Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Trúng số - Marjorie Barnard (1897-1987) (Úc)

Inline image
Marjorie Barnard sinh tại Ashfield, Sydney, lúc nhỏ bị bệnh sốt tê liệt nên chỉ được nuôi dạy ở nhà, đến 10 tuổi mới vào trường. Năm 1911, cô học trường Nữ Trung học Sydney, tỏ ra rất ham học. Tiếp tục bậc đại học, M.Barnard tốt nghiệp năm 1920, được khen thưởng vì kết quả xuất sắc môn lịch sử, và do vậy, được cấp học bổng du học Đại học Oxford. Tuy nhiên gia đình không đồng ý cho cô đi, Barnard chọn học và sau đó công tác ở ngành thư viện, phụ trách Thư viện Công Cộng Sydney, ít lâu sau, tại Đại học Kỹ thuật Sydney. Trong thời gian này, ban ngày công tác, tối về cô tập tành viết lách. Tác phẩm đầu tiên là tuyển tập truyện ngắn viết về tuổi thơ của mình, cuốn “The Ivory Gate”, Chiếc cổng ngà, hoàn thành ngay trong năm 1920.<!>

Con đường sáng tác của Marjorie Barnard có cơ hội phát triển nhanh với sự xuất hiện của cô bạn thân thời sinh viên là Flora Eldershaw. Trong những lần gặp gỡ, đôi bạn cùng nhau đàm đạo văn chương và nảy ra ý tưởng cộng tác viết tiểu thuyết. Cả hai thấy thôi thúc hơn khi Tạp chí The Bulletin loan báo tổ chức trao giải sáng tác. Họ gởi tác phẩm “A House is Built”, Căn nhà được xây, vào năm 1928, lấy bút hiệu chung là M.Barnard Eldershaw. Điều bất ngờ là tác phẩm, viết với chủ đề xã hội gia trưởng, vấn đề lớn của thời đó, được đồng giải nhất với một tác giả khác. Cũng với bút hiệu đó, họ viết thêm năm tiểu thuyết khác nữa, ngoài các sách về lịch sử và phê bình. Tác phẩm cộng tác cuối cùng là cuốn Ngày mai và Ngày mai và Ngày mai (“Tomorrow and Tomorrow and Tomorrow”), xuất bản năm 1945, được Patrick White, nhà văn Úc duy nhất đạt Giải Nobel Văn chương, hết lời khen ngợi.

Bên cạnh những tác phẩm viết chung, Marjorie Barnard cũng thử sức ngòi bút độc lập của mình, chủ yếu ở thể loại truyện ngắn, thành công nhất là cuốn “The Persimmon Tree and Other Stories” (Cây hồng vàng và những truyện ngắn khác), xuất bản năm 1943, viết về mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới, hệ luỵ của xã hội gia trưởng, hậu quả những cuộc tình vụng trộm…
Những tác phẩm với đề tài lịch sử cũng góp phần làm nên tên tuổi của Marjorie Barnard, nổi bật là cuốn Lịch sử nước Úc, xuất bản năm 1963.
Năm 1983, bà được trao Giải thưởng Patrick White.
Năm sau, Giải thưởng đặc biệt của Thống đốc Tiểu bang New South Wales.
Năm 1986, trường Đại học Sydney phong tặng bà Bằng Tiến sĩ Danh dự.
Marjorie Barnard qua đời năm 1987.

Truyện ngắn Trúng số giới thiệu dưới đây (dịch từ nguyên bản The Lottery, Xố số), trích từ tập The Persimmon and Other Stories, là chuyện của hai vợ chồng Ted và Grace, chồng đi làm và vợ lo việc nội trợ. Công việc của người chồng là giao tiếp xã hội, kiếm tiền và khỏi bận tâm việc gì khác. Anh nghĩ thế là nặng nhọc rồi, còn vợ anh” chẳng làm gì cả”, chỉ chăm sóc nhà cửa, con cái, cơm nước lo sẵn đợi anh về. Khi nghe tin vợ trúng số, anh chỉ ngạc nhiên không hiểu bà lấy đâu ra tiền để mua vé số, vì tiền chi tiêu hàng tháng là do anh cung cấp hết, tính toán chi ly từng khoản một, không thể nào dư một xu! Và người vợ cam chịu cuộc sống đó cho đến lúc thấy cần tự tìm ra lối thoát. Chị bán số nữ trang riêng và bắt đầu mua vé cho đến lúc hết tiền, mong chờ một Hy vọng cuối cùng.

Câu chuyện về thân phận người phụ nữ trong xã hội đề cao vai trò gia trưởng, tưởng như là hình ảnh xã hội Việt Nam, nhưng ở đây là xã hội Úc những năm 30, 40 thế kỷ trước.
Cái khác biệt là ở cách giải quyết số phận của mình. Kiểu như Grace làm ở đây không hiểu phụ nữ Việt Nam có từng chọn lựa?

Người đầu tiên báo cho Ted Bilborough biết tin vợ anh mới phát tài là một trong những người bạn của anh, một người có tuổi, hay đùa. Ông ta bắt tay anh với vẻ nghiêm trang giả tạo và nói nhỏ với sự cảm thông mạnh mẽ lạ thường. Ted chẳng hiểu câu chuyện ông nói ra sao nữa.

Anh vừa bước lên tầng hai chiếc phà chuyến 6 giờ 15 chiều từ thị trấn về. Fred Lewis dường như đã đợi sẵn với tờ báo. Fred nhe răng cười, vẻ phấn khích ngầm ý chế giễu. Mọi thứ cứ như là trò đùa nhắm vào anh. Anh cảm thấy sự tự tin bị đe doạ. Khoé miệng anh xệch ra trên cái má phính trong khi anh cố tỏ ra dửng dưng không để ý.
Ted bảo người soát vé: “Cứ giữ lại tiền thối.”
“Anh ta không biết đâu, thực sự không biết đâu.”
“Vợ anh trúng số đấy!” có người nói.
“Anh ta không tin anh đâu. Đưa anh ấy xem tờ báo. Rõ như ban ngày đây này. Bà Grace Bilborough, số 52, đường Cuthbert.” Một ngón tay cáu bẩn thô kệch chỉ vào dòng chữ “Giải nhất, 5000 bảng. Công ty Hy vọng cuối cùng.”
Fred Lewis lắc đầu: “Anh ta có vẻ chẳng hào hứng gì.”

Họ bắt đầu vỗ lưng Ted. Chiếc phà này suốt mười năm qua ngày nào đi làm anh cũng đi, mỗi năm chỉ nghỉ nửa tháng vào tháng 1, nên hầu như ai anh cũng quen. Ngay những người anh không quen cũng dự phần vào trò vui hôm nay. Ted hờ hững nhồi ống tẩu, ngón tay có vẻ hơi run. Anh cố giấu cái cảm giác run rẩy đó, nhưng lại cảm thấy nó ẩn sâu trong lồng ngực. May mà đồng nghiệp ở nơi làm chưa hay biết gì, vì hôm nay trong văn phòng chật hẹp dưới những ống thông khí bằng crôm, họ bận rộn túi bụi việc giao dịch chứng khoán hay là kiểm tra các khoản tín dụng. Đó là giờ giao dịch.
Lẽ ra Grace phải báo cho anh biết chứ. Cô có thể nhờ nhà Thompson gọi điện thoại cho anh. Bill thường qua mượn máy cắt cỏ hay cái thang, vì vậy nhờ vả một chút cũng chẳng khó khăn gì. Nhưng tất cả chỉ tuỳ ở Grace thôi, cái kiểu “Nếu tôi không có thứ gì thì anh sẽ là người tôi muốn tìm tới để mượn.”
Mà đúng như thế thật. Mọi người ai cũng thích Ted theo kiểu nào đó. Một người tốt, theo cả hai nghĩa của từ này.
Không màu mè, lúc nào cũng sẵn sàng đùa vui, nhưng anh là công dân tốt, người chồng tốt, người cha tốt. Anh không phải là hạng người từ chối đẩy xe đẩy trẻ con. Anh vui vẻ làm việc ấy. Vợ anh có thể ngẩng cao đầu, họ trả các chi phí theo hoá đơn hàng tuần, anh còn để dành được chút ít, chẳng nhiều lắm nhưng vậy là tốt rồi, theo cách hợp lý nhất, mười phần trăm trích ra từ lương trong tình hình khủng hoảng chưa chấm dứt, lại còn lo việc này việc khác nữa. Và anh vẫn luôn luôn vui vẻ, hài hước với mọi người. Tất cả những điều đó luôn hiện hữu trong tâm trí anh. Anh vẫn hy vọng thế nào cũng được đền bù xứng đáng, nhưng không phải nhờ vào Grace.

“Ted, anh sẽ làm gì với số tiền ấy?”
“Cậu sẽ không thấy anh ấy cả tuần này đấy, anh ấy bận tiệc tùng rồi”. Câu nói thật khôi hài, bởi Ted có bao giờ tiệc tùng gì đâu, ngay cả vào ngày Anzac. (1)
Ai đó cất giọng buồn rầu mà chẳng ai quan tâm: “Tôi mua vé số hàng tuần từ khi nó mới khai trương và chẳng trúng được một xu.”
“Anh sẽ đi nghỉ ở đâu đó chứ?”
“Người ta sẽ bầu anh làm chủ tịch Câu lạc bộ Quần vợt và anh sẽ phải đóng góp một chiếc cúp bạc.
Mọi người tâng bốc anh bằng những câu khôi hài.
“Tôi hy vọng là bà Bilborough sẽ bỏ ra chút ít để lo cho tương lai lũ trẻ.”. Cuối cùng, Ted lên tiếng, gần như cách người ta trả lời báo chí phỏng vấn. Anh thấy hài lòng vì mình đã nói điều đúng đắn. Trước mặt mọi người anh vẫn thường gọi Grace là bà Bilborough. Anh nghĩ mình thật lịch thiệp khi gọi là "bà".

Ted để mọi người chuyện vãn, còn mình nhìn ra ngoài cửa sổ. Anh chẳng quan tâm tới tin tức trong báo tối nay. Chiếc phà rung lắc mạnh và để lại một vạch nước trắng xoá trên dòng sông tĩnh lặng. Chiều xuống dần. Mặt trời chìm sau đám mây xám, êm đềm, không hình dạng như lớp sương. Không gian nhập nhoạng tối, khiến những tia sáng như co rút lại, dễ dàng nhìn thấy, một chiếc đĩa tròn màu vàng trông giống mặt trăng trôi trên lớp sương khói hơn là ánh mặt trời. Nó chiếu lên mặt sông một cột ánh sáng màu cam. Sóng từ chiếc phà loang ra về phía đó, và những khoảng tối li ti cắt vụn nó ra. Bờ sông dựng đứng, bao gọn con sông, khiến sông biến thành như cái hồ, đã bị bóng tối xâm chiếm. Hình dáng hai ngôi nhà thờ và cái vành đứt khúc những cây thông đứng vươn lên bầu trời êm ả, không rõ nét nhưng vẫn phô bày nét duyên dáng hấp dẫn. Những sườn dốc, có cây và rải rác vài ngôi nhà, trông mờ ảo và phủ không khí thanh bình thôn dã. Con sông toả chút sáng mỏng trên nền đất xám. Ted có thể nhận thấy làn nước phẳng lì thực ra là một lớp vàng nâu với nhiều mảng bị những đợt thuỷ triều làm cho xù xì, chuyển màu xanh lạnh lẽo. Chỉ lúc nào bạn chăm chú nhìn, quan sát kỹ thì mới phân biệt được sắc màu. Quay nhìn xuống dòng suối khuất ánh hoàng hôn, mặt nước loáng lên những tia sáng yếu ớt màu xám bạc. Lúc này, rõ ràng có hai thế giới, một dưới ánh hoàng hôn với mặt đất xám mơ màng và yên tĩnh, thế giới kia phía bên dòng suối bên trên con sông bạc bờ bên kia, ánh sáng gom lại phía này hết. Những ngôi nhà có cửa sổ vàng rực, đám cây tối đen, một trụ chứa khí to đùng, những thùng dầu trắng trông như những tai nấm xấu xí, những toà nhà cao xẻ bầu trời, ngay cả hình ảnh những mái nhà được nhìn thấy hay chỉ là tưởng tượng, tất cả tỏ ra diệu ký trong thứ ánh sáng trên cao đó.

Ted ngẫm nghĩ: “Năm nghìn bảng. Năm nghìn bảng đấy.” Năm nghìn bảng với khoản năm phần trăm, sẽ âm thầm sinh lãi, tuổi già sẽ yên ổn. Anh có thể làm bất cứ gì mình muốn với năm nghìn bảng. Chỉ mới nghĩ đến điều đó thôi đã là một cảm giác dễ chịu lắm rồi. Thật khó có thể tưởng tượng số tiền đó lại liên quan đến Grace. Lẽ ra cô ấy phải nói cho anh biết chứ? Mà lấy đâu ra năm bảng và ba xu để mua vé số? Anh không thể khỏi ngạc nhiên về chuyện này. Khi việc chi tiêu đã được tính toán chi ly cặn kẽ như họ vẫn làm thì làm sao dôi ra được năm bảng ba xu. Nếu có dôi ra, cũng không đem mua vé số được, anh sẽ đưa vào ngân hàng ngay. Anh không thấy có gì khác lạ trong việc chi tiêu trong gia đình, anh vẫn tự hào là mình luôn để mắt đến mọi sự. Chắc chắn cô ấy không thể kê cao hoá đơn để lấy tiền mua vé. Đầu óc anh nghi ngờ lung tung. Grace có vẻ gì bí mật, vậy mà lâu nay anh vẫn tưởng là chuyện gì cô ấy cũng kể cho anh. Anh đã xem như không có gì để nói trong câu chuyện thường ngày. Anh thấy tâm trí thanh thản hơn. Dẫu sao, thực tế là Grace đã trúng năm nghìn bảng. Anh khoan dung thừa nhận rằng Grace là một người vợ tốt. Nghĩ vậy, anh liền nhớ tới hình ảnh miếng lót trên áo sơ mi, chiếc quần mới giặt để anh mặc đi đánh tennis, bọn trẻ lúc nào cũng sạch sẽ và căn nhà gọn gàng tươm tất. Như thế là người vợ tốt. Còn anh, anh cũng là chồng tốt, lĩnh lương đem hết về nhà và không tơ tưởng người phụ nữ nào khác. Ai cũng công nhận gia đình anh là một gia đình mẫu mực, thế nhưng – anh vẫn thấy ở nhà người khác dễ chịu hơn nhà mình. Lỗi là tại Grace. Cô ấy chẳng lúc nào vui vẻ và dễ tính cả. Lúc nào trông cũng ủ rũ. Anh ăn mặc biết cách hơn Grace, ai cũng thấy vậy, tuy anh làm lụng vất vả hơn. Tất cả những gì Grace phải làm là trông nom việc nhà, chăm sóc lũ trẻ. Không có gì khác hơn. Vậy mà lúc nào cũng thấy Grace như bận rộn hơn, anh thì cho chả có gì khiến cô ta mất nhiều thời gian cả. Chỉ là thói ngang bướng của phụ nữ thôi. Cũng chẳng phải là do Grace đã lớn tuổi. Mười năm lấy chồng rồi hai đứa con vẫn chưa xoá hết chút nét con gái nơi cô – non nớt, trẻ con chưa bao giờ dịu ngọt. Cô vẫn vậy thôi, không tốt hơn, không xấu hơn. Có thể là cô thông minh hơn chút đỉnh. Anh không khỏi ngạc nhiên chuyện cô ấy lấy đâu ra năm bảng ba xu đó. Nếu cô ấy đã hoang phí năm bảng ba xu kiểu ấy, phải chăng anh đã đưa cô quá nhiều tiền để lo việc nhà? Và tại sao Grace lại chọn cái tên Hy vọng cuối cùng quái quỷ kia? Liệu có phải là còn có hy vọng khác? Có lẽ chẳng phải để gọi tên một sự vật, mà chỉ là cái nhãn mang đến may mắn thôi?

Cô gái ngồi đối diện đang ngồi khâu mấy dải đăng-ten cho mấy thứ hàng sẽ mang đi theo về nhà chồng, chăm chú làm trong ánh sáng lờ mờ.
“Lại một người nữa sắp lên đường”, Ted nghĩ.
Người đàn ông ngồi cạnh anh nói: “Vậy là sao nhỉ.”
Ted không chú ý nghe.
Phà vào bến. Ted bước lên bờ. Anh cố ý không để lộ trong bước đi của mình là người có vợ vừa mới trúng số năm nghìn bảng. Anh vừa thấy vui vẻ vừa mỏi mệt. Anh leo lên đồi cùng vài người bạn đồng hành, là những người hàng xóm. Họ vẫn còn trêu chọc anh về số tiền, có vẻ như không biết làm sao ngưng trò đùa. Chiều yên lặng, hơi nóng. Mặt trời đã lặn hẳn, để lại những đám mây nhiều hình dạng, dồn thành khối, với tia sáng vàng viền quanh.

Người đi cùng lần lượt tách ra, rẽ vào đường nhánh hoặc những khu vườn mở sẵn cửa vào. Còn lại mình Ted với người đàn ông sống trong ngôi nhà hơi tách biệt ở cuối con đường. Đột nhiên giữa hai người có vẻ yên lặng và nghiêm trang. Ted cảm thấy đau mỏi nơi khoé miệng khi anh phải mỉm cười liên tục.
“Tôi rất vui khi anh gặp vận may này.”
Ted đáp nhẹ: “Tôi tin là ông thật lòng, ông Eric”.
“Tôi không mong muốn ai ngoài anh ra được may mắn như vậy.”
“Ông thật tử tế.”
“Tôi nói thật đấy mà “.
“Ồ, tôi không kiếm tìm điều đó.”
“Gia đình chúng tôi sẽ giải quyết mọi chuyện ổn thoả hơn với một chút may mắn như vậy.”
“Chắc là sẽ ổn thôi.”
“Tháng sau là tới kỳ trả tiền nhà tiếp theo, mà Nellie sắp trở về nhà. Bob thì không có việc làm. Có vẻ như chúng tôi không lo liệu gì được cho đám cưới.”
“Tệ thật đấy.”
“Con bé đang mang bầu, vì vậy tôi cho rằng bố mẹ nó sẽ phải chuẩn bị cho việc này.”
“Tưởng như mới đây thôi Nellie còn bé xíu, chạy vòng vòng với chiếc xe đẩy.”
Eric đồng tình: “Chúng nó lớn nhanh. Khoản tiền nhà là cái khó bây giờ. Đầu tháng tới đó. Họ yêu cầu đúng hạn. Nếu không có khoản đó lơ lửng trên đầu thì chúng tôi chẳng lo gì mấy việc Nellie trở về nhà. Nó là con gái chúng tôi và rất vui đón được nó về nhà.”
“Vâng, ông sẽ tự hào khi lên chức ông ngoại đấy.”
“Hẳn thế.”

Tới cổng nhà Eric, hai người đứng lại, im lặng. Một ý nghĩ thoáng qua đầu Ted, cùng với đó là cảm giác ngọt ngào, hạnh phúc và mạnh mẽ anh chưa từng trải nghiệm.
Ted nói: “Hy vọng ông sẽ vượt qua thôi.”
“Anh thật tốt.”
“Tôi nói thật đó”.
Hai người bắt tay nhau và rời đi. Ted chỉ còn vài bước là tới nhà, anh đi chậm lại. Trời nóng và khô, anh nghĩ, phải tưới vườn rồi. Giờ thì anh đang đứng trước cổng nhà mình. Không thấy ai cả. Anh đứng đó một lát, nhìn quanh, như thể giờ anh mới nhìn thấy lần đầu ngôi nhà nơi anh đã ở từ mười năm nay. Anh nhận ra rằng căn nhà trông tồi tàn, mặt tiền chật hẹp. Mái ngói đã phai màu, gỗ cần được sơn lại, còn mặt sàn anh đã lát với cả hăng say nay có cái dáng nhố nhăng, khó chịu. Một ý tưởng thúc giục thay đổi mạnh mẽ hình thành trong đầu anh: “Ta có thể rời khỏi nơi đây.” Dựa vào những khả năng trước mắt, nó có vẻ tồi tàn và nhỏ bé quá. Ngay cả cái tên “Emon Ruo” cũng không ổn, nghe như nhà tù.

Ted ngần ngại, chưa muốn bước vào nhà. Đã lâu rồi chẳng có sự kiện gì quan trọng xảy ra giữa anh và Grace. Điều đó khiến anh ngượng ngùng. Anh không rõ cô ấy sẽ tiếp nhận câu chuyện này thế nào. Liệu Grace có bất ngờ xúc động mà quên luôn bữa ăn tối không? Anh hy vọng là vậy mà cũng sợ không phải vậy.
Anh bước vào phòng trước, treo mũ lên và gọi to bằng cái giọng cục mịch của mình: “Đâu rồi, bà vợ giàu có của tôi đâu rồi.”
Grace đang dọn bữa tối trong bếp.
“Anh về muộn. Bữa ăn nguội cả rồi.”
Mấy đứa trẻ im lặng, nhưng bồn chồn muốn rời khỏi bàn ra ngoài chơi.
“Tôi đã rứt được cái đám phóng viên.” Grace nói, giọng buồn nản. Grace là người có cá tính. Có thể tin tưởng chuyện cô dễ dàng đối phó với các phóng viên non tay nghề. Có vẻ như cô cũng không thiết nói chuyện đó với chồng. Ted cảm thấy thân hình và giọng nói của mình như thu nhỏ lại. Anh nhìn cô nghiêm nghị. “Cô ấy lấy đâu ra tiền mua vé số nhỉ”. Anh lại băn khoăn, lần này câu hỏi vọng lên rõ ràng hơn.

Giờ thì chỉ còn hai người. Khoảng im lặng kéo dài. Grace bắt đầu dọn bàn. Ted cảm thấy anh phải làm cái gì đó. Anh vụng về kéo cô vào trong vòng tay: “Grace, em không hài lòng sao?”
Cô nhìn Ted một giây, khuôn mặt cô trở nên nhăn nhúm, một thứ gì còn tệ hơn nước mắt chực trào ra. Nhưng cô giật ra khỏi người anh. ”Đúng vậy“. Cô đáp, rồi nhặt chồng bát dĩa đi xuống bếp. Ted đi theo.
“Em thật kín tiếng, không nói gì với anh về chuyện đó cả.”
“Cô ấy quá lạnh lùng”, Ted nghĩ. Grace đi đi lại lại trong bếp, bộ điệu mau lẹ, bồn chồn. Một lát sau, cô trả lời cho câu hỏi đang lởn vởn trong đầu Ted:
“Tôi đã bán sợi dây chuyền và chiếc nhẫn của mẹ tôi. Có người thu mua nữ trang cũ ngay tận nhà. Mỗi tuần tôi mua một vé số cho đến khi hết nhẵn tiền.”
“Ồ”, Ted nói. Vậy là Grace đã bán nhẫn cưới của mẹ cô để mua vé số.
“Đấy là tiền của tôi.”
“Tôi có nói không phải tiền cô đâu!”
“Không, anh không nói.”

Tiếng bát đĩa lạch cạch trong tay cô. Cô đang cảm nhận rõ điều gì đó đang tới, rất rõ. Nhưng Ted không biết là điều gì. Anh không thể bảo cô nói rõ.
Cô đến đứng trước mặt anh, lưng quay về chiếc bàn ăn bừa bãi, toàn thân căng thẳng. “Tôi nghĩ rằng anh đang muốn biết tôi sẽ làm gì. Tôi sẽ nói cho anh rõ. Tôi sẽ ra đi. Tự tôi sẽ đi. Trước khi mọi chuyện quá trễ. Ngay ngày mai tôi sẽ đi.”
Ted có vẻ chưa hiểu hết.
“Beattie sẽ đến chăm sóc anh và lũ trẻ. Cô ấy sẽ hài lòng về chuyện đó. Anh chẳng phải tốn một đồng xu nào cả so với hiện nay,” cô nói tiếp.
Ted nhìn cô chăm chú, hai tay buông thõng, mặt xịu xuống.
“Thì ra ý cô đúng là như vậy, như trong báo viết: Hy vọng cuối cùng?”
Grace đáp: “Đúng vậy.”

---------------------

Chú thích của người dịch:

Anzac Day: ngày tôn vinh các cựu binh (được tổ chức vào ngày 25 tháng 4 hàng năm để tưởng nhớ những thành viên của quân đội Úc và New Zealand đổ bộ vào Gallipoli của Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế Chiến I. Anzac là từ viết tắt của “Australia and New Zealand Army Corps.)
Hiện nay ngày này là ngày nghỉ lễ quốc gia. Các lễ kỷ niệm được tổ chức ở các đài tưởng niệm chiến tranh trên khắp đất nước và các cuộc diễn hành diễn ra qua các thành phố lớn. Các cựu binh đều tham gia diễn hành. Có năm thấy trong đoàn diễu hành ở Sydney có cả cựu quân nhân từng tham chiến tại Việt Nam.

THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu từ nguyên bản tiếng Anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét