Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

Viết - Trần Trung Đạo


VIẾT - Tôi viết không phải để trả thù vì tôi không có kẻ thù, dù thù cá nhân hay thù tập thể. Tôi chưa bao giờ cầm súng, chưa hề bắn giết ai và cũng chưa sống một ngày ở những trại tù Vĩnh Phú, Hàm Tân, An Điềm, Suối Máu. 
Tôi tự gán cho mình cái trách nhiệm phải nói ra những điều tôi nghĩ là đúng để may ra các em nhỏ miền Nam sinh ra sau cuộc chiến, nếu đọc được sẽ vơi bớt nỗi tủi hổ vì đảng CS đã dạy các em rằng ông nội em, ông ngoại em, cha em, chú em đã từng là kẻ giết người cướp của, từng đi đánh thuê cho đế quốc, từng làm tay sai cho ngoại bang.  Tôi hy vọng sáng mai đây khi bước ra đường các em sẽ nhìn người thương phế binh miền Nam đang lê lết chuỗi ngày tàn bằng cặp mắt khác hơn. <!>

Các em, thay vì bước nhanh như hôm qua, sẽ ngồi xuống bên cạnh người lính miền Nam tàn phế kia và nghe ông kể lại những chặng đường bi tráng mà ông và đồng đội đã trải qua, từ đó các em sẽ hiểu ra rằng cha chú các em đã sống và chiến đấu trong cuộc chiến tự vệ đầy chính nghĩa mà họ không có chọn lựa nào khác. Các em sẽ lớn lên trong tự tin và hy vọng thay vì mặc cảm "tội ác ba đời" mỗi khi đọc lại lý lịch mình. 

Tôi viết để mong các em nhỏ miền Bắc sinh ra sau cuộc chiến nếu đọc được hy vọng các em sẽ biết sự thật và chân lý không phải là những lời đảng CS dạy. 

Đảng CS không giúp các em “sáng mắt sáng lòng” mà làm các em thành những kẻ mù loà đi lùi giữa nền văn minh nhân loại mỗi ngày mỗi mới. 

Các em có thể không dễ dàng tin những điều tôi viết, nhưng ít ra cho các em thấy một phía khác của vấn đề để tìm tòi, học hỏi, so sánh và qua đó các em sẽ thấy mục tiêu đích thực mà đất nước Việt Nam cần phải đến là gì. 

Tuổi trẻ Việt Nam phải có cơ hội đọc và hiểu một cách khách quan từ nhiều phía về bản chất, nguyên nhân của cuộc chiến Việt Nam. 

Tôi sẵn sàng lắng nghe các em phê bình, mắng mỏ, miễn là những điều em nói phát xuất từ suy nghĩ của các em chứ không phải sao chép từ tài liệu học tập của đoàn, của đảng như nhiều người khác. 

Lịch sử để lại cho thế hệ trẻ Việt Nam một chiếc áo rách và một cuộn tơ rối để may chiếc áo mới, nhưng từ cuộn tơ rối vò kia cho đến khi thành chiếc áo là một quá trình dài, đòi hỏi ở các em không chỉ lòng yêu nước, sự kiên nhẫn mà còn phải có một suy nghĩ độc lập, khách quan khi đánh giá những vấn đề thuộc về quá khứ trên con đường đi đến tương lai.

Trần Trung Đạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét