<!>Cuộc đời của Evita Perón (1919-1952) là một câu chuyện thật của một “Cô Bé Lọ Lem” đã trở thành người đàn bà nổi tiếng nhất, một Đệ Nhất Phu Nhân có uy quyền nhất trong lịch sử của quốc gia Á Căn Đình.
Evita Perón, tên nguyên thủy là Eva Maria Imbarguren, sinh ngày 7 tháng 5 năm 1919, tại Colonia Agricola La Union, một tỉnh nhỏ gần Los Toldos, Á Căn Đình. Mẹ của Eva là nhân tình của Juan Duarte, một địa chủ giầu có đã có vợ. Hai người chung sống có với nhau tất cả năm con, kể cả Eva là con út. Sau khi cha Eva bị chết vì một tai nạn xe hơi, gia đình trở thành nghèo túng và mẹ con Eva phải làm nghề nấu ăn cho những người giầu sang để kiếm sống. Đó là lúc cô gái bé nhỏ Eva bắt đầu biết nhận thức chuyện khổ sở của cái nghèo đói và thề nguyện trong tương lai sẽ làm những chuyện có thể cải thiện đời sống cho những người nghèo khổ.
Sau khi học xong lớp 6, cô bé xinh đẹp Eva bỏ không đi học và ôm mộng trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Năm 1935, khi được 15 tuổi, người thiếu nữ nhỏ Eva bỏ đi Buenos Aires với một nam ca sĩ chuyên hát nhạc tango tên là Agustin Magaldi. Trôi nổi ở một thành phố có hai triệu dân, Eva tìm cách sống còn. Với sự quyết chí, người con gái trẻ đẹp đã bắt đầu bước vào kịch nghệ, điện ảnh và chẳng bao lâu, đã thành một ngôi sao trong nghề. Hơn nữa, với một cá tính mạnh, phương thức nói chuyện hấp dẫn và lý luận minh bạch, cô còn trở thành xướng ngôn viên của ba đài phát thanh được nhiều người biết đến. Khoảng thời gian này, có những câu chuyện kể lại cho biết Eva đã dùng nhan sắc để được tiến bước trong sự nghiệp.
Năm 1944, khi tham dự một buổi hòa nhạc gây quỹ cho những nạn nhân bị động đất, cuộc đời của ngôi sao sáng Eva đến một khúc quanh khi nàng gặp Juan Domingo Perón, Đại Tá lãnh tụ nổi tiếng và đang lên của Quân Đội Á Căn Đình. Juan Perón là một người đàn ông góa vợ khá đẹp trai và cao lớn. Sinh năm 1895, Juan lớn tuổi hơn Eva khá nhiều, khoảng gấp đôi tuổi của cô khi họ gặp nhau. Nhưng, tình yêu không có tuổi. Anh hùng gặp gỡ giai nhân tài hoa, hai người đã yêu nhau ngay từ đêm đầu tiên gặp nhau, rồi sống với nhau để tiếp tục yêu nhau và cùng với nhau càng ngày càng nổi tiếng hơn.
Đến năm 1945, Juan Perón đã làm đến chức Phó Tổng Thống của Á Căn Đình, nhưng trong một xã hội với những hoàn cảnh chính trị khá hỗn loạn. Đến lúc Juan phải từ chức và còn bị bắt giữ, có thể bị thủ tiêụ Nhưng Eva đã tài tình xếp đặt mọi chuyện, xách động đám đông dân chúng đa số là những người lao động, đi biểu tình và cuối cùng giải cứu được người tình.
Sau khi Juan được thả tự do, hai người chính thức kết hôn. Rồi Juan Perón đã ra ứng cử Tổng Thống và nhờ sự tích cực của Eva sát cánh vận động bầu cử, năm 1946, Juan Perón đã đắc cử Tổng Thống thứ 29 của Á Căn Đình bằng một số phiếu bầu tuyệt đối.
Tổng Thống Juan Perón, với những ảnh hưởng thật sâu đậm từ Eva, đã làm nhiều việc nhằm mục đích cải tiến đời sống của dân lao động. Vào lúc đó, Evita Perón, trở thành người đàn bà nổi tiếng nhất, có quyền lực nhất tại Á Căn Đình và trên thế giới.
Cuộc du lịch Âu Châu của Đệ Nhất Phu Nhân Evita Perón, vào năm 1947, được tả nhiều trong sách vở. Evita được tiếp đón rất nồng nhiệt tại Tây Ban Nha, nhưng khá lạnh nhạt ở Pháp, ở Tòa Thánh Vatican và nhất là tại Anh Quốc khi Hoàng Gia Anh đã từ chối không mời Evita vào thăm Buckingham Palace. Nhưng khi từ Âu Châu trở về Á Căn Đình, hàng trăm ngàn dân chúng Á Căn Đình đã tự động rủ nhau đi đến hải cảng nô nức đón phu nhân.
Được dân chúng ủng hộ, Evita đã làm những chuyện có thể nói là cách mạng trong xã hội Á Căn Đình. Vì quá khứ của Eva, người ta đã kỳ thị không chịu mời Evita giữ chức Chủ Tịch Danh Dự của Sociedad de Beneficenca, mà theo truyền thống luôn luôn do phu nhân tổng thống quốc gia đảm trách. Evita Perón đã thẳng tay cắt đứt nguồn tài trợ của cơ quan từ thiện nổi tiếng ở Buenos Aires này và tự đứng ra thành lập, chỉ huy Eva Perón Foundation với những hoạt động xã hội, kinh tế, từ thiện... có tầm vóc lớn lao hơn rất nhiều. Nổi tiếng làm việc tận tâm hết sức mình, Đệ Nhất Phu Nhân Evita Perón đã xây dựng trường học, nhà cửa, nhà thương, xí nghiệp... cho mọi người. Người đói được thức ăn, người đau được cho thuốc uống, sinh viên được cấp học bổng, người thất nghiệp được huấn luyện việc làm.
Đặc biệt, đàn bà trong xứ sở cũng được nâng cấp. Đây là lần đầu tiên đàn bà có quyền bầu cử theo đạo luật của Evita soạn thảo, được chấp thuận và ban hành.
Nhưng cùng một lúc chính thể Perón đã trở thành độc tài, đàn áp những người chống đối không đồng ý với những sự thay đổi. Đến khoảng năm 1950, lại thêm chuyện nền kinh tế quốc gia bị xuống dốc, nhưng Juan vẫn còn tồn tại là nhờ lòng dân vẫn thương mến Evita. Năm 1951, Evita chấp nhận nguyện vọng của dân chúng, tỏ ý định ra ứng cử chức Phó Tổng Thống cùng liên danh do chồng tái ứng cử. Tuy nhiên, dưới áp lực của Quân Đội, lúc đó không chấp nhận đàn bà được làm những chức vụ cầm đầu chính phủ, Evita đành phải bỏ chuyện ứng cử.
Ngay sau đó, Evita phát giác bị bệnh ung thư cổ tử cung và bệnh đã lan khắp cơ thể từ lúc nào rồi. Bệnh ngày càng nặng. Tuy rất yếu và nhiều khi để cho khỏi đuối sức phải dựa vào chồng, Evita Perón vẫn sát cánh bên chồng đi khắp nơi vận động tranh cử. Kết quả những cố gắng hết sức mình của người đàn bà đang gần cạn sức sống đã làm Juan Perón tái đắc cử.
Ngày lễ đăng quang tiếp tục chức vụ Tổng Thống của Juan Perón cũng là lần cuối cùng dân chúng Á Căn Đình được nhìn thấy vị Đệ Nhất Phu Nhân với một hình ảnh tiều tụy, nhưng vẫn mỉm cười vẫy mừng đám đông dân chúng đứng đón chào.
Ngày 26 tháng 7 năm 1952, Đệ Nhất Phu Nhân Evita Perón từ giã cõi đời, hưởng dương có 33 tuổi. Hàng triệu người Á Căn Đình khóc than thương người đàn bà tài giỏi, một hồng nhan bạc mệnh.
Eva chết, nhưng câu chuyện của Evita vẫn chưa chấm dứt, di sản (legacy) của Evita Perón vẫn tiếp tục...
Sau cái chết của Evita Perón, không còn nền tảng từ người đàn bà số một của quốc gia, chính phủ Perón xụp đổ nhanh chóng và Juan phải buộc rời ra ngoại quốc. Dù Evita Perón đã chết, chính quyền quân nhân mới vẫn còn sợ người đàn bà, không muốn giữ thi thể của Evita trong nước, vì không muốn làm một biểu tượng cho dân chúng. Họ đã bí mật đem xác chết của Evita Perón đem chôn dấu ở một nghĩa địa nhỏ tại Milan, Ý Đại Lợi.
Tiếp theo đó nhiều chuyện xã hội, chính trị đã xẩy ra ở Á Căn Đình và cuối cùng năm 1973 Juan Perón đã hồi xứ, trở về Á Căn Đình và lại ra ứng cử Tổng Thống. Ứng cử viên Phó Tổng Thống trong liên danh lúc đó là Isabel, vợ thứ ba của Juan, sau khi Evita qua đời. Đặc biệt, Isabel Perón cũng đã từng là vũ nữ của những hộp đêm.
Luôn luôn nhắc đến Evita Perón trong khi vận động tranh cử, bằng những hình ảnh và những ảnh hưởng của Đệ Nhất Phu Nhân quá cố, Juan và Isabel Perón đã đắc cử.
Lần làm Tổng Thống cuối cùng này của Juan Perón chỉ kéo dài một năm và ông chết năm 1974 vì bệnh tử tâm cơ (myocardial infartion). Vì vậy, sau đó Isabel Perón lên chức Tổng Thống và chính Isabel đã đem thi hài Evita Perón về lại yên nghỉ ở Á Căn Đình từ năm 1976.
Cuộc đời của Evita Perón đã được viết lại trong nhiều sách báo, đưa lên một vở ca kịch và sau này vào điện ảnh với phim ca nhạc Evita (1996), do nữ tài tử Madonna thủ vai chính. Phim Evita đã đoạt ba giải thưởng Golden Globe và một giải thưởng Academy Awards về âm nhạc. Bài hát cảm động Don’t Cry For Me Argentina đã làm rung động cả thế giới.
Vì đẹp, tài giỏi và thành công, Evita Perón được hàng triệu người thương yêu, nhưng cũng vì vậy có kẻ ghét. Dĩ nhiên chỉ là con người Evita chắc cũng làm những điều xấu, nhưng có nhiều huyền thoại thêu dệt quá đáng thêm để làm lu mờ hình ảnh của người đàn bà. Những điều này có thể nói không thành vấn đề, so với cái di tặng của Evita để lại.
Đối với đại đa số người Á Căn Đình, phu nhân Evita Perón đẹp, tài giỏi, thông minh và có lòng với người nghèọ Dân chúng đã gọi Eva Perón bằng những danh hiệu Phu Nhân Của Hy Vọng (Lady of Hope), là Thánh Chủ Của Người Nghèo (Patron Saint of the Poor)...
Đệ Nhất Phu Nhân Evita Perón đã làm thay đổi xã hội và còn tồn tại trong tâm tưởng
người dân quốc gia Á Căn Đình mãi mãi...
Phạm Anh Dũng
Santa Maria, California USA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét