Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Tuổi thơ của tôi nơi miền đất đỏ Long Khánh - Cao Xuân Thanh Ngọc

2 năm, chưa xong nâng cấp con đường - Báo Đồng Nai điện tử
Tôi sinh ra và lớn lên nơi miền đất đỏ Xuân Lộc – Long Khánh. Rất nhiều lần Mẹ đã kể cho chúng tôi biết lý do tại sao gia đình chúng tôi lại “trôi dạt” về vùng quê hẻo lánh này với rừng cao su ngút ngàn, với những rẫy cà phê và vườn cây ăn trái mênh mông… Mẹ còn giải thích cho chúng tôi hiểu nghĩa của câu nói mà chúng tôi thấy rất khó nhớ: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”… Đại khái là sống trong gia đình phải theo cha, nghe lời cha mẹ, lập gia đình phải phụ thuộc theo chồng… Bà ngoại nói: “Có chồng thì phải theo chồng, chồng đi hang rắn, hang rồng cũng phải theo!” Thế là mẹ phải theo ba về “hang rắn” Long Khánh vì lúc bấy giờ, ba đang đóng quân ở đó. Mẹ về Long Khánh theo chồng bỏ lại Đà Lạt mù sương thơ mộng và ngôi trường tiểu học nho nhỏ, xinh xinh Đa Thiện với những học trò bé nhỏ thân thương với má đỏ môi hồng, với những chiếc áo len đủ màu rất đẹp, rất dễ thương; nhất là trong những giờ ra chơi, chúng hay chạy nhảy tung tăng bên cô giáo trẻ. <!>
Rồi một ngày Mẹ đành phải chia xa với học trò, với trường, với lớp, với các bạn bè đồng nghiệp kể từ sau khi ra trường sư phạm.
Thị trấn Xuân Lộc với “nắng bụi, mưa bùn sình” và chiến trận thì như gần sát đâu đây; nào là Rừng Lá, Định Quán, đường bộ về Sài Gòn, đường đi Đà Lạt… thỉnh thoảng lại mìn nổ làm những chiếc xe đò bị lật đổ ngã nghiêng, gây thương vong cho bao người dân vô tội; và hằng đêm tiếng đạn pháo kích ì ầm nghe thật gần. Mẹ bảo Ba lúc nào cũng mặc quân phục để dễ vào ra doanh trại. Và cứ thế, mẹ tôi luôn sống trong phập phồng lo sợ, hằng đêm chỉ biết cầu xin cho Ba tôi được bình an.
Ba là sinh viên sĩ quan Đà Lạt nên rất gan dạ. Từ những mặt trận nảy lửa ở miền Trung, rồi miền Tây của vùng chiến thuật, và sau đó về Sư Đoàn 18 Xuân Lộc — địa danh nổi tiếng với cuộc chiến lẫy lừng cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trước giờ rã ngũ 1975.

Mẹ từ một cô nữ sinh Đồng Khánh khả ái, với mái tóc dài đen nhánh, yểu điệu với tà áo dài màu tím hoa sim, đã làm ngẩn ngơ những chàng trai Quốc Học. Thế nhưng, trong một lần đại đội thám báo của ba hành quân ngang qua nhà ngoại, người đại đội trưởng thám báo đó với vóc dáng của chàng trai Võ Bị oai hùng, với một chút phong sương của bụi đất miền xa còn vương trên áo trận đã làm “ai đó” động lòng. Mỗi khi đoàn xe nhà binh nào ngang nhà, người “thiếu nữ ấy” lại đưa mắt dõi trông theo với lời chúc cầu an lành cho người đang xông pha ngoài trận chiến… Chỉ ít lâu sau, ba đã trở thành thành viên của dòng họ “Trần Xuân” của gia đình mẹ.
Mẹ đâu có ngờ cuộc đời của mẹ thay đổi quá nhiều khi mẹ quyết định đi theo ba, lao theo những thăng trầm của đất nước, nhiều lúc tưởng như là quá sức chịu đựng của một người đàn bà yếu đuối. Tháng Sáu năm 1975, ba đi tù cải tạo từ Long Giao, suối Máu, Yên Bái, Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh, Hoàng Liên Sơn. Mẹ ở nhà với đàn con dại. Chị Hai tôi lúc đó 7 tuổi cùng 4 đứa em mà tôi là út, mới được 4 tháng tuổi.
Những ngày tháng ba đi cải tạo, hình ảnh của mẹ lúc đó làm tôi chợt nhớ tới bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Trần Tế Xương mà tôi đã được học qua:

Quanh năm buôn bán ở ven sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công…

Sau năm 1975, mẹ được tiếp tục làm giáo viên cho trường tiểu học tại Long Khánh; có lẽ nhờ vậy mà các chị em chúng tôi được học hành tử tế. Dù bận rộn trăm công nghìn việc hằng ngày, một mình lo cho đời sống gia đình, mẹ vẫn không quên kèm dạy cho chúng tôi học bài, làm bài… Người cha thân yêu vắng nhà 10 năm, hoàn cảnh đưa gia đình tôi vào chổ bế tắc. Mẹ đã thu xếp mua được một căn nhà nhỏ bằng ván pháo binh xinh xắn làm chổ trú ngụ cho mấy mẹ con, mẹ kê được mấy bộ bàn nhỏ để mở lớp dạy thêm buổi sáng, vừa để chăm sóc cho lũ nhỏ chúng tôi; buổi chiều lên lớp dạy trường công ở ngay thị trấn.
Mẹ con chúng tôi sống được tiện nghi ấm cúng trong căn nhà đó được vỏn vẹn 6 tháng. Vào một ngày cuối tháng 3, mẹ đang đứng giảng bài ở lớp, bỗng một thanh niên hàng xóm hộc tốc chạy vào báo tin: “Nhà của cô giáo đang bị cháy lớn, người hàng xóm nấu cám heo, cháy bén qua, nhà ván bốc cháy nhanh quá, cửa khóa chặt, không thấy các con của cô đâu…”. Mẹ tôi sững người, hai chân như muốn quỵ xuống, chỉ một đoạn đường ngắn mà mẹ chạy không muốn nổi; một cô giáo chở mẹ bằng xe đạp, chạy nhanh về đám cháy. Mẹ tôi như điên dại, vừa khóc vừa tuyệt vọng, gọi tên các con và cứ muốn nhảy vào ngọn lửa tàn nhẫn đó. Mọi người ôm giữ chặt mẹ lại, vừa lúc đó có một cậu bé học trò chạy đến bảo: “Con cô giáo đang ở nhà em, tụi nó sợ quá rúc trốn dưới gầm bàn”. Nghe được, mẹ mừng quá, tưởng như vừa được sống lại, và chạy đến ngôi nhà gần đó đón chúng tôi. Chị Hai tôi bảo với mẹ nhà cháy nóng, con dắt các em và bồng bé út chạy ra, thấy người ta chạy đến đông quá, con sợ mất đồ, nên khóa cửa lại. Trong nước mắt, mẹ xoa đầu chị và nhoẻn miệng cười.

Sau trận hỏa hoạn, mẹ con tôi hầu như trắng tay, ngay cả áo quần mùng mền, tiền bạc tất cả đều bị thiêu rụi, không biết rồi đây sẽ sống ở đâu và ra sao?
Về sau này, nghe mẹ kể lại, chiều hôm đó, cô Hiệu Trưởng đã quyết định đưa mẹ con chúng tôi về trường ở tạm. Các cô giáo bận rộn tiếp khách đến thăm hỏi mẹ con tôi khi nghe tin hỏa hoạn. Một phụ huynh ở gần trường đem cho một chiếc chiếu mới trải ở văn phòng nhà trường, mẹ tôi ngồi bệt xuống đất ôm chúng tôi vào lòng như những bảo vật quý giá nhất của mẹ. Cứ thế, mẹ ngồi sững ra không một giọt nước mắt.

Các thầy cô giáo của trường lăn xăn xách nước cọ rửa một phòng học bỏ trống lâu nay, và kê ở góc phòng hai bục gỗ, trải chiếu làm chỗ ngủ cho chúng tôi. Các thầy cũng không quên kê 1 bàn học sinh kế cửa sổ và phía ngoài 1 bàn khác để chúng tôi có thể bước vào, bước ra cho tiện việc sinh hoạt hằng ngày. Các sư cô ở tịnh xá thì đem cho mùng mền, còn các phụ huynh học sinh và bạn bè người cho túi gạo, người chai nước mắm. Các cô giáo đã nhận nấu cho mẹ con tôi bữa cơm tối thật tươm tất. Tình người thật thắm thiết trong cơn hoạn nạn, thật xúc động biết bao, ân tình đó của bà con Long Khánh mẹ con tôi nhớ mãi…
Sau này mẹ bảo tối hôm đó nằm bên các con trên bục gỗ, mẹ mới hiểu được ý nghĩa của 4 chữ “màn trời chiếu đất” thật thấm thía mà trước kia tuy có đọc qua mà mẹ chưa hề quan tâm đến, và mẹ không bao giờ ngỡ mình lại có thể rơi vào những cay đắng này.
Vào năm tôi được 2 tuổi, theo mẹ kể lại, tôi bị bệnh sốt xuất huyết nặng, bệnh viện Long Khánh bó tay vì ở đấy không đủ thuốc men và phương tiện y khoa để trị liệu cơn bệnh hiểm nghèo vì bị muỗi chích đó. Bệnh viện đã khuyên mẹ tôi chuyển gấp về bệnh viện nhi đồng Sài Gòn. Thời đó, bệnh viện không có xe chuyển bệnh về Sài Gòn, thế là mẹ tôi để chị ở bệnh viện trông em, mẹ về nhà dắt mấy anh chị tôi gởi các nhà hàng xóm, thu xếp một xách nhỏ áo quần cho mẹ con, rồi bồng tôi ra đón xe đò, lúc đó đã hơn 7 giờ tối, trời lại bắt đầu lất phất mưa…

Về Sài Gòn đã một đêm, một ngày, trình bày đầy đủ giấy tờ mà tôi vẫn chưa được nhập viện. Mẹ đã trải chiếu nằm ngồi lê la ở hành lang để chờ được gọi vào khám bệnh. Các bác sĩ và y tá thì bận rộn trong phòng cấp cứu, trẻ con và gia đình từ các tỉnh đổ về bệnh viện càng lúc càng đông; cha mẹ sốt ruột ôm con trong lòng, người mẹ nào cũng mắt mũi đỏ hoe, chỉ biết chườm đá, thoa chanh cho con, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chân chạy nhanh vào phòng chăm sóc đặc biệt, tiếng người lớn khóc gọi y tá, bác sĩ ầm ĩ: “Cô ơi, bác sĩ ơi, cứu con tôi… ”. Mẹ tôi cuối cùng không còn bình tĩnh được nữa, cố đưa mắt tìm kiếm một người quen biết nào trong những bóng áo trắng đang bận rộn kia, nhưng chẳng có ai, mẹ tôi tuyệt vọng cố tìm một khuôn mặt hiền từ, thông cảm trong số các y tá và bác sĩ…

Nhìn tôi mắt nhắm nghiền và đang nóng sốt cao độ, mẹ tôi nước mắt ràng rụa, ôm chặt tôi vào lòng, cầm chặt tờ hồ sơ bệnh lý đưa cao cho một vị bác sĩ vừa từ phòng săn sóc đặc biệt bước ra. Mẹ tôi tức tưởi ôm lấy chân vị bác sĩ không cho ông bước đi: “Bác sĩ ơi, xin ông cứu giùm con tôi!”. May quá, vị bác sĩ dừng lại, nhìn qua cháu, rồi nhìn vào tờ khai bệnh lý, đọc tên tôi: “Cao Xuân…,” bác sĩ hỏi mẹ, có bà con với ông Cao Xuân Vỹ không? Không ngượng ngùng, mẹ tôi đáp ngay: “Dạ là bác của cháu!” Thế là bác sĩ ra dấu mẹ tôi bồng tôi vào phòng khám đặc biệt. Sau những chẩn đoán của bác sĩ, mẹ tôi thấy được nét không ổn trên mặt vị bác sĩ, ông viết toa bảo mẹ tôi lên lầu 3, mua gấp 2 bịch máu, mẹ tôi với đôi chân run lập cập vì mất bình tĩnh, chạy lên mấy bục cấp cầu thang, mấy lần suýt té, vừa chạy đi, vừa cầu nguyện Đức Quán Thế Âm… Đem máu về, mẹ tôi thấy bác sĩ và 2 cô y tá đang đứng cạnh giường tôi, bên cạnh giường là một xe đẩy nhỏ có lót khăn trắng, sắp một số dao kéo, bác sĩ và các y tá đều đang đeo găng tay. Một y tá đón mẹ tôi ở cửa phòng bệnh, họ không cho mẹ vào phòng săn sóc đặc biệt, cô báo cho mẹ: “Mạch của cháu lặn hết rồi, bác sĩ đang tiểu phẩu để tìm cách chuyền nước biển và máu trên trán và dưới chân cho cháu…”. Mẹ tôi chợt nấc lên khóc, vừa lo và thương tôi quá, mẹ tôi cảm thấy tủi thân, liền úp mặt vào hai bàn tay, gục đầu xuống lan can lầu bệnh viện, đau đớn và cô đơn, mẹ tôi thầm gọi tên ba tôi trong nước mắt…

Những ngày kế tiếp, bác sĩ và y tá luôn lẩn quẩn bên tôi viết toa và chích thuốc cho tôi. Mẹ tôi rối rít cám ơn bác sĩ và các cô y tá. Các cô y tá nhìn mẹ tôi dịu dàng và nói: “Chị yên tâm, bác sĩ có dặn tụi tôi phải lo cho cháu, vì là người nhà của bác sĩ!”. Sau này, mỗi lần nhắc lại chuyện trong lúc bối rối, vì bệnh tình nguy kịch của tôi, mẹ đã nói dối tôi là cháu của ông Cao Xuân Vỹ. Đến nay, chúng tôi vẫn mong có một dịp nào đó, được gặp ông và kể lại chuyện tôi đã được một vị bác sĩ cứu sống chỉ vì tôi may mắn có cái họ: “Cao Xuân…”
Trong suốt thời gian mẹ con chúng tôi sống trong căn nhà “ấm cúng”, là một lớp học của nhà trường, mẹ con chúng tôi vẫn thấy đó là một nơi chốn bình an, vì được các cô giáo và bạn bè thương mến. Mẹ tôi vừa dạy học vừa làm thêm những nghề tay trái, đan thêu và buôn bán để mong cho đàn con dại được ăn học đầy đủ. Mẹ đã mua những chiếc áo len cũ, về giặt lại cẩn thận, và tháo ra pha màu để đan những chiếc áo và mũ vớ cho trẻ em. Mẹ đan thêu rất đẹp! Mẹ cũng còn buôn áo quần trẻ em lấy từ Sài Gòn. Đến mùa hè, mẹ thường dẫn chúng tôi đi gởi cho nhà dì, nhà cậu, để cùng chị Hai và anh Ba đi Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh để thăm ba.

Đến năm tôi lên chín tuổi, tôi được mẹ dắt lên Gia Rai thăm ba vừa được chuyển trại về. Lần đầu tiên được nhìn thấy ba, cảm giác có ba thật là kỳ diệu, tôi cứ nhớ hoài, sau chuyến thăm nuôi ba đó, tôi cảm thấy cái “mặc cảm” không có ba như các bạn không còn nữa, và mẹ con chúng tôi lại phấn chấn hơn khi hy vọng ngày đoàn tụ với ba không lâu nữa.
Sau 10 năm ba ở tù cải tạo, sau nhiều bệnh hoạn “thập tử nhất sinh”, nhưng nhờ có ý chí kiên cường, và nhất là những an ủi, và tình thương về gia đình, ba tôi đã gắn gượng cho đến ngày ra trại, đoàn tụ với gia đình tại Long Khánh. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, ba được họ cho mượn đất để trồng trọt, và dạy thêm để giúp mẹ tôi tìm kế sinh nhai. Gia đình tôi, bữa cơm tối đã vang lên tiếng cười của chúng tôi rộn rã mỗi ngày. Tới mùa bẻ bắp, ba đã dặn cả nhà đi Cẩm Mỹ để thu hoạch; vất vả suốt 2 ngày, nhưng khi nhìn nét mặt hớn hở của mẹ, một chút tự hào trên khuôn mặt của ba là chúng tôi quá vui rồi. Mấy chị em, người lớn kẻ nhỏ đều quên hết mệt nhọc. Tôi còn nhỏ, được ngồi cạnh chị Hai để nấu cơm, và nướng bắp, đem cho mọi người.

Kể chuyện về Xuân Lộc – Long Khánh và khoảng đời ấu thơ của chị em chúng tôi sống cạnh mẹ, tôi nghĩ tôi có thể kể hoài không dứt, bởi vì chúng tôi có quá nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có, tủi thân có, và cay đắng vì bị thiếu thốn, bị hất hủi của bà con cũng có… Nhưng chúng tôi mỗi khi nghĩ về đoạn đường này, khoảng thời gian này, lúc nào cũng đầy ấp hình ảnh mẹ, một người phụ nữ kiên cường luôn vì chồng, vì con, và yêu thương chúng tôi hết mực. Đó là khoảng thời gian quý giá đã dạy cho chị em chúng tôi những bài học sống động; là kim chỉ nam hành động cho tôi sau này, dù gian khổ khó khăn bao nhiêu, tôi cũng không thể chùn bước; và tinh thần lạc quan luôn nghĩ “ngày mai trời lại sáng” của mẹ đã làm chúng tôi luôn nở nụ cười với đời!

Cao Xuân Thanh Ngọc
(Kỷ niệm Sinh Nhật lần thứ 36, tháng 2, năm 2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét