Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI NGÀY 30/6/2020 - Hoa Tự Do


Trung Quốc thừa nhận xả đập Tam HiệpSau khi các video xuất hiện cuối tuần qua cho thấy các thành phố ở hạ lưu đập bị ngập lụt và người dân lo ngại họ đang phải hy sinh để cứu đập, chính quyền Trung Quốc hôm 29/6 cuối cùng đã thừa nhận rằng đợt xả lũ lần đầu tiên ở đập Tam Hiệp trong năm nay, theo Taiwan News.Do lượng mưa lớn ở giữa và thượng lưu sông Dương Tử, dòng nước chảy vào Hồ chứa Tam Hiệp đã tiếp tục tăng. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm 29/6 đưa tin các nhà vận hành đã mở hai đập tràn của đập Tam Hiệp vào sáng cùng ngày, đánh dấu lần xả lũ chính thức đầu tiên của con đập lớn nhất thế giới trong năm nay. Vào lúc 8h, 34 máy phát điện của đập hoạt động đầy đủ và gần đạt công suất tối đa.<!>

Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc dự báo từ 1/7 đến 2/7, sẽ có mưa vừa đến mưa to gần các nhánh ở thượng nguồn sông Trường Giang. Đến 3/7, lượng mưa lớn và mưa giông sẽ xảy ra ở thượng nguồn sông Gia Lăng và thượng lưu sông Hàn.
Kênh truyền thông Trung Quốc cũng cảnh báo một đợt lũ mới đang tiến về khu vực hạ lưu đập Tam Hiệp, nơi có diện tích trên một triệu km2 và Hồ chứa Tam Hiệp có thể trải qua đợt ngập lụt mới từ đầu đến giữa tháng 7.
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc sáng nay phát cảnh báo màu xanh về mưa lớn ở miền nam và tây nam Trung Quốc từ 8h ngày 30/6 đến 8h ngày 1/7.

Nhật Bản và Đài Loan chỉ trích Bắc Kinh

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm nay nói rằng động thái “đáng tiếc” của Trung Quốc khi thông qua luật an ninh Hồng Kông có thể làm xói mòn độ tin cậy trong chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, theo Reuters.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các nước liên quan để giải quyết vấn đề này một cách hợp lý”, ông Suga nói.
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói với các phóng viên rằng cũng giống như người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế, ông “quan ngại sâu sắc” về động thái của Bắc Kinh.
Trong khi đó, người phát ngôn Nội các Đài Loan Evian Ting bày tỏ, việc Bắc Kinh thông qua luật mới sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do, nhân quyền và ổn định của Hồng Kông. Chính phủ Đài Loan lên án mạnh mẽ và chúng tôi nhắc lại sự ủng hộ đối với người dân Hồng Kông trong cuộc chiến vì dân chủ và tự do”.

Đảng Demosisto của Hoàng Chi Phong giải tán

image.png
Đảng Demosisto của Hoàng Chi Phong hôm nay thông báo giải tán sau khi chính quyền Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia Hồng Kông.
“Sáng nay chúng tôi đã nhận được thông tin và chấp nhận sự rút lui của Hoàng Chi Phong, La Quán Thông và Chu Đình. Sau nhiều lần cân nhắc nội bộ, chúng tôi đã quyết định giải tán và ngừng mọi hoạt động”, đảng Demosisto đăng trên Twitter.

Bắc Kinh quan ngại việc Ấn Độ cấm ứng dụng Trung Quốc

Bắc Kinh hôm nay bày tỏ sự quan ngại về việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm 59 ứng dụng điện thoại di động, chủ yếu là của Trung Quốc, theo Al Jazeera.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay nói với các phóng viên rằng Ấn Độ phải có trách nhiệm duy trì các quyền lợi của các doanh nghiệp Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc luôn yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc tuân thủ luật pháp và quy định quốc tế và địa phương”, ông Triệu tuyên bố.
Bộ công nghệ Ấn Độ đã ban hành một chỉ thị, trong đó nêu rõ các ứng dụng này là có “định kiến về chủ quyền và sự toàn vẹn của Ấn Độ, quốc phòng của Ấn Độ, an ninh quốc gia và trật tự công cộng” của Ấn Độ. Trong số 59 ứng dụng bị cấm, có TikTok của Bytedance và WeChat của Tencent, hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc.

Trung Quốc điều tàu chiến lớn đến đảo Phú Lâm trước cuộc tập trận

Trung Quốc điều tàu chiến lớn đến đảo Phú Lâm trước cuộc tập trận
Tàu đổ bộ lớp Yuzhao (Loại 071), loại tàu được Trung Quốc điều đến đảo Phú Lâm trước cuộc tập trận 
Trung Quốc vừa neo đậu tàu chiến hạng 071 tại Đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa, theo thông tin từ BenarNews, một trang đa ngôn ngữ chuyên đưa tin về các nước Đông Nam Á.
Tờ báo này nhận định, con tàu này nhiều khả năng sẽ được sử dụng trong một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn trong tuần này. Hôm thứ Bảy (27/6), Trung Quốc tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc tập trận trên Biển Đông từ ngày 1 đến 5/7.
Ảnh chụp vệ tinh mà tờ BenarNews thu thập được cho thấy một con tàu ăn khớp với các đặc điểm của tàu dạng 071 đang neo đậu tại đảo Phú Lâm hôm 27/6. Trước đó 2 ngày, không thấy con tàu xuất hiện trong khu vực.
Tàu dạng 071 là một bến tàu đổ bộ có khả năng chuyên chở máy bay trực thăng, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, xe lội nước và các vật tư khác phục vụ chiến dịch đổ bộ. Tàu loại này thường xuất hiện trong các cuộc diễn tập của Hải quân Trung Quốc.
Đảo Phú Lâm là hòn đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa và là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Hiện đảo này đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Đảo Phú Lâm là điểm dừng chân thường xuyên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) và các đội tàu đánh cá bán quân sự khét tiếng, lực lượng chuyên đi khẳng định yêu sách chủ quyền của nước này. Tuy nhiên, các tàu chiến hải quân hiếm khi xuất hiện ở bến cảng đảo Phú Lâm, theo dữ liệu vệ tinh hiện có của BenarNews. Đây là lần đầu tiên tàu 071 xuất hiện trong khu vực. 
Ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một cơ quan cố vấn có trụ sở tại Washington nhận định:
“Nhưng đây là một phần đáng lo ngại. Những khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông đã diễn ra thường xuyên hơn trong thời gian dịch bệnh và Bắc Kinh dường như muốn leo thang thay vì hạ nhiệt tình hình”, ông nói với BenarNews.
Việc neo đậu của tàu chiến Trung Quốc diễn ra sau khi Hoa Kỳ tiến hành một cuộc tập trận hải quân lớn với hai tàu sân bay ở Biển Philippines hôm Chủ nhật, một phần trong chính sách của Mỹ nhằm đối kháng với thủ đoạn lợi dụng dịch bệnh để bành trước và củng cố các yêu sách trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sau khi ASEAN ra tuyên bố chung gần đây trong đó yêu cầu giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1984, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã bày tỏsự ủng hộ đồng thời yêu cầu Trung Quốc không được coi Biển Đông là ‘đế chế’ của riêng mình.
Hoa Kỳ cũng đã tiến hành một cuộc tập trận song phương với Nhật Bản vào tuần trước. Singapore cũng đã tiến hành các cuộc tập trận với Mỹ và Nhật Bản, lần lượt vào hai ngày 17 và 22/6.

Ông Maduro yêu cầu đại sứ EU phải rời Venezuela trong 72 giờ

Tổng thống Venezuela Maduro yêu cầu trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Caracas, bà Isabel Brilhante Pedrosa, phải rời Venezuela trong 72 giờ nhằm trả đũa lệnh trừng phạt của EU, theo AFP.
“Chúng tôi sẽ giải quyết ổn thỏa trong vòng 72 giờ, bà ấy sẽ được thu xếp một máy bay để rời Venezuela, nhưng chúng tôi sẽ dàn xếp mọi thứ với EU”, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 29/6 tuyên bố, sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt 11 quan chức Venezuela.
Tuy nhiên, không phận nước này đang cấm các chuyến bay thương mại do ảnh hưởng của Covid-19, nên chưa rõ bà Pedrosa sẽ rời đi bằng cách nào.
Tờ Al Jazeera cho biết, vào hôm 29/6, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 11 quan chức Venezuela, với lý do hành động của họ chống lại các hoạt động dân chủ của Quốc hội nước này. Trong số các quan chức Venezuela bị EU trừng phạt hôm 29/6 có nghị sĩ đối lập Luis Parra, người được chính quyền Maduro hậu thuẫn làm chủ tịch Quốc hội thay thủ lĩnh đối lập Juan Guaido.

Một bức tượng Washington bị bôi bẩn bằng sơn màu đỏ

Tượng Washington bị bôi bẩn bằng sơn đỏ

SBS đưa tin sáng thứ Ba, hai bức tượng của nhà lập quốc Hoa Kỳ George Washington tại Công viên Quảng trường Washington ở New York đã bị bôi bẩn bằng sơn đỏ.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình với danh nghĩa đòi quyền sống cho người da đen vẫn đang tiếp tục sau cái chết của Floyd, một tội phạm ma túy có nhiều tiền án mới bị ngộ sát.
Nhiều người biểu tình, đa số trong đó là người da đen, đã trở nên quá khích, họ lợi dụng các cuộc tuần hành để đập phá tài sản công, tư và hôi của, nhiều bức tượng các anh hùng dân tộc Mỹ bị phá hủy, thậm chí họ còn hô hào đập tượng Chúa Jesus vì ông cũng là người da trắng.
Tổng thống Trump đã cam kết sẽ mạnh tay đối với bất kỳ ai phá hủy hoặc phá hoại các di tích lịch sử của Hoa Kỳ.

Ấn Độ thúc Nga sớm giao tên lửa để kịp đối phó Trung Quốc

Cuối tuần qua, truyền thông Nga đưa tin, Moscow đã đồng ý bàn giao hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ vào tháng 1/2021, sớm hơn gần một năm so với kế hoạch, theo bản tin tối thứ Hai của SCMP.
New Delhi đã yêu cầu Moscow đẩy nhanh việc thực hiện hợp đồng vũ khí trị giá 5,43 tỷ USD trong bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang với Bắc Kinh. Theo hợp đồng Ấn Độ đã ký với Nga vào tháng 10/2018, các tên lửa đầu tiên trong hệ thống S-400 sẽ được Moscow chuyển giao cho New Delhi vào cuối năm 2021.
Các nhà phân tích quân sự nhận định, việc Ấn Độ nhận chuyển giao hệ thống tên lửa của Nga có thể đặt ra mối đe dọa đối với Trung Quốc ở dài hạn trong các tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Trung Quốc ép người Duy Ngô Nhĩ giảm sinh để ‘dễ đồng hóa’ với người Hán


Hãng tin AP hôm thứ Hai (29/6) đã công bố một báo cáo điều tra gây chấn động, trong đó cho biết chính quyền Trung Quốc đang áp đặt các biện pháp hà khắc để cắt giảm tỷ lệ sinh của người Duy Ngô Nhĩ cũng như các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác, dù Bắc Kinh hiện đang khuyến khích người Hán sinh thêm con.
Các biện pháp “hà khắc” được đề cập đến bao gồm việc ép buộc các phụ nữ dân tộc thiểu số phải đặt vòng tránh thai trong tử cung, phải bị triệt sản và thậm chí phải nạo phá thai đối với những người đang mang thai. Hãng tin AP cho biết các biện pháp này đã dẫn đến một “bầu không khí khủng bố xung quanh việc có con” tại khu vực Tân Cương, nơi có phần lớn người Duy Ngô Nhĩ sinh sống.
Báo cáo điều tra của AP cho biết công an Trung Quốc thường đột kích các ngôi nhà để lục soát xem có gia đình nào lén sinh con. Các phụ huynh bị phát hiện có từ 3 con trở lên thường bị bắt giữ vào các trại tập trung, trừ khi họ trả những khoản tiền phạt lớn.
Một số người Duy Ngô Nhĩ từng bị bắt giữ nói với AP rằng, bên trong các trại giam, những người phụ nữ sẽ bị ép buộc đặt vòng, bị tiêm các thuốc ngừa thai và phải tham dự các lớp học về việc họ nên có bao nhiêu con.
Ông Darren Byler, một chuyên gia người Duy Ngô Nhĩ tại Đại học Colorado, Mỹ, nói với AP: “Ý đồ này có thể không loại bỏ hoàn toàn dân tộc Duy Ngô Nhĩ, nhưng nó sẽ làm giảm mạnh sức sống của họ. Nó sẽ khiến họ dễ bị đồng hóa hơn nữa vào dân số chủ đạo là người Hán”.
Bà Gulnar Omirzakh, một người Kazakh, là một trong số những người phụ nữ bị cưỡng ép đặt vòng. Bà cho biết chiếc vòng hiện đã thấm vào da thịt bà, gây viêm nhiễm và đau lưng, “giống như bị đâm bằng dao”.
“Họ muốn hủy diệt dân tộc chúng tôi”, bà khóc khi nói với AP. “Mọi người ở đó giờ sợ có con. Khi tôi nghĩ đến từ Tân Cương, tôi vẫn còn cảm thấy hãi hùng”.
AP thực hiện báo cáo này thông qua việc phân tích các số liệu thống kê của chính phủ, tài liệu của nhà nước và các cuộc phỏng vấn với hàng chục cựu tù nhân, các thành viên gia đình và một cựu quản giáo trại giam. AP cũng xem xét những phát hiện từ một cuộc nghiên cứu mới đây của học giả Trung Quốc Adrian Zenz, trong đó cho biết:
  • Khoảng 200.000 chiếc vòng tránh thai đã được đưa vào Tân Cương vào năm 2014. Con số này là gần 330.000 vào năm 2018 – tăng 60%. Trong khi đó, việc sử dụng vòng tránh thai lại giảm đáng kể ở các khu vực còn lại của Trung Quốc.
  • Tỷ lệ sinh ở Hotan và Kashgar, nơi cư trú chủ yếu của người Duy Ngô Nhĩ, đã giảm hơn 60% từ năm 2015 đến 2018. Trên toàn bộ khu vực Tân Cương, tỷ lệ sinh đã giảm 24% vào năm ngoái, trong khi tỷ lệ này chỉ giảm 4,2% trên cả nước.
Những phát hiện của báo cáo điều tra cho thấy chính quyền Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp được ví như “diệt chủng” đối với các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi. Bắc Kinh coi đức tin của người dân là một mối đe dọa đối với quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn theo chủ nghĩa vô thần.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố báo cáo của AP là “tin giả”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với AP: “Mọi người, bất kể họ là người dân tộc thiểu số hay người Hán, đều phải tuân thủ và hành động theo luật pháp”.
Báo cáo của AP đã thu hút sự chú ý của các nhà hoạt động và các quốc gia phương Tây vốn đã quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Quốc đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Năm 2018, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết Trung Quốc đã tống giam hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại tập trung ở Tân Cương.

Ấn Độ cấm 59 ứng dụng liên quan đến Trung Quốc sau vụ xung đột biên giới

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi bắt đầu cuộc họp của hội đồng các nguyên thủ quốc gia tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải 
Chính phủ Ấn Độ hôm thứ Hai (29/6) đã ban hành lệnh cấm 59 ứng dụng điện thoại di động, chủ yếu là của Trung Quốc, nhằm đáp trả Bắc Kinh sau vụ xung đột chết người ở biên giới giữa hai nước trong tháng này.
Reuters đưa tin, Bộ công nghệ Ấn Độ đã ban hành một chỉ thị, trong đó nêu rõ các ứng dụng này là có “định kiến về chủ quyền và sự toàn vẹn của Ấn Độ, quốc phòng của Ấn Độ, an ninh quốc gia và trật tự công cộng” của Ấn Độ.
Theo chỉ thị, Google và Apple, hai tập đoàn công nghệ của Mỹ, sẽ phải xóa các ứng dụng này ra khỏi các cửa hàng ứng dụng Android và iOS. Trong số 59 ứng dụng bị cấm, có TikTok của Bytedance và WeChat của Tencent, hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc.
Theo Reuters, lệnh cấm này khả năng sẽ đặt ra một trở ngại lớn đối với các công ty Trung Quốc như Bytedance ở Ấn Độ, một trong những quốc gia có thị trường dịch vụ internet lớn nhất thế giới.
Công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower hồi tháng 4 cho biết Ấn Độ là thị trường có lượng cài đặt ứng dụng TikTok lớn nhất thế giới, với 611 triệu lượt tải xuống, chiếm 30,3% tổng số lượng cài đặt. Tổng số người dùng TikTok tại Ấn Độ hiện là khoảng 120 triệu người.
“Đây là bước tiến nhanh nhất và mạnh mẽ nhất mà chính phủ Ấn Độ có thể đưa ra nhằm tạo áp lực kinh tế đối với các công ty Trung Quốc”, theo ông Santosh Pai, thành viên của Link Legal, một công ty luật Ấn Độ hiện đang tư vấn cho một số công ty Trung Quốc.
Lệnh cấm của Ấn Độ được đưa ra sau cuộc đụng độ biên giới chết chóc giữa hai nước láng giềng ở dãy núi Himalaya hồi đầu tháng này, dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ và ước tính hơn 40 binh sĩ Trung Quốc tử vong.
Vụ xung đột đã thổi bùng sự phẫn nộ của người Ấn Độ, dẫn đến làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc và hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc.
Trước đó, Reuters đưa tin hải quan Ấn Độ đã đình chỉ nhập cảnh đối với các container đến từ Trung Quốc, trong đó có chứa các sản phẩm của Apple, Cisco và Dell.

WHO ‘cảnh báo’: Điều tồi tệ nhất từ đại dịch Covid còn chưa tới

Điều tồi tệ nhất từ đại dịch Covid-19 vẫn chưa đến, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “cảnh báo” hôm thứ Hai trong một cuộc họp báo ngắn, theo SBS News và CBS News.
Ông Tedros nói thêm rằng đại dịch sẽ còn lâu mới kết thúc, và lấy làm tiếc khi phải nói ra thực tế này. “Với loại môi trường và điều kiện này, chúng tôi lo sợ điều tồi tệ nhất”, người đứng đầu WHO cho hay.
Theo cập nhật của Worldometers, tính tới sáng thứ Ba (giờ Việt Nam), thế giới có 10.388.982 người nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có 507.356 người tử vong, 5.645.371 người đã hồi phục. Hiện Hoa Kỳ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, kế tiếp là Brazil và Nga. Dịch bệnh cũng đã tái bùng phát tại Trung Quốc. Chính quyền của nước này đã phong tỏa gần nửa triệu dân ở khu vực Bắc Kinh, bằng các biện pháp bị lên án là cực đoan, vốn từng áp dụng tại Vũ Hán vào đầu năm nay.

Mỹ ngừng xuất khẩu một số mặt hàng sang Hồng Kông

image.png
Hoa Kỳ đang ngừng việc xuất khẩu các gói hàng quốc phòng sang Hồng Kông và đang xem xét các hạn chế hơn nữa đối với thương mại của hòn đảo này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết hôm thứ Hai, theo Reuters.
Ông Pompeo thông báo, từ thứ Hai, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt xuất khẩu thiết bị quốc phòng sang Hồng Kông và cũng sẽ thực hiện các bước để chấm dứt xuất khẩu công nghệ sử dùng cho cả quân sự và thương mại, sang vùng lãnh thổ này.
“Quyết định của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc tước quyền tự do của Hồng Kông [bằng luật an ninh], đã buộc chính quyền Tổng thống Trump phải đánh giá lại các chính sách của mình đối với vùng lãnh thổ này”, ông Pompeo nói.

Virus cúm heo xuất hiện ở Trung Quốc, có thể lây sang người và bùng phát đại dịch

Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố họ đã phát hiện ra một chủng virus cúm heo có khả năng lây sang người và trở thành đại dịch.
Hãng tin BBC cho biết các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc phát hiện ra virus này và đặt tên nó là G4 EA H1N1 (gọi tắt là G4). Dựa trên việc phân tích 30.000 miếng gạc mũi lấy từ những con heo tại các lò mổ ở Trung Quốc, các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (PNAS) Trung Quốc hôm thứ Hai (29/6).
Nghiên cứu cho biết virus mới này là sự kết hợp của loại cúm được tìm thấy ở các giống chim châu Âu, châu Á và virus H1N1 – từng khiến nửa triệu người trên thế giới thiệt mạng vào năm 2009.
Các nhà khoa học cho biết họ đã thử nghiệm trên các công nhân làm việc trong các trang trại nuôi nhốt heo, và phát hiện hơn 10% số người được xét nghiệm là dương tính với kháng thể G4. Nghiên cứu nhận định điều đó cho thấy loại virus mới này có khả năng lây sang người và rất có khả năng gây nên một đại dịch mới.
Chủng virus mới này đã xuất hiện tại ít nhất 10 tỉnh thành tại Trung Quốc. Dù hiện giờ khả năng bùng phát đại dịch mới là thấp, nhưng các nhà khoa học khuyến cáo cần cảnh giác, trong bối cảnh thế giới đang chịu thiệt hại nặng nề từ virus corona xuất phát từ Vũ Hán.
Ông James Wood, trưởng khoa thú y tại Đại học Cambridge nói với hãng tin AFP: “Công trình nghiên cứu này được công bố như một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng chúng ta liên tục có nguy cơ xuất hiện mầm bệnh mới, và các động vật nuôi có thể đóng vai trò là nguồn gốc virus gây đại dịch nghiêm trọng, trong khi con người thì tiếp xúc nhiều với động vật nuôi hơn là với động vật hoang dã”.
HOA TỰ DO
Văn diù cánh Phượng yên trăm họ
Võ thét oai Hùm dẹp bốn phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét