Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Dư Âm Ngày Của Cha Năm 2020 - Sương Lam Blog/NPN

Năm nay vì ảnh hưởng của đại dịch Coronavirus cho nên Ngày Lễ Của Cha không được tổ chức vui vẻ, rộn ràng như những năm trước đây. người viết còn nhớ mấy năm trước trong những Ngày Lễ Của Mẹ , Ngày Lễ Của Cha, các cửa hàng bán hoa, bán thiệp, bán quà tặng, các nhà hàng   rộn rịp người mua kẻ bán và khách hàng vào ăn .Chúng tôi đã đi từ nhà hàng này sang nhà hàng khác để ăn tiệc cùng gia đình mừng những ngày vui này, nhưng nơi nào cũng không còn bàn trống hoặc phải chờ đợi rất lâu mới được xếp vào chỗ ngồi. Năm nay, ngay cả con cháu trong gia đình cũng không dám gặp trực diện nhau vì sợ lây nhiễm coronavirus.  Buồn thay!  Thôi thì ai ở nhà nấy mừng Ngày Lễ Của Cha một cách đơn giản cho an tâm. <!>
Người viết bèn đổ bánh khọt, món ăn dân giã quê hương Việt Nam, rồi vợ chồng già cùng nhau ăn uống vui vẻ bên nhau. Thế cũng đủ vui rồi.  Hạnh phúc từ những điều bình dị thế cũng được rồi. Smile!


Vào đọc lại các điện thư gửi đến người viết, tôi đọc được email của Thầy Thích Tánh Tuệ, một vị tu sĩ đã đem Đạo vào Đời qua thơ văn, với lòng từ tâm từng thực hiện những chuyến cứu đói dân nghèo ở Ấn Độ trong mùa dịch ở một đất nước đông dân nhưng cũng đông người nghèo khổ trên thế giới, cũng đã có đôi lời “Niệm Ơn Cha” qua bài viết dưới đây xin được chia sẻ cùng quý thân hữu:

Niệm Ơn Cha (for Father’s day)

TÌNH CHA

Trong thành phố nọ có hai cha con sống với nhau rất vui vẻ, hạnh phúc. Một hôm, đứa bé gái chẳng may bị bệnh và ra đi mãi mãi. Người cha quá đau khổ , tuyệt vọng, quay lưng lại với tất cả mọi người. Ông chẳng thiết tha gì với cuộc sống nữa. Ông tự nhốt mình trong phòng và khóc mãi.

Một hôm, người cha ngủ thiếp đi và ông mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, ông gặp một đoàn người rước đèn. Tất cả ngọn đèn đều lung linh tỏa sáng, trừ ngọn đèn của đứa bé cuối. Đứa bé ấy cầm một ngọn nến không được thắp sáng. Nhìn kỹ hơn, ông nhận ra đứa bé ấy chính là đứa con gái bé bỏng của mình.
Ông tiến lại gần và hỏi con rằng: " Tại sao nến của con lại không cháy?". Bé gái đã đáp rằng: " Con đã cố lắm nhưng không được cha à! Mỗi lần con thắp lên ngọn nến thì những giọt nước mắt của cha lại dập tắt hết ngọn nến của con".
Đến đó thì người cha choàng tỉnh. Từ đó, ông lấy lại thăng bằng, lại sống vui vẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh bởi ông không muốn những giọt nước mắt của ông lại dập tắt ngọn nến hy vọng của con ông.

Nước mắt chỉ có thể xoa dịu phần nào chứ không thể làm tan biến hoàn toàn nỗi mất mát lớn lao. Hãy cứ khóc khi bạn cần, nhưng hãy đứng lên vững vàng bạn nhé! Bởi ngoài kia, đâu đó, ở một nơi nào đó, người thân của bạn đang nhìn bạn mỉm cười.

QUÀ CON TẶNG BỐ
Có một người cha nghèo đã quở phạt đứa con gái 3 tuổi của mình vì tội lãng phí cả một cuộn giấy gói quà mầu vàng. Tiền bạc eo hẹp, người cha nổi giận khi đứa bé cắt cuộn giấy quý ra thành từng mảnh nhỏ trang trí một cái hộp giấy. Sáng sớm hôm sau, đứa con gái nhỏ vẫn mang hộp quà đến nói với cha: "Con tặng bố!". Người cha cảm thấy bối rối vì cơn giận dữ của mình tối hôm trước, nhưng rồi cơn giận dữ lại bùng lên khi ông mở ra, thấy cái hộp trống rỗng.
Ông mắng con gái. Đứa con gái nhỏ ngước nhìn cha, nước mắt rưng rưng, thưa: "Bố ơi, đó đâu phải là cái hộp rỗng, con đã thổi đầy những nụ hôn vào hộp để tặng bố mà!".
Người cha giật mình. Ông vòng tay ôm lấy đứa con gái nhỏ cầu xin con tha thứ.
Đứa con gái nhỏ, sau đấy không bao lâu, qua đời trong một tai nạn.

Nhiều năm sau, người cha vẫn khư khư giữ cái hộp giấy bên mình, mỗi khi gặp chuyện nản lòng, ông lấy ra một nụ hôn tưởng tượng và nghĩ đến tình yêu mà đứa con gái bé bỏng của ông đã thổi vào chiếc hộp.
Trong cuộc sống, chúng ta đã và sẽ nhận được những chiếc hộp quý giá chứa đầy tình yêu và những nụ hôn vô tư từ con cái của chúng ta, từ bạn bè, gia đình. Trên đời này, chúng ta không thể có được tài sản nào quý giá hơn những chiếc hộp chứa đầy tình yêu vô tư như thế.
Thái Sơn
__(())__
« Người đã viết rất nhiều về Tình Mẹ
Như nước nguồn, như biển cả mênh mông
Và ngọt ngào như lúa chín ngoài đồng
Con khôn lớn cũng nhờ dòng sữa Mẹ 

Cha cũng đã góp phần nuôi dạy trẻ
Đã nhiều đêm cha thao thức canh thâu
Đã nhiều lần Cha lo lắng âu sầu
Khi con trẻ biếng ăn hay biếng học» 

Cho nên chúng ta phải luôn ghi nhớ:

«Ân của Mẹ như trời cao biển cả
Nghĩa của Cha như đất rộng núi cao
Tình Mẹ Cha như dòng suối ngọt ngào
Nhớ Nghĩa Mẹ đừng quên Tình Cha nhé!» 
(Trích trong bài thơ Một Lời Cho Cha của Sương Lam)
Thích Tánh Tuệ


Ngày của Cha năm nay dù đã qua rồi nhưng trong trái tim tình cảm của người con lúc nào cũng có hình ảnh của người cha thương yêu con, dù cha trẻ hay già.

Kính tri ân Thầy Thích Tánh Tuệ đã cho người viết được góp lời trong bài viết Niệm Ơn Cha của Thầy trong ngày Lễ Của Cha năm nay.
Kính chúcThầy sức khỏe dồi dào để hướng dẫn chúng đệ tử học tập nhiều hạnh lành của Đức Từ Phụ

Tôi lại vào "tàng kinh các" của tôi tìm thấy được một tài liệu hay khác của Bác sĩ Nguyễn Ý Đức chia sẻ trong một bài viết về Ngày Của Cha từ lâu lắm rồi, xin mời quý bạn  đọc tiếp cho vui trọn vẹn Ngày Của Cha trong khi bi "Stay Home" vì cơn dịch quái quỷ coronavirus năm nay nhé 

Hai bàn tay Cha.
"A Father's Hands"Viết bởi một người ẩn danh, nhân dịp ngày “Father’s Day”.Bài viết nói lên cái công lao của người Cha đối với các con. Lời văn nhẹ nhàng, ý văn thắm thiết, diễn tả chân tình, xúc động.
Xin thoát chuyển ra Việt ngữ, để những người con cùng đọc.
Và suy gẫm…
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.

Bố tôi ngoài 90 tuổi, yếu ớt, ngồi trên chiếc ghế dài kê ở hàng hiên. Cụ ngồi yên lặng, đầu cúi nhìn chăm chú hai bàn tay mình. Tôi ngồi bên cạnh cụ mà cụ làm như không biết sự có mặt của tôi. Một hồi lâu, tôi tự hỏi không biết bố có sao không?
Sau cùng, tuy không muốn quấy rầy cụ nhưng lại muốn biết cụ thế nào nên tôi lên tiếng hỏi han. Cụ ngẩng đầu lên, nhìn tôi và mỉm cười rồi nói với một giọng trong trẻo:
“Bố khỏe, cám ơn con hỏi.”
“Bố, con không muốn quấy rầy bố nhưng thấy bố ngồi yên nhìn xuống hai bàn tay, con lo sợ, chỉ mong bố được bình an thôi.”
Cụ hỏi lại tôi:
“Có bao giờ con nhìn hai bàn tay của con không? Ý bố muốn hỏi là có lúc nào con nhìn kỹ chúng không?”
Tôi chậm rãi mở rộng hai bàn tay mình và chú mục nhìn vào chúng. Tôi lật chúng qua lại, sấp rồi ngửa. Không, có lẽ chưa bao giờ tôi thực sự nhìn vào đôi tay mình, vừa nghĩ vậy vừa cố hình dung xem bố tôi muốn ngụ ý gì?

Bố tôi vẫn mỉm cười và kể câu chuyện:

“Con hãy dừng lại và một lúc nào đó, thử nghĩ về hai bàn tay của con, xem chúng đã phục vụ con tận tụy thế nào suốt quãng đời con khôn lớn cho tới bây giờ…Hai bàn tay bố dù giờ đây nhăn nheo, khô quắt và yếu ớt nhưng nhờ có chúng, bố mới có thể nắm bắt và ôm ấp cuộc sống tràn đầy xung quanh mình.

Lúc bố còn bé, chính hai bàn tay này đã chống đỡ và giữ cho bố khỏi té ngã trên sàn nhà, bón thức ăn cho bố, mặc quần áo cho bố. Tuổi thơ, bà nội dạy bố biết chắp hai tay để cầu nguyện. Cũng hai bàn tay ấy buộc giây giày cho bố và giúp bố mang đôi ủng cao.  Với hai bàn tay này, bố đã lau nước mắt cho các con và nâng niu mẹ các con. Chúng cũng lau nước mắt cho bố ngày tiễn em trai con ra chiến trường.

Chúng đã từng lem luốc, trầy xước và sần sượng, đã từng sưng vù và cong quẹo. Chúng đã lóng ngóng, vụng về khi bố thử bế cô con gái đầu lòng của bố là con ngày ấy. Bàn tay từng được trang sức với chiếc nhẫn cưới của mọi người, nó khoe với cả thế gian này là bố đã lập gia đình và thương yêu một người thật đặc biệt.

Cũng chính hai bàn tay này đã viết những lá thư gửi về nhà, chúng run rẩy, co giật khi bố chôn cất ông bà nội và người bạn trăm năm. Chúng đã ôm ấp các con, an ủi hàng xóm, nắm chặt nỗi tức giận khi có điều gì không hiểu được. Chúng đã che mặt cho bố, chải tóc cho bố, tắm rửa vệ sinh toàn thân cho bố.

Chúng đã ướt, đã dính dấp nhầy nhụa, đã cong quẹo, đã gãy, khô và sần sượng. Giờ đây, khi trên người bố chẳng còn nhiều những thứ gì khác còn hoạt động tốt, chính hai bàn tay này đã nâng bố đứng dậy, đặt bố nằm xuống và lại tiếp tục chắp vào nhau nguyện cầu. Hai bàn tay này lưu dấu những nơi bố đã đi qua và là chứng nhân cuộc đời chông gai của bố.
Tuy vậy, quan trọng hơn nữa vì đôi tay này Thượng Đế đã vươn tới, cầm nắm chúng để đưa bố về nhà, nâng bố lên tới bên Người và ở đó, hai bàn tay bố sẽ được chạm vào Thánh nhan Chúa.”

Sau ngày hôm ấy, tôi không bao giờ còn nhìn lại hai bàn tay mình như trước nữa.
Tuy nhiên, tôi nhớ là Thượng đế đã vươn tay ra, cầm lấy hai bàn tay bố tôi, dẫn ông về nước Trời. Mỗi khi hai bàn tay tôi đau nhức hoặc mỗi khi tôi vuốt má các con hay người bạn đời của tôi, tôi lại nhớ về bố. Tôi biết rằng ông cụ đã được Chúa nâng đỡ, vuốt ve trìu mến với đôi bàn tay của Người!
(Nguồn: tài liệu bạn gửi).

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 519-ORTB 940-6232020)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét