Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Donald Trump và một mùa xuân tang thương - RFI

« Black Lives Matter » và Covid-19: Khủng hoảng kép cho Donald Trump
« George Floyd » là lời hô vang của những người biểu tình trước cửa Nhà Trắng trong những ngày tuần đầu tháng 6/2020. Cảnh tượng Nhà Trắng bị phong tỏa và mịt mù khói hơi cay, điều chưa từng thấy ở nước Mỹ đã được lan truyền khắp thế giới. Mọi sự bắt đầu từ Minneapolis, cách nay một tháng, ngày 25/05/2020. Trên khắp các mạng xã hội, cảnh viên cảnh sát da trắng Derik Chauvin đè kẹp cổ George Floyd – một người Mỹ gốc châu Phi – đến chết ngạt, bất chấp lời kêu van « Tôi không thở được » đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên khắp nước Mỹ.
<!>
Hàng trăm ngàn người tại 150 thành phố ở Mỹ, không phân biệt mầu da, sắc tộc đã ùn ùn xuống đường biểu tình phản đối bạo hành cảnh sát và nạn kỳ thị chủng tộc. Bạo động và cướp bóc nổ ra ở nhiều nơi buộc chính quyền nhiều bang phải huy động đến Cảnh vệ Quốc gia. Tổng thống Mỹ, Donald Trump còn đe dọa điều động quân đội để « dẹp loạn ».

Nhà nghiên cứu chính trị học, Nicole Bacharan trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France24, nhận định tuy không phải là cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đầu tiên, nhưng sự kiện lần này diễn ra trong một thời điểm mang tính lịch sử: Nước Mỹ đang vật vã đối phó với cuộc khủng hoảng dịch tễ lớn chưa từng có. Dịch Covid-19 đã làm cho hơn 120 ngàn người Mỹ qua đời và lệnh phong tỏa do chính quyền nhiều bang áp dụng để ngăn chận dịch bệnh khiến nền kinh tế đất nước kiệt quệ làm hơn 40 triệu người bị thất nghiệp.

« Cuộc khủng hoảng này tuyệt nhiên là mang tính xã hội. Người Mỹ da đen bị virus tác động nhiều hơn so với những cộng đồng khác. Tại sao ư ? Bởi vì, nhiều người trong số họ thuộc những tầng lớp nghèo. Khoảng 2/3 hay 3/4 người Mỹ da đen là tầng lớp trung lưu. Nhưng những người khác là những người nghèo thật sự, những người lao động nghèo.
Trong số những người Mỹ da đen nghèo đó, những người thường xuyên có vấn đề về sức khỏe là bị ảnh hưởng nhiều nhất, những người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì. Những người không được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe đều đặn, được theo dõi và nhất là những người bị mất bảo hiểm y tế.
Bởi vì, khi một người bị mất việc làm ở Mỹ, hiện đang có đến 40 triệu người thất nghiệp, thường họ cũng bị mất luôn cả bảo hiểm y tế. Thế nên, có một cuộc khủng hoảng xã hội rất lớn.»

Sự việc xảy ra buộc chính quyền Donald Trump phải nhanh chóng đưa ra một số biện pháp cải tổ ngành cảnh sát. Chỉ có điều, phong trào phản đối « Black Lives Matter» - Mạng sống người da đen cũng quan trọng - không chỉ dừng ở Mỹ mà còn lan sang nhiều nước khác. Vì sao phong trào này lại được hưởng ứng ở nhiều nơi trên thế giới?

Giáo sư sử học, Marie-Anne Matard Bonucci, trường Đại học Paris VIII trả lời RFI nhận định:
« Bởi vì có toàn cầu hóa thông tin. Hình ảnh video được truyền tải quả thật quá đau lòng và người dân, có thể là do lệnh phong tỏa, có nhiều thời gian hơn để xem. Đương nhiên là các mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng rồi, dù rằng hiện tượng kỳ thị chủng tộc vẫn còn khá phổ biến, kể cả trong một bộ phận thế hệ trẻ.
Nhưng cũng có những thế hệ mới rất nhạy cảm với những vấn đề này tại nhiều nước trên thế giới. Và cuộc đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc này có thể tiếp nối cho những cuộc đấu tranh chính trị khác, từng tồn tại và diễn ra trong những năm 1960 – 1970 và giờ đây không còn là điểm kết tinh nữa mà bởi vì những hệ tư tưởng lớn ngày nay đang lâm vào khủng hoảng. Người ta không còn mong muốn có cuộc cách mạng nữa, mà chỉ mong ước một sự bình đẳng về các quyền.»

Cái chết của George Floyd còn làm dấy lên một cuộc tranh luận khác. Làn sóng biểu tình tấn công vào các biểu tượng của chủ nghĩa thực dân ở những nơi công cộng. Từ Bỉ cho đến Anh Quốc, những người đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc đã cho dỡ tượng những gương mặt tiêu biểu của chủ nghĩa thực dân. Giới sử gia Pháp cảnh báo: « Nếu chúng ta xóa bỏ vết tích của Lịch Sử, một số người sẽ cho rằng điều đó chưa bao giờ tồn tại!»

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét