC (2014) Foreign Ministry Spokesperson Hong Lei’s Remarks on Vietnam’s Statement on the Chinese Government’s Position Paper on Rejecting the Jurisdiction of the Arbitral Tribunal Established at the Request of the Philippines for the South China Sea Arbitration. Dec. 12. www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/t1218756.shtml.

- RAHMAN, CHRIS and MARTIN TSAMENYI (2013) “A strategic perspective on security and naval issues in the South China Sea.” Ocean Development & Int. Law 41, 4 (Nov.): 315–33.

- Renmin ribao 人民日报 (1974) “我外交部发言人发表声明” (Ministry of Foreign Affairs spokesman issues statement), Jan. 12.

- SAMUELS, MARWYN (1982) Contest for the South China Sea. New York: Metheun.

- SHEN, JIANMING (1998) “Territorial aspects of the South China Sea island dispute.” Pp. 139–218 in Myron Nordquist and John Moore (eds.), Security Flashpoints: Oil, Islands, Sea Access and Military Confrontation. The Hague: Martinus Nijhoff.

- SUAREZ, SUZETTE (2008) The Outer Limits of the Continental Shelf: Legal Aspects of Their Establishment. Berlin: Springer.

- SUN, KUAN-MING (1995) “Policy of the Republic of China towards the South China Sea.” Marine Policy 19, 5 (Sept.): 401–9.

- SYMMONS, CLIVE (2008) Historic Waters in the Law of the Sea: A Modern Re-appraisal. Leiden: Martinus Nijhoff.

- THANG NGUYEN-DANG and NGUYEN HONG THAO (2012) “China’s nine dotted lines in the South China Sea: the 2011 exchange of diplomatic notes between the Philippines and China.” Ocean Development & Int. Law 43, 1: 35–56.

- United States National Geospatial Intelligence Agency (2004) South China Sea and the Gulf of Thailand. Sailing Directions 9th ed., vol. 162. Annapolis: ProStar.

- WANG, KUAN-HSIUNG (2010) “The ROC’s maritime claims and practices with special reference to the South China Sea.” Ocean Development & International Law 41, 3: 237–52.

- WU SHICUN 吴士存 (2013) 南沙争端的起源与发展 (修订版) (The South China Sea dispute: origin and development [revision]). Revised ed. Beijing: Zhongguo jingji chubanshe.

- YANG BINGNAN 楊柄南 (1984) 海錄 (Maritime records) 中國南海諸群島文獻彙編 (Collection of documents on the South China Sea Islands), rept. ed., vol. 3. Taipei: Taiwan xuesheng shuju.

- ZHOU ENLAI 周恩来 (1990) 周恩来外交文选 (Selected works of Zhou Enlai on foreign relations), vol. 1. Beijing: Zhongyang wenxian chubanshe.

- ZHAO LIHAI 赵理海 (1996) 海洋法问题研究 (A study of the issue of maritime law). Beijing: Beijing daxue chubanshe.

- ZOU KEYUAN (1999) “The Chinese traditional maritime boundary line in the South China Sea and its legal consequences for the resolution of the dispute over the Spratly Islands.” International J. of Marine and Coastal Law 14, 1: 27–55.

- ZOU KEYUAN (2002) “Disrupting or maintaining the marine legal order in East Asia?” Chinese J. of International Law 1, 2: 449–98.

- ZOU KEYUAN (2007) “South China Sea studies in China: achievements, constraints and prospects.” Singapore Year Book of Int. Law 11: 85–98.

- ZOU KEYUAN (2012) “China’s U-shaped line in the South China Sea revisited.” Ocean Development & Int. Law 43: 18–34.


Liên hệ với tác giả : Chris PC Chung, Department of History, University of Toronto, Room 2074, Sidney Smith Hall, 100 St. George Street, Toronto, Ontario M5S3G3, Canada.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét