Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

HONG KONG SẼ THAY ĐỔI HOÀN TOÀN SAU LUẬT AN NINH MỚI CỦA TRUNG CỘNG - Đông Phong

Tình hình Hồng Kông khó lường | Thế giới | Thanh Niên
Các nội dung của dự luật an ninh mới vượt xa những gì từng được đưa ra vào năm 2003, tác động mạnh đến mọi khía cạnh trong xã hội Hong Kong. Hong Kong được biết đến là “thành phố biểu tình”, với hàng trăm nghìn người cùng xuống đường để gây áp lực với chính quyền. Rất lâu trước Phong trào Dù vàng năm 2014 hay bất ổn chính trị kéo dài hồi năm ngoái, danh tiếng này đã được củng cố vào năm 2003, khi cuộc tuần hành phản đối một dự luật chống nổi loạn, được biết đến với tên gọi Điều 23, đã thành công trong việc buộc chính quyền phải gác lại dự luật, theo CNN. Người Hong Kong xuống đường tuần hành trong hôm 8/12/2019. Ảnh: Reuters. 17 năm sau đó, mặc dù đã hứa sẽ ban hành luật như vậy và nhận được sự ủng hộ lớn từ Bắc Kinh, không chính quyền nào ở Hong Kong nào dám khởi động lại quá trình này.<!>
Tuần này, sự kiên nhẫn của Bắc Kinh đã hết. Sau khi chứng kiến 6 tháng bất ổn với các cuộc biểu tình liên tiếp thường xuyên biến thành bạo lực ở Hong Kong vào năm ngoái, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc, tức quốc hội Trung Cộng, đã thay mặt thành phố đưa ra kế hoạch ban hành luật an ninh quốc gia và chống nổi loạn, bỏ qua cơ quan lập pháp của Hong Kong nhờ một “cửa hậu hiến pháp” hiếm khi được sử dụng.

Tác động lớn

Các nội dung của dự luật vượt xa những gì được đưa ra vào năm 2003. Ngoài việc hình sự hóa “tội phản quốc, ly khai, nổi loạn và lật đổ” chính quyền trung ương, luật sẽ cho phép các cơ quan an ninh quốc gia Trung Cộng hoạt động tại thành phố, “thực hiện các nhiệm vụ liên quan nhằm bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật”.
Dự kiến được quốc hội Trung Cộng thông qua vào cuối tháng này và ban hành tại Hong Kong ngay sau đó, luật sẽ có tác động mạnh mẽ đối với toàn bộ xã hội Hong Kong, từ chính trị đến truyền thông, giáo dục và kinh doanh quốc tế.
Hong Kong, đặc khu hành chính của Trung Cộng theo thể chế “một quốc gia hai chế độ”, vốn luôn tự hào về nền tảng pháp quyền của thành phố, nơi người dân được hưởng các quyền tự do dân sự khác nhau và có nền tư pháp độc lập với Bắc Kinh.
Những quyền này được quy định trong Luật Cơ bản Hong Kong – văn bản luật được xem là “hiến pháp” của đặc khu, và được bảo đảm bởi thỏa thuận giữa Trung Cộng và Vương quốc Anh khi Hong Kong được trao lại cho chính quyền Bắc Kinh vào năm 1997.
Luật mới thách thức tất cả những điều này. Bằng cách hình sự hóa một loạt các hành vi không rõ ràng như vậy, luật có thể cho phép nhà chức trách tự do theo dõi phe đối lập ở thành phố nếu họ thấy phù hợp.
Phát biểu trong cuộc họp báo được các nhà lập pháp đối lập tổ chức hôm 22/5, nghị viên đảng Dân chủ Helena Wong nói ngay cả chính quyền địa phương “sẽ không thể quản lý những gì các đặc vụ làm tại Hong Kong”.

Nghị viên phe dân chủ Raymond Chan Chi-chuen bị lực lượng an ninh đưa đi khi ông phản đối dự luật an ninh mới trong cuộc họp của Ủy ban Nội vụ thuộc Hội đồng Lập pháp Hong Kong hôm 22/5.
 Ảnh: Reuters.

Đồng nghiệp của bà, Claudia Mo, nói với CNN rằng việc này là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh “sẽ làm bất cứ điều gì để trói buộc Hong Kong”.
Việc thực thi luật này ở Hong Kong cũng có thể trở thành cơn ác mộng đối với các tòa án của thành phố – vốn hoạt động riêng biệt với hệ thống pháp luật Trung Cộng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là luật có nhiều nguy cơ bị lật ngược. Quốc hội Trung Cộng là nơi để kháng cáo cuối cùng ở Hong Kong và có thể đưa ra “giải thích” cho bất kỳ vấn đề hiến pháp nào, tức về bản chất là viết lại Luật Cơ bản một cách nhanh chóng.
Song sự hoang mang và bất định mà các quy định mới có thể tạo ra, và một cuộc chiến dài hơi nhiều khả năng diễn ra tại các tòa án, có thể giáng một đòn mạnh vào danh tiếng của thành phố pháp quyền, vốn từ lâu được coi là điều mấu chốt đối với vị thế trung tâm tài chính và kinh doanh quốc tế của Hong Kong.

Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga phát biểu về dự luật an ninh mới trong cuộc họp báo hôm 22/5 ở Hong Kong. Ảnh: Reuters.

Ảnh hưởng toàn xã hội

Không giống như dự luật dẫn độ đã dẫn đến tình trạng bất ổn hồi năm ngoái, phạm vi của luật chống nổi loạn có thể rất rộng.
Số phận của đội ngũ báo chí quốc tế rất lớn ở thành phố là không rõ ràng. Hiện tại, các nhà báo nước ngoài được tự do làm việc tại Hong Kong, không bị ảnh hưởng bởi loại thị thực và các hạn chế khác mà các đồng nghiệp họ ở Trung Cộng đại lục phải chịu. Với luật an ninh mới, điều này có dấu hiệu sắp kết thúc.
Các biện pháp kiểm soát mới đối với việc đưa tin ở Hong Kong có thể khiến nhiều tổ chức truyền thông phải rời khỏi thành phố.
Tác động với cơ quan lập pháp của thành phố, nơi các nhà lập pháp dân chủ nắm giữ khoảng một phần ba số ghế, cũng có thể là một hệ quả. Trong những năm gần đây, các nhà lập pháp đã bị cho ra khỏi cơ quan này và một số ứng viên đã bị cấm hoạt động chính trị.
Luật mới có thể mang đến cho giới chức Hong Kong quyền hạn lớn hơn để loại bỏ các nhà lập pháp gây cản trở hoặc thậm chí truy tố họ vì đã ngăn chặn việc thông qua các luật quan trọng, đặc biệt là trên cơ sở an ninh quốc gia.

Nhà hoạt động Hoàng Chi Phong, một trong các lãnh đạo của Phong trào Dù vàng năm 2014, tổ chức họp báo về dự luật an ninh mới hôm 22/5 tại Hong Kong. Ảnh: Reuters.

Tác động của luật cũng có thể sẽ được cảm nhận bên ngoài thành phố. Các thượng nghị sĩ Mỹ sắp đưa ra một đánh giá theo Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong (HKDA) về việc thành phố này có đang duy trì đủ mức độ tự trị so với Trung Quốc hay không, điều kiện để thành phố được hưởng quy chế giao thương đặc biệt với Mỹ.

Cuối ngày 21/5, một số nhà lập pháp Mỹ cam kết sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Cộng và Hong Kong chịu trách nhiệm áp đặt luật mà họ mô tả là “vi phạm thô bạo” thỏa thuận giữa Trung Cộng với Anh để bảo vệ các quyền tự do của Hong Kong.
Hiện vẫn chưa rõ những người biểu tình hay các nhà lập pháp đối lập ở Hong Kong có thể làm gì để ngăn chặn dự luật trở thành luật.
Các nhà lập pháp đã thành công trong việc cản trở một dự luật đề xuất hình sự hóa bất kỳ hành vi xúc phạm nào đối với quốc ca Trung Cộng trong nhiều năm qua tại Hong Kong. Năm ngoái, những người biểu tình đã phong tỏa trụ sở cơ quan lập pháp Hong Kong, ngăn cản các cuộc thảo luận về dự luật dẫn độ.

Luật an ninh mới được cho là sẽ có tác động mạnh mẽ đến toàn bộ xã hội Hong Kong nếu được thông qua. Ảnh: Reuters.

Không chiến thuật nào sẽ có hiệu quả trong việc ngăn cản luật an ninh quốc gia mới.

Thời điểm – dự luật được đưa ra khi các hạn chế vì dịch bệnh vẫn còn đang được áp dụng ở Hong Kong – có thể đồng nghĩa với việc mọi người không sẵn sàng tham gia các cuộc biểu tình rầm rộ như họ từng làm hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, giữa sự bất bình lan rộng vào tối 21/5, Nathan Law, cựu nghị viên, người lãnh đạo các cuộc biểu tình trong Phong trào Dù vàng năm 2014, kêu gọi người dân Hong Kong đừng từ bỏ hoàn toàn: “Vào thời gian này năm ngoái, không phải tất cả chúng ta đều đã nghĩ rằng luật dẫn độ chắc chắn sẽ được thông qua đó sao?”.
“Người Hong Kong luôn có thể tạo ra phép màu”, ông nói.

ĐÔNG PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét