Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Thiếu ngủ và tác hại nghiêm trọng cho não, DNA và đời sống xã hội








Chúng ta đều biết rằng ngủ đủ giấc quan trọng. Chúng ta cũng biết rằng khi không tỉnh táo sẽ dễ gắt gỏng, làm việc không hiệu quả, đau đầu, mệt mỏi. Nhưng bạn có biết rằng việc thiếu ngủ còn dẫn đến các hệ quả nghiêm trọng hơn, như thiếu chất dinh dưỡng, phá hủy các mối quan hệ, thậm chí làm hỏng não bộ.
<!>

Thiếu ngủ ảnh hưởng đến chất lượng ngày làm việc của bạn

Ít ‘làm việc’ tại nơi làm việc là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bạn không có được một  giấc ngủ ngon. (Ảnh: Aaron Jacobs/Flickr)
Bạn có thể uống cà phê để tỉnh táo tạm thời, nhưng sẽ không thể chịu đựng sự mệt mỏi ngày này qua tháng khác. Thiếu 16 phút đi ngủ đã đủ làm thay đổi năng suất làm việc của bạn. Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Sleep Health cho thấy người lao động có nhiều khả năng không hoàn thành các nhiệm vụ được giao nếu ngủ không ngon. Nhiều lần lặp lại khiến mức độ căng thẳng trong người họ tăng cao. Tác giả chính Soomi Lee, trợ lý giáo sư tại Trường Nghiên cứu Lão hóa tại Đại học Nam Florida, cho biết phát hiện từ nghiên cứu này khiến các doanh nghiệp chú ý hơn về chất lượng giấc ngủ cho các nhân viên. Những người ngủ ngon có kết quả làm việc tốt hơn, mức độ tập trung cao hơn và cũng không gây xung đột với đồng nghiệp.

Thiếu ngủ ảnh hưởng đến những món bạn ăn

Mức độ hấp thụ magiê có thể giảm khi bạn ngủ không đầy đủ. (Ảnh: Evan Lorne / Shutterstock)
Một nghiên cứu của tác giả Chioma Ikonte cho thấy những người ngủ ít hơn bảy tiếng một đêm nhận được lượng chất dinh dưỡng chính thấp hơn (gồm vitamin A, D, B1, magiê, niacin, canxi, kẽm, phốt pho). Nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ, các nhà khoa học cũng đề xuất nghiên cứu cả hướng ngược lại: Liệu bổ sung chất dinh dưỡng có giúp chúng ta ngủ ngon hay không?

Thiếu ngủ ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội

Sau một đêm không ngủ, bạn có thể là một người khó chịu và có thể không muốn tương tác với người khác. (Ảnh: Shutterstock)
Theo một nghiên cứu từ Đại học California, mất ngủ có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với người khác. Tác giả nghiên cứu Matthew Walker – giáo sư UC Berkeley về tâm lý học và khoa học thần kinh cho biết tình trạng mệt mỏi sẽ làm bạn không muốn giao tiếp xã hội. Khi mọi người nhận ra sự khó chịu đó, bạn rơi vào tình trạng bị cô lập và lại càng ít ngủ hơn. Con người luôn phải hòa nhập với xã hội, thiếu ngủ có thể làm bạn trở thành một cá thể cô đơn. Nghiên cứu khảo sát 18 sinh viên đại học vào những đêm họ ngủ ngon và ngủ không ngon. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những sinh viên bị thiếu ngủ có xu hướng xa lánh người khác từ 18% đến 60% so với những sinh viên ngủ ngon cả đêm. Các nhà nghiên cứu cũng phân tích kết quả quét não và phát hiện ra rằng thiếu ngủ làm tăng hoạt động của não trong một mạch thần kinh được gọi là “mạng không gian gần” (nơi não nhận biết các mối đe dọa tiềm ẩn của con người). “Chỉ một đêm ngủ ngon sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái và tự tin hơn về mặt tiếp xúc xã hội, hơn thế nữa, bạn sẽ thu hút người khác đến với mình” – giáo sư Walker. Mất ngủ thường xuyên khiến tinh thần và thể chất bị suy nhược mệt mỏi. Đặc biệt đối với phụ nữ, thường rối loạn nội tiết tố, khiến tâm trạng không vui.  Lúc nào cũng bực bội, nóng giận, cáu gắt vô cớ, gây nên tâm trạng chán chường trong công việc và các mối quan hệ xã hội.

Thiếu ngủ có thể làm hỏng DNA của bạn

Bạn có thể thấy tác động của giấc ngủ trong DNA của bạn. (Ảnh: Caroline Davis2010 [CC BY 2.0] / Flickr)
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Hồng Kông đã nghiên cứu trên 49 bác sĩ (một nửa làm ca đêm) để xác định xem việc ngủ ít có ảnh hưởng gì đến DNA hay không. Nhóm làm qua đêm ngủ trung bình hai đến ba tiếng, nhóm còn lại ngủ bảy tiếng một đêm. Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu của từng bác sĩ, kết quả cho thấy các bác sĩ làm việc xuyên đêm có DNA bị phá vỡ nhiều hơn, gen sửa chữa DNA ít hơn. Các nhà nghiên cứu cho biết DNA bị ảnh hưởng có thể khiến chúng ta tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, các bệnh về tim mạch, thoái hóa thần kinh. Về lâu dài, bạn sẽ phải đối mặt với bệnh mãn tính. Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác định DNA bị phá hủy có ảnh hưởng lớn đến mức nào đối với tình trạng thiếu ngủ và các bệnh mãn tính.

Thiếu ngủ có thể làm gián đoạn hoạt động của não

Thức dậy khi bạn nên ngủ ảnh hưởng đến hiệu suất tinh thần của bạn. (Ảnh: Shutterstock)
Một chức năng quan trọng của giấc ngủ là giúp các cơ quan trong cơ thể như gan, phổi, tụy, ruột…thải độc. Khi ngủ đủ giấc, bạn sẽ cảm thấy khỏe mạnh, tâm trí thư thái vào sáng thức dậy. Tình trạng không ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ không đảm bảo gây ảnh hưởng đến não bộ và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Điều này khiến bạn khó tập trung hơn, khả năng ghi nhớ và tập trung gặp khó khăn, dễ nóng nảy, bứt rứt. Giấc ngủ bị gián đoạn có thể ảnh hưởng đến mức độ dẫn truyền thần kinh, não sẽ giải phóng kích thích tố căng thẳng. Điều đó cho thấy việc giấc ngủ bị gián đoạn có thể tàn phá não gây ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, điều chỉnh cảm xúc và có thể gây nên các vấn đề tâm lý.

Thiếu ngủ có thể gây tổn thương não

Ngủ ít có thể khiến bộ não của bạn bị  rối loạn. (Ảnh: Tatiana Shepeleva / Shutterstock)
Một nghiên công bố trên tạp chí Sleep cho thấy không ngủ ban đêm hoặc ngủ ít thực sự có thể làm hỏng não của bạn. Các nhà nghiên cứu đã phân tích các protein thường gặp ở những người bị tổn thương não và nhận thấy mức protein đó cao hơn (20%) ở những người làm việc suốt đêm so với người ngủ ngon giấc. Trong lúc ngủ, các khớp thần kinh không quan trọng sẽ bị loại bỏ và mối liên kết giữa các khớp thần kinh quan trọng sẽ được củng cố. Khi bạn mất ngủ (hoặc tệ hơn là không ngủ chút nào), não không thể thực hiện những hoạt động sửa chữa và bảo trì quan trọng đó.Thiếu ngủ gây ảnh hưởng đến huyết áp của bạn
(Ảnh: Shutterstock)
Trong một nghiên cứu nhỏ tại Đại học bang Pennsylvania, các sinh viên được yêu cầu ngủ thêm một giờ mỗi đêm. Các sinh viên đeo máy đo gia tốc trên cổ tay để ghi lại chuyển động và giấc ngủ. Tuần đầu tiên, họ ngủ như bình thường, tuần thứ hai thì tăng thời gian ngủ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 77% sinh viên tăng thêm 15 phút ngủ mỗi đêm, 66% tăng thêm 30 phút mỗi đêm. Rõ ràng các sinh viên đều cảm thấy bớt mệt mỏi vào ban ngày. Thêm vào đó, huyết áp tâm thu của họ còn giảm bảy điểm (huyết áp tâm thu là áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp. Con số này luôn được quan tâm hơn cả, vì thể hiện được khả năng bơm máu của tim cung cấp đến các cơ quan. Cụ thể, trong mỗi nhịp tim đập, một lượng máu được tống từ tim đi ra khỏi cơ thể, áp lực của lượng máu đó đặt trên thành động mạch gọi là huyết áp tâm thu). Anne-Marie Chang, trợ lý giáo sư về sức khỏe và điều dưỡng sinh học, cho biết bảy điểm là một thay đổi lớn về huyết áp tâm thu.
Minh Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét