1. Lễ Hội Đèn Trời Chiang Mai
Lễ hội đèn lồng Yi Peng là một ngày lễ đặc biệt được tổ chức ở Chiang Mai, miền bắc Thái Lan. Trong Lễ Hội Đèn Trời có hàng ngàn chiếc đèn lồng giấy gọi là “khom loi” được thả lên bầu trời mang theo những lời cầu nguyện và lời chúc. Mỗi chiếc đèn lồng là một biểu tượng của việc buông bỏ những bất hạnh và nhận công đức, một khái niệm của triết lý Phật giáo. Theo phong tục, nếu chiếc đèn lồng của bạn bay lên cao mà biến mất trong không trung thì bạn sẽ nhận được may mắn, những lời cầu nguyện của bạn sẽ đến được với Đức Phật. Còn như nếu đèn bị cháy giữa chừng thì đó là một điềm không may.
<!>
Du khách từ khắp thế giới đổ về Chiang Mai dự Lễ Hội Đèn Trời vào khoảng gần cuối tháng 11, nhiều nhất là các du khách gốc Á theo Phật giáo. Tôi chưa hề thấy loại đèn này bao giờ, chỉ nghe mấy bà cụ miền Bắc nói “xin đèn giời soi xét” lúc đến cửa quan. Do đó khi có anh bạn trẻ cho tôi xem tấm ảnh hàng ngàn đèn lồng trên bầu trời đêm, tôi bị cuốn hút ngay. Du khách muốn tham dự phải mua vé trị giá khoảng 100 Mỹ kim để có được một ghế ngồi và một đèn lồng. Họ thả đèn làm nhiều đợt, hàng ngàn người cùng to giọng đếm ngược 10, 9, 8,…3, 2,1, 0. Cả ngàn đèn lồng được thả bay lên bầu trời đêm. Một cảnh tượng thật hiếm thấy. Hấp dẫn và thú vị hơn pháo bông trong các ngày lễ hội khác nhiều, vì mỗi người đều được đích tay tham dự và còn mang ý nghĩa tín ngưỡng nữa. VCH
2. CÔ BÉ CHƠI DIỀU TRÊN CÁNH ĐỒNG MỘC HÓA
Sinh hoạt nhiếp ảnh thường rộ lên vào mỗi mùa nước nổi, khoảng tháng 9 đến tháng 11. Dân nhiếp ảnh đổ xuống miền tây chụp cảnh hái hoa súng và cảnh bầy trâu trở về trên cánh đồng tung tóe nước đỏ quạch của vùng Đồng Tháp, Mộc Hóa.
Vào một ngày cuối tuần, tôi cùng với nhóm anh em nhiếp ảnh khởi hành từ Sài Gòn lúc 5 giờ sáng để xuống Mộc Hóa, gần biên giới Kampuchea, chụp cảnh hái hoa súng và lùa trâu. Suốt buổi sáng chụp cảnh ghe hái hoa súng. Nắng cháy da. Chiều xuống, trong khi đang đứng đợi mấy chú mục đồng dẫn bầy trâu về thì thấy một cô bé chạy chơi diều trên bờ ruộng. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi chọn hướng ngược nắng, chờ cô bé chạy tới đúng điểm sáng của mặt trời phản chiếu xuống nước và bấm.
Một người học sinh cũ thấy ảnh này thì nhớ lại tuổi thơ và ứng khẩu:
Nhớ con diều giấy trây cơm nguội
Cầm dây anh tháo chạy nín hơi
Sau đuôi em nắm buông ngược gió
Mây trắng trời xanh bốn mắt ngó nhau cười.(LN)
VCH
3. TẮM TRÂU
Vào mùa nước nổi, khoảng tháng 9 đến tháng 11, bọn trẻ vùng Đồng Tháp, Mộc Hóa thường dẫn trâu lên vùng cao ăn cỏ, chiều lại dẫn về. Trước khi về chuồng, chúng thường tắm cho trâu, một loài vật rất thích tắm, dù tắm nước hay tắm bùn. Trẻ và trâu rất thân nhau như mấy cô gái thành phố cưng con chó nhỏ. Chúng bảo trâu: "Nằm xuống", thế là trâu ngoan ngoãn nằm xuống. Tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú vì trâu hiểu tiếng người và khôn như vậy. Thế là bọn trẻ tạt nước lên mình trâu, rồi vừa kỳ cọ vừa chuyện trò rôm rả. Có đứa leo lên lưng trâu, hai tay nắm lấy sừng trâu bẻ qua bẻ lại, miệng giả làm tiếng nổ xe gắn máy, giấc mơ chưa đạt được của trẻ quê. Trâu nằm yên, bình thản để mặc cho mấy cậu chủ nhỏ tắm rửa. Cảnh này cũng lạ và đầy tình cảm. Thế là tôi bấm! VCH
4. MỘT THỜI VANG BÓNG
Đấu trường La Mã (Colosseum) là một đấu trường lớn có sức chứa khoảng 100 ngàn người. Đấu trường được khởi công xây dựng khoảng năm 70-80 sau Công Nguyên và là công trình xây cất lớn nhất của Đế quốc La Mã. Đây là nơi các võ sĩ giác đấu và nô lệ gốc tù binh chiến tranh thi đấu trong tiếng hò reo vang trời của khán giả.
Colosseum được sử dụng gần 500 năm cho đến sau khi Đế quốc La Mã sụp đổ. Ngoài việc dùng làm nơi thi đấu của võ sĩ, nơi đây còn được dùng để biểu diễn tập trận giả, săn thú, kịch cổ điển… Sau này đấu trường được dùng làm nhà ở, cửa hàng, nhà thờ, pháp trường.
Dù hiện nay bị hoang phế do động đất và nạn cướp đá, Colosseum vẫn được xem là biểu tượng của Đế chế La Mã hùng mạnh, cũng là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất còn sót lại của nước Ý. Dấu vết của một thời vang bóng đã qua.
Thời trung học tôi đã được xem những phim Quo Vadis, Spartacus, Ben Hur. Hình ảnh các cuộc đua chiến xa với bốn ngựa kéo trong phim Ben Hur do Charlton Heston đóng vai chính, một phim với màn ảnh rộng đầu tiên (cinemascope); các trận giác đấu trong phim Spartacus với Kirk Douglas trong tiếng reo hò của khán giả vẫn còn văng vẳng đâu đây. Được dịp đi Ý và tới La Mã tôi không bỏ lỡ cơ hội ghé các đấu trường mà hơn nửa thế kỷ trước tôi đã say mê trên màn bạc. Chụp ngày, chụp đêm, chụp đủ góc cạnh. VCH
5. THUNG LŨNG TỬ THẦN
Thung lũng Tử Thần (Death Valley) là một sa mạc nằm phía đông California, sát biên giới Nevada. Nơi đây là vùng đất của những thái cực: nóng nhất (134ºF - 56.7ºC), khô hạn nhất (dưới 2 inches - 5cm nước mưa/năm), thấp nhất (282 ft - 86 m dưới mực nước biển).
Chúng tôi thường đến đây săn ảnh khoảng cuối đông cho mát mẻ. Qua tháng 4 thời tiết nóng dần và đến mùa hè thì vỏ bánh xe có thể bị tróc ra với nhiệt độ sát mặt đất khoảng 94ºC. Các vỏ xe này thường thấy nằm rải rác bên vệ đường. Càng tiến sâu vào bên trong thì các đồi cát càng ít vết chân người và vân cát càng đẹp. Chúng tôi thường nghỉ qua đêm tại một khách sạn nhỏ cách trung tâm sa mạc khoảng nửa tiếng lái xe để có thể chụp được cả cảnh hoàng hôn và bình minh. Màu sắc của cát, bóng của các ngọn đồi và vân cát cũng đẹp khác nhau vào hai buổi chiều và sáng. Nhưng nếu quá mê mải với cảnh hùng vĩ của thiên nhiên mà quên định hướng thì có lúc sẽ giật mình vì không biết phải đi hướng nào giữa sa mạc mênh mông để về nơi đậu xe. Đó là chuyện trong sa mạc. Còn trên đường đời thì sao nhỉ? Có lẽ điều đáng sợ nhất là đi lạc mà không biết mình đi lạc nên cứ hăm hở bước tới. VCH
6. CẬU BÉ CƯỠI SÓNG
Sáng qua mặc dù mùa hè chưa tới nhưng San Jose đã nóng như đổ lửa. Chỉ còn cách lái xe ra vùng biển Santa Cruz cho mát thôi. Dĩ nhiên là không quên mang theo máy ảnh với ống kính dài để chụp mấy tay chơi trượt sóng (surfers). Trong số những tay chơi trượt sóng sáng nay, có một cậu bé khoảng 11 tuổi biểu diễn lướt sóng trông sướng mắt nhất. Tuy ít tuổi nhưng cậu ta có vẻ rất quen thuộc với bãi biển này. Tôi thấy cậu ta leo qua hàng rào để đi tắt xuống bãi biển thay vì dùng cầu thang như mọi người. Mới tuổi này mà cậu ta đã đùa giỡn trên sóng một cách dễ dàng và đẹp mắt như một tay trượt sóng lão luyện. Chỉ cần nhìn gương mặt của các surfers là có thể biết ai là tay mơ ai là cao thủ. Tay mơ mặt căng thẳng vì sợ ngã; còn cao thủ nét mặt thoải mái, tươi vui, dáng điệu uốn éo, mềm mại, tự nhiên dù sóng mạnh yếu ra sao. Để ảnh chụp khỏi bị mờ nhòe và thấy rõ từng giọt nước, tôi thường để tốc độ 1/1500 giây. VCH
Viết giới thiệu và ảnh chụp của Vũ Công Hiển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét