Cảnh sát chống bạo động Hong Kong bắn hơi cay vào người biểu tình tại nút giao giữa đường Hennessy và đường Percival hôm nay. Ảnh: SCMP.
Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà vận động, hàng nghìn người Hong Kong hôm nay tập trung tại các quận Causeway Bay và Wan Chai sầm uất, hô khẩu hiệu phản đối chính quyền."Mọi người có thể bị truy tố hình sự chỉ vì lời nói hoặc vì công khai phản đối chính quyền", người biểu tình Vincent, 25 tuổi, nói. "Tôi nghĩ người Hong Kong rất thất vọng vì chúng tôi không nghĩ điều này đến quá nhanh và quá lỗ mãng như vậy. Nhưng chúng tôi không ngây thơ đến mức tin rằng Bắc Kinh sẽ chỉ đơn giản ngồi không và không làm gì. Mọi thứ sẽ chỉ tồi tệ hơn ở đây". Đến 14h (13h giờ Hà Nội), người biểu tình chiếm đường Gloucester, trong khi những người khác giơ biểu ngữ phản đối chính quyền và trưng cờ Mỹ. Những người khác phản đối cảnh sát chống bạo động, la hét "Độc lập Hong Kong. Con đường duy nhất".<!>
Người biểu tình cũng nỗ lực chặn các phương tiện giao thông ở đường Hennessy. Một xe bọc thép và vòi rồng được triển khai tại đây, với các thành viên của lực lượng tác chiến đặc biệt ngồi trên nóc xe, chĩa vũ khí vào đám đông xung quanh.
Tại đường Canal, tình hình trở nên căng thẳng khi cảnh sát giơ cờ xanh nhiều lần và chĩa hơi cay vào các phóng viên, ủy viên hội đồng quận. Cảnh sát sau đó phun vòi rồng vào những người biểu tình cố dựng rào chắn trên đường phố, trong khi nhiều hơi cay được sử dụng bên ngoài trung tâm mua sắm Hysan Place.
Nhà hoạt động sinh viên Joshua Wong, người có mặt tại hiện trường, cho biết đã lên kế hoạch đấu tranh và tiếp tục vận động để được hỗ trợ từ nước ngoài. "Khi Bắc Kinh tuyên bố dự luật, đã đến lúc phải đáp lại", Wong nói.
Nhà hoạt động Tam Tak-chi đã bị bắt bên ngoài cửa hàng bách hóa Sogo ở Vịnh Causeway. Tam nói rằng ông đang tiến hành "một cuộc trao đổi về y tế" và có y tá góp mặt, không vi phạm lệnh cấm tụ tập trên 8 người do Covid-19, song cảnh sát khẳng định Tam tổ chức tụ tập trái phép và bắt ông. "Đấu tranh cho tự do! Đứng về phía Hong Kong!", Tam hô vang khi bị bắt đi.
Sau khi Tam bị bắt, hơn 100 người đã tụ tập bên ngoài Sogo, hô "Độc lập Hong Kong là lối thoát duy nhất!". Cảnh sát chống bạo động sau đó phun hơi cay vào người biểu tình, buộc họ phải giải tán. Một số người ném đồ vật, bao gồm ô, vào cảnh sát. Cuộc biểu tình hôm nay diễn ra theo mô hình tương tự nhiều cuộc biểu tình năm ngoái.
Trước đó một ngày, cảnh sát khuyến cáo người dân không tham gia vào bất kỳ cuộc tụ tập trái phép nào, cho hay họ đã huy động đủ sĩ quan để hành động quyết đoán. Các nhóm cảnh sát chống bạo động được trang bị đầy đủ đã bắt đầu tập trung tại các địa điểm gần cửa hàng bách hóa trước buổi trưa.
Người biểu tình dựng rào cản, chặn giao thông trên đường Hennessy hôm nay. Ảnh: SCMP.
Biểu tình diễn ra hai ngày sau khi dự luật an ninh được đệ trình lên quốc hội Trung Cộng, trong đó cấm các hoạt động ly khai và lật đổ, cũng như sự can thiệp của nước ngoài và khủng bố trong thành phố. Theo thỏa thuận Anh trao trả Hong Kong cho Trung Cộng năm 1997, Hong Kong được hưởng mức độ tự trị cao, các quyền tự do, có hệ thống luật pháp và tình trạng thương mại riêng.
Các nghị sĩ ủng hộ dân chủ ở Hong Kong chỉ trích mạnh mẽ dự luật này, nói rằng nó đi ngược lại mô hình "một quốc gia, hai chế độ", theo đó Bắc Kinh cam kết duy trì các quyền tự do cho thành phố. Các nhà ngoại giao nước ngoài lo ngại dự luật có thể mở rộng sự hiện diện của các cơ quan tình báo và an ninh của đại lục tại Hong Kong, "gây nguy hiểm cho quyền và tự do" tại đây. Bắc Kinh khẳng định dự luật trên thực tế củng cố nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển. Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố sẽ "hợp tác hoàn toàn" với quốc hội Trung Quốc để hoàn thành dự luật. Carrie Lam nói dự luật an ninh sẽ không ảnh hưởng đến quyền, tự do và tính độc lập về tư pháp của đặc khu.
Maria Tam, cố vấn luật Hong Kong tại quốc hội Trung Cộng, hôm qua khẳng định lực lượng thực thi pháp luật của đại lục sẽ không hoạt động ở Hong Kong nếu không có "sự chấp thuận" của chính quyền địa phương. "Tôi không lo lắng việc bất kỳ ai bị cảnh sát từ đại lục bắt và đưa về Trung Cộng để điều tra hoặc xử phạt", Maria Tam nói. "Việc đó sẽ không bao giờ xảy ra". Dự luật dự kiến được thông qua vào 28/5, ngày bế mạc kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ủy quyền xây dựng luật an ninh chi tiết và ban hành ở Hong Kong mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp ở Hong Kong. Hội đồng Lập pháp sẽ thảo luận dự luật an ninh vào ngày 27/5.
Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Australia, Anh và EU đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về dự luật an ninh Hong Kong. Các nước kêu gọi Trung Cộng tôn trọng các quyền, tự do cũng như quyền tự trị cao của Hong Kong. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ "phản ứng cứng rắn" nếu Trung Quốc ban hành dự luật này.
Huyền Lê (Theo AFP, SCMP)
Chủ nhật, 24/5/2020
Nghị sĩ nhiều nước phản đối dự luật an ninh Hong Kong
Hơn 200 nghị sĩ từ 23 nước ra tuyên bố chung lên án Trung Cộng đề xuất dự luật an ninh Hong Kong. Trong tuyên bố chung được công bố hôm nay, các nghị sĩ bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Bắc Kinh "đơn phương đề xuất luật an ninh" ở Hong Kong. "Đây là đòn tấn công toàn diện vào quyền tự trị, pháp trị và tự do cơ bản của thành phố.. Tính toàn vẹn của 'một quốc gia, hai chế độ' đang bị đe dọa".
Những người tham gia ký tên trong tuyên bố chung gồm Chris Patten, thống đốc người Anh cuối cùng của Hong Kong, cựu ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind, các thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz, Josh Hawley, Marco Rubio, 12 nghị sĩ Mỹ, hàng chục nghị sĩ Anh cũng như các nghị sĩ đến từ châu Âu, New Zealand, Canada, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia.
"Những điều luật hà khắc sẽ chỉ khiến tình hình thêm leo thang, gây khó khăn cho tương lai của Hong Kong với tư cách một thành phố quốc tế của Trung Cộng", tuyên bố chung có đoạn. Các nghị sĩ cũng kêu gọi chính phủ các nước cùng lên tiếng phản đối "sự vi phạm tuyên bố chung Trung - Anh" này.
Người biểu tình chống dự luật an ninh tuần hành trên một đường phố ở Hong Kong ngày 24/5. Ảnh: AFP.
Nói chuyện trên một chương trình phát thanh sáng 24/5, Elsie Leung Oi-sie, phó chủ tịch Ủy ban Luật Cơ bản của Hong Kong, đã bác bỏ những ý kiến chỉ trích. Theo bà, quyền tự trị của đặc khu Hong Kong vẫn sẽ không thay đổi và được bảo vệ bởi Luật Cơ bản. "Nếu luật an ninh giúp cải thiện hệ thống pháp luật thì tại sao nó lại làm suy yếu pháp quyền", bà đặt câu hỏi, tái khẳng định quyền tự do của người dân sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật mới chỉ nhắm tới một nhóm người rất nhỏ.
Phó thủ tướng Trung Cộng Hàn Chính ngày 24/5 cũng nhấn mạnh luật an ninh mới chỉ nhắm đến "một nhóm người nhỏ bé" nhằm bịt kín một lỗ hổng pháp lý được phơi bày sau các cuộc biểu tình nổ ra ở Hong Kong hồi năm ngoái. Dự luật an ninh Hong Kong được đệ trình lên quốc hội Trung Cộng hôm 22/5, trong đó cấm các hoạt động ly khai và lật đổ, cũng như sự can thiệp của nước ngoài và khủng bố trong thành phố. Theo thỏa thuận Anh trao trả Hong Kong cho Trung Cộng năm 1997, Hong Kong được hưởng mức độ tự trị cao, các quyền tự do, có hệ thống luật pháp và tình trạng thương mại riêng.
Một số nghị sĩ Hong Kong chỉ trích dự luật trên, nói rằng nó đi ngược lại mô hình "một quốc gia, hai chế độ", theo đó Bắc Kinh cam kết duy trì các quyền tự do cho thành phố. Các nhà ngoại giao nước ngoài lo ngại dự luật có thể mở rộng sự hiện diện của các cơ quan tình báo và an ninh của đại lục tại Hong Kong, "gây nguy hiểm cho quyền và tự do" tại đây Bắc Kinh khẳng định dự luật này thực tế củng cố nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển. Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố sẽ "hợp tác hoàn toàn" với quốc hội Trung Cộng để hoàn thành dự luật. Carrie Lam nói dự luật an ninh sẽ không ảnh hưởng đến quyền, tự do và tính độc lập về tư pháp của đặc khu.
Hàng nghìn người Hong Kong hôm nay biểu tình để phản đối dự luật an ninh tại các quận Causeway Bay và Wan Chai sầm uất, hô khẩu hiệu phản đối chính quyền. Cảnh sát chống bạo động đã phải phun hơi cay và vòi rồng vào người biểu tình, buộc họ giải tán.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
Andy Van
Hong Kong sẽ thay đổi hoàn toàn sau luật an ninh mới của Trung Cộng
Đông Phong 05:48 23/05/2020
Các nội dung của dự luật an ninh mới vượt xa những gì từng được đưa ra vào năm 2003, tác động mạnh đến mọi khía cạnh trong xã hội Hong Kong.
Hong Kong được biết đến là "thành phố biểu tình", với hàng trăm nghìn người cùng xuống đường để gây áp lực với chính quyền.
Rất lâu trước Phong trào Dù vàng năm 2014 hay bất ổn chính trị kéo dài hồi năm ngoái, danh tiếng này đã được củng cố vào năm 2003, khi cuộc tuần hành phản đối một dự luật chống nổi loạn, được biết đến với tên gọi Điều 23, đã thành công trong việc buộc chính quyền phải gác lại dự luật, theo CNN.
Người Hong Kong xuống đường tuần hành trong hôm 8/12/2019. Ảnh: Reuters.
17 năm sau đó, mặc dù đã hứa sẽ ban hành luật như vậy và nhận được sự ủng hộ lớn từ Bắc Kinh, không chính quyền nào ở Hong Kong nào dám khởi động lại quá trình này.
Tuần này, sự kiên nhẫn của Bắc Kinh đã hết. Sau khi chứng kiến 6 tháng bất ổn với các cuộc biểu tình liên tiếp thường xuyên biến thành bạo lực ở Hong Kong vào năm ngoái, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc, tức quốc hội Trung Cộng, đã thay mặt thành phố đưa ra kế hoạch ban hành luật an ninh quốc gia và chống nổi loạn, bỏ qua cơ quan lập pháp của Hong Kong nhờ một "cửa hậu hiến pháp" hiếm khi được sử dụng.
Tác động lớn
Các nội dung của dự luật vượt xa những gì được đưa ra vào năm 2003. Ngoài việc hình sự hóa "tội phản quốc, ly khai, nổi loạn và lật đổ" chính quyền trung ương, luật sẽ cho phép các cơ quan an ninh quốc gia Trung Cộng hoạt động tại thành phố, "thực hiện các nhiệm vụ liên quan nhằm bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật".
Dự kiến được quốc hội Trung Cộng thông qua vào cuối tháng này và ban hành tại Hong Kong ngay sau đó, luật sẽ có tác động mạnh mẽ đối với toàn bộ xã hội Hong Kong, từ chính trị đến truyền thông, giáo dục và kinh doanh quốc tế.
Hong Kong, đặc khu hành chính của Trung Cộng theo thể chế "một quốc gia hai chế độ", vốn luôn tự hào về nền tảng pháp quyền của thành phố, nơi người dân được hưởng các quyền tự do dân sự khác nhau và có nền tư pháp độc lập với Bắc Kinh.
Những quyền này được quy định trong Luật Cơ bản Hong Kong - văn bản luật được xem là "hiến pháp" của đặc khu, và được bảo đảm bởi thỏa thuận giữa Trung Cộng và Vương quốc Anh khi Hong Kong được trao lại cho chính quyền Bắc Kinh vào năm 1997.
Luật mới thách thức tất cả những điều này. Bằng cách hình sự hóa một loạt các hành vi không rõ ràng như vậy, luật có thể cho phép nhà chức trách tự do theo dõi phe đối lập ở thành phố nếu họ thấy phù hợp.
Phát biểu trong cuộc họp báo được các nhà lập pháp đối lập tổ chức hôm 22/5, nghị viên đảng Dân chủ Helena Wong nói ngay cả chính quyền địa phương "sẽ không thể quản lý những gì các đặc vụ làm tại Hong Kong".
Nghị viên phe dân chủ Raymond Chan Chi-chuen bị lực lượng an ninh đưa đi khi ông phản đối dự luật an ninh mới trong cuộc họp của Ủy ban Nội vụ thuộc Hội đồng Lập pháp Hong Kong hôm 22/5. Ảnh: Reuters.
Đồng nghiệp của bà, Claudia Mo, nói với CNN rằng việc này là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh "sẽ làm bất cứ điều gì để trói buộc Hong Kong".
Việc thực thi luật này ở Hong Kong cũng có thể trở thành cơn ác mộng đối với các tòa án của thành phố - vốn hoạt động riêng biệt với hệ thống pháp luật Trung Cộng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là luật có nhiều nguy cơ bị lật ngược. Quốc hội Trung Cộng là nơi để kháng cáo cuối cùng ở Hong Kong và có thể đưa ra "giải thích" cho bất kỳ vấn đề hiến pháp nào, tức về bản chất là viết lại Luật Cơ bản một cách nhanh chóng.
Song sự hoang mang và bất định mà các quy định mới có thể tạo ra, và một cuộc chiến dài hơi nhiều khả năng diễn ra tại các tòa án, có thể giáng một đòn mạnh vào danh tiếng của thành phố pháp quyền, vốn từ lâu được coi là điều mấu chốt đối với vị thế trung tâm tài chính và kinh doanh quốc tế của Hong Kong.
Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga phát biểu về dự luật an ninh mới trong cuộc họp báo hôm 22/5 ở Hong Kong. Ảnh: Reuters.
Ảnh hưởng toàn xã hội
Không giống như dự luật dẫn độ đã dẫn đến tình trạng bất ổn hồi năm ngoái, phạm vi của luật chống nổi loạn có thể rất rộng.
Số phận của đội ngũ báo chí quốc tế rất lớn ở thành phố là không rõ ràng. Hiện tại, các nhà báo nước ngoài được tự do làm việc tại Hong Kong, không bị ảnh hưởng bởi loại thị thực và các hạn chế khác mà các đồng nghiệp họ ở Trung Cộng đại lục phải chịu. Với luật an ninh mới, điều này có dấu hiệu sắp kết thúc.
Các biện pháp kiểm soát mới đối với việc đưa tin ở Hong Kong có thể khiến nhiều tổ chức truyền thông phải rời khỏi thành phố.
Tác động với cơ quan lập pháp của thành phố, nơi các nhà lập pháp dân chủ nắm giữ khoảng một phần ba số ghế, cũng có thể là một hệ quả. Trong những năm gần đây, các nhà lập pháp đã bị cho ra khỏi cơ quan này và một số ứng viên đã bị cấm hoạt động chính trị..
Luật mới có thể mang đến cho giới chức Hong Kong quyền hạn lớn hơn để loại bỏ các nhà lập pháp gây cản trở hoặc thậm chí truy tố họ vì đã ngăn chặn việc thông qua các luật quan trọng, đặc biệt là trên cơ sở an ninh quốc gia.
Nhà hoạt động Hoàng Chi Phong, một trong các lãnh đạo của Phong trào Dù vàng năm 2014, tổ chức họp báo về dự luật an ninh mới hôm 22/5 tại Hong Kong. Ảnh: Reuters.
Tác động của luật cũng có thể sẽ được cảm nhận bên ngoài thành phố. Các thượng nghị sĩ Mỹ sắp đưa ra một đánh giá theo Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong (HKDA) về việc thành phố này có đang duy trì đủ mức độ tự trị so với Trung Quốc hay không, điều kiện để thành phố được hưởng quy chế giao thương đặc biệt với Mỹ.
Cuối ngày 21/5, một số nhà lập pháp Mỹ cam kết sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Cộng và Hong Kong chịu trách nhiệm áp đặt luật mà họ mô tả là "vi phạm thô bạo" thỏa thuận giữa Trung Cộng với Anh để bảo vệ các quyền tự do của Hong Kong.
Hiện vẫn chưa rõ những người biểu tình hay các nhà lập pháp đối lập ở Hong Kong có thể làm gì để ngăn chặn dự luật trở thành luật.
Các nhà lập pháp đã thành công trong việc cản trở một dự luật đề xuất hình sự hóa bất kỳ hành vi xúc phạm nào đối với quốc ca Trung Cộng trong nhiều năm qua tại Hong Kong. Năm ngoái, những người biểu tình đã phong tỏa trụ sở cơ quan lập pháp Hong Kong, ngăn cản các cuộc thảo luận về dự luật dẫn độ.
Luật an ninh mới được cho là sẽ có tác động mạnh mẽ đến toàn bộ xã hội Hong Kong nếu được thông qua. Ảnh: Reuters.
Không chiến thuật nào sẽ có hiệu quả trong việc ngăn cản luật an ninh quốc gia mới.
Thời điểm - dự luật được đưa ra khi các hạn chế vì dịch bệnh vẫn còn đang được áp dụng ở Hong Kong - có thể đồng nghĩa với việc mọi người không sẵn sàng tham gia các cuộc biểu tình rầm rộ như họ từng làm hồi năm ngoái. Tuy nhiên, giữa sự bất bình lan rộng vào tối 21/5, Nathan Law, cựu nghị viên, người lãnh đạo các cuộc biểu tình trong Phong trào Dù vàng năm 2014, kêu gọi người dân Hong Kong đừng từ bỏ hoàn toàn: "Vào thời gian này năm ngoái, không phải tất cả chúng ta đều đã nghĩ rằng luật dẫn độ chắc chắn sẽ được thông qua đó sao?".
"Người Hong Kong luôn có thể tạo ra phép màu", ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét