(Sự thật ít người biết đến và thế giới lại nhắm mắt làm ngơ vì sợ không dám vuốt râu Chúa Sơn Lâm) Giòng sông Cửu Long khởi nguồn từ Tây Tạng, trên con
đường dài 4,350 cây số qua 6 quốc gia. Nó bị chặn lại bởi 11 cái đập
khổng lồ được Trung Quốc xây từ thập niên 1990s. Sau khi rời đất Trung
Quốc, giòng sông Mekong chảy sang Miến Điện, Lào,
Thái Lan, Cambodia với gần một chục cái đập lớn nhỏ khác của các quốc
gia này, trước khi chảy sang Việt Nam rồi đổ ra biển. Những sự tàn phá
xảy ra bởi những con đập của 5 quốc gia trên thượng nguồn, đã làm biến
đổi nguồn lương thực, nguồn nước ngọt cho ruộng
đồng và nguồn nước ngọt cần thiết để xử dụng, của hơn 20 triệu người
dân Việt sinh sống ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, mà ai trong chúng
ta cũng đã nghe nói đến trong thời gian gần đây. Nhất là khi thời tiết
biến đổi, mưa nhiều thì xả đập dẫn đến ngập
lụt. Hạn hán thì giữ nước dẫn đến cạn queo ở khu vực hạ nguồn.<!>
Không, bài viết này tôi không có ý viết về giòng sông Cửu
Long vì trong quá khứ, tôi đã nhiều lần viết về nó rồi. Ở bài viết này,
tôi cũng không viết về đập Tam Hiệp ở Trung Quốc mà thiên hạ nhốn nháo
trong những ngày gần đây. Tôi muốn nói về
cái chết của giòng sông Colorado, có tên tiếng Tây Ban Nha là Río
Colorado, chảy từ Mỹ qua bên kia biên giới phía Nam, trên đất của Mễ Tây
Cơ.
***
Giòng sông Colorado khởi nguồn từ La Poudre Pass của rặng
núi Rocky Mountains, cao hơn 3 ngàn mét, nó gom tụ nước chảy ra từ
những vùng cao nguyên và các rặng núi tuyết phủ quanh năm. Từ đó, giòng
sông này uốn khúc chạy suốt chiều dài hơn 2,330
cây số, qua 7 tiểu bang và qua 11 công viên quốc gia ở Mỹ. Giòng sông
này còn cung cấp nước cho khoảng gần 50 triệu dân sống trong các thành
phố và những cánh đồng nông nghiệp bao la, trước khi nó chảy vào Lake
Mead ở biên giới của 2 tiểu bang Arizona và Nevada.
Sau cùng, nó vượt qua bên kia biên giới sang Mễ Tây Cơ dài độ 160 cây
số trước khi đổ ra biển.
Câu chuyện về giòng sông Río Colorado nó cũng dẫn đến
những đau thương không khác câu chuyện của giòng sông Cửu Long của Việt
Nam là mấy nếu không muốn nói còn tàn tệ hơn. Từ khởi nguồn xuống tới
thành phố Yuma sát biên giới Mỹ - Mễ, người Mỹ
đã cho xây tất cả là 15 cái đập khổng lồ, nhằm chặn, trữ và chuyển
hướng nước chảy của giòng sông này đi khắp nơi, bao phủ diện tích gần
640 ngàn cây số vuông. Bên cạnh 15 cái đập khổng lồ chặn và trữ nước đó,
lại còn có cả trăm con đập nhỏ chi chít của những
nhánh sông con, rẽ ngang xẻ dọc. Khi giòng sông Colorado chạy qua tới
được bên kia biên giới Mễ thì nó đã gần cạn khô, chẳng còn tí gì để đổ
ra biển, mặc dù nó chỉ đi chưa tới 160 cây số. Tính từ năm 1998 đến nay,
giòng sông Colorado rất hiếm khi còn lại ít
nước để chảy ra biển.
Vào năm 1901, người Mỹ khởi công xây dựng kênh đào Alamo
Canal chuyển nước của giòng sông Colorado đến những nông trại khổng lồ ở
California. Vào năm 1942 người Mỹ lại khởi công xây dựng kênh đào All
American Canal chạy vòng biên giới Mỹ - Mễ
mang nước thẳng đến Imperial Valley và các thành phố lân cận. Người Mỹ
đã tích trữ gần như tất cả lượng nước còn lại, trước khi nó chảy vào đất
Mễ. Lưu lượng nước chảy đang từ 1,200 mét khối trước năm 1900 nay xuống
còn 0.5 (nửa) mét khối mỗi giây đồng hồ
trước khi vào biên giới Mễ.
Qua mấy trận lụt lội và hạn hán, từ năm 1920 đến năm
1965, chính quyền tiểu bang và liên bang Hoa Kỳ đã bác bỏ tất cả những
lời kêu gọi của những chuyên gia nghiên cứu môi trường về sự tàn phá và
ảnh hưởng đến cây cối, thú vật hoang dã phải dựa
vào giòng sông Colorado để tồn tại. Họ cũng hủy bỏ luôn những hứa hẹn
giữa Mỹ - Mễ trước đây, về việc xây thêm đập để người dân cũng như nông
dân Mễ dưới hạ nguồn còn chút hi vọng. Với khả năng và kỹ thuật xây cất
rất cao, chỉ trong chưa đầy nửa thế kỷ, người
Mỹ đã hoàn tất việc xây dựng 15 con đập lớn và 122 con đập nhỏ trong hệ
thống chia cắt sông ngòi tinh vi và xử dụng tối đa nguồn nước một cách
hữu hiệu nhất thế giới. Ai ở Mỹ đã có cơ hội thăm viếng Hoover Dam và
Lake Mead hoặc Parker Dam và Lake Havasu mới
thấy sự vĩ đại và khủng khiếp của những công trình xây đập do người Mỹ
tạo ra. Trung Quốc không có cửa để so sánh.
Nếu so sánh giữa 2 giòng sông, thì giòng sông Mekong ở
Việt Nam hiện được coi như một người bệnh, tuy sức khỏe đã yếu kém đi
rất nhiều nhưng vẫn còn đủ hơi sức để làm việc, trong khi giòng sông
Colorado ở Mễ Tây Cơ, thì không khác gì một xác
chết chưa được chôn. Đối với những người Mễ và những người dân bản xứ
(indigenous) lớn tuổi thì giòng sông Río Colorado chỉ còn lại trong họ
như một ký ức xa xôi. Họ kể về những tháng ngày đi câu cá, những lễ lớn
được các cha tổ chức mang con dân ra sông rửa
tội, như là những câu chuyện cổ tích huyền thoại.
Những ai nghiên cứu nhiều về lịch sử thế giới, thì nhận
ra một điều là, những gì Trung Quốc đang cố gắng thực hiện trong 30 năm
qua, thì người Mỹ đã hoàn tất và giữ vững từ hơn một thế kỷ trước. Cứ so
sánh sức mạnh trong việc bá chủ hoàn cầu
giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, thì người ta mới hiểu được ý nghĩa của hai
chữ tham vọng:
- Hoa Kỳ chi ra 689 tỷ cho Quốc Phòng vào năm ngoái. Số
tiền này được xử dụng cho các thứ vũ khí hiện đại, và việc chi tiêu cho
800 căn cứ quân sự của Mỹ hiện có mặt ở 70 quốc gia trên thế giới, trong
khi Trung Quốc chi ra 178 tỷ cho Quốc Phòng
và có chỉ MỘT, đúng vậy, Trung Quốc có duy nhất chỉ 1 căn cứ quân sự ở
Djibouti thuộc miền Đông của Phi Châu trên “con đường One Road One
Belt”.
- Hoa Kỳ có 15 cái đập khổng lồ trên chiều dài 2,230 cây
số của giòng sông Colorado trên đất Mỹ chảy xuống hạ nguồn trên đất Mễ
có chiều dài 160 cây số. Hạ nguồn của giòng sông Río Colorado ở Mễ hơn 4
thập niên qua gần như đã cạn khô, trơ đất.
Trong khi Trung Quốc hiện có 11 cái đập trên chiều dài 1,955 cây số của
giòng sông Mekong trên đất Trung Quốc, phần còn lại có chiều dài là
2,665 cây số chảy qua Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cambodia trước khi đến
Việt Nam. Hạ nguồn của giòng sông Cửu Long trên
đất Việt Nam vẫn còn lưu lượng nước để chảy ra biển mặc dù hiện nay
được coi là có mực nước thấp nhất trong gần một thế kỷ qua.
Những con số so sánh ở trên quá khác biệt giữa Hoa Kỳ và
Trung Quốc, qua hành vi Cá Lớn Nuốt Cá Bé, Mạnh Được Yếu Thua. Thế thì
tại sao đại đa số “nạn nhân” của các quốc gia này và thông tin ở khắp
nơi trên thế giới lại chỉ thấy cái “Dã Tâm Bành
Trướng” của Trung Quốc mà không thấy cái “Dã Man Cưỡng Đoạt” của Hoa
Kỳ?
Trong cuộc họp cuộc của các quốc gia Đông Nam Á ở Bangkok
vào ngày 1 tháng 8 năm 2019, ông Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Pompeo,
lên án mạnh mẽ về việc Trung Quốc xây dựng những đập nước trên thượng
nguồn của giòng sông Mekong, đã ảnh hưởng
trực tiếp đến nạn hạn hán ở các quốc gia hạ nguồn:“The river is at its lowest levels in a decade, a problem
linked to China’s decision to shut off water upstream,” (Giòng sông
Mekong đang ở mức thấp nhất trong thập niên này, đây là lỗi của Trung
Quốc khi họ quyết định chặn nguồn nước ở thượng
nguồn,) ông Pompeo đã tuyên bố.Trong khi đó, tiếng nói yếu ớt của gần 4 triệu người dân
Mễ sinh sống dưới hạ nguồn của giòng Río Colorado, chỉ như tiếng thều
thào của kẻ hấp hối, không ai nghe thấy: “The Gabachos (Americans) should leave some water for us” (Người Mỹ, làm ơn chừa lại cho chúng tôi một ít nước).
Sư Tử ăn thịt sống bằng cách giết những con vật yếu đuối
hơn nó. Linh Cẩu cũng ăn thịt sống cũng bằng cách giết những con vật yếu
đuối hơn nó, nhưng “khán giả” lại thấy hình ảnh dũng mãnh của Sư Tử với
thân hình hiên ngang trong bộ lông đẹp đẽ,
và họ trầm trồ khen ngợi. Cùng một lúc, “khán giả” chỉ thấy bộ lông
nham nhở và thân hình bẩn thỉu của Linh Cẩu, thật đáng ghê tởm.
Chính sách quảng cáo che đậy, bóp méo sự thật và hệ thống
tuyên truyền của Mỹ luôn đứng đầu thế giới suốt hơn 100 năm qua, có tác
dụng rất rõ ràng. Báo chí Mỹ và báo chí của một số nước ở Đông Nam Á
lên án kịch liệt tham vọng bành trướng của
Trung Quốc ở Biển Đông nhưng không đề cập bất cứ gì về 800 căn cứ quân
sự của Hoa Kỳ bao trùm ở 70 quốc gia trên thế giới. Báo chí Mỹ và báo
chí của một số nước ở Đông Nam Á lên án kịch việc xây đập trữ nước của
Trung Quốc trên giòng sông Mekong nhưng lại
không đá động gì về việc Hoa Kỳ xây đập vắt sạch nguồn nước của giòng
sông Colorado.
Sự bất công ở bất cứ đâu, cũng cần phải được đem ra và lên án.
Hình như có ai đó đã nói: LỊCH SỬ là VĂN BẢN ĐƯỢC VIẾT bởi KẺ CÓ SỨC MẠNH.
***
Tài liệu tham khảo thêm:
[ [https://www.theguardian.com/…/the-lost-river-mexicans-fight…](https://www.theguardian.com/environment/2019/oct/21/the-lost-river-mexicans-fight-for-mighty-waterway-taken-by-the-us?fbclid=IwAR2aEjRgnLYxVPyUeCpHo0ehDZReZTr4D4favrIyuoBD9cVMrsgNqk9DOfk)
]
[ [https://www.worldatlas.com/…/how-many-dams-are-there-on-the…](https://www.worldatlas.com/articles/how-many-dams-are-there-on-the-colorado-river.html?fbclid=IwAR28_bJnKhGIFKLm2lf3iXhxsUfODG8ZXkerOX6xL95N8ddylcOhax4cnwc)
]
[ [https://foreignpolicy.com/…/science-shows-chinese-dams-de…/…](https://foreignpolicy.com/2020/04/22/science-shows-chinese-dams-devastating-mekong-river/?fbclid=IwAR2Ogdq83oQJnUC1IYd-3ziDthxhX5bB-Ex-mrgDHtap-_LPHoKHt8Qib1I#:~:text=Science%20Shows%20Chinese%20Dams%20Are%20Devastating%20the%20Mekong,-New%20data%20demonstrates&text=Eleven%20massive%20dams%20straddle%20the,Cambodia%2C%20and%20on%20into%20Vietnam).
]
Những giọt nước mắt của một giòng sông đã qua đời. Nhìn
hình ảnh được thâu lại vào năm 2014 này mới thấy được sự kinh hoàng của
"những con đập" trên đất Mỹ ảnh hưởng tới người Mễ như thế nào.
Link Youtube này, nói tiếng Spanish nhưng có sẵn phụ đề tiếng Anh.
[ [https://www.youtube.com/watch?v=Kt0Pty_uraA](https://l.facebook.com/l.php?u=https%3A%2F%2Fwww.youtube.com%2Fwatch%3Fv%3DKt0Pty_uraA%26fbclid%3DIwAR3RwP8_Lv9K23X6LS7hucPsyxy3l4OU-EEGSCBathXVWELFjL7GIWp0FF4&h=AT2Opj_TBbqdHJMfDClFCA3NBKKlMbO5_fdyr2M_IQV1d261YfFnKv-s_jt-FXPE0ZTS2EGnwnZ_VUWSwRN-FL5NZrD8VnZgu9ldduuzGN-L7ZdibGRd3VzYXFEekMiYhTJmFo0IoMOreOMlwON3N1fU7rhRRP9drTWK-Hc490iQkdQzw0w6)
]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét