Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Trường Sa đã đỏ lửa từ mùa Hè 1974 - TS Nguyễn Tiến Hưng - BBC

Keystone/Hulton Archive/Getty ImagesBản quyền hình ảnhKEYSTONE/HULTON ARCHIVE/GETTY IMAGES
Image caption
Tổng thống Thiệu trong lễ khai trương một bệnh viện tại Sài Gòn hồi 3/1973"Hải Quân của Bắc Việt không thể nào vào tới tận Trường Sa, tại sao các ông phải thả neo chiến hạm ở Trường Sa?"Tướng John Murray, Chỉ Huy Cơ Quan Viện Trợ Quốc Phòng Mỹ ở Sài Gòn hỏi tôi trong một buổi Việt - Mỹ duyệt xét về tình hình viện trợ vào mùa Hè 1974, đặc biệt là tình hình chi tiêu của Quỹ Đối Giá, để có dữ liệu thông báo cho Bộ Tài Chính. Quỹ Đối Giá (Counterpart Fund) là nguồn tiền quan trọng nhất của viện trợ kinh tế Mỹ cho VNCH. Đây là một ngân khoản thu được khi nguồn tiền do 'Viện Trợ Nhập Cảng' được đổi ra tiền đồng Việt Nam. Quỹ này được cả hai phía Việt - Mỹ quản trị rất chặt chẽ.
<!>
Đầu năm 1974, có tin dồn dập là Quốc Hội Mỹ sẽ đi tới việc cấm cả việc sử dụng Quỹ này để tài trợ cho ngân sách quốc phòng. Vài tháng sau thì tin đồn này thành sự thực. Tiếp theo là hành động bết bát của Nghị sĩ Dân Chủ Ted Kennedy: ngày 11/07/1974 ông đưa ra một Tu Chính Án để cắt 50% viện trợ kinh tế cho VNCH. Washington lập tức khuyến cáo chính phủ Sài Gòn phải cắt chi tiêu ngân sách tối đa, nhất là chi tiêu quốc phòng, thí dụ như xăng nhớt và các căn cứ quân sự.
Trong bối cảnh ấy, Tướng Murray đề nghị thu hẹp phạm vi hoạt động của Hải Quân VNCH, đặc biệt là ở Trường Sa.
Nhưng mặc dù đang ở trong một tình cảnh nghiệt ngã, TT Thiệu đã quyết định ngược lại: không thu hẹp mà còn tăng cường sức mạnh của Hải Quân để chuẩn bị khai hỏa.
Tổng thống Đệ Nhị VNCH nói với BBC hồi 1973 rằng ông muốn là nhà lãnh đạo thời chiến và tin rằng người dân muốn chọn chế độ Cộng hòa hơn là Cộng sản.

Phát triển Hải Quân VNCH

Hiệp Định Paris (27/01/1973) được gọi là "Hiệp Định Da Beo" vì nó cho phép quân đội của Miền Bắc đóng lại ở Miền Nam, và đóng rải rắc khắp nơi như những đốm da beo trên bản đồ. Vì vậy, Lục Quân VNCH không được vận chuyển qua những đốm này, và Không Quân thì cũng không được bay trên bầu trời bao phủ nơi đây.
Riêng Hải Quân thì lại không bị ảnh hưởng, vì vào lúc ký kết hiệp định thì trên mặt biển hoàn toàn không có chiến hạm của Bắc Việt thả neo, cho nên không có đốm nào cả, và vì vậy Hải Quân tiếp tục làm chủ được đại dương với sức mạnh bảo vệ các hải đảo.
Theo như đánh giá của TT Thiệu thì việc phát triển Hải Quân VNCH là thành công lớn nhất của chương trình Việt Nam Hóa (Vietnamization).
Có thể là vì ông đã tiên đoán rất đúng rằng Trung Quốc sẽ nhòm ngó Hoàng Sa và Trường Sa sau khi Mỹ rút khỏi Miền Nam cho nên đã thuyết phục được Đô Đốc Hải Quân Mỹ, Emmo Zumwalt tích cực yểm trợ.
Chỉ trong vòng có năm năm, các cơ xưởng của Hải Quân đã có thể dự trữ tới 64.200 vật liệu và phụ tùng để sửa chữa và bảo trì cho 1.429 tầu chiến - từ Khu Trục Hạm, Tuần Dương Hạm tới Dương Vận Hạm, Xà Lan chở dầu. Hệ thống tiếp liệu của Hải Quân còn được Bộ Quốc Phòng Mỹ đánh giá là lớn lao nhất và hiệu quả nhất Đông Nam Á.
Khi quân viện bị cắt vào Hè 1974 thì khả năng hùng hậu ấy tuy bị suy giảm vì thiếu phụ tùng bảo trì và xăng nhớt, nhưng hoạt động bị ảnh hưởng nhiều nhất là công tác tuần giang: kiểm soát sông ngòi và sát ven biển. Hải Quân phải giải tán 600 giang thuyền, trong đó 240 giang thuyền thuộc quyền xử dụng của Địa Phương Quân, nhưng lực lượng và khả năng các loại hải hạm vẫn còn nguyên vẹn: 93 tầu biển và trên 1.300 tầu loại nhỏ.
Ngoại trưởng Mỹ William Rogers (1969-1973) ký hiệp định hòa bình Paris tháng Giêng 1973Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionNgoại trưởng Mỹ William Rogers (1969-1973) ký hiệp định hòa bình Paris tháng Giêng 1973

Mỹ đề nghị rút chiến hạm khỏi Trường Sa

Trong bối cảnh quân viện bị cắt thật nhanh, Mỹ đề nghị rút chiến hạm khỏi Trường Sa và đóng cửa một số cơ sở của Hải Quân ở Vùng IV. Trở lại buổi họp với Tướng John Murray trên đây: ông nói: sở dĩ phải đề nghị như vậy vì đã nhận được chỉ thị từ Washington về vấn đề cắt giảm chi tiêu, thực tế nhất là tiết kiêm xăng nhớt vì giá dầu đã tăng lên gấp bốn lần sau cuộc chiến Do Thái - Ai Cập vào mùa Thu năm trước.
Đây là vấn đề quân sự, nhưng lúc ấy vì một tình cờ chúng tôi mới biết được đề nghị của Tướng Murray vì nó liên hệ tới ngân sách viện trợ (là lãnh vực của chúng tôi). Trong một báo cáo gửi TT Thiệu, ông Murray đề nghị nên rút chiến hạm ra khỏi Trường Sa và đóng cửa bốn căn cứ Hải Quân ở vùng Đồng bằng Cửu Long, chúng tôi còn ghi lại rất rõ ràng:
"Ngoài Xưởng Đóng tầu và Trung tâm tiếp liệu, chúng tôi thấy Hải Quân VNCH có bốn loại cơ sở: những căn cứ yểm trợ hành quân, yểm trợ chuyển vận, yểm trợ nhanh (immediate-support bases - ISB's), và những cơ xưởng sửa tầu. Trong số này, chúng tôi thấy VNCH nên đóng lại những cơ sở sau đây để tiết kiệm tiền bạc và tăng hiệu năng:
1.Căn cứ yểm trợ hành quân ở Cần thơ;
2.Hai căn cứ yểm trợ hành quân tại Vĩnh Long, và Long Phú;
3.Hai căn cứ sửa tầu ở Cửu Long và Cần Thơ; và
4.Hai căn cứ yểm trợ nhanh ở Chợ Mới (An Giang)và Thuận An (Bình Dương)."
TT Thiệu hành động ngược lại, ra lệnh bảo vệ Trường Sa
Cố vấn Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ tại Paris, 1973Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionCố vấn Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ tại Paris, 1973
Tôi hỏi Tướng Murray tại sao nên rút chiến hạm khỏi Trường Sa? Ông Murray trả lời là vì hai lý do:
--thứ nhất, nguyên tiền xăng nhớt cho hai chiến hạm ở đây đã tốn tới nửa triệu đôla một năm, một khoản tiền lớn lúc đó vì ngân sách quốc phòng đã cạn; và
--thứ hai: thả neo ở Trường Sa là không cần thiết vì "Hải Quân của Bắc Việt không thể nào vào tới tận Trường Sa."
Họp xong, tôi vội vào Dinh Độc lập báo cáo với TT Thiệu. Ông nhìn tôi, lắc đầu và nói:
"Bắc Việt không thể nào vào tới Trường Sa nhưng sau Hoàng Sa, Trung Cộng đã ngừng để nghỉ ngơi, tái phối trí, nhưng rồi sẽ tiến thẳng tới Trường Sa."
Chúng tôi cho rằng: sở dĩ ông nhất quyết như vậy - dù đã sắp hết tiền mua xăng - một phần cũng vì ông muốn bảo vệ kho tàng dầu lửa. Lúc ấy thì chưa ai biết được rằng khi ông ra lệnh khai hỏa ở Hoàng Sa vào đầu năm 1974 thì Bộ Ngoại Giao Mỹ dưới quyền Bộ trưởng Henry Kissinger đã gửi chỉ thị cho tòa Đại sứ ở Sàigòn là phải can ngăn ông Thiệu "đừng có đụng độ thêm nữa với lực lượng Trung Quốc về mấy hòn đảo này." (Kissinger là người đã tác động TT Richard Nixon cứu vớt Trung Quốc khỏi bị Liên Xô tấn công nguyên tử vào năm 1969, rồi mở cửa Bắc Kinh, đóng cửa Sàigòn, và giúp cho Trung Quốc trở nên một cường quốc như ngày nay).
Quân Nam Hàn ra về tháng Hai 1973Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionQuân Nam Hàn ra về tháng Hai 1973
Nhưng vấn đề không phải là mấy hòn đảo nhỏ bé hay bãi cạn mà cái gì nằm ở dưới những hải đảo, bãi cạn này.
Bởi vậy TT Thiệu đã ra lệnh cho Hải Quân đưa những chiến hạm mạnh mẽ nhất tới Trường Sa để chuẩn bị khai hỏa. Rút tỉa bài học từ Hoàng Sa, rất có thể là ông cũng đã có kế hoạch sử dụng không quân ngay từ đầu cuộc chiến để bắn chìm tầu Trung Quốc chứ không đợi tới sau hải chiến.
Nhắc lại về trận Hoàng Sa: cuối ngày hải chiến (19/01/1974) vào 8 giờ tối TT Thiêu ra mật lệnh cho Không Quân dùng phản lực cơ chiến đấu siêu thanh F5-E để phản công. Vì F5-E có trang bị bom tầm nhiệt nên chắc chắn những phi vụ này đã thành công vì chiến hạm Trung Quốc phun khói nóng, giầy đặc góc trời. Ngày hôm sau đoàn phi công đã cất cánh, nhưng vừa bay được khoảng trên một trăm dậm thì phải quay về ví áp lực từ Đệ Thất Hạm Đội yêu cầu ngừng kế hoạch oanh tạc, nhấn mạnh rằng sẽ không có 'top cover' - yểm trợ trong trường hợp bị phi cơ của Trung Quốc từ căn cứ ở Hải Nam bay lên để không chiến, và cũng không có "rescue" - cứu vớt nếu bị bắn rơi (xem tường thuật của Đại tá phi công Nguyễn Quốc Hưng trong cuốn Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 25).
Phản hồi lại giai thoại này, chúng tôi thấy rõ lý do TT Thiệu cương quyết như vậy là vì ngay sau lớp chiến hạm của Hải Quân là các công ty quốc tế đang hoạt động rất thành công trong việc tìm kiếm dầu lửa, dầu khí. Theo ước tính thì cuối năm 1975 sẽ có tới 20 giàn khoan hoạt động. Hai hãng Esso và Sunningdale lại còn dự định bắt đầu khoan dầu vào ngay tháng Tư 1975.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dự một sự kiện tháng 3/1973Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTổng thống Nguyễn Văn Thiệu dự một sự kiện tháng 3/1973

Niềm hy vọng dang dở

Triển vọng dầu lửa thì đã trở nên lạc quan ngay từ Hè 1974. Ngày 17/08/1974 hãng Pecten đào trúng dầu ở lô 08-TLD, đặt tên là HỒNG -X. Rồi giếng thứ hai, đặt tên là DỪA 1-X. Pecten rất vui mừng, quyết định tiến hành khai thác ngay lô 06-LTD, tìm thấy có dấu hiệu còn khả quan hơn nữa. Tin mừng cứ thế mà đến.
Ngày 11/02/1975, hãng Mobil đào tới độ sâu 3.000 mét, thu được 430 thùng dầu/ngày cùng với 5.600 mét khối dầu khí. Bảy ngày sau, lại thu được 2.400 thùng dầu và 25.000 mét khối dầu khí. Kết quả này được liên doanh Mobil - Kaiyo đánh giá là rất có triển vọng. Mobil ước tính chỉ tới 1977 sẽ khai thác được lượng dầu thương mại khả quan tại mỏ này. Tin vui được gửi nhanh về Sài Gòn: biết đâu biết đâu đấy, chỉ trong vài ba năm sẽ có thể xuất cảng tới 1 tỷ đôla mỗi năm (tương đương 4,3 tỷ đôla năm 2020), triển vọng cho một Miền Nam trù phú có thể tự lực, tự cường mà không còn phải nhờ vả vào người đồng minh Hoa Kỳ nữa, đã thực sự tới.
Ngày 24/02/1975 (chỉ trên hai tháng trước sụp đổ) Việt Tấn Xã từ Sàigòn loan tin:
"Hôm nay, 15 giờ, thứ hai, tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã rời Sài Gòn đi quan sát giếng dầu Bạch Hổ-IX được khoan cách Sài Gòn chừng 200 cây số về hướng đông nam trên thềm lục địa Việt Nam. Cùng tham dự với tổng thống hôm nay có Thủ tướng Chính phủ Trần Thiện Khiêm, ông Tổng trưởng Kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng, ông tổng cục trưởng Dầu hỏa và khoáng sản Trần Văn Khởi và ông Tổng giám đốc Mobil Vietnam Peter Gelpke."
Trên chuyến bay ra khơi, xa xa khi nhìn thấy ngọn lửa cháy sáng rực trời từ những ống khí trên giàn khoan, vẻ mặt ông Thiệu tươi vui hẳn lên. Ông đăm đăm nhìn thật chăm chú. "Bao giờ thì mới thực sự có dầu," ông quay lại hỏi tôi. "Thưa Tổng thống, theo Bộ Kinh tế ước tính dựa trên những thông tin của các hãng thăm dò thì muộn lắm là tới cuối năm 1977," tôi trả lời. Trong bối cảnh chiến trường bắt đầu sôi động, kinh tế khủng hoảng, đồng thời lại liên tục nhận được những tin tức đen tối cúp viện trợ từ Washington, ngọn lửa nghi ngút thoát ra từ những ống dầu khí ngoài khơi đã chiếu rọi được một tia sáng hy vọng vào tâm trí người lãnh đạo Miền Nam.
Trên giàn khoan, khi chuyên gia trình bày về khả năng sản xuất, ông Thiệu lắng nghe mọi chi tiết. Người chuyên gia kết luận rằng nếu có thêm sự khuyến khích thì các hãng có thể tăng phương tiện để khai thác nhanh hơn. "Khuyến khích làm sao," ông nhìn tôi hỏi. Tôi trình bày rằng có thể xem xét lại hợp đồng rồi cho họ chia phần thật cao, hoặc nghiên cứu khía cạnh thuế má để cho họ ưu đãi nhiều hơn khi họ bắt đầu xuất cảng. Ông Thiệu đồng ý ngay: "Được chứ, được chứ."
Quân đội VNCH năm 1973Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionQuân đội VNCH năm 1973

Ghi chú cho lịch sử về Trường Sa

Hồi tưởng tới giai thoại này, chúng tôi xin ghi lại một chú thích cho lịch sử: khi tháp tùng TT Thiệu ra thăm giàn khoan như đề cập trên đây, chúng tôi có được nghe chuyên gia của hãng đào dầu thuyết trình về tiềm năng dầu lửa của Trường Sa tuy là lớn lao nhưng bị rò rỉ:
"Mỏ dầu vĩ đại của các ông dính liền với mỏ dầu của Indonesia, cho nên các ông rất thiệt thòi nếu không gấp rút khai thác."
Indonesia là thành viên của OPEC. Thu nhập từ xuất cảng dầu chính là động lực phát triển kinh tế của nước này. Hoạt động khai thác đã bắt đầu ngay từ năm 1871 ở Bắc Sumatra, như vậy là lâu vào hàng nhất thế giới. Năm 1973/1974 khi giá dầu thô tăng lên gấp bốn lần, Indonesia được hưởng số ngoại tệ cũng tăng theo gấp bốn lần, quốc tế gọi là "oil bonanza." Đang khi đó, Miền Nam Việt Nam điêu đứng vì bão tố siêu lạm phát đã ập tới. Miền Bắc thì không bị ảnh hưởng vì có Liên Xô cung ứng xăng dầu theo hiệp định giữa hai nước ký kết vào năm 1968.
Dân gian ta thường nói: "nước ta có tiền rừng bạc biển." Tiền rừng thì chẳng có là bao, vả lại khai thác gỗ quý mà xuất cảng thì lại phá hủy hệ sinh thái, nhưng tiềm năng bạc biển thì thật lớn. Cho nên, nếu những giếng dầu của Việt Nam thực sự nối kết với những giếng của Indonesia - như chúng tôi được nghe từ các chuyên gia - thì thật là thiệt thòi cho người dân Việt.
Như vậy là Indonesia đã khai thác dưới lòng biển từ cả trăm năm rồi, bây giờ thì Trung Quốc khai thác - vừa ở dưới vừa ở trên mặt biển.

Biển Đông trong câu chuyện hôm nay

Đục nước béo cò: khi cả Việt Nam, cả Mỹ, và hầu hết các quốc gia trong khu vực đang chìm đắm trong cảnh điêu linh Covid-19, Bắc Kinh công bố thành lập hai huyện đảo để kiểm soát cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa, rồi tăng tốc gây hấn ở Biển Đông. Philippines vừa cực lực phản đối việc Bắc Kinh tuyên bố một phần lãnh thổ Phi là thuộc về tỉnh Hải Nam.
Nối kết Hải nam với Hoàng Sa, rồi Trường Sa, rồi Scarborough của Philippines thì "Vạn Lý Trường Thành trên biển" mà Trung Quốc quyết tâm thiết kế đã sắp hoàn thành.
Đối với Mỹ thì khu vực này là rất quan trọng, vì không những nó nằm sát đường vận chuyển hàng hải quốc tế chính yếu mà còn là tuyến phòng thủ miền Tây của nước Mỹ - như TT Lyndon Johnson đã từng tuyên bố: "Nếu bỏ khu vực Biển Đông thì Mỹ tất phải rút về San Francisco."
Câu hỏi nhiều người đặt ra là tại sao Mỹ không phản ứng trước những hành động mới đây của Trung Quốc?
Thực ra thì TT Trump đã phản ứng trong thời gian gần đây. Mặc dù mất ăn mất ngủ trong bốn tháng bị Hạ Viện với đa số Dân Chủ điều tra để bãi nhiệm - và truyền thông được cơ hội tấn công ào ạt, tiếp đến là nạn dịch Covid-19, ông cũng đã hành động khá mạnh mẽ trong vụ TQ - VN và TQ - Malaysia ở Biển Đông, cảnh cáo TQ không được dùng pandemic để gây rối loạn, cũng như vừa cùng Australia đi vào các đảo TQ đang chiếm đóng, và tàu Mỹ vừa đi qua Eo biển Đài Loan lần thứ hai trong tháng Tư này.
Mặt khác, bầu cử đã sắp tới, ông Trump cũng không muốn làm mạnh để không có lơi cho mình.
Lịch sử Mỹ đã chỉ ra rằng: cứ bốn năm, khi có cuộc bầu cử tổng thống thì chính quyền đương nhiệm phải tự kiềm chế những hành động có tính cách hiếu chiến, và tìm đủ mọi cách để mang viễn tượng hòa bình đến cho dân chúng Mỹ thì mới mong thành công. Điều này thì TQ cũng đã biết quá rõ. Cho nên, ta phải chờ sau bầu cử (3/11/2020) thì mới có câu trả lời rõ ràng hơn.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, TS Nguyễn Tiến Hưng, nguyên giáo sư kinh tế tại N.C. Wesleyan College, Trinity College, và Howard University, và là kinh tế gia của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (1966-1070). Ông là Cựu Tổng trưởng Kế hoạch VNCH từ năm 1973 đến 1975, và là Phụ tá về Tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản - ngoài những sách về kinh tế - các cuốn The Palace File (Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập) (1986), Khi Đồng Minh Tháo chạy (2005), Tâm Tư Tổng Thống Thiệu (2010) và Khi Đồng Minh Nhảy Vào (2016).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét