Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI SÁNG 28/7/2029 - Hoa Tự Do

SCS: Máy bay Mỹ đã bay qua vùng trời Đài Loan

SCS, Trung tâm nghiên cứu đại dương của Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, nói rằng một chiếc máy bay do thám RC-135W của Hoa Kỳ đã bay qua lãnh thổ Đài Loan vào thứ Hai, theo Taiwan News. Trung tâm này cho rằng máy bay đi về phía đông quận Pingtung ở cực nam của Đài Loan, sau đó quay về hướng tây và bay qua quận này một lần nữa.Cáo buộc của SCS được đưa ra trong bối cảnh cách đây ít ngày, máy bay do thám Mỹ đã nhiều lần áp sát bờ biển phía nam của Trung Quốc trong thời gian Đài Loan tổ chức tập trận Hán Quang, cuộc tập trận thường niên để chuẩn bị cho trường hợp bị quân đội Trung Quốc tấn công.
<!>

Cho đến nay, vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào từ chính phủ Hoa Kỳ, Đài Loan hay Trung Quốc về sự kiện mà SCS đề cập. Bộ Quốc phòng Đài Loan đã từ chối bình luận về thông tin này.

WHO nói thế giới không thể đóng cửa mãi

Các lệnh cấm du lịch quốc tế không thể tiếp diễn vô thời hạn và các quốc gia sẽ phải làm nhiều hơn để giảm bớt sự lây lan của dịch Covid-19 trong biên giới của họ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu quan điểm hôm thứ Hai, theo SBS News.
Người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, cho rằng các quốc gia không thể kéo dài tình trạng đóng cửa biên giới, vì “kinh tế phải mở cửa, con người phải làm việc, buôn bán phải nối lại”.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến cùng ngày, giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng chỉ có tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp y tế, từ đeo khẩu trang đến tránh tụ tập đông người, thì thế giới mới có thể đánh bại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Tom Cotton: Đừng tin chính quyền Trung Quốc, ‘họ lúc nào cũng chỉ nói dối’

Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Tom Cotton 
Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Tom Cotton đã góp thêm sóng gió vào mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh khi khuyến cáo mọi người không nên tin bất kỳ điều gì từ chính quyền Trung Quốc.
Washington Examiner đưa tin, trong một cuộc hội thảo hôm hôm thứ Hai (27/7), vị nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa đại diện cho bang Arkansas tuyên bố: “Các bạn không bao giờ nên tin bất cứ điều gì mà Đảng Cộng sản Trung Quốc nói với các bạn. Họ lúc nào cũng chỉ nói dối”.
Phát biểu trước khán giả là những người đang đeo khẩu trang để phòng tránh dịch viêm phổi Vũ Hán, ông Cotton nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ “phải chịu trách nhiệm” về sự bùng phát của virus corona. Ông nhấn mạnh: “Họ phải chịu trách nhiệm về điều đó”.
Thượng nghị sỹ Cotton lên án mạnh mẽ chính quyền Trung Quốc đã gây ra vô số thiệt hại về sinh mạng và việc làm trên khắp thế giới. Chính quyền Trung Quốc “vô cùng thờ ơ trước sự sống của con người”, ông Cotton nói.
Nhưng mặt khác, đại dịch Vũ Hán đã khiến nhiều người hiểu ra mối nguy hại mà chính quyền Trung Quốc đặt ra. Thượng nghị sỹ Cotton cho biết: “Nhân dân Mỹ đã nhìn thấy bộ mặt thật của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Ông Cotton, sinh năm 1977, là một trong những thượng nghị sỹ trẻ nhất của Hoa Kỳ. Ông thường xuyên có những lời chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào chính quyền Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Vào đầu tháng 7, ông Cotton cảnh báo người dân không nên sử dụng ứng dụng TikTok của Trung Quốc, trong bối cảnh nhiều thông tin nghi ngờ mạng xã hội này là công cụ gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cũng trong cuộc hội thảo hôm 27/7, bà Marsha Blackburn, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ bang Tennessee, đã trình bày một số biện pháp có thể khiến Trung Quốc phải trả giá, trong đó bao gồm đề xuất hạn chế thị thực cho du học sinh Trung Quốc.
Cả ông Cotton và bà Blackburn đều đang vận động cho các dự luật trừng phạt Trung Quốc. Washington Examiner cho biết, bà Blackburn kỳ vọng sẽ có một số biện pháp trở thành hiện thực, nhưng bà nói thêm rằng sẽ không có gì xảy ra nếu Tổng thống Trump bị đánh bại bởi ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử sắp tới. Nữ nghị sỹ đánh giá ông Biden là người “đồng cảm với chế độ cộng sản” Trung Quốc.

Cố vấn an ninh Mỹ nhiễm virus Vũ Hán

Ông Robert O’Brien, 54 tuổi, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, đã cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán vào hôm thứ Hai. Đây là trường hợp quan chức cấp cao mới nhất của Nhà Trắng bị nhiễm loại virus có nguồn gốc từ Trung Quốc, SBS News đưa tin.
Cố vấn an ninh “đã tự cách ly và làm việc ở một địa điểm an toàn ngoài văn phòng”, Nhà Trắng cho biết thông tin trong một tuyên bố, và thông tin thêm rằng “Tổng thống và phó Tổng thống ít có nguy cơ lây nhiễm” từ ông O’Brien.
Những trường hợp quan chức Mỹ hoặc nhân vật VIP của Nhà Trắng trước đó bị nhiễm virus Vũ Hán bao gồm Katie Miller, phát ngôn viên của Phó Tổng thống Mike Pence, Kimberly Guilfoyle, một người gây quỹ hàng đầu cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump.

Kim Jong Un: Không lo chiến tranh vì đã có vũ khí hạt nhân

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố đất nước này sẽ không còn chiến tranh nữa vì đã có vũ khí hạt nhân.
Reuters trích thông tin từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm 28/7, cho biết ông Kim Jong Un nói rằng Bình Nhưỡng đã phát triển vũ khí hạt nhân để có “sức mạnh tuyệt đối”, nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang tiếp theo. Tuyên bố được đưa ra hôm 27/7 khi ông Kim gặp các cựu binh nhân kỷ niệm 67 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
“Hiện giờ chúng ta có khả năng tự bảo vệ mình trước mọi hình thức gây áp lực cường độ cao, cũng như mọi mối de dọa quân sự từ đế quốc và các thế lực thù địch”, ông Kim Jong Un nói.
Nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba trong gia tộc họ Kim tuyên bố: “Nhờ khả năng răn đe hạt nhân có tính chất tự vệ, đáng tin cậy và hiệu quả, sẽ không còn chiến tranh nữa, sự an toàn và tương lai của đất nước chúng ta sẽ được bảo đảm vững chắc mãi mãi”.
Triều Tiên và Hàn Quốc từng là quốc gia thống nhất, nhưng bị chia cắt bằng vĩ tuyến 38 kể từ sau Thế chiến thứ 2, với sự hiện diện của Liên Xô ở miền Bắc và Hoa Kỳ ở miền Nam. Các cuộc đàm phán thống nhất thất bại, miền Bắc với sự hỗ trợ của Liên Xô thành lập chính quyền xã hội chủ nghĩa dưới quyền lãnh đạo của Kim Il Sung, ông nội của lãnh đạo Kim Jong Un hiện nay. Miền Nam với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ thành lập chính quyền tư bản chủ nghĩa, đặt tên nước là Đại Hàn Dân Quốc, hay còn gọi là Hàn Quốc.
Chiến tranh liên Triều xảy ra từ ngày 25/6/1950 khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên với sự hỗ trợ của Trung Quốc và Liên Xô, đem quân tấn công miền Nam. Liên Hợp Quốc sau đó cử quân hỗ trợ Hàn Quốc, trong đó chủ yếu là quân đội Mỹ. Sau ba năm, hai miền đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 27/7/1953. Vì không có hiệp định hòa bình nào giữa hai miền, nên về nguyên tắc Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Philippines sẽ mua vắc xin chống Covid của Trung Quốc

Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, nói với các nghị sĩ hôm thứ Hai rằng ông đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ưu tiên cho Philippines được tiếp cận vắc-xin chống Covid-19 do Trung Quốc sản xuất, theo SCMP.
Trong bài phát biểu trước quốc hội Philippines, ông Duterte cho biết: “Bốn ngày trước, tôi đã khẩn thiết đề nghị ông Tập Cận Bình [bán vắc xin cho Philippines]. Chúng ta có thể là một trong những nước đầu tiên có nó, chúng ta có thể mua nó không?”.
Trong bài phát biểu kéo dài 90 phút của mình, Tổng thống Duterte cũng nhắc lại rằng ông sẽ không đối đầu với Trung Quốc về các yêu sách Biển Đông, nói rằng ngoại giao là cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết vấn đề bởi vì Philippines không đủ khả năng đối đầu với Trung Quốc trong một cuộc chiến.
Bắc Kinh phủ nhận thuê người Singapore làm gián điệp
Chính quyền Trung Quốc hôm thứ Hai đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ tuyển mộ Dickson Yeo, người Singapore, làm gián điệp tại Mỹ với nhiệm vụ chuyên săn lùng các thông tin bí mật của Hoa Kỳ, theo Straits Times.
Trả lời các câu hỏi của The Straits Times trong một cuộc họp báo ngắn hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân đã phủ nhận những thông tin mà Yeo khai báo tại Hoa Kỳ rằng anh ta được Trung Nam Hải thuê làm gián điệp phá hoại an ninh nước Mỹ.
“Tôi muốn nói ở đây điều này. Trong nỗ lực bôi nhọ Trung Quốc, cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ đã liên tục đưa ra cáo buộc về các hoạt động gián điệp của Trung Quốc”, ông Vương nói. “Nó đã đạt đến trạng thái khủng hoảng nghi ngờ. Chúng tôi yêu cầu Hoa Kỳ dừng việc này lại, và ngừng sử dụng vấn đề gián điệp để tiếp tục bôi nhọ Trung Quốc”.

Bộ trưởng Đài Loan: Tân Cương là hình mẫu cho một chính quyền độc tài toàn diện

Bộ trưởng Đài Loan: Tân Cương là hình mẫu cho một chính quyền độc tài toàn diện
Trung Quốc đang lợi dụng các công nghệ mới để biến khu vực Tân Cương – nơi cư ngụ của dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi – trở thành mẫu hình cho một chính quyền giám sát độc tài chuyên chế toàn diện, Bộ trưởng Kỹ thuật số Đài Loan cho biết hôm thứ Hai (27/7).
“Chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực nhằm kiến lập một chính phủ toàn trị hầu hết đều không thành công trọn vẹn vì không có đủ công nghệ để đảm bảo việc giám sát toàn bộ người dân”, Bộ trưởng Kỹ thuật số Đài Loan Audrey Tang trao đổi với các phóng viên ở Tokyo trong một cuộc họp báo trực tuyến. “Nhưng giờ đây ở Tân Cương, chúng ta đang chứng kiến hình mẫu một chế độ giám sát toàn trị thực sự toàn diện đang được vận hành”.
Khu vực này, vốn có đa số nhân khẩu là người Hồi giáo, là một chủ đề gây tranh cãi trong mối quan hệ song phương Mỹ-Trung, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ hồi tuần trước áp lệnh trừng phạt đối với 11 doanh nghiệp khác bị cáo buộc dính líu đến các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. 
Một báo cáo hồi tháng hai của Viện Chính sách chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) ước tính hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ đã bị cưỡng chế di dời ra khỏi Tân Cương để làm việc trong các nhà máy trên khắp Trung Quốc trong giai đoạn 2017-2019, một số trong đó được điều trực tiếp từ các trại giam. Theo báo cáo, những người lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ này phải hứng chịu đe dọa, và liên tục bị giám sát bởi nhân viên an ninh và các thiết bị giám sát kỹ thuật số.
Phát biểu qua Internet từ Đài Bắc, ông Tang cho biết những báo cáo này đóng vai trò một lời nhắc nhở người dân Đài Loan về giá trị của nền dân chủ tự do.
“Chúng ta nhìn mọi thứ qua lăng kính của nhân quyền và dân chủ”, vị bộ trưởng nói. “Những nỗ lực này, ví như ở Tân Cương mà tôi vừa đề cập đến, đang thúc đẩy tất cả người dân Đài Loan xem xét các ứng dụng và công nghệ này. Nó là một lời nhắc nhở mạnh mẽ, rằng chúng ta không nên bén mảng đến đây”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Nikkei, ông Tang nhận định việc tích hợp thiết bị của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng viễn thông cốt lõi của Đài Loan chẳng khác nào mời một con ngựa thành Troia vào mạng lưới liên lạc của quốc đảo.
“Mỗi lần nâng cấp, bạn sẽ phải tiến hành một lần tái đánh giá rủi ro hệ thống”, Tang nói. “Nhưng tôi cho rằng rủi ro là quá cao, và chi phí sở hữu quá cao, tốt hơn chúng ta nên làm việc với các nhà cung cấp khác từ các quốc gia tự do dân chủ”.
Thật vậy, Đài Loan đã loại bỏ Huawei một cách hiệu quả ra khỏi hệ thống mạng 5G. Tháng 6, hãng viễn thông nội địa Chunghwa Telecom, với sự hỗ trợ của chính phủ, đã ra mắt các dịch vụ thương mại 5G trên nền tảng hệ thống internet tốc độ cao của hòn đảo, sử dụng công nghệ của Ericsson.
Mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc đã trở xấu kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn – một người có đường lối cứng rắn với Trung Quốc – nhậm chức từ năm 2016, khiến hòn đảo trở thành mục tiêu thường xuyên của các cuộc tấn công mạng. Chính phủ cho biết Đài Loan bị tấn công mạng trung bình 30 triệu lần mỗi tháng.
“Có những cuộc tấn công mạng theo nghĩa đen hàng giờ,” ông Tang nói. “May mắn thay, hầu hết trong đó đã được chặn tự động bởi hệ thống quốc phòng chuyên sâu mà chúng tôi đang triển khai. Do đó các cuộc tấn công mạng này không thực sự can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống [hồi tháng 1], mặc dù có rất nhiều chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch”.

Truyền thông Trung Quốc nói nông nghiệp ‘được mùa bội thu’, nông dân nói thế nào?

Lương thực trong kho dự trữ quốc gia Trung Quốc như đồ phế phẩm 
Dưới nhiều áp lực nặng như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đại dịch viêm phổi Vũ Hán, lũ lụt và nạn châu chấu, chính quyền Trung Quốc mới đây lại tuyên bố rằng nông nghiệp nước này năm nay được mùa bội thu. Ngôn luận này vừa được đưa ra đã làm dấy lên sự nghi ngờ và chế giễu của người dân.

Truyền thông rêu rao “lương thực vụ chiêm cao kỷ lục”, người dân kêu khổ, hạn hán khiến mất mùa trầm trọng

Gần đây, sau khi ông Tập Cận Bình đến Cát Lâm để khảo sát vấn đề an ninh lương thực, các kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày 26/7 đã xuất bản bài viết có tiêu đề “Nhân dân Nhật Báo lần nữa nhấn mạnh lương thực được đảm bảo!“, bài viết nói rằng, “kho lương đầy đủ, thiên hạ an tâm“, đồng thời nhấn mạnh rằng thu hoạch vụ chiêm năm nay lần nữa được mùa bội thu, sản lượng đạt 142,8 tỷ tấn, tăng 1,21 tỷ tấn, tương đương tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục mới.
Báo cáo cũng cho biết, “nông nghiệp của Trung Quốc được mùa bội thu liên tục trong nhiều năm với trữ lượng lương thực dồi dào, hoàn toàn có khả năng đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp các mặt hàng nông sản quan trọng, củng cố vững chắc tuyến phòng thủ đảm bảo lương thực quốc gia”.
Nhưng tuyên truyền của phía chính quyền dường như trái ngược hoàn toàn với tình cảnh chân thật của người dân.
Ông Trương Nhất Quần, một nông dân trồng ngô ở Thiết Lĩnh thuộc tỉnh Cát Lâm, tiết lộ với đài quốc tế rằng những cánh đồng ngô xung quanh nhà ông không tốt như ngô được các kênh truyền thông nhà nước tuyên truyền. “Năm nay vùng đông bắc hạn hán nghiêm trọng, căn bản không có mưa”. Những cây ngô mà ông trồng cao đến thắt lưng liền bị chết khô, căn bản không có thu hoạch, đành phải vứt đi. Do hạn hán nên thân ngô cũng không trổ hạt được.
Ông nói thẳng rằng tình hình miền nam Trung Quốc lũ lụt trầm trọng, miền bắc hạn hán không mưa đến nay vẫn chưa được giải quyết, các công trình khổng lồ điều tiết nước từ miền nam vào miền bắc vốn không mang lại lợi ích gì cho vùng đông bắc này.

Miền nam lũ lụt không ngừng, cây nông nghiệp bị hư hại gần như toàn bộ

Miền nam Trung Quốc, lưu vực sông Dương Tử cũng là khu sản xuất lương thực quan trọng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những trận mưa lớn và lũ lụt thường xuyên kéo dài gần hai tháng nay khiến cho mực nước đến nay vẫn chưa rút. Những người nông dân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Huyện Toàn Châu được xem là huyện nông nghiệp lớn của tỉnh Quảng Tây lại gặp phải nạn châu chấu, toàn bộ cây nông nghiệp đều bị ăn sạch.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng một cuộc khủng hoảng lương thực có thể nổ ra ở Trung Quốc trong nửa cuối năm nay, tuy nhiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc ngày 16/7 đã đưa ra tuyên bố rằng nguồn cung cấp lương thực trên cả nước vẫn được đảm bảo và hứa hẹn vụ mùa bội thu trong cả năm. Còn về khủng hoảng do thảm họa mang lại, các kênh truyền thông lại không đề cập đến.
Trước những ngôn luận tuyên truyền “nông nghiệp Trung Quốc hứa hẹn được mùa bội thu cả năm” của ĐCSTQ, người dân không khỏi chế giễu, tranh nhau để lại lời bình: “Thật quá lợi hại, đất nước tôi nhờ có kỹ thuật canh tác hoàn toàn mới, vậy nên không sợ lũ lụt, không ngại hạn hán, vẫn đạt sản lượng cao kỷ lục hàng năm!”, “Một bước nhảy vọt lớn trong sản xuất lương thực ngay trong mưa lũ“, “Lũ lụt hoành hành rồi lại thêm nạn châu chấu, vậy mà vẫn được mùa bội thu?” “An ninh lương thực có được nhờ bắt tay thực hiện, chứ không phải đạt được bằng những lời rêu rao“, “ĐCSTQ còn có lời khoác lác nào chưa từng nói, thật đúng là vô sỉ cùng cực“.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ngày 23/7 cho hay, Trung Quốc bất ngờ mua lượng lớn ngô và đậu nành từ Hoa Kỳ, trong đó đậu nành đạt 1.696 triệu tấn, được xem là mức cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái đến nay, lượng ngô là 1.967 triệu tấn, đây là con số nhiều nhất kể từ tháng 3 năm 2018 đến nay. Dữ liệu này phần nào đã xác nhận Trung Quốc đang trong nguy cơ khủng hoảng lương thực.
HOA TỰ DO
Văn diù cánh Phượng yên trăm họ
Võ thét oai Hùm dẹp bốn phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét