Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Biển Đông: Mỹ tán đồng lập trường của ASEAN, đả kích ý đồ độc chiếm của Trung Quốc

Image en ligne
Biển Đông là nơi trung chuyển của gần một nửa khối lượng hàng hóa bằng đường biển của thế giới. © Wikipedi  - Trọng Nghĩa Hoa Kỳ ngày hôm qua, 27/06/2020, là một trong những cường quốc đầu tiên đã lên tiếng hoan nghênh lập trường của các nước Đông Nam Á về Biển Đông, vừa được tái khẳng định nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN ngày 22/06 vừa qua, dưới quyền chủ trì của Việt Nam.Trong một tin nhắn Twitter gởi đi khuya hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết là “Hoa Kỳ hoan nghênh việc các lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh rằng tranh chấp Biển Đông cần phải được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế", trong đó có UNCLOS (Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982).Ngoại trưởng Mỹ không ngần ngại cho rằng “Trung Quốc không được phép coi Biển Đông thuộc phạm vi đế chế hàng hải của họ”, đồng thời cho biết thêm là Mỹ sẽ “sớm lên tiếng nhiều hơn về chủ đề này”.
<!>
Điểm đáng chú ý là trong tin nhắn của mình, ông Pompeo đã đính kèm bản Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN mang tên “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng”, đã được thông qua nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 36.
Theo ghi nhận của CNN, trong Bản Tuyên Bố Chung được đưa ra sau hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp trên Biển Đông và cho rằng luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng ở Biển Đông, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và các bên không được “sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
Bản Tuyên Bố của chủ tịch ASEAN còn nêu bật thái độ quan ngại “về việc cải tạo, những diễn biến gần đây và những sự cố nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Biển Đông” và xem Công Ước UNCLOS 1982 là cơ sở để xác định các quyền chính đáng trên các vùng biển.
Theo hãng tin Mỹ AP, tuyên bố về Biển Đông của khối ASEAN lần này là một trong những nhận định cứng rắn nhất của khối đối với việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông trên cơ sở lịch sử.
Trả lời hãng AP, ba nhà ngoại giao Đông Nam Á xin giấu tên cho rằng toàn khối rõ ràng là đã có lập trường cứng rắn đáng kể trong việc khẳng định nhu cầu tôn trọng luật lệ quốc tế ở Biển Đông. Theo giáo sư Carl Thayer, một nhà phân tích nổi tiếng về Biển Đông, tuyên bố của ASEAN mang ý nghĩa là một động thái bác bỏ các cơ sở mà Bắc Kinh dựa vào để yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, thể hiện một sự thay đổi đáng kể trong lời lẽ của ASEAN đối với Trung Quốc.

Biển Đông: ASEAN ra thông cáo khẳng định UNCLOS là cơ sở giải quyết bất đồng
Image en ligne
Phòng họp thượng đỉnh khối ASEAN lần thứ 36 qua cầu truyền hình, Hà Nội, ngày 26/06/2020. Năm 2020, Việt Nam là chủ tịch luân phiên của ASEAN. POOL/AFP
Thượng đỉnh khối ASEAN lần thứ 36 kết thúc hôm qua, 26/06/2020. Báo chí quốc tế  chú ý đến việc thông cáo chung ASEAN nhấn mạnh đến các tranh chấp, bất đồng phải được giải quyết cơ sở Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một bước tiến cho thấy ASEAN đã bước đầu thống nhất được lập trường, để chống lại các tham vọng bành trướng của Trung Quốc. 
Các lãnh đạo ASEAN nhất trí tái khẳng định Công Ước UNCLOS năm 1982 là cơ sở cho việc xác định các quyền trên biển, khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương. Tuyên bố chung của thượng đỉnh ASEAN, do nước chủ nhà Việt Nam, chủ tịch luân phiên của khối, chủ trì soạn thảo, khẳng định các lãnh đạo ASEAN « nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Lo ngại về việc cải tạo, những diễn biến gần đây và những sự cố nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, các lãnh đạo khẳng định sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế trong các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 ». 
Hãng tin Mỹ AP cho hay, hiện chưa có phản ứng nào từ phía Trung Quốc về tuyên bố nói trên. Trong lúc đó, ba nhà ngoại giao ASEAN, xin không nêu danh tính, mà hãng tin tiếp xúc được, nhận định : bản thông cáo nói trên « đánh dấu một bước tiến quan trọng » trên con đường khẳng định giá trị nền tảng của luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông, nơi vốn được coi mà một trong những địa điểm xung đột dễ dàng bùng phát thành chiến tranh, trong bối cảnh các tham vọng chủ quyền trên biển của Trung Quốc ngày càng gia tăng. 
Theo báo Philippines, cũng trong thượng đỉnh nói trên, tổng thống Philippines đã báo động về căng thẳng gia tăng tại nhiều khu vực tranh chấp. Với tư cách quốc gia phụ trách điều phối đối thoại giữa ASEAN và Bắc Kinh, tổng thống Rodrigo Duterte kêu gọi các bên tìm kiếm các biện pháp mới, có thái độ mềm dẻo để đạt được mục tiêu giữ hoà bình và ổn định.
Theo ông Duterte, Manila đang nỗ lực thúc đẩy các bên đi đến được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất. Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp cũng tiếp tục căng thẳng. Trong thời gian gần đây, Manila đã phải hai lần gửi công hàm phản đối Bắc Kinh về các hành động gây hấn.
Bắc Kinh nạo vét lớn ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa 
Truyền thông Hoa Kỳ hôm nay 27/06 loan tải thông tin về việc chính quyền Trung Quốc tiến hành nạo vét quy mô lớn tại đảo Phú Lâm, được Trung Quốc bố trí làm thủ phủ của quần đảo Hoàng Sa, phía bắc Biển Đông, quần đảo mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền. Các hình ảnh vệ tinh, từ ngày 17/04 đến ngày 25/06, cho thấy việc nạo vét diễn ra tại khu vực phía tây bắc hòn đảo. Mục tiêu của hoạt động này có thể là để mở rộng diện tích đảo. Đảo Phú Lâm là nơi Trung Quốc bố trí một căn cứ quân sự chủ yếu ở Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét