Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

Nước Mỹ và Nạn Kỳ Thị Chủng Tộc - Nguyên Lương

Cuối tháng 5, năm 1975, tôi được đến phi trường Middle Town trên chuyến máy bay đầu tiên chở người Việt tị nạn từ đảo Guam đến tiểu bang Pensylvania Mỹ định cư. Trại Indian Town Gap, nơi đã dùng cho lính Mỹ sử dụng thời thế chiến thứ 2, nay dùng tập trung những người Việt bỏ nước ra đi sau ngày 30 tháng 4, để chờ người bảo lãnh đi định cư một nơi nào đó trên nước Mỹ. Buổi sáng sớm trời còn mờ sương, từ trên máy bay nhìn ra những cánh đồng, hoa lê, hoa táo nở trắng đẹp như một bức tranh vẽ. Ông bà Thống Đốc tiểu bang và đoàn tùy tùng ra tận phi trường đón những người tị nạn với vòng hoa choàng lên cổ, cùng những lời chúc mừng đến vùng đất tự do cho những người vừa mất quê hương. Nhìn mọi người hân hoan cho tôi có  cảm giác như mình đi du lịch thay vì đi tị nạn.<!>
Xe chở chúng tôi ra khỏi phi trường thì một cảnh tượng hoàn toàn khác ập vào mắt. Những biểu ngữ chống đối người tị nạn Việt như: "Yellow dogs go home", "Charity begin at home"...và nhiều biểu ngữ kỳ thị khác nữa của người biểu tình dọc đường giăng lên. Tôi vừa vui hí hửng nghĩ đến những ngày sắp tới sống trên vùng đất hứa, thì buồn muốn rơi nước mắt. Tôi mới biết nước Mỹ không hoàn hảo như tôi tưởng, và thực tế trong 45 năm qua sống trên đất nước này, vấn đề kỳ thị màu da và chủng tộc vẫn còn nặng hơn những gì tôi đã chứng kiến buổi sáng ngày đầu tháng 6 năm đó. 

Đi học lại Đai Học tháng 9, tôi biết được nhiều về lịch sử hình thành nước Mỹ, về những gì người da trắng Âu Châu đã làm với người da đỏ từ năm 1737 để chiếm đất nước này và làm chủ. Đất Bắc Mỹ nguyên thủy của  người da đỏ sau này được người Âu Châu xâm chiếm và đặt tên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Hiệp Chủng lúc đầu là nói đến những người gốc Âu Châu như Anh, Đức, Ái Nhỉ Lan, Hà Lan, Pháp, Ý...đến đây từ 5 thế kỷ trước. Trong số người da trắng, người gốc Đức nay chiếm đa số (16.0%) sau đó là người Ái Nhĩ Lan, Anh Quốc. Những thời gian đầu người Anh mới qua Bắc Mỹ định cư, họ sống bình yên với người Da Đỏ (gọi là da đỏ không phải vì da họ màu đỏ mà vì họ thường vẽ sơn đỏ lên mặt) nhưng từ thế kỷ 17 đến 19, người da trắng Âu Châu bắt đầu thảm sát người địa phương để dành đất. Lịch sử ghi nhận là có từ 97 đến 114 triệu người da đỏ bản địa đã bị sát hại liên tục trong 4 thế kỷ. Đây là một cuộc diệt chủng lớn nhất, và khủng khiếp  nhất của  lịch sử nhân loại.   

Người Mỹ da đen gốc Tây Phi, bị bắt cóc làm nô lệ đến từ các nước Iglo, Mandé, Congo...đã bị bán cho các ông chủ người da trắng ở Châu Mỹ, sử dụng và bóc lột sức lao động trong các nông trại bắt đầu từ thế kỷ thứ 17. Nội chiến nước Mỹ vì bất đồng chính kiến về cách đối xử người nô lệ da đen nổ ra năm 1861, 4 năm sau đó phe miền Bắc thắng và tuyên bố bãi bỏ chế độ nô lệ. Những người Mỹ chủ trương duy trì nô lệ đã thành lập ở miền Nam một tổ chức kỳ thị màu da KKK năm 1865, cũng là năm TT Lincoln bị ám sát. Quyền lợi dân sự cho người da màu chưa bao giờ được chấp nhận đúng như trong luật pháp. Vấn đề kỳ thị (discrimination) qua cách đối xử không công bằng và bất bình đẳng (ineaquality) như bị từ chối một số quyền lợi, vẫn còn đầy dẫy trong xã hội Mỹ ở thế kỷ 21 này.

Kỳ thị xảy ra trên thế giới nói chung và Mỹ nói riêng, không chỉ ở màu da, mà có thể vì giới tính, chủng tộc, tôn  giáo, tuổi tác, học lực và nguồn gốc thiểu số. Trên nước Mỹ những người thường bị kỳ thị là người Mỹ gốc Phi Châu, người Da Đỏ, người Á Châu, người Ả Rập, phụ nữ, cao tuổi, đồng tính, và những người tàn tật. Sau nội chiến Nam Bắc Mỹ, người Mỹ gốc Phi Châu được quyền cho bầu cử, nhưng trên thực tế họ vẫn không được trao quyền bình đẳng như người gốc Âu Châu. Sau 100 năm tranh đấu với máu đổ và tù tội, người da màu mới được hoàn toàn giải phóng năm 1963, nước Mỹ mới chính thức bãi bỏ các điều luật mang tính phân biệt chủng tộc chống người da đen được ban hành dưới thời TT Lyndon Johnson, một người miền Nam theo đảng Dân Chủ.

Người Việt chúng ta được cho định cư ở Mỹ và sống bình yên, dung hòa trong hơn 45 năm qua trên đất nước này cũng nhờ người da đen trong suốt 5 thế kỷ đổ máu tranh đấu mới dành được quyền sống bình đẳng. Chúng ta, cũng không quên cảm ơn những người gốc Á như Trung Hoa, người Nhật Bản, người Phi Luật Tân... đã đến đây từ thế kỷ thứ 18, đã phải chịu đựng nạn kỳ thị không khác người da đen trong suốt một thời gian dài. Nhưng họ vẫn kiên trì đấu tranh trong ôn hòa, tham gia vào các tầng lớp lãnh đạo chính trị từ địa phương đến trung ương. Tiếng nói của họ đã có ảnh hưởng mạnh trong chính quyền và giúp cho quyền lợi của chúng ta được tôn trọng, con cháu chúng ta có cơ hội tiến thân. 

Quyết định giúp cho người Việt Nam được định cư ở Mỹ trong 45 năm qua không là chủ trương riêng của một đảng phái nào. Thời TT Ford (CH) với đợt tị nạn đầu tiên, sau đó thời TT Carter (DC) với sự cứu giúp tận tình người vượt biển. Đến thời TT Reagan và Bush Cha (CH) giúp cho ODP, HO và con lai. TT Clinton (DC) đã giúp đem hết những người tị nạn còn sót lại tại các trại tị nạn ở vùng ĐNÁ vào Mỹ trước khi chương trình định cư thuyền nhân bị Liên Hiệp Quốc chấm dức. Khi  nói nhờ đảng CH mà quý vị HO hay ODP được đến Mỹ sống là không  đúng hoàn toàn. Nước Mỹ, dù dưới thời TT nào cũng luôn mở rộng vòng tay đón tiếp và cưu mang những người đi tìm tự do, cho đến thời TT Trump bắt đầu thay đổi chính sách nhân đạo này.

Ông Trump, có gốc là người Đức, một thành phần chiếm đa số người Âu Châu di cư qua sống trên nước Mỹ. Dưới con mắt người Đức mà người chủ trương là Hitler đã viết trong cuốn sách "Cuộc Đấu Tranh Của Tôi - Mein Kampf" như sau: " Kẻ mạnh hơn phải thống trị và không được pha trộn với kẻ yếu, vì như thế là đánh mất sự vĩ đại của chính mình. Chỉ có những kẻ sinh ra yếu kém mới có thể coi điều này là độc ác, nhưng rốt cuộc thì anh ta vẫn chỉ là một kẻ yếu với năng lực hạn chế; vì nếu quy luật này thắng thế thì khó mà hình dung được một sự phát triển cao hơn của các sinh vật sống có tổ chức..."

Ông Trump đã khôn khéo khai thác tinh thần hoài cổ của người Mỹ bảo thủ gốc Âu Châu như là cách để gia tăng quyền lực, lấy lại thế thượng phong cho người da trắng. Ông khơi dậy tính làm chủ nhân ông của những người da trắng như thời mới chèo thuyền qua Bắc Mỹ, giết sạch người da đỏ để chiếm lĩnh đất nước rộng lớn này. Ông gãi đúng chỗ ngứa của đám con cháu những người đã di cư đến vùng đất hứa, tạo dựng một quốc gia hàng đầu thế giới. Ông gợi nhớ cho dân Mỹ là ủng hộ ông là làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Ngụ ý, 8 năm dưới thời Obama, một người con của nô lệ da đen, đã làm cho nước Mỹ lụn bại. Ông có trách nhiệm là làm cho nước Mỹ trở lại vị trí thượng đẳng. Một lần, trong cuộc vận động tranh  cử TT năm 2016, ông đã phát biểu: “Sợ hãi, có nghe chưa, ‘đây không phải là đất nước mà cha tôi đã biết.’ Không, không phải. Và khi cha bạn còn sống, thì đây không phải là đất nước của cha ông ấy đã biết. Nhưng chúng ta đã thay đổi quá nhiều, quá nhanh sau khi Đạo Luật Cải Cách Di Trú năm 1964 dẫn tới nhiều sợ hãi của người dân. Chúng ta đã chia rẽ… cùng với những lằn ranh chủng tộc… thật rất là quan trọng để chúng ta lắng nghe nhau.”
Nói như thế để lấy lòng những người mỹ gốc da trắng, trong nhiều lần phát biểu khác, với những ngôn ngữ đầy tính răn đe ông Trump đã làm bùng nổ nạn kỳ thị trên nước Mỹ từ ngày ông lên làm TT, sau một thời gian tương đối lắng đọng. Ông Trump chủ trương chia rẽ, hận thù chủng tộc và tôn vinh  những người da trắng ông cho là những anh hùng lập quốc nên những người nhập cư khác thấy bị xúc phạm. Súng đã rất nhiều lần, nhiều nơi, bao nhiêu sinh mạng đã bị hy sinh oan uổng và  dân Mỹ lúc nào cũng lo sợ bạo động xảy ra. Và hiện tại bạo động đã xảy ra liên tục trong 1 tuần lễ qua là hậu quả của hình ảnh "con giun xoắn mãi cũng oằn".

Là một lãnh tụ đất nước, hỗn loạn và bạo động đang xảy ra khắp mọi nơi, không nghe ông Trump nói một lời nào để trấn an người dân, ngược lại ông đổ dầu vào lửa, làm cho lòng thù hận và tức giận, đập phá, cướp bóc càng gia tăng. Ông dọa dùng súng mạnh, chó săn để làm chùng bước người đấu tranh. Bạo động và cướp bóc, đập phá không phải là cách tranh đấu hiệu quả, nhưng không có bạo động, tiếng nói của người dân thấp cổ bé miệng không bao giờ được những chính trị gia chú ý tới. Bao nhiêu năm đấu tranh quyết liệt, người da màu, phụ nữ mới có được quyền sử dụng ước muốn của mình qua bầu cử một cách bình đẳng. Nhưng bình quyền thì còn rất xa vời.

Một vị Tổng Thống không có lương tâm, một ông Tổng Trường Tư Pháp ngồi xổm trên pháp luật, một đảng nắm đa số tại thượng viện luôn đồng lõa và chấp nhận những điều tệ hại và sai trái mà người cầm đầu đảng của mình hành xử...thì người dân thất vọng chán nản chỉ còn biết ra tay và lên tiếng theo cách của mình.

45 năm hơn sống trên đất nước mà quyền tự do ngôn luận được đề cao và tôn trọng, tôi đã chứng kiến bao nhiêu cuộc xuống đường đấu tranh, nhưng chưa bao giờ thấy có tình trạng như hiện nay. Vì đất nước phân cực, vì nạn kỳ thị gia tăng hay vì nước Mỹ đang có một vi lãnh đạo bất tài, vô lương tâm, thiếu đạo đức nên nội loạn xảy ra tràn lan, không kiểm soát được. 

Nước Mỹ vĩ đại của ông Trump và những người ủng hộ ông đang rơi xuống vực. Từ dịch virus Corona trong 4 tháng qua đã cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng, người thất nghiệp tăng cao từng ngày, kinh tế lụn bại, tình người ly tán, xã hội điên loạn...liêu những lời đe dọa của ông Trump có làm cho dân sợ và nghe theo?

Còn 5 tháng nữa đến ngày bầu cử để quyết định chuyện đi ở của đương kiêm TT nhưng hình như người dân không còn kiên nhẫn chờ đợi đến ngày này. Ông Trump đã bỏ mất cơ hội ngàn vàng để ra tài lãnh đạo khi Covid tấn công nước Mỹ. Nay là chuyên kỳ thị chủng tộc đưa đến cái chết vô lý cho một người Mỹ gốc Phi Châu, ông như hùa theo tên sát nhân và những bọn da trắng thượng tôn, chọn giải pháp đàn áp để giữ trật tự. 

Ông Trump đã chứng tỏ cho dân Mỹ và thế giới thấy ông không có một khả năng nào để lãnh đạo nước Mỹ  phức tạp dù trong bình an hay hỗn loạn.

Floyd đã chết thay cho chúng  ta, cho dân Mỹ và thế giới thấy nước Mỹ còn quá nhiều bất công và luật pháp không đủ nghiêm minh và công bình để che chở người dân vô tội.

 Luật pháp vẫn còn thiên vị kẻ có quyền, có súng trong tay. Án mạng của Floyd lần này chưa phải là lần chót và đấu tranh bạo động cũng sẽ xảy ra nữa nếu những kẻ thi hành luật coi thường luật pháp.

NL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét