Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

MẸ VÀ CON - Alexis Tolstoi


Tập Truyện Ngắn Thế Giới - Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro Th?id=OIP.WjHRHB-ka-vrc3P0nSyItQAAAA&pid=15
ALEXIS TOLSTOI (1882-1945) là nhà văn Nga sinh năm 1882 và mất năm 1945. Ông viết văn từ khi còn niên thiếu nhưng nổi tiếng nhất vào thời Đệ nhị Thế Chiến, nhờ những tác phẩm phản ảnh đúng hoàn cảnh lịch sử nước Nga lúc bấy giờ và thể hiện tinh thần yêu nước của toàn dân Nga chống kẻ thù chung. Ông viết tiểu thuyết, kịch, thơ, nhưng sở trường nhất về loại tiểu thuyết. Chính ở địa hạt này, ông đã biểu lộ rõ rệt tài năng qua những văn phẩm được phổ biến khắp thế giới: Tuổi trẻ của NIKITA, Con đường thống khổ, Vàng đen, Pierre Đại đế. Truyện MẸ VÀ CON là một trong những truyện đặc sắc của ông sáng tác thời Đệ nhị Thế chiến. Trong truyện này, ông đã trình bày một bối cảnh lịch sử khách quan, làm nổi bật tinh thần bất khuất của một dân tộc vùng lên dưới gót giày xâm lược. Toàn dân vùng lên. Cả những bà mẹ yếu đuối. Cả những trẻ thơ còn vô tư trong tuổi ngọc.<!>
Họ đã nhặt nó trên đường. Mới thoáng nhìn, họ tưởng cô gái bé ấy đã chết, và Minh Kha vội lái xe sang một bên để tránh phải cán chân nó. Nhưng nó ngẩng đầu, gió phất tung mái tóc nó như một mớ cỏ cháy. Minh Kha vội hãm xe lại. Ích Tôn đang ngồi cạnh hắn vội nhảy xuống xe và cúi xuống nhìn cô bé:
— Trèo lên xe mau!
Cô bé ráng cử động để trèo lên xe, nhưng nó té liền ngay xuống cạnh đấy, giữa con đường đầy bùn. Gương mặt gầy nhỏ bé, môi mi nửa khép, biểu lộ sự đau đớn và kiệt lực. Nó giống như một con chó con với sợi dây xích sắt mang ở cổ, bất động trước chiếc hàng rào kiên cố, nhìn người qua đường mà không thể buông ra một lời cầu khẩn.
Ích Tôn đưa mắt nhìn quanh, dưới những vầng mây ướt át mùa xuân, cánh đồng thật vô cùng quạnh quẽ. Hắn bồng cô gái lên tay. Đầu nó nghiêng trên vai hắn, nhưng bỗng nó rút đầu lại với một cử chỉ sợ hãi. Hắn cảm thấy nó ốm yếu, mảnh khảnh, dường như bộ xương nó trống rỗng bên trong.
Ích Tôn đặt nó lên xe, trên một cái bao bằng vải sơn dầu, giữa hai thùng đạn dược. Xong xuôi, hắn thót lên chỗ ngồi, đóng cánh cửa lỗ đỗ những vết đạn, ra lệnh:
— Lên đường! Đã trễ rồi! Minh Kha nói:
— Con bé ấy có lẽ ở gần đây. Mang nó theo làm quái gì?
Khi xe đã chạy được gần năm cây số, Ích Tôn mới trả lời với giọng càu nhàu và mệt mỏi mà lần đầu tiên người ta nhận thấy ở hắn từ khi có chiến tranh:
— Thật là lạ lùng cái tư tưởng của anh! Bỏ đường cái, họ tiến vào một cánh đồng đầy rạ. Chiếc xe lăn bánh một cách khổ sở trên đường và cuối cùng dừng lại trước một pháo đài bọc lưới.
Con bé vẫn còn sống. Họ bế nó vào giữa thùng xe và Minh Kha dặn nó với giọng trang nghiêm:
— Phải ngoan, đừng sờ mó gì cả nhé!
Sự dè dặt ấy thật là vô ích, ánh sáng của sự sống chỉ còn le lói dưới chiếc áo đen bằng vải bạc màu. Ích Tôn tiến về phía pháo đài. Vị Đại úy Chỉ huy trưởng đang ngồi trước phòng tuyến, khoan khoái hít làn khói thuốc trong một chiếc điếu nhỏ. Ông ta nói:
— Thật là im lặng! Người ta có thể nghe tiếng hát của chim sơn ca. Hồi sáng này, bọn chúng đã đến…
Ích Tôn vội hỏi: — Rồi ra sao?
— Đêm qua, ta đã tặng cho bọn Đức một tặng phẩm nhỏ. Kìa nhìn xem: năm thiết giáp. Trên cánh đồi kia, ta có thể thấy kết quả cuộc tấn công. Ích Tôn lễ phép nhường cho vị Đại úy nói cho thỏa thích về sự đắc thắng đêm qua. Bỗng anh ta hỏi:
— Đại úy còn thực phẩm gì trong đồn không? Như kẹo sôcôla chẳng hạn?
Vị Đại úy ngạc nhiên, miệng rời khỏi ống điếu:
— Sôcôla? Lần đầu tiên tôi mới nghe một vị Trung úy đòi hỏi sôcôla trong lúc này…
— Tôi có một đứa bé gái trong xe…
— Tại sao không nói ngay? Phải hỏi sôcôla ở đám lính gác. Chúng nó đem theo luôn. Vị Đại úy theo Ích Tôn ra tận xe. Đôi mày ông ta hơi cau lại, lộ vẻ thương hại khi trông thấy cô bé. Ông ta nhỏ nhẹ hỏi:
— Cháu tên gì? Cháu ở đâu?
Cô bé im lặng, rúc đầu trong đôi vai. Vị Đại úy thở dài:
— Chúng đã đánh nó, thật rõ như ban ngày. À, quân khốn nạn, đồ heo, đồ heo! Và ông ta nghĩ gia quyến mình cũng bị đối xử tàn nhẫn bởi bọn lính Đức, và chuyện ấy có thể xảy ra khắp mọi làng. Ông ta đưa mắt nhìn Ích Tôn:
— Bây giờ phải làm sao? Ở đây rất ồn đối với cô bé… Chúng ta đi kiếm sôcôla ngay đi…

— Không, không… Tôi không thích…
Cô bé rán sức thốt ra những lời ấy khi vị Đại úy, Minh Kha và Ích Tôn lần lượt cố đút miếng sôcôla vào miệng nó. Cả ba đều có những ngón tay kệch cỡm mà miệng con bé thì nhỏ xíu, khiến cho họ phải hết sức dè dặt. Họ cố dỗ dành nó cũng vô ích. Sau cùng, mùi vị sôcôla thấm vào miệng, con bé từ từ hở môi ra. Vị Đại úy reo lên mừng rỡ, đút trọn nửa miếng vào mồm con bé.
Họ để con bé ở đấy, cạnh Minh Kha. Ích Tôn đứng phía sau, đưa mắt nhìn trời. Chiếc xe chuyển bánh, nhả những vầng khói đen lại phía sau, rồi bắt đầu chạy trở về. Minh Kha chợt thấy cô bé đưa mắt nhìn mình, nửa miếng sôcôla đã có hiệu quả? Hắn vội đưa tiếp nửa miếng kia cho con bé. Và hắn hỏi:
— Nào, bây giờ đã chịu nói chưa?
Con bé đáp nhỏ nhẹ:
— Không!
— Tại sao vậy? Chúng ta không phải là bạn với nhau sao? Cha mẹ cháu ở đâu?
Con bé ngoảnh mặt, không muốn nhìn hắn nữa và từ chối miếng sôcôla.
Chiếc xe bỗng hãm máy trước một chiếc thiết giáp ẩn dưới một cái hố. Chính nơi đây, Ích Tôn và Minh Kha đồn trú với năm bạn chiến binh khác.
Một chiếc giường cỏ được sửa soạn dành riêng cho con bé. Bọn binh sĩ dẫn con bé xuống suối bảo nó tắm, rồi họ đi xa để nó được tự do, không ngượng nghịu, mặc dù nó chỉ độ chừng mười tuổi.
Lúc đầu, họ cho nó ăn rất ít, nhiều lần trong một ngày, nhưng vì có đến bảy người cho ăn, nên rốt cuộc con bé phải giẫy nẩy từ chối. “Không, không, tôi không thích…” Nó nằm suốt ngày trên giường, mặt day vào vách, không ai biết nó thức hay ngủ.
Nó lạnh lùng trước sự vui đùa của đám quân nhân. Một chiều, muốn cho nó giải khuây, Ích Tôn ngâm nga một bài đồng dao, nhưng con bé gởi hắn một cái nhìn buồn thảm và trách móc, làm cho hắn kinh ngạc bỏ đi. Minh Kha bảo Ích Tôn:
— Con bé bệnh. Hình như nó vừa trải qua một cơn khích động. Anh phải tìm cách đưa nó đến bệnh viện đô thành.
Lời khuyên thật là hợp lý, nhưng vì lời khuyên ấy thốt ra từ cửa miệng Minh Kha, nên Ích Tôn chỉ khinh khỉnh hít mạnh làn khói thuốc trong chiếc điếu của mình. Một lát, hắn càu nhàu đáp:
— Nó không bệnh, không bị khích động gì cả… Thật là dễ dàng đuổi nó đi bằng cách ấy! Ở bệnh viện? Nó đâu cần đến mùi thuốc… Không, đó chỉ là một sự buồn bực của trẻ con. Sự thật là vậy.

Từ sang đến tối, phi cơ Đức kêu vù vù như đàn ong. Tiếng đại bác và tiếng bom nổ vang dội quanh vùng. Mọi người chỉ ngủ nửa mắt, giống như bầy chim. Khi bình minh trở về, Minh Kha và Ích Tôn bỏ cả bữa ăn, nằm vùi xuống chỗ ngủ. Trọng Khang anh quân nhân giữ khẩu đại liên ngồi dưới chân Ích Tôn. Trọng Khang đã trải qua một đêm thật là an nhàn dưới hố, vì phi cơ địch không đến nơi ấy bao giờ. Gã nói với Ích Tôn:
— Trung úy biết không, con bé đã khóc suốt đêm qua như một người lớn.
Ích Tôn nhìn gương mặt của Trọng Khang và nghĩ thầm: “Có việc gì làm cho hắn không ngủ được!”. Nhưng Trọng Khang đã giải sự thắc mắc đó bằng cách kể cho hắn nghe những chi tiết sau đây: suốt ngày hôm qua, con bé đã theo chàng khắp nơi, không rời một bước, cả đến lúc chàng đến chỗ đặt khẩu đại liên, chàng cũng gặp nó trong bụi rậm. Chàng phải dọa nó: “Phải ẩn kín, thận trọng!”. Nó bò về phía chàng, ngồi dưới đất và cất tiếng kêu tuyệt vọng: “Trọng Khang!”. Chàng hỏi: “Có chuyện gì thế? Em đói phải không?”. Nhưng nó chỉ lặp “Trọng Khang!”. với một giọng làm cho chàng phải rợn cả người.
Nghe câu chuyện ấy, cố gắng chống lại cơn buồn ngủ, Minh Kha nói:
— Thật là rõ ràng. Nỗi buồn của nó bắt đầu tan rồi. Nó có nói tên nó là gì không?
— Nó không nói gì cả. Nó chỉ lặp đi lặp lại “Trọng Khang, Trọng Khang” suốt ngày. Và đến đêm, nó lại khóc.
Quả tim con bé có quả thật đã được sưởi nóng lại chăng? Điều đó đối với mọi người, đối với cả Ích Tôn nữa, là chuyện rất có thể xảy ra. Ấy vì “Trọng Khang” là một thanh niên rất giản dị, rất tốt, lời nói và cử chỉ của chàng thể hiện sự tin cậy và yêu đời, do đó mọi người hiểu tại sao con bé khắng khít với chàng và muốn san sẻ cùng chàng sự đau khổ của nó.
Đêm ấy, thình lình Ích Tôn tỉnh giấc và, qua ánh sáng cây đèn bấm chàng luôn luôn đem theo trong túi, chàng thấy con bé, hai đầu gối chấp lại, ôm siết chiếc gối cỏ trong đôi vòng tay bé bỏng, khóc nức nở trong cơn mơ và cất tiếng kêu thảm thiết: “Má, má! Má ở đâu?”. Ích Tôn không đánh thức nó dậy, chàng mong nó có thể gặp được mẹ nó trong mơ. Con bé kêu lên: “Má! Tại sao má lại trốn con?”. Rồi đột nhiên nó nín lặng, thở ra một hơi dài khoan khoái và bật ra một lời reo vui. Có lẽ nó đã gặp được mẹ nó rồi.

Ích Tôn đốt thuốc hút. Hắn để tâm hồn đắm chìm trong dòng tư tưởng: một ngày nọ ngày ấy đã qua rồi và là một ngày trong những năm đen tối Y Văng đặt câu hỏi này với người anh của hắn là Ích Pha: “Nếu để bảo vệ hạnh phúc cho nhân loại mà cần phải hy sinh một đứa trẻ, tra tấn nó cho đến chết, anh có thể làm việc ấy chăng?”.
Y Văng ngỡ đã đặt ra một bài tính nan giải. Và Ích Pha chỉ giữ sự im lặng… Tra tấn một đứa bé! Còn hành động nào tàn nhẫn hơn ở cõi đời nầy? Dầu hành động ấy có mục đích bảo vệ hạnh phúc cho nhân loại, cái hạnh phúc ấy chẳng đáng nguyền rủa lắm sao?
Ấy vậy mà cách giải bài tính đó thật là giản dị, người ta vừa tìm ra, phải, ta muốn rằng đứa bé ấy phải bị hy sinh với điều kiện chính ta là nó. Cuộc đời tự nó đã nêu ra câu hỏi, muốn cứu vớt sự tra tấn một đứa bé, như con bé này chẳng hạn, anh là người, anh có sẵn sàng chịu chết thế hay không? Câu hỏi thật là trực tiếp và câu trả lời thật là giản dị. Minh Kha, Trọng Khang và bốn anh bạn chiến binh mà người ta nghe tiếng ngáy khò khò vang dậy, và cả Ích Tôn nữa, tất đều như đồng thanh: “Chúng tôi sẵn sàng!”.
Ích Tôn vẫn rít mạnh chiếc điếu. Cơn giận dữ làm cho cổ hắn nổi phòng lên. Tốt lắm, không cần phải triết lý nữa. Và đây là cách thực hành, ba triệu quân Đức để đổi lấy con bé ngây thơ ấy, ba triệu người với những mái tóc xô gai, bộ chân lổng khổng, chân mày bò cái, bộ não đồi trụy, dâm ô…

***
Tay cầm cái chảo, Trọng Khang trườn qua những bụi rậm để đến bờ suối. Chính nơi đó chàng thường đến mò tôm, những khi nhàn rỗi.
Chàng cởi áo ra rồi nằm sấp trên bờ, hai tay mò mẫm dưới bùn, đầu cúi xuống sát mặt nước. Khi chàng ta bắt gặp một con tôm, chàng hí hởn lẩm bẩm: “À, mi đây rồi. Mi không bằng lòng hả? Hãy chịu vào chảo, mau lên!”. Một lần, chàng nhảy tòm xuống suối, trầm nửa thân mình dưới làn nước lạnh buốt làm cho bọt nước cuộn trào và khi chàng đứng lên, một con tôm xanh vẫy đuôi trong tay chàng. Bỗng phía sau Trọng Khang, một giọng cười reo lên vui vẻ. Lau nước trên mặt và trên tóc, chàng ngoảnh nhìn lại và bắt gặp con bé. Chàng tươi cười hỏi:
— Em cười ngạo anh đấy à?
Đôi mắt xanh của con bé chớp nhanh, đôi mi dựng lên, nó có vẻ như sắp khóc. Trọng Khang vội nói:
— Đừng khóc, Mạt Ta. Anh đùa chơi đấy mà.
— Không phải Mạt Ta, người ta gọi tôi là Mỹ Lan.
— À, bây giờ em mới chịu nói rõ tên thật. Em thật là can đảm.
Trọng Khang nhanh nhẹn mặc áo vào rồi đến ngồi cạnh con bé, kéo nó sát vào vai mình.
— Bây giờ em có muốn ăn tôm không?
— Muốn…
— Nhưng trước hết, anh phải hút một điếu thuốc, được chớ?
— Được.
Chàng xé một mảnh giấy nhật trình, đặt vào đó một ít thuốc vấn tròn lại với vẻ bằng lòng. Chàng dịu dàng nói:
— Em có giận không. Mỹ Lan? Em nên biết, Trung úy Ích Tôn ra lệnh cho anh phải tìm hiểu cuộc đời em. Ông ta rất nghiêm khắc nhưng rất công bình. Nếu anh không tuân lệnh, chắc anh sẽ bị rầy to. Chàng lấy trong túi ra một chiếc quẹt máy, bật lửa lên châm thuốc. Chàng thanh niên vừa phì phà khói thuốc vừa âu yếm bảo Mỹ Lan:
— Nào, em hãy kể đi…

Đây là những điều người ta tìm hiểu được ở Mỹ Lan, ngày hôm ấy và những ngày tiếp theo đó, qua những chuyện ngắn mà con bé lần lần thuật lại.
Mỹ Lan sống với mẹ, bà Mỹ Hạnh, trong một làng quê. Người anh cả của nó, Thái Sơn, đã nhập ngũ tùng chinh. Thái Thạch, người anh thứ, đã mất tích năm vừa qua, khi làng bị quân Đức chiếm. Bà Mỹ Hạnh sợ nhất một người ở cùng làng. Mỗi lần trông thấy hắn qua cửa sổ, bà tức giận lẩm bẩm: “Kìa, quỷ vương lại rình rập! Ôn hoàng Dịch lệ sao không bắt mày đi!”. Và mỗi lần Mỹ Lan hỏi bà: “Má, tại sao má gọi Lỗ Khấu là quỷ vương?”. Bà mẹ chỉ đáp: “Con sẽ biết khi con lớn lên. Bây giờ con phải dè dặt, đừng có nói lại những lời mẹ đã nói. Phải cẩn thận, nghe con?”.
Gia đình bà Mỹ Hạnh sống vất vả, khổ sở, gia tài chỉ có ba con gà mái, hai con trắng một vàng và một con gà trống có thói quen mang về cho đồng bọn tất cả thức ăn gì nó tìm kiếm được.
Bà Mỹ Hạnh thường nói với con:
— Đến mùa xuân, mấy con gà mái của mình sẽ đẻ mỗi ngày được ba trứng. Con sẽ được sung sướng con ạ.
Một ngày kia, cách đây độ ba tuần, Mỹ Hạnh đánh thức con dậy khi trời vừa hừng sáng:
— Con, con hãy mang đôi giày của mẹ, ra xem con gà trống của mình tại sao lại giận dữ như vậy. Loài chồn đã vào được trong chuồng chăng?
Mỹ Lan mang vội đôi giày vào chân, nhặt chiếc mũ của mẹ rồi băng mình ra sân. Cánh cửa chuồng mở toang và cánh cổng cũng mở rộng, không có một dấu vết nào của bầy gà mái, chỉ một mình con gà trống đang chạy rà rà quanh sân, đập cánh có vẻ giận dữ.
Mỹ Lan kêu lên một tiếng hốt hoảng rồi chạy thẳng ra phía cổng: một tên lính Đức đang bước đi, tay nắm chặt cẳng gà, kéo lê cánh chúng trên đường. Mấy chiếc cánh đã xụ xuống, bất động.
Mỹ Lan vừa chạy theo sau tên lính vừa khóc, nhưng gã nầy đã nhảy lên một chiếc xe cam nhông, cất tiếng cười ròn rã, khoái trá. Chiếc xe chuyển bánh. Mỹ Lan chỉ còn kịp cất tiếng gọi:
— Ông ơi, ông ơi, mấy con gà ấy của chúng tôi…
Phía bên kia đường, đâu mặt với ngôi nhà mộc mạc của bà Mỹ Hạnh, có ngôi trường xây bằng gạch. Gần đây, một chiếc xe cam nhông chở đến đó một tốp người mặc y phục và đội mũ toàn màu đen. Họ quăng bàn ghế ra ngoài cửa sổ, trát phấn nhầy nhụa những khung kính, rồi bao bọc khu vườn nhỏ bằng một hàng rào dây kẽm gai. Thế là ngôi trường biến thành trụ sở Trinh Sát Đức Quốc Xã. Từ đó dân làng xa lánh chốn ấy, còn bà Mỹ Hạnh phải tránh đi ngõ trước, lần theo đường hẻm để vào ngả sau nhà.
Đứng bên đường, Mỹ Lan bắt gặp Lỗ Khấu từ trong trụ sở Trinh Sát đi ra. Hắn đi ngang qua tên lính gác, đôi chân đập vào nhau đánh bốp một tiếng theo điệu nhà binh, rồi thung dung tiến bước. Vẻ mặt hắn tái mét để lộ những nét nhăn, giống như một kẻ quáng manh vì ánh sáng. Đến trước mặt Mỹ Lan, hắn dừng bước và trố mắt nhìn con bé:
— Máy làm gì nhìn tao thế hử, ranh con? Rồi hắn cốc vào đầu con bé một cái nên thân. Chưa vừa ý, hắn lại toan tống cho nó thêm vài đạp.
Nhưng ngay lúc ấy, bà Mỹ Hạnh trờ tới. Bà thét lên giận dữ rồi lăn xả vào mình hắn, đưa hai tay quào vào má hắn. Bà ta vật hắn xuống đất, vừa tát vào mặt hắn vừa cất giọng hổn hển:
— Tại sao mày đánh con tao, hở quỷ vương?
Chẳng hiểu vì đang say hay vì khiếp sợ, Lỗ Khấu không hề chống trả. Cho đến khi cánh cửa Trụ sở Chi Trinh Sát mở toang, một người bước ra ngưỡng cửa ra lệnh, cuộc ấu đả mới chấm dứt.
Lỗ Khấu đã tìm cách trả thù. Ngay đêm ấy, hai người lính vận y phục đen chiếc đèn bấm trong tay, tiến vào nhà bà Mỹ Hạnh. Một vị sĩ quan cùng Lỗ Khấu đi phía sau. Run rẩy, bà Mỹ Hạnh bảo con:
“Chết mẹ rồi, con ơi!”.
Lỗ Khấu rứt Mỹ Lan ra khỏi tay bàn tay mẹ nó và đẩy nó vào phía trong vách. Lỗ Khấu hỏi vị sĩ quan:
— Có tra tấn không, thưa Trung úy?
Vị sĩ quan ngồi xuống ghế, đáp với giọng chậm rãi:
— Ngươi cứ làm việc của ngươi.
Qua kẽ vách, Mỹ Lan thấy Lỗ Khấu bước đến gần bàn, chìa trong tay ra phong thư:
— Đây là bức thư của Thái Thạch, con bà ấy.
Mỹ Lan nghe tiếng mẹ nó, tuy giọng rất thấp nhưng rất rõ ràng:
— Bức thư ấy do chính hắn thảo ra. Ông ơi, ông hãy tin tôi, thằng Thái Thạch đã biệt tích, cả làng nầy đều biết. Nó không thể viết thư cho tôi được.
Vị sĩ quan móc trong túi ra một cái hộp trắng, bấm vào một cái nút, một điếu thuốc hiện ra khỏi hộp và một ngọn lửa nhỏ tự động bén cháy vào đầu điếu thuốc. Hắn hít một hơi khói, làn môi trên trề ra, đôi tay chống trên bàn. Hắn bắt đầu đọc bức thư.
Lỗ Khấu lải nhải:
— Chính thư của hắn, của Thái Thạch. Hắn hiện ở trong một biệt động đội và vẫn liên lạc với mẹ hắn. Còn Thái Sơn, đứa con trưởng của bà ấy, đã vượt tuyến để theo quân kháng chiến.
Mỹ Hạnh lại kêu lên:
— Ông ơi, ông hãy tin tôi. Con tôi không thể viết thư cho tôi được, tôi không hề biết chữ.
— Lát nữa đây, chúng tôi sẽ biết bà biết chữ hay không. Tôi không muốn mất thời giờ với bà. Tôi khuyên bà hãy khai tất cả sự thật, vì cực hình bà phải chịu sẽ thật là ghê gớm.
Vị sĩ quan ngảnh nhìn lại phía mấy tên lính:
— Chuẩn bị vài sợi thừng, một chiếc ghế dài và một lò lửa than.
Rồi đôi mắt hắn, ẩn trong bóng tối của vành nón, chiếu thẳng vào đôi bàn tay tái mét đang chấp lại trước bụng của bà Mỹ Hạnh…
Đến đây, Mỹ Lan ngưng kể. Với bất cứ ai, cả với anh chàng Trọng Khang khả ái, nó cũng không thể tiếp tục kể đoạn cuối. Đôi hàm răng nó nghiến chặt, cổ nó nghẹn ngào, nó chỉ buông ra những tiếng rú khiếp đảm, người ta có thể cho đó là những tiếng chuột kêu… Tuy nhiên, mọi người đều hiểu rằng con bé đã phải chứng kiến hàng giờ, sau kẽ vách, cảnh cực hình của mẹ nó; nó đã nghe tiếng nức nở, tiếng rên siết, tiếng kêu van, tiếng thét kinh hồn, và còn những tiếng rú thảm thiết, không giống chút nào với giọng nói đầm ấm hiền hòa của người mẹ mà nó từng nghe hàng ngày.
Qua ngày sau, một bà láng giềng lẻn vào nhà bà Mỹ Hạnh. Bà ấy trông thấy dưới đất một vũng máu, vài lọn tóc và vài mảnh giẻ rách… Sau vách, trên chiếc giường xiêu vẹo; giữa mấy chiếc gối tả tơi, còn Mỹ Lan đang nằm bất tỉnh tự bao giờ. Bà vội khép cửa lại và lo cứu chữa cho con bé vô phước.

**
Những ngày vừa qua thật là nặng nề, khó chịu. Trên đường, vô số xe tung những vầng bụi trong bầu không khí tĩnh mịch. Mặt trời chiếu ánh vàng rực rỡ qua làn sương mù.
Ích Tôn ít khi trở về chỗ trú. Mọi người có cảm giác bão tố sắp nổi dậy và quân Đức sẽ đánh vào họ những vố kinh hồn.
Một ngày kia, vị Đại úy Chỉ huy trưởng pháo đài đến chỗ họ trú bằng một chiếc xe cam nhông. Toàn thân ông lấm đầy bụi, gương mặt hiền lành nhu nhược của ông dường như phì nộn thêm. Ngồi trên một chiếc ghế dài, dưới bóng một cây sồi, ông ta lột nón xuống một cách khoái chí và đòi uống nước suối. Ông ta bảo Ích Tôn:
— Tôi đi một vòng đến thăm chiến hữu. Dường như tôm ở đây ngon lắm! Nào, chiến hữu cho nếm thử chừng năm mươi con.
Ông ta gọi Mỹ Lan lại gần và đưa tay nựng gò má con bé:
— Chà, con bé nầy thật là xinh, đôi mắt nó thật là to. Con còn nhớ có lần con đã từ chối không nhận sôcôla của ông không? Bây giờ thì con ăn tất cả, phải không? Tốt lắm, con ạ! Con đi kiếm cho ông những con tôm bự đi.
Sau khi uống hết một chảo nước lã, ông ta hút thuốc và ba hoa kể chuyện nầy sang chuyện nọ, ông nói chuyện gia đình ông, những kỷ niệm thân yêu trong đời ông. Ông muốn Ích Tôn cứ đi công tác, còn ông, như con chồn luôn luôn ở lại để phòng vệ pháo đài. Ông tiếp: “Tôi mơ được đọc những tác phẩm của Alexandre Dumas. Chiến hữu có đọc những tác phẩm đó chưa? Tôi chưa được đọc, nhưng hình như nó thật vô cùng hấp dẫn”.
Ích Tôn ngắt lời:
— Người ta nói gì về quân Đức? Tình trạng nầy còn kéo dài đến bao giờ?
— Có lẽ chừng năm hôm nữa. Chúng ta chờ đợi.
Ích Tôn hỉnh lỗ mũi nhọn lên không, gằn giọng:
— Chúng sẽ bị đánh vỡ mặt.
— Chắc chắn như vậy. Ta dọn cho chúng những sự bất ngờ.
Trông thấy Mỹ Lan xách về một giỏ đầy tôm, vị Đại úy vội trở câu chuyện. Ông ta đứng dậy, vừa đội nón lên đầu vừa nói:
— Tôi không mời chiến hữu đến pháo đài. Ai biết được? Biết đâu ngay đêm nay chúng không tấn công? Bọn lính tuần của tôi báo tin: bọn Đức dự định bao vây ta trong vòng ba ngày và tiêu diệt ta trong vòng bốn ngày, thật là hài hước!... Thôi, từ giã chiến hữu. Chúng ta sẽ gặp lại nhau gần đây.

Bây giờ, không còn phải là những bánh xe làm tung bụi. Ở phương Đông, chân trời gầm thét, bao phủ bởi một bức màn đen. Trên không, hai đàn phi cơ rú lên, làm náo động cả bầu trời vần vũ.
Như một đàn kiến, giải phóng quân sẵn sàng chiến đấu: tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn tiến lên mạnh mẽ; những chiếc xe chở đầy đạn dược chạy bon bon trên đường. Người ta có cảm tưởng như từ các miền Vô-Ga, U-Ran, Si-Bê-Ri đã tuông ra hang khối than đá nóng hổi trên giải đất ngún lửa, điêu tàn.
Một lần nữa, bị thúc đẩy bởi cơn giận dữ điên cuồng, quân đội Đức Quốc Xã toan đánh thủng phòng tuyến địch. Những chiếc xe cam nhông tuôn ra hàng sư đoàn binh sĩ mặc quân phục màu xanh. Những chiến xa bị tấn công, bị đốt cháy, bị bắn tung lên không…
Trải qua những ngày ấy, Mỹ Lan bị bỏ quên. Có một lần Ích Tôn ghé về chỗ đồn trú để kiếm thuốc hút. Đôi má hắn hóp lại, đôi mắt hắn lõm sâu, mất sắc. Nơi đồn trú bị bỏ quên từ tám ngày nay vẫn sạch sẽ. Con bé Mỹ Lan ngồi trên chiếc ghế dài đang may một chiếc áo lót nhỏ xíu bằng một mảnh vải đã phai màu. Bên cạnh nó có một con búp bê làm bằng vải vụn, đôi mắt được vẽ bằng viết chì.
Ích Tôn hỏi:
— Mỹ Lan. Cháu ở đây một mình, không sợ sao?
— Không, cháu không sợ đâu, chú Ích Tôn ạ.
— Nhưng mà cháu có gì nóng để ăn không?
— Cháu không có hộp quẹt. Hãy để lại cho cháu vài que diêm.
— Được rồi! Đây, cháu hãy giữ lấy. Công việc của chúng ta đang tiến triển khả quan. Thôi từ giã cháu nhé.

**
Ngôi làng đã được chiếm lại một cách nhanh chóng, đến nỗi không một tên lính Đức nào có kịp thì giờ để tẩu thoát. Về phần Chi Trinh Sát (Gestapo), một chiếc xe khổng lồ chứa đầy bọn lính hắc y đã bị chận bắt trên đường và bị đốt cháy toàn xe. Kháng chiến quân tiếp tục tiến về phương Tây. Ích Tôn di động đại đội mình vào một khu rừng nhỏ cạnh làng.
Khi hoàng hôn đã về và sau buổi cơm chiều, Minh Kha bảo với các bạn:
— Con bé Mỹ Lan của chúng ta thật là can đảm! Hôm trước, nó đã lẻn vào làng để tìm một người mang cái tên quái dị là Lỗ Khấu. Nhưng nó đã trở về thất vọng, vì người mà nó tìm kiếm đã biến mất, không để lại một dấu vết gì. Dân làng đã bàn tán với nhau: “Con người ấy thật là ghê tởm! Chúng ta quyết chôn sống hắn. Có lẽ hắn đã biết số phận nên mới tìm cách trốn thoát”.
Nghe nói đến Lỗ, Mỹ Lan tiến lại gần đám quân nhân. Nó ngồi xuống cạnh Ích Tôn đôi môi nó mím chặt, mày nó cau lại, nghiêm trang như một người lớn. Khi mọi người đã dứt bàn cãi và khi Trọng Khang bắt đầu thử một điệu phong cầm, Mỹ Lan mới cúi đầu bảo khẽ:
— Chú Ích Tôn này, phải tìm cho được người đó, vì chính hắn đã tra tấn mẹ cháu.
Mọi người đều ngảnh lại nhìn con bé. Ích Tôn hỉnh mũi đáp:
— Ta sẽ làm hết sức mình, Mỹ Lan ạ. Nghe đây, các bạn, chúng ta phải mở cuộc điều tra.
Minh Kha lãnh nhiệm vụ ấy. Cách vài ngày sau, hắn đã tìm được vài tài liệu về gã họ Lỗ.

Con người đó, xa lạ với dân làng, đã xuất hiện nơi đây từ tám năm trước. Gã đã cưới một mụ đàn bà góa, mà cách đó không lâu, mụ đã chết vì sự đối xử tàn nhẫn của gã.
Gã tự xưng là thợ mỏ. Gã là một người nguy hiểm, hung dữ và xảo quyệt. Viên thú y trong làng thường đến chơi nhà gã, cùng nhau nhậu nhẹt và cùng nhau thông đồng nhiều trò đáng thắt cổ, mà về sau, dưới thời kỳ bị chiếm, người ta mới rõ sự thật vì sự phô trương thành tích của gã.
Và đây là một trò xảo quyệt đáng chú ý: trước một ngày lễ Thánh giáo, một người chủ gia súc vào chuồng thăm đàn bò, thì thấy con bò cái đẹp nhất của mình đang nằm chết trên đống rơm. Cả làng đều xôn xao vì tin ấy. Vị thú y đến nơi, sau khi quan sát, đã kết luận: “Hãy dang xa ra, con bò này bị bịnh dịch”. Thế là dè dặt, người ta mang con bò ra khỏi làng và chôn nó luôn cả bộ da. Nhờ trời, sự truyền nhiễm không hề xảy ra.
Nhưng Lỗ và viên thú y đã có thịt ướp mặn ăn suốt cả mùa đông. Về sau, người ta mới biết gã và viên thú y đã thông đồng giết con bò cái ấy, rồi lại thông đồng đào nó lên để làm thịt.
Khi chiến tranh bùng nổ, Lỗ không giấu được sự vui mừng tinh quái. Gặp người nào qua đường, gã cũng nói: “À, máu đã bắt đầu chảy rồi đây! Nó sẽ chảy, sẽ chảy như làn sóng”. Khi quân ta, trong lúc rút lui, mệt mỏi và đói khát, đến gõ cửa nhà gã để xin sữa, gã lạnh lùng đáp: “Không còn gì cả, các bạn ạ!”. Và khi quân Đức đến nơi với chiến xa, Lỗ mặc y phục chỉnh tề, đầu chải láng bóng, ra đứng đón chúng ở tận cổng, chìa ra cho chúng thấy, trên một chiếc khăn thêu, một ổ bánh mì và một bình bạc. Cử chỉ của gã làm cho một sĩ quan chú ý. Hắn cầm lấy ổ bánh và bảo gã: “Tốt lắm, ta có lời khen!”.
Cách đó ít lâu, Lỗ bắt đầu tiếp xúc với dân làng. Ngồi trên tam cấp ở thềm nhà, gã vừa gõ nhịp chiếc gậy, vừa nhìn ranh mãnh ông chủ nhà đang nhăn nhó và bà chủ nhà đang bối rối. Gã tìm cách gợi chuyện:
— Tôi không hiểu tại sao chúng ta có thể sống dưới chế độ mới nầy được. Ông bà biết không, lúc đầu tôi còn biếu cho họ nào bánh mì nào muối, nhưng rồi sau đó, tôi bắt đầu ngờ vực… Quả thật nước Đức có đem đến cho chúng ta trật tự và ban hành chế độ tự do thương mại, nhưng họ là người chủ khắc nghiệt. Thế rồi tôi nặn óc tìm hiểu. Tôi đến viếng nhiều người, thấy dân ta sống trong tinh thần tập thể và đoàn kết… Và rồi nhiều người bỏ đi kháng chiến, ta có nên tin rằng họ hành động như thế là chánh đáng? Và cuối cùng, quân Đức có ở đây lâu dài được không? Ấy lại là một câu hỏi nữa. Ông bà nghĩ thế nào?
Lúc đầu, trong một hai tuần, quân Đức dường như không chú tâm gì đến dân làng. Chúng thản nhiên tập thể dục, đá banh, thổi kèn và dạo chơi trần truồng với chiếc xì líp, không biết xấu hổ là gì. Nhưng từ khi bọn hắc y đến nơi, dán một thông cáo tại trường học kết án tử hình tất cả mọi hành động phạm tội, bấy giờ quân Đức Phát Xít mới bày hàm răng chó sói của chúng với dân làng. Chúng vét sạch làng và nhặt tất cả những gì mà bọn hắc y không thể chở hết trên xe cam nhông.
Ban Trinh Sát từ đây chú ý tới từng nhà. Và cũng vì thế mà mọi người mới hiểu mục đích cuộc thăm viếng người nầy người khác của Lỗ. Tinh nghề, gã biết rõ nhà nào có con đi kháng chiến và người nào đã xung vào quân đội. Đêm trước khi quân Đức đến chiếm đóng, một giáo viên cùng vài thanh niên trong làng đã phá vỡ vài chiếc cầu và vài kho hàng. Kết quả công tác ấy là một đoàn xe của quân Đức bị tan vỡ. Ngay hôm ấy bọn hắc y bắt vô số dân làng từ những người già nua đến những đứa trẻ vị thành niên, mang tất cả về trường học. Những nạn nhân bị bắt đều thuộc về những gia đình trước kia đã được Lỗ vinh dự đến viếng.
Đêm lại, người ta nghe vang đến tận cuối làng những tiếng rú kinh hồn phát ra từ trường học. Không ai có thể nhắm mắt được.
Những người trẻ ngẩng đầu lên nghe; những người già cả lâm râm cầu nguyện.
Người ta bắt đầu đồn rằng Lỗ đã chứng kiến những cảnh tra tấn đó. Nếu không, làm sao cắt nghĩa được sự hiện diện của hai con bò cái và một con bò đực trong chuồng gã?
Khi thấy Lỗ tiến đến gần nhà, dân làng dấu tất cả thức ăn còn lại và gởi con cái đi chơi chỗ khác. Họ ghét những ai tiếp Lỗ, nhưng thật là nguy hiểm cho những ai đóng cửa lại trước mặt gã.
Gã không bao giờ đi đến đâu với hai bàn tay không, tay gã rút trong túi ra một chai rượu mạnh. Gã ngồi vào bàn, thở ra một hơi dài:
— Những người yêu nước không thích tôi, tôi biết chắc như vậy.
Người ta không còn tin cậy tôi và họ thêu dệt nhiều điều về tôi. Nói đến đây, gã móc trong túi khác ra một miếng thịt mỡ và xắt ra từng mảnh vuông nhỏ. Gã kè nhè tiếp:
— Tôi không phải là người sao? Tôi là con vật hay là con quỷ? Trời ơi, tôi đã chán lắm, tôi đã chán ngấy bọn Đức rồi.
Gã nốc rượu ừng ực, nhấm một cục thịt mỡ, rồi lải nhải:
— Chính chúng đã phao tin tôi làm cho Ban Trinh Sát. Chúng muốn kéo tôi về phía chúng và muốn tôi bị xử tử khi quân ta trở về. Còn mấy con bò cái, chính tôi đã mua với số tiền dành dụm. Thịt ướp mặn và sữa, đó là hai món tôi say mê…
Gã nheo mắt một cách tinh quái và rót đầy những ly đã cạn:
— Nếu mọi người nói xấu tôi như thế, thì thà là quỷ bắt mất mấy con bò ấy đi. Tôi sẽ bỏ tất cả. Tôi sẽ vượt tuyến, mặc cho bọn Đức muốn làm gì thì làm. Hoặc là tôi sẽ quỳ dưới chân vị Chỉ huy quân đội ta mà thốt ra những lời tâm huyết nầy: “Tôi muốn chuộc tất cả tội lỗi bằng máu của tôi…”
Nói xong, Lỗ nín lặng lén quan sát người đối diện. Gã kia, quá tin cậy, thú nhận tất cả một cách ngây thơ. Vài ngày sau, Chi Trinh Sát cho người đến bắt gã.

Ích Tôn dẫn Mỹ Lan đến trung đội bảy. Hắn thuật lại với vị Trung đội trưởng câu chuyện của Lỗ Khấu, trong khi con bé chăm chú lắng tai nghe với vẻ cảm động, dường như cả đời nó chỉ đặt vào một hy vọng: tìm được kẻ thù.
Vị Trung đội trưởng nói:
— Chúng ta sẽ tìm tên khốn nạn đó.
Mỹ Lan nở một nụ cười, nhìn chăm chú ông ta, khẽ hất đầu với vẻ băn khoăn.
Ích Tôn vội vàng từ giã rồi hối hả trở về. Mỹ Lan cất bước nặng nề bên cạnh hắn:
— Chú Ích Tôn à, họ sẽ tìm được hắn chăng?
— Làm sao biết được? Nhưng khi họ đã hứa, họ sẽ tìm…
— Chú Ích Tôn à, cháu cũng phải đi tìm hắn.
— Cháu muốn đi đâu? Cháu sẽ bị xe cán chết hoặc cháu sẽ đạp nhầm mìn.
— Vậy thì không được đi đâu sao, chú?
— Không được đi đâu cả. Cháu hãy im đi, đừng chọc chú giận. Nhiều ngày qua, Mỹ Lan xa lánh mọi người, u buồn và lặng lẽ, đôi mày nó chau lại… Rồi, một buổi sáng, nó biến mất khỏi trại. Mọi người hiểu ngay là nó lên đường tìm gã họ Lỗ. Minh Kha vội đi lấy tin tức: trong làng, vài người trông thấy con bé về gần nhà mẹ nó, trong khi mấy cánh cửa vẫn đóng chặt; vài người khác cho biết nó có hỏi thăm về Lỗ Khấu. Nhưng rồi sau đó, nó đi đâu nữa, không ai được rõ.
Ba ngày sau, Mỹ Lan lẻn về trại, giống như một con chó đi hoang, áo quần dơ dáy và mặt mày trầy trụa. Mọi người tiếp nó một cách lạnh nhạt, không ai thăm hỏi hoặc rầy la. Nó ăn một bụng no nê rồi nằm dùi ra ngủ. Sáng hôm sau, nó lại biến mất một lần nữa.
Một người đàn bà trong làng dẫn hai đứa con về thăm nhà bị tàn phá, đã thuật lại với mấy bà láng giềng (mà hai giờ sau, mấy đứa bé liên lạc đã đem tin về cho Minh Kha) rằng bà đã gặp cách làng độ chừng mười lăm cây số, đứa con gái của bà Mỹ Hạnh. Người đàn bà ấy nói:
— Con bé đã nói thật sự đau khổ của nó, sự đó làm cho chúng ta phải não lòng. Thật là tinh khôn, con bé ấy! Theo ý nó, tên Lỗ Khấu chỉ có thể lẫn trốn trong đám dân công. Nó bảo nó đã đi qua những nơi người ta đang công tác đắp đường, đào hầm trú ẩn, đã nhìn vào tận mặt tất cả mọi người. Tôi đã ôm nó vào lòng và cả hai cùng khóc. Tôi cho nó một miếng bánh mì, rồi nó lại lên đường…

— Chú Ích Tôn, chú Ích Tôn dậy mau…
Giật mình tỉnh giấc, Ích Tôn ngáp một hơi dài. Ánh mai chiếu dịu dàng qua cửa sổ. Mỹ Lan đứng tựa giường, vuốt ve mặt vị sĩ quan.
— À, cháu đây rồi! Tại sao cháu lại quấy rầy chú?
— Chú hãy đi ngay với cháu lại nhà người hôm nọ. Chú Ích Tôn ơi, chú biết không, cháu đã tìm được hắn rồi…
— Tìm được? Làm thế nào cháu tìm được hắn?
— Đến đó, cháu sẽ nói cho chú nghe. Bây giờ, chú phải đi ngay.
Cả hai đến Trung đội bảy. Vị Trung đội trưởng còn nằm ngủ khì trên hai chiếc ghế dài đâu lại, đầu gối trên một chiếc khăn lông. Không đợi ông ta có thì giờ tỉnh trí và ngồi vào bàn, Mỹ Lan đã hối hả thuật:
— Con đã đi gần hai trăm cây số, trước khi tìm được hắn. Ông không biết hắn đâu, hắn đã cạo râu nhẵn nhụi, chỉ có con mới nhận được hắn!...
Một lát sau, một chiếc xe chở cả ba lên đường. Đứng trong xe, Mỹ Lan nhìn thẳng ra trước, hết sức chăm chú. Thình lình, nó giơ tay lên và ngoảnh lại phía viên Trung đội trưởng:
— Nơi đây rồi.
Lưng khom xuống và lấm đầy bụi vôi, một người đàn ông đang đập sỏi trên đường, đôi chân quấn vải và đầu quấn một chiếc khăn tay. Khi xe ngừng lại, hắn mới ngẩng nhìn lên, đôi mắt nheo nheo, gương mặt nhẵn nhụi. Mỹ Lan đưa tay chỉ hắn, reo lên:
— Chính hắn đó.
Người đàn ông ngẩng lên:
— Có chuyện gì thế? Các người muốn hỏi giấy tờ? Đây nầy, đầy đủ những giấy tờ hợp pháp. Hắn vừa nói vừa ném một cái nhìn giận dữ vào con bé đang đứng nép vào viên Trung đội trưởng. Dứt lời, hắn cúi đầu và tiếp tục đập sỏi.
Sau khi xem qua giấy tờ, viên Trung đội trưởng hỏi:
— Nhà ngươi tên Hải Luân, sanh năm 1913? (Bàn tay lạnh ngắt của Mỹ Lan nắm chặt lấy bàn tay rắn chắc của viên Trung đội trưởng và siết chặt).
Người đàn ông đáp, không ngước đầu lên:
— Phải, tôi tên Hải Luân. Có chuyện gì vậy?
— Có phải giấy thông hành nầy do quân Đức cấp?
Với một nụ cười hài hước, hắn chậm rãi lắc đầu:
— Đừng làm cho tôi sợ hãi, bạn ạ! Giấy thông hành của tôi do chánh quyền ta cấp. Thật là cuộc đời chó má! Người ta dập sỏi, người ta đói khát, người ta tưới máu vì dân tộc, và bây giờ được nhận lấy cái phần thưởng: giấy thông hành nầy do quân địch cấp cho.
Khi hắn đang làm bộ mặt sụt sùi mếu máo, viên Trung đội trưởng rút vội khẩu súng lục ra:
— Đứng lên!
Người đàn ông đứng lên một cách miễn cưỡng và ném mạnh con dao trên đống sỏi một cách giận dữ.
— Giơ tay lên!
Viên đội trưởng lục xét khắp các túi hắn rồi nghiêm giọng ra lệnh:
— Hãy tiến lên trước! Thẳng ra xe!

**
Biết bao người chứng đã nhận ra Lỗ Khấu nên hắn không thể chối cãi được và cuối cùng hắn đành thú nhận tất cả sự thật:
— Sống với người Đức, tôi luôn luôn say sưa lúc đầu vì vui mừng, sau đó để lương tâm tôi chìm đắm trong thứ nước khả ố ấy. Tôi không giấu các ông: vì bánh mì và muối mà tôi tiếp đón quân địch. Các ông nên biết rằng tôi sống rất khổ sở trong chế độ cũ. Tôi ngỡ rằng với những người mới, cuộc đời tôi sẽ trở nên tươi đẹp hơn… Nhưng họ đã lừa dối tôi, và tôi xin các ông cho tôi được phép nói lên điều ấy ở đài phát thanh cho tất cả mọi người đều biết. Lúc đầu, tôi đã làm việc cho họ với sự thích thú, một cách rất nghệ sĩ. Tôi đã bị quân ta bạc đãi. Tôi muốn chứng tỏ cho họ biết rằng tôi đã tự nung lấy bằng thứ cũi nào… Nhưng khi bọn Đức dẫn những người yêu nước của ta đến Chi Trinh Sát, khi tôi nghe những tiếng rú rùng rợn, tôi cảm thấy tuyệt vọng. Tôi chỉ còn cách say vùi trong men rượu, và càng ngày tôi càng rơi xuống tận vực sâu…
Luôn mấy đêm, hắn kể lại cách hành hạ tàn nhẫn của bọn Trinh Sát. Hắn chỉ cái hầm đã chứa thây của bao nhiêu người yêu nước; hắn chỉ những dụng cụ mà Ban Trinh Sát dùng để tra tấn địch quân. Hắn lẩm nhẩm: “Phải, tôi đã chứng kiến hơn một lần cảnh tra tấn đó”. Rồi thình lình, hắn lăn đùng xuống, hai tay quào đất vừa thét lên với giọng kinh khủng: “Máu, trời ơi! máu!”. Hắn vừa thét vừa hôn lên nền đất.
Về sau, trong khi hắn bị nhốt trong khám, một sĩ quan khác đặt câu hỏi:
— Anh há chẳng từng nói rằng: anh làm việc với quân Đức tức là anh đã phản bội dân tộc, phản bội tổ quốc?
— Đúng như vậy… Nhưng mà, thật là ngộ nghĩnh, chữ “Tổ quốc” không thể nuôi sống ta được…
Thế rồi ra trước tòa án, hắn bị kết án xử giảo. Khi nghe quan tòa tuyên án, Lỗ Khấu vẫn thản nhiên không đổi sắc, mày không nhíu và người không run. Cả phòng xử đều kinh ngạc. Vài tràng pháo tay nổ ròn hoan nghênh án lệnh.
Một người đàn bà giận dữ thét lên:
— Hình phạt ấy chưa xứng đáng! Phải lột da hắn!

Sáng hôm sau, dân làng tụ tập đông nghẹt tại pháp trường. Bốn người lính dẫn Lỗ Khấu đến. Hắn bước đi chậm chạp, đầu cúi xuống, chân loạng choạng.
Quan Tòa đọc lại bản án tử hình và lời cầu nguyện cho kẻ tử tội. Được dẫn đến trước ghế, hắn lùi bước… Người ta phải nắm lấy tay hắn, xô hắn tiến lên. Rồi thì, với vẻ bận rộn, hắn tự đút cổ vào vòng dây, và mọi người đều trông thấy đôi mắt hắn trợn trắng, đôi môi trề ra để lộ đôi hàm răng nhỏ và đều.
Đứng bên cạnh hắn, con bé Mỹ Lan nắm chặt hai bàn tay bé bỏng, thét to:
— Không được cười! Phải rú lên, rú lên như mẹ ta đã rú!

Alexis Tolstoi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét